Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 04/6/2020

  • |
T5g.org.vn - Công tác điều trị cho người nhiễm Covid-19 tiếp tục đạt kết quả tốt; Đẩy nhanh dự án xây dựng Bệnh viện Chợ Rẫy Việt - Nhật; Cả nước chỉ còn 26 bệnh nhân COVID-19 đang điều trị…

 

Thêm cơ hội cứu sống người bệnh

Hơn mười năm nay, Bệnh viện Hữu nghị Việt Ðức tập trung vào phát triển nhiều kỹ thuật chuyên sâu ngang tầm với khu vực và thế giới, trong đó có lĩnh vực ghép tạng. Những kỹ thuật tiên tiến đó đã và đang được các thầy thuốc của Việt Ðức chuyển giao cho tuyến dưới để mở ra cơ hội cứu sống nhiều người bệnh.

Là đơn vị ngoại khoa đầu ngành của cả nước, mỗi năm Bệnh viện Hữu nghị Việt Ðức thực hiện khoảng 70 nghìn ca phẫu thuật, trong đó hơn 70% là phẫu thuật loại một và loại đặc biệt. Ðến nay, Bệnh viện là đơn vị dẫn đầu cả nước về ghép tạng từ người cho chết não; là cơ sở lớn nhất ở Việt Nam có kinh nghiệm trong việc lấy đa tạng từ người chết não để ghép cùng lúc cho nhiều người bệnh. Nhờ đó đã giải quyết được những vấn đề về chết não như: Chẩn đoán chết não, hồi sức chết não để lấy tạng ghép, chỉ định lấy các tạng ghép của người bệnh chết não, các kỹ thuật lấy và bảo quản tạng ghép ở người chết não… Ðiều này đã giúp thực hiện những ca ghép tạng không thể lấy từ người cho sống như ghép tim, ghép tụy, ghép phổi, ghép đa tạng… góp phần giải quyết được vấn đề khó khăn nhất của ghép tạng là thiếu nguồn cho tạng.

Trong phẫu thuật tim mạch, Bệnh viện cũng luôn giữ vững vai trò tuyến cuối, đáp ứng nhu cầu điều trị ngoại khoa các bệnh tim mạch phức tạp và nặng nhất. Tại Việt Nam, ca ghép tim từ người cho đa tạng thực hiện lần đầu tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Ðức năm 2011 đã mở ra một hướng mới điều trị người bệnh bị bệnh tim giai đoạn cuối ở Việt Nam; có thể lấy đa tạng để ghép cho nhiều người bệnh và ghép đa tạng (cùng một lúc ghép hai tạng trên một người bệnh). Ðây là bằng chứng rõ ràng về sự tiến bộ vượt bậc trong ghép tạng. Ðáng chú ý, năm 2018, lần đầu tại Việt Nam, các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Ðức đã lấy đồng thời sáu tạng để ghép từ cùng một người cho đa tạng chết não. Các bác sĩ đã ghép năm tạng cùng một thời điểm cho bốn người bệnh và điều phối "xuyên Việt" đưa một quả thận vào ghép cho một bệnh nhi ở TP Hồ Chí Minh. Trong giai đoạn từ năm 2009 - 2019, có 57 người bệnh chết não hiến tạng, Bệnh viện Hữu nghị Việt Ðức đã ghép tim cho 25 trường hợp, ghép phổi cho hai trường hợp, ghép gan cho 54 trường hợp và ghép thận cho 99 trường hợp.

Nhằm phát triển phẫu thuật ghép tim thành phẫu thuật thường quy, có thể áp dụng ở những trung tâm tim mạch lớn trong cả nước, năm 2016, Bệnh viện Hữu nghị Việt Ðức đã chuyển giao kỹ thuật "Ghép tim từ người cho chết não" cho Bệnh viện Chợ Rẫy, giúp những người mắc bệnh tim tưởng chừng không thể cứu chữa hồi sinh cuộc đời. Tiếp nối những thành công đó, mới đây, Bệnh viện Hữu nghị Việt Ðức tiếp tục chuyển giao kỹ thuật ghép tim này cho Bệnh viện đại học Y dược TP Hồ Chí Minh. Các nội dung đào tạo, chuyển giao kỹ thuật gồm có: Ðiều trị người bệnh suy tim; hồi sức người bệnh nhận tim; chẩn đoán người bệnh chết não; hồi sức người bệnh chết não hiến đa tạng; gây mê trong phẫu thuật lấy đa tạng; gây mê trong phẫu thuật ghép tim; phẫu thuật lấy tim từ người hiến đa tạng; phẫu thuật ghép tim; hồi sức người bệnh sau ghép tim; điều trị, theo dõi người bệnh sau ghép tim; chạy máy tim phổi nhân tạo trong ghép tim; điều dưỡng chăm sóc người bệnh sau ghép tim… Trong thời gian đào tạo, các chuyên gia đầu ngành của Bệnh viện Hữu nghị Việt Ðức sẽ hỗ trợ Bệnh viện đại học Y dược TP Hồ Chí Minh cả về con người và máy móc. Ðây sẽ là tiền đề để hai đơn vị tiếp tục hợp tác triển khai gói kỹ thuật ngày càng hiệu quả, giúp người bệnh được thụ hưởng các dịch vụ y tế kỹ thuật cao và giảm chi phí cho người bệnh.

Sự hợp tác, chuyển giao kỹ thuật giữa Bệnh viện Hữu nghị Việt Ðức và các bệnh viện lớn là mô hình hợp tác mẫu về sự hỗ trợ giữa các bệnh viện cùng hội nhập và phát triển, đánh dấu sự khởi đầu cho lĩnh vực ghép tim tại các đơn vị, góp phần tăng cơ hội cho người bệnh chờ ghép tim tại miền nam và cả nước. Sự thành công của việc ghép tạng mở ra triển vọng điều trị những người bệnh có các tạng bị suy giai đoạn cuối và góp phần thúc đẩy nhiều chuyên ngành y học khác. Sự trưởng thành của nền y học Việt Nam đang mang lại cho người bệnh những hy vọng sống cùng cơ hội vượt qua các căn bệnh hiểm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống. (Nhân dân, trang 5).

 

Công tác điều trị cho người nhiễm Covid-19 tiếp tục đạt kết quả tốt

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống Covid-19, ngày 3-6 cả nước không ghi nhận ca mắc Covid-19 mới, trong khi đó tiếp tục có bốn người bệnh đang điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Thái Bình được công bố khỏi bệnh (người bệnh thứ 305, 309, 317, 318). Hiện sức khỏe bốn người bệnh này ổn định, không sốt, không ho, không khó thở, đủ điều kiện công bố khỏi bệnh, tiếp tục được cách ly và theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo.

Ðáng chú ý, sau gần ba tháng điều trị, người bệnh thứ 19 (bệnh nặng nhất trong số các ca Covid-19 điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư) đã được ra viện về với gia đình. Quá trình điều trị, người bệnh từng diễn biến rất nặng, nhiều lúc nguy kịch, đã có ba lần ngừng tuần hoàn, phải can thiệp thở máy xâm nhập, chạy hệ thống tim phổi nhân tạo (ECMO). Hiện người bệnh đã tự đi lại, ăn uống và sinh hoạt bình thường.

★ PGS, TS Lương Ngọc Khuê, Phó Trưởng Tiểu ban Ðiều trị (Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19) cho biết: Sau khi áp dụng các phương án điều trị theo tinh thần các cuộc hội chẩn, tình trạng sức khỏe người bệnh thứ 91 đã được cải thiện tốt hơn. Hai ngày qua, các thông số ECMO được giảm dần.

Ðến sáng 3-6, người bệnh 91 đã ngừng sử dụng ECMO. Người bệnh tỉnh, phản xạ ho mạnh hơn, chức năng thận dần hồi phục... Tuy vậy, tình trạng của người bệnh thứ 91 vẫn còn nặng, cần được chăm sóc, theo dõi sát các chỉ số và tình trạng nhiễm trùng nặng, kháng thuốc. Bệnh nhân còn cần nhiều tuần để cai máy thở và phục hồi chức năng vận động và các chức năng khác.

★ Trong ngày 3-6, các địa phương tiếp tục triển khai hoạt động hỗ trợ người bị ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ðến nay tỉnh Thái Nguyên đã chi trả hỗ trợ đợt một cho 166.894 người, bằng 99,52% số người nghèo, cận nghèo, người có công và bảo trợ xã hội. Bảy trong tổng số chín huyện, thị xã và thành phố đã chi trả xong cho các đối tượng này. Hiện còn hơn 800 người ở huyện Võ Nhai và Ðồng Hỷ chưa được chi trả là do vắng mặt tại địa phương, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh đang tích cực đôn đốc, làm việc cụ thể với hai huyện này để hoàn thành chi trả trong thời gian sớm nhất. Tỉnh Thái Nguyên sẽ đẩy nhanh tiến độ thống kê, rà soát, thẩm định để hỗ trợ trong tháng 6-2020.

★ Tỉnh Khánh Hòa vừa công bố danh mục thủ tục hành chính về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19. Danh mục gồm năm thủ tục hành chính hỗ trợ trên hai lĩnh vực lao động, tiền lương và việc làm. Khánh Hòa dự kiến hoàn thành việc chi hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19 trên địa bàn trước ngày 31-7. (Nhân dân, trang 8).

Cùng chủ để Báo Sài Gòn giải phóng, trang 7: “5 bệnh nhân Covid-19 được ra viện”.

 

Đẩy nhanh dự án xây dựng Bệnh viện Chợ Rẫy Việt - Nhật

Ngày 3-6, đoàn của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) do ông Akira Shimizu, Trưởng đại diện JICA tại Việt Nam làm trưởng đoàn đã đến thăm và làm việc tại Bệnh viện Chợ Rẫy.

Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy Nguyễn Tri Thức cho biết, JICA không chỉ giúp đỡ Bệnh viện Chợ Rẫy về cơ sở vật chất mà còn hỗ trợ về nguồn nhân lực y tế, xây dựng các quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn... Bệnh viện Chợ Rẫy cũng là bệnh viện đầu tiên tại Việt Nam được tiếp nhận nguồn tài trợ từ JICA từ năm 1969. Hiện nay, bệnh viện đang phối hợp cùng JICA tiến hành dự án xây dựng Bệnh viện Chợ Rẫy Việt - Nhật. Lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy hy vọng, với sự hỗ trợ nhiệt tình từ JICA Nhật Bản và văn phòng đại diện của JICA tại Việt Nam, các dự án này sẽ sớm đi vào hoạt động phục vụ cho ngành y tế Việt Nam.

Ông Akira Shimizu, Trưởng đại diện văn phòng JICA tại Việt Nam chia sẻ, trong đại dịch Covid-19 toàn cầu, Chính phủ Nhật Bản rất quan tâm mô hình phòng chống dịch của Việt Nam, trong đó có nỗ lực của Bệnh viện Chợ Rẫy. Dịp này, JICA trao tặng bệnh viện 2.000 cuốn sổ tay “Quy trình thực hành kiểm soát nhiễm khuẩn”. Sổ tay do Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn Bệnh viện Chợ Rẫy phối hợp cùng các chuyên gia JICA biên soạn.

Đây là sản phẩm viện trợ đầu tiên thuộc gói viện trợ từ Chính phủ Nhật Bản trị giá 60 triệu yên (tương đương 12 tỷ đồng) cho Bệnh viện Chợ Rẫy. Cuốn sổ tay được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao năng lực kiểm soát nhiễm khuẩn của Bệnh viện Chợ Rẫy và 21 bệnh viện phía Nam thuộc danh sách chỉ đạo tuyến và hỗ trợ của Bệnh viện Chợ Rẫy. (Sài Gòn giải phóng, trang 2).

 

Cả nước chỉ còn 26 bệnh nhân COVID-19 đang điều trị

Ngày 3/6, Bệnh viện Đa khoa Thái Bình công bố 4 bệnh nhân mắc COVID-19 khỏi bệnh, nâng tổng số người điều trị khỏi ở nước ta lên 302 trường hợp

Trong quá trình điều trị các bệnh nhân đều có kết quả xét nghiệm từ 2 đến 3 lần âm tính với SARS-CoV-2. Hiện sức khỏe của họ đều ổn định và tiếp tục được cách ly theo dõi 14 ngày.

Cũng trong ngày 3/6, bệnh nhân nặng nhất ở phía Bắc là BN19 (bác của BN19) đã được xuất viện về nhà tại TP Hồ Chí Minh. Đây là bệnh nhân nguy kịch phải chạy ECMO, đã 3 lần ngừng tuần hoàn trong một đêm và cũng là bệnh nhân điều trị dài ngày nhất tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

Sau gần 3 tháng nhập viện điều trị, sức khỏe của bệnh nhân rất tốt, đủ điều kiện để đi máy bay về nhà. Bệnh nhân đã rất vui, trò chuyện và tươi cười chào các bác sĩ, y tá, điều dưỡng của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương trước khi ra sân bay. Bệnh nhân rất cảm kích trong gần 3 tháng qua được các bác sĩ, nhân viên y tế tận tình chăm sóc, điều trị, đưa bệnh nhân từ cõi chết trở về.

Như vậy, tính đến chiều 3/6, nước ta đã 48 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng, tỷ lệ điều trị khỏi bệnh COVID-19 đã đạt hơn 90% trên tổng số ca mắc.

Hiện, cả nước chỉ còn 26 bệnh nhân COVID điều trị, trong số đó có nhiều bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính 1 lần trở lên và chuẩn bị được công bố khỏi bệnh.

Ca bệnh nặng nhất hiện nay là phi công người Anh sức khỏe đang hồi phục một cách kỳ diệu, bệnh nhân đã tỉnh táo và thực hiện được các y lệnh của nhân viên y tế. (Công an Nhân dân, trang 1).

Cùng chủ đề Báo Hà Nội mới, trang 7: “Việt Nam chỉ còn 26 bệnh nhân mắc Covid-19”.

 

Bệnh nhân phi công người Anh ngừng sử dụng ECMO

Đây là khẳng định của PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Phó trưởng Tiểu Ban điều trị phòng, chống dịch COVID-19, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế).

Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, sau khi áp dụng các phương án điều trị theo tinh thần hội chẩn, tình trạng sức khỏe BN91 đã được cải thiện tốt hơn. Trong 2 ngày qua, các thông số ECMO được giảm dần và đến 8h30 sáng ngày hôm nay (3/6), bệnh nhân đã ngừng sử dụng ECMO.

ECMO là phương pháp sử dụng tuân hoàn và trao đổi oxy bên ngoài cơ thể nhằm hỗ trợ chức năng sống ở các bệnh nhân suy tuần hoàn hoặc suy hô hấp nặng.  Với nguyên lý hoạt đông tương tự như máy tim phổi nhân tạo, mục tiêu của ECMO là tạo thời gian cho tim và phổi được nghỉ ngơi, hồi phục và giảm được chấn thương áp lực cũng như ngộ độc oxy ở phổi.

Hiện nay BN91 tỉnh, phản xạ ho mạnh hơn, sức cơ chi trên 3/5, chi dưới 1/5, cơ hoành phải hoạt động mạnh hơn; Mạch: 89 lần/phút; huyết áp: 132/57 mmHg; chức năng thận đã dần hồi phục.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê khẳng định: “Mặc dù đã được ngưng sử dụng ECMO, nhưng tình trạng của BN91 vẫn còn nặng, cần được chăm sóc, theo dõi sát các chỉ số và tình trạng nhiễm trùng nặng, kháng thuốc. Bệnh nhân còn cần nhiều tuần để cai máy thở và phục hồi chức năng vận động và các chức năng khác”.

Trong những ngày tới, bệnh nhân sẽ tiếp tục được sử dụng kháng sinh điều trị nhiễm trùng của vi khuẩn Burkholderia Cepacia và phòng ngừa những nguy cơ có thể nhiễm khuẩn mới.

Song song đó, bệnh nhân sẽ tiếp tục được tập vật lý trị liệu tích cực để sớm phục hồi cải thiện về sức cơ cũng như chức năng hô hấp; dinh dưỡng cũng phải đảm bảo để đáp ứng đầy đủ nhu cầu dinh dưỡng cho bệnh nhân trong giai đoạn hồi phục. (Công an Nhân dân, trang  2).

Cùng chủ đề Báo Tuổi trẻ, trang 14: “Thật  kỳ diệu, phi công người Anh tỉnh hoàn toàn”; Thanh niên, trang 3: “Phi công người Anh mắc Covid-19 đã ngừng s ử dụng ECMO”; Tiền phong, trang 6: “Phi công người Anh hồi phục kỳ diệu”; Sức khỏe & Đời sống, trang 3: “Nam phi công người Anh đã tỉnh táo hoàn toàn, không còn phải sử dụng ECMO”.

 

Học phí ĐH Y dược TP.HCM tăng đột biến lên 70 triệu đồng/năm

Từ khóa tuyển sinh năm 2020, Trường ĐH Y dược TP.HCM áp dụng học phí mới với mức tăng đột biến so với các khóa trước.

Theo đề án tuyển sinh đại học năm 2020 trường vừa công bố, mức học phí mới dành cho sinh viên khóa 2020 như sau: ngành răng hàm mặt 70 triệu đồng, y khoa 68 triệu đồng, kỹ thuật phục hình răng 55 triệu đồng, dược học 50 triệu đồng…

Các ngành có mức học phí thấp nhất là 30 triệu đồng. Trường cũng cho biết mức học phí các năm tiếp theo dự kiến mỗi năm tăng thêm 10%.

Theo ông Nguyễn Ngọc Khôi – trưởng phòng đào tạo nhà trường, bắt đầu từ năm học tới trường này sẽ thực hiện tự chủ tài chính. Mức học phí tính theo chi phí đào tạo một sinh viên.

"Vì trường không được nhà nước bao cấp và không còn được rót kinh phí nên trường phải áp dụng mức thu học phí mới cao hơn cho khóa tuyển sinh năm 2020. Các lớp cũ vẫn theo lộ trình cũ.

Bên cạnh đó, trường dành 8% học phí hỗ trợ sinh viên nghèo, học giỏi. Nhà trường cũng sẽ có các giải pháp hỗ trợ sinh viên như học bổng cho sinh viên giỏi, miễn giảm học phí cho sinh viên khó khăn" - ông Khôi cho hay. (Tuổi trẻ, trang 13).

 

Bộ Y tế ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Chương trình Truyền thông Dân số đến năm 2030

Nội dung Kế hoạch tập trung vào việc tăng cường cung cấp thông tin về Dân số và Phát triển đến cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể các cấp; đa dạng hóa các loại hình truyền thông về Dân số và Phát triển…

Để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ của Chương trình này, mới đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã ký Quyết định số 2235/QĐ-BYT về việc ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Chương trình Truyền thông Dân số đến năm 2030 (gọi tắt là Kế hoạch hành động).

Kế hoạch có mục tiêu chính nhằm truyền thông nâng cao nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp; bộ, ban, ngành, đoàn thể từ Trung ương đến địa phương để huy động sự tham gia và cam kết với công tác dân số thông qua việc chỉ đạo, đầu tư nguồn lực, lồng ghép các vấn đề dân số trong chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Cùng với đó, phát huy lợi thế của cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số, nâng cao chất lượng dân số, duy trì vững chắc mức sinh thay thế, phân bố dân cư hợp lý, đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên góp phần phát triển nhanh, bền vững đất nước.

Để đạt được các mục tiêu trên, Kế hoạch đề ra các giải pháp như: Tăng cường cung cấp thông tin về Dân số và Phát triển đến cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể các cấp; huy động các sở, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội tham gia truyền thông về Dân số và Phát triển; tiếp tục xây dựng, triển khai các chương trình phối hợp, tập trung xây dựng các mô hình, hoạt động truyền thông toàn diện các nội dung về Dân số và Phát triển.

Bên cạnh đó, đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm truyền thông về Dân số và Phát triển; bảo đảm về chất lượng, đổi mới về hình thức, nội dung. Cung cấp trang thiết bị, phương tiện truyền thông phù hợp cho cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện công tác truyền thông về Dân số và Phát triển, ưu tiên tuyến cơ sở, nhất là các xã nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng bị thiên tai.

Đẩy mạnh truyền thông thay đổi hành vi về Dân số và Phát triển trên các chuyên trang, chuyên mục, chương trình, phóng sự, tin bài, sách, ảnh, sự kiện truyền thông; lồng ghép nội dung truyền thông Dân số và Phát triển vào các chương trình giải trí, thể thao, nghệ thuật trên các phương tiện thông tin đại chúng; tập trung khai thác, phát triển và tận dụng tối đa lợi thế của công nghệ thông tin và các loại hình truyền thông khác.

Ngoài ra, tổ chức thực hiện có hiệu quả các hoạt động truyền thông trực tiếp trong hệ thống dân số các cấp; phát huy vai trò đội ngũ cán bộ, cộng tác viên làm công tác dân số, y tế cơ sở nhằm hình thành và duy trì bền vững hành vi tích cực về Dân số và Phát triển của các tầng lớp nhân dân.

Mở rộng các hình thức truyền thông, giáo dục thân thiện với vị thành niên, thanh niên; đề cao vai trò, trách nhiệm của gia đình, nhà trường và cộng đồng trong việc phổ biến kiến thức, kỹ năng về dân số, chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, giới tính, bình đẳng giới, không kết hôn sớm, không kết hôn cận huyết thống cho vị thành niên, thanh niên…

Nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Kế hoạch này trên địa bàn các tỉnh/thành phố, Bộ Y tế đã gửi Công văn số 2959/BYT-TCDS đến Ủy ban nhân dân (UBND) các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương về việc hướng dẫn xây dựng Kế hoạch Truyền thông Dân số đến năm 2030.

Theo đó, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh/thành phố xây dựng Kế hoạch Truyền thông Dân số đến năm 2030 và trình UBND tỉnh/thành phố phê duyệt. Nội dung Kế hoạch bám sát vào các mục tiêu, giải pháp đã nêu trong Kế hoạch hành động thực hiện Chương trình Truyền thông Dân số đến năm 2030 mà Bộ Y tế đã ban hành.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đề nghị các tỉnh/thành phố bố trí ngân sách địa phương triển khai Kế hoạch Truyền thông Dân số đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh. Chủ động cân đối và đảm bảo nguồn lực thực hiện các hoạt động theo nhu cầu, đặc điểm tình hình cụ thể tại địa phương và theo đúng quy định của Luật ngân sách Nhà nước.

Trong quá trình triển khai, tổ chức sơ kết giữa kỳ việc thực hiện Kế hoạch Truyền thông Dân số đến năm 2030 vào năm 2025, tổng kết việc triển khai vào năm 2030 và hàng năm báo cáo về Bộ Y tế (Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình) để tổng hợp. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc, đề nghị phản ánh kịp thời về Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế để xem xét giải quyết. (Gia đình & Xã hội, trang 6).

 

Đổi mới phương thức thanh toán chi phí khám chữa bệnh: Đề xuất WHO hỗ trợ kỹ thuật

Ngày 2.6, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Phạm Lương Sơn đã tiếp và làm việc với nhóm chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, do ông Kidong Park - Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam - làm Trưởng đoàn.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn trân trọng cảm ơn và ghi nhận sự hỗ trợ của WHO đối với lĩnh vực y tế tại Việt Nam nói chung và thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam nói riêng. Đặc biệt, thời gian qua, WHO đã chung tay cùng với Việt Nam trong công tác phòng chống và đẩy lùi đại dịch COVID-19.

Chia sẻ tại buổi làm việc, ông Kidong Park đã chúc mừng những thành tựu to lớn mà BHXH Việt Nam đã đạt được trong 25 năm qua. Đồng thời, ông Kidong Park cũng đánh giá cao hệ thống y tế của Việt Nam trong phòng chống dịch COVID-19. Ông Park cho rằng, thành công này có được là do nhiều yếu tố, trong đó phải kể đến việc Việt Nam rất quan tâm, xây dựng được hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn dân và hệ thống thông tin giám định BHYT hiệu quả.

Tại buổi làm việc, ông Lê Văn Phúc - Trưởng ban Dược và Vật tư y tế, kiêm phụ trách Ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) - đã đề xuất các nội dung hợp tác giữa BHXH Việt Nam và WHO trong thời gian tới. Theo đó, BHXH Việt Nam đề xuất WHO hỗ trợ triển khai nghiên cứu đánh giá thực hiện Luật BHYT từ năm 2015 đến nay, trong đó tiến hành xây dựng đề cương đánh giá; thu thập và phân tích số liệu thứ cấp; khảo sát tại địa phương; cung cấp kinh nghiệm quốc tế và thực hiện chính sách BHYT. Qua đó, đề xuất sửa đổi, hoàn thiện Luật BHYT và các giải pháp tổ chức thực hiện hiệu quả Luật BHYT.

Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam cũng đề xuất WHO hỗ trợ kỹ thuật đổi mới phương thức thanh toán chi phí khám chữa bệnh (KCB) gồm: Thanh toán theo nhóm chẩn đoán (DRGs); hỗ trợ chuyên gia đào tạo kỹ thuật và chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong thực hiện DRGs. Hỗ trợ xây dựng các quy tắc giám định phục vụ giám định điện tử. Nâng cao năng lực quản lý chi phí và sử dụng hợp lý thuốc và vật tư y tế; đàm phán giá thuốc và vật tư y tế; cung cấp kinh nghiệm quốc tế và đàm phán giá thuốc; cung cấp dữ liệu về giá thuốc thực hiện đàm phán tại các quốc gia; kinh nghiệm đấu thầu thuốc tại các quốc gia trên thế giới và định hướng cho Việt Nam; kinh nghiệm mua sắm vật tư y tế và khuyến cáo cho Việt Nam. Hỗ trợ, đào tạo nâng cao năng lực quản trị hệ thống, đào tạo về chuyên môn, phương thức thanh toán, quản lý thuốc và vật tư y tế…

Ghi nhận những đề xuất của BHXH Việt Nam, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng ngành Y tế nói chung và BHXH Việt Nam nói riêng. Theo đó, WHO sẽ cùng với BHXH Việt Nam thực hiện nghiên cứu khảo sát thực tế, đánh giá triển khai Luật BHYT, tiếp tục hỗ trợ BHXH Việt Nam hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) cũng như thay đổi các phương thức thanh toán BHYT.

Liên quan đến vấn đề đào tạo, WHO sẽ xây dựng các chương trình đào tạo phù hợp, cử chuyên gia hỗ trợ nâng cao năng lực cán bộ của ngành BHXH trong lĩnh vực Y tế. Trước mắt, việc đào tạo có thể thông qua các hình thức hội thảo trực tuyến trong bối cảnh nhiều quốc gia chưa kiểm soát tốt tình trạng dịch COVID-19. (Lao động, trang 4).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang