Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 05/11/2016

  • |
T5g.org.vn - Zika, quai bị cùng lúc tấn công TPHCM; Khánh thành công trình nhà phục hồi chức năng cho nạn nhân chất độc da cam; Cần siết chặt quản lý chất lượng dược liệu và thuốc đông y;...

Khánh thành công trình nhà phục hồi chức năng cho nạn nhân chất độc da cam

Ngày 4-11, Hội Nạn nhân Chất độc da cam/dioxin Việt Nam phối hợp với Quân chủng Hải quân Việt Nam tổ chức Lễ khánh thành và bàn giao công trình nhà phục hồi chức năng, Trung tâm Bảo trợ xã hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, đóng tại xã Yên Bình, huyện Thạch Thất.

Công trình này được Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân tài trợ kinh phí, Công ty Cổ phần DENTA thiết kế và Lữ đoàn Công binh Hải quân 131 tổ chức thi công sau 4 tháng đã hoàn thành đảm bảo yêu cầu về kỹ thuật, mỹ thuật, an toàn. Công trình Nhà phục hồi chức năng là một mắt xích quan trọng trong hệ thống các hạng mục công trình, bao gồm: Nhà điều hành, nhà ăn, nhà ở nuôi dưỡng nạn nhân, nhà xông hơi giải độc, Trạm biến áp 400 KVA và hệ thống điện nội bộ, hệ thống đường nội bộ, cổng, nhà gác và hàng rào bảo vệ...

Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam cho biết: Đây là một công trình văn hóa xã hội, có ý nghĩa nhân đạo, nhân văn sâu sắc, một biểu hiện sinh động về tinh thần "Đoàn kết - Nghĩa tình - Trách nhiệm - Vì nạn nhân chất độc da cam" của cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam. Công trình sẽ là nơi vui chơi giải trí, phục hồi chức năng, góp phần nâng cao sức khỏe, khơi dậy niềm tin yêu cuộc sống, ý chí, nghị lực vươn lên hòa nhập cộng đồng của các nạn nhân chất độc da cam.

Nhân dịp này, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh kêu gọi các tổ chức cá nhân, các nhà hảo tâm trong và ngoài nước tiếp tục ủng hộ nạn nhân chất độc da cam cả tinh thần và vật chất, ủng hộ cuộc đấu tranh đòi công lý của nạn nhân chất độc da cam Việt Nam. (Hà Nội mới, Nhân dân, trang 3)

 

Cần siết chặt quản lý chất lượng dược liệu và thuốc đông y

 Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu sử dụng các loại thuốc đông dược trong điều trị bệnh, chăm sóc sức khỏe người dân ngày càng lớn. Tuy nhiên, nhiều bạn đọc phản ánh, hiện nay, do công tác quản lý còn nhiều bất cập, trên thị trường xuất hiện tràn lan các loại thuốc đông y kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe của người bệnh...

Số liệu thống kê của Cục Quản lý y dược cổ truyền (Bộ Y tế) cho thấy, hiện nay cả nước có khoảng 500 cơ sở kinh doanh, sản xuất dược liệu, thuốc đông y. Là mặt hàng liên quan sức khỏe con người, tuy nhiên, do công tác quản lý còn nhiều bất cập, thiếu kiểm soát chặt chẽ, do vậy, các cơ sở kinh doanh, chế biến thuốc đông y đang “đẩy” không ít người dân vào nguy cơ “uống thuốc mang bệnh”. Qua khảo sát, tại những cửa hàng buôn bán đông dược ở phố Lãn Ông (Hà Nội), bất kể giờ nào cũng tấp nập khách ra vào. Nhiều cửa hàng chỉ rộng khoảng 10 m2, nhưng bày bán hàng trăm mặt hàng khác nhau, phong phú về cả chủng loại, mẫu mã, từ cam thảo, ý dĩ, đẳng sơn... cho tới các loại sâm, nấm linh chi, đông trùng hạ thảo nhập khẩu. Thậm chí, có nhiều loại rễ cây, cỏ, được bày tràn cả ra vỉa hè, trong đó có loại đã ngả mầu mốc. Cùng với lời quảng cáo của các chủ cửa hàng, có đủ các loại thuốc chữa khỏi hết các bệnh, thậm chí cả bệnh hiểm nghèo, thì giá cả của những loại đông dược tại đây cũng không khác gì “ma trận”. Có những loại sâm hay nấm linh chi có giá thành lên tới hàng chục triệu đồng/kg, nhưng cũng có không ít loại bán với giá chỉ vài chục nghìn đồng/kg. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là phần lớn các loại dược liệu hay đã được bào chế thành thuốc này đều không có nguồn gốc rõ ràng về chất lượng, trên bao bì không có dòng chữ nào chứng minh nguồn gốc sản phẩm và đã được chứng nhận đăng ký chất lượng tại đâu. Và nếu có, chỉ là một vài dòng chữ nhằng nhịt, cho nên người tiêu dùng khi mua cũng chỉ biết tin vào lời quảng cáo của chủ cửa hàng.

Ông Nguyễn Văn Huy, ở phường Mai Dịch (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, lâu nay, mỗi khi cảm thấy mỏi mệt kém ăn, kém ngủ, ông lại lên một cửa hàng thuốc ở phố Lãn Ông (Hà Nội) để mua một hộp thuốc đông y dạng viên có giá 75 nghìn đồng/lọ để uống. Theo lời ông Huy, chỉ uống trong vài ngày, là sẽ thấy tác dụng, ông cảm thấy ăn ngon, ngủ ngon hơn. Song, khi hỏi tên thuốc và nguồn gốc xuất xứ, ông Huy cũng không nhớ chính xác, vì tên thuốc và cách sử dụng đều được viết bằng tiếng nước ngoài. Trường hợp của chị Thu Huyền, trú tại phường Cống Vị (Ba Đình, Hà Nội), sau khi bị sảy thai lần đầu đã được gia đình tích cực cho uống hàng chục thang thuốc bắc để tẩm bổ. Thế nhưng, bổ đâu chưa thấy, mà càng uống thuốc, chị ngày càng gầy mòn héo hon, da dẻ nhợt nhạt. Chỉ đến khi thấy quá mệt, vào bệnh viện khám mới phát hiện đã bị suy thận độ 1. Một loại đông dược được khá nhiều gia đình có bệnh nhân cao huyết áp tìm mua là thuốc An cung ngưu hoàng hoàn. Theo “lời đồn” thì loại thuốc này được coi như “thần dược”, có tác dụng rất hiệu nghiệm với những người bị tai biến mạch máu não, cao huyết áp… Thế nhưng, theo số liệu của Bộ Y tế, trong đợt kiểm tra gần đây, hàm lượng các độc tố trong thuốc này đều vượt quá tiêu chuẩn cho phép đến hàng trăm lần.

Và thêm nữa, còn một mối lo là nguy cơ nhiễm độc từ thuốc đông y ngày càng ở mức báo động khi gần đây liên tục xuất hiện hàng loạt ca ngộ độc chì trong thuốc cam. Tại xã Ninh Hiệp (Gia Lâm, Hà Nội) là “chợ đầu mối” trung chuyển, cung cấp dược liệu cho các nhà thuốc đông y trên cả nước thì dường như vấn đề quản lý mặt hàng đặc thù này lại đang bị “bỏ ngỏ”. Hàng tấn dược liệu theo đường tiểu ngạch được “bốc” từ nước ngoài về, chưa kịp tái chế, có khi không kịp mở ra xem, không cần biết chất lượng thế nào, cứ lãi vài giá là bán ngay. Theo phân tích của các bác sĩ tại Khoa Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, hiện có tình trạng nhiều người bệnh không phải bị dị ứng, nhiễm độc do các hoạt chất trong thuốc đông y, mà nguyên nhân trực tiếp lại do hậu quả của những hóa chất sử dụng trong quá trình bảo quản, chế biến thuốc đông y như lưu huỳnh, phốt-pho, thủy ngân để chống ẩm mốc.

Hiện nay, mỗi năm, cả nước sử dụng khoảng 60.000 tấn dược liệu, nhưng trong đó có tới 80-85% nhập khẩu từ nước ngoài theo đường tiểu ngạch. Do vậy, phần lớn nguồn dược liệu được thông quan không có bao bì, nhãn mác theo đúng quy định, mà chỉ được đóng trong các thùng, bao tải. Hơn nữa, việc sử dụng lưu huỳnh để chống ẩm mốc đã ảnh hưởng chất lượng thuốc và ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe người tiêu dùng. Thực trạng nêu trên đã dẫn tới tình trạng thị trường nguyên liệu dược và thuốc thành phẩm rất hỗn loạn, với nhiều loại dược liệu giả, trộn với hóa chất độc hại…, xảy ra tràn lan, ảnh hưởng hiệu quả điều trị và sức khỏe người bệnh.

Để kiểm soát được thị trường đông dược, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, cùng với việc thực hiện nghiêm các quy định của Bộ Y tế về quản lý nguồn dược liệu nhập khẩu, các ngành chức năng cần tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức trách nhiệm, đạo đức kinh doanh của các cơ sở sản xuất, kinh doanh đông dược, đồng thời phối hợp chặt chẽ, kiểm tra, kiểm soát thị trường đông dược và xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm. Trước mắt, cần tăng cường lực lượng thanh tra y tế, nhất là những người có chuyên môn về y học cổ truyền. Nhà nước cần tập trung phát triển các vùng sản xuất dược liệu trong nước, góp phần hạn chế các loại đông dược không bảo đảm chất lượng nhập lậu từ nước ngoài. (Nhân dân, trang 4)

 

Ghi nhận trường hợp thứ hai nhiễm vi-rút Zika ở Bình Dương

UBND tỉnh Bình Dương vừa công bố dịch bệnh do vi-rút Zika quy mô xã, phường tại phường Đông Hòa, thị xã Dĩ An. Người nhiễm vi-rút Zika là một nữ sinh viên ở trọ tại địa phương này. Đây là xã, phường thứ hai của tỉnh Bình Dương công bố bệnh dịch do vi-rút Zika. UBND tỉnh Bình Dương đã yêu cầu Giám đốc Sở Y tế, chủ atịch UBND các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm phối hợp các ngành liên quan thực hiện ngay các biện pháp phòng, chống dịch; tăng cường quản lý, giám sát và theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến dịch bệnh do vi-rút Zika trên địa bàn tỉnh... (Nhân dân, trang 5)

 

Lần đầu tiên nội soi chữa thoát vị đĩa đệm cột sống cổ

Theo TS Nguyễn Văn Thạch, Chủ tịch Hội Chấn thương chỉnh hình Việt Nam, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, lần đầu tiên tại Việt Nam, các bác sĩ Khoa Phẫu thuật cột sống (Bệnh viện Việt Đức) đã thực hiện thành công ca phẫu thuật điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống cổ bằng phương pháp nội soi.

Bệnh nhân đầu tiên được tiến hành phương pháp này là chị Dương Thị Miến (52 tuổi, ở xóm Vọng, xã Yên Đồng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định). Bệnh nhân Miến bị đau, tê mỏi cổ vai gáy và tay phải từ nhiều năm nay. Gần một năm nay, bệnh nhân bị đau liên tục và phải điều trị hơn 6 tháng tại bệnh viện tỉnh nhưng bệnh vẫn không đỡ, đau ngày càng tăng, đau nhức tay phải và vùng vai gáy, khó cử động và không làm việc được.

Sau khi tới khám tại Khoa Phẫu thuật cột sống (Bệnh viện Việt Đức), bệnh nhân được chẩn đoán thoát vị đĩa đệm cột sống cổ C5-C6 và có chỉ định phẫu thuật lấy khối thoát vị ra bằng phương pháp nội soi. Ca phẫu thuật được tiến hành trong 45 phút, thành công, bệnh nhân giảm đau vai gáy rất nhiều và có thể xuất viện sau mổ 1 ngày. PGS-TS Nguyễn Văn Thạch cho biết thêm, phẫu thuật thoát vị đĩa đệm cột sống cổ là một kỹ thuật vô cùng khó, vì cổ là một tổ chức lỏng lẻo bao gồm nhiều mạch máu lớn, các dây thần kinh và khí quản. Trước đây, những trường hợp này thường được tiến hành mổ mở với vết mổ lớn, dễ biến chứng nên ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Trong khi đó, thực hiện phẫu thuật nội soi cột sống cổ đường sau an toàn hơn, cấu trúc cột sống ít thay đổi, thời gian tái phát lâu hơn hoặc khỏi hẳn nếu bệnh nhân giữ gìn tốt. (Sài Gòn giải phóng, trang 3)

 

Chủ động phòng ngừa dịch Zika

Ngày 27-10, UBND TPHCM công bố hết dịch bệnh do virus Zika ở địa bàn phường Phước Long B (quận 9, TPHCM). Đó là kết quả bước đầu từ những biện pháp chủ động phòng ngừa dịch bệnh do virus Zika quy mô xã - phường trên địa bàn TPHCM.

Sau văn bản công bố dịch Zika cấp phường - xã do UBND TPHCM phát đi ngày 18-10, nhiều người dân ở các khu vực có bệnh nhân nhiễm Zika rất hoang mang. Bà Phùng Thị Ý (ngụ quận 9) băn khoăn: “Đang trong mùa mưa, thời tiết thuận lợi để muỗi sinh sản và phát triển. Thời gian qua, nhiều người ở khu vực chúng tôi sinh sống bị sốt xuất huyết, do đó khi xuất hiện các trường hợp bị nhiễm virus Zika, ai cũng lo ngại tình trạng dịch chồng dịch. Chúng tôi mong địa phương chú trọng phun thuốc, vệ sinh các khu vực đất trống, bãi cỏ và các công trình đang thi công dang dở”.

Nỗi lo của người dân cũng là sự quan tâm của ngành y tế và chính quyền các địa phương tại TPHCM. Theo báo cáo từ Trung tâm Y tế dự phòng quận 2, ngay trong ngày công bố có công dân quận 2 nhiễm virus Zika, trung tâm đã phun thuốc diệt muỗi quanh nhà bệnh nhân với bán kính 200m và tiếp tục thực hiện phun thuốc ở các phường trên địa bàn. Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM cũng cho biết, trung tâm y tế dự phòng các quận, huyện trên địa bàn TPHCM đã có kế hoạch chủ động phòng chống. Bên cạnh đó, các địa phương đã tuyên truyền đến người dân về cách phòng chống dịch bệnh do muỗi chích và thực hiện phun thuốc diệt muỗi, diệt lăng quăng.

Các phường tại quận 2 và quận 12 cũng chủ động và khẩn trương phòng chống dịch bệnh. Theo ông Nguyễn Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND phường An Phú (quận 2), từ khi ở Việt Nam xuất hiện virus Zika, phường đã chủ động tuyên truyền cho người dân phòng chống. Đặc biệt, Bệnh viện An Phú cũng rất quan tâm đến những bệnh nhân có biểu hiện của dịch bệnh. Ca nhiễm virus Zika đầu tiên phát hiện tại phường là do Bệnh viện An Phú nghi bệnh, lấy mẫu đưa đi xét nghiệm. Ông Hải cho biết: “Những ngày qua, lực lượng của phường chia nhau đi tới từng nhà dân, hướng dẫn diệt lăng quăng, phát quang bụi rậm và vận động người dân ngủ mùng. Cứ 3 ngày thực hiện phun thuốc 1 lần để diệt muỗi và trứng muỗi. Người dân có ý thức cảnh giác phòng ngừa dịch bệnh, nên hầu hết đều chủ động dọn dẹp vệ sinh xung quanh nơi mình sinh sống. Riêng tại các công trình xây dựng, đất dự án, phường cũng đã yêu cầu chủ đầu tư khẩn trương dọn vệ sinh, phun thuốc và san lấp các hố tù đọng nước”. Quận 2 là quận có bệnh nhân thứ 2 nhiễm virus Zika, do đó ngoài việc tổ chức lấy mẫu bệnh phẩm tại Bệnh viện Quận 2, sắp tới đây, ngành y tế TPHCM sẽ tập trung giám sát việc lấy mẫu Zika tại quận 2.

Bà Nguyễn Thị Thùy Trang, Phó Chủ tịch UBND phường Hiệp Thành (quận 12), cho biết ngoài công tác tuyên truyền, vận động người dân dọn dẹp vệ sinh xung quanh nơi ở, ngủ mùng, nuôi cá 7 màu tại các hồ nước tù đọng, phường và quận đã tổ chức phun thuốc diệt muỗi. Đặc biệt, phường chủ động rà soát toàn bộ phụ nữ mang thai trên địa bàn, hướng dẫn họ cách phòng ngừa Zika, hướng dẫn khám thai định kỳ và theo dõi sức khỏe để kịp thời có biện pháp nếu chẳng may mắc phải Zika. (Sài Gòn giải phóng, trang 4)

 

TP.HCM khẩn cấp đối phó với dịch Zika

UBND TP.HCM phê bình Sở TN&MT và Sở Y tế TP.HCM chưa quan tâm đúng mức đối với phòng, chống dịch Zika.

“TP.HCM chưa công bố dịch bệnh do virus Zika. Tuy nhiên, virus này đã lưu hành trong cộng đồng nên khả năng lây lan rất nhanh” - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thị Thu đưa ra lời cảnh báo trên tại buổi họp phòng, chống bệnh do virus Zika diễn ra vào chiều 3-11.

Thêm chín trường hợp mắc Zika

BS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, cho biết đến thời điểm hiện nay TP.HCM ghi nhận 21 ca bệnh Zika tại 11 quận, huyện. “Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm trong sáng 3-11 ghi nhận thêm chín trường hợp mắc bệnh do virus Zika. Như vậy, TP.HCM đã có 30 ca nhiễm” - BS Dũng cho biết.

Theo BS Dũng, trước thực trạng bệnh Zika có chiều hướng gia tăng nên 30 bệnh viện trên địa bàn TP.HCM tiếp tục giám sát sự lưu hành của virus này. “Từ ngày 1-11, TP.HCM triển khai thêm 16 điểm giám sát thuộc y tế tư nhân trên địa bàn quận 2 nhằm đánh giá mức độ lưu hành của virus Zika trên địa bàn TP” - BS Dũng nói.

“Trước đây, khi có kết quả chính thức ca nhiễm virus Zika thì Sở Y tế TP.HCM mới báo về địa phương. Tuy nhiên, do thời gian để có kết quả chính thức kéo dài một tuần nên ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch bệnh. Do vậy, từ nay nếu có ca nghi ngờ bệnh Zika thì Sở Y tế TP.HCM sẽ báo ngay địa phương để chủ động phòng, chống và hạn chế lây lan” - BS Dũng cho biết thêm.

Nhiều nơi chưa làm tốt vệ sinh môi trường

“Cách đây hai tuần, quận Gò Vấp kết hợp với Sở TN&MT, Sở Y tế và Thành đoàn TP.HCM tổ chức chiến dịch ra quân tổng vệ sinh và tôi có tham gia. Trong khi bí thư, phó bí thư Thành đoàn cùng tham gia tổng vệ sinh thì lãnh đạo Sở TN&MT, Sở Y tế TP lại vắng mặt. Tôi đề nghị lãnh đạo Sở TN&MT, Sở Y tế TP rút kinh nghiệm và phải có sự phối hợp chặt chẽ với các tổ chức xã hội trong công tác phòng, chống bệnh Zika” - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thị Thu thẳng thắn phê bình.

Theo bà Thu, báo cáo của Sở Y tế TP.HCM cho thấy huyện Hóc Môn, quận 12 và quận Bình Thạnh chưa làm tốt vệ sinh môi trường. Rác rến, nước đọng còn nhiều nên muỗi và lăng quăng có điều kiện phát triển. “Do còn nhiều ổ muỗi, lăng quăng nên số ca bệnh do virus Zika của ba quận, huyện nói trên cứ tăng. Tôi đề nghị lãnh đạo huyện Hóc Môn, quận 12 và quận Bình Thạnh quyết liệt triển khai các biện pháp diệt muỗi và lăng quăng” - bà Thu nói.

Bà Thu kết luận: “Sau buổi họp này, UBND TP.HCM sẽ ra quyết định thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh. Các quận, huyện có trách nhiệm báo cáo mỗi ngày tình hình phòng, chống dịch bệnh Zika và sốt xuất huyết trên địa bàn cho Sở Y tế. Bên cạnh đó, Sở Y tế cũng báo cáo công tác thực hiện phòng, chống các bệnh nói trên cho UBND TP.HCM biết để có sự chỉ đạo kịp thời”.

TP cũng chỉ đạo UBND quận, huyện TP.HCM nắm danh sách thai phụ trên địa bàn để tuyên truyền phòng, chống bệnh do virus Zika. Nếu phát hiện thai phụ có dấu hiệu mắc bệnh Zika thì tư vấn và hướng dẫn những biện pháp ngăn ngừa, tránh lây lan.

Bà bầu đổ xô đi tầm soát Zika

Tại Phòng khám sản khoa Thảo Nhung (quận 5), các bà bầu đến khám thai, dù mới ở những tháng đầu hay tháng cuối thai kỳ, đều không còn bận tâm nhiều đến cân nặng, sức khỏe, dinh dưỡng hay đẹp xấu gì của thai nhi nữa. Mối quan tâm hàng đầu bây giờ của các chị là xét nghiệm virus Zika, nhờ các bác sĩ theo dõi tình trạng sức khỏe hai mẹ con để làm sao được an toàn nhất. “Tôi có thai được tám tháng, đi khám định kỳ thường xuyên nhưng nghe Zika gây dị tật em bé nên sợ lắm, phải đi xét nghiệm mới yên tâm được. Suốt tám tháng qua có mệt mỏi, cũng có lần ốm vặt, biết đâu lại rơi vào mấy triệu chứng của Zika, mắc rồi mà không biết thì khổ” - chị Huỳnh Thị Thùy Dung nói.

Giám đốc Phòng khám sản khoa Thảo Nhung cho biết theo thống kê sơ bộ tại phòng khám gần hai tuần trở lại đây, các sản phụ đến khám và tầm soát Zika khá đông, tăng gấp ba lần so với trước đó.

Tại BV Hùng Vương chiều 3-11, BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc BV, cho biết số lượng người đến khám thai sản tại đây vẫn bình thường. Tuy nhiên, số người đến tầm soát và hỏi về Zika mỗi lần kiểm tra lại nhiều hơn. “Đa số thai phụ không có triệu chứng sẽ được tư vấn, còn đối với những thai phụ có triệu chứng nóng sốt, phát ban trong thai kỳ mới được khuyên lấy mẫu xét nghiệm, tránh dẫn đến quá tải” - BS Tuyết cho biết.

Vừa đi khám thai tuần trước nhưng quá lo lắng, chị Lê Diễm (quận Bình Tân, TP.HCM) quay lại BV Hùng Vương xin xét nghiệm. Chị cho biết: “Gia đình nhấp nhổm cả tuần nay. Đây là con đầu lòng nên chúng tôi rất lo. Khi có thông tin Zika nhiều tháng trước, chúng tôi đã rất quan tâm đến sinh hoạt trong gia đình, từ diệt muỗi, mắc màn, khám định kỳ hằng tuần. Mặc dù suốt bảy tháng mang thai tôi không ốm vặt nhưng vẫn cứ đi xét nghiệm cho an toàn” - chị Diễm nói.

Theo ThS-BS Nguyễn Hữu Trung, giảng viên khoa Phụ sản Trường ĐH Y Dược TP.HCM, trong thời gian qua khá nhiều thai phụ tìm đến phòng khám trong tâm lý hoang mang bởi không biết họ có nhiễm virus Zika hay không. Tuy nhiên, chúng tôi trấn an họ rằng không phải thai phụ nào nhiễm virus Zika cũng sinh ra con bị dị tật đầu nhỏ. (Pháp luật TPHCM, trang 13)

 

Ngăn vi rút Zika lan rộng

Trước nguy cơ số ca mắc vi rút Zika lan nhanh, lãnh đạo TP.HCM đã tổ chức 3 cuộc họp khẩn với tất cả các sở ngành, quận huyện để triển khai và chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh này.

Tại cuộc họp chiều tối 3.11, Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Thu phê bình 3 địa phương là Q.12, Q.Bình Thạnh và H.Hóc Môn chậm chuyển động trong công tác làm sạch môi trường, dù đã có ca bệnh Zika trên địa bàn. Tính từ tháng 3.2016 đến nay, tại TP.HCM đã có 30 người mắc vi rút Zika, trong đó có 3 thai phụ.

Nguy cơ dịch bệnh lan rộng

Theo ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), kể từ khi xuất hiện ca bệnh đầu tiên tại VN (tháng 3.2016) đến nay đã có 7 tỉnh, TP là Khánh Hòa, Bình Dương, Đắk Lắk, Long An, Phú Yên, TP.HCM và Trà Vinh ghi nhận có người dương tính với Zika. “Tuy nhiên, với sự lưu hành rộng rãi của muỗi truyền vi rút này, có thể sẽ tiếp tục phát hiện thêm các trường hợp mắc trong thời gian tới, đặc biệt tại các vùng có lưu hành muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết và Zika”, ông Phu lo ngại và nhận định có thể đã có ca mắc nhưng chưa được xét nghiệm, hoặc không có biểu hiện, bởi 60 - 80% các trường hợp nhiễm vi rút Zika không có dấu hiệu, triệu chứng lâm sàng. Do đó, việc mỗi cá nhân chủ động phòng bệnh là quan trọng.

Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng TP.HCM, cho biết vi rút Zika lây truyền qua 3 đường: qua muỗi Aedes; qua quan hệ tình dục, truyền máu; từ mẹ lây truyền sang con. “Trên người nhiễm bệnh, vi rút Zika được tìm thấy trong máu, nước tiểu, tinh dịch, nước ối, nước bọt và trong mô não, dịch não tủy của thai nhi. Chỉ có 1 trong 5 người nhiễm có biểu hiện các triệu chứng như mắt đỏ, viêm kết mạc, sốt nhẹ, nhức đầu, nổi ban, đau khớp và kéo dài từ 2 - 7 ngày”, ông Dũng nói.

PGS-TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP, cho rằng việc quan trọng nhất hiện nay là làm thế nào để giảm tối đa số mắc, từ đó sẽ kéo theo giảm cơ hội lây lan cho phụ nữ mang thai. Thứ hai là phải diệt lăng quăng và phòng muỗi đốt, phụ nữ mang thai quan trọng nhất là phải phòng muỗi đốt. Còn đối với những người có biểu hiện lâm sàng mắc Zika thì phải bảo vệ mình 7 ngày không để bị muỗi đốt, nhằm không tạo cơ hội muỗi lây sang cho người khác. Bên cạnh đó, những người đàn ông phải có trách nhiệm với vợ, người yêu, nếu có đi qua vùng dịch, bị phơi nhiễm vi rút Zika thì trong vòng 6 tháng tránh quan hệ tình dục.

Trong khi đó, theo khảo sát của PV Thanh Niên tại KP.3, P.24 (Q.Bình Thạnh) vào sáng 4.11, nhiều hộ dân vẫn để các vật dụng chứa nước là nơi phát sinh muỗi truyền nhiễm bệnh. Ông Đỗ Hữu Vị, Tổ trưởng Tổ 57, KP.3, cho biết: “Phường đã phun thuốc diệt muỗi hôm chủ nhật rồi và chủ nhật tuần này tiếp tục phun. Tôi cũng đã phát hết tờ rơi tuyên truyền bệnh Zika cho bà con, nhưng đúng là nhiều hộ còn chủ quan lắm”. Còn một số hộ dân ở P.17 (Q.Bình Thạnh) cho biết khu vực họ sống không thấy phun xịt thuốc và cũng chẳng có ai đến tuyên truyền, phát tờ rơi phòng chống bệnh Zika!

Bảo vệ phụ nữ mang thai

Bác sĩ CKII Trần Ngọc Hải, Phó giám đốc Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM), cho biết bệnh viện đã tăng cường tư vấn cho thai phụ các vấn đề dấu chứng liên quan đến Zika; lập kế hoạch tư vấn cho thai phụ trong vùng bị nhiễm hoặc chưa nhiễm nhưng lo lắng. Bên cạnh đó, Từ Dũ cùng các đơn vị bạn xây dựng các tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh, các bước theo dõi thai phụ có bị nhiễm Zika để phát hiện sớm nhất di chứng, nhằm đảm bảo trẻ sinh ra được khỏe mạnh, an toàn. Đặc biệt là tư vấn cho thai phụ biết cách phòng ngừa không để muỗi đốt trong nhà, nơi làm việc, mặc áo tay dài, bôi kem, ngủ mùng... “Làm mọi cách, làm sao để không bị muỗi đốt”, bác sĩ Hải nói.

Một chuyên gia về dịch tễ học cho rằng xét nghiệm cũng không phải là tiêu chuẩn vàng để phòng chống Zika, vì xét nghiệm cho ra kết quả âm tính không có nghĩa là chưa mắc, do 80% người lành mang vi rút. Mặt khác, xét nghiệm chỉ “bắt” được vi rút trong vòng 7 ngày kể từ khi khởi phát, nếu muộn hơn thì không phát hiện được trong khi thai phụ đã mắc rồi. Do vậy, để xác định nguy cơ thì phải tính thời gian lây nhiễm vi rút. Nếu phụ nữ mang thai lây nhiễm vào tháng thứ 8, 9 thì nguy cơ dị tật cho con thấp hơn người bị lây nhiễm trong 3 tháng đầu thai kỳ. “Từ trước đến nay khó có bệnh nào nguy hiểm như Zika vì còn nhiều câu hỏi đang nằm trong vi rút Zika. Thật ra bệnh không phải đơn giản, nhẹ và chỉ có gây đầu nhỏ mà nó còn có dị tật trong thần kinh, ngoài thần kinh, mắt, tai, xương... mà chưa đánh giá được hết. Chừng nào người ta chưa hiểu hết vi rút Zika tấn công giai đoạn nào và phát hiện ra các gien nào quy định độc tố, gien nào lây lan mạnh thì lúc đó vẫn còn là ẩn số với vi rút này. Do vậy, bảo vệ phụ nữ mang thai khỏi muỗi đốt sẽ giải quyết được tất cả các mắt xích”, vị chuyên gia nói.

TS Trần Đăng Khoa, Phó vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ - trẻ em (Bộ Y tế), lưu ý: "Phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu thai kỳ sống trong vùng có dịch, hoặc từ vùng dịch trở về có biểu hiện sốt, phát ban, đau mỏi cơ - khớp hoặc phụ nữ mang thai siêu âm nghi ngờ thai nhi đầu nhỏ nên đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn xét nghiệm Zika". Ông Khoa cũng lưu ý, để sàng lọc sớm dị tật thai nhi, phụ nữ mang thai nên đi kiểm tra, khám thai định kỳ ít nhất 4 lần trong cả thai kỳ, siêu âm định kỳ để phát hiện dị tật thai nhi. Theo WHO, chỉ có khoảng 1 - 9% phụ nữ mang thai bị nhiễm vi rút Zika sinh em bé bị dị tật đầu nhỏ. Muốn xác định thai nhi bị dị tật đầu nhỏ hay không, cần siêu âm, đo kích thước vòng đầu thai nhi so với tuổi thai. (Thanh niên, trang 1)

 

Zika, quai bị cùng lúc tấn công TPHCM

Trong lúc sốt xuất huyết và Zika lây lan mạnh, ngày 4/11, bác sĩ Tống Văn Đức - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng quận 3, TPHCM - cho biết, tại TPHCM lại xuất hiện chùm ca bệnh quai bị trong trường học.

Tính đến 2/11, tại cơ sở 2 Trường tiểu học Phan Đình Phùng (số 491/6 Nguyễn Đình Chiểu, phường 2, quận 3) có tất cả 13 học sinh mắc bệnh quai bị. Sang ngày 3/11, mới có 5 học sinh bình phục đi học lại, còn 8 em khác vẫn đang nghỉ bệnh. Qua thống kê của trung tâm cho thấy, lớp có số học sinh mắc nhiều nhất là lớp 4/3 với 7 ca, kế đến là lớp 3/8 với 4 ca, các lớp còn lại mỗi lớp có 1 ca mắc. Hiện chưa ghi nhận thêm trường hợp mắc mới nào.

Trước đó, tại đây ghi nhận ổ dịch quai bị bùng phát từ ngày 26/10, với khoảng 3 em đầu tiên mắc bệnh. Các em này đã nghỉ học khi phát bệnh. Tuy nhiên, sau đó một số học sinh khác cũng bắt đầu mắc bệnh quai bị.

Nhà trường đã phối hợp với Trung tâm y tế dự phòng quận để có biện pháp xử lý.

Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng - Giám đốc Trung tâm  Y tế dự phòng TPHCM - cho biết, quai bị là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, thường xảy ra vào mùa đông-xuân, do virus paramyxovirus gây ra. Virus lây trực tiếp qua đường hô hấp, nước bọt, ăn uống… khi tiếp xúc gần bệnh nhân nói, ho hoặc hắt hơi. Vấn đề lây qua đường phân và nước tiểu hiện vẫn chưa được xác nhận dù virus quai bị có khả năng tồn tại trong nước tiểu khoảng 2-3 tuần.

Bệnh quai bị gây miễn dịch bền vững, nên ít có người mắc quai bị lần 2.

Cho đến nay, biến chứng của quai bị mà nhiều người lo sợ là khả năng gây vô sinh. Đối với nam, biến chứng viêm tinh hoàn và mào tinh hoàn làm tinh hoàn teo dần. Nếu quá nặng, có thể dẫn đến tình trạng giảm số lượng tinh trùng và vô sinh. Đối với nữ, quai bị có thể gây biến chứng viêm buồng trứng, tuy nhiên ít khi dẫn đến vô sinh. Phụ nữ có thai nên lưu ý, nếu đang trong thai kỳ mà mắc quai bị thì có thể bị gây sẩy thai, hoặc sinh con dị dạng, sinh non hoặc thai chết lưu.

Tính đến nay đã phát hiện 21 ca mắc bệnh do virus Zika tại TPHCM và gần 56 trường hợp nghi ngờ đang chờ kết quả xét nghiệm. Đặc biệt, trong số các ca mắc tại thành phố có 4 thai phụ. Có 11/24 quận huyện đã ghi nhận ca bệnh. Hiện cả nước có 28 trường hợp mắc Zika tại 7 tỉnh, thành.

Ngoài ra, trong chiều 3/11, có thêm 9 trường hợp chẩn đoán xác định. Đây là kết quả xét nghiệm của những mẫu thu thập trong hơn 1 tuần qua. Trung tâm Y tế dự phòng thành phố đang điều tra dịch tễ và sẽ sớm cập nhật thông tin.

lChiều 4/11, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk tổ chức họp báo công bố kết quả chính thức trường hợp mắc chứng đầu nhỏ nghi do virus Zika và thông tin về tình hình bệnh do virus Zika trên địa bàn tỉnh.

Bác sĩ Phạm Văn Lào, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đắk Lắk, cho biết không còn phát hiện virus Zika trong cơ thể cháu H’Lệ Mlô (SN 2016, ngụ xã Cư Pơng, huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk) và mẹ là chị H’BLươm Mlô. (Tiền phong, trang 10)

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang