'Một tuần nữa không có ca nhiễm mới, Việt Nam sẽ công bố hết dịch'
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, nếu trong 1 tuần tới không có ca nhiễm Covid-19 mới tại Việt Nam, thì theo quy định, chúng ta sẽ công bố hết dịch.
Phát biểu tại cuộc diễn tập toàn quân phòng chống dịch Covid-19 do Bộ Quốc phòng tổ chức sáng 4.3, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 (Ban Chỉ đạo), cho biết cuộc tổng diễn tập không chỉ phục vụ phòng chống dịch lần này mà còn là diễn tập để chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với các sự cố an ninh phi truyền thống trong tương lai.
Theo ông Đam, ngay từ đầu chúng ta đã đề ra 5 kịch bản tình huống và hiện nay đang ở tình huống kịch bản thứ 3.
Ông Đam cũng cho hay, chúng ta đã lập ra kịch bản thứ 4 công khai là 1.000 người nhiễm nhưng thực ra có thể đảm bảo tốt cho 3.000 người nhiễm; kịch bản thứ 5 với 30.000 người nhiễm và thực tế với bệnh viện dã chiến mới thành lập chúng ta có thể đảm bảo lên đến 40.000 - 50.000 người.
“Nghĩa là chúng ta lường trước những tình huống xấu nhất”, ông Đam nói.
Nhấn mạnh trong phòng, chống dịch Covid-19 thì việc cách ly những người có nguy cơ nhiễm bệnh, tránh lây lan là “vô cùng quan trọng”, ông Đam cho hay, chúng ta đã lập 5 vòng cách ly khác nhau và thực hiện trên thực tế tại xã Sơn Lôi (huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) trong những ngày qua.
“Nói khiêm tốn ta kiểm soát tốt, với các đồng chí trong quân đội tôi cũng nói. Thế giới, mà trực tiếp là WHO và cơ quan kiểm soát dịch bệnh Mỹ thì dùng cái từ “rất tốt”. Họ trực tiếp gặp tôi đề nghị Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm. Đây là điểm rất tự hào”, ông Đam thông tin.
Theo ông Vũ Đức Đam, tới nay, chúng ta đã đạt được cả 5 yêu cầu đề ra từ đầu là không để dịch lây lan rộng; không để xảy ra lây nhiễm chéo; không có người chết vì dịch bệnh; không để tâm lý xã hội hoảng loạn hay chủ quan; không để ảnh hưởng xấu tới kinh tế - xã hội, hợp tác quốc tế.
“Tới nay, sang ngày thứ 21 không có người nhiễm mới, 16 ca nhiễm bệnh đều chữa khỏi, không để lây lan chéo trong bệnh viện và quân đội, đạt yêu cầu về tâm lý xã hội và quan hệ quốc tế cũng được xử lý hài hòa”, ông Đam nói.
“Đến nay, uy tín Việt Nam về phòng chống dịch Covid-19 được nâng cao, khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, vai trò của Quân đội nhân dân Việt Nam”, ông Đam nói thêm.
Theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, "nếu nói thành công thì chưa nói được nhưng nếu ví đây là một cuộc chiến thì ta đã chiến thắng chiến dịch mở màn".
“Nếu 1 tuần nữa không có ca nhiễm mới ở Vĩnh Phúc thì theo quy định của pháp luật chúng ta sẽ tuyên bố hết dịch. Lúc này là quá sớm nhưng kể cả đến lúc đó chúng ta cũng mới thắng lợi ban đầu”, ông Đam khẳng định.
Lường trước khả năng khủng hoảng vật tư y tế ở quy mô toàn thế giới
Về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian tới, ông Đam lưu ý, hiện nay, từ 1 tâm dịch là Vũ Hán (Trung Quốc), đã xuất hiện vài tâm dịch. “Ta phải sẵn sàng cho tình huống nhiều tâm dịch. Trước là Trung Quốc, giờ có thêm Hàn Quốc, Iran, Ý… Sắp tới, có thể nhiều hơn”, ông Đam nói.
Bên cạnh đó, thế giới đã bắt đầu và chúng ta cũng phải chuyển trạng thái từ ngăn chặn sang giảm lây lan cho cộng đồng. Theo ông Đam, hiện một số nước lây lan trong cộng đồng, có người hoàn toàn không tiếp xúc với ổ dịch mà vẫn bị lây nhiễm.
Ông Đam cũng lưu ý cần phải lường trước khả năng có thể có khủng hoảng vật tư y tế ở quy mô toàn thế giới và xáo trộn chuỗi kinh doanh, chương trình nghị sự tầm quốc tế về kinh tế, chính trị. “Như khẩu trang chưa bao giờ khủng hoảng như hiện nay. Nếu dịch bệnh không được kiểm soát tốt thì vật tư, thiết bị điều trị cũng có thể thiếu”, ông Đam chỉ rõ.
Phó thủ tướng yêu cầu các lực lượng, trong đó có quân đội, tiếp tục kiên trì nguyên tắc chống dịch, đồng thời xây dựng các giải pháp linh hoạt phù hợp với tình hình mới. Bên cạnh đó, cần tăng cường năng lực cơ sở vật chất, dự phòng trang thiết bị, vật tư y tế, năng lực phát hiện ngay tại cơ sở để khoanh vùng điều trị tại chỗ vì nếu “dịch bệnh lan rộng thì việc xử lý không đơn giản như vừa qua”.
“Chúng ta bây giờ không được chủ quan. Bao giờ dập được dịch hoàn toàn lúc đó mới yên lòng”, ông Đam nói, đồng thời khẳng định với sự vào cuộc của cả hệ thống, sự ra quân của toàn quân thì ta có lòng tin sẽ chống dịch thành công.
“Nếu ngắt dịch sớm thì có thể tận dụng được thời cơ, lợi thế đầu tư, điểm đến an toàn, bù lại những tổn thất mà chúng ta phải gánh vừa qua đưa ra để chống dịch”, ông Đam nói. (Thanh niên, trang 1; Hà Nội mới, trang 1; Tiền phong, trang 4+7; Lao động, trang 3; Công an nhân dân, trang 2; Nhân dân, trang 1; Gia đình & Xã hội, trang 2; Nông thôn ngày nay, trang 4+5).
Khách Nhật quá cảnh Tân Sơn Nhất dương tính Covid-19
Thông tin từ Bộ Y tế cho biết một hành khách người Nhật quá cảnh qua sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) trên chuyến bay của Vietnam Airlines được phát hiện dương tính Covid-19.
Chiều 4.3, thông tin từ Bộ Y tế cho biết, một hành khách người Nhật quá cảnh qua sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) trên chuyến bay của Vietnam Airlines được phát hiện dương tính Covid-19.
Cụ thể, hành khách trên đi trên chuyến bay VN814 của Vietnam Airlines từ Siem Reap (Campuchia) ngày 3.3, quá cảnh qua sân bay Tân Sơn Nhất đi Nagoya (Nhật Bản).
Chuyến bay của Vietnam Airlines từ Siem Reap về Tân Sơn Nhất vận chuyển 73 hành khách, trong đó có hành khách trên ở ghế 33D. Trên chuyến bay chuyển tiếp đi Nagoya, hành khách này ngồi ghế 2C. Khi đáp xuống tại Nhật Bản, hành khách này có biểu hiện sốt và y tế Nhật Bản tiến hành kiểm tra sức khỏe đối với hành khách này, cho kết quả dương tính với Covid-19.
Tổ tiếp viên trên chuyến bay trên đã quay về Việt Nam trên chuyến bay VN341 hạ cánh tại Tân Sơn Nhất lúc 13 giờ 55 ngày 4.3. Cơ quan chức năng đã thực hiện cách ly 51 hành khách nhập cảnh vào Việt Nam (trong đó có 1 em bé) và toàn bộ tổ bay. Ngoài ra, 22 khách nối chuyến được cách ly và đang thực hiện các thủ tục để nối chuyến.
Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đã thực hiện cách ly 2 nhân viên an ninh và 6 nhân viên phục vụ tại phòng thương gia hạng C do tiếp xúc gần với hành khách Nhật Bản trên. Công ty dịch vụ mặt đất (VIAGS) đã thực hiện cách ly 1 nhân viên phục vụ mặt đất.
Cũng liên quan vụ việc trên, trong chuyến VN814, có 5 khách đã nhập cảnh vào Việt Nam, theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM, cơ quan kiểm dịch đang phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh danh tính, địa chỉ của 5 khách này nhằm hướng dẫn liên hệ cơ quan y tế địa phương để được hỗ trợ, thực hiện các biện pháp phòng ngừa theo quy định.
Chiều 4.3, sân bay Cần Thơ (TP.Cần Thơ) tiếp tục đón thêm 2 chuyến bay của Vietnam Airlines chở tổng cộng 385 người từ Hàn Quốc về Việt Nam, sau đó đưa khách về cách ly tập trung. Trước đó, sân bay này đã có kế hoạch tạm ngưng nhận các chuyến bay từ Hàn Quốc, nhưng vào tối 3.3 có sự thay đổi đột xuất. (Thanh niên, trang 3; An ninh thủ đô, trang 3; Tuổi trẻ, trang 4).
Bệnh viện Công an TP. Hà Nội đã tiếp nhận 130 người thuộc diện cách ly
Bác sỹ - Đại tá Trần Công Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Công an thành phố Hà Nội chia sẻ thông tin, cho đến ngày 3-3, Bệnh viện đã tiếp nhận khoảng 130 người thuộc diện cách ly, trong đó có nhiều người về Trung Quốc, Hàn Quốc và một số quốc gia.
Thông tin hết sức tích cực là qua xét nghiệm đợt 1, tất cả các trường hợp trong diện cách ly đều âm tính với virus Covid-19; và Bệnh viện thời gian qua đã đảm bảo an toàn cho người cách ly cũng như cán bộ chiến sỹ, các y, bác sỹ làm nhiệm vụ.
Trong một diễn biến khác, theo phòng chức năng CATP Hà Nội, thời gian qua, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công an và Thành phố, Công an Thành phố đã xây dựng, triển khai 1 kế hoạch, 6 văn bản chỉ đạo toàn diện các biện pháp phòng chống dịch bệnh liên quan đến dịch bệnh Covid-19. Nhiều văn bản đã theo sát được tình hình thực tế, chủ động đi trước nhưng vẫn đảm bảo chỉ đạo của Bộ và Thành phố; trong đó phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị, từng lực lượng theo chức năng nhiệm vụ để thực hiện, đồng thời xây dựng các phương án đáp ứng khi xảy ra các tình huống dịch lây lan trong cộng đồng và lây lan trong trong lực lượng Công an Thủ đô.
CATP đã kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi; phân công 1 đồng chí Phó Giám đốc làm Trưởng ban; là thành viên Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh do vi rút Covid-19 gây ra của Thành phố.
CATP đã tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân và CBCS về mức độ nguy hiểm, trách nhiệm trong phòng chống dịch bệnh, không gây hoang mang trong dư luận, quần chúng nhân dân (huy động 10.000 lượt CBCS tuyên truyền đến trên 2,8 triệu lượt người). Phối hợp các cơ quan, tổ chức trong và ngoài ngành cấp phát miễn phí khẩu trang phòng dịch tại trụ sở tiếp công dân và tại một số khu vực công cộng (cấp phát miễn phí khoảng 400.000 khẩu trang).
Bên cạnh đó, CATP tập trung thực hiện công tác quản lý xuất nhập cảnh, quản lý cư trú theo chỉ đạo của Bộ Công an và Thành phố, trong đó: Thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về quản lý người nước ngoài, nhất là người Trung Quốc hoặc người nước ngoài đến Việt Nam từ các nước khác (không phải Trung Quốc) đã từng ở Trung Quốc trong vòng 14 ngày; Triển khai các biện pháp nắm tình hình, chủ động phát hiện nắm thông tin những người đi về từ vùng có dịch, phát hiện công dân nghi vấn có biểu hiện mắc virus, thông báo, phối hợp với ngành y tế để kiểm tra, cách ly, điều trị, không để lây lan trong cộng đồng; triển khai công tác bảo đảm an ninh cho việc cách ly y tế bắt buộc các trường hợp mắc bệnh, nghi ngờ mắc bệnh.
Chỉ đạo các lực lượng triển khai các biện pháp trước những diễn biến phức tạp do các đối tượng lợi dụng dịch bệnh để gây mất ổn định ANTT trên địa bàn, như: Nắm tình hình, phát hiện, xử lý nghiêm các đối tượng chống đối, kích động, tung tin đồn thất thiệt, tuyên truyền sai sự thật về dịch bệnh, gây hoang mang trong quần chúng nhân dân;
Phối hợp với các lực lượng Quản lý thị trường, Hải quan, Thuế tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng, tung tin thất thiệt tạo sự khan hiếm giả các mặt hàng y tế, buôn lậu, buôn bán các sản phẩm giả liên quan đến phòng chống dịch bệnh, nhất là khẩu trang y tế...
Đặc biệt, CATP triển khai tốt việc bố trí Khu cách ly của Thành phố tại Bệnh viện CATP (số 9 Văn Phú, Hà Đông). Đã chuẩn bị 44 phòng cách ly tại tòa nhà của Trung tâm huấn luyện CATP (số 9 Văn Phú - Hà Đông) để thu dung bệnh nhân; trang cấp đủ trang thiết bị, vật tư y tế cần thiết; phục vụ ăn 3 bữa/ngày và đồ dùng tư trang cá nhân sẵn sàng phục vụ người bị cách ly; triển khai lực lượng bảo đảm an ninh trật tự, bảo vệ khu vực cách ly.
CATP cũng đã chủ động phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe của CBCS. Cụ thể: Sử dụng các biện pháp phòng tránh dịch bệnh, như khẩu trang, găng tay theo mẫu chung thống nhất đối với CBCS trực tiếp làm việc tại những địa điểm có nguy cơ cao lây nhiễm dịch, các lực lượng thường xuyên tiếp xúc với cơ quan, tổ chức và nhân dân như lực lượng quản lý xuất nhập cảnh, Cảnh sát Quản lý hành chính về TTXH, Cảnh sát giao thông, Cảnh sát trật tự, Cảnh sát khu vực, Cảnh sát cơ động;
Bệnh viện CATP thành lập Đội cơ động thường trực phòng, chống dịch với nhiệm vụ chủ động phối hợp với ngành y tế trong phòng chống dịch; Tổ chức tổng vệ sinh trong toàn bộ các trụ sở các đơn vị thuộc CATP và phối hợp Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội phun thuốc khử trùng tại nhiều đơn vị trong CATP... (An ninh thủ đô, trang 1).
Chủ động tốt công tác hậu cần và phương án ứng phó với dịch COVID-19
“Đó là 2 vấn đề quan trọng đang được lực lượng CAND chú trọng triển khai nhằm ứng phó linh hoạt, kịp thời, phù hợp những diễn biến mới phức tạp của dịch COVID-19 trên thế giới trong tình hình hiện nay” - Thiếu tướng Nguyễn Khắc Thủy, Cục trưởng Cục Y tế, Phó trưởng Ban chỉ đạo (BCĐ) phòng chống dịch bệnh Bộ Công an nhấn mạnh khi trao đổi về công tác phòng chống dịch COVID -19 của lực lượng CAND hiện nay.
Chủ động tốt công tác hậu cần phục vụ phòng chống dịch
Theo Thiếu tướng Nguyễn Khắc Thủy, một trong những mặt công tác quan trọng nhằm đảm bảo phòng chống dịch COVID-19 hiệu quả đó là chủ động chuẩn bị tốt về hậu cần y tế, trong đó bao gồm cả về nguồn nhân lực và vật lực phục vụ phòng chống dịch COVID-19 trong toàn lực lượng.
Dẫn chứng một số kết quả thực tiễn bước đầu về công tác hậu cần phục vụ phòng chống dịch Bộ Công an đã triển khai thời gian qua, Thiếu tướng Nguyễn Khắc Thủy cho biết: Cục Y tế - đơn vị thường trực BCĐ phòng chống dịch bệnh Bộ Công an đã phối hợp các đơn vị chức năng khẩn trường xây dựng dự trù kinh phí mua sắm các trang thiết bị y tế, trang thiết bị bảo hộ cho CBCS phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 và cấp hỗ trợ cho Công an các đơn vị, địa phương.
Cục Y tế đã ký Hợp đồng với các Công ty sản xuất cung cấp các mặt hàng khẩu trang phòng dịch, trang phục chống dịch, găng tay y tế, dung dịch sát khuẩn nhanh, dung dịch sát khuẩn tay khô, hóa chất phun phòng dịch Cloramin B, máy phun hóa chất phòng dịch, máy khử khuẩn không khí. Đề xuất mua ô tô cứu thương để trang cấp cho một số cơ sở y tế trong CAND.
Hiện nay, Bộ đã ưu tiên trang cấp trước 3 xe cứu thương cho 3 Bệnh viện hạng I của lực lượng CAND gồm: Bệnh viện 19/8; Bệnh viện 199 và Bệnh viện 30/4. Từ ngày 16/1/2020 tới nay, Bộ Công an đã cấp hỗ trợ thuốc, hóa chất, phương tiện phòng hộ cá nhân (khẩu trang, găng tay cao su, ủng, trang phục chống dịch, kính bảo hộ) cho gần 200 lượt Công an các đơn vị, địa phương.
Hiện tại, Cục Y tế đang phối hợp với Cục Trang bị và Kho vận Bộ Công an chuyển các mặt hàng y tế phục vụ chống dịch, hóa chất cho 75 Công an các đơn vị, địa phương gồm Công an 32 tỉnh, thành, 33 trại giam, 2 bệnh viện hạng I, và 8 trường CAND từ Đà Nẵng trở vào và Kho An Khánh (TP Hồ Chí Minh) với tổng giá hàng hóa là 6.933.960.000 đồng.
Trong đó bao gồm 292.000 khẩu trang y tế, 39.500 đôi găng tay, 4.350 bộ trang phục phòng chống dịch, 1.170 lít nước rửa tay, 4.000 lít hóa chất phun phòng dịch.
Bên cạnh đó, các cơ sở y tế trong lực lượng Công an đã chuẩn bị sẵn sàng về cơ số thuốc, hóa chất, trang thiết bị phòng hộ cho cán bộ y tế, nhân lực sẵn sàng đáp ứng cho công tác điều trị và phòng, chống dịch; chuẩn bị khu điều trị cách ly, giường bệnh; sẵn sàng tổ chức tốt việc thu dụng, cách ly, điều trị bệnh nhân. Các bệnh viện thực hiện tiếp nhận bệnh nhân theo phân tuyến điều trị.
Thực hiện nghiêm ngặt việc tổ chức cách ly đối với bệnh truyền nhiễm nhóm A, kiểm soát nhiễm khuẩn tốt, phòng chống lây nhiễm chéo trong cơ sở điều trị. Thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng hộ cho cán bộ y tế trực tiếp tham gia khám, điều trị, chăm sóc bệnh nhân, không để hiện tượng lây nhiễm sang cán bộ y tế.
Đặc biệt, 3 bệnh viện hạng I gồm: Bệnh viện 19/8, Bệnh viện 199 và Bệnh viện 30/4 đã thành lập các Đội cơ động thường trực (đội phản ứng nhanh) phòng, chống dịch, trong đó 1 lãnh đạo Bệnh viện trực tiếp phụ trách chỉ đạo chung. Đồng thời tổ chức tập huấn cho toàn thể đội ngũ cán bộ, y bác sĩ và nhân viên y tế về kỹ năng xử lý khi có dịch xảy ra.
Bên cạnh đó, BCĐ phòng chống dịch bệnh Bộ Công an đã thiết lập đường dây nóng của Bộ (qua Cục Y tế và Văn phòng Bộ) để thông tin diễn biến và chỉ đạo kịp thời công tác phòng chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do COVID-19, đồng thời tư vấn và giải đáp cho CBCS về tình hình dịch và các biện pháp phòng, chống dịch.
Thiếu tướng Nguyễn Khắc Thủy cũng thông tin, ngoài chủ động hậu cần phục vụ lực lượng CAND phòng chống dịch COVID-19, phát huy tinh thần “tương thân, tương ái”, hiện nay, Bộ Công an đang tìm nguồn mua trang thiết bị y tế nhằm hỗ trợ nước bạn Trung Quốc phòng chống dịch COVID-19.
Chủ động phương án ứng phó phù hợp với diễn biến mới của dịch
Trước những cảnh báo về tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến ngày càng phức tạp trên thế giới như hiện nay, yêu cầu đặt ra đối với lực lượng CAND lúc này là cần phải chủ động xây dựng các phương án, kịch bản ứng phó phù hợp, kịp thời với tình hình diễn biến mới của dịch.
Trong đó, quán triệt sâu sắc tinh thần “Chống dịch như chống giặc” của Thủ tướng Chính phủ, đề cao cảnh giác, không lơ là, chủ quan với dịch, thực hiện nghiêm túc các giải pháp phòng chống dịch COVID-19 theo chỉ đạo của Thủ tướng và chỉ đạo của BCĐ Trung ương về phòng chống dịch COVID-19, thời gian tới, lực lượng Công an sẽ tiếp tục tăng cường hơn nữa phòng chống dịch trong toàn lực lượng và phối hợp chặt chẽ các cơ quan chức năng, các cấp, ngành, địa phương trong triển khai phòng chống dịch COVID-19.
Trong đó, Công an các đơn vị, địa phương tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh do COVID- 19 theo Kế hoạch Bộ Công an đã đề ra, phối hợp với các lực lượng chức năng không để dịch COVID-19 xâm nhập vào lực lượng Công an cũng như xâm nhập vào các địa bàn.
Kiểm soát chặt chẽ người qua lại đường mòn, lối mở tại các tỉnh biên giới; thực hiện nghiêm các giải pháp về quản lý, kiểm soát phòng, chống dịch trong hoạt động hàng không, du lịch, vận chuyển hàng hóa qua biên giới…
Đối với người nhập cảnh từ các vùng có dịch từ các nước vào Việt Nam, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và BCĐ Trung ương về phòng chống dịch COVID-19, Bộ Công an sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, trong đó có Bộ Ngoại giao, Y tế, Quốc phòng, GTVT và chính quyền các địa phương để tầm tra, kiểm soát, kịp thời nhằm ngăn chặn hiệu quả dịch xâm nhập.
Cụ thể, Bộ Ngoại giao thông báo cho các nước có liên quan về việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, trong đó có việc hạn chế nhập cảnh Việt Nam đối với người đến từ hoặc đi qua vùng có dịch, nếu nhập cảnh vào Việt Nam phải tuân thủ việc khai báo y tế, cách ly tập trung theo quy định.
Đồng thời, khuyến cáo công dân Việt Nam không đi đến những vùng có dịch ở các nước, trừ trường hợp cần thiết, nếu vẫn xuất cảnh thì khi nhập cảnh trở về Việt Nam phải thực hiện cách ly tập trung 14 ngày.
Đối với người nhập cảnh Việt Nam (cả công dân Việt Nam và công dân nước ngoài) đến từ hoặc đi qua vùng có dịch của các nước đều phải thực hiện việc cách ly tập trung theo quy định. Cục Quản lý Xuất nhập cảnh (Bộ Công an) có trách nhiệm phối hợp với các Bộ Ngoại giao, Bộ GTVT và các hãng hàng không để giải quyết những vấn đề liên quan đến công tác đối ngoại, kịp thời tham mưu cho BCĐ phòng chống dịch bệnh Bộ Công an để báo cáo Chính phủ về những vấn đề liên quan công tác XNC, quản lý đối với người nước ngoài sang sinh sống, làm việc tại Việt Nam.
Đồng thời tham mưu để BCĐ phòng chống dịch bệnh Bộ Công an có văn bản chỉ đạo, yêu cầu Công an các đơn vị, địa phương tập trung kiểm tra, rà soát người nước ngoài đang cư trú tại địa bàn, đặc biệt là những người đến từ các vùng có dịch để kịp thời nắm tình hình và tổ chức phòng chống dịch một cách hiệu quả. Khi phát hiện các trường hợp nghi nhiễm dịch, cần thực hiện ngay các biện pháp khoanh vùng, cách ly điều trị theo quy định nhằm ngăn chặn kịp thời nguy cơ bùng phát dịch xảy ra.
Bên cạnh đó, tiếp tục quan tâm đẩy mạnh công tác truyền thông về các biện pháp phòng chống dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế cho CBCS, học viên, công nhân Công an để chủ động phòng tránh, tránh tâm lý chủ quan với dịch.
Phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ hay mắc bệnh, tăng cường giám sát theo dõi tình trạng sức khỏe của những người có tiếp xúc gần với người bệnh, tiếp xúc gần với những trường hợp có biểu hiện ho, sốt, khó thở về từ vùng dịch; hướng dẫn người tiếp xúc gần tự theo dõi sức khỏe và khai báo cho cơ quan y tế khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh…
Cục Y tế - đơn vị thường trực của BCĐ phòng chống dịch bệnh Bộ Công an tăng cường kiểm tra, giám sát công tác phòng chống dịch COVID-19 tại Công an các đơn vị, địa phương; tại các trại tạm giam, trại giam, cơ sở giáo dục và trường giáo dưỡng và hướng dẫn khối Học viện, trường CAND phòng chống dịch; đồng thời cập nhật tình hình để báo cáo thường xuyên để giúp BCĐ phòng chống dịch bệnh Bộ Công an nắm chắc tình hình diễn biến của dịch, kịp thời xây dựng phương hướng, giải pháp chỉ đạo ứng phó với dịch COVID-19 hiệu quả. (Công an nhân dân, trang 3).
Đề xuất cấp phép, sản xuất hàng loạt bộ kit chẩn đoán virus SARS-CoV-2
Bộ Y tế đang hoàn thiện các thủ tục để tiến hành sản xuất hàng loạt các bộ kit chẩn đoán virus SARS-CoV-2 phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh.
Tiến tới cách ly tại nhà nhằm ứng phó dịch bệnh
Ngày 4.3, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh COVID-19 chủ trì cuộc họp triển khai các biện pháp phòng, chống dịch trong giai đoạn hiện nay.
Phát biểu tại cuộc họp, PGS.TS Trần Đắc Phu, chuyên gia Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho biết, cần tiếp tục chú trọng và phát huy hiệu quả bài học kinh nghiệm về phát hiện sớm, cách ly, giải quyết triệt để ổ dịch COVID-19 thời gian vừa qua.
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trên thế giới, chuyên gia Trần Đắc Phu đề xuất làm rõ định nghĩa “vùng dịch” để từ đó có các biện pháp tập trung khoanh vùng; đồng thời đưa ra quan điểm tiến tới thực hiện cách ly tại nhà nhằm ứng phó với tình hình dịch bệnh hiện nay.
Liên quan đến tình hình học sinh đi học trở lại, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho biết, sau khi thực hiện các văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế, công văn của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, 60/63 tỉnh, thành phố quyết định, thời gian chính thức học sinh Trung học phổ thông đi học trở lại từ ngày 2.3 và dự kiến vào ngày 17.3 đối với học sinh các bậc: mầm non, tiểu học, trung học cơ sở. Đến nay, qua theo dõi và báo cáo của ngành giáo dục, số học sinh quay trở lại trường học đạt 97% trong ngày 2.3 và 98% trong ngày 3.3.
Thực hiện ý kiến của Ban Chỉ đạo, dự kiến chiều 4.3, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ ban hành “bộ check-list”, thực hiện các bước kiểm tra sức khỏe tại nhà và trường học cho các em học sinh khi đi học trở lại. “Bộ check-list” nhằm cụ thể hóa văn bản Hướng dẫn số 550/BGDĐT-GDTC về việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong trường học.
Sản xuất bộ kit chẩn đoán virus SARS-CoV-2
Liên quan đến tình hình sản xuất kit thử, các thành viên Ban Chỉ đạo thông tin, theo báo cáo của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, 3 loại test do Học viện Quân y và Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á được khuyến nghị có thể sử dụng để chẩn đoán virus SARS-CoV-2.
Ngày 3.3, Hội đồng khoa học Bộ Khoa học và Công nghệ đề xuất Bộ Y tế cấp phép sử dụng bộ test trong những ngày sắp tới. Dự kiến chiều 4.3, Bộ Y tế hoàn thiện các thủ tục để tiến hành sản xuất hàng loạt, phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong thời gian sớm nhất.
Nhằm kiểm soát các trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam, Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã làm việc với các địa phương, doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ lưu trú, khách sạn tại các tỉnh có cảng hàng không quốc tế và các tỉnh lân cận, bố trí cơ sở lưu trú, khách sạn, khu nghỉ dưỡng phục vụ việc cách ly người Việt Nam và người nước ngoài nhập cảnh từ các nước có dịch theo hình thức có trả phí.
Tại cuộc họp, trên cơ sở phân tích tình hình diễn biến dịch bệnh tại Việt Nam và các nước trên thế giới, các thành viên Ban Chỉ đạo và các chuyên gia y tế tập trung thảo luận về công tác hậu cần, chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất; bảo đảm vật tư, trang thiết bị y tế để phục vụ công tác sàng lọc, phân loại, cách ly, tầm soát và điều trị dịch bệnh; các giải pháp phòng chống dịch lây lan trong cộng đồng cũng như ngăn chặn lây chéo trong các cơ sở điều trị… (Lao động, trang 1).
Yên Bái: Kết quả từ nỗ lực 10 năm thực hiện Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản
10 năm thực hiện Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020 (gọi tắt là Chiến lược), Yên Bái đã ghi nhận được nhiều kết quả từ những nỗ lực trong điều kiện của một tỉnh còn nhiều khó khăn trong công tác dân số.
Chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của người dân
Triển khai Chiến lược trong 10 năm qua, các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã đưa nội dung truyền thông về dân số vào hoạt động của cơ quan, đơn vị, dưới nhiều hình thức phù hợp.
Các mô hình truyền thông có hiệu quả tiếp tục được duy trì và nhân rộng. Truyền thông dân số cũng được các cơ quan báo chí, truyền thông tích cực thực hiện với nội dung phong phú, đa dạng, đồng thời huy động được sự ủng hộ, tham gia của các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ chuyên trách, cộng tác viên dân số, tuyên truyền viên, nhân viên y tế thôn, bản nỗ lực tuyên truyền tại khu dân cư…
Nhờ có những hoạt động truyền thông hiệu quả, nhận thức và hành động của đại bộ phận người dân về dân số đã có những chuyển biến tích cực: Có tới 95% các cặp vợ chồng, phụ nữ, nam giới có hiểu biết cơ bản về lợi ích của dân số - sức khỏe sinh sản và các biện pháp tránh thai; 80% các cặp vợ chồng, phụ nữ, nam giới được tuyên truyền về thực trạng, nguyên nhân và hệ lụy của mất cân bằng giới tính khi sinh; 50% thanh niên trước khi đăng ký kết hôn được tư vấn về sức khỏe tiền hôn nhân, tác hại của phá thai; 70% người chưa thành niên, thanh niên dân tộc ít người được tuyên truyền về tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thông…
Một yếu tố quan trọng trong công tác dân số trong 10 năm qua ở Yên Bái là mạng lưới cung cấp dịch vụ dân số đã từng bước củng cố, phát triển đáp ứng cung cấp các dịch vụ cơ bản cho nhân dân. Ở tuyến huyện, các trung tâm y tế đảm bảo cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản thiết yếu, toàn diện; thực hiện tốt vai trò chỉ đạo tuyến, hỗ trợ kỹ thuật và cung cấp dịch vụ DS-KHHGĐ lưu động tại cơ sở. Tuyến xã đảm bảo tính sẵn có của dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản thiết yếu cơ bản, 100% trạm y tế xã có nữ hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi và đảm bảo cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, chăm sóc bà mẹ trước, trong và sau sinh. Đối với các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, ngành Dân số ở Yên Bái đa dạng các biện pháp tránh thai để tăng sự lựa chọn cho người dân, vừa thực hiện cấp các phương tiện tránh thai ở kênh miễn phí vừa cung ứng qua kênh tiếp thị xã hội và xã hội hóa, đồng thời mở rộng các phương tiện tránh thai phi lâm sàng (thuốc uống tránh thai, bao cao su) thông qua mạng lưới phân phối phương tiện tránh thai phi lâm sàng dựa vào cộng đồng.
Đẩy mạnh mô hình nâng cao chất lượng dân số, tỷ lệ tảo hôn giảm
Các mô hình nhằm nâng cao chất lượng dân số ở Yên Bái đã mang lại nhiều kết quả trong 10 năm qua. Mô hình can thiệp làm giảm tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống giai đoạn 2009 - 2015 được triển khai tại 15 xã thuộc 4 huyện gồm: Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn, Văn Yên từ nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu DS-KHHGĐ đưa tỷ lệ tảo hôn tại các xã này giảm tương đối mạnh, từ chiếm 30% tổng số cặp kết hôn vào năm 2010 xuống còn 18,5% vào năm 2015.
Giai đoạn 2016 - 2019, trong điều kiện nguồn kinh phí hỗ trợ từ Trung ương giảm, mô hình này triển khai tại 24 xã của huyện Mù Cang Chải và Trạm Tấu từ nguồn kinh phí thực hiện chính sách dân số tại các xã đặc biệt khó khăn. Tuy hiệu quả có bị ảnh hưởng nhưng vẫn giảm tỷ lệ tảo hôn từ 26,1% năm 2016 xuống còn 21,9% vào năm 2019.
Cùng đó, Chương trình Sàng lọc trước sinh và sơ sinh năm 2013 được hỗ trợ triển khai tại 20 xã của thành phố Yên Bái, thị xã Nghĩa Lộ, các huyện Trấn Yên, Yên Bình từ nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số. Năm 2019 mở rộng thêm 18 xã, đến nay đã thực hiện gần 16.000 ca sàng lọc trước sinh, khoảng 3.500 ca sàng lọc sơ sinh.
Với mô hình tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân được triển khai từ năm 2010 và hiện đang thực hiện tại 18 xã của 7/9 huyện, thị, thành phố, hàng năm đã có 1.500 em lứa tuổi vị thành niên, thanh niên trên địa bàn các xã mô hình được tư vấn và kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân.
Với những nỗ lực này, công tác dân số của tỉnh Yên Bái đã đạt được những kết quả quan trọng. Nhận thức và thực hành của người dân về chính sách dân số - kế hoạch hoá gia đình đã có những chuyển biến tích cực. Quy mô gia đình 2 con ngày một được chấp nhận rộng rãi. Xu thế giảm sinh tiếp tục được duy trì, tỷ suất sinh thô toàn tỉnh giảm từ 19,4%o năm 2011 xuống còn 18,8%o năm 2019. Tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên bình quân hàng năm khoảng 10% tổng số trẻ sinh.
Ban hành kế hoạch hành động Thực hiện Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác dân số của Yên Bái còn một số khó khăn, thách thức. Theo kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, mức sinh của tỉnh là 2,74 con/bà mẹ - đứng thứ 3 trong 12 tỉnh có mức sinh cao nhất toàn quốc. Chất lượng dân số mặc dù đã được cải thiện song vẫn còn thấp. Mất cân bằng giới tính khi sinh mặc dù đã được kiểm soát nhưng vẫn ở mức cao so với mức bình quân của cả nước.
Lợi thế của dân số vàng được quan tâm nhưng khai thác chưa có hiệu quả. Dân số của tỉnh bước vào giai đoạn già hóa nhưng chưa có giải pháp đồng bộ để thích ứng. Tổ chức bộ máy làm công tác dân số có nhiều biến động. Nguồn lực đầu tư cho công tác dân số còn thấp, chưa tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ mới.
Vừa qua, ngày 20/2/2020, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch Hành động Thực hiện Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 của tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2021 - 2025 - một kế hoạch hành động thiết thực nhằm giải quyết những vấn đề còn tồn tại, những vấn đề mới phát sinh của tỉnh theo định hướng Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 của Chính phủ ngày 22/11/2019 sẽ được thực hiện.
Theo đó, Yên Bái sẽ tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với công tác dân số; đồng thời cũng thực hiện đổi mới công tác truyền thông, vận động về dân số; hoàn thiện cơ chế, chính sách về dân số; phát triển mạng lưới và nâng cao chất lượng dịch vụ về dân số. Bên cạnh đó, cũng sẽ đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học, hoàn thiện hệ thống thông tin, số liệu dân số; bảo đảm nguồn lực cho công tác dân số; kiện toàn, ổn định tổ chức bộ máy, tăng cường đào tạo đội ngũ công tác dân số và tranh thủ hợp tác quốc tế cho lĩnh vực này.
Từ năm 2020 đến 2021 sẽ là thời gian xây dựng mô hình, chuẩn bị nguồn lực thực hiện kế hoạch. Từ năm 2020 đến 2025, sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp hướng đến mục tiêu chung nhất là đưa nhanh mức sinh chung của toàn tỉnh về mức sinh thay thế, giảm chênh lệch mức sinh giữa các vùng, đối tượng; đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng; thích ứng với già hóa dân số; nâng cao chất lượng dân số, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. (Gia đình & Xã hội, trang 6).