Đại biểu Quốc hội đề nghị ngừng sản xuất vaccine Covid-19 trong nước
Sáng 4-4, Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội về “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng” đã làm việc với Chính phủ liên quan đến nội dung này.
Trước đó, đoàn giám sát của Quốc hội đã giám sát trực tiếp tại 10 tỉnh, thành phố, làm việc với 14 bộ, ngành. Buổi làm việc với Chính phủ hôm nay nhằm thảo luận để hoàn thiện dự thảo Báo cáo kết quả thực hiện giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp tháng 4-2023.
Sau khi nghe dự thảo báo cáo, thảo luận tại buổi làm việc, nhiều đại biểu đề nghị làm rõ một số nội dung liên quan đến việc huy động nguồn lực xã hội tham gia phòng chống dịch Covid-19, quy định cụ thể hơn về các giải pháp.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Trần Văn Lâm cho biết, qua giám sát cho thấy hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng đã ứng phó khá hiệu quả với dịch Covid-19 nhưng cũng bộc lộ những tồn tại, yếu kém.
Nguyên nhân là do đầu tư đối với hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng chưa tương xứng với yêu cầu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Đại biểu Nguyễn Anh Trí - thành viên Đoàn giám sát – đánh giá cao việc trong thời điểm bùng phát dịch Covid-19, Việt Nam đã thực hiện thành công chiến lược ngoại giao vaccine, tiến hành tiêm miễn phí, rộng rãi cho nhân dân. Tuy nhiên, vị đại biểu Quốc hội thuộc đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội cũng đề nghị đánh giá về những thất bại trong sản xuất vaccine phòng Covid-19 tại Việt Nam.
Ông Trí nêu, trong khi thế giới thành công, làm chủ công nghệ vaccine phòng Covid-19, sản xuất số lượng lớn, với giá rẻ, thì Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện báo cáo, thử nghiệm… gây lãng phí lớn.
Vì vậy, đại biểu đề nghị giai đoạn hiện nay cần ngừng sản xuất vaccine phòng chống Covid-19 ở Việt Nam mà chỉ mua vaccine có chất lượng, với số lượng hợp lý để sử dụng.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí cũng đề nghị, cần rút bài học kinh nghiệm sâu sắc trong câu chuyện sản xuất vaccine Covid-19, đồng thời chuyển Quỹ vaccine Covid-19 sang chi dự phòng sản xuất vaccine cho các dịch bệnh mới phát sinh.
Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đề nghị nhấn mạnh trong Báo cáo kết quả thực hiện giám sát về sự đóng góp, tham gia của từng người dân, tổ chức, doanh nghiệp trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng đồng tình với những tồn tại về việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng được báo cáo của Đoàn giám sát.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định - Trưởng Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội cho biết, phạm vi, đối tượng giám sát tập trung vào việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 chứ không giám sát chung về y tế.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị Chính phủ, các bộ ngành tiếp tục phối hợp tham gia hoàn thiện dự thảo Báo cáo, dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Mục tiêu cuối cùng là Nghị quyết sẽ nhanh chóng đi vào cuộc sống, tháo gỡ tất cả vướng mắc hiện nay và có tầm nhìn trong tương lai nếu có dịch bệnh xảy ra sẽ không bị động, lúng túng (An ninh thủ đô, trang 2).
Sẽ đấu thầu thuốc tập trung cho y tế tuyến cơ sở
Ngày 4/4, ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho biết, Sở đang đề xuất UBND thành phố cho phép bổ sung các thuốc dùng tại trạm y tế vào danh mục đấu thầu tập trung cấp địa phương.
Việc đấu thầu tập trung cấp địa phương với danh mục thuốc mở rộng sẽ giải quyết cơ bản các khó khăn dẫn tới thiếu thuốc do thiếu nhân lực đấu thầu của các trung tâm y tế quận, huyện.
Theo Sở Y tế, thành phố hiện có 310 trạm y tế. Hiện nay, thuốc dùng cho tuyến y tế cơ sở bao gồm các phòng khám của trung tâm y tế quận, huyện, trạm y tế phường, xã được cung ứng bởi nguồn thuốc phân bổ từ gói thầu tập trung cấp quốc gia, tập trung cấp địa phương (đấu thầu tập trung của thành phố) và gói thầu do các trung tâm y tế quận, huyện tự tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, năng lực tổ chức đấu thầu của nhiều trung tâm y tế hạn chế nên dẫn đến tình trạng không cung ứng đủ thuốc cho cộng đồng. Vì vậy, Sở Y tế sẽ triển khai đấu thầu thuốc tập trung thay cho phương án các trung tâm y tế quận, huyện tự đấu thầu.
Trước đó, Sở Y tế khảo sát tình hình cung ứng thuốc bảo hiểm y tế tại các trạm y tế ký hợp đồng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế với Bảo hiểm Xã hội TPHCM. Kết quả khảo sát cho thấy, các trung tâm y tế thực hiện hai chức năng dự phòng và điều trị như Cần Giờ và các quận 3, 5, 10 có năng lực tự đấu thầu và cung ứng tương đối đủ thuốc cho các trạm y tế. Các trung tâm y tế có hoạt động khám chữa bệnh ban đầu như Tân Phú, Cần Giờ, Tân Bình, Gò Vấp đã cung ứng được tương đối đủ thuốc. Tuy nhiên, 14 trung tâm y tế còn lại đang gặp nhiều khó khăn trong đấu thầu thuốc khiến trạm y tế rơi vào tình trạng thiếu thuốc. Nguyên nhân do năng lực mua sắm đấu thầu thuốc của trung tâm y tế còn yếu. Nhiều trạm y tế người dân đến khám chữa bệnh bảo hiểm y tế nên nhu cầu sử dụng thuốc không nhiều. Bên cạnh đó là những khó khăn trong dự báo nhu cầu khám chữa bệnh của người dân trong quá trình củng cố hệ thống y tế cơ sở sau đại dịch.
Trong mô hình bệnh tật hiện nay, bên cạnh nhóm bệnh truyền nhiễm thông thường, nhóm các bệnh không lây nhiễm như đái tháo đường, bệnh tim mạch, bệnh phổi mạn tính, ung thư đang là nguyên nhân hàng đầu, chiếm 70% tổng số ca tử vong. Bệnh lý mạn tính không lây nhiễm được ngành y tế xác định là nhóm cần ưu tiên cho công tác chăm sóc sức khỏe người dân tại các trạm y tế.
Để tháo gỡ khó khăn cho việc thanh toán bảo hiểm y tế đối với thuốc điều trị bệnh tại y tế cơ sở, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 20/2022/TT-BYT (ngày 31/12/2022) về danh mục và tỷ lệ, điều kiện thanh toán đối với thuốc hóa dược, sinh phẩm, thuốc phóng xạ và chất đánh dấu thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế. Nhiều thuốc đã được bổ sung để đảm bảo quyền lợi cho người bệnh bảo hiểm y tế khi đến điều trị bệnh lý mạn tính tại trạm y tế.
Tuy nhiên, theo Sở Y tế TPHCM, một số thuốc cần thiết cho nhóm bệnh mạn tính như hen phế quản và COPD (viêm phổi tắc nghẽn mạn tính) vẫn chưa có trong danh mục thuốc dùng cho trạm y tế. Sở Y tế cho biết đang tiếp tục kiến nghị Bộ Y tế sớm mở rộng danh mục thuốc cho nhóm bệnh hen phế quản và COPD (Tiền phong, trang 6).
Nhận biết sớm sa sút trí tuệ
VN nằm trong nhóm 10 quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Già hóa dân số dẫn đến sự gia tăng số lượng người cao tuổi mắc sa sút trí tuệ.
Đây là căn bệnh xảy ra do thoái hóa các tế bào thần kinh não, đòi hỏi chi phí điều trị và chăm sóc lâu dài. Mặc dù số lượng người cao tuổi gặp các vấn đề về sa sút trí tuệ đang có chiều hướng tăng nhưng nhận thức của cộng đồng về bệnh lý này còn nhiều hạn chế. Chính vì vậy, người mắc sa sút trí tuệ thường chỉ được phát hiện ra khi đã ở giai đoạn vừa và nặng, gây khó khăn, tốn kém trong việc điều trị và chăm sóc.
Phân biệt với chứng lẫn của người già
Sa sút trí tuệ hay gặp nhất là suy giảm trí nhớ, suy giảm nhận thức, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người bệnh. Ví dụ như: quên đường, lạc đường dù đó là nơi quen thuộc; quên tên hoặc không biết cách dùng đồ vật quen thuộc; để đồ vật ở chỗ khác thường (chìa khóa cất vào tủ lạnh); quên công việc mình làm hằng ngày (giáo viên nhưng quên không đến lớp dạy học, giảng bài…); khó khăn trong quản lý tài chính (không nhớ có bao nhiêu tiền; mất ngôn ngữ, mất dấu câu chuyện (bị quên nội dung câu chuyện đang kể…); sử dụng sai đồ dùng, chọn sai quần áo (mùa đông nhưng mặc quần áo mùa hè)…
Theo Bệnh viện Lão khoa T.Ư (Hà Nội), người có các biểu hiện sa sút trí tuệ nên đi khám sớm để can thiệp hiệu quả. Nên vận động thể lực phù hợp 30 phút/ngày, duy trì 5 ngày/tuần. Chẩn đoán bệnh sa sút trí tuệ chủ yếu dựa vào các triệu chứng và sử dụng các trắc nghiệm thần kinh - tâm lý giúp xác định chính xác và mức độ nặng của bệnh.
Sa sút trí tuệ là bệnh, không phải là chứng "lẫn" của người già. Khoảng 70% sa sút trí tuệ là người bị Alzheimer do teo não. Ngoài ra do các nguyên nhân khác: tổn thương thần kinh sau tai biến, chấn thương… Đáng lưu ý, sa sút trí tuệ hiện đã gặp ở người trong độ tuổi 50, dù đây là bệnh mà hầu hết các bệnh nhân là người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên).
Cần tầm soát phát hiện sớm
Bệnh viện Lão khoa T.Ư đã triển khai chương trình khám tầm soát "Nhận biết sớm sa sút trí tuệ tại cộng đồng". Người cao tuổi khi tham gia chương trình được cung cấp kiến thức về sa sút trí tuệ, cũng như khám tầm soát phát hiện sớm để được tư vấn kịp thời từ các chuyên gia thần kinh.
Trong đợt đầu tiên, chương trình đã tầm soát cho 150 người trên 60 tuổi đang sinh sống trên địa bàn phường Phương Mai, Nam Đồng (Q.Đống Đa, Hà Nội), người cao tuổi tại Trung tâm dưỡng lão Nhân Ái và người bệnh, người nhà người bệnh tại Bệnh viện Lão khoa T.Ư. Tham gia chương trình là các trường hợp chưa từng được chẩn đoán sa sút trí tuệ.
Trong tháng 4.2023, Bệnh viện Lão khoa T.Ư sẽ ra mắt CLB người bệnh sa sút trí tuệ và người chăm sóc; qua đó tạo dựng cộng đồng thân thiện với người mắc sa sút trí tuệ, tạo không gian sinh hoạt, giao lưu cho người chăm sóc người bệnh sa sút trí tuệ, chuyên gia sẽ tư vấn thêm kiến thức, kỹ năng chăm sóc người bệnh tại gia đình. Tham gia CLB là các cá nhân quan tâm về sa sút trí tuệ (Thanh niên, trang 15).