Đồng hành vì một Việt Nam khoẻ mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, vì một tương lai tươi sáng
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 5/8/2015

  • |
T5g.org.vn - Rõ trách nhiệm bồi thường khi xảy ra tai biến do tiêm chủng; Tiện ích từ mô hình phòng khám bác sĩ gia đình; Danh mục bệnh được chuyển thẳng từ trạm y tế lên bệnh viện tuyến thành phố để điều trị…

Rõ trách nhiệm bồi thường khi xảy ra tai biến do tiêm chủng

Chiều 4-8, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế cho biết, Bộ đang tiếp tục xin ý kiến về quy định bồi thường tai biến do tiêm chủng bắt buộc. Ngoài ra, tới đây, Bộ sẽ đề xuất đưa thêm 2 loại vaccine mới vào chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) quốc gia.

- Số lượng vaccine TCMR của nước ta hiện nay đã đáp ứng được đầy đủ nhu cầu, thưa ông?

- Hiện tại, tính cả 2 loại vaccine mới nhất vừa được đưa vào chương trình TCMR quốc gia trong tháng 6-2015 vừa qua (gồm vaccine phối hợp phòng sởi - rubella và vaccine viêm não Nhật Bản), chúng ta đã có tổng cộng 11 loại vaccine. Theo lộ trình, tới đây, sẽ có thêm 2 loại vaccine mới được đưa vào chương trình TCMR quốc gia gồm vaccine bại liệt dạng tiêm (IPV) và vaccine phòng tiêu chảy do Rota virus. Trong đó, vaccine IPV sẽ chính thức được tiêm miễn phí cho trẻ từ tháng 5-2016 tới, mỗi trẻ được tiêm 1 mũi kết hợp với uống 3 liều  vaccine bại liệt.

- So với vaccine dịch vụ, độ an toàn của vaccine TCMR đến đâu?

- Không phải vaccine TCMR đều là vaccine nội còn vaccine dịch vụ đều là vaccine ngoại như nhiều người lầm tưởng, cũng không phải vaccine dịch vụ đảm bảo hơn vaccine miễn phí. Tất cả các loại vaccine, dù dịch vụ hay miễn phí, đều phải đảm bảo chất lượng, an toàn, được thẩm định và thử nghiệm rất chặt chẽ.

Mục tiêu của chúng ta là trẻ em được tiêm càng nhiều loại vaccine, tiêm đầy đủ, đúng lịch thì càng tốt. Do vậy, chúng tôi khuyến cáo người dân hãy đặt niềm tin và chủ động đưa con em mình đi TCMR để có miễn dịch phòng bệnh. Hiện Bộ Y tế cũng đang xây dựng một phần mềm về tiêm chủng, qua đó, giúp cán bộ tiêm chủng nắm chắc đối tượng tiêm chủng, biết rõ trẻ đã được tiêm mũi gì, chưa tiêm mũi gì.

- Dự thảo quy định về bồi thường tai biến do tiêm chủng do Bộ Y tế đang xây dựng được dư luận rất quan tâm. Nhiều chuyên gia cho rằng, việc ngành y tế trực tiếp ra kết luận nguyên nhân tai biến để làm cơ sở bồi thường khó đảm bảo khách quan?

- Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đối với tai biến do tiêm chủng đã được quy định tại Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm có hiệu lực từ năm 2008. Dự thảo Nghị định về hoạt động tiêm chủng chỉ làm rõ quy định về bồi thường tai biến do tiêm chủng. Bộ Y tế đang tiếp tục lấy ý kiến để hoàn thiện dự thảo.

Quy định bồi thường thiệt hại do tai biến tiêm chủng là rất nhân văn, vừa đảm bảo hỗ trợ, bồi thường phần nào cho những người, gia đình người bị thiệt hại (gặp tai biến) do tiêm chủng bắt buộc, vừa nâng cao trách nhiệm của những người làm công tác tiêm chủng. Hiện tại, dự thảo được xây dựng theo hướng khi xảy ra tai biến do tiêm chủng bắt buộc, Nhà nước sẽ bồi thường. Sau khi có kết quả giám định của hội đồng tư vấn chuyên môn, nếu lỗi để xảy ra tai biến do vaccine thì nhà cung cấp vaccine phải bồi hoàn cho Nhà nước, do tiêm chủng thì cán bộ tiêm chủng phải bồi hoàn. Còn việc kết luận có đảm bảo khách quan hay không thì Hội đồng tư vấn chuyên môn phải chịu trách nhiệm. Tại dự thảo, chúng tôi cũng đưa ra những điều khoản thể hiện trách nhiệm cao hơn của Hội đồng.

 Gần 20 triệu trẻ em đã được tiêm vaccine sởi - rubella

Chiều 4-8, Bộ Y tế cho biết, chiến dịch tiêm chủng vaccine sởi - rubella miễn phí cho tất cả trẻ từ 1 đến 14 tuổi trên phạm vi toàn quốc từ tháng 9-2014 đến tháng 5-2015 đã hoàn tất. Cụ thể, gần 20 triệu trẻ em (đạt tỷ lệ 98,2% số trẻ từ 1 -14 tuổi) đã được tiêm vaccine sởi - rubella.

Đến nay, chỉ còn 23 xã vùng sâu, vùng xa của các tỉnh miền núi khó khăn chưa đạt tỷ lệ tiêm 95% và các tỉnh này đang chỉ đạo tiếp tục tiêm vét, phấn đấu 100% số xã đạt tỷ lệ tiêm trên 95% trong tháng  8-2015. Nhờ đó, 7 tháng đầu năm nay, cả nước chỉ ghi nhận rất ít trường hợp mắc sởi, không có ổ dịch sởi.( An ninh thủ đô trang 3, Công an nhân dân trang 1, Tuổi trẻ trang 3, Khoa học & đời sống trang 2, Gia đình & xã hội trang 7, Nông thôn ngày nay trang 2, Tiền phong trang 6, Sức khỏe & đời sống trang 2)

 

Tiện ích từ mô hình phòng khám bác sĩ gia đình

Ngày 4-8, tại TP Hồ Chí Minh, Bộ Y tế tổ chức hội nghị sơ kết Đề án thí điểm Bác sĩ gia đình (BSGĐ) và xây dựng Đề án nhân rộng mô hình BSGĐ giai đoạn 2016-2020. PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế trực tiếp chủ trì hội nghị…( Công an nhân dân trang 4, Gia đình & xã hội trang 16)

 

Danh mục bệnh được chuyển thẳng từ trạm y tế lên bệnh viện tuyến thành phố để điều trị

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Lưu Thị Liên vừa ký văn bản về việc chuyển tuyến điều trị một số bệnh vượt quá khả năng chuyên môn của bệnh viện (BV) tuyến huyện.

Theo đó, để giảm bớt thủ tục hành chính và tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh tham gia BHYT, Sở Y tế và BHXH thành phố đã thống nhất danh mục một số bệnh được chuyển thẳng từ trạm y tế xã lên BV tuyến thành phố trong trường hợp trước đó đã được BV đầu ngành chẩn đoán xác định bệnh vượt quá phạm vi chuyên môn của BV tuyến huyện. Cụ thể là: Bệnh tim có chỉ định phẫu thuật, ung thư, suy tủy, chạy thận nhân tạo, tan máu bẩm sinh (Thalasemia), tan máu tự miễn, xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch, đái huyết sắc tố kịch phát ban đêm, bệnh lý chức năng tiểu cầu… Sở Y tế đã có văn bản yêu cầu các đơn vị triển khai thực hiện và tiếp tục rà soát, báo cáo để Sở Y tế bổ sung những bệnh được chuyển thẳng từ trạm y tế về BV tuyến thành phố.( Hà Nội mới trang 5, Thanh niên trang 2, Gia đình & xã hội trang 2, Sức khỏe & đời sống trang 2)

 

Khám chữa bệnh bằng BHYT: Nỗi lo của người có “H”

Từ ngày 15-8, người có HIV khi khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế (BHYT) sẽ được chi trả theo quy định hiện hành của Bộ Y tế. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, phần lớn đối tượng này lại không muốn sử dụng BHYT do e ngại vấn đề bảo mật thông tin cá nhân…( Hà Nội mới trang 6)

 

Sẽ có 200.000 liều vawcxin 5 trong 1 dịch vụ

Đây là thông báo của Cục Quản lý dược, Bộ Y tế trước tình hình liên tiếp thiếu vawcxin dịch vụ thời gian qua. Theo Cục Quản lý dược, lý do chính khiến vawcxin 5 và 6 trong 1 dịch vụ đứt hàng thời gian qua là do nhà sản xuất…( Tuổi trẻ trang 14)

 

Mỗi ngày có 350 tấn rác thải y tế

Đây là con số được đưa ra tại cuộc hội thảo về xử lý rác thải y tế vừa diễn ra sáng nay tại Hà Nội.

Tại đây, các chuyên gia cũng đã đánh giá về tác động của cách xử lý rác thải hiện nay tại nhiều địa phương đến môi trường sống và giới thiệu về công nghệ xử lý mới bắt đầu được tiến hành.

Theo báo cáo thống kê, tổng lượng chất thải rắn y tế phát sinh từ các bệnh viện trong cả nước khoảng 350 tấn/ngày. Trong khi đó, chỉ một số bệnh viện tuyến tỉnh và Trung ương được đầu tư các lò đốt và xử lý. Các đơn vị tuyến huyện, đặc biệt là tuyến xã thì hầu như đều xử lý bằng cách chôn xuống đất; một số nơi xử lý bằng các lò đốt nhưng công nghệ cũ nên khá ảnh hưởng đến môi trường sống xung quanh.

Đứng trước thực trạng trên, tổ chức Lux Dev đã phối hợp với, Bộ Y tế, Dự án VIE/027- hỗi trợ chính sách khám chữa bệnh cho người nghèo tại Cao Bằng và Bắc Kạn cùng chính quyền địa phương 2 tỉnh tiến hành lắp đặt và đào tạo sử dụng tại chỗ các lò hấp rác thải công nghệ mới cho 6 bệnh viện huyện và trung tâm y tế huyện, 17 trạm y tế xã.

Theo đánh giá ban đầu, các lò hấp công nghệ mới đã không còn gây ra tình trạng khói bụi ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Các nhân viên y tế trực tiếp tham gia vào việc xử lý chất thải đánh giá rất cao sự “thân thiện với môi trường” của công nghệ mới này.

Thông qua các đánh giá ban đầu, các chuyên gia mong muốn được mở rộng mô hình áp dụng công nghệ mới trong xử lý chất thải y tế ra nhiều địa phương để hạn chế các ảnh hưởng độc hại từ rác thải y tế hiện nay đối với cuộc sống con người.

Theo chương trình triển khai Dự án, từ tháng 5/2015, Dự án hỗ trợ lắp đặt 23 máy hấp xử lý chất thải y tế tại 6 bệnh viện đa khoa tuyến huyện và 17 trung tâm y tế của 2 tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn. Trong đó, Cao Bằng có 3 huyện được hưởng lợi là: Trùng Khánh, Hà Quảng, Nguyên Bình.( Gia đình & xã hội trang 7, Tiền phong trang 6)

 

Huy động trong y – bác sĩ 2 lít máu hiếm cứu sản phụ

Ngày 4-8, bác sĩ Nguyễn Hồng Quang, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa cho biết sản phụ Nguyễn Hạ Mai Trâm, (31 tuổi ngụ phường Ba Ngòi, TP Cam Ranh) đã ổn định sau ca phẫu thuật hơn 3 giờ.

Sản phụ này đã mang thai lần 3 nhưng 2 lần sinh mổ trước, cả 2 đứa con đều chết vì bệnh tim bẩm sinh khi mới 9 tháng tuổi. Do đó, đứa con này có ý nghĩa rất quan trọng.

Sản phụ được mổ lấy thai lúc 14 giờ 40 ngày 3-8, kíp mổ đã đưa thai nhi ra ngoài an toàn. Tuy nhiên, sản phụ có bánh nhau bị cài răng lược, xuyên cơ tử cung và đâm thẳng vào dây chằng rộng do đó gây chảy máu dữ dội. Sản phụ bị choáng trên bàn mổ do mất máu quá nhiều.

“Vì sản phụ có nhóm máu AB, là nhóm máu ít gặp nên bệnh viện đã huy động tất cả y bác sĩ tình nguyện hiến máu cứu sản phụ. Rất may, có 1 bác sĩ phù hợp nhóm máu này. Chúng tôi phải truyền 7 đơn vị máu, trong đó phải truyền thêm máu O để cứu sống sản phụ”, bác sĩ Quang cho biết…( Lao động trang 2)

 

Cấp cứu bệnh nhân tắc ruột do u đại tràng

Tắc ruột là một trong những cấp cứu thường gặp trong cấp cứu ổ bụng, chỉ đứng sau viêm ruột thừa. Tắc ruột có nhiều nguyên nhân, xong nếu không được cấp cứu, xử lý kịp thời sẽ mang lại nhiều biến chứng, nguy hiểm cho bệnh nhân.

Bệnh nhân Vũ Thị Hợi (83 tuổi, Ý Yên, Nam Định) nhập Bệnh viện 103 trong tình trạng bụng chướng, căng tròn, người sốt… Sau khi thăm khám lâm sàng, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị tắc ruột do u đại tràng, viêm túi mật… Các bác sĩ đã tiến hành mổ cấp cứu nội soi cắt đại tràng phải và túi mật.( Khoa học & đời sống trang 7)

 

Cứu sống thai phụ bị giun đũa làm tổ, xoắn thành búi gây viêm tụy cấp

Ngày 4/8, Bệnh viện Bạch Mai cho biết đã phát hiện và can thiệp kịp thời cho trường hợp hiếm gặp của một thai phụ mang bầu tuần thứ 25 bị nhiễm giun đũa làm tổ, xoắn thành búi trong tá tràng và ống tụy, đường mật gây viêm tụy cấp. Khi tiến hành nội soi, các bác sĩ đã phát hiện từng búi giun đũa kết lại trong tá tràng. Các bác sĩ đã tiến hành hội chẩn, khuyên gia đình thai phụ nên tẩy giun. Điều đáng nói là việc tẩy giun với phụ nữ mang thai rất cần cân nhắc, tuy nhiên trong trường hợp này, nếu không tẩy giun, sẽ không thể dùng phương pháp nội soi để gắp hết giun và tình trạng viêm tụy cấp của thai phụ có nguy cơ đe dọa tử vong.( Sức khỏe & đời sống trang 2)

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang