Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực y tế
Ngày 5-11, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến với 63 điểm cầu về “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý khám, chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế theo Nghị quyết 36a/NQ-CP của Chính phủ”. Thống kê cho thấy, có 100% số bệnh viện tuyến T.Ư, 68% số bệnh viện tuyến tỉnh và 61% số bệnh viện tuyến huyện đã triển khai phần mềm quản lý khám, chữa bệnh…
Để ứng dụng CNTT hiệu quả, Bộ Y tế sẽ triển khai hình thức thuê doanh nghiệp thực hiện dịch vụ cho từng phần hoặc thuê trọn gói; tổ chức đào tạo, đào tạo lại đội ngũ cán bộ chuyên trách CNTT; xây dựng Cổng dịch vụ công Bộ Y tế và tích hợp lên Cổng thông tin điện tử của Bộ, Cổng dịch vụ công quốc gia…(Nhân dân trang 5)
Xác minh thông tin bim-bim không bảo đảm an toàn thực phẩm
Ngày 5-11, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết: Sau khi nhận được thông tin phản ánh tình trạng sản xuất các sản phẩm bim-bim theo công nghệ Trung Quốc có nguy cơ không bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) tại một số cơ sở sản xuất trên địa bàn TP Hà Nội, Cục ATTP đã có văn bản đề nghị Sở Y tế Hà Nội và các cơ quan chức năng tổ chức xác minh thông tin. Cục cũng đề nghị các cơ quan liên quan của Hà Nội thanh tra, kiểm tra ATTP tại các cơ sở sản xuất bim-bim trên địa bàn; tiến hành lấy mẫu các sản phẩm nghi ngờ không bảo đảm an toàn để kiểm nghiệm; phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm...(Nhân dân trang 5, An ninh thủ đô trang 8)
Hơn 90% trang thiết bị y tế phải nhập khẩu
Đó là thông tin được đề cập tại Hội thảo “Nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng thiết bị y tế” do Bộ Y tế và Hội Thiết bị y tế Việt Nam phối hợp tổ chức ngày 4/11, tại Hà Nội. Tại hội thảo, các chuyên gia nhận định, việc đầu tư trang thiết bị y tế ở nước ta còn chưa cân đối giữa mua sắm và sử dụng. Một số bệnh viện chưa sử dụng hết hiệu quả các thiết bị y tế hiện đại do cán bộ chưa đủ trình độ để vận hành thiết bị…(An ninh thủ đô trang 8, Sức khỏe & đời sống trang 2)
Ngộ độc chì do dùng thuốc cam không rõ nguồn gốc
Theo thông tin từ Trung tâm chống độc-Bệnh viện (BV) Bạch Mai, tại đây đang tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhân Trần Minh N. (6 tuổi ở Việt Yên, Bắc Giang) ngộ độc chì do dùng thuốc cam của một thầy lang. Gia đình cháu bé cho biết, do sốt ruột vì con trai lười bú, chậm tăng cân nên chị đã mua thuốc cam cho con uống ngay từ khi cháu bé mới vài tháng tuổi. Thấy con tăng cân, chị càng cho con uống thuốc cam nhiều hơn. Chị còn trộn thuốc cam vào cháo cho con ăn đến hơn 1 tuổi mới dừng. Lúc này, con bắt đầu xuất hiện những biểu hiện như: môi khô, xuất hiện những cơn co giật, đờ đẫn, nhận biết kém… nhưng gia đình vẫn không hề nghĩ con bị ngộ độc chì…(An ninh thủ đô trang 8, Gia đình & xã hội trang 7)
Thời tiết giao mùa, gia tăng trẻ nhập viện
Ngày 5-11, theo tin từ một số bệnh viện (BV) trên địa bàn Hà Nội, do thời tiết chuyển mùa, nhiệt độ có sự chênh lệch giữa ngày và đêm nên số lượng trẻ nhập viện tăng nhanh.
Cụ thể, tại Khoa Nhi (BV Bạch Mai), số bệnh nhân đến khám vào khoảng 250-300 bệnh nhân/ngày (tăng gấp 1,5 lần so với trước), trong đó có hơn 50% số bệnh nhân mắc các bệnh lý về hô hấp. Tương tự, tại Khoa khám nhi (BV Đa khoa Xanh pôn), trung bình mỗi ngày có hơn 300 trẻ đến khám bệnh, chủ yếu là trẻ mắc viêm phế quản, viêm phổi, trong đó có khoảng 10% bị nặng, phải nằm viện để điều trị.
Theo các bác sĩ, để chủ động phòng bệnh cho trẻ khi thời tiết thay đổi, cha mẹ cần đeo khẩu trang, mặc quần áo ấm cho trẻ khi ra đường. Khi trẻ ra mồ hôi, cần cởi bớt áo ngoài ra và lau mồ hôi ngực, lưng để tránh nhiễm lạnh. Khi trẻ có dấu hiệu ho, sốt cao, hắt hơi, chảy nước mũi thì cần đưa đến BV để được điều trị kịp thời.(Hà Nội mới trang 5)
Sức khỏe 51 học sinh bị ong đốt đã ổn định
Về sự việc 51 học sinh (HS) Trường Tiểu học Yên Sở (quận Hoàng Mai) bị ong đốt tại trường phải nhập viện, ngày 5-11, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến cho biết, Phòng GD-ĐT quận Hoàng Mai đã có báo cáo gửi Sở GD-ĐT.
Theo đó, ngày 5-11, có 47 trong tổng số 51 HS bị ong đốt đã đi học bình thường; 4 em xin phép nghỉ học. Nhà trường đã trao đổi với phụ huynh của 4 HS này và cùng với nhân viên y tế phường đưa các em đến Bệnh viện Bạch Mai khám lại. Kết quả sau khám cho thấy tình trạng sức khỏe của cả 4 HS này bình thường.
Trước đó, trong giờ ra chơi chiều 4-11, khi các em HS đang vui chơi tại sân sau dãy lớp học nhà A thì bị ong đốt. Nhà trường phát hiện có một tổ ong nhỏ (loại ong ruồi) trên cây liễu gần khu vực các em chơi. Sau khi biết HS bị ong đốt, nhà trường đã phối hợp với Trạm y tế phường sơ cứu ban đầu và dỡ bỏ tổ ong, cùng cha mẹ HS đưa các em đến Bệnh viện Bạch Mai. Sau khi khám, toàn bộ 51 HS (trong đó có 2 HS có dấu hiệu nặng, phải xét nghiệm máu) được xuất viện trong ngày.(Hà Nội mới trang 5 Tiền phong trang 6, Sức khỏe & đời sống trang 2)
Bảo hiểm y tế: trên dưới chưa thông
Trả lời báo chí cuối tuần rồi, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng tăng viện phí người dân sẽ có lợi, nhưng bà Tiến hình như chưa tính đến 25 triệu người chưa có thẻ bảo hiểm y tế, mà việc mua thẻ gọi là tự nguyện nhưng không dễ dàng…(Tuổi trẻ trang 2,3)
Sao phải ra nước ngoài mổ?
Gần đây, tiền vệ Anh Khoa (SHB Đà Nẵng) vừa sang Singapore điều trị do chấn thương nghiêm trọng: vỡ sụn chêm, bị đứt đến ba dây chằng chéo sau, chéo trong, chéo ngoài với chi phí hàng trăm triệu đồng. Trong khi đó, các bác sĩ Việt Nam khẳng định những chấn thương thường gặp ở các vận động viên, đặc biệt là cầu thủ, hoàn toàn có thể điều trị thành công ở trong nước…(Tuổi trẻ trang 14)
Chữa bệnh ung thư miễn phí cho người nghèo
Chiều 5/11, Phó ban thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, ông Nguyễn Phong Quang, cho biết Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo Tây Nam Bộ vừa đặt máy điều trị phì đại và ung thư tuyến tiền liệt tại Bệnh viện Đa khoa Cần Thơ để phục vụ miễn phí người nghèo…(Tiền phong trang 6)
Phát hiện thực phẩm chức năng Cốm Cansua 3+ giả
Ngày 5/11, TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (ATTP) - Bộ Y tế, cơ quan này đã nhận được báo cáo của Thanh tra Sở Y tế Hà Nội về việc hiện nay trên thị trường đang lưu hành lô sản phẩm thực phẩm chức năng Cốm Cansua 3+ (số lô 012015, NSX: 21032015 - HSD: 20032017) giả mạo sản phẩm thực phẩm chức năng Cốm Cansua 3+ của Công ty TNHH Dược phẩm Mê Linh công bố và sản xuất (địa chỉ tại Duyên Trường, Duyên Thái, Thường Tín, Hà Nội) và Công ty TMHH Dược phẩm và TBYT Minh Phát phân phối (địa chỉ ở số 31, tập thể Cục An ninh quân đội, Tổ 50, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội)…( Tiền phong trang 6)
Phấn đấu hết năm, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 75%
Tính đến tháng 9/2015, số đối tượng tham gia BHYT khoảng 67,4 triệu người, tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 73,91% dân số. Tỷ lệ chưa tham gia bảo hiểm y tế tập trung tại các nhóm là người lao động và người sử dụng lao đông. Theo Bộ Y tế, nhiệm vụ trọng tâm trong Quý VI/2015 là phải đạt tỷ lệ bao phủ BHYT 75%...(Gia đình & xã hội trang 7)
Cứu thai phụ sắp sinh sốt xuất huyết nặng
Ngày 5-11, bác sĩ Nguyễn Anh Dũng - phó giám đốc Bệnh viện Nhân dân Gia Định - cho biết bệnh viện này vừa điều trị thành công cho một thai phụ mang thai 39 tuần tuổi, bị sốt xuất huyết, giảm tiểu cầu nặng.
Đó là chị Trần T.H.Y. (30 tuổi, ở Q.2, TP.HCM), nhập viện ngày 31-10 với chẩn đoán sốt xuất huyết ngày 2, thai ước lượng 3,5kg.
Ngày 4-11 khi đó bệnh nhân bị sốt xuất huyết ngày 6, giảm tiểu cầu, bệnh nhân đã được truyền 12 đơn vị tiểu cầu nhưng tiểu cầu chỉ tăng lên chút. Sau đó, chị Y. chuyển dạ sinh và bác sĩ đã có chỉ định mổ bắt con do bất xứng đầu chậu, nguy cơ băng huyết và nguy cơ rủi ro cho thai nhi rất cao.
Đây là trường hợp có thể diễn biến phức tạp, có nguy cơ rất cao nên bệnh viện đã triển khai ngay quy trình báo động đỏ, hội chẩn cấp bệnh viện, triển khai êkip phẫu thuật, thông báo ban giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Truyền máu - huyết học cử bác sĩ đến tham gia hội chẩn liên viện ngay tại bàn mổ cho bệnh nhân này.
Trong lúc mổ bắt con, bệnh nhân bị mất gần 2 lít máu (do bệnh lý sốt xuất huyết, giảm số lượng và chức năng tiểu cầu), tuy nhiên nhờ các biện pháp chủ động phòng ngừa băng huyết, bù tiểu cầu, hồng cầu lắng... nên kiểm soát được tình trạng chảy máu.
Một bé trai nặng 3,7kg đã ra đời. Sau mổ tình trạng sức khỏe của mẹ và con đã tạm ổn định. Bé đang tiếp tục được theo dõi chăm sóc tại khoa bệnh lý sơ sinh.(Tuổi trẻ trang 14)
Ghép tế bào gốc cứu sống trẻ bị bệnh tan máu
Lần đầu tiên Bệnh viện Nhi T.Ư thực hiện ca ghép tế bào gốc máu cuống rốn chữa bệnh tan máu bẩm sinh mà mẫu tế bào gốc được vận chuyển từ TPHCM ra Hà Nội bằng xe chuyên dụng.
Bệnh nhi L.N.M. (10 tuổi) được phát hiện mắc bệnh tan máu bẩm sinh khi được 4 tháng tuổi. Bé thường xuyên phải đi bệnh viện để truyền máu vì lúc bấy giờ Việt Nam chưa thực hiện được ghép tế bào gốc từ máu cuống rốn. Anh L.V.T, bố bệnh nhi có biết, khi M. được 3 tuổi thì anh đọc được thông tin Viện Huyết học và Truyền máu TPHCM có thể ghép được nên cả nhà khăn gói vào Sài Gòn với hy vọng mong manh con trai sẽ được chữa bệnh. Tại đây các bác sĩ tư vấn vợ chồng anh nên sinh thêm con để có thể sử dụng tế bào gốc máu cuống rốn ghép cho bé M.
Một năm sau đó, M. có thêm em trai, ngay sau khi em bé chào đời, các bác sĩ đã lấy máu cuống rốn của trẻ sơ sinh lưu trữ tại Ngân hàng tế bào gốc Mekostem (TPHCM). Nhưng phải đợi đến 6 năm sau, mẫu máu cuống rốn đó mới được ghép vào cơ thể bệnh nhân. Lý giải điều này, anh T. cho biết, Viện Huyết học và Truyền máu TPHCM ưu tiên ghép trước cho những bệnh nhân ung thư, trong khi bệnh của bé M. chưa quá khẩn cấp nên chờ mãi chưa đến lượt. Sau đó biết tin Bệnh viện Nhi T.Ư đã thực hiện được kỹ thuật ghép nên gia đình đưa con đến khám và làm các xét nghiệm.
TS Nguyễn Thị Thanh Mai, Khoa Truyền máu (Bệnh viện Nhi T.Ư) cho biết, đây là ca ghép tế bào gốc đầu tiên tại viện mà mẫu máu cuống rốn được chuyển từ TPHCM ra Hà Nội. Các chuyên gia đã sử dụng dung dịch bảo quản đạt tiêu chuẩn quốc tế vận chuyển mẫu trên xe chuyên dụng, đảm bảo chất lượng mẫu máu cuống rốn không bị ảnh hưởng.
May mắn đến với bệnh nhi M. khi các xét nghiệm cho thấy chỉ số hòa hợp giữa tế bào gốc của người hiến và người nhận là 100%, chất lượng tế bào sống hơn 80%. Bệnh nhân M. được đưa vào phòng vô trùng, cách ly hoàn toàn với mọi người. Sau đó các bác sĩ dùng hóa chất diệt tế bào tủy của M. để chuẩn bị cho công đoạn ghép tế bào gốc của em trai. Lúc này, bệnh nhi đối mặt với nguy cơ nhiễm khuẩn vì không còn tủy, hệ miễn dịch rất kém.
Thức ăn được mang vào phòng cho người chăm sóc bệnh nhân ăn đều phải qua máy chiếu diệt khuẩn để đảm bảo an toàn. Lúc này do sức khỏe yếu nên trẻ không ăn được, phải nuôi bằng đường tĩnh mạch. Sau 15 ngày các xét nghiệm cho thấy tế bào tủy xương cũ đã hết, bác sĩ mới truyền tế bào gốc của người cho vào cơ thể người nhận.
Sau khi ghép sức đề kháng của bệnh nhân vẫn chưa có nên bác sĩ liên tục chỉ định truyền máu và sử dụng thuốc chống thải ghép. Khó khăn xuất hiện khi cơ thể không còn miễn dịch, bệnh nhi bị nhiễm trùng do nấm rất nặng nề. Có thời điểm tưởng như không cứu vãn được tình hình khi bé M. bị tăng huyết áp, co giật, suy thận, đau đầu, nôn liên tục, tiêu chảy kéo dài.
Hơn 1 tháng sau kể từ ngày ghép, mảnh ghép mới đã mọc, cơ thể sinh miễn dịch nên sức khỏe bệnh nhân dần ổn định, xét nghiệm thấy tế bào tủy tốt, các dòng tế bào máu ngoại biên trở lại ổn định, giảm truyền máu.
Ngày 3/11, bệnh nhân đã được các bác sĩ cho xuất viện về điều trị ngoại trú trong tình trạng sức khỏe tốt. Anh T. cho hay về nhà bé M. ăn uống tốt, chơi đùa với các bạn bình thường và sẽ trở lại lớp học vào tuần sau.
Nói về thành công của ca ghép đặc biệt này, PGS.TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư cho biết: “Thành công của ca ghép có được là nhờ sự phối hợp toàn diện của các nhóm huyết học lâm sàng, nhóm tế bào gốc, huyết học xét nghiệm, các hệ thống labo, đơn vị chăm sóc ghép... Đặc biệt là nhờ cha mẹ bệnh nhân đã hiểu được bệnh của con để lưu máu cuống rốn em bé, phối hợp tốt trong thời gian ghép”. TS Thanh Mai chia sẻ, những bác sĩ, điều dưỡng của khoa Hồi sức Ngoại thực sự là những người làm nên điều kỳ diệu cho bệnh nhi khi họ đã dốc sức và kinh nghiệm để cứu bé M. vượt qua những thời khắc “cửa tử”.(Tiền phong trang 6)