Tôn vinh 703 tân Giáo sư, Phó Giáo sư năm 2016
Ngày 5-11, tại Hà Nội, Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước đã tổ chức lễ công bố Quyết định và trao Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư năm 2016. Năm 2016 là lần thứ 25, Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư. Trong đó đã có thêm 65 ứng viên được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh Giáo sư và 638 ứng viên được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh Phó Giáo sư.
Đây là kết quả của những nỗ lực phấn đấu bền bỉ trong nghiên cứu khoa học và đào tạo của các tân Giáo sư, Phó Giáo sư. Giáo sư trẻ nhất được công nhận đợt này là thầy Trần Đình Thắng, 41 tuổi, chuyên ngành Hóa học, Đại học Vinh. Phó Giáo sư trẻ nhất là thầy Trần Xuân Bách, 32 tuổi, ngành Y học, Đại học Y Hà Nội.
Nhiệt liệt chúc mừng 703 Giáo sư và Phó Giáo sư được công nhận đạt tiêu chuẩn năm nay, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định: Đội ngũ Giáo sư, Phó Giáo sư có vai trò vô cùng quan trọng và mang tính quyết định trong đổi mới hệ thống sáng tạo quốc gia, giáo dục và đào tạo, nhất là giáo dục đại học, nhằm nâng cao tiềm lực khoa học - công nghệ và chất lượng nguồn nhân lực nước nhà.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, đây không chỉ là các nhà khoa học, những nhà sư phạm giỏi trong nghiên cứu, giảng dạy mà còn là tấm gương về nhân cách trong nhà trường, trong đời sống và xã hội. Tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mong muốn các Giáo sư, Phó Giáo sư phát huy thật tốt vai trò của mình trong nghiên cứu, đào tạo, trong lĩnh vực công tác và trong xã hội. (An ninh Thủ đô, trang 3)
Sữa công thức có thể gây “hở ruột” ở trẻ
Lầm tưởng sữa mẹ chỉ thực sự về độ 3-4 ngày sau khi sinh, nhiều bà mẹ thay vì cho con bú ngay sau khi sinh để tận hưởng những lợi ích tuyệt vời của sữa non (xuất hiện vào cuối thời kỳ mang thai và lưu thông qua tuyến vú của người mẹ chỉ trong vòng 72 giờ đầu sau sinh) lại để con mình phải “tráng ruột” bằng sữa công thức. Đây được cho là một trong những nguyên nhân gây ra hiện tượng “hở ruột” ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
72 giờ vàng và sự kỳ diệu của sữa non
Sữa non còn được gọi là sữa đầu, tên khoa học gọi là Colostrum. Trong sữa non có chứa đầy đủ các chất dinh dưỡng cân đối, các kháng thể diệt vi khuẩn, virus độc hại và các chất điều hòa miễn dịch giúp cho một cơ thể trẻ sơ sinh chống lại bệnh tật, phát triển và khỏe mạnh. Bởi vậy, nó là loại thực phẩm hoàn hảo, quý giá và trẻ sơ sinh cần phải được bú trọn vẹn lượng sữa non mà cơ thể mẹ tạo ra trong 72 “giờ vàng” đó.
Theo chuyên gia tư vấn sữa mẹ - Thạc sỹ Lê Nhất Phương Hồng (đã hoàn thành chứng chỉ Chuyên gia tư vấn nuôi con sữa mẹ của Viện Sữa mẹ Quốc tế, tại Canada): “Cơ thể trẻ sơ sinh vừa sinh ra chưa sẵn sàng tiếp nhận bất cứ một dung dịch, thực phẩm nào khác ngoài sữa mẹ.
Bởi lúc này niêm mạc của hệ tiêu hóa cũng như niêm mạc của các bộ phận khác chưa hoàn thiện. Sữa non của người mẹ lúc này không chỉ cung cấp kháng thể và các dưỡng chất quý giá mà còn có tác dụng tráng ruột cho bé. Các hormone có trong sữa non sẽ giúp phát triển các niêm mạc chưa hoàn chỉnh”.
Thạc sỹ Lê Nhất Phương Hồng giải thích thêm: “Trên niêm mạc ruột của chúng ta có rất nhiều lông ruột và trên lông ruột có nhiều vi lông ruột, những vi lông ruột này có tác dụng chọn lọc những gì tiếp nhận và những gì cần đào thải. Sữa non trong 72 giờ đầu chứa các hormone cần thiết sẽ giúp cho các vi lông ruột mọc đầy ra, hoàn chỉnh hệ niêm mạc ruột. Điều này rất ý nghĩa với sức khỏe lâu dài, chống lại sự tích tụ độc tố gây ra các bệnh ung thư, đồng thời chống tiếp nhận dư thừa giúp chống bệnh béo phì, tiểu đường về sau”.
Hiện tượng “hở ruột” - nhiều hệ lụy
Hiện tượng “hở ruột” là một cách nói của tình trạng thiếu vi lông ruột trong niêm mạc ruột ở trẻ sơ sinh, mà nguyên nhân là do không được bú sữa non trọn vẹn trong 72 giờ đầu. Đây đồng thời là nguyên nhân làm tăng nguy cơ tiêu chảy và nhiễm trùng ở trẻ nhỏ, vì các loại khuẩn có hại và mầm bệnh dễ dàng thẩm thấu qua niêm mạc ruột vào cơ thể.
Cũng theo Thạc sỹ Lê Nhất Phương Hồng, rất nhiều người do ngộ nhận rằng sữa mẹ chỉ về sau 3-4 ngày sau sinh nên đã bỏ lỡ 72 giờ vàng sữa non và thay vào đó là cho bé bú sữa công thức trong những cữ bú đầu đời. Mà trong những ngày đầu đời này, chỉ một cữ sữa công thức cũng khiến cho niêm mạc ruột của bé bị tổn thương, dẫn đến nguy cơ cơ thể sẽ tiếp nhận cả độc tố, mầm bệnh, các tế bào bất thường và phải sau nhiều tuần bú sữa mẹ hoàn toàn mới có thể phục hồi.
Ngoài ra, để các bà mẹ có thể yên tâm, Thạc sỹ Lê Nhất Phương Hồng khẳng định: “Trong 72 giờ đầu bé sơ sinh không hề bị đói, bé không cần năng lượng từ việc ăn uống. Nên ngoài sữa non của mẹ, bé không cần ăn thêm bất cứ loại dung dịch, thực phẩm nào khác, kể cả sữa công thức. Cơ thể của thai nhi được tích lũy mỡ trắng, 10% mỡ trắng đó được tạo ra nhằm dự trữ năng lượng dùng cho 72 giờ đầu sau sinh, cho dù bú được ít hay nhiều thì cơ thể vẫn hoàn toàn khỏe mạnh. Đây là cơ hội để cho bé bú trọn vẹn sữa non để nhận được những lợi ích tuyệt vời của sữa non. Nếu bé khóc thì có thể là do bé cảm thấy không an toàn do bị đột ngột thay đổi môi trường (từ môi trường trong bụng mẹ ra ngoài) và có nhu cầu được ôm ấp, vỗ về chứ không phải vì đói”.
Vì vậy, ngay sau khi sinh, càng sớm càng tốt, bé cần được da tiếp da với mẹ càng nhiều càng tốt. Điều này sẽ giúp bé có đủ thời gian để thích nghi với môi trường và cảm thấy yên tâm hơn khi bị chuyển đổi sang môi trường mới một cách đột ngột. (An ninh Thủ đô, trang 8).
Đề phòng bệnh eczema mùa thu đông
Eczema (bệnh viêm da dị ứng) là bệnh về da liễu khá phổ biến, tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng gây ngứa, khó chịu cho người bệnh. Bệnh thường hay gặp nhất vào mùa thu - đông, khi thời tiết giao mùa. Bệnh eczema là bệnh ngứa da điển hình nhất trong các bệnh ngứa da, liên quan đến thể tạng dị ứng. Bệnh thường gặp ở trẻ em với triệu chứng điển hình là da khô, rất đau rát hoặc các vết ban đỏ kèm theo ngứa. Bộ ba dấu hiệu chuẩn mực nhất đó là “đỏ da, mụn nước và ngứa”.
Thường thì khi tiếp xúc với một dị nguyên hay là một yếu tố gây dị ứng nào đó, da vùng tiếp xúc sẽ bị đỏ lên. Quan sát kỹ, thực chất đám đỏ da có các mụn nước nhỏ li ti lấm tấm. Khi gãi bật ra hoặc gãi cho chảy máu thì hết ngứa hoặc ngứa giảm. Nhưng đáng tiếc là giảm được ngứa thì da lại bị nhiễm khuẩn hoặc sẽ bị tổn thương sâu hơn để lại sẹo. Ngoài 3 triệu chứng đặc trưng đã nói trên, bệnh eczema còn nhiều dấu hiệu khác như chảy nước, chảy máu, đóng vảy, chảy mủ…
Thời tiết hanh mùa thu, đông làm giảm chức năng của hàng rào bảo vệ da cùng với giảm lớp ceramic trên bề mặt da làm cho da dễ bị mất nước gây khô da, do đó dễ phát bệnh. Dưới đây là một số mẹo đơn giản giúp bạn đối phó với bệnh eczema vào mùa thu - đông:
Chọn quần áo phù hợp: Trong những tháng mùa lạnh, tránh mặc trực tiếp quần áo làm từ chất liệu len hay chất liệu thô ráp do chúng dễ gây kích ứng da. Tốt hơn là chọn quần áo cotton không chỉ khiến da dễ chịu mà còn bảo vệ sự an toàn cho da, tránh dị ứng và ma sát. Mặc để giữ ấm nhưng mặc quá nhiều quần áo có thể tạo mồ hôi và gây ngứa ngáy khó chịu.
Duy trì độ ẩm: Một trong những cách tốt nhất và đơn giản nhất để giữ độ ẩm cho da là uống đủ nước mỗi ngày. Cách này còn giúp loại bỏ độc tố ra ngoài cơ thể, giảm nguy cơ bị những bệnh về da khác. Trong phòng, có thể sử dụng một máy phun sương tạo độ ẩm không khí. Lưu ý thường xuyên vệ sinh máy để loại bỏ bụi và các vi sinh vật có thể kích thích gây cơn hen phế quản cấp.
Ăn uống lành mạnh: Ai đó có thể cho rằng thực phẩm không liên quan đến việc việc làm tăng hoặc giảm nguy cơ eczema, nhưng thực tế, một chế độ ăn uống lành mạnh và cân bằng có thể giúp duy trì độ ẩm cho da. Hãy khuyến khích người bị viêm da dị ứng ăn các loại trái cây và rau xanh theo mùa để duy trì sức khỏe.
Không tự ý dùng thuốc: Bôi kem dưỡng ẩm rất cần thiết vì vừa có tác dụng chống khô da vừa có tác dụng tránh ngứa, hạn chế tái phát. Tuy vậy, đối với thuốc dùng để điều trị eczema, lưu ý một số thuốc kê đơn phổ biến nhất có chứa steroid trong một số trường hợp lại không mang lại kết quả chữa trị eczema. Trong những trường hợp này, cần hỏi bác sĩ da liễu về việc đổi thuốc và cách làm giảm ngứa da và viêm. (An ninh Thủ đô, trang 8).
Làm sao phòng tái phát viêm tai giữa?
Hỏi: Con gái tôi 20 tháng tuổi, cách đây gần 1 tháng, cháu mới điều trị khỏi viêm tai giữa. Mới đây tôi thấy, mỗi lần chạm vào tai trái cháu lại kêu đau, đi khám bác sĩ lại kết luận bị viêm tai giữa. Xin bác sĩ tư vấn cách phòng tái phát viêm tai giữa?
Trả lời: Viêm tai giữa là hiện tượng niêm mạc tai giữa bị xung huyết và tạo mủ, khá phổ biến ở trẻ nhỏ từ 6 tháng đến 3 tuổi. Có nhiều nguyên nhân gây ra viêm tai giữa nhưng chủ yếu là do viêm mũi họng gây ra sau cúm, hoặc do bệnh lý về nhiễm virus, sốt virus. Do cấu tạo vòi nhĩ của trẻ ngắn, khẩu kính lớn hơn so với người lớn nên vi khuẩn và các chất dịch ở mũi họng (khi bị viêm) rất dễ lan lên tai giữa.
Biểu hiện của viêm tai giữa là trẻ có thể bị sốt, đau tai hoặc chảy mủ ở tai. Chị đã cho cháu đi khám bác sỹ chuyên khoa thì cứ tiếp tục điều trị cho bé theo phác đồ bác sỹ chỉ định. Để đề phòng tái phát thì cần giữ vệ sinh mũi họng cho bé, hạn chế tối đa việc bé bị các bệnh về đường hô hấp, viêm mũi họng, để tránh lây sang tai, đặc biệt là trong những ngày thời tiết giao mùa, gió lạnh như hiện nay, cần giữ ấm cho trẻ.
Khi tắm, gội cho trẻ cũng cần cẩn thận không để nước vào tai gây viêm nhiễm. Khi trẻ nôn trớ, không nên đặt trẻ nằm đầu thấp vì chất nôn dễ tràn vào tai giữa. Ngoài ra, cho bé bú mẹ (nhằm tận dụng nguồn kháng thể trong sữa mẹ) cũng là một cách tốt để phòng viêm tai giữa cho bé.
Trường hợp bé bị viêm mũi họng và viêm VA thì phải điều trị dứt điểm đề phòng nguy cơ gây ra viêm tai giữa. (An ninh Thủ đô, trang 8).
Bộ Y tế lo ngại bùng phát dịch Zika
Số người mắc Zika đang không ngừng tăng lên, đến 5-11 đã có 36 người nhiễm Zika, nhiều nhất là TP.HCM với 29 bệnh nhân.
Bộ Y tế đang lo ngại sẽ bùng phát dịch do virút Zika trên diện rộng do số địa phương có người mắc bệnh ngày càng mở rộng.
Theo Bộ Y tế, mặc dù biểu hiện bệnh của người nhiễm virút Zika đều nhẹ, nhưng trường hợp người nhiễm bệnh là phụ nữ có thai trong 3 tháng đầu của thai kỳ thì 1-10% sẽ sinh ra con bị dị tật đầu nhỏ.
Ông Trần Đắc Phu, cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết có thể phòng chống Zika hữu hiệu bằng phòng muỗi đốt. Hiện tại khu vực Đông Nam Á có 7 quốc gia có bệnh nhân ika, trong đó nhiều nhất là tại Singapore với gần 450 bệnh nhân. (Tuổi trẻ, trang 3; Tiền Phong,trang 5; Thanh niên, trang 5).
Công ty dược bán thuốc hết hạn dùng
Qua kiểm tra, lực lượng phát hiện nhiều chủng loại thuốc trị bệnh đã hết hạn sử dụng nhưng được trưng bày chung với thuốc còn hạn dùng.
Ngày 5.11, lãnh đạo Đội quản lý thị trường (QLTT) số 6 (TX.Đồng Xoài, Bình Phước) cho biết đã hoàn tất thủ tục để đề nghị UBND thị xã ban hành quyết định xử phạt hành chính 50 triệu đồng đối với Công ty TNHH dược Bắc Á (đường Lê Quý Đôn, KP.Phước An, P.Tân Xuân, TX.Đồng Xoài) về hành vi kinh doanh thuốc không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh và bán lẻ thuốc đã hết hạn sử dụng. Trước đó, ngày 1.11, Đội QLTT số 6 kiểm tra hoạt động kinh doanh bán buôn đối với Công ty TNHH dược Bắc Á do ông Vũ Đức Chính (26 tuổi) làm giám đốc. Qua kiểm tra, lực lượng phát hiện nhiều chủng loại thuốc trị bệnh đã hết hạn sử dụng nhưng được trưng bày chung với thuốc còn hạn dùng.
Trong đó, có nhiều loại thuốc quen thuộc, như: vitamin C loại 200 viên/lọ; thuốc gói dạng bột pha hỗn dịch uống, thuốc bột thơm cho trẻ em; thuốc viên bán theo đơn; thực phẩm chức năng dạng viên; 1.500 que rơ lưỡi trẻ em (đóng hộp) và các loại thuốc khác. Trong đó, nhiều loại hết hạn sử dụng (ghi trên bao bì) từ 1 đến 7 tháng. Cơ quan chức năng đã tịch thu 5.538 sản phẩm thuốc của 10 loại thuốc đã hết hạn sử dụng trưng bày trên các quầy, kệ của công ty.
Ngoài phạt tiền, Đội QLTT số 6 còn đề nghị tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề dược thời hạn 4 tháng 15 ngày; buộc công ty thực hiện việc tiêu hủy toàn bộ số thuốc đã hết hạn sử dụng có giám sát của các ngành chức năng. (Thanh niên, trang 5).
Chưa tăng phí đóng bảo hiểm y tế
Mức đóng BHYT chưa điều chỉnh cho đến hết 2017. Mặc dù Quỹ BHYT có bội chi nhưng BHXH vẫn có nguồn lực từ nguồn kinh phí kết dư năm trước, đảm bảo cho chi phí KCB và quyền lợi hợp pháp của người tham gia BHYT (Thanh niên, trang 13).
Hy hữu sản phụ đau bụng chuyển dạ mới biết mình mang thai
Những ngàu qua, dư luận xôn xao trước ca sinh hy hữu của một sản phụ. Từ lời đồn đại, PV đã xác minh và được gặp bác sỹ BV Gò Vaaos, TP. HCM xác nhận sự việc. Khó ai ngờ, sản phụ mang thai đến 36 tuần lại không hề hay biết. Chỉ đến khi con đau bụng chuyển dạ ập đến, chị mới vào BV và ngỡ ngàng trước thông báo sắp sinh con (Khoa học & Đời sống, trang 7).
Bệnh nhi thoát cửa tử nhờ ghép gan
Chiều 31-10 bé Nguyễn Võ Trí Hào (13 tháng tuổi) bị chứng teo đường mật bẩm sinh đã khỏe mạnh xuất viện sau 4 tuần được phẫu thuật ghép gan do chính người cha hiến tặng tại bệnh viện(BV) Nhi đồng 2 TP Hồ Chí Minh. (Khoa học & Đời sống, trang 7).