Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì họp phòng, chống COVID -19: Vaccine là vũ khí quyết định
Thủ tướng Chính phủ nhắc lại "kinh nghiệm xương máu" khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, vaccine khan hiếm, năng lực y tế hạn chế nên phải dùng các biện pháp hành chính để chống dịch. Vaccine vẫn là vũ khí quyết định
Ngày 5.7, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, chủ trì phiên họp lần thứ 15 của Ban Chỉ đạo.
Phiên họp trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát tại nhiều nước, Việt Nam vẫn là một trong số những quốc gia có tỉ lệ tiêm vaccine cao nhất thế giới, nhưng tốc độ tiêm chủng vẫn chậm, chưa đạt mục tiêu đề ra.
Cùng dự phiên họp có các Phó Trưởng Ban Chỉ đạo: Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long; Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể; Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng và lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương.
Tham dự phiên họp được kết nối trực tuyến tới các địa phương có bí thư, chủ tịch UBND 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Mở đầu cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, đánh giá về tình hình dịch bệnh trên thế giới, khu vực và trong nước, những diễn biến mới, khác, những điểm phức tạp, những kết quả đạt được, những mặt chưa được, phân tích các nguyên nhân, đưa ra mục tiêu, quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, giải pháp để tiếp tục cuộc chiến chống COVID-19 thời gian tới.
Vừa qua, đã xuất hiện biến chủng mới ở nhiều nước trên thế giới và trong khu vực, có nước xuất hiện hàng trăm nghìn ca mắc mới mỗi ngày, trong khi kinh nghiệm cho thấy các nước phát triển thường bùng phát dịch trước Việt Nam khoảng vài tháng.
Ở trong nước, vẫn có nơi, có lúc còn lơ là, chủ quan sau khi tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, đặc biệt là tốc độ tiêm vaccine còn chậm, chưa đạt mục tiêu đề ra, trong đó có việc tiêm vaccine cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi và mũi thứ 3 cho người từ 12 đến 17 tuổi, mặc dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã liên tục chỉ đạo.
Thủ tướng nêu rõ, phòng dịch vẫn là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, phòng dịch tốt thì không phải chống dịch... Trong đó, thực tiễn cho thấy vaccine vẫn là vũ khí quyết định, cùng với việc củng cố, nâng cao năng lực y tế dự phòng, y tế cơ sở. Việc tiêm vaccine là quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi người để bảo vệ chính mình, gia đình và cộng đồng.
Thủ tướng nhắc lại "kinh nghiệm xương máu" khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhanh, khó lường, chưa tiếp cận được vaccine do vaccine khan hiếm trên toàn cầu, chưa có nhiều kinh nghiệm phòng, chống dịch, năng lực y tế hạn chế, chúng ta buộc phải dùng các biện pháp hành chính để chống dịch, vừa lúng túng, bị động, vất vả, vừa nhiều mất mát, hy sinh, vừa ảnh hưởng tới các hoạt động kinh tế, xã hội.
"Xuất phát từ thực tiễn, bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo, chúng ta không bao giờ quên được những ngày tháng khó khăn như vậy", Thủ tướng nói.
Thủ tướng đề nghị các đại biểu thẳng thắn thảo luận về nguyên nhân khiến có nơi, có lúc còn chủ quan, lơ là với dịch bệnh, tốc độ tiêm vaccine chưa đạt mục tiêu đề ra, các nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới. Cùng với đó là các giải pháp bảo đảm công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, phòng, chống, điều trị các loại dịch bệnh khác…
Bùng phát trở lại tại một số quốc gia
Theo báo cáo của Bộ Y tế, trên thế giới, biến thể phụ BA.5 của Omicron đã ghi nhận tại nhiều quốc gia và đã xuất hiện tại Việt Nam. Biến thể phụ này có khả năng lây lan nhanh hơn 12% so với biến thể phụ BA.2 (biến thể phụ phổ biến tại Việt Nam hiện nay).
Do đó, trong thời gian tới, các ca nhiễm biến thể phụ BA.5 có thể ghi nhận nhiều hơn trong cộng đồng ở nước ta. Như vậy, số ca mắc có thể gia tăng trong thời gian tới do sự xuất hiện của biến thể phụ BA.5.
Bộ Y tế nhận định, tốc độ gia tăng số mắc hàng ngày của COVID-19 phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, như bản chất của biến thể về khả năng lây nhiễm (SARS-CoV-2 thường xuyên biến đổi, không ổn định); khả năng bảo vệ miễn dịch (mắc phải hoặc do tiêm vaccine) giảm theo thời gian và độ bao phủ vaccine; khối cảm nhiễm; khả năng đáp ứng và các biện pháp phòng, chống của Việt Nam.
Do đó khó dự báo được mức độ tăng cụ thể trong thời gian tới. Tuy nhiên, số liệu báo cáo từ các nước châu Âu, Nam Phi khi biến thể phụ BA.5 xuất hiện thì mức độ lây lan nhanh với tốc độ tăng số mắc hàng ngày của biến thể phụ BA.5 khoảng 12-13% so với biến thể BA.2 và sẽ từng bước thay thế biến thể phụ BA.2.
Do vậy, hệ thống giám sát, đáp ứng phòng, chống dịch từ Trung ương đến địa phương cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, tiêm vaccine tăng cường, nhắc lại cho những nhóm có nguy cơ mắc bệnh và tiếp tục truyền thông để người dân luôn có ý thức phòng, chống dịch. (Lao động, trang 1; Sài Gòn giải phóng, trang 7; Tiền phong, trang 3; Thanh niên, trang 4; An ninh Thủ đô, trang 1).
Tốc độ tiêm vaccine COVID-19 mũi 3 và 4 chậm, nguy cơ phải hủy bỏ vaccine nếu không đẩy mạnh tiêm chủng
Bộ Y tế đánh giá, tốc độ tiêm chủng vaccine COVID-19 hiện vẫn còn chậm, nhất là tiêm mũi 3, mũi 4 cho người trên 18 tuổi và tiêm cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi, dẫn tới nguy cơ hết hạn phải hủy bỏ nếu không đẩy mạnh tiếp nhận vaccine và triển khai tiêm chủng trong thời gian tới.
Sáng 5/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 chủ trì phiên họp lần thứ 15 của Ban Chỉ đạo, trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát tại nhiều nước, Việt Nam vẫn là một trong số những quốc gia có tỉ lệ tiêm vaccine cao nhất thế giới, nhưng tốc độ tiêm chủng vẫn chậm, chưa đạt mục tiêu đề ra. Tháng 6, số mắc COVID-19 giảm 4,5 lần, số tử vong giảm 10 lần
Theo báo cáo của Bộ Y tế do Thứ trưởng phụ trách, điều hành Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, tính đến ngày 4/7/2022, tổng số ca mắc trên thế giới vượt 554 triệu ca mắc COVID-19, trên 6,3 triệu ca tử vong. Dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, khó lường và đã bùng phát trở lại tại một số quốc gia với sự xuất hiện của biến thể BA.5 của chủng Omicron nhất là tại khu vực châu Âu.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật châu Âu (ECDC) khuyến cáo các quốc gia cần duy trì các biện pháp ứng phó, như tiêm vaccine tăng cường, nhắc lại cho những nhóm có nguy cơ mắc bệnh, tăng cường hệ thống giám sát trọng điểm.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), các vaccine được cấp phép lưu hành hiện nay vẫn có giá trị bảo vệ cao, làm giảm nguy cơ chuyển nặng đối với tất cả các biến thể SARS-CoV-2 (bao gồm cả biến thể phụ BA.5). Do đó, các quốc gia cần duy trì các biện pháp ứng phó, như tiêm vaccine tăng cường, nhắc lại cho những nhóm có nguy cơ mắc bệnh, bảo vệ họ tránh bệnh trở nặng.
Tại Việt Nam, từ đầu năm 2022 đến nay, cả nước ghi nhận 9.014.374 ca mắc (83,9%), 8.317.083 người đã khỏi bệnh (92,3%), 10.693 ca tử vong (0,1%). Tích lũy đến nay, cả nước ghi nhận 10.748.639 ca mắc, có 9.708.984 người khỏi bệnh (90,3%), 43.087 ca tử vong (0,4%).
Từ ngày 15/3 đến nay, cả nước ghi nhận 4.368.193 ca mắc, 1.610 ca tử vong (tỉ lệ chết/mắc là 0,04%, đã giảm mạnh so với 3,5 tháng trước đó với tỉ lệ chết/mắc là 0,25%). Trong tháng 6 vừa qua, số mắc chững lại ở khoảng 600-700 ca mắc trong ngày; số trường hợp nặng, tử vong tiếp tục giảm. Trong 30 ngày qua, tỉ lệ chết/mắc là 0,02%, trong đó số mắc giảm 4,5 lần và số tử vong giảm 10 lần so với tháng trước đó, có 24 ngày cả nước không ghi nhận ca tử vong.
Đến hết ngày 3/7/2022, Việt Nam đã tiêm được hơn 233 triệu liều vaccine phòng COVID-19 (tỉ lệ sử dụng đạt 97,3%). Nhóm đối tượng từ 18 tuổi trở lên có tỉ lệ tiêm các mũi 1, 2, 3, 4 tương ứng xấp xỉ 100%, 100%, 67,6% và 31,1%; trẻ em từ 12-17 tuổi tiêm các mũi 1, 2, 3 đạt tỉ lệ xấp xỉ 100%, 98,7% và 10,6%; trẻ từ 5 đến 11 tuổi tiêm các mũi 1, 2 đạt tỉ lệ xấp xỉ 52,6% và 20,3%.
Hiện nay, Việt Nam là một trong số những quốc gia có tỉ lệ tiêm vaccine cao nhất thế giới: Tỉ lệ bao phủ mũi 2 trên tổng dân số đạt xấp xỉ 80%, vượt 30% so với mục tiêu của WHO; tỉ lệ tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên cao gấp đôi tỉ lệ trung bình trên thế giới; tỉ lệ tiêm liều cơ bản cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi cao hơn một số quốc gia chấu Âu như Ý, Đức, Mỹ, Đan Mạch, Ba Lan...
Tốc độ tiêm chủng vaccine COVID-19 vẫn còn chậm, nhất là tiêm mũi 3, mũi 4
Tuy nhiên, Bộ Y tế đánh giá tốc độ tiêm chủng vaccine COVID-19 vẫn còn chậm, nhất là tiêm mũi 3, mũi 4 cho người trên 18 tuổi và tiêm cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi, dẫn tới nguy cơ hết hạn phải hủy bỏ nếu không đẩy mạnh tiếp nhận vaccine và triển khai tiêm chủng trong thời gian tới.
Theo Bộ Y tế, trên thế giới, biến thể phụ BA.5 của Omicron đã ghi nhận tại nhiều quốc gia và đã xuất hiện tại Việt Nam. Biến thể phụ này có khả năng lây lan nhanh hơn 12% so với biến thể phụ BA.2 (biến thể phụ phổ biến tại Việt Nam hiện nay).
Do đó, trong thời gian tới các ca nhiễm biến thể phụ BA.5 có thể ghi nhận nhiều hơn trong cộng đồng ở nước ta. Như vậy, số ca mắc có thể gia tăng trong thời gian tới do sự xuất hiện của biến thể phụ BA.5.
Bộ Y tế nhận định, tốc độ gia tăng số mắc hàng ngày của COVID-19 phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, như bản chất của biến thể về khả năng lây nhiễm (SARS-CoV-2 thường xuyên biến đổi, không ổn định); khả năng bảo vệ miễn dịch (mắc phải hoặc do tiêm vaccine) giảm theo thời gian và độ bao phủ vaccine; khối cảm nhiễm; khả năng đáp ứng và các biện pháp phòng, chống của Việt Nam. Do đó khó dự báo được mức độ tăng cụ thể trong thời gian tới.
Do vậy, hệ thống giám sát, đáp ứng phòng, chống dịch từ Trung ương đến địa phương cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, tiêm vaccine tăng cường, nhắc lại cho những nhóm có nguy cơ mắc bệnh và tiếp tục truyền thông để người dân luôn có ý thức phòng, chống dịch.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, phòng dịch vẫn là cơ bản, chiến lược lâu dài, quyết định, phòng dịch tốt thì không phải chống dịch... Trong đó, thực tiễn cho thấy vaccine vẫn là vũ khí quyết định, cùng với việc củng cố, nâng cao năng lực y tế dự phòng, y tế cơ sở. Việc tiêm vaccine là quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi người để bảo vệ chính mình, gia đình và cộng đồng.
Thủ tướng nhắc lại "kinh nghiệm xương máu" khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhanh, khó lường, chưa tiếp cận được vaccine do vaccine khan hiếm trên toàn cầu, chưa có nhiều kinh nghiệm phòng, chống dịch, năng lực y tế hạn chế, chúng ta buộc phải dùng các biện pháp hành chính để chống dịch, vừa lúng túng, bị động, vất vả, vừa nhiều mất mát, hy sinh, vừa ảnh hưởng tới các hoạt động kinh tế, xã hội.
"Xuất phát từ thực tiễn, bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo, chúng ta không bao giờ quên được những ngày tháng khó khăn như vậy"- Thủ tướng nói.
Thủ tướng đề nghị các đại biểu thẳng thắn thảo luận về nguyên nhân khiến có nơi, có lúc còn chủ quan, lơ là với dịch bệnh, tốc độ tiêm vaccine chưa đạt mục tiêu đề ra, các nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới. Cùng với đó là các giải pháp bảo đảm công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, phòng, chống, điều trị các loại dịch bệnh khác… (Sức khỏe & Đời sống, trang 1; Sài Gòn giải phóng, trang 7).
Thứ trưởng Bộ Y tế cùng hơn 200 người tiêm vaccine COVID-19 tại lễ phát động tiêm mũi 3 và 4
Sáng nay, 5/7 tại Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ Y tế phối hợp với Tổng Liên đoàn tổ chức Lễ phát động chiến dịch tiêm vaccine COVID-19 mũi 3 và mũi 4 cho cán bộ công chức, viên chức và người lao động. Ngay tại buổi lễ, hiện thực hóa cuộc vận động, Bộ Y tế và Tổng Liên đoàn tổ chức tiêm vaccine phòng, chống COVID-19 cho cán bộ, công nhân viên chức đang làm việc tại cơ quan Bộ Y tế, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và một số Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố; cơ quan Bộ, ngành có Công đoàn ngành trung ương và tương đương để viết nên thông điệp: Cùng nhau hành động, hành động nhỏ, ý nghĩa lớn khi chúng ta đồng tâm thực hiện tiêm vaccine mũi 3, mũi 4 để có đầy đủ kháng thể chống lại các biến chủng mới của COVID-19.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Thái Thu Xương cùng hơn 200 công chức, viên chức, người lao động đã tiêm vaccine mũi 3 và 4 tại buổi lễ.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Y tế Hiện nay, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, khó lường và đã bùng phát trở lại tại nhiều quốc gia. Việt Nam đã tiếp tục ghi nhận các biến chủng mới và có nguy cơ bùng phát dịch trở lại. Đến nay, tiêm vaccine là biện pháp hiệu quả nhất, có ý nghĩa chiến lược trong phòng, chống dịch bệnh. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế cũng nêu rõ, việc tham gia trực tiếp phát động của Lãnh đạo Tổng liên đoàn để quán triệt chủ trương và thực hiện tiêm chủng nhắc lại của các đồng chí Lãnh đạo Tổng liên đoàn, Bộ Y tế, các vụ, cục, ban của Hai cơ quan cùng với các công đoàn ngành trung ương là sự kiện có ý nghĩa thuyết phục nhất để lan tỏa đến gần 11 triệu đoàn viên tại các công đoàn cơ sở các cấp trong cả nước.
"Sự vào cuộc kịp thời của Tổng Liên đoàn trong việc phát động, chỉ đạo các cấp công đoàn có ý nghĩa hết sức quan trọng góp phần phòng chống dịch, bảo vệ sức khỏe đội ngũ công nhân, người lao động , là lực lượng chủ lực thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đưa đất nước sớm phục hồi phát triển kinh tế - xã hội"- Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương bày tỏ.
Nhấn mạnh tại buổi lễ phát động, Thứ trưởng Bộ Y tế nêu rõ: Tiêm chủng là biện pháp phòng bệnh COVID-19 hiệu quả nhất. Thay mặt lãnh đạo Bộ Y tế, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương kêu gọi mọi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hãy thực hành ngay việc tiêm chủng vaccine nhắc lại đúng lịch và kịp thời. Vaccine tốt nhất là vaccine được nhắc lại bổ sung kịp thời nhất.
Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng nhận định tiêm vaccine hiện vẫn là biện pháp hiệu quả nhất, có ý nghĩa chiến lược trong phòng, chống dịch bệnh. Chính vì vậy, thực hiện Quy chế phối hợp giữa Bộ Y tế và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ người lao động.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hoa Kỳ khuyến cáo tiêm nhắc lại vaccine phòng COVID-19 để ngăn ngừa và phòng, chống dịch COVID-19. Các nghiên cứu trên thế giới đã ghi nhận hiệu quả bảo vệ của mũi tiêm cơ bản vaccine phòng COVID-19 giảm dần theo thời gian trong vòng 6 tháng sau khi tiêm và trong điều kiện xuất hiện các biến chủng mới.
Đối với biến chủng Omicron, hiệu quả bảo vệ giảm rất nhanh do nồng độ kháng thể cần thiết để trung hòa vi rút ở mức cao hơn so với các biến chủng virus SARS-COV-2 trước đây. Do vậy những người đã tiêm mũi cơ bản nếu không tiêm mũi nhắc vẫn có nguy cơ mắc bệnh.
Việc tiêm các mũi nhắc lại (mũi 3, mũi 4) vaccine phòng COVID-19 là cần thiết nhằm bảo vệ người đi tiêm không bị mắc bệnh, đặc biệt là tránh nguy cơ bị bệnh nặng và tử vong do COVID-19 trong điều kiện xuất hiện các biến chủng mới. Hiện nay đã có nhiều quốc gia trên thế giới triển khai lịch tiêm nhắc vaccine phòng COVID-19 cho người lớn và trẻ vị thành niên. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2; Sài Gòn giải phóng, trang 7; Tuổi trẻ, trang 3; Nhân dân, trang 7).
Biến thể mới xuất hiện liên tục, kịch bản nào phòng chống dịch COVID-19 ở nước ta?
Khả năng miễn dịch của vaccine hay sau khi đã mắc COVID-19 sẽ giảm dần theo thời gian, cụ thể sau 4 - 6 tháng. Do đó, nếu chúng ta tiêm nhắc lại định kỳ sẽ duy trì được miễn dịch. Đây là một trong những biện pháp tốt nhất để phòng các biến thể mới xâm nhập...
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), biến thể BA.5 đang lây lan nhanh trên thế giới đã xâm nhập vào nước ta. Để phòng bệnh, GS.TS Phan Trọng Lân - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, bằng các biện pháp ngăn chặn cơ học hay biện pháp hành chính xã hội sẽ không tạo sự đồng thuận hoặc sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển kinh tế xã hội.
"Vì vậy, vaccine tiếp tục là một yếu tố rất quan trọng. Khi tiêm mũi 3, mũi 4 vaccine COVID -19 chúng ta sẽ củng cố thêm miễn dịch và đặc biệt sẽ phòng được biến thể phụ BA.5. Nếu nhiễm bệnh thì bệnh cũng sẽ nhẹ hơn sau khi tiêm các mũi nhắc lại"- GS.TS Phan Trọng Lân nói.
Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cũng thông tin, theo nghiên cứu, khả năng miễn dịch của vaccine hay sau khi đã mắc COVID-19 sẽ giảm dần theo thời gian, cụ thể sau 4 - 6 tháng. Do đó, nếu chúng ta tiêm nhắc lại định kỳ sẽ duy trì được miễn dịch. Đây là một trong những biện pháp tốt nhất để phòng các biến thể mới xâm nhập như là BA.4, BA.5 và kể cả những biến thể khác. Minh chứng rõ ràng nhất là sự thay đổi từ chủng gốc cho đến chủng Anpha, Beta, Delta và Omicron thì đến nay vaccine vẫn rất hiệu quả.
Tại cuộc tọa đàm "Tại sao phải tiêm mũi 3, mũi 4 phòng COVID-19 trong bối cảnh hiện nay?" do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức mới đây, trước câu hỏi: "Vậy chúng ta cần có kịch bản như thế nào để phòng chống dịch trong giai đoạn hiện nay, khi biến thể mới của SARS-CoV-2 xuất hiện liên tục" Cục trưởng Phan Trọng Lân cho biết: Từ dự báo đối với SARS-CoV-2 bản chất có sự tiến hóa khôn lường và nếu trong phạm vi đột biến vừa phải, nó trở thành biến thể mới, thậm chí có thể biến thể nhiều hơn nữa, có thể trở thành biến chủng. Có nghĩa là SARS-CoV-3, 4 có thể xuất hiện.
Tuy nhiên, đối với kịch bản hiện nay trên sự tiến hóa như vậy, chúng ta thấy rằng, nếu vẫn như các biến thể phụ thì còn có khả năng đáp ứng của vaccine. Nếu không phải nặng và dù có lây lan nhanh hơn nhưng chúng ta liên tục tiêm vaccine theo chỉ định thì vẫn đáp ứng được như kịch bản hiện nay. Có nghĩa là vẫn mở cửa, vẫn thực hiện các biện pháp phòng chống dịch. Chỉ khi cần thiết, mới tăng thêm điều trị nếu có sự hơi quá tải.
Nhưng ngược lại, chúng ta phải chuẩn bị cả những tình huống xấu nhất trong dự báo. Đấy là những chủng biến thể mới không còn hiệu quả đối với vaccine; rồi những chủng biến thể này lây lan nhanh và nặng, thậm chí nó kết hợp tất cả.
"Như vậy bên cạnh các biện pháp và kinh nghiệm trong thời gian qua, thì biện pháp hành chính xã hội có thể cũng phải thiết lập để vì sức khỏe, tính mạng người dân là trên hết, trước hết"- GS.TS Phan Trọng Lân nói.
Theo TS. Socorro Escalante, Quyền Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, Việt Nam có một hệ thống giám sát bệnh cực kỳ tốt, điều này có thể giúp Chính phủ Việt Nam phát hiện sớm các nhóm gene hoặc các biến chủng mới. Các biện pháp đang triển khai thực hiện là cần thiết để phát hiện và khẳng định các ca bệnh mới. Thêm vào đó là vaccine.
"Những gì chúng ta biết đến thời điểm hiện tại là các biến chủng, các nhánh BA.4 và BA.5 có khả năng lây lan nhanh hơn. Chúng ta chưa biết chính xác liệu độc lực của nó có cao hơn không, nhưng vaccine hiện tại chúng ta đang sử dụng có hiệu quả chống lại các biến chủng BA.4 và BA.5"- TS. Socorro Escalante nhấn mạnh. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).
Ca sốt xuất huyết tăng vọt, đã có 92.000 người mắc, 36 trường hợp tử vong
Ca mắc sốt xuất huyết ở nước ta đang gia tăng nhanh, hiện đã có khoảng 92.000 người mắc, 36 trường hợp tử vong. Các chuyên gia khuyến cáo khi mắc sốt xuất huyết và tự điều trị tại nhà, người bệnh lưu ý không được uống aspirin, ibuprofen...
10 ngày thêm 15.000 người mắc sốt xuất huyết
Theo báo cáo của các địa phương, đến ngày 4/7, cả nước ghi nhận khoảng 92.000 ca sốt xuất huyết. Con số này tăng khoảng 15.000 ca so với thống kê 10 ngày trước đó. Đã có 36 trường hợp tử vong vì sốt xuất huyết - tăng 6 trường hợp so với 10 ngày trước đó.
Bộ Y tế nhấn mạnh, hiện nay đang là cao điểm mùa dịch sốt xuất huyết, số mắc liên tục tăng cao tại nhiều tỉnh, thành phố trong những tuần gần đây, tập trung chủ yếu tại khu vực miền Nam và một số tỉnh, thành phố khu vực miền Trung.
Nguyên nhân do dịch sốt xuất huyết có tính chất chu kỳ, thời điểm mùa hè thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều tạo điều kiện thuận lợi cho lăng quăng, bọ gậy phát triển; bên cạnh đó sự giao lưu đi lại của người dân cao, trong khi ý thức và hành vi vệ sinh phòng bệnh của người dân chưa tốt, còn chủ quan, lơ là, không chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh.
Bộ Y tế dự báo số mắc sốt xuất huyết thời gian tới tiếp tục gia tăng và có thể bùng phát trên diện rộng nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Trong thời gian qua, Bộ Y tế đã liên tục có các văn bản chỉ đạo về chuyên môn cũng như đề nghị các địa phương phải nỗ lực phòng chống dịch sốt xuất huyết, đồng thời, mới đây, Bộ Y tế đã lập 7 đoàn kiểm tra chỉ đạo công tác phòng chống sốt xuất huyết tại các tỉnh/ thành phố trọng điểm trong tháng 6 - tháng 7 năm 2022.
Trong tuần cuối tháng 6 đầu tháng 7/2022, các đồng chí lãnh đạo Bộ Y tế đã thường xuyên đi kiểm tra công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết tại các khu vực trọng điểm, riêng tại TP HCM, Thứ trưởng phụ trách, điều hành Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên tham gia đoàn kiểm tra của Chính phủ và Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn trưởng đoàn kiểm tra của Bộ Y tế đã kiểm tra thực tế tại cộng đồng, các cơ sở điều trị.
Tại Khánh Hoà, đoàn công tác của Bộ Y tế do Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương làm trưởng đoàn đã đi kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống và điều trị sốt xuất huyết trên địa bàn.
Kiểm tra công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết trên địa bàn TP HCM, Thứ trưởng phụ trách, điều hành Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã nhấn mạnh, ngay từ khi chưa có dịch thì phải có những phương án phòng chống bệnh dịch. Công tác phòng chống sốt xuất huyết phải thực tiễn, phải "cầm tay chỉ việc" chứ không chỉ nói trên lý thuyết.
"Sốt xuất huyết có vật chủ trung gian truyền bệnh, cụ thể là muỗi, muốn cắt đứt không để dịch bùng phát thì chúng ta cần phải diệt muỗi, người dân phải nằm màn và đặc biệt là phải diệt lăng quăng bọ gậy. Không lăng quăng thì không có sốt xuất huyết!"- Thứ trưởng Bộ Y tế nói.
Sốt xuất huyết tại TP HCM tăng gần 7% trong 1 tuần; BV ở miền Bắc ghi nhận bệnh nhân diễn biến nặng có dịch tễ trở về từ phía Nam
Chiều 4/7, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC) cho biết, tuần qua trên địa bàn TP HCM đã ghi nhận thêm 1 trường hợp tử vong vì sốt xuất huyết Ngoài ra đã phát sinh thêm 175 ổ dịch sốt xuất huyết mới ở 98 phường, xã, nhiều nhất kể từ đầu năm.
Tính từ ngày 24- 30/6, TP HCM đã có 2.428 ca bệnh sốt xuất huyết, tăng tăng gần 7% so với trung bình 4 tuần trước. Trong tuần ghi nhận 1 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết, nâng tổng số ca tử vong do sốt xuất huyết từ đầu năm đến nay là 11 trường hợp.
Tính đến hết tháng 6, TP HCM ghi nhận 21.750 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng hơn 181% với cùng kỳ năm ngoái. Số ca sốt xuất huyết nặng gấp 3,7 lần năm trước với 346 trường hợp.
Tại miền Bắc, nhiều bệnh viện lớn trên địa bàn Hà Nội như BV Bạch Mai, BV Nhi Trung ương, BV Bệnh nhiệt đới Trung ương... đã ghi nhận các ca sốt xuất huyết diễn biến nặng (sốt tăng nặng, kèm lên cơn co giật, cô đặc máu, có tràn dịch màng phổi...) có dịch tễ trở về từ các tỉnh phía Nam.
Qua nhiều trường hợp sốt xuất huyết do có yếu tố dịch tễ từ miền Nam - nơi có dịch sốt xuất huyết đang lưu hành, các bác sĩ khuyến cáo người dân trở về từ miền Nam khi có biểu hiện sốt cao đột ngột, đau đầu, đau mỏi người... cần phải được đến cơ sở y tế để làm xét nghiệm, chẩn đoán sốt xuất huyết kịp thời, tránh những biến chứng của sốt xuất huyết như sốc, suy đa tạng, chảy máu…
Người dân cần chủ động áp dụng các biện pháp phòng chống muỗi cắn khi đi du lịch như mang theo kem chống muỗi, ngủ màn, tránh xa nơi có muỗi cắn để không bị nhiễm bệnh... (Sức khỏe & Đời sống, trang 8; Sài Gòn giải phóng, trang 7; Tiền phong, trang 4; Tuổi trẻ, trang 2).
TP.HCM phát hiện 3 ca nhiễm biến thể mới BA.4, BA.5
TP.HCM ghi nhận 3 ca mắc biến thể mới BA.4, BA.5 của Omicron. Đây là biến thể mới có khả năng lây lan nhanh hơn các biến thể cũ và có khả năng chống lại miễn dịch.
TP.HCM đã phát hiện 3 ca nhiễm biến thể phụ BA.4, BA.5 của Omicron. Cụ thể, trong 3 ca nhiễm có 1 ca ở huyện Củ Chi và 2 ca ở TP Thủ Đức. Các ca mắc biến thể mới BA.5 đã được phát hiện tại TP Hà Nội và TP.HCM, có khả năng các ca bệnh mắc các biến thể mới sẽ tăng cao trong thời gian tới.
Theo GS. Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, biến thể BA.5 này có thể có nguy cơ lấn át biến thể cũ (BA.1 và BA.2). Việc xâm nhập này là tất yếu vì các nước ở châu Âu, Mỹ cũng đã ghi nhận, với sự giao lưu đi lại như hiện này thì điều này là bình thường.
GS. Phan Trọng Lân cho biết, biến thể BA.4, BA.5 lây lan nhanh hơn BA.1, BA.2 từ 10-13%. Đồng thời, biến thể mới có khả năng chống lại các miễn dịch nên người đã mắc BA.1, BA.2 vẫn có thể mắc biến thể mới BA.4 và BA.5.
Theo Bộ Y tế, đến thời điểm này, vaccine COVID-19 vẫn chứng tỏ hiệu quả với các biến thể mới của SARS-CoV-2. GS. Phan Trọng Lân khẳng định, vaccine giúp cơ thể có miễn dịch, giảm nguy cơ mắc, giảm nguy cơ trở nặng và tử vong khi nhiễm bệnh. Tiêm vaccine mũi 3-4 sẽ củng cố và duy trì miễn dịch của cơ thể.
Bộ Y tế khuyến cáo người dân, đặc biệt là những nhóm có nguy cơ, cần tiêm đúng lịch, đủ liều các mũi vaccine COVID-19 nhắc lại theo khuyến cáo để có thể tăng cường miễn dịch chống lại các biến thể mới của dịch bệnh. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3; Sài Gòn giải phóng, trang 7; Tuổi trẻ, trang 3).
Cần giải pháp cấp bách cung ứng thuốc chữa bệnh cho dân
Tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế đang diễn ra ở nhiều nơi. Trong khi các bộ ngành, địa phương còn loay hoay tìm giải pháp, thì bệnh nhân phải tự xoay trở hằng ngày, người dân lo lắng.
Là bệnh viện (BV) chuyên sâu tuyến cuối lớn của cả nước, nhưng BV Chợ Rẫy (TP.HCM) cho biết đang thiếu thuốc. Có mặt hàng đứt hàng, có mặt hàng chưa được gia hạn giấy phép. Trong nhiều ngày qua, rất nhiều bệnh nhân (BN) ung thư phản ánh với Thanh Niên thuốc hóa trị ở BV Chợ Rẫy đã hết nên phải ra ngoài mua.
Tại Quảng Nam, không chỉ các BV lớn mà ở các trung tâm y tế cũng lâm cảnh thiếu thuốc và vật tư y tế.
Tại Thái Bình, có tình trạng BN phải tự mua bơm kim tiêm, chỉ khâu… khi đến điều trị tại BV; bác sĩ đông y phải tìm kiếm vị thuốc về tự bào chế để phục vụ người bệnh.
Theo BYT, thuốc, vật tư y tế bị thiếu chủ yếu là các loại thông dụng thuộc thẩm quyền mua sắm của các địa phương, đơn vị. Nguyên nhân chính là do một số địa phương và đơn vị có tâm lý lo ngại, sợ sai, sợ bị thanh tra, kiểm tra, nên không dám đấu thầu, mua sắm.
TS Tô Minh Nghị, Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa Cà Mau, cho biết khoảng 1 - 3 tháng nữa BV sẽ thiếu thuốc, phải đấu thầu mới nhưng đang gặp 2 vấn đề: giá tăng và phải làm dự toán, thẩm định giá, trong khi khó tìm các công ty thẩm định giá…
Đi bệnh viện nhưng phải mua thuốc bên ngoài
Nhiều bạn đọc (BĐ) xác nhận đang gặp phải chuyện thiếu thuốc khi vào BV điều trị, phải mua bên ngoài. BĐ Tran Vu cho biết: “Người nhà tôi đang điều trị ung thư tại BV Chợ Rẫy nhưng BV hết thuốc hóa trị. Mỗi đợt hóa trị, gia đình tôi lại phải đi mua thuốc bên ngoài mang vào. Phải chi giá thuốc ngang ngửa nhau thì còn đỡ, đằng này nhà thuốc bên ngoài bán giá cao hơn trong BV. Bệnh tật đã mệt mỏi căng thẳng, lại còn nặng gánh chi phí thuốc thang mà nguyên nhân không phải do mình”.
BĐ Thịnh Lý dẫn chứng từ câu chuyện của bản thân: “Tháng 5.2022 tôi đi BV khám bệnh, bác sĩ kêu mua bên ngoài 1 loại thuốc, tôi ra ngoài mua với giá 900.000 đồng. Đến ngày 17.6.2022 tái khám, bác sĩ bảo ra ngoài mua 4 loại thuốc. Vì bệnh mà phải cắn răng chịu đựng mua bên ngoài 4 loại thuốc với giá 2,6 triệu đồng. Kiểu này thì “chết” BN”.
BĐ Mai Xuân Thưởng cho rằng, các BV cần đặt yếu tố quyền lợi của BN lên hàng đầu: “Vấn đề cấp bách là có đủ số lượng thuốc để trị bệnh cho người dân. Vì ngành y tế có đặc thù riêng. Dù chỉ có một đơn vị chào giá nhưng nếu thuốc đủ điều kiện thì phải mua thôi, chứ không phải đợi. Sức khỏe là vàng, thuốc chữa bệnh mà thiếu thì kể như bó tay trước bệnh tật”.
BĐ Halod Ho cùng quan điểm tất cả phải chung mục tiêu hướng về nhu cầu thuốc cấp thiết của BN: “Các BV tự chủ về vấn đề mua thuốc và vật tư y tế, phía sở, bộ y tế giám sát về giá cả, chất lượng. Vậy là được, chứ trình lên, duyệt ký, gửi công văn đi..., chờ xong có khi BN đã qua đời vì bệnh. Xin hãy giảm bớt thủ tục”.
Việc cấp bách, đừng viện dẫn “quy trình”
Theo quan sát của BĐ Phuong Kien, vướng mắc nằm ở việc dù đã được phân cấp quyền mua sắm thuốc, nhưng các địa phương, đơn vị lại e ngại, hậu quả BN lãnh đủ: “Bộ Y tế và các tỉnh, thành đã phân cấp quyền mua sắm cho các đơn vị chủ động tự đấu thầu thuốc, nhưng họ không dám làm. Các BV là nơi chữa bệnh, chịu trách nhiệm sức khỏe BN, giờ bắt họ chịu thêm trách nhiệm về giá thuốc, đấu thầu vật tư y tế nữa thì họ lúng túng cũng phải. Rốt cuộc, BN mới là những người chịu thiệt thòi”.
Nhận định việc đáp ứng thuốc cho các cơ sở y tế đang cấp bách, BĐ Thiên Long đặt vấn đề: “Bộ Y tế có tổng hợp được hiện có bao nhiêu địa phương thiếu thuốc, thiếu thuốc gì, nguyên nhân tại sao thiếu, để tìm cách tháo gỡ cho các địa phương? Chứ nếu chỉ đề nghị các địa phương, đơn vị tăng cường mua thuốc thì chưa đủ để giải quyết tình hình. Việc cấp bách mà cứ chờ báo cáo, làm theo quy trình thì sao đáp ứng được thực tiễn?”.
“Việc tháo gỡ vướng mắc về đấu thầu mua sắm, thẩm định hay gì nữa là chuyện lâu dài của ngành chức năng. Người dân có bệnh phải đến BV để điều trị, thì BV phải có thuốc để BN yên tâm về sức khỏe, tính mạng, tài chính. Nên điều người dân chúng tôi cần bây giờ là ngành y tế và các địa phương ngồi lại bàn tìm cho ra giải pháp cấp bách để chấm dứt ngay cảnh thiếu thuốc”, BĐ Xuan Quang đề xuất. (Thanh niên, trang 9).