Chủ động phòng, chống bệnh sốt xuất huyết trong mùa mưa
Mặc dù so với giai đoạn 2010 - 2014, số người mắc sốt xuất huyết (SXH) năm 2015 cả nước giảm 32,2%, tử vong giảm 45,9%. Tuy nhiên, hiện nay tại một số tỉnh, thành phố khu vực phía nam có số mắc tích lũy tăng cao so với cùng kỳ năm 2014. Để chủ động ngăn chặn sự gia tăng, bùng phát, lan rộng, nhất là vào mùa mưa tại khu vực này, bên cạnh sự nỗ lực của ngành y tế, cần có sự chỉ đạo kiên quyết của các cấp ủy, chính quyền địa phương và sự tham gia tích cực của cộng đồng dân cư.
Trưởng Khoa Kiểm soát dịch bệnh và vắc-xin – sinh phẩm, Trung tâm Y tế dự phòng (TTYTDP) Đồng Nai, BS Dương Cường cho biết: Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh ghi nhận 2.445 ca mắc SXH, tăng 92,52% so với cùng kỳ, trong đó có hai trường hợp tử vong (tăng một trường hợp). Điều đáng nói, địa phương có số ca SXH tăng cao không phải vùng sâu, vùng xa mà nằm ngay TP Biên Hòa, huyện Trảng Bom nơi có mật độ đô thị hóa cao và số người mắc SXH tăng đột biến thời gian gần đây. Đáng lo ngại, tình hình dịch SXH trong tháng bảy trên địa bàn tỉnh đang có chiều hướng gia tăng, chỉ tính trong tuần cuối tháng bảy, toàn tỉnh ghi nhận hơn 200 trường hợp mắc SXH tại 10 trên 11 huyện, thị xã, thành phố. Trong đó, số ca dưới 15 tuổi chiếm gần 110 trường hợp, tăng 9,84% so với tuần trước đó.
Trước tình hình số ca mắc SXH liên tục tăng trong những tuần gần đây và dự kiến còn tăng trong những tháng tới (tháng cao điểm hằng năm), TTYTDP Đồng Nai chỉ đạo các đơn vị trên địa bàn chủ động khoanh vùng nguy cơ; xây dựng kế hoạch phun hóa chất không để dịch bùng phát, lan rộng và kéo dài. Ngoài ra, căn cứ vào tình hình dịch, trung tâm sẽ chủ động xây dựng kế hoạch triển khai chiến dịch diệt lăng quăng khi có ca bệnh tăng cao; tăng cường công tác giám sát ca bệnh, phát hiện và xử lý triệt để; lập bản đồ dịch tễ và tăng cường công tác truyền thông cho người dân về các biện pháp phòng, chống bệnh SXH trên địa bàn…
Cũng như Đồng Nai, tỉnh Đồng Tháp có tỷ lệ người mắc SXH cao thời gian qua. Theo TS, BS Nguyễn Ngọc Ấn, Giám đốc TTYTDP tỉnh Đồng Tháp, tính đến cuối tháng bảy, toàn tỉnh có 743 trường hợp mắc SXH, tăng 89,1% (350 ca) so với cùng kỳ 2014, trong đó có 64 ca SXH nặng và có một trường hợp tử vong. Trước tình hình nêu trên, TTYTDP tỉnh đã triển khai chiến dịch diệt lăng quăng đợt ba tại các xã có nguy cơ trong toàn tỉnh; tham mưu chính quyền địa phương và vận động kinh phí để chủ động thực hiện hàng tháng, hàng tuần hoặc nhiều đợt diệt lăng quăng tại những nơi nguy cơ cao. Trong thời gian tới, các đơn vị y tế thực hiện nghiêm công tác thống kê, báo cáo hàng ngày, hàng tuần và cập nhật, phản hồi danh sách ca bệnh, theo dõi sát tình hình mắc, tử vong và thực hiện vẽ biểu đồ dự báo dịch hàng tuần để xử lý; tiến hành xử lý kịp thời các ổ dịch SXH trong vòng 48 giờ, tránh bỏ sót ổ dịch và bảo đảm phạm vi xử lý, quy trình đúng kỹ thuật. Thực hiện công tác giám sát véc- tơ SXH thường xuyên hàng tháng tại các điểm giám sát cố định và tại các ổ dịch, nhằm phát hiện kịp thời những nơi nguy cơ cao để tiến hành phun hóa chất chủ động hoặc dập dịch diện rộng; duy trì công tác giám sát vi-rút và huyết thanh học để góp phần vào công tác dự báo dịch…
PGS, TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: Kiểm tra tại một số tỉnh như Đồng Nai, Bình Dương… cho thấy, công tác phòng, chống dịch SXH đã được ngành y tế các địa phương triển khai ngay từ đầu năm, với sự tham gia của các cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành đoàn thể. Tuy nhiên, tại một số khu vực dân cư, ý thức của người dân trong công tác này còn nhiều hạn chế. Như tại phường Tân Đông Hiệp (thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương), nơi có số mắc SXH cao, mặc dù các đơn vị y tế vừa mới xử lý ổ dịch, nhưng vẫn còn 50% số hộ gia đình có lăng quăng, muỗi truyền bệnh SXH; nhiều dụng cụ chứa nước đọng là nguồn phát sinh ổ bọ gậy... Hay tại TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai), hiện còn tỷ lệ lớn các hộ gia đình trong khu vực ổ dịch, nhất là khu nhà trọ của công nhân chưa thực hiện việc diệt lăng quăng và phun hóa chất diệt muỗi…
Để chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch SXH, ngăn chặn sự gia tăng, bùng phát và lan rộng, nhất là vào mùa mưa, Bộ Y tế yêu cầu ngành y tế các địa phương tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình, phát hiện sớm các trường hợp bệnh, xử lý triệt để ổ dịch; thành lập đội đặc nhiệm làm công tác phòng chống sốt xuất huyết cho từng khu phố. Có giải pháp tổ chức các chiến dịch diệt lăng quăng, bọ gậy, phun hóa chất diệt muỗi diện rộng một cách triệt để, bao phủ 100% các hộ gia đình tại các khu vực nguy cơ, tránh tình trạng có nhà không được phun, phun không hết các buồng, các tầng. Làm việc với ban quản lý các khu công nghiệp để vận động công nhân thực hiện diệt lăng quăng tại khu vực nhà trọ, bố trí thời gian phun hóa chất tại khu vực nhà trọ phù hợp giờ làm của công nhân, bảo đảm tất cả hộ công nhân thuộc khu vực nguy cơ xảy ra dịch đều được phun hóa chất diệt muỗi.
Đối với các cơ sở khám, chữa bệnh, phải tổ chức tốt việc thu dung điều trị người bệnh, hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong do SXH; tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế về công tác giám sát, điều trị và các biện pháp phòng chống dịch tại cộng đồng. Thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát, chỉ đạo phòng, chống dịch sốt xuất huyết tại các điểm nóng, các khu vực có nguy cơ cao, hỗ trợ tuyến dưới trong công tác phòng, chống dịch. Bộ Y tế sẵn sàng hỗ trợ về mặt kỹ thuật, vật tư và bảo đảm không để thiếu vật tư, hóa chất xử lý ổ dịch... (Nhân dân trang 5)
Ngăn chặn kịp thời dịch sởi, rubella
Sau tám tháng triển khai, chiến dịch tiêm chủng miễn phí vắc-xin sởi-rubella đã thành công đạt và vượt các mục tiêu đề ra, góp phần quan trọng ngăn chặn kịp thời dịch bệnh đang có xu hướng gia tăng trở lại. Đáng chú ý, đây là chiến dịch tiêm vắc- xin phòng bệnh có quy mô và số đối tượng lớn nhất từ trước tới nay được triển khai.
Sởi và rubella là những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đối với trẻ em. Trong những năm qua, bệnh sởi tại Việt Nam đã được khống chế cơ bản nhờ triển khai tiêm chủng vắc-xin sởi cho trẻ em trong chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR). Tuy nhiên, trong các năm gần đây vẫn tiếp tục ghi nhận tình trạng vi-rút sởi lưu hành, chủ yếu tập trung ở trẻ em và lứa tuổi thanh niên chưa được tiêm chủng hoặc chưa được tiêm đủ hai mũi vắc-xin sởi. Nhất là nửa đầu năm 2014, dịch sởi quay trở lại làm hơn mười nghìn trẻ mắc bệnh. Bên cạnh đó, kể từ khi bệnh rubella được đưa vào giám sát, liên tục trong nhiều năm dịch rubella xuất hiện tại các địa phương với hàng nghìn đến hàng chục nghìn ca mắc, tập trung ở trẻ em và phụ nữ tuổi sinh đẻ. Với các trẻ được sinh ra từ bà mẹ bị nhiễm rubella trong quá trình mang thai thường bị hội chứng rubella bẩm sinh với các dị tật nguy hiểm như: điếc bẩm sinh, tim bẩm sinh, đục thủy tinh thể bẩm sinh, chậm phát triển tâm thần và vận động, bệnh xương thủy tinh… Tuy nhiên trước năm 2014, vắc-xin này chưa được đưa vào chương trình TCMR.
Trước diễn biến phức tạp của sởi và rubella, được sự hỗ trợ của liên minh toàn cầu về vắc-xin và tiêm chủng (GAVI) ngành y tế đã triển khai chiến dịch trên quy mô toàn quốc thực hiện tiêm miễn phí vắc-xin sởi - rubella cho tất cả số trẻ từ 1 đến 14 tuổi. TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Vệ sinh dịch tễ T.Ư, Trưởng văn phòng TCMR Quốc gia cho biết: Để thực hiện thành công chiến dịch, công tác chuẩn bị rất kỹ càng, Bộ Y tế, Dự án TCMR cùng các Viện Vệ sinh Dịch tễ, Pa-xtơ chủ động thực hiện trước cả năm. Ban chỉ đạo chiến dịch được thành lập từ quy mô quốc gia xuống tất cả các cấp với sự tham gia của các bộ, ban, ngành liên quan. Tổng số có 325.886 lượt cán bộ y tế và 645.076 lượt cán bộ từ ban, ngành và chính quyền các cấp và người tình nguyện tham gia chiến dịch.
Việc điều tra, lập danh sách đối tượng được thực hiện chặt chẽ từ trường học đến tại cộng đồng, rà soát tất cả các hộ gia đình có trẻ trong diện tiêm chủng chiến dịch, nhất là tại các vùng biên giới, hải đảo, vùng giáp ranh, vùng di biến động dân cư. Tại các tuyến được bổ sung: 16.000 chiếc phích đựng vắc-xin, 16.840 chiếc nhiệt kế, 420 tủ lạnh, 120 tủ đá, 840 thiết bị theo dõi nhiệt độ tự động. Chương trình TCMR quốc gia tiếp nhận 27.052.100 liều vắc-xin sởi - rubella, 25.220.000 chiếc bơm kim tiêm tự khóa 0,5ml; 2.976.000 chiếc bơm kim tiêm sử dụng một lần 5ml và 310.150 chiếc hộp an toàn để cấp phát đủ cho các địa phương, các điểm tiêm chủng.
Để phù hợp với khả năng và bảo đảm đạt mục tiêu, chiến dịch không thực hiện đồng loạt cho toàn bộ trẻ em từ 1 đến 14 tuổi, mà triển khai thành ba đợt: cho trẻ từ 1 đến 5 tuổi; cho trẻ từ 6 đến 10 tuổi; cho trẻ từ 11 đến 14 tuổi. Riêng khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng biệt lập, do đặc thù về địa lý, điều kiện đi lại khó khăn cho nên các địa phương triển khai theo phương thức tiêm chủng đồng loạt cho trẻ 1 đến 14 tuổi và phân chia đợt chiến dịch theo địa bàn (cụm xã, cụm huyện).
Bằng sự vào cuộc của các cấp, các ngành và chính quyền địa phương, đến hết tháng 6- 2015, chiến dịch trên phạm vi toàn quốc đã hoàn thành. Tổng số có 19.735.753 trẻ trong tổng số 20.095.947 trẻ từ 1 đến 14 tuổi được tiêm vắc-xin sởi -rubella, đạt tỷ lệ 98,2%. Chỉ còn 23 xã trong cả nước chưa đạt mục tiêu tiêm cho hơn 95% số trẻ trong độ tuổi sẽ tiếp tục được tiêm vét để đạt chỉ tiêu đề ra. Đáng chú ý, việc triển khai chiến dịch trên quy mô toàn quốc và công tác bảo đảm an toàn tiêm chủng luôn được ưu tiên đặc biệt. Một số phản ứng sau tiêm chủng đã được các chuyên gia dịch tễ và nhi khoa phân tích, đánh giá và xử trí kịp thời, không để xảy ra các rủi ro đáng tiếc.
Thành công của chiến dịch đã góp phần ngăn chặn kịp thời dịch sởi khi năm 2014 có hơn 15 nghìn ca mắc thì trong bảy tháng đầu năm 2015 chỉ còn 80 ca. Từ tháng 5-2015, vắc-xin sởi - rubella đã được đưa vào tiêm chủng thường xuyên trong TCMR miễn phí cho trẻ 18 tháng tuổi. (Nhân dân trang 5)
Đề nghị xét công nhận liệt sĩ cho nhân viên y tế chết khi làm nhiệm vụ
Ngày 5-8, Bộ Y tế có công văn đề nghị UBND tỉnh Tiền Giang căn cứ các quy định hiện hành làm các thủ tục cần thiết để xét, công nhận điều dưỡng Võ Văn Đấu, viên chức Bệnh viện Tâm thần Tiền Giang là liệt sĩ. Trước đó, ngày 12-7, điều dưỡng Võ Văn Đấu cùng một số cán bộ Bệnh viện Tâm thần tỉnh Tiền Giang đi bắt người bệnh đang bị rối loạn tinh thần, đòi đốt nhà. Khi anh Đấu vật lộn khống chế thì bị người bệnh tạt xăng vào người, do đang đứng gần lò bánh nên anh Đấu bị ngọn lửa bén nhanh. Người dân đã dập lửa và đưa anh vào bệnh viện địa phương, sau đó chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy với diện tích bỏng lên đến hơn 70% cơ thể. Mặc dù được các y, bác sĩ cứu chữa tận tình và hỗ trợ tối đa về cơ sở vật chất, thuốc men nhưng sau hơn 20 ngày điều trị tích cực, anh Đấu đã chết vào tối ngày 3-8. (Nhân dân trang 5)
Cùng chủ đề Báo Tiền phong - “Đề nghị chế độ cao nhất đối với điều dưỡng viên thiệt mạng”;
97% người dân vùng dịch bạch hầu đi tiêm chủng
Ngày 5/8, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Quảng Nam cho biết, sau ba ngày (28 đến 30/7) ra sức vận động, tuyên truyền, có 97% người dân tại ổ dịch bạch hầu xã Phước Lộc (huyện Phước Sơn) chịu đi tiêm vắc xin phòng căn bệnh nguy hiểm này.
Trung tâm đã cử hàng chục cán bộ y tế tổ chức tiêm vắc xin tại 6 thôn của xã Phước Lộc. Riêng 2 thôn 8A và 8B, nơi có 3 người tử vong do dịch bạch hầu, có 97 % người dân chịu tiêm vắc xin.
Ông Trần Văn Hoàn, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Quảng Nam, nói: “Mong muốn của Trung tâm là 100% người dân hai thôn 8A và 8B, nơi bùng phát ổ dịch sẽ đi tiêm, nhưng kết thúc chiến dịch vẫn không thực hiện được vì người dân vẫn còn mang tâm lý sợ tiêm”.
Ông Hoàn cho biết, trong tháng 8 và tháng 9, Trung tâm sẽ vận động những người chưa tiêm đi tiêm và đưa vào danh sách tiêm trong các buổi tiêm chủng thường xuyên sau chiến dịch để đủ 3 mũi tiêm. (Tuổi trẻ, Thanh niên, Tiền phong trang 2)
Thời gian tới, liên Bộ Y tế - Tài chính sẽ ban hành thông tư điều chỉnh giá dịch vụ y tế. Theo lộ trình được Chính phủ chấp thuận từ năm 2016-2020 lương, phí quản lý, khấu hao tài sản cố định vào giá dịch vụ.
Theo dự thảo thông tư này, có 26 loại hình dịch vụ y tế với hàng chục ngàn hạng mục thuộc các chuyên ngành như hồi sức cấp cứu và chống độc, nội khoa, nhi khoa, ngoại lao, da liễu… được kết cấu giá theo mức phẫu thuật, thủ thuật loại đặc biệt, loại I, II và III.
Đáng chú ý, phẫu thuật ngoại khoa và nội soi có mức phụ cấp đặc biệt được đề xuất cao nhất là 1.520.000 đồng/ca với kíp mổ gồm 8 người. Các chuyên ngành phụ sản, bỏng, răng hàm mặt, tạo hình thẩm mỹ, tai mũi họng, nội tiết… phụ cấp phẫu thuật đặc biệt dự kiến ở mức 1.280.000-1.480.000 đồng/ca cho kíp 6- 7 người.
Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính (Bộ Y tế) giải thích, những thủ thuật đặc biệt nói trên cần các bác sĩ có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao với trang thiết bị y tế đặc biệt và chuyên dụng. Với bệnh nhân nếu có thẻ bảo hiểm y tế sẽ chỉ phải chi trả 20% viện phí nên số tiền tăng tối đa cũng không quá 1,5 triệu đồng. (Tiền phong trang 6)
Bé 7 tuổi lọt xuống giếng đã xuất viện
Mặc dù thi thoảng cháu vẫn còn hoảng loạn nhưng sau khi chụp X-quang, các bác sĩ nhận định sức khỏe, thể chất của Nguyễn Trần Tú Anh đã khá hơn.
Chiều 5-8, bà Trần Thị Nguyên - mẹ của bé Nguyễn Trần Tú Anh (7 tuổi, học sinh lớp 2 Trường tiểu học Tân Vĩnh Hiệp, thị xã Tân Uyên, Bình Dương) - cho biết bé Tú Anh đã xuất viện.
Trước đó, chiều tối 4-8, cháu Tú Anh bị rớt xuống một giếng sâu trong vườn của ông Trần Văn Trọng ở xã Tân Hiệp, thị xã Tân Uyên, khi bé đang chơi cùng anh trai và một số bé khác.
Giếng đào có đường kính khoảng 40cm, sâu 70m nhưng rất may bé mắc kẹt ở độ sâu 10m. Dù vậy việc cứu hộ hết sức khó khăn.
Lực lượng cứu hộ suốt đêm 4-8 đã huy động hàng trăm người cứu cháu, đồng thời luồn ống đưa nước và oxy, liên tục động viên để đảm bảo bé tỉnh táo. Song song đó, công tác cứu hộ đào bới đất, đào sâu song song với giếng bé bị lọt xuống để cứu nạn nhân.
Tới 1g37 ngày 5-8, bé Tú Anh được đưa lên khỏi lòng đất trong tình trạng tím tái nhưng không bị thương tích nặng.
Bà Nguyên cho biết trong ngày, đại diện UBND xã Tân Vĩnh Hiệp, thị xã Tân Uyên… và nhiều tổ chức, cá nhân đã tới thăm hỏi và động viên bé Tú Anh. Nhiều bà con hảo tâm còn tặng quà, tiền mặt để phụ giúp gia đình chăm sóc bé.
Về phần chủ nhân cái giếng, ông Trọng giải thích giếng nước này đã được ông đào cách nay hai tuần để lấy nước xây tường rào, chưa kịp rào chắn vì “tôi cũng có kế hoạch nhưng mấy bữa do lu bu lo vật liệu nên chưa kịp làm”.
Trong ngày 5-8, đoàn liên ngành gồm Công an tỉnh Bình Dương, Công an thị xã Tân Uyên và Phòng tài nguyên - môi trường đã làm việc với chủ đất để làm rõ vụ tai nạn.
* Cũng trong chiều 5-8, UBND thị xã Tân Uyên đã khen thưởng cho 9 đơn vị và 66 cá nhân đã tham gia giải cứu bé Tú Anh. Trong đó, nhóm 5 người thợ đào giếng do ông Phan Văn Cam (51 tuổi, ngụ P.Bình Chuẩn, thị xã Tân Uyên) làm trưởng nhóm được thưởng 5 triệu đồng.
Tổng cộng quá trình giải cứu bé Tú Anh, số người trực tiếp tham gia cứu hộ và lực lượng hỗ trợ được huy động lên tới 400 người. (Tuổi trẻ trang 5)
Phẫu thuật thành công khối u nặng 6,5 kg
Đây là lần đầu tiên khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng thực hiện mổ lấy khối u sau phúc mạc xuất phát từ mặt sau bàng quang có kích thước khổng lồ và phức tạp lên đến 6.5kg ra khỏi cơ thể một nữ bệnh nhân.
Ngày 5/8, tin từ Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng: Các bác sĩ của bệnh viện vừa phẫu thuật thành công, lấy khối u quái khổng lồ nặng 6,5kg trong ổ bụng của bệnh nhân Nguyễn Th. 47 tuổi (Phú Quốc, Kiên Giang).
Ngày 30/7, bệnh nhân Th. nhập viện trong tình trạng bụng ngày càng to dần gây đau tức bụng. Kết quả chụp CTscan 128 dãy cho thấy khối u khổng lồ dạng hỗn hợp chiếm gần hết nửa bụng dưới, chèn ép bàng quang và các tạng lân cận.
Sau gần 5 tiếng đồng hồ, các bác sĩ khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng đã phẫu thuật thành công lấy khối u khổng lồ này.
Trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ phải phẫu tích cẩn thận để tránh tổn thương niệu quản phải, bó mạch chậu ngoài và bàng quang.
ThS. BS nguyễn Thanh Hùng, Trưởng khoa Tiêu hóa - Phẫu thuật viên chính cho biết trong thời gian qua khoa Tiêu hóa đã nhiều lần mổ thành công các khối u lớn trong ổ bụng. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên khoa thực hiện mổ lấy khối u sau phúc mạc xuất phát từ mặt sau bàng quang có kích thước khổng lồ và phức tạp như vậy.
Hiện bệnh nhân đang qúa trình hồi phục sau mổ. (Tuổi trẻ, Lao động, Nhân dân, Công an Nhân dân trang 2)