Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 07/5/2020

  • |
T5g.org.vn - Phòng dịch COVID-19 trong 'trạng thái bình thường mới'; Vai trò y tế dự phòng trong phòng chống dịch; Cầu thị trên... giấy; Việt - Mỹ tăng cường hợp tác chống dịch bệnh; TP.HCM sẽ có chính sách khuyến sinh đặc thù

 

Phòng dịch COVID-19 trong 'trạng thái bình thường mới'

Tại cuộc họp ngày 6/5, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 nhận định đến giờ phút này, có thể nói Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh và phải trở lại sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt trong một “trạng thái bình thường mới”.

Vẫn phải quyết liệt ngăn dịch từ bên ngoài

Tuy nhiên, trên thế giới dịch bệnh vẫn rất phức tạp. Mỗi ngày có thêm mấy chục nghìn người nhiễm, mấy nghìn người chết. Có thể ví von Việt Nam như ở trong “cánh đồng trũng, ở bên ngoài nước cao, sóng lớn”, do vậy trước tiên phải “bao đê cho chặt”, giữ đê cho chắc, nghĩa là phải tiếp tục chính sách quản lý chặt chẽ người nhập cảnh để bảo đảm an toàn, mới có thể nới được ở bên trong để thực hiện mục tiêu kép là vừa phòng, chống dịch bệnh vừa bảo đảm phát triển kinh tế xã hội.

Ban Chỉ đạo yêu cầu toàn bộ cơ chế liên ngành (quân đội, công an, y tế, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ) không được lơi lỏng. Theo đó, phải tiếp tục củng cố tất cả các cơ chế, các công cụ, đặc biệt là công nghệ thông tin để luôn luôn trong trạng thái sẵn sàng, nếu có ca nhiễm nào đó trong cộng đồng lập tức phát hiện, cách ly, khoanh vùng dập dịch ngay.

Với điều kiện đó, các thành viên Ban Chỉ đạo thống nhất phải nới lỏng các biện pháp đã giới hạn từ trước tới nay một cách khoa học. Tính khoa học này dựa trên cơ chế lây lan của virus, tính toán các xác suất mầm bệnh trên cộng đồng. Các chuyên gia cho rằng, chưa thể nói trong cộng đồng Việt Nam không còn mầm bệnh nhưng xác suất còn mầm bệnh là rất thấp. GS.TS Lê Quang Cường, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, cho rằng, “điểm cốt tử” để Việt Nam thành công trong phòng chống COVID-19 là phải tiếp tục “quyết liệt ngăn chặn từ bên ngoài”. Ở trong nước, có thể nới lỏng dần dần nhưng vẫn bảo đảm các điều kiện phòng dịch, phải tôn trọng 3 nguyên tắc: khẩu trang, khoảng cách và rửa tay.

Ðeo khẩu trang nơi công cộng

Nhấn mạnh tinh thần phải học tập, sản xuất, sinh hoạt an toàn, Ban Chỉ đạo khuyến cáo người dân tiếp tục thực hiện biện pháp đeo khẩu trang trên các phương tiện giao thông công cộng, nơi công cộng, bên ngoài các trường học, các trụ sở, công sở. Tại địa điểm công cộng, người dân hạn chế việc tiếp xúc trực tiếp (với người hay bề mặt mà mình không chắc có mang mầm bệnh hay không), rửa tay thường xuyên. Các cơ quan, công sở, nhà máy, siêu thị, bệnh viện, chợ dân sinh, phương tiện giao thông công cộng, hàng quán,… tiếp tục thực hiện các biện pháp bảo đảm các điều kiện vệ sinh dịch tễ, phòng chống dịch bệnh.

Một số hoạt động thể thao, sự kiện tập trung đông người… được tổ chức nhưng phải bảo đảm các điều kiện phòng, chống dịch bệnh. Đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, Ban Chỉ đạo thống nhất đề xuất đến thời điểm này có thể cho phép các dịch vụ không thiết yếu được mở cửa trở lại bình thường (trừ vũ trường, quán karaoke) với điều kiện phải giữ khoảng cách tối thiểu 1m; bỏ giới hạn về số chỗ trên các phương tiện giao thông công cộng (máy bay, xe buýt, xe lửa…) nhưng hành khách bắt buộc phải đeo khẩu trang và rửa tay thường xuyên.

Các chuyên gia cho rằng vừa qua một số trường học có các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cứng nhắc, không cần thiết, thậm chí cực đoan như yêu cầu học sinh vừa đeo khẩu trang, vừa đeo mặt nạ chống giọt bắn, không được bật điều hòa. Theo các chuyên gia, những biện pháp này không những không cần thiết mà còn hại cho sức khỏe. Việc cấm bật điều hòa chỉ áp dụng ở nơi tập trung vì nếu có một người mang virus thì hệ thống điều hòa sẽ mang virus đó đi sang các phòng khác (Tiền phong, trang 3).

 

Vai trò y tế dự phòng trong phòng chống dịch

Cùng với cả nước, Đồng Nai đã huy động toàn bộ lực lượng y tế dự phòng ra quân trong cuộc chiến chống dịch Covid-19. Mô hình Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) vừa mới ổn định tổ chức từ cuối năm 2019 có dịp được “thử lửa” và nhanh chóng phát huy hiệu quả với vai trò nòng cốt trong phòng chống dịch. Kinh nghiệm trong phòng chống dịch Covid-19 sẽ là những bài học giá trị để tỉnh kiểm soát tốt các loại dịch bệnh ở địa phương.

Lực lượng chủ công 

Khi dịch Covid-19 xảy ra thì Đồng Nai trở thành trung điểm giữa 2 ổ dịch ở TPHCM và Bình Thuận. Một số bệnh nhân ở Bình Thuận di chuyển qua địa bàn, có tiếp xúc với người dân địa phương, đồng thời cũng xuất hiện bệnh nhân thứ 247 lây từ bệnh nhân 124 (TPHCM). Người này đã tiếp xúc gần, làm việc với nhiều người trong công ty tại một khu công nghiệp thuộc huyện Vĩnh Cửu, nên nguy cơ lây lan dịch bệnh ra cộng đồng ở mức rất cao. Do đó, để đối phó với dịch Covid-19, ngành y tế Đồng Nai đã huy động tối đa lực lượng hiện có của y tế dự phòng từ tỉnh xuống cơ sở, trong đó CDC tỉnh là chủ công, để thực hiện cùng lúc 2 nhiệm vụ: Không để lây lan ra cộng đồng ngay từ khi chưa có ca bệnh và chống dịch bệnh lây lan khi xuất hiện ca bệnh. Tỉnh đã đưa vào quản lý 4.000 người từ các bệnh viện đến các trung tâm cách ly, cách ly - theo dõi tại nhà, với mục tiêu cao nhất là kiểm soát được nguồn lây nhiễm. 

Ngay từ đầu, CDC Đồng Nai đã tham mưu cho Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của tỉnh xác định ca bệnh thứ 247 ở Vĩnh Cửu là ổ dịch để tập trung ngăn chặn, tránh chủ quan. Toàn bộ quân số với 100 người của CDC Đồng Nai được huy động; trong đó, Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm đóng vai trò nòng cốt, được chia thành 3 đội phản ứng nhanh (mỗi đội 7 người) luân phiên trực 24/24 giờ.

CDC chủ động điều tra dịch tễ 27 người tiếp xúc gần với ca bệnh thứ 124, nhờ đó đã chủ động phát hiện ra ca bệnh thứ 247 khi sắp hết thời gian cách ly (kết quả xét nghiệm âm tính lần đầu, nhưng đến ngày thứ 13 đã phát hiện dương tính). Từ đầu tháng 4, CDC Đồng Nai thực hiện xét nghiệm hàng loạt để chủ động phát hiện sớm các trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2, ngăn chặn virus lây lan ra cộng đồng.   

Bác sĩ Bạch Thái Bình, Giám đốc CDC Đồng Nai, tâm sự: “Anh em đội phản ứng nhanh làm việc rất vất vả, có khi trong đêm phải tổ chức lực lượng lên sân bay Tân Sơn Nhất đón người từ nước ngoài về để đưa ngay đến chỗ cách ly tập trung, nói chung là bất kể giờ giấc”. 

Huy động sức mạnh cộng đồng kiểm soát dịch bệnh

Cùng với sự vào cuộc của hệ thống chính trị, nhất là ý thức chấp hành của người dân, Đồng Nai đã cùng cả nước kiểm soát dịch Covid-19, góp phần vào thành công của cả nước. Tính đến hết tháng 4, tỉnh Đồng Nai chỉ ghi nhận một ca bệnh và đã xuất viện, không xuất hiện dịch lây lan ra cộng đồng.

Khi được hỏi CDC Đồng Nai rút ra được bài học gì qua công tác phòng chống dịch Covid-19 lần này, bác sĩ Bình cho biết: “Trước đây khi chưa có mô hình CDC thì nhiều đầu mối, giờ chỉ tập trung một đầu mối nên giúp trung tâm dễ dàng điều phối, huy động được tối đa nhân lực, vật lực cho các hoạt động phòng chống dịch bệnh. Nếu các bệnh, dịch khác (trong đó có dịch sốt xuất huyết) tập trung được 30% nguồn lực như hoạt động phòng chống dịch Covid-19 này, thì nhiều dịch bệnh sẽ được kiểm soát tốt hơn”. 

Tuy vậy, hoạt động của CDC tỉnh cũng còn mặt hạn chế, cần được quan tâm trong thời gian tới. Đó là, CDC Đồng Nai tuy có hơn 60 bác sĩ với hơn 50% có trình độ sau đại học, nhưng vẫn còn thiếu các chuyên gia theo các nhóm bệnh truyền nhiễm, không lây nhiễm, dinh dưỡng, truyền thông sức khỏe, môi trường. Đồng Nai là tỉnh dân số đông đứng thứ 4 cả nước, cần đầu tư một hệ thống Labo xét nghiệm mạnh với máy xét nghiệm sinh học phân tử (Real-time PCR) để có thể chủ động xét nghiệm các yếu tố liên quan đến bệnh nghề nghiệp, bệnh về suy dinh dưỡng mà không cần nhờ TPHCM (CDC Đồng Nai đang có một máy xét nghiệm Real-time PCR cũ, vừa qua bị hư nên đã phải mượn máy của doanh nghiệp dùng tạm) (Sài Gòn giải phóng, trang 7).

 

Cầu thị trên... giấy

Ngay sau khi báo Tiền Phong phát hành sáng 21/9/2015 đăng bài “Tiêu cực trong đấu thầu dược phẩm-Nhóm lợi ích thao túng”, tôi đã điện thoại đề nghị ông Doãn Hữu Long tiếp nhóm phóng viên ngay tại Sở Y tế Đắk Lắk vào đầu buổi chiều cùng ngày.

“Hứa cho nhiều, rồi lại quên”

Bài báo chứng minh Hội đồng thẩm định kế hoạch đấu thầu thuốc 2014-2015, công bố kết quả trúng thầu vào tháng 11/2014, do ông Doãn Hữu Long là Chủ tịch đã cố ý thay đổi danh mục thuốc; buộc nhà thầu phải đem tiền mặt đến “đóng cọc” cho phòng Tài chính kế toán trái quy định; giao quyền quyết định của Tổ Chuyên gia từ phòng Nghiệp vụ Dược sang phòng Nghiệp vụ Y và Tài chính kế toán. Có những mặt hàng thuốc hiệu quả điều trị tương đương, bị Hội đồng thẩm định loại thuốc rẻ, chọn thuốc đắt để ăn chênh lệch giá, giành phần thắng thầu cho “sân sau”. Đơn cử chỉ với 5 mặt hàng được chấm trúng thầu có dấu hiệu bất thường mà bài báo lập bảng so sánh, hành vi này gây thiệt hại ngân sách gần 1 tỷ đồng.

Trả lời chất vấn của nhóm phóng viên, ông Doãn Hữu Long công nhận “cuộc đấu thầu mới đây có những sai sót khách quan, chủ quan, sai từ các bộ phận tham mưu” và “người chịu trách nhiệm chính về vấn đề này là trưởng phòng Tài chính kế toán, ông Nguyễn Hữu Thông”. Tiếp đó, thực hiện yêu cầu của Sở Thông tin Truyền thông về việc phải hồi âm công khai cho báo chí bằng văn bản, ông Long ký công văn giải trình 8 nội dung dài 6 trang gửi báo Tiền Phong. Cả 8 nội dung này đều bị báo Tiền Phong tiếp tục đăng bài phản biện, chứng minh Sở Y tế giải trình sai sự thật.

Theo công văn số 10, thì từ đầu năm 2015, Sở Y tế đã thấy sai nên có tổ chức họp rút kinh nghiệm, phê bình, kiểm điểm. Chả biết rút thế nào, mà cùng năm 2015 ông Long lại gửi cho các bệnh viện trực thuộc danh mục thuốc 2015-2016 gồm 734 mặt hàng, trong đó có tới 517 mặt hàng hoàn toàn mới so với danh mục trúng thầu năm trước. Rồi lại ký các công văn số 141 vào ngày 18/6, công văn số 145 email cho các bệnh viện ngày 24/7, công văn số 239 ngày 14/9, để chỉ đạo về các mặt hàng mới do Sở Y tế tự ý đưa vào. Tất cả các công văn này lộ rõ dấu hiệu phạm pháp nghiêm trọng đều có chữ ký nháy của ông Nguyễn Hữu Thông- Trưởng phòng Tài chính kế toán, người mà chính ông Long xác nhận với nhóm phóng viên là phải chịu trách nhiệm chính về “tham mưu sai” trong cuộc đấu thầu thuốc cuối năm 2014.

Đoạn cuối công văn số 10 nguyên văn như sau: “Sở Y tế Đắk Lắk trân trọng cảm ơn những nội dung phản ánh của báo Tiền Phong về công tác đấu thầu của Sở Y tế trong năm qua. Sở Y tế sẽ xem xét, nghiêm  túc phê bình, kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với tổ chức, cá nhân có liên quan; triển khai thực hiện tốt công tác đấu thầu trong thời gian tới; cung ứng thuốc đầy đủ số lượng, bảo đảm chất lượng cho các cơ sở y tế; thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân”.

Những câu chữ cầu thị này, tiếc thay, mãi mãi chỉ nằm suông trên giấy. Nhắc tới, có người lại mỉa mai nhại theo câu hát “hứa cho nhiều, rồi lại quên...”.

Những cái chết oan khiên

Suốt năm 2015, hàng loạt Bệnh viện từ tỉnh, huyện, thành phố đến các Trạm y tế xã liên tục kêu cứu lên cấp trên về tình trạng thiếu thuốc. Tôi cùng nhóm phóng viên VTV đi thực tế, tận nghe nhiều bệnh nhân than: phí tiền mua Bảo hiểm y tế vì lần nào tới Trạm cũng kêu hết thuốc. Sau đó, những bác sĩ cung cấp thông tin cho phóng viên đều bị lãnh đạo Sở dọa nạt, trù dập, gây khó dễ đủ điều.

Lãnh đạo nhiều bệnh viện kể với tôi: Bằng thủ đoạn “cây gậy và củ cà rốt”, ông Doãn Hữu Long và ông Nguyễn Hữu Thông đã khiến cấp dưới khiếp sợ, phải im tiếng về những hậu quả đau xót mà cuộc đấu thầu thuốc đầy dấu hiệu tiêu cực gây ra.

Chỉ từ giữa tháng 2 đến đầu tháng 3/2016, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk xảy ra 2 ca tử vong, theo báo cáo của bệnh viện là vì sốc thuốc. Nạn nhân là bé Trúc mới 16 tháng tuổi nhà ở thôn 1 xã Ea Trul huyện Krông Bông, và cụ Đinh Xuân Nhơn 86 tuổi nhà ở huyện Ea Kar. Đến báo Tiền Phong tìm tôi trong nước mắt, bố mẹ bé Trúc và vợ chồng người con trai cụ Nhơn mong được giúp đỡ để biết nguyên do 2 bệnh nhân chỉ mắc bệnh nhẹ sao lại qua đời.

Sự hợp tác của bệnh viện và chuyên gia dược phẩm giúp tôi tìm thấy thêm câu trả lời từ sai phạm về nguồn cung ứng thuốc. Loại thuốc tiêm gây sốc cho bé Trúc là Cefepimark, có hoạt chất Cefepim 1g, số đăng ký VN-5494-10 đã bị Cục quản lý Dược xác định vi phạm tiêu chí chất lượng, hết hiệu lực lưu hành trước đó. Còn loại thuốc gây sốc cho cụ Nhơn là Alpathin, hoạt chất Cefalothin 1g, số đăng ký VN-10966-10, nhà sản xuất Alpa Laboratories Ltd-Ấn Độ. Khi lập danh mục nhu cầu thuốc gửi Sở Y tế Đắk Lắk để xây dựng danh mục thuốc đấu thầu cuối năm 2014, các BV đều đề nghị chọn kháng sinh Cefalothin nhóm 1 là nhóm có tiêu chuẩn cao nhất về nguồn gốc và chất lượng theo Thông tư 36, 37. Nhưng ông Long lại chọn Cefalothin nhóm 5 là loại kém chất lượng nhất.

Thông thường với thuốc cùng loại, thì giá thuốc nhóm 5 thấp hơn từ 1/3 đến 1/2 so với thuốc nhóm 1. Thế nhưng trong khi Sở Y tế các tỉnh mua Cefalothin nhóm 1 như Nam Định giá 76.000 đồng/lọ, Hải Dương 82.500 đồng /lọ, thì Sở Y tế Đắk Lắk lại mua Cefalothin nhóm 5 tới 70.000 đồng /lọ. Số lượng trúng thầu thuốc này ông Long duyệt toàn tỉnh hơn 9.000 lọ, nhưng thực tế đã ký mua bổ sung nhiều lần trái quy định với Thông tư 01. Khi tổng kết gói thầu, riêng bệnh viện tỉnh đã dùng trên 45.000 lọ Cefalothin nhóm 5 (Tiền phong, trang 15).

 

Việt - Mỹ tăng cường hợp tác chống dịch bệnh

Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao, ngày 6.5, theo đề nghị của phía Mỹ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Tại cuộc điện đàm, Tổng thống Trump đánh giá cao năng lực ứng phó với dịch bệnh Covid- 19 của Việt Nam và cảm ơn Việt Nam đã tạo điều kiện cung cấp, vận chuyển trang thiết bị y tế, cũng như trao tặng khẩu trang cho phía Mỹ; thông báo sẵn sàng tặng Việt Nam một số máy thở để hỗ trợ điều trị bệnh nhân Covid-19, đề nghị hai nước tiếp tục hợp tác chặt chẽ hơn nữa trong phòng chống dịch bệnh. Tổng thống Trump lấy làm tiếc Hội nghị Cấp cao đặc biệt Mỹ - ASEAN đã bị hoãn do dịch Covid-19 và bày tỏ mong muốn thúc đẩy hơn nữa quan hệ Mỹ - ASEAN trong thời gian tới.

Về phía mình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cập nhật về tình hình kiểm soát dịch Covid-19 ở Việt Nam, bày tỏ tin tưởng dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Trump, Mỹ sẽ sớm kiểm soát thành công dịch bệnh và tái khởi động nền kinh tế.

Thủ tướng cảm ơn thiện chí của Tổng thống Trump tặng máy thở cho Việt Nam; đồng thời cảm ơn Mỹ đã hỗ trợ tài chính cho ASEAN, trong đó gần 10 triệu USD dành riêng cho Việt Nam, để nâng cao năng lực y tế và phục hồi kinh tế sau dịch bệnh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Donald Trump bày tỏ hài lòng về tiến triển thực chất trong quan hệ hai nước trên tất cả các lĩnh vực thời gian qua. Trong đó, kim ngạch xuất nhập khẩu 2 chiều tiếp tục tăng trong quý 1/2020 (Thanh niên, trang 3).

 

TP.HCM sẽ có chính sách khuyến sinh đặc thù

TP.HCM đang được xếp vào nhóm địa phương có mức sinh thấp nhất cả nước. Và nếu điều này không được cải thiện sẽ là 'thảm họa' trong tương lai, khi tỉ lệ người trong độ tuổi lao động ngày càng giảm trong khi tỉ lệ người cao tuổi ngày càng tăng.

Để cụ thể hóa quyết định 588 của Thủ tướng Chính phủ, Chi cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình TP.HCM sẽ tham mưu Sở Y tế TP kiến nghị thường trực UBND TP có buổi họp để lắng nghe ý kiến của các sở, ban ngành, đoàn thể TP trong việc đưa ra các giải pháp khuyến sinh mang tính đặc thù của TP.HCM.

TP.HCM có xu hướng kết hôn muộn

Theo ông Phạm Chánh Trung, phó chi cục trưởng Chi cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình TP.HCM, quyết định 588 có hành lang pháp lý chung cho TP.HCM cũng như các tỉnh, thành khác. 

Quyết định này có tổng thể các giải pháp khuyến khích sinh con mà các chuyên gia đưa ra để khuyến khích tăng mức sinh trở lại như hỗ trợ mua nhà, miễn giảm thuế thu nhập cá nhân, tạo điều kiện cho trẻ học, thời gian nghỉ thai sản... 

Tuy nhiên, mỗi tỉnh thành đều phải đưa ra những giải pháp liên quan đến mức sinh theo đặc điểm của mỗi tỉnh, thành. 

TP.HCM là đô thị lớn nhất trong cả nước, có những nét đặc trưng riêng, nên sắp tới Chi cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình TP sẽ tham mưu Sở Y tế, UBND TP trước mắt sẽ hỗ trợ, giảm chi phí lần sinh con thứ 2 cho người dân trên địa bàn TP.

Ông Phạm Chánh Trung cũng cho biết TP.HCM đang có xu hướng kết hôn muộn. Hiện tuổi kết hôn lần đầu của những người dân TP cao hơn mức trung bình của cả nước là khoảng 2 tuổi. Năm 2018, tuổi kết hôn lần đầu ở TP cho cả hai giới là 27,7 tuổi. 

Trước đó, năm 2010 độ tuổi này chỉ là 26,6 tuổi. Như vậy, chỉ trong 8 năm, độ tuổi kết hôn trung bình đã tăng lên 1,1 tuổi. Độ tuổi kết hôn muộn dẫn đến mức sinh thấp ở độ tuổi 20-25 và tập trung nhiều ở độ tuổi 25-34, khi các cặp vợ chồng đã ổn định về công việc và có xu hướng đầu tư chuyên môn cao cho công việc. Đây cũng là một trong những giả thuyết dẫn đến các cặp vợ chồng này lựa chọn chỉ sinh một con.

Trên thực tế, việc kết hôn trước 30 tuổi có nhiều lợi ích như ở độ tuổi 20-30 người phụ nữ có thể sinh con khỏe mạnh nhất, chăm sóc con khi đang ở trong độ tuổi có sức khỏe tốt nhất. Lấy chồng và kết hôn quá muộn sẽ có nhiều nguy cơ về sức khỏe cho cả mẹ và bé.

Mức sinh thấp nhất cả nước

Các tỉnh thành trong cả nước hiện có mức sinh cao, thấp khác nhau. Cụ thể, có 33 tỉnh thành có mức sinh vẫn cao, có 9 tỉnh thành đạt mức sinh thay thế (2,1 con) và còn 21 tỉnh thành có mức sinh thấp. Trong 21 tỉnh thành có mức sinh thấp thì TP.HCM có mức sinh thấp nhất.

Từ kết quả điều tra dân số và nhà ở vào tháng 4-2019 tại TP.HCM, có một số con số đáng báo động về vấn đề dân số TP.HCM, trong đó tổng tỉ suất sinh (số con trung bình của một người phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ) là 1,39. Cho nên nếu TP không nâng được mức sinh lên sẽ ảnh hưởng tình trạng già hóa của dân số TP và ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển về kinh tế - xã hội của TP. 

Kinh nghiệm tại một số quốc gia cho thấy từ mức sinh cao kéo giảm mức sinh xuống làm dễ, nhưng hiện chưa có một quốc gia nào thành công trong việc kéo mức sinh từ thấp lên cao. 

Khi mức sinh đã thấp, các chính sách khuyến sinh mặc dù có chi phí đầu tư rất lớn nhưng khó tác động làm mức sinh tăng trở lại. Xu hướng khôi phục theo chiều hướng tăng xảy ra rất ít. Ông Trung cho rằng có rất nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan dẫn đến tình trạng này.

Bà Phạm Thị Mỹ Lệ, phó chi cục trưởng phụ trách Chi cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình TP.HCM, phân tích có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan làm mức sinh giảm trên địa bàn TP, đó là do áp lực của cuộc sống và công việc khiến xuất hiện tình trạng xu hướng kết hôn muộn, sinh con muộn, sinh ít con và không muốn sinh con ngày càng gia tăng.

Việc nuôi dạy, chăm sóc con cái hiện nay đòi hỏi rất nhiều chi phí như ăn uống, học hành, chăm sóc sức khỏe, vui chơi giải trí... 

Bên cạnh đó, tốc độ đô thị hóa tăng nhanh và phát triển kinh tế cũng dẫn đến áp lực cho các gia đình trong tìm kiếm việc làm, nhà ở, chi phí sinh hoạt. 

Tình trạng phá thai, tỉ lệ vô sinh nguyên phát, thứ phát có xu hướng gia tăng cũng là những yếu tố tác động khiến nhiều gia đình không thể sinh con.

Một cảnh báo đáng chú ý mà ông Trung dẫn ra rằng nếu hôm nay "mỗi gia đình chỉ sinh một con" với công thức 4-2-1 (một đứa trẻ được chăm sóc bởi hai bố mẹ và bốn ông bà nội, ngoại) thì trong tương lai phải đối mặt với vấn đề mới "thảm họa" theo công thức ngược lại 1-2-4 (một đứa trẻ sẽ phải cùng lúc chăm sóc hai bố mẹ và bốn ông bà nội, ngoại). 

Vì những đứa trẻ ngày hôm nay được "chăm sóc" rất kỹ lưỡng bởi sáu người lớn sẽ thiếu khả năng, kỹ năng chăm sóc lại sáu người cao tuổi trong tương lai.

"Việc sinh con không chỉ còn là chuyện riêng của mỗi gia đình mà là sự tồn vong của một quốc gia. Việc sinh đẻ phù hợp, đảm bảo mức sinh hợp lý sẽ kéo dài được thời kỳ cơ cấu dân số vàng, làm chậm lại quá trình già hóa dân số" - ông Trung khuyến cáo.

Do đó, song song với các giải pháp khác, thời gian qua TP.HCM khuyến khích "mỗi gia đình nên sinh đủ hai con" để duy trì mức sinh hợp lý (Tuổi trẻ, trang 15).

 

Nên sinh con thứ hai

Việt Nam khuyến sinh ở vùng có mức sinh giảm thấp. Thủ tướng có quyết định về điều chỉnh mức sinh theo vùng, theo đối tượng đến năm 2030 có thể dẫn đến những ý kiến khác nhau: Việt Nam vẫn đang có mức sinh phù hợp, đã cần phải khuyến sinh chưa? Vì sao phải khuyến sinh theo vùng?...

Trả lời Tuổi Trẻ, tổng cục trưởng Tổng cục Dân số, kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) Nguyễn Doãn Tú cho rằng "Việt Nam khuyến sinh ở các vùng có mức sinh giảm thấp vào thời điểm này đã là muộn". 

Ông Tú nói: "Ở những vùng có mức sinh thấp như Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ và TP.HCM, đã đến lúc phải có chính sách khuyến khích các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con. Để có được kết quả ấy phải có hỗ trợ là gói dịch vụ gia đình kèm theo, hỗ trợ các gia đình trẻ có 2 con mua nhà ở xã hội, tiền học tại các trường công lập và các ưu tiên khác nhau để tăng tỉ suất sinh ở những vùng này".

* Theo ông, lý do nào dẫn đến tình trạng tỉ suất sinh đã giảm thấp ở các vùng kể trên từ sau năm 2010 đến nay? Các chính sách đã có vì sao chưa nâng được tỉ lệ này?

- Chúng tôi chưa khảo sát sâu, nhưng yếu tố văn hóa vùng miền cũng ảnh hưởng ít nhiều, như ở miền Bắc thì nếu mở ra, tỉ lệ sinh sẽ tăng nhiều hơn, trong khi miền Nam thì có mở nhưng không tăng. 

Những yếu tố liên quan khác như khu vực này nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất có lực lượng lao động trẻ, đang ở tuổi sinh đẻ, lập gia đình nhưng họ thiếu điều kiện để chăm sóc con (ít hoặc không có nhà trẻ, trường mầm non, trường học), vì vậy họ không dám sinh đẻ và làm giảm tỉ suất sinh. 

Thời gian qua, kinh phí cho công tác dân số không có nhiều nên cũng chưa có nhiều chính sách khuyến sinh. Mà nếu không triển khai khuyến sinh ở những vùng này sớm thì hậu quả sẽ nặng nề hơn trong những năm tới, do chính sách dân số luôn phải đi trước khoảng 20 năm. 

Những chính sách như hỗ trợ mua nhà ở xã hội, hỗ trợ tiền học cho các gia đình có đủ 2 con... mới chỉ là chính sách ban đầu, sau này sẽ có thêm.

* Việt Nam đã có đến trên 96 triệu dân, tỉ suất sinh vẫn đang ở mức sinh thay thế từ nhiều năm nay, việc dịch chuyển lao động từ các vùng đến vùng có mức sinh thấp vẫn diễn ra. Việc khuyến sinh như vậy có cần thiết, thưa ông?

- Thực tế đã có nhiều nước thực hiện thành công chương trình kế hoạch hóa gia đình, nhưng chưa có quốc gia nào khuyến sinh trở lại thành công. Như Hàn Quốc và Nhật Bản là 2 nước rất gần Việt Nam, tỉ suất sinh của Hàn Quốc gần đây chỉ ở mức 0,96, tức một cặp vợ chồng độ tuổi sinh đẻ chưa có đến 1 con. Mỗi năm Hàn Quốc cũng chi đến 2 tỉ USD cho Ủy ban phụ trách về dân số nhưng mức sinh vẫn chưa tăng. 

Người ta đã tính toán nếu không có biện pháp gì đột biến, đến năm 2050 dân số Hàn Quốc sẽ giảm 10 triệu so với mức 50 triệu hiện nay, đến cuối thế kỷ chỉ còn 18 triệu người.

Chúng ta vì thế cũng cần có những biện pháp sớm, nghị quyết 21 năm 2017 của Ban Chấp hành Trung ương về công tác dân số tình hình mới đã nêu các giải pháp: giảm mức sinh ở các vùng có mức sinh cao như miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, đều là những vùng còn nghèo, mức sinh cao, tiếp tục thực hiện kế hoạch hóa gia đình, cấp miễn phí phương tiện tránh thai. Ở những vùng có mức sinh thay thế 1,9 - 2,1 con/bà mẹ thì tiếp tục duy trì.

Riêng các vùng có mức sinh thấp (Tây Nam Bộ, Đông Nam Bộ bao gồm TP.HCM) thì khuyến khích mỗi gia đình sinh đủ 2 con. Theo một số nhà khoa học cũng như chỉ báo của các nước, việc Việt Nam bắt đầu khuyến sinh ở vùng có mức sinh thấp từ thời điểm này cũng đã là muộn (Tuổi trẻ, trang 14).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang