Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 07/8/2020

  • |
T5g.org.vn - 'Lọt' bệnh nhân COVID-19: Giảm áp lực xét nghiệm ra sao?; 'Thần tốc' nâng năng lực xét nghiệm ở tâm dịch; Tăng cường truy vết, khoanh vùng người tiếp xúc gần với các ca mắc Covid-19 đang có mặt tại TPHCM; Liệu pháp điều trị mới cho bệnh nhân COVID-19; Đà Nẵng: Tất cả người cách ly phải khai báo dịch tễ; Viện Pasteur Nha Trang ngưng xét nghiệm COVID-19

 

'Lọt' bệnh nhân COVID-19: Giảm áp lực xét nghiệm ra sao?

Áp lực xét nghiệm quá lớn, nỗi lo này được đặt ra khi trong số các ca xét nghiệm vừa qua tại Hà Nội 'lọt' bệnh nhân 714, nhân viên xe buýt ở Hà Nội.

Bệnh nhân 714 đi du lịch tại Đà Nẵng từ ngày 14 đến 17-7, đã được xét nghiệm bằng test nhanh hôm 31-7 và có kết quả âm tính. Nhưng xét nghiệm lại tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương ngày 5-8 lại dương tính, và trong khoảng thời gian sau khi có kết quả âm tính, bệnh nhân đã đi 4 bệnh viện, gặp nhiều người và có lịch sử đi lại khá dày.

Test nhanh liệu có ổn?

Hiện có khoảng 100 loại sinh phẩm xét nghiệm COVID-19 được Bộ Y tế thừa nhận, trong đó có test nhanh, bộ xét nghiệm bằng kỹ thuật Elisa, Realtime PCR. Tại Hà Nội, từ tháng 3 đã bắt đầu sử dụng loại test nhanh do Hàn Quốc sản xuất, được một tập đoàn tài trợ chống dịch. 

Những ngày gần đây, khi số người đi du lịch từ Đà Nẵng về nhiều, theo ông Hoàng Đức Hạnh - phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội, đến hết ngày 6-8 đã có gần 72.800 người được xét nghiệm bằng test sàng lọc nhanh, trên 500 người được xét nghiệm bằng Realtime PCR.

Sau khi xét nghiệm bằng test nhanh và hầu hết là âm tính, ca nghi ngờ sau đó cũng âm tính, cả Hà Nội chỉ ghi nhận 2 ca mắc COVID-19, trong đó có những người đi du lịch Đà Nẵng về. Nhiều người có niềm tin "Hà Nội sẽ ổn" cho đến khi có kết quả dương tính của bệnh nhân 714 sau khi xét nghiệm lại bằng Realtime PCR.

Lúc này, những lo ngại xuất hiện: còn có ca bệnh nào lọt như ca bệnh này, test nhanh có chính xác? Ưu điểm của loại test nhanh này là cho kết quả rất nhanh, chỉ 10 phút, trong khi Realtime PCR phải 2 giờ 30 phút mới cho kết quả. 

Hà Nội đã trả lại 5 máy cho bên cho mượn, hiện còn 3 máy đang sử dụng, công suất xét nghiệm chỉ 500 mẫu Realtime PCR/ngày, con số quá nhỏ so với số lượng hơn 72.000 người về từ Đà Nẵng.

Một lãnh đạo ngành y tế Hà Nội thừa nhận giải pháp test nhanh (TP yêu cầu hoàn tất xét nghiệm cho 21.000 người đăng ký đầu tiên trước 1-8, sau đó số đăng ký tăng dần và lên đến trên 72.000 người) là "thà có một cái gì đó để làm còn hơn là không làm gì". 

Tuy nhiên, loại test nhanh này có đặc điểm là dễ dương tính chéo với các bệnh khác, ví dụ như xét nghiệm COVID-19 nhưng bệnh nhân cúm cũng dương tính, sốt xuất huyết cũng dương tính.

Giải pháp nào?

Giải pháp đặt ra với xét nghiệm sử dụng test nhanh là test nhanh sàng lọc, phát hiện ca dương tính thì sẽ sử dụng xét nghiệm bằng kỹ thuật PCR để xác định lại. Song những ca âm tính qua test nhanh nhưng thực tế là dương tính, như bệnh nhân 714, vậy nên làm gì?

Theo bác sĩ Đồng Phú Khiêm - phó trưởng khoa hồi sức tích cực Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, xét nghiệm nhằm tìm kiếm các dấu vết của virus để lại trong cơ thể nhiễm là loại test nhanh mà TP Hà Nội sử dụng. 

Điều lưu ý là người nhiễm COVID-19 không phải ai cũng sinh ra kháng thể, kháng thể cũng không được tạo ra ngay sau khi bị nhiễm. Nghiên cứu cho thấy có 23% người nhiễm COVID-19 có kháng thể sau 1 tuần nhiễm, 58% người nhiễm sau 2 tuần, 75% người bị nhiễm sau 3 tuần mới có kháng thể.

"Xét nghiệm test nhanh tìm kháng thể có kết quả âm tính không có nghĩa người đó không bị nhiễm và không lây cho người khác, vì thế vẫn khuyến cáo những người có xét nghiệm bằng test nhanh âm tính tiếp tục cách ly đủ 14 ngày tại nhà" - bác sĩ Khiêm nhấn mạnh.

Hiện Hà Nội đã hết test xét nghiệm nhanh, tới đây sẽ xét nghiệm Realtime PCR, các đơn vị như Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, Bệnh viện Bạch Mai... có thể hỗ trợ các đơn vị trực thuộc Hà Nội xét nghiệm, nhưng cơ chế tài chính (ai trả phí) đang chờ Bộ Y tế hướng dẫn.

Trong thông báo gần đây, Bộ Y tế cho biết TP.HCM có thể xét nghiệm 3.000 mẫu Realtime PCR/ngày, Hà Nội 500 mẫu, Đà Nẵng đang xét nghiệm các loại khoảng 10.000 mẫu/ngày... Tuy nhiên đã có rất nhiều rắc rối do số lượng xét nghiệm quá lớn trong những ngày qua, thậm chí có người được xét nghiệm sau... 33 ngày tính từ khi trở về từ Đà Nẵng. 

Chuyên gia của Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương đề nghị nên xếp xét nghiệm theo ưu tiên người có triệu chứng bệnh viêm đường hô hấp, cúm, sốt, người đi về từ vùng dịch và người vừa mới trở về từ Đà Nẵng. Còn lại, những người đã về và đã/chưa được xét nghiệm cần cách ly 14 ngày để theo dõi sức khỏe.

TP.HCM: xét nghiệm PCR, chậm nhưng chắc

Ông Nguyễn Trí Dũng - giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM - cho biết lượng người đang sinh sống tại TP.HCM về từ Đà Nẵng rất đông nên áp lực đến công tác khai báo y tế, lấy mẫu xét nghiệm và xét nghiệm khẳng định COVID-19 rất lớn.

Hiện TP.HCM có 13 đơn vị có đủ năng lực xét nghiệm khẳng định COVID-19. Tuy nhiên do khả năng, năng lực của đa số các đơn vị còn nhỏ lẻ và chỉ xét nghiệm từ vài chục đến hàng trăm mẫu mỗi ngày; chỉ có một đơn vị làm hết công suất có lượng mẫu được xét nghiệm lớn như Trung tâm Kiểm soát bệnh tật 1.500 mẫu/ngày, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới 1.000-1.200 mẫu/ngày, Viện Pasteur 2.000 mẫu/ngày (bắt đầu từ ngày 2-8)...

Đặc biệt, trong 5 ngày trở lại đây, số lượng người được lấy mẫu xét nghiệm rất lớn, lên đến 4.000 - 5.000 người mỗi ngày. Trong khi TP.HCM áp dụng xét nghiệm khẳng định COVID-19 bằng phương pháp PCR nên tốn nhiều thời gian. Vì thế, đến nay TP còn ứ một lượng mẫu xét nghiệm rất lớn, lên đến 20.000 mẫu chưa được chạy.

Trước thực tế này, Sở Y tế TP.HCM đã rà soát và cho biết có thêm 8 đơn vị có đủ năng lực triển khai xét nghiệm khẳng định COVID-19. Sở Y tế đề nghị lãnh đạo 8 bệnh viện khẩn trương kiện toàn năng lực và có văn bản đề nghị Viện Pasteur sớm đánh giá năng lực và đề nghị Bộ Y tế công nhận.

Tính đến sáng 6-8, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP cho biết có 43.898 người đang sinh sống tại TP.HCM về từ Đà Nẵng từ ngày 1-7 đã khai báo y tế. Trong đó có 30.581 trường hợp đã được lấy mẫu xét nghiệm, 17.365 mẫu kết quả âm tính, 6 dương tính (các bệnh nhân 510, 517, 518, 567, 568 và 589) (Tuổi trẻ, trang 2).

 

'Thần tốc' nâng năng lực xét nghiệm ở tâm dịch

'Từ chỗ năng lực xét nghiệm COVID-19 ở mức hơn 500 mẫu thời điểm dịch bùng phát, nay các cơ sở xét nghiệm ở Đà Nẵng có thể đạt công suất tới 10.000 mẫu/ngày' - PGS.TS Lê Thị Quỳnh Mai, phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, cho biết.

Hôm 5-8, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết Đà Nẵng cần cả 2 loại xét nghiệm. Thứ nhất, do bệnh dịch đã lây lan tương đối lâu trong cộng đồng nên rất cần tìm ra những người mang kháng thể. Bên cạnh đó vẫn còn những bệnh nhân nguy cơ, bệnh nhân mới, bệnh nhân tiềm tàng.

Công suất lên tốp đầu

Trước đợt dịch này, Đà Nẵng chỉ có duy nhất Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng (CDC Đà Nẵng) được Bộ Y tế cho phép xét nghiệm khẳng định mắc COVID-19. Năng lực xét nghiệm lúc đó từ 500 - 700 mẫu/ngày nhưng không vận hành hết. 

Tuy nhiên, hiện nay trung tâm có 20 người trực tiếp làm việc này đang chạy đua với thời gian cho ra kết quả xét nghiệm vừa không xảy ra sai sót vừa đạt công suất xét nghiệm từ 4.000 - 5.000 mẫu/ngày.

Ông Lê Thành Chung, phó giám đốc CDC Đà Nẵng, cho biết yếu tố quyết định để nâng công suất xét nghiệm ngoài việc tăng nhân lực là việc đưa vào sử dụng máy tách chiết tự động. "Nếu không có máy tách chiết tự động, anh em sẽ vô cùng vất vả" - ông Chung nói.

Đào tạo trong dịch, chuyển giao sau dịch

Ba đơn vị khác cũng vừa được thành lập để nâng công suất xét nghiệm diện rộng trong bối cảnh hiện nay là Bệnh viện 199 (Bộ Công an), Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Phổi. Theo TS.BS Quách Hữu Trung - giám đốc Bệnh viện 199, hiện nay bệnh viện đang được Viện Pasteur TP.HCM triển khai phòng xét nghiệm PCR và "cầm tay chỉ việc" xét nghiệm COVID-19. Đơn vị này phấn đấu đạt mức xét nghiệm từ 1.500 - 2.000 mẫu/ngày. 

Theo bác sĩ Trung, việc "tự chủ" trong xét nghiệm COVID-19 sẽ giúp bệnh viện có kết quả xét nghiệm nhanh, tự tin tiếp nhận các bệnh nhân tuyến cuối để giảm tải cho các bệnh viện đang bị phong tỏa.

TS Hoàng Quốc Cường - phó viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM - cho biết việc "đào tạo - chuyển giao" này được Bộ Y tế cho phép, sau khi dập được dịch lực lượng của viện rút đi để Bệnh viện 199 tự lực hoàn toàn. Ngoài ra, Trung tâm nhiệt đới Việt - Nga cũng đang tích cực hỗ trợ phòng lab và đào tạo đội ngũ xét nghiệm COVID-19 cho đội y học dự phòng của Quân khu 5.

Theo PGS.TS Lê Thị Quỳnh Mai, phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, trưởng đội xét nghiệm của bộ phận thường trực Bộ Y tế tại Đà Nẵng, nếu tính tổng năng lực của các cơ sở xét nghiệm thì tại thành phố này có thể chạm mốc 10.000 mẫu xét nghiệm COVID-19 một ngày (Tuổi trẻ, trang 2).

 

Tăng cường truy vết, khoanh vùng người tiếp xúc gần với các ca mắc Covid-19 đang có mặt tại TPHCM

Chiều 6-8, Sở Y tế TPHCM thông tin, đến ngày 6-8, TP ghi nhận 336 người có triệu chứng viêm hô hấp đang được cách ly theo dõi và xét nghiệm chẩn đoán tại các khu cách ly của các bệnh viện. Không trường hợp nào có triệu chứng nặng, 233 trường hợp đã có kết quả âm tính, 103 trường hợp còn lại đang chờ kết quả.

Có 1.507 trường hợp đang được cách ly tập trung trong ngày và 7.716 trường hợp đang cách ly tại nhà, nơi lưu trú.

Ngành y tế TP đã tiến hành thực hiện khai báo y tế và đo thân nhiệt của các thành viên tổ bay, thuyền viên và hành khách đến TP trong ngày, gồm: 7 chuyến bay quốc tế với 28 thành viên tổ bay và 7 chuyên gia (được chuyển đến khách sạn IBIS Sài Gòn, khách sạn Holiday Inn và khách sạn IBIS Sài Gòn Sounth - quận 7 để cách ly tập trung); 86 chuyến bay quốc nội với 12.291 hành khách; 6 chuyến tàu lửa với 511 khách; 17 tàu nhập cảnh với 344 thuyền viên (1 thuyền viên được chuyển cách ly tập trung tại Bệnh viện Quận 7, số còn lại được theo dõi, cách ly tại tàu).

Đến ngày 6-8, đã có 43.898 người từng đến Đà Nẵng kể từ ngày 1-7 khai báo y tế tại 24 quận huyện. 30.581 người đã được lấy mẫu xét nghiệm, hiện đã có 17.365 người có kết quả âm tính, 6 người có kết quả dương tính đã được Bộ Y tế công bố (bệnh nhân 510, 517, 518, 567, 568 và 589), còn lại đang chờ kết quả.

Qua điều tra dịch tễ, đến nay đã điều tra được 871 người tiếp xúc gần hoặc có liên quan đến các ca bệnh (305 người tiếp xúc gần, 566 người có liên quan), tiếp cận được 847 người, tổ chức cách ly tập trung cho 243 người và cách ly tại nhà cho 604 người. Có 847 người đã được lấy mẫu xét nghiệm, hiện đã có 770 trường hợp có kết quả xét nghiệm âm tính, còn 77 người đang chờ kết quả.

Ngành y tế TP đã yêu cầu các đơn vị y tế đã phối hợp chính quyền địa phương tổ chức khoanh vùng, xử lý ổ dịch theo quy định, tiếp tục truy vết, điều tra người tiếp xúc để cách ly y tế và xét nghiệm kiểm tra.

Thời gian tới, ngành y tế sẽ tiếp tục khẩn trương triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19; tạm thời ngưng hoạt động các cơ sở dịch vụ và hạn chế tụ tập đông người để phòng, chống dịch Covid-19; người dân tuân thủ quy định đeo khẩu trang nơi công cộng.

Từ ngày 5-8, TP sẽ tiến hành xử phạt người dân không đeo khẩu trang nơi công cộng.

Đảm bảo năng lực và tổ chức tốt công tác cách ly y tế cho các nhóm đối tượng; sẵn sàng phương án tổ chức cách ly điều trị cho tình huống TP có 50 ca bệnh trở lên.

Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp Sở Y tế đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 cho kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia.

Bên cạnh đó, tăng cường hoạt động truy vết, điều tra khoanh vùng người tiếp xúc gần với các ca bệnh xác định đang có mặt tại TPHCM để cách ly y tế, đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm kiểm tra Covid-19.

Tăng cường lấy mẫu xét nghiệm sớm trường hợp F1 đảm bảo có kết quả trong vòng 24 giờ để có phương án cách ly tại nhà cho các trường hợp F2 nhằm giảm tải cho các khu cách ly tập trung.

Tiếp tục tổ chức giám sát y tế đối với người đến Đà Nẵng từ 1-7 hiện đang cư trú, lưu trú tại TPHCM, ưu tiên đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm cho những người đến Đà Nẵng từ ngày 14-7 đến ngày 28-7 hoặc có đi qua những điểm phát sinh ổ dịch tại Đà Nẵng và những nơi khác theo thông báo của Bộ Y tế (Sài Gòn giải phóng, trang 7).

 

Liệu pháp điều trị mới cho bệnh nhân COVID-19

Phác đồ điều trị bệnh nhân COVID-19 lần sửa đổi thứ 4 vừa công bố có nhiều điểm mới, trong đó có việc lần đầu tiên cho phép sử dụng huyết tương người bệnh đã khỏi để điều trị.

5 người hiến huyết tương

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư bắt đầu lựa chọn bệnh nhân hiến huyết tương để điều trị những ca mắc COVID-19. Đây là hoạt động nằm trong chương trình nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng phương pháp mới: “Đánh giá tính an toàn và hiệu quả bước đầu điều trị bệnh nhân COVID-19 thể trung bình, nặng và nghiêm trọng bằng huyết tương của người bệnh đã phục hồi”.

Đề tài nghiên cứu do TS. Phạm Ngọc Thạch - Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư và GS.TS Nguyễn Thanh Liêm - Viện trưởng Viện nghiên cứu Tế bào gốc và công nghệ gene Vinmec đồng chủ trì với sự tham gia của nhiều nhà khoa học, bác sĩ của Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư, Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư...

TS. Văn Đình Tráng, phụ trách khoa Vi sinh - Sinh học phân tử (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư), điều phối chính của nghiên cứu, cho biết: “Bệnh viện đã bắt đầu lựa chọn người hiến huyết tương từ ngày 3/8/2020. Sau hai ngày đã có 5 người đăng ký tình nguyện hiến huyết tương, trong đó có một bác sĩ của bệnh viện từng mắc COVID-19 và đã được chữa khỏi. Các trường hợp này sẽ được xét nghiệm, sàng lọc kỹ lưỡng, nếu đáp ứng đủ các tiêu chuẩn thì sẽ được hiến huyết tương. Đây là việc làm rất ý nghĩa, vì một người mắc COVID-19 khỏi bệnh nếu hiến huyết tương có thể giúp ích việc điều trị cho ít nhất một bệnh nhân COVID-19 thể trung bình, nặng hoặc nghiêm trọng khác, trao cho họ cơ hội được chữa khỏi bệnh”.

Người hiến sẽ được làm các xét nghiệm sàng lọc miễn phí các bệnh như viêm gan B, HIV, giang mai... và các xét nghiệm cần thiết khác nhằm đảm bảo hiến tặng nguồn huyết tương sạch. Người nhận huyết tương là bệnh nhân COVID-19 tuổi từ 18-75 được chẩn đoán xác định nhiễm SARS-CoV-2 bằng xét nghiệm RT-PCR từ bệnh phẩm hầu họng… Nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng này sẽ được triển khai tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư, Bệnh viện Đà Nẵng và một số bệnh viện khác do Bộ Y tế giao nhiệm vụ.

Nhiều hy vọng

Truyền huyết tương - dịch lỏng còn lại sau khi các tế bào máu được lọc ra - có thể làm tăng phản ứng chống lại virus ở người, giúp hệ thống miễn dịch trở nên mạnh mẽ hơn. Hiện nay, việc lấy huyết tương người khỏi để điều trị COVID-19 cũng đang được thực hiện tại một số nước châu Âu và Trung Quốc.

Về nguyên lý của phương pháp mới này, chuyên gia lý giải, đó chính là việc sử dụng kháng thể chống lại một tác nhân để phòng ngừa hoặc điều trị một bệnh truyền nhiễm do tác nhân đó gây ra. Người bệnh tiếp nhận kháng thể thụ động từ huyết tương của người hồi phục. Đây là phương pháp điều trị duy nhất cung cấp ngay kháng thể cho người bệnh để tiêu diệt virus, ngăn bệnh diễn biến nặng hơn. “Huyết tương của người khỏi COVID-19 chứa lượng lớn kháng thể trung hòa virus SARS-CoV-2 đã được thử nghiệm ở một số nước và bước đầu cho thấy có thể có hiệu quả đối với những người mắc bệnh thể nặng”, TS. Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu T.Ư, cho biết (Tiền phong, trang 3).

 

Đà Nẵng: Tất cả người cách ly phải khai báo dịch tễ

Đà Nẵng yêu cầu từ ngày 6/8, tất cả các trường hợp được cách ly phải khai báo y tế trong vòng 14 ngày, để chủ động trong việc điều tra dịch tễ và cách ly, khoanh vùng. Bà Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng, cho biết, Sở yêu cầu các trường hợp đang được cách ly y tế phải khai báo y tế, lộ trình di chuyển và quá trình tiếp xúc trong vòng 14 ngày.

Trong vòng 48 giờ từ khi các trường hợp thực hiện cách ly y tế, cán bộ phụ trách cơ sở cách ly phải tiếp nhận tờ khai y tế từ người khai báo và quản lý tờ khai y tế. Nếu người cách ly y tế dương tính với SARS-CoV-2, cán bộ phụ trách cơ sở cách ly phối hợp cung cấp tờ khai y tế của người được cách ly cho ngành y tế để rút ngắn thời gian và triển khai các biện pháp cần thiết.

Trong khi đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Đà Nẵng đang phải chịu áp lực rất lớn trong việc xét nghiệm. CDC đã tổ chức xét nghiệm gộp theo nhóm hộ gia đình để rút ngắn thời gian truy vết người mắc COVID-19.

Theo bác sĩ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc CDC Đà Nẵng, riêng Khoa Xét nghiệm của CDC Đà Nẵng, các kỹ thuật viên đang phải làm xuyên đêm, tình hình này anh em khó lòng trụ nổi. Do đó, CDC đang rà soát, huy động thêm tài trợ, tăng cường nhân lực để mọi người àm việc từ 7h sáng đến 7h tối. Thời gian còn lại để chiếu tia khử khuẩn phòng xét nghiệm và các labo xét nghiệm.

Đà Nẵng hiện có 5 cơ sở y tế bị cách ly, gồm Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình và phục hồi chức năng, Trung tâm Y tế quận Hải Châu và Trung tâm Y tế quận Cẩm Lệ. Sở Y tế đã hướng dẫn việc khám chữa bệnh BHYT đối với bệnh viện bị cách ly y tế trong thời gian phòng chống COVID-19.

Với bệnh nhân có thẻ BHYT ban đầu đăng ký tại các bệnh viện bị cách ly y tế, khi đến khám chữa bệnh tại các bệnh viện khách ở Đà Nẵng thì vẫn được hưởng đúng quyền lợi ghi trên thẻ BHYT. Nếu bệnh diễn biến nặng hoặc chuyển tuyến trên điều trị thì được coi là đúng tuyến và được hưởng đúng quyền lợi BHYT.

Thêm nhiều nhân lực, vật lực

Chiều 6/8, đại diện UBND TP Hải Phòng trao tặng 5 tỷ đồng và 200.000 khẩu trang y tế để hỗ trợ Đà Nẵng. Ông Trần Anh Cường, Phó giám đốc Sở Y tế TP Hải Phòng, cho biết, sau khi Đà Nẵng có lời kêu gọi chi viện, chỉ trong 1 ngày đã có 33 y bác sĩ Hải Phòng đăng ký tình nguyện vào hỗ trợ. Tất cả đều có năng lực, trình độ và đầy nhiệt huyết, ra đi chưa xác định ngày về.

Ngoài ra, Công an TP Hải Phòng trao tặng Công an TP Đà Nẵng 200 triệu đồng và 30.000 khẩu trang y tế. Lãnh đạo Đà Nẵng cho hay, thành phố sẽ chuyển khẩu trang đến các khu vực y tế, khu cách ly, và dùng các khoản tiền hỗ trợ để mua sinh phẩm, thiết bị y tế.

Cùng ngày, 25 y bác sĩ đến từ tỉnh Bình Định có mặt ở Đà Nẵng và được lãnh đạo thành phố Đà Nẵng chào đón, bày tỏ lời cảm ơn sâu sắc. Đoàn công tác y tế của Bình Định gồm 8 bác sĩ, 11 điều dưỡng, 1 cử nhân xét nghiệm, 2 kỹ thuật hình ảnh, 2 y sĩ và 1 hộ sinh.

Trước khi đoàn lên đường tới Đà Nẵng, ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, nói: “Điều làm tôi xúc động nhất, là ngay trong đêm 4/8, có trên 100 y, bác sĩ, điều dưỡng… đã đăng ký xung phong ra Đà Nẵng chống dịch. Tuy nhiên, xét tình hình thực tế, chỉ có thể chọn được 25 người”.

Hôm qua, Đà Nẵng nhận thêm những đóng góp quý giá từ nhiều ngân hàng. Bốn ngân hàng là BIDV, Agribank, Vietinbank và MBBank hỗ trợ thành phố tổng cộng 20 tỷ đồng (mỗi ngân hàng 5 tỷ đồng). Riêng Chi nhánh BIDV Đà Nẵng hỗ trợ thêm 1 tỷ đồng. Tập đoàn BRG và ngân hàng SeABank hỗ trợ Đà Nẵng 1 tỷ đồng và 10.000 khẩu trang y tế cho thành phố, 10.000 khẩu trang y tế cho riêng quận Ngũ Hành Sơn (Tiền phong, trang 4).

 

Viện Pasteur Nha Trang ngưng xét nghiệm COVID-19

Viện Pasteur Nha Trang đã có văn bản gửi 11 tỉnh, thành miền Trung về việc tạm hoãn tiếp nhận mẫu xét nghiệm. Ngày 6/8, ông Nguyễn Đắc Tài, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa, cho biết, tỉnh đang gặp khó khăn khi Viện Pasteur Nha Trang tạm ngừng nhận mẫu xét nghiệm COVID-19 vì hết nguồn sinh phẩm, hóa chất, vật tư tiêu hao.

Viện đã có văn bản gửi 11 tỉnh, thành miền Trung về việc tạm hoãn tiếp nhận mẫu xét nghiệm. Nếu địa phương nào bị quá tải và có nhu cầu xét nghiệm mẫu thì đơn vị vẫn sẽ tiếp nhận với điều kiện gửi kèm sinh phẩm, vật tư tiêu hao... tương đương số lượng mẫu.

Sở Y tế Khánh Hoà đã đề xuất 2 phương án xét nghiệm COVID-19 nhưng đều vướng quy định. Thứ nhất, tự mua sinh phẩm, hóa chất, vật tư tiêu hao rồi nhờ Viện Pasteur Nha Trang xét nghiệm (nhưng nếu tự mua cũng phải làm theo luật đấu thầu, đấu giá).

Thứ hai, có công ty tư nhân xin đứng ra lập trung tâm xét nghiệm ở Khánh Hòa và yêu cầu tỉnh mua hóa chất, sinh phẩm, vật tư tiêu hao của họ, tối thiểu 4.000 bộ xét nghiệm với giá khoảng 2,7 tỷ đồng (nhưng nếu mua cũng phải qua đấu thầu, đấu giá) (Tiền phong, trang 5).

 

Đà Nẵng lên các phương án hoạt động trở lại 3 bệnh viện lớn

Việc khởi động xây dựng gấp rút bệnh viện dã chiến tại Cung thể thao Tiên Sơn cũng như khu dã chiến tại Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang được xem là giải pháp hiệu quả nhằm giảm tối đa áp lực cho Bệnh viện C, BV Đà Nẵng, BV Chấn thương chỉnh hình và phục hồi chức năng. Theo kế hoạch, ngay khi giải tỏa áp lực, cả 3 bệnh viện lớn ở trung tâm TP.Đà Nẵng sẽ được làm sạch, sẵn sàng trở lại trạng thái bình thường.

Bệnh viện C Đà Nẵng dự kiến hoạt động lại ngày 7.8

Ngày 6.8, lãnh đạo Bệnh viện Đà Nẵng xác nhận hiện tại các bệnh nhân mắc COVID-19 đã được chuyển đến nơi điều trị khác và cơ bản bệnh viện đã được “làm sạch”. Với kế hoạch “làm sạch”, mở cửa trở lại của 3 bệnh viện đang được cách ly, phong tỏa, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhận định, trong ngày 7.8, sau khi xét nghiệm đảm bảo an toàn, ngành Y tế sẽ công bố kế hoạch mở cửa Bệnh viện C Đà Nẵng trước.

Riêng với Bệnh viện Đà Nẵng hiện giờ, vẫn còn một số bệnh nhân mắc COVID-19 đang điều trị, các đơn vị chức năng sẽ cố gắng để vận chuyển những bệnh nhân này đến các viện đã được chỉ định là Trung tâm y tế huyện Hòa Vang, Bệnh viện Phổi Đà Nẵng. Sau đó toàn thể y-bác sĩ, cán bộ nhân viên trong Bệnh viện Đà Nẵng sẽ được xét nghiệm lại. Nếu tất cả có kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2 thì UBND Đà Nẵng sẽ có thẩm quyền cho phép mở cửa bệnh viện trở lại. Tương tự với Bệnh viện Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng cũng vậy.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho hay, nếu đáp ứng các yêu cầu nêu trên thì dự kiến thời gian mở cửa Bệnh viện C Đà Nẵng là vào ngày 7.8. Riêng Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Đà Nẵng thuộc thẩm quyền của UBND TP.Đà Nẵng quyết định.

Các bệnh viện đã sẵn sàng trở lại

Ông Nguyễn Trọng Thiện - Giám đốc Bệnh viện C Đà Nẵng cho biết, hiện tại các bệnh nhân nhiễm COVID-19 đã được chuyển sang một số bệnh viện khác. Phía Bệnh viện C cũng đang đợi chỉ đạo cuối cùng của Bộ Y tế về việc dở bỏ lên phong tỏa. “Khi có ý kiến cuối cùng các Bộ Y tế, chúng tôi sẽ tiến hành các bước tiếp theo để đưa bệnh viện đi vào hoạt động trở lại” - ông Thiện chia sẻ.

Theo tìm hiểu, việc chữa trị cho bệnh nhân COVID-19 cũng như các bệnh nhân nặng khác sẽ được đưa về Bệnh viện Phổi (60 giường) và Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang (200 giường bệnh).

Ông Bùi Long Dũng - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang cho biết, tính đến sáng ngày 6.8, trung tâm y tế đang điều trị 133 ca bệnh trong đó có 6 ca bệnh nặng, 13 ca chạy thận nhân tạo, ngoài ra còn có nhiều bệnh nhân mắc COVID-19. Những bệnh nhân này được đưa sang để “làm sạch” Bệnh viện Đà Nẵng.

“Trung tâm y tế được xây dựng thành bệnh viện dã chiến số giường bệnh là 200 nhưng hiện nay con số đã lên 133 bệnh nhân. Trong vài ngày tới chúng tôi vừa thu nhận các bệnh nhân nặng để giải tỏa áp lực cho các bệnh viện tuyến đầu vừa tính toán để đảm bảo công tác khám chữa bệnh đạt hiệu quả cao nhất” - ông Dùng nói và thông tin thêm, trong ngày hôm nay, hàng chục y bác sĩ của Hải Phòng sẽ tăng cường vào làm việc tại trung tâm. Đây được xem là một trong những đóng góp quan trọng về nguồn nhân lực, góp phần đẩy lùi bệnh dịch

Ngoài Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang, Bệnh viện Dã chiến tại Cung thể thao Tiên Sơn được xem là một trong những khu vực đón nhận bệnh nhân nhằm giải tỏa áp lực cho các bệnh viện lớn. Đây là Bệnh viện dã chiến đầu tiên của Việt Nam được xây dựng theo mô hình lắp modul theo tư vấn thiết kế của Trung tâm tư vấn xây dựng thuộc Sở Xây dựng Đà Nẵng. Hệ thống buồng/giường bệnh, xử lý nước thải, ánh sáng, vách ngăn… được thiết kế, lắp đặt theo tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng và Bộ Y tế đối với Bệnh viện dã chiến. 

Theo thiết kế, các khu vực hành lang tầng 2, 3 của Cung thể thao Tiên Sơn được bố trí các giường bệnh dành cho bệnh nhân nhẹ, dự kiến tầng 2 sẽ bố trí khoảng 220 giường, tầng 3 khoảng 200 giường. Khu vực tầng 4 sẽ trở thành chỗ làm việc, nghỉ ngơi cho y - bác sĩ điều trị.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, trước đó Bộ Y tế đã cử cán bộ đến hỗ trợ Ban quản lý trong việc xây dựng Bệnh viện dã chiến đúng quy trình về mặt y tế, đảm bảo an toàn cho người bệnh. Trong khi đó, để đảm bảo nhân lực cho Bệnh viện này, Bộ đã điều động 1 bác sĩ, 1 chuyên gia phụ trách chuyên môn, đồng thời đang xem xét, sẵn sàng hỗ trợ đưa thêm các nhân viên y tế có chất lượng cho Bệnh viện dã chiến Tiên Sơn Đà Nẵng (Lao động, trang 3).

 

Lãnh đạo địa phương chịu trách nhiệm việc theo dõi, cách ly người về từ Đà Nẵng

Sáng 6-8, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 chủ trì cuộc họp triển khai các biện pháp phòng, chống dịch trong giai đoạn hiện nay. Phát biểu tại cuộc họp, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Bộ Y tế đang nỗ lực phòng, chống tại ổ dịch Đà Nẵng.

Với tốc độ lây nhiễm nhanh, nguy cơ lớn nhất hiện nay gồm: Bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, nhân viên y tế tại cụm 3 bệnh viện ở Đà Nẵng.

Bộ Y tế khuyến cáo nhóm nguy cơ cao gồm những người từ Đà Nẵng trở về các địa phương từ ngày 1-7 trở về sau phải có tinh thần cảnh giác, có ý thức phòng, chống dịch bệnh cho bản thân và cộng đồng.

Trên thực tế, một số địa phương vẫn còn chủ quan, lơi lỏng, “nghĩ ổ dịch chỉ ở Đà Nẵng”, Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long yêu cầu các cơ sở y tế, bệnh viện tiếp tục thực hiện nghiêm quy định về các biện pháp phòng và kiểm soát lây nhiễm dịch bệnh; quy định về khám, chữa bệnh như đeo khẩu trang, giãn cách…

Hiện tại, Bộ Y tế tiếp tục tăng cường năng lực xét nghiệm với tốc độ gấp khoảng 3 lần so với cao điểm tháng 4-2020.

Bộ Y tế đã ban hành văn bản chỉ đạo sở y tế các địa phương chủ động mua sắm trang thiết bị y tế, sinh phẩm, tự đàm phán giá để thực hiện xét nghiệm kháng thể, không chờ thẩm định xét nghiệm từ Bộ Y tế.

Tại cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo đánh giá cao sự vào cuộc tích cực, phối hợp chặt chẽ của lực lượng công an, quân đội, y tế trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 ngay từ những ngày đầu; sự chủ động tăng cường chuyên gia, lực lượng tham gia phòng, chống dịch tại Đà Nẵng.

Xác định tâm của ổ dịch Đà Nẵng là cụm 3 bệnh viện, các thành viên Ban Chỉ đạo nêu rõ Đà Nẵng, một số huyện, thị xã thuộc tỉnh Quảng Nam cần tiếp tục thực hiện nghiêm giãn cách xã hội theo Chỉ thị 19/CT-TTg ở mức nguy cơ cao.

Các chuyên gia nhận định, theo tiến độ xét nghiệm, trong thời gian tới mỗi ngày có thể phát hiện thêm hàng chục ca nhiễm mới liên quan đến cụm 3 bệnh viện ở Đà Nẵng tại địa phương này cũng như trên cả nước.

Tuy nhiên, số lượng ca nhiễm mới không phản ánh xu thế tăng hay giảm của dịch bệnh.

Dự kiến, sẽ tiếp tục có các ca tử vong do dịch Covid-19 xuất hiện tại những khoa có bệnh nhân nặng thuộc cụm 3 bệnh viện Đà Nẵng.

Tăng cường xét nghiệm kháng nguyên 

Liên quan đến công tác xét nghiệm, các chuyên gia nhấn mạnh khi có những sự cố như tại ổ dịch Đà Nẵng, việc xét nghiệm kháng thể là nhằm đánh giá nguy cơ, mức độ lây nhiễm dịch bệnh; sau đó cần tăng cường xét nghiệm kháng nguyên Realtime RT-PCR để phát hiện chính xác các ca nhiễm.

Các thành viên Ban Chỉ đạo nêu rõ, với nguy cơ lây lan dịch bệnh thường trực trên cả nước thì cần nêu trách nhiệm của người đứng đầu các tỉnh, thành phố trong việc chỉ đạo nghiêm quy định hướng dẫn của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia, Bộ Y tế liên quan đến công tác phòng, chống dịch.

Các thành viên Ban Chỉ đạo đề xuất Thủ tướng có biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm liên quan tới trách nhiệm thuộc về trưởng ban chỉ đạo - người đứng đầu địa phương.

Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo yêu cầu các bệnh viện tiếp tục thực hiện quy định hướng dẫn khám, chữa bệnh do Bộ Y tế ban hành; trong đó, đảm bảo phân luồng, phân tuyến cho người đến khám, chữa bệnh.

Theo Ban Chỉ đạo, từ thời điểm này trở đi, nếu để xảy ra tình trạng lây nhiễm trong bệnh viện như Đà Nẵng thì người đứng đầu bệnh viện và cơ quan chủ quản phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch tại một số tỉnh, thành phố.

Liên quan đến kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2020 diễn ra từ ngày 8 đến 10-8, các thành viên Ban Chỉ đạo đánh giá cao các địa phương tích cực, chủ động thực hiện nghiêm quy định, hướng dẫn tổ chức kỳ thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo; các biện pháp phòng, chống dịch bệnh của Bộ Y tế; đảm bảo an toàn trong quá trình diễn ra kỳ thi.

Huy động thêm nhân lực cho Đà Nẵng, Quảng Nam

Theo báo cáo của Bộ Y tế, tính đến 10h ngày 6-8, Việt Nam ghi nhận 717 trường hợp mắc Covid-19, trong đó 381 người đã được công bố khỏi bệnh, 9 trường hợp tử vong. Có 328 trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài vào Việt Nam.

Từ ngày 23-7 đến nay, Việt Nam ghi nhận 302 trường hợp mắc Covid-19, trong đó có 34 trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài và 268 trường hợp lây nhiễm trong nước tại 11 tỉnh, thành phố có yếu tố dịch tễ liên quan đến ổ dịch Đà Nẵng.

Cụ thể: Đà Nẵng có 193 trường hợp, Quảng Nam - 48 trường hợp, thành phố Hồ Chí Minh - 8 trường hợp, Lạng Sơn - 4 trường hợp, Quảng Ngãi - 3 trường hợp, Đắk Lắk - 3 trường hợp, Hà Nội - 3 trường hợp, Thái Bình - 1 trường hợp, Bắc Giang - 2 trường hợp, Đồng Nai - 2 trường hợp, Hà Nam - 1 trường hợp.

Riêng ngày 5-8, Việt Nam ghi nhận 47 trường hợp lây nhiễm trong nước đều liên quan đến ổ dịch tại Đà Nẵng, gồm: Đà Nẵng - 34 trường hợp, Quảng Nam - 5 trường hợp, Bắc Giang - 2 trường hợp, Lạng Sơn - 4 trường hợp, Hà Nội - 1 trường hợp và có 1 chuyên gia nước ngoài (được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Bà Rịa - Vũng Tàu). Lạng Sơn và Bắc Giang là hai địa phương mới ghi nhận ca bệnh trong đợt này.

Tính đến ngày 6-8, cả nước có 170.457 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe; trong đó 6.717 người được cách ly tập trung tại bệnh viện; 23.356 người được cách ly tập trung tại cơ sở khác; 140.384 người được cách ly tại nhà, nơi lưu trú. Cả nước đã thực hiện 523.114 xét nghiệm Realtime RT-PCR.

Bộ Y tế tiếp tục huy động cán bộ y tế có chuyên môn cao từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, Bệnh viện Chợ Rẫy, từ các bệnh viện ở Hải Phòng; Bình Định... để chi viện cho Đà Nẵng, Quảng Nam phòng, chống dịch Covid-19 (Hà Nội mới, trang 7).

 

Thành phố lớn 'lách' cơ chế

Trong lúc cơ chế chưa được tháo gỡ, ít nhất có 2 TP lớn là Hà Nội và Hải Phòng đã nghĩ ra cách “lách” bằng việc vận động doanh nghiệp tài trợ bằng hiện vật là máy xét nghiệm và sinh phẩm.

“Doanh nghiệp (DN) người ta mua máy thủ tục rất nhanh, không như chúng ta phải thẩm định, đấu thầu… Chúng ta đang thiếu máy xét nghiệm, mà giờ ưu tiên là xét nghiệm PCR. Đề nghị MTTQ kêu gọi hỗ trợ, nếu đầy đủ thì chúng ta không cần mua sắm nữa. Tiền chúng ta có thể có được, nhưng vật tư thiết bị rất cần”, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ nói.

Tương tự, bà Phạm Thu Xanh, Giám đốc Sở Y tế Hải Phòng, cho biết do chưa có khung giá, Hải Phòng phải đi vận động để xin hóa chất xét nghiệm từ DN. Cho biết hoá chất xét nghiệm nhiều loại chưa có định giá, nếu cứ làm thì dễ sai như việc mua máy xét nghiệm vừa qua ở các địa phương, hôm 6.8 bà Xanh lại tiếp tục đi làm việc với Tập đoàn LG ở Hải Phòng để xin hỗ trợ bộ xét nghiệm. “Thay vì xin tiền, chúng tôi sẽ xin hiện vật”, bà Xanh chia sẻ.

Theo Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung, Hà Nội đang có mục tiêu xét nghiệm miễn phí cho toàn bộ 60.000 - 65.000 người Hà Nội trở về từ Đà Nẵng từ ngày 15 - 29.7 (sau khi thống nhất với Bộ Y tế và thấy đây là đối tượng nguy cơ). Theo kế hoạch, cơ quan y tế địa phương sẽ liên hệ trực tiếp với từng trường hợp để mời ra lấy mẫu, bắt đầu từ hôm nay 7.8. Trước hết, các quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Tây Hồ, Đống Đa, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Thanh Xuân sẽ được xét nghiệm trước, vì nguy cơ cao hơn…Và để thực hiện kế hoạch này cần rất nhiều máy xét nghiệm và sinh phẩm. Hiện nay, huy động tổng lực cả các cơ sở tư nhân và cơ sở của BYT trên địa bàn, Hà Nội mới xét nghiệm được khoảng 10.000 mẫu/ngày, số kit test PCR chỉ còn khoảng 3.000 bộ, nhưng Hà Nội đã vận động được Bệnh viện Tâm Anh tài trợ 10.000 bộ kit test để bắt đầu từ hôm nay (7.8) sẽ giao cho các quận huyện tiến hành xét nghiệm. Tuy nhiên, như đã nói, để xét nghiệm số người lên tới 65.000, “lấy mẫu trong 9 ngày, hoàn thành xét nghiệm trong 12 ngày”, như ông Chung đặt mục tiêu, thì Hà Nội sẽ phải tháo gỡ cơ chế để mua sắm rất nhanh, hoặc phải “xin” DN hỗ trợ.

“Về mua vật tư, không chỉ Hà Nội vướng, các tỉnh khác cũng vướng. Phải giao cho Sở Y tế và CDC mua sắm thật nhanh mới có thể chạy đua với thời gian. Nếu xét nghiệm khẩn trương trong 10 ngày nữa, không để xảy ra ca nhiễm mới, thì Hà Nội mới tương đối an toàn, nếu có ca mới thì rất khó lường”, ông Chung nhấn mạnh (Thanh niên, trang 2).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang