Gần 100% mẫu nước ngầm tại TP.HCM bị ô nhiễm
Ngày 7.6, tại chương trình Lắng nghe và trao đổi do HĐND TP.HCM và Đài truyền hình TP.HCM phối hợp tổ chức, Phó giám đốc Sở GTVT Lê Hoàng Minh cho biết tổng số hộ dân trên địa bàn TP chưa sử dụng nước sạch (đang sử dụng nước từ các nguồn khác như giếng khoan, nước mưa...) lên đến 358.351 hộ.
TP đã lên kế hoạch từ nay đến cuối 2015 giải quyết nước sạch cho thêm 213.259 hộ dân, số còn lại tiếp tục giải quyết trong những năm tiếp theo. Một điều đáng lo ngại là nguồn nước ngầm đang bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Qua kiểm tra chất lượng nước đối với các hộ dân chưa được sử dụng nước sạch tại 1.400 vị trí thuộc 4 huyện: Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè và 3 quận: Bình Tân, Thủ Đức, 12 thì chỉ có 45 mẫu (tỷ lệ 3,21%) đạt các chỉ tiêu hóa lý và vi sinh theo Quy chuẩn VN 02:2009/BYT của Bộ Y tế, còn lại đều không đạt chất lượng và bị ô nhiễm. Ngoài nỗ lực tập trung đầu tư mở rộng mạng lưới cung cấp nước sạch, UBND TP giao Trung tâm y tế dự phòng TP tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho UBND các quận, huyện phương pháp xử lý nước tại các hộ gia đình để đảm bảo sức khỏe cho người dân (Thanh niên trang 2).
Ca nghi nhiễm MERS-CoV tại VN cho kết quả xét nghiệm âm tính
Ngày 7.6, đại diện Bộ Y tế cho biết ca nghi nhiễm vi rút gây hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS-CoV) tại phía nam là phụ nữ (52 tuổi, ngụ Bình Dương) du lịch từ Dubai (UAE) trở về VN vào ngày 4.6 qua sân bay Tân Sơn Nhất, đã cho kết quả âm tính với MERS. Ngày 4.6, người phụ nữ này có triệu chứng sốt tại Dubai và tự uống thuốc hạ sốt; sau khi về VN, sáng 5.6 do vẫn còn sốt, bệnh nhân đi phòng khám tư, uống thuốc nhưng không hết sốt. Lo sợ, gia đình bệnh nhân liên lạc với nhân viên kiểm dịch y tế quốc tế TP.HCM và được hướng dẫn đến điều trị tại Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới TP.HCM. Do bệnh nhân có triệu chứng sốt 39 độ C, ho, sổ mũi, họng đỏ nên được cách ly, điều trị riêng; mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân được chuyển đến Viện Pasteur TP.HCM xét nghiệm và cho kết quả âm tính trong ngày 5.6.
Trong đoàn du lịch cùng bệnh nhân này hiện chưa ghi nhận các trường hợp ốm, sốt. Tuy nhiên, các chuyên gia lưu ý, khi có biểu hiện nghi MERS-CoV, cần đến BV, nếu đến cơ sở khám tư rất dễ làm lây lan dịch bệnh trong cộng đồng (nếu nhiễm bệnh). Cũng trong ngày 7.6, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã kiểm tra công tác tiếp nhận điều trị MERS-CoV tại một số BV ở Hà Nội. Tại BV Bệnh nhiệt đới T.Ư, TS-BS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc BV cho biết chưa ghi nhận ca bệnh MERS-CoV.
Trong một diễn biến khác, chính phủ Hàn Quốc ngày 7.6 chính thức công bố tên 24 BV có điều trị cho bệnh nhân nhiễm vi rút MERS-CoV. Yonhap dẫn lời giới chức cho biết đến nay các trường hợp đều bị lây ở BV nên cần phải tăng cường các biện pháp phòng chống dịch tại các cơ sở y tế. Trước đó, giới chức Hàn Quốc chỉ cho biết tên 2 cơ sở có liên quan là BV Thánh Mary (tỉnh Gyeonggi), nơi điều trị bệnh nhân đầu tiên bị MERS và Trung tâm y khoa Samsung ở Seoul, nơi có bác sĩ nhiễm bệnh từng tiếp xúc hơn 1.500 người cuối tháng 5. Theo nhà chức trách, việc theo dõi hơn 1.800 người bị cách ly do nghi ngờ từng tiếp xúc với các bệnh nhân MERS cũng sẽ được siết chặt và nếu cần thiết, sẽ theo dõi họ qua ứng dụng định vị cài trên ĐTDĐ.
Cùng ngày, Bộ Y tế Hàn Quốc thông báo xác nhận thêm 14 trường hợp nhiễm MERS-CoV, nâng tổng số ca nhiễm bệnh lên 64, trong đó 5 người đã tử vong (Thanh niên trang 5, Tuổi trẻ trang 14).
Cảnh giác cao độ với trường hợp nghi nhiễm virus MERS
Sáng 7-6, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã kiểm tra công tác chuẩn bị, phòng chống MERS tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương – cơ sở được phân công tiếp nhận ca bệnh MERS (nếu có) tại Hà Nội. Mới đây, bệnh viện này đã tiếp nhận 2 bệnh nhân nghi ngờ nhiễm virus MERS nhưng kết quả xét nghiệm của cả 2 đều âm tính.
Cần thiết có thể cách ly cả bệnh viện
Theo báo cáo của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, bệnh viện vừa tiếp nhận 2 trường hợp nghi ngờ nhiễm MERS, đều là những người mới về nước sau chuyến đi đến Trung Quốc, Hàn Quốc. Trong đó, một người thấy có biểu hiện sốt nên tự đến bệnh viện làm xét nghiệm, người còn lại được bệnh viện tỉnh chuyển đến. Sau khi khai thác tiền sử, các bác sĩ đã cho 2 bệnh nhân này cách ly và lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm. Kết quả, cả 2 bệnh nhân đều có kết quả âm tính với virus MERS.
Trước đó, trên một số trang mạng xã hội đã đưa thông tin không đầy đủ rằng có 2 bệnh nhân nghi ngờ MERS nhập viện phải cách ly khiến cho dư luận hoang mang, người bệnh trong bệnh viện lo lắng. TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương khẳng định, đây chỉ là quy trình giám sát thông thường, tất cả những người nhập cảnh vào Việt Nam từ Hàn Quốc trong thời điểm này, ngoài việc giám sát thân nhiệt tại sân bay, khai báo y tế… đều được y tế cơ sở theo dõi tại nơi cư trú để kịp thời phát hiện dấu hiệu nguy cơ.
Hiện tại, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đã sẵn sàng phương án cách ly cả bệnh viện nếu cần thiết. Cụ thể, khi có bệnh nhân MERS thì ca bệnh này sẽ được cách ly tại tầng 2, nếu dịch lan rộng sẽ tiếp tục cách ly tại các tầng khác.
Phải dự phòng, chống lây chéo
Tại buổi kiểm tra, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long lưu ý, dịch MERS tại Hàn Quốc đang lây lan rất nhanh, biểu hiện của bệnh giống các bệnh viêm đường hô hấp khác, do đó việc phát hiện ra ca bệnh đầu tiên rất quan trọng trong việc phòng, khống chế bệnh nếu dịch xâm nhập.
Bộ Y tế đã nâng mức độ giám sát với người bệnh nghi ngờ, không chỉ giám sát với những người viêm phổi nặng cộng yếu tố dịch tễ mà chỉ cần có yếu tố dịch tễ kèm thêm sốt là phải cách ly và lấy mẫu xét nghiệm MERS. Để làm tốt công tác này, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long yêu cầu các bệnh viện được giao nhiệm vụ tiếp nhận bệnh nhân nghi nhiễm MERS cần có sự phân loại, cách ly ngay từ khu vực phòng khám đối với những người sốt, ho, cộng thêm yếu tố dịch tễ về từ Hàn Quốc, vùng Trung Đông.
Đặc biệt, các bệnh viện cũng cần phải làm tốt công tác dự phòng lây nhiễm chéo trong bệnh viện giữa bệnh nhân với bệnh nhân, bệnh nhân với nhân viên y tế, nhân viên y tế với người khác. Theo cập nhật của Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế, đến ngày 7-6, tại Hàn Quốc đã ghi nhận tổng cộng 64 trường hợp nhiễm MERS, trong đó có 5 ca tử vong. 14 cơ sở y tế (11 bệnh viện và 3 phòng khám nhỏ) đã ghi nhận các trường hợp mắc MERS vào khám, điều trị ít nhất 1 lần. Tại Việt Nam hiện chưa ghi nhận ca bệnh nào. Trước đó, ngày 6-6, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng đã cùng Sở Y tế Hà Nội kiểm tra, giám sát công tác chuẩn bị sẵn sàng phòng chống dịch bệnh MERS tại quận Nam Từ Liêm. Đây là địa phương có nhiều người Hàn Quốc sinh sống và làm việc (An ninh thủ đô trang 6, Hà Nội mới trang 1).
Nâng mức giám sát dịch MERS
Đó là yêu cầu của GS-TS Nguyễn Thanh Long - Thứ trưởng Bộ Y tế - trong buổi kiểm tra công tác chuẩn bị cho phòng, chống dịch MERS-CoV tại Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới Trung ương và Bệnh viện Bắc Thăng Long - TP.Hà Nội. Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long, tình hình dịch bệnh MERS ở Hàn Quốc đang diễn biến rất nhanh và phức tạp. Hiện Hàn Quốc đã có 64 ca nhiễm MERS được xác định, trong đó có 5 trường hợp tử vong.
Để chuẩn bị đối phó với tình hình dịch bệnh nếu có xảy ra tại VN, Bộ Y tế đề nghị các BV nâng mức độ giám sát dịch, chỉ cần xuất hiện một trong các triệu chứng của bệnh (sốt, ho, khó thở…) và có tiền sử dịch tễ đi về từ vùng có dịch phải được lấy mẫu xét nghiệm để chẩn đoán xác định MERS-CoV. Các BV cần tăng cường việc phát hiện sớm các ca bệnh nghi ngờ, có phương án cách ly, khoanh vùng để xử lý ổ dịch, chẩn đoán điều trị kịp thời, tích cực hạn chế thấp nhất tỉ lệ tử vong.
Bên cạnh việc rà soát, xem xét lại thuốc, dịch truyền, trang thiết bị y tế, trang thiết bị phòng hộ cá nhân cho một số khoa: Khám bệnh, Truyền nhiễm, Hồi sức tích cực chống độc, Labo xét nghiệm; bệnh viện cần bố trí khoa phòng để cách ly cán bộ y tế tham gia điều trị bệnh nhân MERS, có phương án bố trí khoa phòng, vận chuyển khi số lượng bệnh nhân tăng, kể cả tính đến trường hợp xấu nhất sẵn sàng cách ly cả bệnh viện.
Tại BV Bệnh nhiệt đới Trung ương, PGS-TS Nguyễn Văn Kính - Giám đốc BV - cho biết: BV đã sẵn sàng cho việc tiếp nhận, điều trị và phòng, chống lây nhiễm dịch bệnh này. BV đã xây dựng xong kế hoạch phòng, chống MERS-Cov, thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch, thành lập đội cấp cứu ngoại viện, phân công nhiệm vụ tiếp nhận, thu dung, phân loại bệnh nhân, chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị y tế; chuẩn bị các nguồn lực đảm bảo triển khai các hoạt động chuyên môn đạt hiệu quả cao cũng như sẵn sàng ứng phó khi dịch bệnh xảy ra, phân công đảm bảo chế độ trực theo 4 cấp 24/24h; đào tạo chỉ đạo tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn; tăng cường công tác truyền thông cho cán bộ nhân viên bệnh viện cũng như gia đình người nhà bệnh nhân về bệnh dịch, đường lây truyền, các cách phòng, chống cũng như theo khuyến cáo và thông tin tình hình về dịch của Bộ Y tế; BV đã chuẩn bị cho phòng Labo để chẩn đoán được ngay, xét nghiệm 4 tiếng có kết quả, đã xây dựng quy trình để xử lý mẫu bệnh phẩm cũng như lên chương trình tập huấn...
Bên cạnh đó, BV thường xuyên thực hiện hoạt động khử trùng môi trường, khử khuẩn không khí, xử lý chất thải BV theo quy định, phòng, chống lây nhiễm chéo trong và xung quanh BV...
Do tính chất phức tạp của dịch bệnh MERS-CoV, bên cạnh việc đồng thời tăng cường công tác giám sát, công tác dự phòng lây nhiễm chéo trong cơ sở y tế, Thứ trưởng đề nghị các BV cần động viên kịp thời cho các nhân viên và cán bộ y tế, tăng cường việc đào tạo tập huấn và hỗ trợ chuyên môn, kỹ thuật cho cơ sở y tế tuyến dưới, mặt khác cần tuyên truyền cho người dân biết về tình hình dịch bệnh cũng như các khuyến cáo của Bộ Y tế để người dân không hoang mang, chủ động trong công tác phòng bệnh cho bản thân, gia đình và cộng đồng (Lao động trang 1, Tiền phong trang 15, Nhân dân trang 8, Gia đình & Xã hội trang 7, Sức khỏe & Đời sống trang 3).