Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 08/7/2019

  • |
T5g.org.vn - Chưa rõ trách nhiệm vụ nam thanh niên bị mổ nhầm; Thu hồi mỹ phẩm quảng cáo sai công dụng; Phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm y tế bền vững; Ăn nhầm 3 viên thuốc ngủ, bé 2 tuổi được cấp cứu kịp thời

 

Chưa rõ trách nhiệm vụ nam thanh niên bị mổ nhầm

Dù đã hơn 1 tháng trôi qua nhưng sức khỏe của anh N.Q.V. (24 tuổi, ở phố Láng Hạ, Đống Đa, Hà Nội) vẫn rất kém sau ca mổ viêm hạch tại Bệnh viện Bạch Mai.

Theo phản ánh của bà Phạm Hồng L. (mẹ của anh N.Q.V.), do bị sốt cao nên anh V. được đưa đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương khám và điều trị với sự theo dõi trực tiếp của bác sĩ Nguyễn Thùy Dung. Ngày 28-5, bác sĩ Dung chẩn đoán anh V. bị viêm hạch cần mổ gấp, đề nghị gia đình đưa V. sang Bệnh viện Bạch Mai để mổ gấp. Tại Bệnh viện Bạch Mai, bác sĩ Hoàng Tuấn Việt, khoa Ngoại đã thực hiện ca mổ hạch cho bệnh nhân V., tuy nhiên, sau gần 1 giờ mổ, bác sĩ thông báo “đã mổ, tìm rất kỹ nhưng không có hạch”. Sau ca mổ, anh V. bị tổn thương sức khỏe, sụt gần 10kg sau 1 tháng và vẫn bị tê bì, mất cảm giác một bên đầu; cổ không quay được; phát âm bị méo tiếng; ăn uống khó. Trước sự việc trên, ông Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương xác nhận, trong quá trình khám, điều trị, bác sĩ Dung nghi ngờ bệnh nhân N.Q.V. viêm hạch ở cổ, bệnh viện lại không có sinh thiết nên đã chuyển sang Bệnh viện Bạch Mai xử lý. Bệnh viện Bệnh nhiệt đới chỉ đưa ra chẩn đoán, còn lại bệnh nhân trước khi mổ cần phải được Bệnh viện Bạch Mai khám lại cho chính xác và được bác sĩ giải thích cho bệnh nhân hiểu. “Việc chẩn đoán có thể đúng hoặc sai nhưng khi chuyển sang bệnh viện khác thì bệnh viện đó phải khám và chẩn đoán lại...”, ông Kính chia sẻ. Về phía Bệnh viện Bạch Mai, ông Dương Đức Hùng, Trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết đã nắm được thông tin về vụ việc này và bệnh viện đang khẩn trương xác minh, làm rõ và sẽ cung cấp thông tin cụ thể khi có kết quả (Sài Gòn giải phóng, trang 11).

 

Thu hồi mỹ phẩm quảng cáo sai công dụng

Tại văn bản số 2735/SYT-NVD, Sở Y tế Hà Nội quyết định đình chỉ lưu hành, thu hồi trên địa bàn thành phố lô sản phẩm kem mụn và thâm Miss White (số lô MT01) do Công ty TNHH Tigon (tỉnh Vĩnh Long) sản xuất. Lý do vì mẫu thử sản phẩm không đáp ứng quy định về chỉ tiêu độ đồng đều khối lượng và khối lượng trung bình.

Còn tại văn bản 2736/SYT-NVD, Sở Y tế quyết định đình chỉ lưu hành, thu hồi trên địa bàn thành phố 2 lô sản phẩm là mỹ phẩm Medidao và Serum CurmineClear Max. Trong đó, mỹ phẩm Medidao do Công ty cổ phần dược phẩm Phúc Lâm (khu công nghiệp Tiên Sơn, Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) sản xuất bị đình chỉ lưu hành vì công dụng sản phẩm ghi trên nhãn không phù hợp với tính năng sản phẩm. 

Cụ thể, sản phẩm này là mỹ phẩm, tức chỉ có tác dụng làm đẹp, nhưng công dụng sản phẩm ghi trên nhãn lại hết sức thần thánh: “Giúp lưu thông khí huyết, tinh thần sảng khoái, giảm stress”, “Giúp phòng ngừa bệnh sản hậu, cảm cúm, phong thấp, đau đầu”, “Cải thiện tốt tình trạng đau mỏi thành bụng, hông, lưng và đùi, giúp tăng cường sinh lực, tạo giấc ngủ ngon, phục hồi sức khỏe cho phụ nữ sau khi sinh con hoặc sau sẩy thai”.

Tương tự, sản phẩm Serum CurmineClear Max do Công ty TNHH River Galaxy (TP Hồ Chí Minh) sản xuất bị thu hồi do tên sản phẩm ghi trên nhãn là “Serum nhũ tương CurmineClear”, không đúng với tên sản phẩm ghi trên phiếu công bố là Serum CurmineClear Max.

Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các cơ sở y tế trên địa bàn, cơ sở kinh doanh, sử dụng mỹ phẩm khẩn trương rà soát, thu hồi các lô, loại mỹ phẩm không đạt chất lượng nêu trên; đồng thời kiểm tra, giám sát việc thực hiện thu hồi của các cơ sở (An ninh thủ đô, trang 6).

 

Ăn nhầm 3 viên thuốc ngủ, bé 2 tuổi được cấp cứu kịp thời

Thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cho biết, bệnh viện này vừa tiếp nhận cấp cứu kịp thời một bé 2 tuổi ở huyện Hoài Đức bị ngộ độc thuốc ngủ.

Qua lời kể từ gia đình bệnh nhi, sau khi nghịch vỉ thuốc ngủ, bé đã lấy 3 viên nhét vào miệng và nhai. Khi gia đình phát hiện thì bé đã ngủ li bì.

Gia đình vội đưa bé đến cấp cứu tại Bệnh viện huyện Hoài Đức rồi chuyển tiếp đến Bệnh viện Xanh Pôn. Tại đây, các bác sĩ đã tiến hành rửa dạ dày, cho bé uống than hoạt tính và truyền dịch. Sau khi được điều trị tích cực, sức khỏe bé đã ổn định.

Theo bác sĩ Cao Thu Quế, khoa Cấp cứu - Bệnh viện Xanh Pôn, trẻ uống nhầm thuốc ngủ vô cùng nguy hiểm, có thể gây rối loạn nhịp tim. Hơn nữa, hệ thống thần kinh của trẻ đang hoàn thiện, việc uống nhầm thuốc có thể dẫn đến tình trạng hôn mê sâu, nguy cơ tử vong cao nếu không được cấp cứu kịp thời.

Vì thế, các bậc phụ huynh không nên để thuốc trong tầm với của trẻ, đặc biệt là các loại thuốc an thần (An ninh thủ đô, trang 2).

 

Phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm y tế bền vững

Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2020, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế (BHYT) sẽ đạt 90% dân số. Tuy nhiên, đến nay, tỷ lệ bao phủ BHYT đã là 89%, với gần 85 triệu người dân tham gia. Có được thành quả này là nhờ sự quyết tâm và chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ cùng với việc đẩy mạnh triển khai thực hiện của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cũng như các bộ, ngành, tổ chức xã hội, các cấp chính quyền địa phương...

Theo số liệu của BHXH Việt Nam, đến hết tháng 5-2009, cả nước đã có 84,5 triệu người dân có thẻ BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ là 89%. Trong đó, nhóm đối tượng là người lao động tham gia BHYT với hơn 90%; 100% số người thuộc nhóm hưu trí, mất sức lao động, bảo trợ xã hội tham gia BHYT, với khoảng 3,1 triệu người có thẻ BHYT. Nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ gồm có hộ cận nghèo, học sinh - sinh viên (HSSV)… cũng đạt tỷ lệ tham gia cao hơn 90%. Nhóm đối tượng thuộc hộ gia đình trước đây phải tham gia BHYT dưới hình thức tự nguyện, theo quy định của Luật BHYT (sửa đổi) năm 2014 chuyển thành đối tượng tham gia BHYT bắt buộc nhưng theo hình thức hộ gia đình, đến tháng 5-2019 đã có hơn 17 triệu người tham gia… Đó là những con số thể hiện sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị cũng như sự quan tâm của người dân đối với chính sách BHYT.

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn cho biết, BHYT cũng như các loại hình bảo hiểm khác tuân theo nguyên lý quản lý và chia sẻ rủi ro. Tuy nhiên, với ý nghĩa là một trụ cột an sinh xã hội, chính sách BHYT với nhiệm vụ quản lý rủi ro trong lĩnh vực y tế có vai trò quan trọng và ý nghĩa nhân văn rất lớn. Sau 27 năm tổ chức thực hiện, chính sách BHYT được đánh giá như phao cứu sinh để giúp người dân thoát khỏi “bẫy nghèo” y tế. Việc tham gia BHYT, không chỉ góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe, mà còn chia sẻ gánh nặng tài chính, chi phí khám, chữa bệnh (KCB) đối với từng người dân.

Thực tế trong những năm qua, việc mở rộng quyền lợi hưởng BHYT giúp cho người có thẻ BHYT tiếp cận cao nhất các dịch vụ, kỹ thuật y tế tiên tiến. Hiện nay, hầu hết thuốc, dịch vụ kỹ thuật đều được Quỹ BHYT chi trả khi KCB đúng tuyến. Mức đóng mỗi năm không cao, nhưng khi không may mắc bệnh, kể cả những bệnh hiểm nghèo có chi phí điều trị lớn, người tham gia BHYT sẽ được KCB chu đáo. Người có thẻ BHYT khi đi KCB đúng tuyến được quỹ BHYT chi trả từ 80% đến 100% chi phí KCB theo phạm vi và quyền lợi hưởng tùy thuộc vào nhóm đối tượng.

KCB bằng thẻ BHYT giúp người nghèo và cận nghèo giảm gánh nặng chi tiêu cho gia đình khi ốm đau, tai nạn. Hiện nay, ở nước ta tỷ lệ chi trả chi phí y tế từ tiền túi của người sử dụng dịch vụ đã giảm từ 49% năm 2012 xuống còn khoảng 40% và đang phấn đấu đạt dưới 30% vào năm 2025. Đây là kết quả có được từ chính sách BHYT và là một trong những chỉ tiêu quan trọng đánh giá mục tiêu công bằng trong chăm sóc sức khỏe người dân.

Cả nước hiện vẫn còn 11% dân số, tương đương khoảng 10 triệu người chưa tham gia BHYT. Thời gian qua, công tác truyền thông chính sách, pháp luật BHYT đã được đẩy mạnh; hình thức và nội dung truyền thông cũng được đổi mới nhằm tiếp cận gần hơn tới người dân. Nhận thức của phần lớn người dân về chính sách BHYT đã được nâng lên; nhưng nhiều người vẫn chưa tham gia BHYT do nhiều nguyên nhân, trong đó, có nguyên nhân khó khăn về kinh tế. Điều này đang tạo ra “lỗ hổng” trong hệ thống an sinh xã hội ở nước ta, khiến nhiều người có nguy cơ rơi vào bẫy nghèo đói nếu chẳng may ốm đau, tai nạn.

Thống kê cho thấy, đến tháng 4-2019, đã có hơn 17 triệu HSSV tham gia BHYT, chiếm hơn 94%, vẫn còn khoảng 6% số người thuộc nhóm đối tượng này chưa tham gia BHYT, chiếm gần một triệu HSSV. Bên cạnh nhóm HSSV, hộ gia đình cận nghèo, còn nhóm lao động thuộc khu vực phi chính thức và một số nhóm doanh nghiệp mà chủ sử dụng lao động có sử dụng lao động nhưng không có quan hệ lao động và không tham gia đóng BHXH, BHYT. Hiện nay, có tới chín triệu lao động có quan hệ tiền lương nhưng không tham gia BHXH, đồng nghĩa với việc không tham gia BHYT.

Để hoàn thành mục tiêu bao phủ BHYT toàn dân, các giải pháp đồng bộ đã được cơ quan BHXH tổ chức triển khai. Trong đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền với nhiều hình thức, phù hợp từng nhóm đối tượng. BHXH các tỉnh, thành phố thường xuyên báo cáo, xin ý kiến của các cấp ủy, chính quyền địa phương để cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc. Phối hợp ngành y tế và các đơn vị liên quan xây dựng, hoàn thiện hơn nữa những quy định pháp luật, từ nghị định, thông tư và những quy định rất cụ thể về mặt chuyên môn để nâng cao chất lượng dịch vụ y tế từ y tế cơ sở đến y tế chuyên sâu. Đẩy mạnh hơn nữa cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình phục vụ. Hiện nay, toàn bộ người tham gia BHYT được quản lý trên hệ thống công nghệ thông tin, với cơ sở dữ liệu khá đầy đủ, chính xác (Nhân dân, trang 4).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang