Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 09/3/2020

  • |
T5g.org.vn - Phong tỏa khách sạn, khu dân cư liên quan đến hành khách trên chuyến bay VN0054; Hà Nội đề nghị công bố dịch; Cần khai báo y tế với mọi người Việt Nam; Hoãn đi nước ngoài để tập trung chống dịch Covid-19; Sẵn sàng ứng phó dịch các cấp độ

 

Phong tỏa khách sạn, khu dân cư liên quan đến hành khách trên chuyến bay VN0054

Nhiều địa phương phong tỏa khách sạn, khu dân cư liên quan đến bệnh nhân nhiễm Covid-19 thứ 17 trên chuyến bay VN0054. Chiều 8.3, thông tin tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Lào Cai cho biết, qua điều tra lịch trình di chuyển, cơ quan chức năng tỉnh Lào Cai đã xác định có 180 người có tiếp xúc với 2 vợ chồng người Anh nhiễm Covid- 19, trong đó 54 người tiếp xúc gần, 51 người tiếp xúc gián tiếp và 75 người tiếp xúc vòng 3.

Ông Đặng Xuân Phong, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai, yêu cầu cơ quan y tế cách ly toàn bộ 180 người đã tiếp xúc với vợ chồng du khách người Anh, tiếp tục theo dõi diễn biến sk.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng tỉnh Lào Cai khẩn trương triển khai các biện pháp, phương án phòng chống dịch sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống có thể xảy ra; tuyên truyền, khuyến cáo người dân không hoang mang, bình tĩnh và tích cực cung cấp thông tin để phòng chống dịch Covid-19.

Ông Vũ Mạnh Dương, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Ninh Bình, cho biết lực lượng chức năng và chính quyền địa phương đang phong tỏa 3 khách sạn trên địa bàn, bên trong có tổng cộng 209 người, để cách ly, theo dõi, do có người lưu trú từng đi cùng chuyến bay VN0054 với “cô gái Hà Nội nhiễm Covid-19”.

Các khách sạn bị phong tỏa đều nằm trong Khu DL Tam Cốc - Bích Động (xã Ninh Hải, H.Hoa Lư, Ninh Bình), gồm: khách sạn Banana Tree (có 82 người, gồm 2 du khách người Anh đi trên chuyến bay VN0054); khách sạn Hidden Charm (với 109 người, nơi 8 du khách người Anh đi chuyến bay VN0054; 8 người này đã di chuyển đến Cát Bà, Hải Phòng và đã được cách ly); khách sạn Tam Cốc Mr.Loa (với 18 người, trong đó có 2 du khách người Anh đi trên chuyến bay VN0054).

Theo Sở Y tế Ninh Bình, đến chiều 8.3, tất cả 209 người trong 3 khách sạn bị phong tỏa sức khỏe đều bình thường, chưa phát hiện trường hợp nào có triệu chứng khác thường, nghi nhiễm Covid-19. Ngoài ra, tại các khu cách ly tập trung của tỉnh Ninh Bình cũng đang cách ly hơn 920 người đi về từ vùng có dịch, hoặc tiếp xúc với người nghi nhiễm dịch.

Cùng ngày 8.3, UBND TP.Hạ Long (Quảng Ninh) quyết định phong tỏa 5 khu vực dân cư, khách sạn, nơi có người nhiễm Covid-19 lưu trú, gồm: khách sạn Wyndham (khu 1, P.Bãi Cháy); khách sạn Thái Sơn (khu đô thị Đông Hùng Thắng, P.Bãi Cháy); khách sạn Bạch Đằng (tổ 1, khu 1, P.Bãi Cháy), nơi cư trú của người nhiễm Covid-19; tổ 6, khu 2, P.Việt Hưng, nơi có tài xế taxi chở 2 khách cùng chuyến bay với bệnh nhân nhiễm Covid thứ 17 đang cư trú; thôn Vườn Cau, xã Sơn Dương, nơi ở của vợ con tài xế taxi kể trên.

Những người liên quan, tiếp xúc với 4 người nước ngoài trên (hiện xác định được 127 trường hợp là thuyền viên, phục vụ, lái xe...) đang được cơ quan y tế cách ly và hướng dẫn tự cách ly theo quy định. Ngoài ra, chính quyền TP.Hạ Long còn phong tỏa, tạm dừng cấp phép 18 tàu du lịch đang hoạt động trên vịnh Hạ Long. Đây là các tàu từng chở hành khách đi cùng chuyến bay VN0054.

Trong sáng 8.3, Hải Phòng đã khoanh vùng cách ly tại thôn Trại (xã Thủy Đường, H.Thủy Nguyên), đường Trần Văn Lan (P.Cát Bi, Q.Hải An) và khu Tân Lập (P.Tân Thành, quận Dương Kinh). Đây là những nơi có người đi trên chuyến bay VN0054. Khoảng 4.500 người được yêu cầu hạn chế đi lại. Đến tối 8.3, TP đang cách ly 428 người trong khu tập trung ở Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp cơ sở 2, 86 người ở Trường QS Núi Đèo, 6 người ở Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng, 193 người ở Trường ĐH Hải Phòng.

Tại Hải Dương, hiện có 262 trường hợp cách ly tại cơ sở y tế và 840 trường hợp cách ly tại nơi ở. Trong đó có 2 người đi trên chuyến bay VN0054 và 4 người từng đến nhà bệnh nhân nhiễm Covid-19 thứ 17. Tại Thái Bình, 16 người ở H.Quỳnh Phụ từng tiếp xúc với điều dưỡng ở Bệnh viện Hồng Ngọc (Hà Nội), nơi bệnh nhân nhiễm Covid-19 thứ 17 đến khám bệnh, đã được đưa đi cách ly.

Tại Đà Nẵng, trong cuộc họp khẩn chiều tối 8.3, lãnh đạo TP chỉ đạo các cơ quan chức năng tập trung rà soát toàn bộ các điểm lưu trú của 2 du khách Anh nhiễm Covid-19 trên địa bàn, triển khai các giải pháp phù hợp trong công tác phòng chống dịch bệnh. Sở Công thương làm việc với các trung tâm thương mại, siêu thị, cam kết và sẵn sàng cung ứng tăng 20 - 40% các chủng loại thực phẩm từ hệ thống chuỗi siêu thị của mình và hệ thống các nhà cung cấp toàn quốc; khuyến cáo người dân không nên tích trữ lương thực, thực phẩm quá nhiều vì nguồn cung cấp không thiếu.

Tại Thừa Thiên-Huế, cơ quan chức năng xác định cùng đi với nữ du khách người Anh nhiễm Covid-19 trên chuyến bay VN1547 Vietnam Airlines ngày 6.3 có 15 người tiếp xúc gần, 8 nhân viên liên quan tiếp xúc sau khi du khách đến Huế. Trong số 15 người trên cùng chuyến bay với nữ du khách, có 8 người được cách ly tại nơi lưu trú hoặc tại nhà, 2 người tới Huế làm việc sau đó quay lại Hà Nội ngày 7.3, 4 người đã thuê xe riêng ra Quảng Trị, 1 người không liên lạc được. Các hành khách đang lưu trú tại Thừa Thiên-Huế đến tối 8.3 chưa có các triệu chứng ho, sốt, khó thở...

Tối 8.3, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh Quảng Nam cho biết qua điều tra giám sát ghi nhận có 40 trường hợp đang ở Quảng Nam, trong đó có 32 người Anh, 1 Ba Lan đi cùng chuyến bay VN0054 (31 người đang ở Hội An, 2 người đang ở Điện Bàn) và 7 người đi cùng nhóm với 33 người trên.

Hiện tại, tất cả 40 trường hợp ở 13 khách sạn (12 khách sạn trên địa bàn Hội An, 1 khách sạn tại Điện Bàn) đã lấy mẫu và gửi xét nghiệm đang chờ kết quả... Cùng ngày, Bệnh viện đa khoa Hội An tiếp nhận 2 trường hợp đến từ Mỹ và 1 lễ tân khách sạn người Hội An có biểu hiện sốt, đau họng... và đã cách ly theo dõi, lấy mẫu bệnh phẩm gửi Trung tâm kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng xét nghiệm (Thanh niên, trang 2).

 

Hà Nội đề nghị công bố dịch

Chỉ trong 1 ngày, Việt Nam phát hiện thêm 10 ca dương tính với Covid-19, đều là khách đi cùng trên chuyến bay VN0054 với bệnh nhân số 17 N.H.N (Hà Nội). Với diễn biến vô cùng phức tạp này, Hà Nội đã chính thức đề nghị công bố dịch tại thủ đô.

10 ca mới dương tính: 9 người nước ngoài, 1 người Việt Nam

Ngày 8.3, Bộ Y tế phát đi thông tin nóng cho biết, tới tối cùng ngày, Việt Nam đã phát hiện thêm 10 ca nhiễm mới, gồm: 1 ca ở Hà Nội, 4 ca ở Quảng Ninh, 2 ca ở Lào Cai, 2 ca ở Đà Nẵng và 1 ca ở Huế. Tất cả các ca bệnh này đều là hành khách bay trên chuyến bay VN0054 từ London (Anh) tới Nội Bài sáng 2.3, cùng chuyến bay với bệnh nhân N.H.N, người đầu tiên được xác định nhiễm Covid-19 tại Hà Nội và là bệnh nhân thứ 17 tại Việt Nam; trong đó có 9 người nước ngoài, 1 người Việt Nam.

Như vậy, tới tối 8.3, tổng số ca bệnh Covid-19 tại Việt Nam là 30, trong đó 16 ca đã được điều trị khỏi hoàn toàn; 14 ca đang được điều trị cách ly, tình trạng sk ổn định. Ngay khi được thông báo về các hành khách trên chuyến bay VN0054, các địa phương cũng đã nhanh chóng vào cuộc, tìm kiếm và cách ly các vị khách liên quan.

Theo thông tin từ Vietnam Airlines, chuyến bay trên có tổng số 201 hành khách và 16 người trong phi hành đoàn. Phi hành đoàn đã được cách ly toàn bộ. Trong 201 khách thì 21 người ngồi khoang hạng C, có 4 người VN. Đã xác minh được nơi đến của 155/180 khách hạng phổ thông và 21/21 khách hạng thương gia. Trong toàn bộ hành khách, có 60 người đang lưu trú tại Hà Nội. Hà Nội cũng đã thông tin cho các tỉnh, TP về các đoàn khách nước ngoài trên chuyến bay này.

Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhận định, các khách có nguy cơ cao nhất là ở khoang hạng C, những người ngồi gần ghế 5K của bệnh nhân số 17 N.H.N và ghế 5A của bệnh nhân số 21 N.Q.T. Ngoài ra, cũng không loại trừ các khách người Anh có ủ bệnh. Có 136 khách người Anh và Bắc Ireland trên chuyến bay này.

Hà Nội đã giao Sở DL và Sở Ngoại vụ liên hệ với các đơn vị lữ hành xem các đoàn khách này vào làm thủ tục cửa nào, đi Lào Cai, Quảng Ninh bằng xe nào, để “có ca dương tính thì có danh sách những người tiếp xúc để làm rõ và cách ly nếu cần thiết”.

Nghi vấn nguồn lây nhiễm ngoài bệnh nhân thứ 17

Sáng cùng ngày, Bộ Y tế công bố bệnh nhân thứ 21 dương tính với Covid-19 là ông N.Q.T (61 tuổi, ở phố Trúc Bạch, Q.Ba Đình, Hà Nội). Ông T. là thành viên đoàn công tác Ấn Độ, Anh của Bộ KH-ĐT. Bộ Y tế cũng đã bác tin đồn ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT, có kết quả xét nghiệm dương tính Covid-19.

Đáng chú ý, với các ca dương tính Covid-19 mới phát sinh liên quan đến chuyến bay VN0054, mọi chú ý đang đổ dồn vào bệnh nhân số 17 N.H.N. Tuy nhiên, hiện cơ quan chức năng có nghi ngờ một nguồn lây nhiễm mới.

Theo Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung, bệnh nhân số 21 N.Q.T ngồi ghế 5A, cùng hàng ghế, cùng khoang hạng C trên cùng chuyến bay với N.H.N. Tuy nhiên, theo sơ đồ bố trí chỗ ngồi, 2 ghế này ở 2 bên máy bay, có lối đi riêng, cách nhau khoảng 6 m.

“Qua xác định hành trình đi lại của trường hợp này, thì bệnh nhân số 21 đã từ Việt Nam đi Ấn Độ, rồi từ Ấn Độ sang Anh, từ Anh bay chuyến VN0054 về Việt Nam. Trên máy bay từ Ấn Độ về Anh thì ông N.Q.T có ngồi cạnh 1 người quốc tịch Anh có biểu hiện sốt và ho liên tục”, ông Chung thông tin. Theo đó, cơ quan chức năng của Hà Nội nhận định, bệnh nhân này có 2 khả năng lây nhiễm, hoặc ngay trên chuyến bay VN0054, hoặc khả năng thứ 2, cao hơn, là bị lây trên chuyến bay từ Ấn Độ đến Anh.

Hà Nội muốn đẩy số xét nghiệm lên 2.000 mẫu mỗi ngày

Trao đổi với PV Thanh Niên chiều 8.3, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết, trước đó 1 ngày, Hà Nội đã có văn bản gửi Bộ Y tế đề nghị công bố dịch theo đúng quy định.

Theo khoản 1 điều 2 Quyết định 02/2016 của Thủ tướng, điều kiện công bố dịch đối với bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A là có ít nhất 1 người bệnh được chẩn đoán xác định. Covid-19 thuộc nhóm bệnh này.

Cho đến tối 8.3, Hà Nội đã có 4 ca dương tính, tất cả những người này đều đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư cơ sở 2 (H.Đông Anh, Hà Nội). Thống kê sơ bộ, đến thời điểm này, Hà Nội đã có trong tay danh sách trên 500 người tiếp xúc diện F1, F2 với các bệnh nhân, trong đó phức tạp nhất là bệnh nhân số 21 N.Q.T.

Tổng số hộ gia đình bị cách ly tại P.Trúc Bạch vẫn là 66 hộ với 189 người dân. Đã lấy 148 mẫu xét nghiệm, hiện Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội đang tiến hành xét nghiệm, chưa có kết quả.

Hiện tại, trên địa bàn Hà Nội có 3 cơ sở đủ năng lực xét nghiệm Covid-19, gồm: Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, CDC Hà Nội và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư 2. Theo ông Chung, năng lực xét nghiệm của Hà Nội hiện nay có thể lên tới 2.000 mẫu/ngày, nên ông đã yêu cầu cơ quan chức năng đẩy nhanh việc xét nghiệm, vừa để chính quyền dễ dàng hơn trong khu trú, xử lý việc lây nhiễm, vừa đỡ gánh nặng cho người dân, cộng đồng (Thanh niên, trang 2).

 

Cần khai báo y tế với mọi người Việt Nam

Ngày 8.3, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid 19 (gọi tắt là Ban chỉ đạo) đã họp dưới sự chủ trì của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban chỉ đạo. Sau khi nghe các ý kiến thảo luận, Phó thủ tướng cho rằng mặc dù chúng ta đã thực hiện khai báo y tế bắt buộc với mọi người nhập cảnh vào Việt Nam, tuy nhiên, như vậy cũng chưa đủ và trong cuộc chiến chống dịch bệnh, cần triển khai khai báo y tế với mọi người Việt Nam.

Đây không chỉ là trách nhiệm chống dịch theo quy định, mà còn là hành động cụ thể để mọi người Việt chung sức, đồng lòng, toàn dân chống dịch. Các thông tin khai báo phải được quản lý chặt chẽ, chỉ phục vụ chống dịch, không sử dụng vào mục đích khác. Phó thủ tướng đề nghị Bộ TT-TT, Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, các nhà mạng, các đơn vị CNTT khẩn trương hoàn thiện phương án tổ chức, các công cụ công nghệ để chậm nhất là từ sáng 10.3, thực hiện khai báo sức khỏe toàn dân trên toàn quốc.

Theo Phó thủ tướng, từ hơn 2 ngày nay, chúng ta đã chính thức bước vào giai đoạn 2 của cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19, khi ca bệnh thứ 17 xuất hiện. Giai đoạn 2 khó hơn giai đoạn đầu khi dịch đã lan ra hơn 100 nước. Chúng ta phải ngăn chặn dịch bệnh từ trăm ngả, thay vì một vài ngả như trước đây. Thực tế Covid-19 đã xâm nhập vào nước ta. Nếu chúng ta không làm tốt, sẽ gặp tình huống “trong đánh ra, ngoài đánh vào”.

Về nhập cảnh, Ban chỉ đạo đã thảo luận và thống nhất kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng tạm dừng miễn thị thực đơn phương với các nước thuộc Liên minh Châu Âu (EU) và Anh. Với những nước ngoài EU có trên 500 ca nhiễm hoặc có trên 50 ca nhiễm tăng trong một ngày, cũng đề nghị tạm dừng; đồng thời, từ chối cấp thị thực cho người nước ngoài vào Việt Nam nếu có các triệu chứng, yếu tố dịch tễ theo quy định (Thanh niên, trang 3).

 

Hoãn đi nước ngoài để tập trung chống dịch Covid-19

Ngày 8.3, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tạm hoãn đi công tác nước ngoài.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng, thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chủ tịch UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư rà soát tất cả chương trình, kế hoạch đi công tác nước ngoài, cân nhắc và tạm hoãn các chuyến đi công tác nước ngoài, không cử cán bộ đi nước ngoài trong thời điểm hiện nay (nhất là những nước và vùng lãnh thổ có dịch), để tập trung chỉ đạo, điều hành tốt công tác phòng chống dịch bệnh và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ sản xuất KD, bảo đảm an sinh xã hội (Thanh niên, trang 3). 

 

Sẵn sàng ứng phó dịch các cấp độ

Bộ Y tế đã ban hành kế hoạch đáp ứng cấp độ dịch, bao gồm tình huống khẩn cấp với hàng ngàn ca mắc. Với thực tế hiện nay, hệ thống y tế phải triển khai các biện pháp khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch mới. Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho hay, Bộ Y tế đã xây dựng kịch bản chi tiết với 4 cấp độ diễn biến dịch và cả tình huống cao hơn. Theo đó, các cấp độ 1, 2, 3, 4 tương ứng với các tình huống: có trường hợp bệnh xâm nhập; dịch bệnh có lây nhiễm thứ phát trong nước; dịch bệnh lây lan trên 20 trường hợp mắc trong nước; dịch bệnh lây lan rộng trong cộng đồng và đã tính đến tình huống cao hơn cấp độ 4. Theo kế hoạch này, hiện hệ thống y tế đang phải triển khai các biện pháp khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch mới. Thực hiện việc giám sát trường hợp bệnh, điều tra và theo dõi chặt chẽ các trường hợp tiếp xúc. Với kế hoạch đã thiết lập, thời điểm như hiện nay cần chủ động cho việc tăng cường giám sát các chùm ca bệnh có yếu tố dịch tễ liên quan tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và cộng đồng.

Theo PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), với tình huống như hiện nay, công tác điều trị hiện tại vẫn cần thực hiện quyết liệt việc phân tuyến, điều trị bệnh nhân (BN) ngay tại địa phương. Thực hiện tiếp nhận, thu dung điều trị, quản lý ca bệnh và theo dõi cách ly triệt để tại địa phương. Ngoài ra, địa phương sẵn sàng thiết lập các BV dã chiến dân y cũng như thiết lập cơ sở cách ly điều trị tại chỗ áp dụng đối với trường học, nhà máy, xí nghiệp, đơn vị quân đội... nếu có các trường hợp nhiễm bệnh.

Chủ động nguồn nhân lực giỏi

Ông Khuê nhìn nhận: ‘‘Chúng ta không hoang mang nhưng không chủ quan. Vì khi dịch lan rộng với nhiều ca mắc sẽ có thể xuất hiện các BN diễn biến phức tạp: phụ nữ mang thai, BN có bệnh mãn tính (ung thư, đái tháo đường suy giảm miễn dịch), diễn biến nặng cần có sự tham gia điều trị của bác sĩ giỏi”.

Với sự tham gia của các chuyên gia giỏi về truyền nhiễm và các chuyên khoa: sản, nhi, hô hấp, hồi sức tích cực tại tuyến T.Ư, thông qua bệnh án điện tử bao gồm các dữ liệu cận lâm sàng (xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh...) sẽ hội chẩn trực tuyến, trực tiếp hỗ trợ tuyến dưới chẩn đoán điều trị các ca bệnh Covid-19 đến tận y tế tuyến huyện tại 63 tỉnh, TP. Nhờ đó đủ nhân lực giỏi nếu dịch bệnh lan rộng, nhiều ca bệnh nặng, đồng thời cũng kiểm soát nguy cơ nhiễm chéo do các bác sĩ không nhất thiết phải đến từng bệnh viện, trực tiếp tiếp cận BN.

Sẵn sàng cho tình huống khẩn cấp

Theo Bộ Y tế, không chỉ sẵn sàng cho tình huống dịch ở cấp độ 4, tình huống khẩn cấp có thể cần ban bố với từng địa bàn cũng đã được tính đến. Khi đó, sẽ đề xuất cấp thẩm quyền đóng cửa trường học, rạp chiếu phim; hạn chế tất cả các hoạt động tập trung đông người, gồm các hoạt động của cơ quan nhà nước. Cấm đưa ra khỏi vùng có dịch bệnh những hàng hóa, vật phẩm, động vật, thực vật, thực phẩm, đồ uống có khả năng truyền dịch bệnh. Cấm đưa người bị nhiễm bệnh ra khỏi vùng có dịch bệnh khi chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt... Lập trạm gác, trạm kiểm dịch liên ngành, bố trí các đội công tác chống dịch khẩn cấp tại các đầu mối giao thông ra, vào vùng dịch bệnh để kiểm tra, giám sát và xử lý y tế đối với người, phương tiện.

Theo kế hoạch ứng phó, tại địa bàn ban bố khẩn cấp có thể áp dụng các biện pháp để dành và ưu tiên chuyên chở thuốc phòng bệnh, thuốc chữa bệnh, hóa chất xử lý dịch bệnh, lương thực, thực phẩm, hàng hóa cần thiết đến những vùng có dịch bệnh như: xuất kho dự trữ quốc gia hoặc huy động từ các nguồn khác thuốc men, hàng hóa để chữa trị và cứu trợ nhân dân ở vùng có dịch bệnh. Áp dụng các loại ưu tiên về giao thông, với phương tiện làm nhiệm vụ vận chuyển thuốc men, hàng hóa đến vùng có dịch bệnh (Thanh niên, trang 5).

 

Hà Nội đang kiểm soát tốt dịch covid- 19

Trước diễn biến mới của tình hình dịch Covid-19, sáng 8-3, đồng chí Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona (Covid-19) thành phố Hà Nội chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo. Tham dự có Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý và lãnh đạo các đơn vị, sở, ngành, quận, huyện, thị xã. 

Đây là cuộc họp đột xuất thứ 3 liên tiếp kể từ khi Hà Nội xác định có trường hợp dương tính với vi rút SARS-CoV-2 vào tối 6-3. 

Theo Sở Y tế Hà Nội, tính đến 7h ngày 8-3, thế giới ghi nhận 105.821 trường hợp nhiễm Covid-19, trong đó có 3.570 trường hợp tử vong. Bệnh đã xâm nhập sang 92 quốc gia và vùng lãnh thổ. Một số nước trên thế giới đang có xu hướng dịch gia tăng như Hàn Quốc, Iran, Italia, Đức, Pháp, Tây Ban Nha.

Tại Việt Nam, đến sáng 8-3, cả nước ghi nhận 21 trường hợp dương tính với Covid-19, trong đó có 16 trường hợp đã điều trị khỏi bệnh và ra viện. Riêng tại Hà Nội, thời điểm này ghi nhận 4 trường hợp dương tính với Covid-19. Số trường hợp giám sát tại bệnh viện và cộng đồng là 5.997 trường hợp.

Theo Sở Y tế Hà Nội, các cơ quan chức năng tiếp đang thực hiện các biện pháp quyết liệt để kiểm soát dịch Covid-19, như: Tiếp tục giám sát chặt chẽ hành khách đến từ vùng dịch nhập cảnh qua sân bay quốc tế Nội Bài; lập sơ đồ khoanh vùng khu vực có bệnh nhân dương tính với vi rút SARS-CoV-2, bố trí lực lượng chức năng giám sát, theo dõi, cách ly đúng hướng dẫn; tiếp tục tuyên truyền, công khai thông tin với công dân để chủ động phòng, chống dịch.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cử 3 đội đáp ứng nhanh phối hợp với đội đáp ứng nhanh của trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan tiến hành điều tra dịch tễ, lập danh sách những người tiếp xúc gần với những bệnh nhân dương tính và những người tiếp xúc với người tiếp xúc gần. Các cơ quan chức năng thường xuyên tiếp nhận thông tin dịch bệnh 24/24 giờ qua "đường dây nóng". 

Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, đến sáng 8-3, sinh hoạt tại siêu thị và chợ dân sinh đã trở về bình thường, không còn hiện tượng tăng giá do người dân đi mua đông.

Theo bà Trần Thị Phương Lan, ngay từ đầu tháng 2-2020, ngành Công Thương đã chủ động bình ổn giá các mặt hàng trên thị trường. Ngay khi có dịch Covid-19 xuất hiện, ngành đã chỉ đạo các đơn vị cung ứng dự trữ lượng hàng hóa, bảo đảm nguồn cung. Hiện tại, nguồn hàng bảo đảm và trong chương trình bình ổn giá của ngành Công Thương đã triển khai từ trước Tết Nguyên đán 2020. 

Sở Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị phân phối, chủ động nguồn cung với các mặt hàng có nhu cầu sử dụng tăng cao khi có dịch xảy ra theo đúng 4 cấp độ của dịch như thành phố đề ra, chủ động nguồn cung tăng từ 30-50% so với nhu cầu... Nhân viên siêu thị được tăng ca như những ngày Tết để đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân. Các siêu thị cũng bảo đảm không tăng giá hàng hóa. 

Ngay trong sáng nay, 8-3, Sở Công Thương Hà Nội, lực lượng quản lý thị trường đã đồng loạt ra quân kiểm tra tất cả chợ trên địa bàn thành phố. Theo báo cáo của các đoàn kiểm tra, giá các mặt hàng như: Gạo, thịt lợn, rau... đã trở về như bình thường, không còn tình trạng biến động giá. 

Về mặt hàng khẩu trang, hiện Sở Công Thương đã rà soát các doanh nghiệp sản xuất khẩu trang, nước sát khuẩn bảo đảm nguồn cung cho thị trường.

Tại cuộc họp, Sở Tài chính và các quận, huyện: Đống Đa, Bắc Từ Liêm, Hoài Đức, Gia lâm, Ba Đình... cũng khẳng định bảo đảm cung ứng các mặt hàng nhu yếu phẩm cho người dân. Mọi sinh hoạt đã trở lại bình thường. Các địa phương tiếp tục tổ chức rà soát, khoanh vùng các trường hợp tiếp xúc gần, tiếp xúc của tiếp xúc với bệnh nhân nhiễm vi rút SARS-CoV-2 và thực hiện cách ly theo quy định. Những người trong diện khoanh vùng giám sát, cách ly đều nghiêm túc tự giác thực hiện cách ly theo giám sát của cơ quan chức năng.

Riêng tại quận Ba Đình, tổ chức giám sát chặt chẽ tại phố Trúc Bạch; cung cấp thường xuyên lương thực, thực phẩm tươi để bảo đảm sinh hoạt cho người dân tại đây; yêu cầu đội vệ sinh môi trường thường xuyên vệ sinh khu phố. Hiện nay, người dân tại khu phố này hoàn toàn yên tâm, tự giác thực hiện cách ly.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý cho rằng, Hà Nội đã triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch. Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý, thời gian tới, diễn biến dịch sẽ phức tạp. Do đó, biện pháp quan trọng hàng đầu hiện nay là điều tra dịch tễ, Sở Y tế Hà Nội tiếp tục phối hợp với các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn nắm chắc các trường hợp F1, F2, F3 và không được bỏ lọt đối tượng, đây là yếu tố quyết định để tránh nguy cơ dịch lây lan.

Ngoài Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2, Bệnh viện Công an, Sở Y tế Hà Nội còn huy động sự vào cuộc của 6 bệnh viện trực thuộc chịu trách nhiệm tiếp nhận những ca nghi ngờ, phải cách ly và tiến hành phân luồng cụ thể.  

Về công tác tuyên truyền, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý cho rằng, các địa phương cần nâng cao mức tuyên truyền, cảnh báo cho người dân. Hiện, mức độ dịch của thành phố đang ở cấp độ 2, nhưng công tác chuẩn bị của thành phố đã nâng lên mức độ 3. Nếu tình hình dịch xảy ra như dự báo, Hà Nội sẵn sàng đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung nhận định, tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, khó lường. Tại Hà Nội đang trong giai đoạn nguy cơ lây nhiễm cao, hiện đã có 4 ca dương tính với vi rút SARS-CoV-2.

Từ 18h ngày 6-3, kể từ khi xác định được ca dương tính với vi rút SARS-CoV-2 đến nay, Hà Nội đã lập tức tổ chức khoanh vùng, rà soát, giám sát, cách ly những trường hợp tiếp xúc gần, tiếp xúc của tiếp xúc những người bị bệnh. Hà Nội chưa có ca nhiễm nào không xác định rõ nguồn lây nhiễm. Đó là cơ sở để Hà Nội hoàn toàn tự tin đang kiểm soát tốt dịch Covid-19 (Hà Nội mới, trang 7). 

Tags:

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang