Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19
Chiều 8-4, Thông báo báo chí của Văn phòng Quốc hội cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày hôm nay tiến hành phiên họp bất thường dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân để xem xét, cho ý kiến về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, việc đưa ra các chính sách, biện pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn được báo cáo tại phiên họp hôm nay đã thể hiện rõ tinh thần “không ai bị bỏ ở lại phía sau” của Đảng, Nhà nước ta.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, trong điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn, việc xây dựng và ban hành các chính sách hỗ trợ trực tiếp, kịp thời cho thấy nỗ lực cao của Đảng, Nhà nước trong việc chăm lo đời sống của nhân dân, đem lại sự yên tâm cho người dân, góp phần giải quyết một số khó khăn, vất vả trong bối cảnh dịch bệnh, tăng thêm sự tin tưởng của người dân đối với Đảng, Nhà nước để cùng đồng lòng, kiên trì, quyết tâm chiến thắng dịch bệnh cũng như tiếp tục tham gia vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thay mặt Chính phủ trình bày báo cáo về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra.
Báo cáo nêu rõ, theo dự báo, sẽ có từ 2 đến 3,5 triệu lao động ngừng việc, mất việc làm do tác động của Covid-19. Đại dịch cũng ảnh hưởng lớn tới các đối tượng yếu thế khác như đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, hộ cận nghèo...
Do vậy, thực hiện chủ trương vừa quyết liệt phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh; vừa duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, giữ vững ổn định xã hội, Chính phủ đề xuất các giải pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 với quy mô dự kiến khoảng 62.000 tỷ đồng (bao gồm trực tiếp từ ngân sách nhà nước, gián tiếp từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp và nguồn tín dụng từ ngân hàng chính sách xã hội) hỗ trợ cho khoảng 20 triệu đối tượng thuộc 6 nhóm khác nhau trong khoảng thời gian tối đa là 3 tháng.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Báo cáo của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội và các ý kiến phát biểu tại phiên họp thể hiện sự nhất trí cao với sự cần thiết của việc thực hiện các giải pháp hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo đề nghị của Chính phủ. Đồng thời, đánh giá cao trách nhiệm của Chính phủ trong việc quyết liệt triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống đại dịch Covid-19, kịp thời đề xuất các giải pháp nhằm hỗ trợ thúc đẩy duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ trực tiếp cho người lao động, người dân, doanh nghiệp và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Đây là các chính sách được người dân và các doanh nghiệp hiện nay rất quan tâm.
Bên cạnh đó, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng phân tích, làm rõ một số vấn đề liên quan thẩm quyền quyết định các giải pháp do Chính phủ đề xuất, qua đó đề nghị Chính phủ làm rõ từng nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ, chính quyền địa phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội hay của Quốc hội để thực hiện theo những trình tự, thủ tục phù hợp.
Đối với những nội dung thuộc thẩm quyền của Quốc hội thì cần báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 9. Trong trường hợp cần thiết, Chính phủ giao các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung luật, trình Quốc hội theo thủ tục rút gọn. Đối với các biện pháp thuộc thẩm quyền, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành đẩy mạnh triển khai, gấp rút đơn giản hóa các thủ tục hành chính để người lao động, người sử dụng lao động hiểu rõ và thuận tiện trong việc tiếp cận, bảo đảm được hưởng đầy đủ quyền lợi đối với các chính sách này. Chỉ đạo hướng dẫn tổ chức thực hiện một cách công khai, minh bạch; kiểm tra, kiểm toán, giám sát chặt chẽ để hạn chế tối đa các sai sót, sơ suất.
Về đối tượng thụ hưởng, ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh việc bảo đảm nguyên tắc hỗ trợ đúng đối tượng bị giảm sâu thu nhập, mất, thiếu việc làm, không bảo đảm mức sống tối thiểu do tác động trực tiếp bởi dịch Covid-19.
Một số thành viên cho rằng, phạm vi đối tượng hỗ trợ theo Báo cáo của Chính phủ còn chưa rõ ràng, khó xác định, đề nghị cần rà soát, quy định cụ thể, chặt chẽ để bảo đảm nguyên tắc công bằng, bình đẳng trong hỗ trợ, không gây cách hiểu khác nhau, lúng túng trong triển khai thực hiện. Chẳng hạn như, cần làm rõ các tiêu chí để xác định cụ thể mức độ giảm sâu thu nhập do dịch bệnh; xác định đối tượng lao động tự do; hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ kinh doanh cá thể được hỗ trợ để bảo đảm công bằng, không bỏ sót nhưng cũng không để chính sách bị lợi dụng.
Bên cạnh đó, cần thống nhất nguyên tắc hỗ trợ trực tiếp cho cá nhân hay hộ gia đình để bảo đảm sự công bằng do có sự khác nhau về số nhân khẩu trong mỗi hộ. Việc xác định đối tượng được hỗ trợ cần đặt trong tổng thể các chính sách an sinh xã hội, quan tâm đồng đều đến người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn đang phải đối mặt với thiên tai như hạn mặn ở đồng bằng Sông Cửu Long, mưa đá ở vùng miền núi phía bắc...
Về mức hỗ trợ, ý kiến của Ủy ban về Các vấn đề xã hội và một số thành viên băn khoăn về việc chia 2 mức là 1,8 triệu đồng và 1 triệu đồng đối với nhóm đối tượng là người lao động do mức chênh lệch giữa hai nhóm là khá lớn và việc phân biệt đối tượng chủ yếu dựa vào tiêu chí có quan hệ lao động và không có quan hệ lao động mà chưa căn cứ vào nguyên tắc giảm sâu thu nhập, mất việc làm và bảo đảm mức sống tối thiểu…
Về quy mô và nguồn lực hỗ trợ, nhiều ý kiến tại phiên họp đề nghị cân nhắc việc sử dụng 3.000 tỷ đồng từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để đào tạo lại người lao động do hiện nay là thời điểm thực hiện giãn cách xã hội, việc thực hiện các hoạt động đào tạo là chưa phù hợp.
Các ý kiến tại phiên họp cũng đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ hơn tác động của chính sách đến đời sống dân cư và khả năng cân đối nguồn lực ngân sách nhà nước để bảo đảm an toàn cân đối vĩ mô nhất là trong bối cảnh thu ngân sách nhà nước đứng trước rất nhiều khó khăn do giá dầu thô giảm mạnh; hoạt động xuất, nhập khẩu giảm; tình hình sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn…
Bên cạnh đó, khi huy động, sử dụng các quỹ trong lĩnh vực an sinh xã hội phải bảo đảm nguyên tắc tính tới dài hạn, ổn định vĩ mô và tính chủ động do các quỹ này chính là một trong những điểm tựa vững chắc cho cả quốc gia trong trường hợp đại dịch có thể kéo dài.
Về nguồn lực ở các địa phương, các ý kiến tại phiên họp cơ bản đồng ý với đề xuất của Chính phủ. Đồng thời, đề nghị Chính phủ có hướng dẫn các địa phương thực hiện rõ ràng để tránh chồng chéo, chính sách “chồng” chính sách, do hiện nay đã có những địa phương chủ động thực hiện các giải pháp hỗ trợ của mình. Ngoài ra, cần đánh giá khả năng đáp ứng nguồn lực của các địa phương, đặc biệt là các tỉnh miền núi, Tây Nguyên, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đang ảnh hưởng nặng nề của xâm nhập mặn, mưa đá, gió lốc…
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị sau khi các chính sách được ban hành, các ngành, các cấp cần chủ động, tổ chức thực hiện ngay, bảo đảm sự hỗ trợ kịp thời đến với người dân, hạn chế đến mức thấp nhất “độ trễ” của chính sách khi đi vào cuộc sống. Đồng thời, cần tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát để không xảy ra hiện tượng tiêu cực.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Phùng Quốc Hiển khẳng định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với việc cần ban hành một số chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Thống nhất các nguyên tắc hỗ trợ như báo cáo của Chính phủ đã xác định, trong đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh nguyên tắc tập trung hỗ trợ cho các đối tượng bị giảm sâu thu nhập, mất hoặc thiếu việc làm, không bảo đảm mức sống tối thiểu do tác động trực tiếp của đại dịch Covid-19; bảo đảm công bằng, đúng đối tượng và hợp lý; công khai, minh bạch, chia sẻ trách nhiệm giữa Nhà nước, doanh nghiệp, cộng đồng xã hội và người dân.
Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ cần rà soát, đánh giá kỹ các tác động của các chính sách được đề xuất, nhất là những tác động liên quan đến thu, chi ngân sách, bảo đảm cân đối các nguồn lực theo thứ tự phù hợp, bảo đảm đúng thẩm quyền, đúng quy trình, thủ tục. Việc xác định đối tượng và mức hỗ trợ cần được quy định cụ thể, làm rõ các tiêu chí, tránh bị lợi dụng hoặc trục lợi chính sách.
Một số vấn đề liên quan việc xác định và hỗ trợ hộ cận nghèo hay lao động tự do nên tính đến việc giao cho các địa phương trên cơ sở nguồn lực của mình và thực tế để tự cân đối. Việc thực hiện chính sách tín dụng cần cân nhắc việc cho vay mà không có tài sản bảo đảm, tránh việc dẫn đến những rủi ro. Thống nhất thời gian hỗ trợ được thực hiện không quá 3 tháng, nếu trong trường hợp phải kéo dài thì cần báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Trên cơ sở kết quả của phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Ủy ban Tài chính, Ngân sách và Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội phối hợp với các bộ, ngành của Chính phủ để tiếp thu các ý kiến phát biểu tại phiên họp hôm nay, hoàn chỉnh nghị quyết để ban hành, bảo đảm chặt chẽ, cụ thể, khả thi, đúng pháp luật.
Đồng thời, Chính phủ cần chuẩn bị những nội dung cần báo cáo về việc thực hiện các giải pháp phòng, chống đại dịch Covid-19 trong thời gian vừa qua, báo cáo, xin ý kiến của Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 sắp tới.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội mong rằng, các chính sách này ra đời sẽ tiếp nối, lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa tinh thần “tương thân tương ái” trong cộng đồng xã hội. Từ đó sẽ tiếp tục khơi dậy nghĩa cử cao đẹp, lòng nhân ái trong xã hội đối với hoạt động thiện nguyện để sẻ chia, giúp đỡ những đồng bào còn khó khăn trong suốt thời gian chống dịch cũng như sau khi dịch bệnh kết thúc, phát huy truyền thống quý báu “lá lành đùm lá rách”, “lá rách ít đùm lá rách nhiều” từ ngàn đời nay của dân tộc Việt Nam… - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp. (Nhân dân, trang 1),
Cùng chủ đề Báo Sài Gòn giải phóng, trang 1: “Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Chủ động nguồn lực, bảo đảm an toàn cân đối vĩ mô”; Sức khỏe & Đời sống, trang 2: “Ủy ban Thường vu Quốc hội: Họp bất thường, xem xét hỗ trợ người dân do đại dịch”; Tiền phong, trang 1: “Gói hỗ trợ người dân: Không thể chậm trễ”; Thanh niên, trang 4: “Thường vụ Quốc hội đồng ý các gói hỗ trợ người dân”; Hà Nội mới, trang 1: “Thống nhất ban hành một số chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19”; Lao động, trang 1: “Ủy ban Thường vu Quốc hội họp bất thường: Thông qua gói 62.000 tỉ đồng hỗ trợ người dân, doanh nghiệp”; Công an Nhân dân, trang 1: ““Thường vụ Quốc hội đồng ý gói 60.000 tỉ đồng hỗ trợ khó khăn do dịch Covid-19”; An ninh Thủ đô, trang 2: “Quyết định 6 nhóm đối tượng được hưởng tiền hỗ trợ do Covid-19”.
Sát cánh chiến thắng đại dịch Covid-19
LTS - Trong bối cảnh các nước trên thế giới quyết tâm huy động mọi nỗ lực hành động chống dịch Covid-19, Thủ tướng NGUYỄN XUÂN PHÚC đã gửi thông điệp tới Hội nghị trực tuyến các Bộ trưởng Y tế khu vực Tây Thái Bình Dương, kêu gọi tăng cường sự phối hợp và đoàn kết quốc tế chống đại dịch. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc nội dung thông điệp.
Thưa Quý vị,
Đại dịch Covid-19 đang lan rộng và gây tổn thất lớn cho nhân loại, kể từ Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Tôi đánh giá cao trách nhiệm, vai trò của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và hoan nghênh Hội nghị trực tuyến hôm nay với chủ đề “Đoàn kết chống Covid-19”.
Bài học kinh nghiệm của chúng tôi là sớm nhận thức được tính chất nguy hiểm của dịch Covid-19, đã chủ động ngay từ đầu, từ khi xuất hiện tin về dịch trên truyền thông quốc tế. Với quyết tâm chính trị cao, coi “chống dịch như chống giặc”, Chính phủ Việt Nam đã kiên quyết thực hiện đồng bộ, linh hoạt nhiều biện pháp, trong đó có cách ly tập trung người Việt Nam về nước, người nước ngoài vào Việt Nam và các đối tượng tiếp xúc với các ca dương tính đã được phát hiện; nhất là khoanh vùng, tập trung dập dịch tại các ổ dịch.
Đồng thời, Việt Nam thực hiện “nhiệm vụ kép”, vừa ưu tiên kiểm soát, ngăn chặn Covid-19, vừa tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế - xã hội, không bị đổ gãy. Chính phủ đã xác định, có thể phải chấp nhận thiệt hại về kinh tế để bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người dân, vừa qua đã kịp thời có các gói hỗ trợ kinh tế, tài chính đến những nhóm yếu thế trong xã hội, nhất là người nghèo, người lao động gặp khó khăn, không để ai bị bỏ lại phía sau. Các chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị Việt Nam đã được người dân tin tưởng, ủng hộ, chung tay hành động. Đến nay, Việt Nam đang kiểm soát được tình hình, chưa có ca tử vong nào, chữa khỏi gần 50% ca bị nhiễm…
Việt Nam chia sẻ ý kiến chung về tầm quan trọng của hợp tác quốc tế. Khi đại dịch Covid-19 đang tràn qua mọi đường biên giới lãnh thổ, đòi hỏi các quốc gia, dân tộc phải có “đại nỗ lực” và “đại đoàn kết”. Chúng tôi tin tưởng và đề nghị WHO - tổ chức chuyên môn y tế của Liên hợp quốc, tiếp tục đi đầu huy động, phối hợp nguồn lực của các quốc gia, ưu tiên cho vắc-xin, thuốc đặc trị, vật tư, thiết bị y tế... Trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã ra Tuyên bố Chủ tịch về hợp tác phòng, chống dịch Covid-19 và đang cùng các nước thành viên hành động mạnh mẽ.
Mặc dù còn khó khăn và nguồn lực hạn chế, song hưởng ứng Nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc về đại dịch Covid-19 (ngày 2-4-2020), trong khả năng của mình, Việt Nam đã chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ vật tư, thiết bị y tế… cho nhiều nước. Nhân dịp này, chúng tôi cảm ơn sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, nhân dân các nước đối với cuộc chiến chống dịch Covid-19.
Tôi tin chắc rằng, sát cánh bên nhau chúng ta sẽ chiến thắng đại dịch Covid-19, bảo vệ an toàn sức khỏe cho người dân, cùng nhau hợp tác phát triển thịnh vượng hướng tới Các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) 2030 của Liên hợp quốc. (Nhân dân, trang 1).
Kiên định triển khai năm nguyên tắc trong phòng, chống dịch Covid-19
Ngày 8-4, đồng chí Trần Thanh Mẫn, Bí thư T.Ư Đảng, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam đã tiếp nhận ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19 từ Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT), Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN).
Tiếp nhận từ Bộ GD và ĐT số tiền ủng hộ 300 triệu đồng, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam ghi nhận và đánh giá cao những giải pháp kịp thời của Bộ GD và ĐT trước diễn biến phức tạp của dịch. Đồng chí cho biết, nhiều học sinh tìm đến MTTQ Việt Nam để tận tay trao số tiền nhiều năm các em tiết kiệm được. Đó là hành động nhỏ nhưng ý nghĩa lớn, sẽ góp phần quan trọng giúp đất nước có thêm niềm tin, thêm nguồn lực để đẩy lùi dịch bệnh... Đồng chí cảm ơn tấm lòng của cán bộ, phóng viên, biên tập viên, người lao động TTXVN đã ủng hộ 100 triệu đồng. Đồng chí chia sẻ, cán bộ, phóng viên, biên tập viên TTXVN là những người đã và đang cùng các cơ quan báo chí trên cả nước vào cuộc quyết liệt để cập nhật sớm nhất diễn biến tình hình dịch bệnh ở trong nước và ngoài nước. Thời gian tới, TTXVN cần phát huy ưu thế, tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch và hoạt động ủng hộ của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong nước và ngoài nước.
Cùng ngày, đồng chí Trần Thanh Mẫn và các đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam tiếp nhận ủng hộ từ: Ban Tổ chức T.Ư số tiền 100 triệu đồng; Liên minh Hợp tác xã Việt Nam số tiền 50 triệu đồng và nhiều đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp…
* Sáng 8-4, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo (BCĐ). Thay mặt BCĐ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam gửi lời cảm ơn Bộ Công an và nhiều bộ, ngành, địa phương, tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội… đã hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhân Ngày toàn dân hiến máu tình nguyện (7-4), tích cực triển khai hiến máu tình nguyện, khắc phục tình trạng thiếu máu phục vụ cấp cứu, điều trị khi dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp.
Tại cuộc họp, BCĐ cho rằng mặc dù đã thực hiện các giải pháp sớm, mạnh, dứt khoát để ngăn chặn dịch xâm nhập nhưng vẫn phải chấp nhận thực tế dịch bệnh đã xâm nhập vào cộng đồng. Đến nay, ngoài các ổ dịch như quán bar Buddha (TP Hồ Chí Minh), Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội)… đã ghi nhận những ca bệnh khác trong cộng đồng. Vì vậy, BCĐ quốc gia đề nghị các địa phương kiên định triển khai năm nguyên tắc trong phòng, chống dịch Covid-19 đã đề ra ngay từ đầu là: Ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch. Đáng chú ý, tất cả các ca nhiễm mới đều phải coi là ổ dịch tiềm năng, cùng với việc xác định nguồn lây phải thực hiện ngay việc cách ly, khoanh vùng, dập dịch. Tỷ lệ người được chữa khỏi tại nước ta đã vượt hơn 50% tổng ca nhiễm. Tuy nhiên, Tiểu ban Điều trị vẫn từng bước hoàn thiện phác đồ điều trị, tìm những biện pháp hiệu quả nhất, không để người bệnh nhẹ chuyển sang nặng và hạn chế thấp nhất số người chết. Mặc dù số ca mắc mới có giảm nhưng vẫn phải quyết liệt, không được chủ quan, mất cảnh giác. Đáng chú ý, PGS, TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng, qua một số ca bệnh (243, 247, 251) chưa xác định được nguồn lây thì không nên “quy ngay” về nguồn lây nhiễm liên quan đến các ổ dịch cũ. Cần đặt trường hợp người bệnh lây nhiễm từ cộng đồng để triển khai ngay biện pháp ứng phó phù hợp.
* Chiều cùng ngày, Bộ Y tế có cuộc họp trực tuyến với bốn viện đầu ngành: Vệ sinh dịch tễ T.Ư, Pa-xtơ TP Hồ Chí Minh, Pa-xtơ Nha Trang, Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên về công tác xét nghiệm dịch Covid-19. Báo cáo của các đơn vị cho thấy, ngay từ đầu các đơn vị đã sử dụng nhiều loại mẫu sinh phẩm xét nghiệm vi-rút SARS-CoV-2. Các loại nhập khẩu từ Đức hay Tổ chức Y tế thế giới viện trợ được đánh giá tin cậy nhất nhưng giá thành cao, phụ thuộc vào nguồn nhập từ bên ngoài. Đáng mừng, từ chương trình nghiên cứu của Học viện Quân y đã triển khai sản xuất thành công bộ Test kit phục vụ công tác xét nghiệm, chẩn đoán vi-rút SARS-CoV-2, độ đặc hiệu đạt hơn 90%, do vậy tới đây sẽ là sản phẩm chủ lực. Ngoài ra, một bộ sản phẩm tương tự đã được các đơn vị khác trong nước nghiên cứu sản xuất, đang được hội đồng khoa học (Bộ Y tế) đánh giá và sơ bộ đạt yêu cầu.
* Chiều 8-4, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP Hà Nội, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu các đơn vị chức năng đến hết ngày 12-4 tổ chức xét nghiệm PCR xong 9.000 trường hợp F1; nhất là các trường hợp tiếp xúc với các ca bệnh dương tính ở các khoa, phòng tại Bệnh viện Bạch Mai. Các địa phương, lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm đối với chủ các cửa hàng bán hàng không thiết yếu, người không đeo khẩu trang khi ra đường. Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đề nghị tất cả cán bộ công chức, viên chức của TP Hà Nội ủng hộ một ngày lương và chuyển về Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội để góp phần hỗ trợ các gia đình gặp khó khăn, chung tay phòng, chống dịch.
* Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Hà Nam cho biết, đã chỉ đạo tiến hành phong tỏa thôn Ngô Khê 3 xã Bình Nghĩa, huyện Bình Lục nơi cư trú của người bệnh nhiễm Covid-19 thứ 251. Người bệnh này có nguy cơ lây nhiễm cao do trước đó không thuộc diện cách ly y tế, chưa xác định được nguồn nhiễm bệnh. Tỉnh Hà Nam khẩn trương triển khai công tác giám sát dịch tễ, rà soát, cách ly những người liên quan; triển khai quyết liệt biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.
* Ngày 8-4, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, có thêm bốn người bệnh được công bố khỏi bệnh Covid-19. Trong đó, ba trường hợp ở Bệnh viện điều trị Covid-19 Cần Giờ (người bệnh thứ 125, 126, 152) và một trường hợp tại Bệnh viện dã chiến Củ Chi (người bệnh thứ 153). Người bệnh sau khi xuất viện sẽ tiếp tục cách ly 14 ngày tại nhà. Cùng ngày, tại Trung tâm cách ly ký túc xá Đại học quốc gia TP Hồ Chí Minh có 1.323 người được ra về sau khi hoàn thành cách ly tập trung và có kết quả xét nghiệm âm tính với vi-rút Sars-CoV-2 hai lần.
* Ngày 8-4, Sở Y tế Thanh Hóa cho biết, các y, bác sĩ tại cơ sở điều trị Covid-19 số 1 ở Bệnh viện Phổi Thanh Hóa cùng Bệnh viện Phụ sản, Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa đã mổ cấp cứu, xử lý thành công ca bệnh chửa ngoài tử cung, vỡ trụy mạch cho người bệnh (33 tuổi) được đưa đến từ khu cách ly tập trung ở Trung tâm giáo dục quốc phòng Hồng Đức. Hiện người bệnh tỉnh táo, ổn định sức khỏe; được lấy mẫu xét sàng lọc cho kết quả âm tính với Sars-CoV-2.
* Ngày 8-4, TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang tổ chức diễn tập phong tỏa, cách ly phòng, chống dịch Covid-19 tuyến đường Lê Lợi. Tại buổi diễn tập, các lực lượng đã triển khai phối hợp các bước theo kế hoạch nhằm bảo đảm công tác phong tỏa, cách ly được hiệu quả.
* Ngày 8-4, các đơn vị chức năng tỉnh Hòa Bình tổ chức trao giấy chứng nhận hoàn thành thời gian cách ly phòng, chống dịch Covid-19 cho 80 công dân. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hòa Bình đã bố trí xe ô-tô đưa các công dân về địa phương theo kế hoạch.
* Ngày 8-4, Trường đại học Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) đã trao tặng 10 máy sát khuẩn tay tự động cho Bệnh viện Đà Nẵng. Đây là sản phẩm do nhóm sinh viên nghiên cứu khoa học BK-Maker của Trường ĐH Bách khoa thiết kế, chế tạo.
* Ngày 8-4, Tỉnh đoàn Quảng Ngãi cho biết, triển khai nhiều hoạt động phòng, chống dịch Covid-19. Trong đó, các cơ sở đoàn trong tỉnh thành lập 274 đội hình thanh niên tình nguyện, tổ chức 576 đợt tuyên truyền, 274 điểm rửa tay sát khuẩn, tặng gần 35.500 khẩu trang, 6.300 lọ dung dịch sát khuẩn và xà-phòng rửa tay và thực hiện công trình thanh niên “Dũng sĩ diệt khuẩn” hệ thống máy rửa tay tự động tại 25 chốt kiểm tra y tế trọng yếu, có nhiều người qua lại trên địa bàn tỉnh.
* Ngày 8-4, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Vĩnh Long cho biết, hưởng ứng lời kêu gọi “Toàn dân tham gia ủng hộ, phòng chống dịch Covid-19”, đồng thời hỗ trợ cho đồng bào bị ảnh hưởng bởi hạn hán, xâm nhập mặn từ ngày 1-4 đến nay đã tiếp nhận ủng hộ từ 32 tổ chức, cá nhân số tiền gần 5,3 tỷ đồng…
* Sáng ngày 8-4, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Khánh Hòa tiếp nhận số tiền hơn 1,2 tỷ đồng và 26 tấn gạo của 19 cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân trên địa bàn gửi ủng hộ công tác phòng, chống dịch Covid-19.
* Ngày 8-4, Công ty TNHH một thành viên Xổ số kiến thiết và Dịch vụ in Đà Nẵng cho biết, sẽ triển khai chương trình hỗ trợ giải quyết khó khăn cho người bán vé số lẻ phải dừng hoạt động do dịch Covid-19. Theo đó, công ty trích 500 triệu đồng để hỗ trợ mỗi người một phần quà gồm 10 kg gạo và 100.000 đồng.
* Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tăng cường thực hiện một số biện pháp quản lý chất thải để phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, UBND các địa phương chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thu gom, lưu giữ, chuyển giao chất thải y tế, nhất là đối với khẩu trang y tế, các phương tiện phòng hộ cá nhân đã qua sử dụng và các loại khẩu trang đã qua sử dụng, thải bỏ. Thực hiện tốt việc khử khuẩn nước thải sau xử lý tại các cơ sở y tế, cơ sở cách ly tập trung, cơ sở xử lý chất thải y tế bảo đảm không làm phát tán mầm bệnh ra môi trường…
* Bộ Công thương vừa có văn bản đề nghị UBND các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long chỉ đạo Ban Chỉ đạo 389 và các lực lượng chức năng địa phương phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Quản lý thị trường kiểm tra, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, nhất là đối với mặt hàng, nhóm mặt hàng phòng, chống dịch bệnh và hàng hóa thiết yếu như khẩu trang và gạo.
* Trong hai ngày 6 và 8-4, được sự chấp thuận của Chính phủ và Bộ Ngoại giao, Hãng hàng không Vietnam Airlines (VNA) đã thực hiện hai chuyến bay đặc biệt chở gần 600 công dân Đức, Liên minh châu Âu (EU) về nước và vận chuyển trang bị y tế viện trợ của Chính phủ, nhân dân Việt Nam gửi tặng Chính phủ, nhân dân năm nước Đức, Pháp, I-ta-li-a, Tây Ban Nha và Anh để hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19...
* Ngày 8-4, các cơ quan chức năng thành phố và các quận, huyện trên địa bàn TP Hải Phòng đã xử phạt 94 trường hợp vi phạm các quy định về phòng, chống dịch Covid-19. Trong đó, Sở Giao thông vận tải Hải Phòng xử phạt một trường hợp xe ta-xi tải hoạt động với số tiền 20 triệu đồng (phạt chủ doanh nghiệp 14 triệu đồng và phạt lái xe sáu triệu đồng). Các quận, huyện xử lý phạt 93 cá nhân vi phạm, với số tiền 20,9 triệu đồng. Trong đó, 70 trường hợp vi phạm không đeo khẩu trang, một trường hợp trốn tránh áp dụng biện pháp cách ly y tế và 22 trường hợp vi phạm các quy định khác.
* Tối 8-4, Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh cho biết, trường hợp người bệnh Nguyễn Thị Ch., 84 tuổi, địa chỉ khu Cổ Mễ, phường Vũ Ninh, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh bị chết ngày 7-4, cho kết quả xét nghiệm âm tính với vi-rút SARS-CoV-2.
Trước đó, ngày 6-4 người bệnh có biểu hiện sốt, ho, khó thở. Gia đình đưa đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Ninh khám, điều trị, được các y, bác sĩ chẩn đoán viêm phổi, suy tim, tai biến mạch máu não. Người bệnh được lấy mẫu xét nghiệm tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Ninh, nghi mắc Covid-19. Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm của Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư cho kết quả âm tính với SARS-CoV-2.
Ngày 8-4, Bộ Y tế ban hành “Hướng dẫn tạm thời quản lý sức khỏe người cao tuổi, người mắc bệnh mạn tính tại tuyến y tế cơ sở trong bối cảnh dịch Covid-19” và “Hướng dẫn chăm sóc sức khỏe phòng, chống dịch Covid-19 cho người cao tuổi tại cộng đồng”. Các tài liệu trên được áp dụng tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong cả nước nhằm hướng dẫn cán bộ y tế cơ sở trong việc phối hợp với y tế tuyến trên cùng với chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể địa phương vừa thực hiện nhiệm vụ dự phòng lây nhiễm Covid-19 cho người cao tuổi vừa bảo đảm điều trị hiệu quả cho bệnh nhân mắc bệnh mạn tính.
Ngày 8-4, Chủ tịch UBND xã Thạch Hạ, TP Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Sông Hàn cho biết, hưởng ứng phong trào “Toàn dân tham gia ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19”, hai gia đình giáo dân ở Giáo xứ An Nhiên (Thạch Hạ) là gia đình cụ Nguyễn Hồng Phong (91 tuổi) và gia đình ông Nguyễn Huy Phổ đã ủng hộ cho Ban vận động ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19 của xã Thạch Hạ 2,6 tấn gạo. Trước mắt, chính quyền xã sẽ dùng số gạo của các gia đình nhà hảo tâm để hỗ trợ những hộ nghèo, cận nghèo, lao động bị mất việc làm do dịch bệnh.
Ngày 8-4, Bộ Y tế xác nhận thêm hai người bệnh mắc Covid-19 (người bệnh thứ 250 và 251). Cụ thể: Người bệnh thứ 250, trú tại Hạ Lôi, Mê Linh, Hà Nội, (là hàng xóm và có tiếp xúc gần người bệnh thứ 243). Người bệnh thứ 251, trú tại Bình Nghĩa, Bình Lục, Hà Nam. Từ ngày 20-3 đến nay, người bệnh điều trị tại Khoa Tiêu hóa, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Nam, con trai và con dâu từ Hà Nội về chăm. Hiện người bệnh đang được điều trị tại khu cách ly tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Nam.
Cùng ngày, Tiểu ban Điều trị, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 cho biết, cả nước đã có 126 người mắc Covid-19 được công bố khỏi bệnh. (Nhân dân, trang 4).
Cùng chủ đề Báo Gia đình & Xã hội, trang 2: “Không để bùng phát các ổ dịch lớn”; Sài Gòn giải phóng, trang 9: “Không được chủ quan khi dịch xâm nhập cộng đồng”; Sức khỏe & Đời sống, trang 3: “Kiên định 5 nguyên tắc chống dịch, hết sức cảnh giác với những ca nhiễm trong cộng đồng”; Tuổi trẻ, trang 3: “Khoang vùng dập dịch, mở rộng đối tượng rà soát”; Hà Nội mới, trang 7: “Không bỏ sót mầm bệnh, nghiêm túc thực hiện cách ly xã hội”.
Hà Nội tập trung sàng lọc, phân luồng người nhiễm Covid-19
Để bảo đảm an toàn cho người bệnh, cán bộ, nhân viên y tế và cộng đồng, ngành y tế Hà Nội đã và đang triển khai nhiều giải pháp sàng lọc, phân luồng phòng, chống dịch Covid-19.
Bệnh viện đa khoa Hà Đông là một trong sáu bệnh viện ở TP Hà Nội được lựa chọn tiếp nhận, cách ly, theo dõi và điều trị người nhiễm Covid-19. Để chủ động sàng lọc, phân luồng, ngay từ cổng bệnh viện đã thiết lập khu vực riêng tiếp đón và sàng lọc các đối tượng nghi ngờ mắc Covid-19. Các cán bộ y tế làm việc tại khu vực này được trang bị thiết bị bảo hộ đồng bộ, tránh lây nhiễm chéo trong cơ sở y tế. Bệnh viện bố trí giường bệnh, vệ sinh khép kín, đầy đủ trang thiết bị y tế cần thiết để chẩn đoán, xác định ca bệnh nghi ngờ và có biện pháp xử lý kịp thời. Giám đốc Bệnh viện đa khoa Hà Đông Đào Thiện Tiến cho biết: Nhằm tránh lây nhiễm chéo trong bệnh viện, công tác phòng, chống nhiễm khuẩn, phân luồng, khám sàng lọc, cách ly đã được bệnh viện thực hiện rất quyết liệt. Do các hoạt động khám, chữa bệnh vẫn duy trì thường xuyên cho nên bệnh viện đã đẩy mạnh tuyên truyền đến người bệnh và người nhà người bệnh phối hợp thực hiện tốt các khuyến cáo phòng, chống dịch Covid-19 như: đeo khẩu trang, ngồi cách xa nhau 2 m, hạn chế tụ tập đông người, mỗi người bệnh chỉ được một người nhà chăm sóc... Cán bộ y tế phải trang bị đầy đủ thiết bị bảo hộ, đón tiếp người bệnh chu đáo, tận tình, hướng dẫn người nhà bệnh nhân khai báo y tế đầy đủ để thuận tiện trong quá trình giám sát phòng, chống dịch Covid-19. Đến nay, bệnh viện đã đón tiếp, điều trị, theo dõi sức khỏe cho 282 trường hợp thuộc diện cách ly, hiện tại còn 37 trường hợp nghi nhiễm dịch Covid-19 đang tiếp tục được cách ly theo dõi.
Qua kiểm tra thực tế tại các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến dưới, việc chấp hành các quy định trong công tác sàng lọc, phân luồng phòng, chống dịch Covid-19 được các đơn vị y tế quận, huyện, thị xã của Hà Nội chấp hành nghiêm. Tại Bệnh viện đa khoa huyện Chương Mỹ, Khoa Khám bệnh đã bố trí lại khu vực chờ dành cho người đến khám, chữa bệnh với khoảng cách ghế ngồi tối thiểu 2 m; có biển chỉ dẫn cụ thể dành cho các trường hợp có các biểu hiện nghi nhiễm Covid-19. Bệnh viện cũng đã bố trí khu vực khám riêng dành cho các các trường hợp đến khám bệnh có các triệu chứng lâm sàng: sốt, ho, khó thở hoặc yếu tố dịch tễ liên quan Covid-19. Người bệnh, người nhà người bệnh đều phải thực hiện khai báo y tế theo bảng hỏi để sàng lọc, phát hiện sớm các yếu tố nghi ngờ.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết: Qua kiểm tra, giám sát cho thấy: các đơn vị y tế thực hiện nghiêm các chỉ đạo trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, đối với công tác tiếp nhận, phân luồng, sàng lọc, cách ly người bệnh, Sở Y tế Hà Nội tiếp tục đề nghị các đơn vị y tế trên địa bàn bố trí đủ phương tiện phòng hộ cá nhân đạt tiêu chuẩn cho nhân viên y tế khi thực hiện khám sàng lọc, các kỹ thuật lâm sàng, chăm sóc và điều trị trực tiếp người nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm Covid-19; đẩy mạnh hướng dẫn người bệnh khi đến khám bệnh phải đeo khẩu trang, không bố trí đông người ở các khu sàng lọc…
Hà Nội cũng đã chủ động xây dựng các kịch bản trong phân tuyến điều trị cho người bệnh nhiễm Covid-19. Theo đó, trên địa bàn có từ ca bệnh thứ 1 đến thứ 300, thì chuyển người bệnh đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư cơ sở 2 để điều trị cách ly. Từ ca bệnh tiếp theo tiếp nhận điều trị cách ly trên nguyên tắc lấp đầy cơ số giường bệnh của từng bệnh viện sẽ chuyển sang bệnh viện khác theo thứ tự: Bệnh viện Bắc Thăng Long; Bệnh viện dã chiến Mê Linh; Bệnh viện đa khoa Đức Giang; Bệnh viện Thanh Nhàn; Bệnh viện đa khoa Hà Đông; Bệnh viện đa khoa Đống Đa, với tổng số 1.000 giường bệnh. Đối tượng thu nhận của các bệnh viện được phân công điều trị bao gồm trường hợp nghi ngờ, xác định, các trường hợp được chuyển đến từ các khu cách ly tập trung của thành phố, được chuyển đến từ cộng đồng và các bệnh viện khác… Sở Y tế cũng thường xuyên kiểm tra, giám sát việc sàng lọc, phân luồng và cách ly người bệnh tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, sẽ đình chỉ hoặc rút giấy phép hoạt động, chứng chỉ hành nghề đối với cơ sở và cá nhân không thực hiện đúng các quy định về phòng, chống dịch Covid-19 tại đơn vị y tế… (Nhân dân, trang 5).
Cùng chủ đề Báo Sài Gòn giải phóng, trang 2: “Một ca lây nhiễm, cách ly cả thôn”; Tuổi trẻ, trang 2: “Chạy đua ngăn chặn nguồn lây”; Tuổi trẻ, trang 2: “Hà Nội tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cao nhất trong cộng đồng”; Hà Nội mới, trang 7: “Người dân Hạ Lôi yên tâm thực hiện cách ly”.
Những người lính trên tuyến đầu
Suốt nhiều tuần qua, hình ảnh những người lính Bộ đội Cụ Hồ quân hàm xanh xuất hiện trên các tuyến biên giới trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, thiếu thốn nhiều mặt để chung tay phòng, chống dịch Covid-19 đã khiến chúng ta xúc động.
Kiểm soát chặt đường mòn, lối mở
Để phòng, chống dịch Covid-19 đạt hiệu quả, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Nghệ An tổ chức kiểm soát chặt Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn cùng các đường mòn, lối mở trên tuyến biên giới. Thượng tá Hồ Quyết Thắng, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng BĐBP Nghệ An cho biết: Để chủ động ngăn ngừa sự xâm nhiễm của dịch khi đón nhận công dân Việt Nam từ nước bạn Lào trở về nước qua Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn ở huyện Kỳ Sơn cũng như phòng, chống người dân vượt biên trái phép, BĐBP Nghệ An đã thành lập Sở Chỉ huy phía trước tại huyện Kỳ Sơn để trực tiếp chỉ đạo; đồng thời, tăng cường lực lượng cho tuyến núi từ các đơn vị tuyến biển, cơ quan Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, tiểu đoàn Huấn luyện - cơ động; thành lập các trạm chốt, tổ tuần tra lưu động.
Sau khi tại Lào xuất hiện những ca dương tính với Covid-19 đầu tiên, số lượng công dân Việt Nam ở Lào về nước qua các cửa khẩu các tỉnh Bắc Trung Bộ tăng đột biến, trong đó có Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn (Nghệ An). Tại cửa khẩu, trước khi làm thủ tục nhập cảnh, các công dân đều được lực lượng chức năng tận tình hướng dẫn làm thủ tục khai báo y tế, kiểm tra thân nhiệt. Sau khi hoàn thành thủ tục, nếu không có gì bất thường, mọi người được đưa lên xe của BĐBP chở về các điểm cách ly tập trung của tỉnh. Chỉ tính từ ngày 23-3 đến nay, BĐBP Nghệ An cùng các lực lượng khác tại Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn làm thủ tục nhập cảnh, kiểm tra y tế, phối hợp đưa đi cách ly tập trung theo quy định hơn 1.500 người và 97 phương tiện.
Trên tuyến biên giới dài hơn 468 km với nước bạn Lào, các đồn biên phòng phối hợp lực lượng địa phương thành lập 55 chốt cố định tại những điểm có đường mòn, lối mở mà người dân hay qua lại và 11 tổ tuần tra cơ động. Trong đó, tại khu vực hai cánh gà Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn, năm chốt cố định được thành lập. Với quân số tham gia hơn 520 người, các chốt cố định cũng như tổ tuần tra hoạt động liên tục 24 giờ trong ngày, bảo đảm kiểm soát chặt biên giới. Thời gian qua, các chốt biên phòng kịp thời phát hiện 31 trường hợp nhập cảnh trái phép, lập biên bản vi phạm và đưa đến các trung tâm cách ly tập trung trong 14 ngày để phòng, chống dịch.
Ngăn dịch bệnh từ xa
Gia Lai có gần 100 km đường biên giới giáp với Cam-pu-chia. Trong những năm qua, được sự cho phép của Chính phủ hai nước Việt Nam và Cam-pu-chia, nhiều doanh nghiệp liên kết, liên doanh tổ chức nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh bên nước bạn. Thời gian gần đây, lượng khách qua lại tại Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh (huyện Đức Cơ) tăng đột biến. Quản lý chặt chẽ, nghiêm túc thực hiện các quy định là một trong những biện pháp đầu tiên mà các lực lượng được giao nhiệm vụ triển khai nhằm ngăn ngừa dịch, bệnh xâm nhập...
Trên tuyến biên giới của tỉnh Gia Lai hiện được bố trí hơn 200 cán bộ, chiến sĩ của các lực lượng BĐBP, Công an, dân quân đang thực hiện nhiệm vụ tại gần 30 chốt, trạm kiểm soát chống dịch. Hầu hết các chốt, trạm kiểm soát đều được lập trên tuyến đường mòn, lối tắt, do đó luôn ở trong tình trạng nhiều không: không điện, không nước sinh hoạt, không sóng điện thoại, không giường, chiếu... Chốt, trạm đóng quân xa địa bàn dân cư, xa các đồn biên phòng cho nên cán bộ, chiến sĩ vừa phải thực hiện nhiệm vụ, vừa phải tự bảo đảm mọi sinh hoạt, ăn uống. Có đến biên giới vào những ngày này mới cảm nhận hết những khó khăn, vất vả mà các chiến sĩ nơi tuyến đầu đang gánh chịu. Đầu mùa khô, không khí ngột ngạt, mọi sinh hoạt đều trở nên khó khăn. Để có nước dùng, các cán bộ, chiến sĩ phải thay phiên nhau đi chở, thậm chí phải lội bộ xuyên rừng vác từng thùng loại 20 lít từ dưới suối hoặc khu dân cư lên khu vực trạm, chốt. Khi ngủ, các cán bộ, chiến sĩ phải mắc tạm tăng, võng để ngả lưng, chợp mắt, bởi, lều bạt dã chiến, giường ngủ dành để sẵn sàng tiếp nhận người dân về cách ly từ bên kia biên giới.
Tuy nhiên, hơn ai hết, mỗi cán bộ, chiến sĩ đều hiểu rằng, lúc này đây, vì sự bình yên của nhân dân, mỗi người đều phải vượt qua khó khăn thường nhật để làm tốt nhiệm vụ. Chiến sĩ Rơ Châm Su (Đồn Biên phòng Ia Nan) đang làm nhiệm vụ tại tổ kiểm soát khu vực đường Siu Nhân cho biết: “Ở đây mọi thứ đều thiếu. Nhưng dù có khó khăn hơn thế, chúng tôi cũng luôn cố gắng thực hiện tốt nhiệm vụ được giao”. Chiến sĩ dân quân Nguyễn Văn Kỳ (xã Ia Púch, huyện Chư Prông) bày tỏ: “Ngay khi có lệnh điều động của xã, chúng tôi đã có mặt tại chốt để cùng các lực lượng tuần tra, kiểm soát, chốt chặn nhằm ngăn chặn dịch bệnh”. Thiếu tá Nguyễn Danh Vỹ, Chốt trưởng kiểm soát 383 (Đồn Biên phòng Ia Púch) chia sẻ: “Bảo vệ biên giới là nhiệm vụ thiêng liêng của người lính. Do đó, tất cả cán bộ, chiến sĩ trên chốt đều nêu cao quyết tâm, tăng cường tuần tra, kiểm soát nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn không để các đối tượng vượt biên mang theo nguy cơ lây nhiễm dịch”.
Đại tá Vũ Trung Kiên, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Gia Lai khẳng định: Dẫu việc ăn, nghỉ dọc tuyến biên giới còn nhiều khó khăn nhưng cán bộ, chiến sĩ trong từng đơn vị đều nêu cao quyết tâm thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ. Đó là bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới và phòng, chống dịch Covid-19.
Đẹp thêm hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ
Không chỉ ở khu vực biên giới, Trung tâm Huấn luyện - Bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh thuộc Trung đoàn Bộ binh 991 (thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Gia Lai) nơi được tỉnh Gia Lai chọn làm cơ sở tiếp nhận, cách ly tập trung những người có biểu hiện ban đầu nghi nhiễm bệnh, từng cán bộ, chiến sĩ tại đây cũng nêu cao ý thức, tinh thần trách nhiệm, làm hết sức mình để cùng với chính quyền và người dân ngăn chặn có hiệu quả dịch bệnh.
Tại đây hiện tiếp nhận, cách ly y tế đối với 294 trường hợp có biểu hiện nghi vấn, trong số này số đông là công dân trở về từ Cam-pu-chia qua khu vực Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh. Trong số những người thuộc diện cách ly, bà Ngọc Anh ở huyện biên giới Đức Cơ khi về đến khu vực Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh mới biết việc nếu nhập cảnh phải cách ly y tế 14 ngày. Nhận quyết định vào khu cách ly tập trung, ban đầu bà Ngọc Anh còn băn khoăn bởi tuổi cao và căn bệnh tiểu đường của bản thân khi ở khu cách ly sẽ bất tiện. Sau gần một tuần sống ở đây, bà Ngọc Anh bày tỏ: “Mỗi ngày, chúng tôi được các y, bác sĩ kiểm tra sức khỏe hai lần lúc 8 giờ và 19 giờ. Ăn, uống đều có các chú bộ đội lo, nên rất thoải mái; nơi ở, các vật dùng đều được khử khuẩn, sát trùng nên yên tâm lắm!”…
Cảm kích trước sự hy sinh gian khổ của BĐBP trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 chốt giữ nơi tuyến đầu, những ngày qua, nhiều tổ chức, cá nhân tại nhiều địa phương đã dành nhiều tình cảm, chia sẻ… Bà Trần Thị Ái Vân, Giám đốc Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam - Chi nhánh Gia Lai cho biết: “Đến tận nơi, chứng kiến cuộc sống, sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ, chúng tôi mới hiểu phần nào những vất vả, hy sinh mà các anh đang vượt qua. Trước mắt, chúng tôi gửi tặng các anh những phần quà gồm mì tôm, nước uống. Chúng tôi tiếp tục kêu gọi thêm các nguồn hỗ trợ, động viên và chung sức cùng các anh chống dịch”.
Ông Ngô Công Đoan, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Cựu chiến binh sản xuất - kinh doanh giỏi tỉnh Gia Lai cho biết: Câu lạc bộ phối hợp Hội doanh nhân TP Hồ Chí Minh trao 6.000 chiếc khẩu trang vải kháng khuẩn, trong đó có 2.000 chiếc tặng một số đơn vị của nước bạn, 3.000 chiếc hỗ trợ cho khu vực cách ly của tỉnh và 1.000 chiếc tặng các lực lượng đang làm nhiệm vụ tại khu vực Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh. Đây là sự động viên, khích lệ kịp thời giúp các chiến sĩ nơi tuyến đầu thấy ấm lòng và như được tiếp thêm sức mạnh. Theo số liệu thống kê, suốt hơn hai tháng qua, toàn lực lượng BĐBP tổ chức hàng nghìn tổ, đội với hơn 5.000 cán bộ, chiến sĩ ngày đêm tuần tra, quản lý, kiểm soát chặt chẽ biên giới, cửa khẩu, không để dịch bệnh lây truyền qua biên giới. Các đơn vị chủ động tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân kiến thức phòng, chống dịch. Triển khai tốt các biện pháp nghiệp vụ, tổ chức tuần tra bảo vệ địa bàn trên bộ, trên biển; chủ động đấu tranh hiệu quả với các loại tội phạm, nhất là cảnh giác, đấu tranh với các hành vi lợi dụng dịch bệnh để vi phạm pháp luật. Hàng trăm cán bộ, học viên, chiến sĩ các nhà trường và các đơn vị tuyến biển chấp hành nghiêm mệnh lệnh điều động của Bộ Tư lệnh tăng cường phối thuộc cho các đơn vị trọng điểm trên tuyến biên giới tham gia phòng, chống dịch bệnh…
Cục Chính trị, BĐBP cho biết, thời gian qua, có nhiều câu chuyện cảm động về những người lính nơi tuyến đầu: Gần 30 chiến sĩ phải dời ngày cưới, 20 cán bộ, chiến sĩ không thể về nhà khi vợ sinh con, người thân đi viện, nhiều cán bộ hoãn tổ chức lễ cưới cho con, thậm chí có đồng chí vì nhiệm vụ phải nén nỗi đau riêng, không thể có mặt chịu tang khi cha, mẹ mất… Những câu chuyện đó góp phần lan tỏa hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ mới. Truyền thống gắn bó máu thịt với nhân dân của người lính quân hàm xanh luôn được Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng, cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân cả nước tin yêu, ghi nhận, đánh giá cao. (Nhân dân, trang 8).
Cùng chủ đề Báo Hà Nội mới, trang 1: “Những lá chắn biên cương”.
Bỏ quy định thu phí nhưng người đến từ Hà Nội, TPHCM bị yêu cầu cách ly
Câu chuyện một số tỉnh, thành phố chỉ đạo cách ly tất cả người đến từ địa phương có dịch và thu phí gây nên nhiều ý kiến trái chiều những ngày qua. Mới đây, tỉnh Quảng Nam và TP Hải Phòng đã đưa ra quyết định không thu phí cách ly người đến từ Hà Nội, TPHCM…
Sử dụng nguồn xã hội hóa để hỗ trợ tiền ăn
Sau cuộc họp giao ban của Thường trực HĐND tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam đã thống nhất chỉ đạo, đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (UBMTTQ) Việt Nam tỉnh vận động, sử dụng nguồn xã hội hóa để hỗ trợ tiền ăn trong trường hợp cách ly tập trung đối với người Quảng Nam từ vùng dịch trở về từ ngày 1/4 đến ngày 15/4 thay vì quy định yêu cầu người cách ly phải trả phí được ban hành vài ngày trước đó.
Được biết hiện tại toàn tỉnh Quảng Nam có hơn 600 người đang cách ly tập trung (trong đó hơn 570 người về từ TPHCM và Hà Nội). UBMTTQ Việt Nam tỉnh đang phối hợp với Hội đồng hương Quảng Nam tại Hà Nội, TPHCM và các tỉnh, thành khác hỗ trợ đồng bào xa quê có hoàn cảnh khó khăn; vận động các nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân cùng ngân sách tỉnh thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống COVID-19. Trong đó, Hội đồng hương Quảng Nam tại TPHCM đã vận động, tiếp nhận được 440 triệu đồng, 2 tấn gạo và nhiều nhu yếu phẩm để hỗ trợ bà con Quảng Nam đang sinh sống, lao động, học tập tại Hà Nội và TPHCM đang gặp khó khăn, ảnh hưởng bởi COVID-19.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam khẳng định nhất quán và quyết tâm cao thực hiện giải pháp mạnh về cách ly xã hội để ngăn chặn lây nhiễm dịch COVID-19 trong cộng đồng. Vì vậy, từ ngày 1-15/4, trừ trường hợp đến Quảng Nam theo yêu cầu công vụ, những người khác từ Hà Nội và TPHCM về Quảng Nam phải chấp hành việc cách ly tập trung 14 ngày…
Tương tự, UBND TP Hải Phòng cũng có văn bản điều chỉnh, bổ sung quy định đối với những trường hợp phải cách ly tập trung thuộc diện tự trả chi phí phục vụ cách ly. Theo quy định mới, TP Hải Phòng sẽ chi trả chi phí phục vụ cách ly tập trung theo quy định (người cách ly không phải trả tiền). Trước đó ngày 4/4, UBND TP Hải Phòng có văn bản về việc, tất cả những người từ vùng dịch về Hải Phòng đều phải cách ly tập trung và tự trả chi phí phục vụ cách ly. Hiện Hải Phòng là thành phố chưa có ca nào mắc COVID-19; số người đi cách ly tập trung tại các cơ sở là 583 trường hợp.
Riêng tại TP Đà Nẵng với tinh thần hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp bệnh lây lan thứ phát trên địa bàn, lực lượng chức năng vẫn tiếp tục triển khai cách ly y tế tập trung có thu phí đối với người đến từ Hà Nội, TPHCM (kể cả công dân Đà Nẵng) từ ngày 5/4.
Sở Y tế TP Đà Nẵng cũng đã thống nhất phương án vận chuyển người bị cách ly. Cụ thể, người được phát hiện tại sân bay, cảng biển sẽ do phương tiện của Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố vận chuyển. Người được phát hiện tại các chốt kiểm dịch sẽ sử dụng xe cấp cứu của Trung tâm Y tế quận, huyện (đối với trường hợp dưới năm người). Từ 5 người trở lên cần vận chuyển thì sử dụng phương tiện của quân đội.
Thêm nhiều tỉnh, thành cách ly người đến từ vùng có dịch
Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo COVID-19 tỉnh Bình Định, UBND tỉnh đã yêu cầu Sở Y tế chủ trì, phối hợp Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Sở GTVT và UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức rà soát tất cả người Việt Nam và người nước ngoài đến tỉnh Bình Định từ 0h ngày 8/4 bằng đường sắt, đường bộ, đường biển để thực hiện triệt để các biện pháp cách ly theo quy định nhằm phòng chống dịch COVID-19.
Theo quan điểm của địa phương này, người từ vùng dịch về tỉnh Bình Định trong thời gian cách ly xã hội nêu không có lý do chính đáng thì cách ly tại khu cách ly tập trung của tỉnh hoặc đưa vào khách sạn được tỉnh trưng dụng làm khu cách ly tập trung (nếu khách có yêu cầu) và phải tự trả chi phí ăn ở, sinh hoạt trong thời gian cách ly.
Như vậy, tính đến chiều 8/4, có ít nhất 9 tỉnh, thành thực hiện việc cách ly đối với những người từ vùng có dịch đến địa phương mà không có lý do chính đáng. Cụ thể, sau TP Đà Nẵng, TP Hải Phòng và Quảng Nam thì các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Ninh, Lào Cai, Lai Châu, Sơn La, Bình Định… cũng quyết định áp dụng cách ly 14 ngày đối với người đến từ vùng có dịch hoặc đi qua các địa phương có dịch về tỉnh này. Theo ghi nhận tại Lào Cai, từ ngày 3/4 áp dụng đến nay, tỉnh này đã cách ly gần 1.000 người đến và về từ Hà Nội.
Ngăn chặn dịch lây lan trong cộng đồng
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về Phòng, chống dịch COVID-19 ngày 6/4. Tại văn bản này, Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cân nhắc thận trọng việc thu phí cách ly đối với người đến từ các địa phương trong nước.
Thủ tướng chỉ đạo các địa phương thực hiện nghiêm cách ly xã hội nhằm làm chậm, không để dịch lây lan trong cộng đồng. "Nếu chúng ta ngăn chặn được dịch lây lan trong cộng đồng, không tạo nên ổ dịch, vùng dịch lớn, sẽ không có đỉnh dịch, không có thiệt hại về người và sức khỏe nhân dân", Thủ tướng nói.
Người đứng đầu Chính phủ giải thích cách ly xã hội là một tình huống pháp lý không trái pháp luật để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân. Cách ly xã hội mang ý nghĩa là giữ khoảng cách trong xã hội, giữ khoảng cách giữa người với người để đối phó với tình huống nguy hiểm, bùng phát dịch bệnh chứ không phải là ngăn cấm giao thông, không phải phong tỏa. (Gia đình & Xã hội, trang 3).
Tỏa sáng tinh thần tương thân tương ái trong mùa dịch
Những ngày qua, tại Hà Nội và nhiều tỉnh thành, rất nhiều tổ chức, nhóm thiện nguyện đã chung sức để cùng người nghèo vượt qua mùa dịch bệnh...
Khó khăn nhưng vẫn luôn ủng hộ đẩy lùi dịch
Đầu tháng 4, Hà Nội vắng lặng bởi người dân thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về cách ly xã hội đẩy lùi dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp. Việc ở nhà, hạn chế ra đường là giải pháp tốt nhất ngăn chặn sự lây lan của virus và nhận được sự ủng hộ của đông đảo người dân. Trong bối cảnh ấy, người lao động tự do, người có hoàn cảnh khó khăn… lại càng thêm chật vật để lo cơm cháo mỗi ngày. Thu nhập không có, nhưng hàng ngày họ vẫn phải lo các khoản chi tiêu cho cuộc sống, dù chắt chiu, tằn tiện...
Trước đây, chị Lê Thị Thành (trú tại quận Nam Từ Liêm) làm nghề mua bán đồng nát có thu nhập mỗi ngày 250.000 đồng. Nhưng từ khi dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, chị đã nghỉ hẳn ở nhà quanh quẩn trong căn phòng mấy mét vuông với người "đồng nghiệp" cùng quê.
Chị Thành nói: "Nếu trời thương thì mỗi ngày chúng tôi cũng có thu nhập 200.000 - 300.000 đồng nhờ buôn bán đồng nát, bình quân mỗi tháng khoảng 7 triệu đồng. Sau khi chi tiêu tằn tiện khoảng 1,5 triệu đồng/tháng, số tiền còn lại tôi sẽ gửi về quê để nuôi các con ăn học. Giờ dịch bệnh nên tất cả đều khó khăn chung, thu nhập không có trong khi hàng ngày vẫn phải lo chi phí sinh hoạt nên cũng khá lo lắng". Chị Thành cùng 2 người ở cùng phòng trọ cũng cho rằng, bản thân không dám về quê bởi lo ngại có thể lây dịch bệnh trong quá trình di chuyển bằng xe khách.
Trò chuyện với chúng tôi, sinh viên Nguyễn Văn Cường (SV năm thứ 2 một trường đại học tại Hà Nội) không khỏi buồn bã: "Em tranh thủ ở lại Hà Nội làm thêm tại quán cà phê với mong muốn trang trải cho cuộc sống cũng như học tập. Sau khi có quy định các quán cà phê tạm đóng cửa thì cũng là lúc em nhận những đồng tiền công cuối cùng. Ở Hà Nội khi trong túi còn đúng gần 1 triệu đồng đã khiến em phải tính toán chi li từng tí. Bữa ăn không có thịt, cá đã là chuyện thường…".
Không đơn độc giữa cuộc chiến
Trong câu chuyện về lòng tốt mùa dịch COVID-19, có lẽ điều khiến chúng tôi thấy ấm lòng hơn cả, đó là những suất ăn giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn… Dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, cũng không ai bị bỏ rơi mùa dịch bệnh.
"Ai cần cứ đến lấy, nếu khó khăn, hãy lấy một gói mỗi ngày. Nếu bạn ổn xin nhường cho người khác". Đó là thông điệp trong Chương trình tặng thực phẩm hàng ngày đến với những hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn Thủ đô được triển khai tại nhiều địa điểm như: Phố Hàm Long, cổng KTX Mễ Trì, khu vực đường Lê Văn Lương, phố Yết Kiêu, phố Nghĩa Dũng… Một ít gạo, gói mì tôm, quả trứng, gói lạc hay cây xúc xích… trong thời điểm này cũng phần nào giúp người nghèo khó thật sự cảm thấy ấm lòng giữa mùa dịch bệnh.
Tại cổng KTX Mễ Trì (Thanh Xuân), những ngày vừa qua đã đón tiếp không ít người dân có hoàn cảnh khó khăn đến nhận những gói đồ ăn. Nam - một sinh viên phải bám trụ lại Thủ đô cho biết: "Công việc làm thêm không còn suôn sẻ như trước nên đây thực sự là thời điểm khó khăn đối với bản thân em. Những gói quà từ nhóm thiện nguyện với em có ý nghĩa vô cùng". Anh Tài (quê Nam Định) - một người từng có thu nhập từ nghề lái xe ôm nhận túi thực phẩm không khỏi rưng rưng nói: "Thu nhập của chúng tôi bị giảm, giờ chỉ dám ăn 2 bữa/ngày thay vì 3 như trước kia. Nhận những phần thực phẩm này, tôi không biết nói gì hơn hai từ: Cảm ơn!".
Ngay tại các khu vực cách ly như: Chung cư HH01B – KĐT Thanh Hà (Thanh Oai), Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương… rất nhiều tổ chức, cá nhân đã và đang chung tay quyên góp tiền, hiện vật, thực phẩm… để cùng "tiếp lửa" với cộng đồng vượt qua giai đoạn khó khăn, đẩy lùi dịch COVID-19. Tại KĐT Thanh Hà, rất nhiều gia đình, nhóm cư dân hay mạnh thường quân cùng ủng hộ rau củ, thịt cá, trứng, trái cây… để giúp hơn 200 hộ dân trong diện cách ly yên tâm vượt qua đẩy lùi dịch bệnh.
Ngoài Hà Nội, đông đảo tổ chức, cá nhân tại các tỉnh thành khác như: Hải Phòng, Khánh Hòa, TPHCM… cũng chung tay giúp sức cùng người khó khăn vượt qua giai đoạn dịch bệnh. Đó là một nhà hàng tại phố Hùng Vương (TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) mỗi ngày nấu hơn 300 suất cơm đảm bảo dinh dưỡng để phục vụ miễn phí người nghèo. Một quán bán đồ chay trên phố Ngô Quyền (quận 10, TPHCM) từ ngày 1-15/4 đã làm 50 suất ăn miễn phí/ngày giúp đỡ những người cơ nhỡ. Câu chuyện chiếc máy "ATM nhả gạo" được ông Hoàng Anh Tuấn (ở TPHCM) dựng lên phục vụ người nghèo khiến không ít người cảm phục.
Những việc làm ấy chất chứa tình cảm đặc biệt, gửi thông điệp yêu thương giữa người với người: Không ai bị bỏ quên giữa mùa dịch! (Gia đình & Xã hội, trang 1).
Cùng chủ đề Báo Sài Gòn giải phóng, trang 8: “Thêm hỗ trợ thiết bị y tế, thực phẩm cho đội ngũ y bác sĩ”; Thanh niên, trang 10: “Làm kính bảo hộ tặng y, bác sĩ”; Hà Nội mới, trang 1: “Phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả: Phát huy sức mạnh văn hóa gia đình”; Công an Nhân dân, trang 1: “Đồng bào có đạo chung sức phòng, chống dịch Covid-19”.
Đã rà soát được hơn 52.000 người liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai
Trong số này, lực lượng chức năng đã tiến hành cách ly y tế 27.893 người, lấy mẫu xét nghiệm 20.806 người, trong đó có 10.533 mẫu âm tính, số còn lại đang chờ kết quả.
Theo thông tin Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, tính đến hết ngày hôm qua (7/4), lực lượng chức năng đã rà soát được 52.239 người liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai. Trong số đó có 2.272 cán bộ y tế của bệnh viện; 4.309 bệnh nhân nội trú; 1.937 bệnh nhân ngoại trú; 23.193 bệnh nhân khám ngoại trú; 12.775 người thân/người chăm sóc; 747 nhân viên phục vụ và 7.006 người khác liên quan.
Lực lượng chức năng đã tiến hành cách ly y tế 27.893 người, lấy mẫu xét nghiệm 20.806 người, trong đó có 10.533 mẫu âm tính, số còn lại đang chờ kết quả. Các địa phương đã thực hiện việc cách ly và kiểm soát người đến Bệnh viện Bạch Mai.
Theo thống kê sơ bộ đến 17h ngày 7/4, có 3.292 người đang trong Bệnh viện Bạch Mai, trong đó có 2.232 nhân viên, 783 bệnh nhân (124 bệnh nhân nặng, trong đó 31 bệnh nhân tiên lượng tử vong), 277 người nhà bệnh nhân.
Thực hiện chỉ đạo, các địa phương đã khẩn trương rà soát những người ra vào Bệnh viện Bạch Mai trong khoảng thời gian từ ngày 10/3 đến khi phong tỏa hoàn toàn rạng sáng 28/3 để xét nghiệm, cách ly cũng như sẵn sàng mọi điều kiện, bảo đảm ứng phó với tình huống xấu.
Phát biểu tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 thành phố Hà Nội chiều 7/4, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các quận, huyện nhìn lại xem còn gì đang khiếm khuyết thì chấn chỉnh lập tức, vì lúc này, hơn lúc nào hết, phải nâng cao tinh thần cảnh giác, "rà soát triệt để, không được bỏ sót bất cứ một trường hợp nào liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai".
Theo báo cáo, tính đến ngày 6/4, Hà Nội đã rà soát được 23.585 người liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai ở cộng đồng và lấy mẫu xét nghiệm được 7.814 trường hợp.
Trao đổi với phóng viên sáng 8/4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương, Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bắc Giang cho biết: Tỉnh Bắc Giang hiện tại chưa có ca bệnh mắc COVID-19, tuy nhiên khả năng dịch bệnh vào địa bàn tỉnh rất cao.
Hiện số người nghi mắc COVID-19 tại địa phương là 139 người, trong đó 116 người đã loại trừ khi có xét nghiệm âm tính hoặc khỏi ra viện. Còn 22 người đã có kết quả xét nghiệm âm tính nhưng chưa loại trừ do có yếu tố dịch tễ cao.
Về công tác cách ly, điều trị, hiện số người đang thực hiện cách ly tập trung ở Bắc Giang là 88 người; 1.128 người cách ly tại nơi cư trú…
Về công tác rà soát, nắm danh sách người từ Bệnh viện Bạch Mai, ông Dương cho biết một số địa phương về vẫn chưa thực hiện triệt để, do vậy vẫn còn nguy cơ lây nhiễm cộng đồng. "Ngày nào cũng phát sinh thêm một vài người. Phần lớn nguyên nhân dẫn đến thực trạng này do ý thức người dân chưa tự giác khai báo y tế" - Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bắc Giang nói.
Còn theo thông tin từ Sở Y tế tỉnh Yên Bái, tính đến 18h hôm qua (7/4), tỉnh Yên Bái chưa phát hiện ca nhiễm bệnh. Toàn tỉnh đã thực hiện tổng cộng 553 mẫu xét nghiệm, 547 mẫu có kết quả âm tính, 06 mẫu đang làm xét nghiệm. Toàn bộ 384 người từ Bệnh viện Bạch Mai về địa phương từ ngày 10/3 đến nay đều có kết quả âm tính với COVID-19.
Ngoài ra, trong số 26 ca bệnh nghi ngờ, kết quả xét nghiệm đều âm tính, 25 trường hợp đã khỏi bệnh và xuất viện, hiện còn 1 trường hợp đang điều trị cách ly. Toàn tỉnh Yên Bái có 26 người đang cách ly tập trung, sức khỏe ổn định, 33 người đang cách ly tại nhà, 310 người đang theo dõi sức khỏe tại nhà.
Cũng theo ghi nhận, đến nay, trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã có 2 trường hợp dương tính với COVID-19. Bên cạnh việc áp dụng biện pháp cách ly đối với các trường hợp F1, F2, F3 của 2 bệnh nhân trên, tỉnh Lai Châu cũng cách ly đối với 47 trường hợp đã đến Bệnh viện Bạch Mai khám, chữa bệnh (từ ngày 12-27/3/2020) và 366 người có tiếp xúc với các hợp nêu trên.
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh Lai Châu đã tổ chức cách ly, lấy mẫu xét nghiệm và giám sát y tế toàn bộ các trường hợp. Đến ngày 6/4/2020, có 46/47 trường hợp kết quả xét nghiệm xác định âm tính với COVID-19 và 1 trường hợp đang chờ kết quả.
Riêng tỉnh Điện Biên trong ngày hôm nay (8/4), Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 vẫn đề nghị các địa phương tiếp tục rà soát các trường hợp đã qua lại Bệnh viện Bạch Mai và các trường hợp nhập cảnh từ Lào, Trung Quốc về địa bàn qua các cửa khẩu, lối mở từ ngày 8/3 mà chưa thực hiện cách ly để theo dõi sức khỏe và có biện pháp can thiệp kịp thời.
rước đó qua rà soát, tỉnh Điện Biên xác định có 107 trường hợp đã khám, chữa bệnh và chăm sóc người bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai từ ngày 12 - 26/3. Căn cứ vào các yếu tố dịch tễ liên quan, Ban Chỉ đạo chống dịch các huyện, thị, thành phố trong tỉnh đã yêu cầu 84 trường hợp phải thực hiện cách ly y tế. Tất cả các trường hợp đang được theo dõi, cách ly đều khỏe mạnh, không ai có biểu hiện ho, sốt. (Gia đình & Xã hội, trang 3).
Cùng chủ đề Tuổi trẻ, trang 3: “Còn 9.000 người liên quan ổ dịch Bạch Mai chưa xét nghiệm”; Công an Nhân dân, trang 2: “Hà Nội đang kiểm soát tốt ổ dịch Bệnh viện Bạch Mai”; An ninh Thủ đô, trang 1: “Hà Nội đang kiểm soát tốt ổ dịch ở Bệnh viện Bạch Mai”.
Rà soát, nắm rõ hoàn cảnh người dân để kịp thời hỗ trợ
Chiều 8-4, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM tổ chức họp giao ban trực tuyến về tình hình dịch bệnh diễn ra trên địa bàn. Chủ trì tại điểm cầu Thành ủy TPHCM có đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; chủ trì tại điểm cầu UBND TP có đồng chí Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP, đồng chí Ngô Minh Châu, Phó Chủ tịch UBND TP, cùng đại diện lãnh đạo các sở ban ngành và các quận huyện.
Sớm kết thúc cách ly tập trung người nhập cảnh
Theo báo cáo của Sở Y tế TPHCM, tính đến ngày 8-4, trên địa bàn TP ghi nhận 54 trường hợp mắc Covid-19, trong đó có 35 trường hợp nhập cảnh và 19 ca phát hiện từ cộng đồng. Đến nay đã có 35 trường hợp được xuất viện, trong đó riêng ngày 8-4 có 4 trường hợp được công bố khỏi bệnh. Trong ngày 8-4, TP tiếp nhận 6 chuyến bay quốc tế với 19 người (tổ bay), 3 chuyến bay quốc nội với 408 hành khách và 1 chuyến tàu lửa với 463 hành khách. Tất cả hành khách đều có khai báo y tế và lấy mẫu xét nghiệm.
Về công tác rà soát người nhập cảnh từ 8-3 chưa được cách ly tập trung, đến nay TP đã xác minh, lấy mẫu xét nghiệm tổng cộng 4.651 người; trong đó có 3.735 trường hợp âm tính, 2 trường hợp dương tính (bệnh nhân 142 và 171), 914 trường hợp chờ kết quả.
Liên quan công tác giám sát, điều tra người mắc bệnh và khoanh vùng người tiếp xúc, người có liên quan, xử lý dập ổ dịch bar Buddha (quận 2), đến ngày 8-4 đã có 255 người trực tiếp có mặt tại quán bar được lấy mẫu, trong đó 242 trường hợp âm tính, 13 trường hợp dương tính. Từ các ca bệnh xác định đã tiến hành khoanh vùng 4.121 người tiếp xúc và có liên quan để cách ly, lấy mẫu xét nghiệm, phát hiện thêm 5 bệnh nhân trong số những người tiếp xúc gần. Đến nay đã có 3.042 người tiếp xúc, người liên quan đến ổ dịch quán bar Buddha kết thúc thời gian theo dõi và không có biểu hiện mắc bệnh.
Tuy nhiên, trong ngày 7-4, Bộ Y tế đã công bố thêm trường hợp bệnh nhân 247 có liên quan đến ổ dịch quán bar Buddha. Ngành y tế TP đã điều tra nơi ở của bệnh nhân này tại quận Bình Thạnh, tổ chức cách ly, lấy mẫu xét nghiệm 9 người sống chung nhà trọ với bệnh nhân.
Về tiến độ giải tỏa các khu cách ly tập trung, trong ngày 8-4 đã có thêm 1.311 người được trở về nhà sau khi kết thúc 14 ngày cách ly và có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2. Như vậy hiện vẫn còn 2.122 trường hợp được cách ly do có yếu tố dịch tễ như trở về từ vùng dịch, tiếp xúc gần với các ca nhiễm hoặc nghi ngờ. TP tiếp tục thực hiện kế hoạch đưa người nhập cảnh hết thời gian cách ly tập trung ra khỏi khu cách ly, dự kiến kết thúc vào ngày 9-4.
Lãnh đạo Sở Y tế cho biết, sẽ tái sắp xếp các khu cách ly tập trung, chuẩn bị sẵn sàng ứng phó tình huống sắp tới. Chuẩn bị phương án xét nghiệm sàng lọc, tầm soát mở rộng tại các khu ký túc xá công nhân, các cơ sở sản xuất tập trung nhiều lao động, xét nghiệm tầm soát ở các địa phương, khu vực để rà soát trong cộng đồng dân cư.
Nghiên cứu tạm dừng hoạt động các DN không đảm bảo an toàn
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu UBND quận 1 thực hiện nghiêm trách nhiệm quản lý địa bàn, xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm các hành vi không đeo khẩu trang nơi công cộng và tụ tập đông người. Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao khi Ủy ban MTTQ Việt Nam TP đã kêu gọi và nhận được sự chung tay, ủng hộ từ xã hội hỗ trợ cho những hoàn cảnh khó khăn. Trong thời gian tới, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đề nghị các quận huyện bên cạnh công tác chống dịch cần tổ chức rà soát, nắm rõ về hoàn cảnh người dân trên địa bàn để hỗ trợ kịp thời các hộ khó khăn.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các doanh nghiệp vẫn tổ chức sản xuất nếu đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch, do đó Ban Cán sự Đảng UBND TP cần chỉ đạo các sở ngành, quận huyện thực hiện Bộ chỉ số đánh giá tính rủi ro lây nhiễm virus SARS-CoV-2 tại doanh nghiệp. Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân khẳng định Bộ chỉ số là công cụ quan trọng để lượng hóa, chấm điểm, đánh giá về rủi ro lây nhiễm tại các doanh nghiệp nhằm bảo đảm an toàn trong hoạt động sản xuất. Nếu không đảm bảo an toàn tuyệt đối thì phải nghiên cứu tạm dừng hoạt động các doanh nghiệp này.
Đồng chí Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP, yêu cầu các địa phương chủ động trong công tác phòng chống dịch, quyết liệt phương án “5 tại chỗ”; đồng thời tăng cường thông tin tuyên truyền đến người dân các biện pháp phòng tránh dịch bệnh cũng như tuyên truyền nâng cao ý thức người dân chấp hành nghiêm Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, chỉ ra đường khi thật sự cần thiết. Đồng chí Lê Thanh Liêm cũng yêu cầu UBND các quận huyện có trách nhiệm trang bị đầy đủ trang thiết bị bảo hộ tại 46 chốt, trạm kiểm soát dịch trên địa bàn phụ trách, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng thiếu bảo hộ cho lực lượng tại chỗ. Bên cạnh đó, xem xét vị trí các chốt, trạm kiểm soát dịch Covid-19, nếu không phù hợp báo cáo UBND TP để điều chỉnh kịp thời. Đề nghị Sở GTVT tính toán, bố trí hợp lý lực lượng thanh tra giao thông tại các chốt, trạm.
Liên quan đến Quyết định 1203/QĐ-BCĐ về ban hành Bộ chỉ số đánh giá rủi ro lây nhiễm virus SARS-CoV-2 tại các doanh nghiệp trên địa bàn TP, UBND TP đã có văn bản 1249/UBND-VX để triển khai. Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm đề nghị các quận huyện tiếp tục thực hiện nghiêm các tiêu chí đặt ra khi triển khai chấm điểm, giám sát doanh nghiệp; cùng các doanh nghiệp trên địa bàn ký cam kết tuân thủ quy định trong phòng chống dịch. Trong việc thực hiện giám sát phòng dịch tại doanh nghiệp, đối với những đơn vị hoạt động dưới 1.000 công nhân, giao UBND phường, xã, thị trấn tổ chức theo dõi, nắm tình hình và báo cáo.
Với doanh nghiệp từ 1.000 đến 3.000 công nhân, chủ tịch UBND các quận huyện tổ chức kiểm tra. Đối với cơ sở có 3.000 công nhân trở lên, Sở Y tế sẽ chủ trì, phối hợp Sở Công thương, Liên đoàn Lao động TP và các sở ngành liên quan có biện pháp kiểm tra để thực hiện đúng Quyết định 1203 cũng như hướng dẫn 1249 của UBND TP. Các sở ngành, quận huyện tiếp tục tăng cường thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, tuyệt đối không được lơ là. (Sài Gòn giải phóng, trang 1).
Cảnh giác ca nhiễm cộng đồng
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh yêu cầu này tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh COVID-19, ngày 8/4. Thực tế số ca bệnh COVID-19 được phát hiện trong cộng đồng có chiều hướng gia tăng.
Ban Chỉ đạo nhận định, mặc dù đã thực hiện các giải pháp sớm, mạnh, dứt khoát để ngăn chặn dịch xâm nhập nhưng Việt Nam phải chấp nhận thực tế dịch bệnh đã lây lan trong cộng đồng. Bởi trước 0h ngày 22/3, thời điểm nước ta tạm dừng nhập cảnh tất cả người nước ngoài, vẫn còn hàng trăm nghìn người đã nhập cảnh, trong đó có rất nhiều người đến từ các nước có dịch.
Sắp xuất hiện thêm nhiều ca mới
Trước thực tế số ca bệnh COVID-19 được phát hiện trong cộng đồng có chiều hướng gia tăng, chiếm hơn 37% số trường hợp dương tính hiện nay, tại cuộc họp, các thành viên kiến nghị cần tập trung các biện pháp ngăn chặn. Theo đó, lấy mẫu xét nghiệm nhiều hơn và mở rộng diện xét nghiệm trong quần thể. PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế) nhận định, mặc dù đã ghi nhận sự lây lan virus gây bệnh COVID-19 trong cộng đồng nhưng mức độ lây lan chưa mạnh vì tỷ lệ dương tính trong xét nghiệm còn thấp và chưa có nhiều trường hợp nặng nhập viện.
Các ổ dịch như quán bar Buddha (TPHCM), Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) hay các khu cách ly tập trung không được mất cảnh giác với mọi ca bệnh mới phát hiện tại cộng đồng, không được bỏ qua bất kỳ khả năng nào dù nhỏ nhất. Ban Chỉ đạo thống nhất phải kiên định nguyên tắc từ đầu: ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch. Đây là chiến lược không thay đổi.
Đến giờ phút này Việt Nam vẫn đang kiểm soát dịch bệnh theo kịch bản dự báo và tới đây sẽ xuất hiện thêm các ca nhiễm cộng đồng. Tất cả các ca nhiễm này đều phải coi là ổ dịch tiềm năng, cùng với việc xác định nguồn lây, quan trọng hơn là phải thực hiện ngay các biện pháp ngăn chặn, cách ly, khoanh vùng, dập dịch.
Ban Chỉ đạo nhấn mạnh, quyết liệt, không được chủ quan, mất cảnh giác. Nhìn lại giai đoạn 1, khi 3 tuần liên tiếp Việt Nam không ghi nhận ca nhiễm mới nhưng Bộ Quốc phòng vẫn tổ chức diễn tập toàn quân để lường trước tình huống xấu.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định: “Đến giờ phút này chiến lược, nguyên tắc phòng, chống dịch của Việt Nam rất hiệu quả, hoàn toàn khác các nước phương Tây. Một mặt chúng ta theo dõi, nghiên cứu các kinh nghiệm trên thế giới nhưng điều quan trọng là phải kiên trì các nguyên tắc chống dịch từ ban đầu: Ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch và điều trị. Đặc biệt trong giai đoạn này phải rất chú ý đến việc phát hiện các ca lây nhiễm trong cộng đồng, khi phát hiện cần coi đây là ổ dịch tiềm năng (F0), tiến hành ngay các biện pháp cách ly, khoanh vùng với các đối tượng F1, F2”.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết, qua một số ca bệnh số 243, 247, 251, ngành y tế chưa xác định được nguồn lây nhiễm. Điều này cho thấy có sự lây lan trong cộng đồng.
“Tôi lấy ví dụ trường hợp bệnh nhân 243 (ở Mê Linh, Hà Nội) vào Bệnh viện Bạch Mai từ sớm, ngày 4/4 lấy máu, ngày 5/4 xét nghiệm ra dương tính thể hiện là bệnh nhân đang mắc bệnh. Đồng thời chúng tôi cũng làm kháng thể để xem bệnh nhân này nhiễm lâu hay mới nhiễm. Trong xét nghiệm của Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư làm không phát hiện ra kháng thể. Qua đây cho thấy đây là trường hợp mới nhiễm bệnh. Trong quá trình điều tra dịch tễ bệnh nhân này tiếp xúc với nhiều người tại nhiều nơi, kể cả có những nơi nguy cơ cao như các bệnh viện khác nên không thể khẳng định lây từ Bệnh viện Bạch Mai lâu rồi, có thể lây nhiễm trong cộng đồng. Vì vậy, các địa phương khi gặp những ca nhiễm tương tự, không được mất cảnh giác, chủ quan, nghĩ ngay rằng các ca nhiễm mới có liên quan đến ổ dịch cũ”, ông Phu nhấn mạnh.
Ban Chỉ đạo thống nhất đề nghị cùng với công tác ngăn chặn, phải triệt để phát hiện các ca nhiễm, tiến hành cách ly, xét nghiệm những người tiếp xúc, có liên quan để khoanh vùng, dập dịch ngay. Cần quyết liệt thực hiện giãn cách xã hội, không để người nhiễm tiếp xúc với người lành, phát hiện sớm trong cộng đồng các ổ dịch nhỏ, khoanh vùng, cách ly sớm nhất.
Mở rộng đối tượng rà soát
Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Sơn khẳng định, lực lượng công an sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế thực hiện “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”. Trong 2 ngày qua đã xuất hiện tình trạng người dân ra khỏi nhà nhiều hơn dù đang trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng về cách ly xã hội. Do đó cần kiên quyết chấn chỉnh, tránh tâm lý chủ quan, lơi lỏng.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đề nghị mở rộng đối tượng rà soát, không chỉ người từ nước ngoài về hay những người đến từ hoặc đi qua các ổ dịch. Trước hết là người nước ngoài vào Việt Nam đang lưu trú tại nhà nghỉ, khách sạn chứ không chỉ ở các khu dân cư; cộng đồng người nước ngoài đang sinh sống, làm việc tại Việt Nam; những người Việt Nam làm việc trực tiếp với người nước ngoài từ các ổ dịch...
Bộ Y tế đã chỉ đạo các cơ sở y tế tổ chức lại hệ thống trong bệnh viện, nâng cấp các biện pháp phòng, chống dịch nhằm bảo đảm an toàn cho người bệnh, nhân viên y tế và cộng đồng. Theo đó, bảo đảm đầy đủ phương tiện phòng hộ cá nhân đạt chuẩn cho tất cả nhân viên y tế khi khám và điều trị cho người nhiễm hoặc nghi nhiễm COVID-19. Trường hợp người bệnh cấp cứu chưa khai thác được yếu tố nguy cơ thì kíp cấp cứu phải mang đầy đủ trang phục phòng hộ cá nhân như khi cấp cứu người nhiễm COVID-19. Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật các tỉnh, thành phố kiểm tra nghiêm túc việc thực hiện của các cơ sở y tế. Trừ trường hợp bệnh nặng, cấp cứu, người dân cần liên hệ với cơ sở y tế để được hướng dẫn, đặt lịch hẹn khám trước… và thực hiện đầy đủ các quy định phòng bệnh của bệnh viện. (Tiền phong, trang 4).
Cùng chủ đề Báo Thanh niên, trang 1: “Ngăn chặn dịch lây nhiễm trong cộng đồng”; Tuổi trẻ, trang 1: “Dịch xâm nhập cộng đồng: đừng chủ quan”; Hà Nội mới, trang 2: “KHông buông lỏng, chủ quan trong phòng, chống dịch Covid-19”; Lao động, trang 2: “Đang tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng”; An ninh Thủ đô, trang 2: “Không mất cảnh giác với mọi ca bệnh mới phát hiện tại cộng đồng”.
Đình chỉ công tác 7 lãnh đạo, cán bộ Đại học Ngân hàng TPHCM
Tối 8-4, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng đã quyết định tạm đình chỉ công tác đối với Hiệu trưởng Đại học Ngân hàng TPHCM với ông Bùi Hữu Toàn và Phó Hiệu trưởng Nguyễn Đức Trung để tổ chức kiểm điểm, xem xét, kỷ luật do vi phạm các quy định về chấp hành các biện pháp cách ly, phòng chống dịch Covid-19.
Cùng với đó, Đại học Ngân hàng TPHCM cũng đã quyết định tạm đình chỉ công tác đối với 5 người, gồm các ông: Trần Việt Dũng, Viện trưởng Viện Đào tạo quốc tế; Nguyễn Anh Vũ, Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh và phát triển thương hiệu; Lê Trung Nhân, Phó Viện trưởng Viện Đào tạo quốc tế; Ông Văn Năm, Phó trưởng Phòng Khảo thí và đảm bảo chất lượng; Phùng Văn Ứng, Phó trưởng Khoa Lý luận chính trị. Tất cả 7 người nêu trên đều bị đình chỉ 15 ngày, kể từ ngày 8-4.
Trường Đại học Ngân hàng TPHCM là nơi TS Bùi Quang Tín giảng dạy và ông là người được cho là rơi từ tầng 14 của một chung cư ở huyện Nhà Bè, TPHCM. Trước khi vụ việc xảy ra, ông Tín và 7 người bị đình chỉ công tác nêu trên ăn cơm trưa và có uống bia rượu tại một căn hộ ở tầng 14 của chung cư. (Sài Gòn giải phóng, trang 2).
Thu giữ hàng triệu sản phẩm y tế làm giả nhãn hiệu
Ngày 8.4, Bộ Công an cho biết Phòng CSĐT tội phạm về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu, Công an TP.Hà Nội vừa khám xét khẩn cấp Công ty TNHH thương mại và dịch vụ y tế Đức Anh (địa chỉ số 5 ngõ 178, Tây Sơn, Q.Đống Đa, Hà Nội), phát hiện và thu giữ hàng triệu sản phẩm y tế liên quan đến việc phòng, chống dịch Covid-19 không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.
Các sản phẩm này gồm trang phục bảo hộ y tế, găng tay, kính, khẩu trang, giày bảo hộ.
Bước đầu, bà Trương Thị Bình (38 tuổi), Phó giám đốc Công ty TNHH thương mại và dịch vụ y tế Đức Anh, khai nhận số sản phẩm này được thu mua trên thị trường với giá chỉ bằng khoảng 40 - 50% giá trị của sản phẩm thật, sau đó in nhãn mác và đóng gói để bán kiếm lời.
Cơ quan chức năng xác định sau khi thu gom hàng trôi nổi, cơ sở này đã “phù phép” thành hàng của một công ty có thương hiệu và bán ra thị trường gần bằng với giá sản phẩm thật để tránh bị phát hiện. (Thanh niên, trang 3).
Cùng chủ đề Tuổi trẻ, trang 4: “Xử lý nghiêm trục lợi từ những chiếc khẩu trang”.
Việt Nam thử nghiệm thuốc chloroquine điều trị COVID-19
Bộ Y tế đã có quyết định giao Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM chủ trì đề tài nghiên cứu đánh giá tính an toàn và hiệu quả của việc dùng thuốc chloroquine điều trị COVID-19 trong 12 tháng.
Việt Nam thử nghiệm chloroquine điều trị COVID-19
Theo đó, các đơn vị phối hợp thực hiện gồm có Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện dã chiến Củ Chi, Bệnh viện dã chiến Cần Giờ (nay là Bệnh viện điều trị COVID-19), Viện Pasteur TP.HCM và Đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU).
Để thực hiện nghiên cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới sẽ triển khai thử nghiệm lâm sàng có đối chứng ngẫu nhiên với khoảng 240 người bệnh đã dương tính với virus corona chủng mới.
Các bệnh nhân sẽ được lựa chọn ngẫu nhiên chia thành hai nhóm và cùng được điều trị theo phác đồ điều trị bệnh COVID-19 hiện nay của Bộ Y tế. Nhưng một nhóm sẽ được uống chloroquine và một nhóm không.
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 8-4, giáo sư Guy Thwaites, giám đốc OUCRU, cho biết mục đích chính trong thử nghiệm lâm sàng lần này là để xem thuốc chloroquine có thể tiêu diệt virus corona chủng mới không, có thể làm giảm lượng virus trong mũi và họng người bệnh không.
"Chúng tôi hi vọng nếu thuốc có được hiệu quả đó, nó cũng sẽ làm tăng tốc độ bình phục cho người bệnh", ông Guy Thwaites nói, khẳng định thử nghiệm này sẽ tuân thủ mọi tiêu chuẩn quốc tế cao nhất, đặt sự an toàn của những người tham gia lên hàng đầu.
Cũng theo ông Guy Thwaites, sở dĩ thử nghiệm lâm sàng với thuốc chloroquine được thực hiện tại Việt Nam vì Việt Nam có một quan điểm rất chủ động trong nghiên cứu lâm sàng và khoa học.
OUCRU đã hợp tác với Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trong gần 30 năm qua, cùng thực hiện rất nhiều nghiên cứu và thử nghiệm lâm sàng để giúp chẩn đoán và điều trị các bệnh nhiễm nguy hiểm tại Việt Nam.
"Nếu thử nghiệm lần này cho thấy chloroquine tiêu diệt virus và giúp người bệnh bình phục nhanh, mang lại hiệu quả điều trị an toàn, không có các tác dụng phụ nghiêm trọng, khi đó Chính phủ sẽ xem xét việc cho phép điều trị thuốc với mọi bệnh nhân COVID-19.
Tuy nhiên cần có những chứng cứ thuyết phục nhất từ các thử nghiệm lâm sàng trước khi làm điều đó", GS Guy Thwaites nói.
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 8-4, TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, chủ trì đề tài nghiên cứu nói trên, nhấn mạnh việc điều trị COVID-19 bằng chloroquine cho tới nay tại Việt Nam vẫn còn đang ở giai đoạn chờ tiến hành thử nghiệm lâm sàng để có thể đánh giá đúng mức hiệu quả cũng như tính an toàn của thuốc, do đó người dân không được tự ý mua và dùng thuốc này vì có thể bị ngộ độc, tử vong. (Tuổi trẻ, trang 6).
Cùng chủ đề Báo Hà Nội mới, trang 7: “Thử nghiệm truyền kháng thể của người khỏi bệnh để điều trị ca mắc Covid-19”.