Đồng hành vì một Việt Nam khoẻ mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, vì một tương lai tươi sáng
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 9/6/2015

  • |
T5g.org.vn - 8 bệnh viện lớn sẵn sàng điều trị MERS-CoV; Phát triển y học cổ truyền đáp ứng nhu cầu nhân dân; Cứu sống thai nhi và sản phụ bị tổn thương tim cấp tính; Cắt gan cứu trẻ 2 tháng tuổi

8 bệnh viện lớn sẵn sàng điều trị MERS-CoV

Nhằm ngăn chặn dịch MERS-CoV vào Việt Nam, chiều 8/6, Bộ Y tế đã có cuộc họp với đại diện của WHO, CDC và các cơ sở y tế trong toàn quốc để có những biện pháp hữu hiệu nhất ngăn chặn dịch. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh: Dịch MERS-CoV đang diễn biến ngày càng phức tạp, đặc biệt Hàn Quốc đã có 6 trường hợp tử vong và 87 trường hợp mắc MERS-CoV, ở độ tuổi 57-82. Đặc biệt, đang có khoảng 100.000 người Việt Nam sinh sống ở Hàn Quốc và ngược lại. Do đó, nguy cơ dịch vào Việt Nam là cấp bách. Vì thế, ngành Y tế phải tập trung phòng, chống và ngăn chặn dịch vào Việt Nam, với việc chuẩn bị sẵn sàng về chuyên môn, hậu cần, kỹ thuật, truyền thông: không được chủ quan, mà cần phải quyết liệt ngay từ đầu. Các cơ quan chức năng phải phối hợp quản lý, giám sát chặt chẽ những địa điểm có đông người Hàn Quốc sinh sống. Nếu lơ là kiểm soát và phòng dịch sẽ phải trả giá rất đắt. Ngành Y tế phải quyết liệt ngăn chặn dịch MERS-CoV vào Việt Nam và khi có dịch thì phải tìm mọi cách để cứu sống người bệnh và ngăn chặn dịch lây lan ra cộng đồng.

Các chuyên gia trong nước và quốc tế đều thống nhất về khả năng lan truyền quốc tế và có thể lây lan vào nước ta qua công dân trở về từ vùng có dịch, hay đi từ các nước khác và đi qua vùng có dịch rồi nhập cảnh Việt Nam. Đại diện của WHO nhấn mạnh: Nhiều trường hợp MERS-CoV không hề tiếp xúc với lạc đà cũng mắc, nên chưa thể xác định được nguyên nhân thực sự. Những trường hợp ở Trung Quốc không có triệu chứng. Điều đáng nói là các bệnh nhân chủ yếu do lây nhiễm chéo trong bệnh viện (BV) và tỉ lệ tử vong cao nhất là ở những người có bệnh khác đi kèm.

WHO dự kiến, số người mắc MERS-CoV ở Hàn Quốc sẽ còn tăng, do lây nhiễm từ chính những người mắc và nhiều khả năng dịch còn kéo dài. WHO yêu cầu các cơ sở y tế cảnh giác cao đối với khả năng tiếp cận với MERS-CoV, đặc biệt với khách du lịch hoặc công dân lao động trở về từ Trung Đông và yêu cầu các nước thành viên báo cáo ngay tất cả các trường hợp MERS-CoV xác định và có thể cùng với các thông  tin về yếu tố phơi nhiễm, xét nghiệm và diễn biến.

Trước khuyến cáo của WHO, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (KCB) cho biết, Việt Nam đã triển khai các biện pháp khẩn cấp tại các BV để ứng phó với MERS-CoV, hạn chế lây nhiễm và tử vong. Nhằm duy trì hoạt động của các BV trong trường hợp dịch lan rộng, Cục Quản lý KCB đã có kế hoạch phân tuyến điều trị. Các BV được phân công điều trị những bệnh nhân MERS-CoV đầu tiên, nặng và khó là BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, BV Bạch Mai, BV Nhi Trung ương, BV TW Huế, BV Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, BV Nhi đồng 1, 2 và BV Chợ Rẫy…

Điều khiến các đại biểu lo ngại là không địa phương nào có thể loại trừ nguy cơ dịch vào đầu tiên. Theo Sở Y tế Đà Nẵng thì nguy cơ dịch cũng rất lớn, khi đang mùa du lịch, mỗi tuần có tới 22 chuyến bay từ Hàn Quốc đến (200 khách/chuyến), cùng 63 chuyến từ Trung Quốc về (200 khách/chuyến). Hà Nội mỗi ngày có khoảng 1.000 người, còn TP Hồ Chí Minh có gần 2.000 người từ Hàn Quốc nhập cảnh.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long yêu cầu các địa phương không được chủ quan, vì không biết dịch sẽ đến nơi nào trước nên cần chủ động đối phó và sẵn sàng cách ly toàn BV; nhân viên y tế ở lại 24/24h trong BV để chăm sóc bệnh nhân. Nhiều khả năng trường hợp đầu tiên sẽ được phát hiện tại BV. Khi có dịch, phải ưu tiên khám và có phòng khám riêng cho bệnh nhân MERS-CoV. Nhân viên y tế đến tận nơi xét nghiệm cho bệnh nhân, không để người bệnh đi lại trong BV và hạn chế chuyển tuyến lòng vòng. Ngay từ bây giờ, phải khuyến cáo bệnh nhân đeo khẩu trang khi tiếp xúc.

Những khó khăn hiện này là giám sát người từ vùng dịch về. Điều này đòi hỏi ngành Y tế phải tuyên truyền để người dân hiểu và tự giác, như trường hợp 2 vợ chồng người Việt Nam đi Trung Đông về, có cưỡi lạc đà, đã tìm đến cơ sở y tế để xét nghiệm. Nhờ đó mà 3 trường hợp về từ vùng dịch đều đã được xét nghiệm sớm để khẳng định là âm tính với MERS-CoV.

Bộ Y tế yêu cầu, khi có dịch, các đơn vị phải cung cấp thông tin kịp thời cho báo chí để tuyên truyền kịp thời đến người dân. Chiều 8/6, Bộ Y tế đã ban hành quyết định bổ sung giám sát và phòng, chống bệnh MERS-CoV theo cập nhật mới nhất từ WHO: Thời gian ủ bệnh kéo dài từ 2-14 ngày, thay cho 10 ngày như trước đây. Do đó, ngành Y tế phải quản lý và theo dõi tình trạng sức khỏe của những người tiếp xúc gần người bệnh nhiều hơn 4 ngày. 

Chiều tối 8/6, BCĐ phòng, chống dịch MERS-CoV của Bộ Y tế, gồm đại diện các ngành đã họp về tình hình bệnh, do Bộ trưởng Bộ Y tế chủ trì. Bộ VH,TT&DL khuyến cáo không đưa khách du lịch đến các nước đang có dịch.

Đại tá Nguyễn Văn Lộc, Phó cục trưởng Cục Y tế (Bộ Công an) cho biết: Ngày 7/6, Bộ Công an đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, trong đó, yêu cầu Cục Quản lý xuất nhập cảnh và các đơn vị trực thuộc phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan làm tốt công tác nắm tình hình, tham mưu, đề xuất lãnh đạo Bộ Công an tăng cường quản lý, kiểm soát hoạt động xuất nhập cảnh theo chỉ đạo của Chính phủ trong thời gian dịch bệnh.

Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị miễn phí xét nghiệm với các trường hợp nghi nhiễm MERS-CoV. Lãnh đạo Bộ Y tế sẽ kiểm tra công tác ứng phó với dịch ở các BV. (Công an nhân dân (trang 8), Tuổi trẻ (trang 14), Lao động (trang 2), Tiền phong (trang 1), An ninh thủ đô (trang 4), Nhân dân (trang 8), Hà Nội mới (trang 1).

 

Phát triển y học cổ truyền đáp ứng nhu cầu nhân dân

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về công tác y dược cổ truyền. 

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế, các bộ, ngành, địa phương tổ chức hoạt động y học cổ truyền tại tất cả các cơ sở khám chữa bệnh (KCB) và phòng bệnh; phối hợp y học cổ truyền và y học hiện đại tại các cơ sở KCB, nhất là tại các khoa khám bệnh. Kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại trong tất cả các khâu: Khám bệnh, chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh. Xác định danh mục các bệnh khám, chữa bệnh hiệu quả bằng y học cổ truyền; danh mục các bệnh khám, chữa bệnh hiệu quả khi kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại để các bệnh viện thực hiện.

Bộ Y tế, các bộ, ngành, địa phương cần phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam xây dựng chính sách về bảo hiểm y tế để tạo điều kiện khuyến khích nhân dân khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền với mô hình thí điểm thông tuyến (không dùng giấy giới thiệu chuyển viện) để người dân tự lựa chọn cơ sở y học hiện đại hay y học cổ truyền để KCB. (An ninh thủ đô (trang 2)

 

Cứu sống thai nhi và sản phụ bị tổn thương tim cấp tính

Bệnh nhân bị phình gốc và bóc tách động mạch chủ cơ tim cấp trong tình trạng mang thai tuần thứ 31, cơ hội sống chỉ là 48 giờ kể từ lúc khởi phát cơn đau. Do đó, các bác sĩ đã quyết định mổ bắt con và thay van động mạch chủ để cứu cả mẹ, lẫn con.Chiều 8/6, bác sĩ Nguyễn Thái An - Trưởng khoa Hồi sức phẫu thuật tim, Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM - cho biết, chị N.T.N.Tiến (26 tuổi, ngụ Tây Ninh) đang mang thai 31 tuần tuổi thì đột nhiên bị đau nhói từ phía trước ngực, rồi lan ra sau lưng. Ngoài ra, thai phụ bị vã mồ hôi, khó thở.

Bệnh nhân được đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy ngày 5/6. Kết quả siêu âm tim cho thấy gốc động mạch chủ phình to 5cm và bóc tách từ nơi xuất phát cơ tim lên đến quai động mạch chủ và dọc xuống động mạch chủ ngực. 

Theo bác sĩ An, đây là một bệnh lý cấp tính hiếm gặp, khả năng tử vong cao nếu không được cấp cứu khẩn cấp trong vòng 48 giờ đầu kể từ lúc bệnh khởi phát. Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, mới chỉ ghi nhận ca đầu tiên, còn thế giới cũng chỉ mới ghi nhận 20 ca tương tự.

“Cái khó ở trường hợp này là bệnh nhân có thai nên vấn đề phải làm sao cứu được cả hai mẹ con. Sau cuộc hội chẩn với các bác sĩ Bệnh viện Hùng Vương, chúng tôi đã thống nhất phương án mổ bắt con và sau đó là thực hiện ngay ca phẫu thuật thay gốc và thay van động mạch chủ để cứu sống người mẹ”, bác sĩ An chia sẻ. 

Trước khi mổ bắt con, các bác sĩ đã cho thuốc kích để phổi em bé nhanh trưởng thành. Vào chiều 6/6, ca mổ đã thành công. Hai mẹ con chị Tiến đã được cứu sống. Người mẹ hiện đã tỉnh táo, có thể ăn uống được. Dự kiến khoảng 1 tuần sau sẽ xuất viện.

Qua trường hợp này, bác sĩ An khuyên phụ nữ có thai nên đi siêu âm tim ít nhất một lần trong thai kỳ. “Đây là cách nhẹ nhàng, hiệu quả nhất để tầm soát xem mình có bệnh gì ở tim hay không. 

Vì ngoài bệnh lý về động mạch chủ rất là hiếm như trên thì phụ nữ mắc bệnh về van hai lá rất nhiều. Trong trường hợp, hẹp khít 2 lá mà có thai sẽ khó khăn trong việc giải quyết để giữ mạng sống của cả hai mẹ con”, ông An nói. (Tuổi trẻ (trang 14), Tiền phong (trang 2).

 

Cắt gan cứu trẻ 2 tháng tuổi

Khối u máu lớn ở gan phải với nhiều đường thông bất thường giữa động mạch và tĩnh mạch gan, gây suy tim, khiến tính mạng của bệnh nhi 2 tháng tuổi bị đe dọa.

Theo thông tin được đăng tải tại website Bệnh viện Nhi Trung ương, bé Đoàn Thế Bảo (ở Sơn Đông, Bắc Giang, 2 tháng tuổi) có khối u máu lớn ở gan phải, với nhiều đường thông bất thường giữa động mạch và tĩnh mạch gan, gây suy tim, khiến tính mạng bị đe dọa. Các bác sỹ tại Bệnh viện Nhi Trung ương đã phẫu thuật cắt gan phải cứu sống bệnh nhi này.

Chị Thảo, mẹ của bé Bảo cho biết, khi mới 24 ngày tuổi, cháu có những cơn ho nhẹ, sau đó ho bé khó thở, kèm những cơn tím người. Vì vậy, gia đình đã cháu đến khám tại bệnh viện huyện. Tại đây, bác sỹ chẩn đoán cháu bị mắc tim bẩm sinh có tăng áp phổi nặng chưa rõ nguyên nhân. Ngày 4/4 vừa qua, bé được đưa vào đơn vị Hồi sức tim mạch, Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng nguy kịch như: khó thở, suy hô hấp, tím tái. Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, phim chụp X-quang của cháu Bảo cho thấy bóng tim rất to, siêu âm tim thấy tim phải giãn nhiều, áp lực buồng tim phải cao-những biểu hiện của suy tim nặng. 

Theo bác sĩ Lê Hồng Quang-phụ trách đơn vị Hồi sức Tim mạch, suy tim ở trẻ em thường do 3 nhóm nguyên nhân: bệnh lý tim bẩm sinh, bệnh lý cơ tim hoặc rối loạn chuyển hóa. Tuy nhiên, các kết quả xét nghiệm loại trừ hoàn toàn khả năng bé Bảo mắc các bệnh này.

Dấu hiệu huyết động bất thường kết hợp tình trạng tăng áp phổi nặng hướng các bác sĩ tới khả năng cháu bị bệnh lý ngoài tim, có thể là ở gan. Và kết quả siêu âm dopler gan cấp cứu phát hiện khối u máu lớn ở gan phải của cháu, với nhiều đường thông bất thường giữa động mạch và tĩnh mạch gan. Đây chính là thủ phạm khiến cháu bé suy tim nặng, tăng áp phổi nặng. 

Ngày 14/5, sau cuộc hội chẩn giữa chuyên khoa Tim mạch, chẩn đoán hình ảnh, hồi sức ngoại và ngoại khoa, các bác sĩ thống nhất phẫu thuật cắt gan cấp cứu cho cháu Bảo ngay trong chiều hôm đó.

PGS.TS Trần Ngọc Sơn-Phó trưởng khoa Ngoại, người trực tiếp thực hiện ca mổ cho biết, cắt gan phải là một phẫu thuật lớn và phức tạp, đòi hỏi kỹ năng chuyên sâu. Khó khăn càng nhiều khi bệnh nhân mới 40 ngày tuổi và đang trong tình trạng cấp cứu, suy hô hấp, suy tim. Nguy cơ chảy máu trong mổ cao hơn so với các ca cắt gan thông thường vì đường thông động-tĩnh mạch bất thường khiến phần gan phải bị tăng tưới máu, tĩnh mạch gan phải giãn rất lớn. Nhờ sự phối hợp tốt giữa các ê-kíp, ca phẫu thuật đã diễn ra suôn sẻ.

Sau ca phẫu thuật kéo dài 4 giờ đồng hồ, bé Bảo được chăm sóc tích cực tại phòng cách ly khoa Hồi sức ngoại. Ngay sau mổ các thông số về hô hấp của trẻ bắt đầu được cải thiện. Sau hơn 2 tuần được chăm sóc tích cực tại khoa, tình trạng suy tim và tăng áp phổi của bé Bảo được kiểm soát tốt. Dự kiến cháu có thể ra viện trong thời gian tới.

Đây là bệnh nhi nhỏ tuổi nhất mắc bệnh lý này được cứu sống tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Có thể nói, thành công của ca bệnh này sẽ là tiền đề để nhiều trẻ em mắc các bệnh về tim do nguyên nhân tương tự được cứu sống. (Tuổi trẻ (trang 14), Lao động (trang 7).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang