Đồng hành vì một Việt Nam khoẻ mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, vì một tương lai tươi sáng
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 9/7/2015

  • |
T5g.org.vn - Xe cấp cứu bốc cháy khi lộn nhào, 2 người tử vong; Đề án Tiếp sức người bệnh: Giảm quá tải, tiêu cực bệnh viện…

Xe cấp cứu bốc cháy khi lộn nhào, 2 người tử vong

Đâm vào xe máy, ôtô cứu thương lật ngang khiến người đàn ông cùng một bệnh nhi chết tại chỗ, 4 người khác bị thương. Khi các nạn nhân được đưa ra ngoài, xe bất ngờ cháy ngùn ngụt.

16h ngày 8/7, xe cấp cứu chở 5 người gồm tài xế, nữ điều dưỡng, bệnh nhi 7 tuổi cùng 2 người nhà (cha và bà nội của bệnh nhi) chạy trên quốc lộ 60, hướng từ Trà Vinh đi TP HCM. Vừa xuống dốc cầu Cổ Chiên (huyện Mỏ Cày, Bến tre), ôtô cấp cứu tông xe máy của ông Nguyễn Văn Út (49 tuổi) bay xuống lề đường.

Sau cú tông mạnh, xe cấp cứu lộn nhiều vòng, nằm lật ngược trên quốc lộ. Người đàn ông đi xe máy và bệnh nhi trên xe cấp cứu tử vong tại chỗ, 4 người còn lại được người dân kịp kéo ra ngoài, đưa đi cấp cứu.

"Mọi người dân chạy đến phá cửa ôtô, kéo các nạn nhân ra ngoài thì xe cấp cứu bốc cháy ngùn ngụt. 15 phút sau, cứu hỏa đến hiện trường nhưng chiếc xe đã cháy rụi", ông Châu Duy Nhân - Phó công an xã Thành Thới A (huyện Mỏ Cày Nam) - thông tin.

Sở Y tế tỉnh Trà Vinh cho biết, xe cấp cứu bị nạn là của Bệnh viện Sản - Nhi Trà Vinh khi đang trên đường đưa em Đặng Trung Kiên (7 tuổi, ngụ huyện Duyên Hải) bị ung thư máu lên Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP HCM điều trị.

Vụ việc đang được điều tra làm rõ. (Tuổi trẻ (trang 4).

Đề án Tiếp sức người bệnh: Giảm quá tải, tiêu cực bệnh viện

“Với sự tham gia của đông đảo thanh niên tình nguyện (TNTN) bằng tinh thần nhân ái, hết lòng vì bệnh nhân, trong đó có nhiều sinh viên theo học ngành y, chúng tôi hy vọng Đề án Tiếp sức người bệnh giảm tình trạng quá tải, đẩy lùi các tiêu cực trong bệnh viện, hướng tới sự hài lòng của người bệnh, đồng thời gieo mầm nhân ái, giá trị nhân văn”, Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam Nguyễn Phi Long, nói.

Từ 2016-2020, triển khai tại 90 bệnh viện

Vì sao Hội LHTN Việt Nam tổ chức chương trình Tiếp sức người bệnh và thời gian của chương trình kéo dài trong bao lâu, thưa anh?

Hiện, các bệnh viện tuyến trung ương đều trong tình trạng quá tải, nảy sinh nhiều vấn đề: Gia đình bệnh nhân đội chi phí phát sinh trong quá trình chữa bệnh, ngành y tế quá tải trong đón tiếp bệnh nhân. Đây là những nguyên nhân tạo ra bức xúc cho bệnh nhân, người nhà và ngành y tế.

Để đáp ứng nhu cầu về chăm sóc cho bệnh nhân nghèo, bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn tại các bệnh viện trung ương, bệnh viện tỉnh thông qua cung cấp đội ngũ TNTN được đào tạo và hoạt động có tổ chức, Trung ương Hội LHTN Việt Nam, Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, phát động chương trình Tiếp sức người bệnh trong toàn quốc. Những đội hình TNTN này giúp đỡ người bệnh trong bệnh viện góp phần thực hiện chủ trương lớn về xã hội hóa công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, đặc biệt là công tác chăm sóc sức khỏe cho người nghèo.

Vậy “Tiếp sức người bệnh” được tổ chức như thế nào, TNTN sẽ làm những công việc gì?

Năm 2015, chúng tôi sẽ tổ chức chương trình tại 30 bệnh viện ở 5 thành phố (trong đó có 12 bệnh viện ở Hà Nội, 14 bệnh viện ở TPHCM, Bệnh viện T.Ư Huế, 2 bệnh viện ở Đà Nẵng, Bệnh viện T.Ư Cần Thơ) và 90 bệnh viện từ năm 2016-2020.

Tại các bệnh viện, các đội TNTN phối hợp với các phòng ban trực tại khu vực tiếp đón và tham gia hướng dẫn, giúp đỡ người bệnh và người nhà bệnh nhân tới khám và điều trị ngay từ cổng bệnh viện. Giúp đỡ, chỉ dẫn bệnh nhân và người nhà đi lại, di chuyển để được khám chữa bệnh thuận lợi, nhanh chóng; hướng dẫn bệnh nhân và người nhà thực hiện các thủ tục khám bệnh, nhập viện, xuất viện nhanh chóng, hiệu quả. Bên cạnh đó, các tình nguyện viên (TNV) hướng dẫn người nhà người bệnh sử dụng các dịch vụ hiện có trong bệnh viện; nhắc nhở bệnh nhân và người nhà thực hiện các nội quy trong bệnh viện, giữ gìn vệ sinh môi trường bệnh viện. Hỗ trợ, cùng với nhân viên y tế vận chuyển bệnh nhân đảm bảo an toàn, đúng kỹ thuật.

TNV còn giúp đỡ người nhà bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn chăm sóc người bệnh trong quá trình khám và điều trị tại bệnh viện. Thăm hỏi, trò chuyện với người bệnh nhằm động viên tinh thần, tạo động lực, niềm tin cho người bệnh. Đồng thời tham gia tổ chức các hoạt động từ thiện như: “Nồi cháo yêu thương”, “Bát cơm nghĩa tình” cho những người bệnh và người nhà người bệnh có hoàn cảnh khó khăn đang điều trị trong bệnh viện. Tổ chức chương trình “Mang âm nhạc đến bệnh viện” phục vụ bệnh nhân và đội ngũ y, bác sĩ. Phối hợp với Phòng Công tác xã hội để kết nối các bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn với các nhà hảo tâm.

Đẩy lùi tiêu cực trong bệnh viện

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến có nói, bên cạnh nhiều tập thể và cá nhân đã không quản khó khăn, gian khổ hết lòng vì tính mạng, sức khỏe của người bệnh, vẫn còn một bộ phận cán bộ có thái độ không đúng đắn, thiếu văn hóa, thiếu y đức, thậm chí có hành vi tiêu cực. Vậy, đề án có đặt ra tiêu chí giúp giảm bớt vấn nạn phong bì, thưa anh?

Một trong những vấn nạn của ngành y tế là phong bì cho nhân viên y tế và “cò” bệnh viện để làm các thủ tục, tạo ra tâm lý rất mệt mỏi, lo lắng cho bệnh nhân.

Tôi thấy, vấn đề nâng cao y đức được Bộ Y tế, lãnh đạo các bệnh viện hết sức quan tâm triển khai và đạt được kết quả nhất định. Trong các bệnh viện, tính minh bạch hóa, cải cách thủ tục hành chính cơ bản tốt, tuy nhiên không tránh khỏi trường hợp còn tiêu cực. Cùng với sự quyết tâm của lãnh đạo Bộ Y tế, các bệnh viện và nhận thức, hỗ trợ của người dân, “Tiếp sức người bệnh” với các hoạt động nhân văn chắc chắn sẽ nhận được sự ủng hộ của đại đa số nhân viên y tế và đông đảo người bệnh… Khi các hoạt động tình nguyện lan tỏa, chắc chắn sẽ góp phần đẩy lùi những hành vi tiêu cực trên; thậm chí ở khía cạnh khác, hành vi tiêu cực sẽ tự triệt tiêu khi giá trị hành động tích cực được nhân lên.

Cảm ơn anh.

“Tiếp sức người bệnh” nhằm thực hiện giảm tải được 30% công tác của điều dưỡng viên, nhân viên hành chính tại những bệnh viện thực hiện đề án; giảm được 80-90% tình trạng hút thuốc lá trong bệnh viện; giảm được 50-70% tình trạng vứt rác không đúng nơi quy định. Góp phần làm giảm tình trạng “cò” bệnh viện tại những bệnh viện thực hiện trong đề án tiến tới chấm dứt được tình trạng cò bệnh viện. Đến hết năm 2015 xây dựng được 30 đội hình tình nguyện, với hơn 3.000 TNV tham gia giúp đỡ người bệnh trong bệnh viện. Đến hết năm 2019, xây dựng được 100 đội hình tình nguyện, với hơn 10.000 TNV tham gia giúp đỡ người bệnh trong bệnh viện. (Tiền phong (trang 7).

Cấp cứu cho bệnh nhân,18 y bác sĩ phơi nhiễm HIV

Ngày 8.7, TS-BS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện (BV) Phụ sản Hà Nội, cho biết 18 y bác sĩ của BV phơi nhiễm HIV từ bệnh nhân. Đây là các y bác sĩ tham gia cấp cứu, phẫu thuật cho một bệnh nhân nữ vào viện trong trình trạng nguy kịch hôm 5.7.

Chỉ sau khi phẫu thuật, các nhân viên y tế mới được biết bệnh nhân có nhiễm HIV, bởi vậy đã không chủ động các phương tiện phòng lây nhiễm tối ưu.

Ngay sau đó, các y bác sĩ đã được cấp thuốc kháng vi rút và lấy mẫu máu xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm hiện tại cho thấy, 18/18 y bác sĩ đều âm tính với HIV. (Thanh niên (trang 2), Lao động (trang 1), Nông thôn ngày nay (trang 5).

Chính phủ bổ sung kinh phí mua thuốc điều trị HIV

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định bổ sung 60 tỷ đồng dự toán năm 2015 cho Bộ Y tế để mua thuốc ARV điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính cân đối bố trí nguồn bổ sung. Bộ Y tế chịu trách nhiệm về tính chính xác của nội dung và số liệu báo cáo, quản lý và sử dụng số kinh phí bổ sung đúng mục đích, đúng quy định, hiệu quả, thiết thực.

Đồng thời, Bộ Y tế cần khẩn trương phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng và trình Chính phủ quy định chính sách sử dụng thuốc ARV (trong đó, quy định cụ thể đối tượng được cấp miễn phí thuốc ARV theo quy định tại Luật Phòng, chống nhiễm HIV/AIDS, đối tượng phải chi trả tiền thuốc ARV) để người dân biết và tham gia bảo hiểm y tế.

ARV là thuốc điều trị dùng cho những người nhiễm HIV, có tác dụng làm giảm sự phát triển của virus HIV và làm chậm giai đoạn HIV sang AIDS. Dùng ARV cho người có HIV được nhìn nhận là một trong những biện pháp tích cực giúp người có HIV cải thiện sức khoẻ và kéo dài thời gian sống của mình. (An ninh thủ đô (trang 4).

Tạm dừng thanh toán BHYT với 23 loại thuốc

Bộ Y tế vừa có văn bản gửi Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, Sở Y tế các tỉnh, TP và các bệnh viện trực thuộc Bộ hướng dẫn thanh toán và sử dụng 23 thuốc có hàm lượng không thông dụng, trúng thầu giá cao sử dụng tại các cơ sở khám chữa bệnh theo chế độ bảo hiểm.

Bộ Y tế đề nghị BHXH Việt Nam tạm dừng thanh toán đối với 23 thuốc này, Sở Y tế các tỉnh/ thành phố không đưa vào kế hoạch mua sắm và các cơ sở y tế phải có kế hoạch sử dụng các thuốc khác cùng hoạt chất để đáp ứng nhu cầu điều trị của đơn vị. Trường hợp bắt buộc phải dùng những thuốc nói trên, các đơn vị phải báo cáo Bộ Y tế và BHXH chỉ thanh toán theo giá mua vào của các cơ sở khám chữa bệnh. An ninh thủ đô (trang 6):

Hưởng ứng ngày Dân số thế giới (11-7): Ưu tiên hỗ trợ người dân dễ bị tổn thương trong thiên tai

Ngày Dân số thế giới (11-7) năm nay có chủ đề: "Hỗ trợ chăm sóc sức khỏe sinh sản/ kế hoạch hóa gia đình (SKSS/KHHGĐ) cho người dân dễ bị tổn thương trong thiên tai". Hưởng ứng chủ đề đó, Bộ Y tế đã có những giải pháp nhằm chăm sóc SKSS/KHHGĐ cho phụ nữ ở những vùng thiên tai, lũ lụt, những vùng bị ảnh hưởng khắc nghiệt bởi thời tiết.

VIỆT NAM là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trước các tác động của biến đổi khí hậu khi tình trạng nước biển dâng, xâm nhập mặn, cũng như sự bất thường của lượng mưa và các hình thái thời tiết khác. Theo tính toán, nếu biến đổi khí hậu không được giảm một cách hiệu quả thì đến cuối thế kỷ này, nước ta sẽ mất đi ít nhất 22% diện tích đất. Những trận bão lụt, siêu giông vừa qua đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, nhất là công tác chăm sóc sức khỏe của người dân cả vùng thành thị lẫn nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Mặc dù đã có những sáng kiến ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai bằng các dự án, trong đó có chương trình hợp tác với các tổ chức quốc tế, nhưng phần lớn các dự án này tập trung vào xóa đói, giảm nghèo và cung cấp lương thực chứ chưa tập trung vào chăm sóc SKSS/KHHGĐ cho người dân. Chính vì vậy, theo ông Béc-na Cô-cơ-lin -điều phối viên Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam cho biết: Ngày Dân số thế giới năm nay, UNFPA đã đưa ra chủ đề này bởi ngày càng xảy ra nhiều thiên tai, lũ lụt, hạn hán trên thế giới. Và hơn hết, phụ nữ và trẻ em gái chịu nhiều thiệt thòi nhất bởi hệ luỵ của thiên tai. Bằng việc làm cụ thể, Quỹ UNFPA đã thiết kế bộ đồ dùng cứu trợ khẩn cấp đặc biệt giúp phụ nữ và trẻ em gái bảo vệ bản thân và đáp ứng các nhu cầu vệ sinh cá nhân căn bản trong thiên tai. Bộ đồ này gồm: giấy vệ sinh (bằng chất liệu có thể tái sử dụng), quần áo, khăn tắm, xà-phòng, bàn chải... Các đồ dùng này đáp ứng cả nhu cầu vệ sinh cơ bản trước mắt của những người dân bị ảnh hưởng và tạo điều kiện cho phụ nữ có thể duy trì cuộc sống trong một thời gian tối thiểu.

Theo Phó Tổng cục trưởng Dân số Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) Nguyễn Văn Tân, để hưởng ứng Ngày Dân số thế giới, Bộ Y tế đã triển khai những nội dung của Thông điệp Ngày Dân số gửi đến 63 tỉnh, thành phố trong cả nước; nhất là những vùng có nguy cơ thiên tai, lũ lụt hay xảy ra. Triển khai xây dựng các lớp tập huấn để nâng cao năng lực ứng phó tình huống thiên tai, bảo đảm nguồn cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trong tình huống thiên tai, nhất là phụ nữ và trẻ em gái. Xây dựng những mô hình tương tự nhằm luyện tập, thích ứng với những mô hình như vậy trong tình huống có thể xảy ra, để nếu như thiên tai, lũ lụt xảy ra, bảo đảm các dịch vụ được triển khai đáp ứng đến những người dân ở nơi có lũ. Ngoài ra, ngành dân số cũng đã chuẩn bị những gói chăm sóc SKSS cơ bản cho phụ nữ, trẻ em gái, nhằm cung ứng dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trong thời gian một tháng. Bên cạnh đó, sẽ chú trọng nhiều hơn đối với việc tăng cường bảo đảm dịch vụ SKSS/KHHGĐ cho người dân ở những khu vực thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác dân số để họ có kinh nghiệm chuẩn bị, ứng phó và khắc phục hậu quả của thiên tai; bảo đảm việc cung cấp một cách kịp thời, hiệu quả dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ trước và sau thiên tai nhằm giảm rủi ro về bệnh tật cho người dân vùng thiên tai.

Mặc dù, chủ đề Ngày Dân số thế giới năm nay là một chủ đề mới khác biệt hẳn so với mọi năm, tuy vậy ngành dân số cũng đã đưa ra năm nhóm giải pháp phù hợp, tăng cường năng lực hệ thống tổ chức, điều hành, quản lý đến công tác chuẩn bị, đáp ứng và tham gia khắc phục hậu quả thiên tai của ngành từ trung ương đến địa phương. Xây dựng và hoàn thiện cơ chế chính sách trong chuẩn bị, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai. Tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ, cộng tác viên dân số các cấp nhằm cung cấp dịch vụ một cách hiệu quả và kịp thời trong tình huống thiên tai. Thiết lập cơ chế thông tin trong ngành để đánh giá tác động thiên tai và làm cơ sở cho việc chủ động chuẩn bị, ứng phó với thiên tai. Triển khai nghiên cứu bổ sung các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao chất lượng hoạt động, kỹ năng ứng phó với thiên tai của cán bộ ngành dân số.

Thông điệp toàn cầu cho Ngày dân số Thế giới (11-7)

Luôn bảo đảm phẩm giá, sự an toàn và SKSS cho mọi phụ nữ và trẻ em gái. Cuộc sống của mọi người phụ nữ luôn quý giá trong bất kỳ tình huống nào. Phụ nữ và trẻ em gái là những nhóm dân số dễ bị tổn thương khi thiên tai xảy ra và những nhu cầu cụ thể của họ thường không được đáp ứng. Khi thiên tai xảy ra, cần phải chú trọng tới nhu cầu về chăm sóc SKSS cho phụ nữ và trẻ em gái trong độ tuổi sinh sản. Nếu chúng ta thực hiện được việc này thì cuộc sống của phụ nữ và các trẻ em gái sẽ trở nên an toàn và khỏe mạnh hơn. (Nhân dân (trang 5):

Cứu sống sản phụ bị ngừng tim

Ngày 8-7, bác sĩ Bạch Cẩm An, Trưởng khoa Sản (Bệnh viện T.Ư Huế) cho biết, đơn vị này vừa cứu sống một sản phụ bị ngừng tim. Ngày 2-7, chị Dương Thị Quỳnh S, 34 tuổi, trú ở TP Huế nhập viện trong tình trạng mang thai 34 tuần tuổi, đa ối cấp, thai nhi đã chết trong bụng mẹ.

Các bác sĩ đã đặt thuốc gây chuyển dạ để lấy thai nhi. Sau khi đặt thuốc, sản phụ S. có dấu hiệu chuyển dạ, nhưng lên cơn khó thở, co giật, người tím tái và tim ngừng đập. Ê-kíp bác sĩ khoa Sản phối hợp với khoa Gây mê hồi sức A tiến hành phẫu thuật, kịp thời đặt nội khí quản cho người bệnh. Người bệnh đã tỉnh lại, nhận biết được sau hai ngày hôn mê và sức khỏe đang dần ổn định. (Nhân dân (trang 5).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang