Thủ tướng yêu cầu quan tâm hơn nữa đến đội ngũ y, bác sĩ chống dịch
Ngày 8/9, qua nắm bắt thông tin dư luận, Thủ tướng đã trực tiếp chỉ đạo Bộ trưởng Bộ Y tế khẩn trương có giải pháp kịp thời, cụ thể đối với đội ngũ y bác sỹ tham gia chống dịch.
Thủ tướng cũng chỉ đạo đưa vào Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ về việc giao Bộ Y tế chủ trì cùng các bộ, ngành liên quan tiếp tục quan tâm hơn nữa về đời sống vật chất, tinh thần và đề xuất chính sách cho các lực lượng tuyến đầu chống dịch, nhất là đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng và nhân viên y tế đang ngày đêm vất vả phục vụ nhân dân.
Thời gian qua, trong các chuyến làm việc tại địa phương, nhất là khi kiểm tra công tác phòng chống dịch tại những điểm nóng nhất về dịch bệnh như Bắc Ninh, Bắc Giang, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Long An…, Thủ tướng đã luôn dành nhiều thời gian thăm hỏi, động viên các lực lượng tuyến đầu chống dịch, trong đó có đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng và nhân viên y tế.
Như phản ánh của Tiền Phong, thời gian qua, lực lượng y tế ltrực tiếp đối mặt nguy hiểm, áp lực công việc và trách nhiệm ở mức cao nhưng thu nhập của nhân viên y tế đang bị giảm sâu vì bệnh viện tự chủ về tài chính nhưng không có nguồn thu.
Nhân viên y tế làm việc với cường độ gấp nhiều lần so với ngày thường với nhiều rủi ro nhưng thu nhập của họ đang giảm mạnh. Tuy vậy, các y, bác sĩ vẫn đang cố gắng chiến đấu, quyết tâm điều trị, cứu chữa cho bệnh nhân nhưng đến giờ này ai cũng lo lắng bởi nhiều người đang gánh trên vai cả gia đình với nhiều miệng ăn, chưa kể họ phải trả thêm tiền thuê nhà và rất nhiều khoản tiền khác (Tiền phong, trang 2; Sài Gòn giải phóng, trang 11; Tuổi trẻ, trang 3).
'Kiểm soát được dịch', sao vẫn xuất hiện F0?
Một tuần trôi qua sau khi hai địa phương đầu tiên tại TPHCM công bố đã “kiểm soát được dịch COVID-19”. Tuy nhiên, số ca F0 mới vẫn xuất hiện khiến nhiều người lo lắng về khả năng kiểm soát dịch và các nguy cơ lây nhiễm.
Sở Y tế TPHCM khẳng định, địa phương kiểm soát được dịch nhưng vẫn có các vùng nguy cơ khác nhau, trong đó vùng đỏ là những nơi xuất hiện ca F0 mới.
Theo tiêu chí của Bộ Y tế
Những ngày qua, nhiều bạn đọc đã liên hệ phản ánh tới báo Tiền Phong về việc, người dân ở quận 7 và Củ Chi là hai địa phương đã công bố kiểm soát được dịch từ ngày 2/9, tuy nhiên đến nay trên địa bàn vẫn xuất hiện ca bệnh mới. Nhiều bạn đọc lo lắng về nguy cơ lây nhiễm bởi sự chủ quan của cộng đồng khi địa phương công bố đã kiểm soát được dịch nhưng số ca F0 mỗi ngày vẫn phát hiện qua xét nghiệm.
Theo số liệu từ Cổng thông tin COVID-19, TPHCM, ngày 7/9 tại Quận 7 ghi nhận thêm 173 ca mới mắc COVID-19, tại huyện Củ Chi ghi nhận thêm 231 ca mắc mới.
Tại cuộc họp báo về tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố, trả lời câu hỏi của phóng viên Tiền Phong vì sao các địa phương đã công bố kiểm soát được dịch nhưng vẫn ghi nhận nhiều ca mắc mới, ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết: Theo tiêu chí của Bộ Y tế, khi các địa phương công bố kiểm soát dịch bệnh không có nghĩa là trên địa bàn hoàn toàn không có ca bệnh mà chỉ có tiêu chí căn cứ vào xu hướng giảm của số ca F0 trong một khoảng thời gian nhất định là 14 ngày. “Nếu địa phương nào thực hiện được các tiêu chí sẽ được đánh giá và xếp vào nhóm đã kiểm soát được dịch COVID-19 trên địa bàn. Điều đó có nghĩa là việc Quận 7, Củ Chi đã kiểm soát được dịch nhưng vẫn xuất hiện F0” - BS Nguyễn Hữu Hưng nói.
Đến nay, toàn thành phố bao gồm cả Củ Chi và Quận 7 đều chưa có quận huyện nào là “vùng xanh” trên bản đồ COVID-19 mà chỉ có những phường xã, khu phố là vùng xanh. Tiêu chí vùng xanh được đánh giá căn cứ trên cơ sở 14 ngày địa phương không có ca F0, vùng cận xanh là địa phương 7 ngày không có F0 vùng vàng có 1 ca F0, vùng cam 3 ca F0 và vùng đỏ 3 ca F0 trở lên. Thành phố đang nỗ lực thiết lập các khu vực bảo vệ, với lực lượng y tế, lực lượng của địa phương tham gia giữ chốt đồng thời tăng cường các hoạt động xét nghiệm, tiêm chủng và an sinh xã hội cho người dân để từng bước thu hẹp vùng đỏ, mở rộng vùng xanh sớm đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ đời sống của người dân và mở cửa phát triển kinh tế, xã hội bắt đầu giai đoạn bình thường mới.
Tại Quận 7, nhiều vùng xanh ở cấp độ tổ dân phố, phường đang được giữ vững. Hầu hết người dân ở các vùng đỏ, vùng cam đã được test (xét nghiệm) nhanh với COVID-19, số người dân tham gia tự test tại nhà để xác định tình trạng của bản thân và gia đình ngày càng nhiều. Trên địa bàn quận hiện có 11.655 ca dương tính với khoảng 2.600 F0 đang cách ly tại nhà. Cùng với việc phát đầy đủ các túi thuốc, địa phương đang tổ chức tư vấn qua điện thoại, đáp ứng nhanh các tình huống khẩn cấp được thực hiện hàng ngày để hỗ trợ F0 và cộng đồng.
Tại huyện Củ Chi, chính quyền địa phương đang khẩn trương mở các xã, ấp an toàn. Đến nay chỉ còn 1 xã thuộc vùng có nguy cơ cao (xã Trung An) 2/21 xã thuộc vùng có nguy cơ (xã Bình Mỹ, xã Tân Thạnh Đông), 18/21 xã bình thường mới, trong đó có đến 15 xã xanh. Tại các ấp đã xây dựng mô hình bảo vệ an toàn trước COVID-19.
Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TPHCM cho biết, thành phố đã lập các tổ đánh giá dựa theo tiêu chí của Bộ Y tế, sắp tới những địa phương đạt tiêu chí đề ra sẽ được công bố đã kiểm soát được dịch. Các địa phương này sẽ tiếp tục làm thu hẹp vùng đỏ mở rộng vùng xanh làm sạch COVID-19 trên toàn địa bàn (Tiền phong, trang 3).
Bộ Y tế sẽ thí điểm "hộ chiếu vắc xin nội địa" theo tình hình từng địa phương
Tại phiên họp đầu tháng 9, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết những người đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin vẫn có nguy cơ mắc bệnh nhưng tỉ lệ mắc và nguy cơ chuyển nặng đều thấp hơn người chưa tiêm nhiều lần.
Ông Long cho biết đã có đề xuất cho phép người đã tiêm vắc xin tại các tỉnh thành đang thực hiện giãn cách xã hội được đi lại, làm việc, học tập, đi chợ mua thực phẩm... Trước mắt, Bộ Y tế sẽ xây dựng hướng dẫn thí điểm ở một số tỉnh thành phía Nam.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, chuyên gia của Bộ Y tế cho biết bộ này đang giao Cục Quản lý môi trường y tế xây dựng hướng dẫn thí điểm thực hiện "hộ chiếu vắc xin nội địa". Chuyên gia này cho rằng 14 ngày sau tiêm mũi 1, cơ thể đã có kháng thể nhưng tỉ lệ còn thấp, kháng thể sẽ đạt cao nhất sau 14 ngày tiêm mũi 2.
Người đã tiêm vắc xin và thực hiện 5K có thể đi lại có kiểm soát. Các tỉnh thành thực hiện thí điểm vừa triển khai, vừa theo dõi xem ca bệnh có gia tăng sau khi áp dụng, nếu tình hình tốt sẽ mở rộng hoặc ngược lại.
Chuyên gia này cũng đề xuất nên áp dụng tùy theo tình hình từng địa phương, không áp dụng giống nhau hay cứng nhắc. Ví dụ, người tiêm 2 mũi vắc xin bắt đầu được cho đi máy bay, đi lại, nhưng khi về địa phương thì yêu cầu xét nghiệm như quy định người đã tiêm 2 mũi từ nước ngoài phải xét nghiệm khi đến Việt Nam.
Với du lịch cũng áp dụng như vậy. Hiện nay có thể đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin cho toàn bộ dân ở các khu du lịch, như Phú Quốc chẳng hạn, và cho phép những người tiêm đủ mũi và khách du lịch các nước đã tiêm đủ mũi đến Phú Quốc du lịch. Hiện tại đã có một số quốc gia lân cận áp dụng "hộ chiếu vắc xin nội địa", khi đó có thể người đã tiêm vẫn nhiễm virus nhưng không gặp biến chứng nặng (Tuổi trẻ, trang 2).
Xét nghiệm COVID diện rộng: 11 địa phương hỗ trợ Hà Nội
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh ký ban hành Kế hoạch về xét nghiệm diện rộng, tiêm chủng vắc-xin phòng, chống COVID-19 cho người dân trên địa bàn thành phố.
Triển khai an toàn
Mục đích của kế hoạch nhằm tập trung mọi nguồn lực, tranh thủ từng phút, từng giờ, bằng mọi biện pháp tận dụng tối đa thời gian “vàng” giãn cách xã hội thần tốc xét nghiệm diện rộng toàn thành phố theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 71 ngày 6/9; đảm bảo an toàn trong triển khai xét nghiệm, sớm phát hiện trường hợp lây nhiễm...
Theo kế hoạch này, thành phố tổ chức tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19 mũi 1 cho toàn bộ người dân từ 18 tuổi trở lên trên địa bàn đến ngày 15/9 trên cơ sở số vắc-xin được Bộ Y tế phân bổ và giao. Mục tiêu là đến ngày 15/9 tại các khu vực có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao của Hà Nội, phải hoàn thành lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ người dân ít nhất 3 lần (từ 2- 3 ngày/lần); tại các khu vực có nguy cơ và các khu vực khác phải hoàn thành lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ người dân ít nhất 1 lần (5-7 ngày/lần). Hà Nội đồng thời xét nghiệm tầm soát 100% với các trường hợp có biểu hiện ho, sốt, khó thở, viêm đường hô hấp... Thành phố cũng sẽ xét nghiệm 3 ngày/lần đối với nhân viên, người lao động tại các cơ sở khám, chữa bệnh và các đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh; hướng dẫn người dân tự lấy mẫu có sự giám sát của nhân viên y tế hoặc tình nguyện viên. Áp dụng xét nghiệm RT-PCR hoặc kháng nguyên nhanh kết hợp với việc gộp mẫu phù hợp. Trường hợp xét nghiệm RT-PCR mẫu gộp, phải trả kết quả xét nghiệm trong vòng 12 giờ.
Không để mẫu xét nghiệm tồn trong 24 giờ
Đáng chú ý, theo kế hoạch này, 11 tỉnh, thành phố sẽ tham gia hỗ trợ thành phố trong công tác xét nghiệm, tiêm chủng gồm 7 tỉnh theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 71 là: Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Thái Nguyên và 4 tỉnh, thành phố Hà Nội đề nghị hỗ trợ là: Hải Dương, Phú Thọ, Quảng Ninh, Hải Phòng. Thành phố yêu cầu bảo đảm công tác chuẩn bị chu đáo, toàn diện; phương án tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19 và xét nghiệm SARS-CoV-2 thống nhất, phù hợp năng lực, công suất tiêm chủng, không để mẫu tồn trong 24 giờ; bảo đảm công tác hậu cần đầy đủ, đồng bộ và có sự phối hợp chặt chẽ, hiệp đồng linh hoạt giữa các đơn vị trong quá trình triển khai thực hiện đảm bảo an toàn phòng chống dịch.
Thành phố cũng yêu cầu bảo đảm an toàn phòng, chống dịch cho các lực lượng (tham gia lấy mẫu, xét nghiệm, tiêm chủng) và người dân, tránh lây nhiễm chéo trong khu vực lấy mẫu, tiêm chủng. Các tỉnh, thành phố tham gia hỗ trợ thành phố Hà Nội trong xét nghiệm, tiêm chủng thực hiện tại quận, huyện, thị xã nào thì địa phương đó chịu trách nhiệm bố trí nơi ăn, chỗ ở và bảo đảm điều kiện làm việc.
Theo phân công, tại Vùng 1, việc lấy mẫu xét nghiệm và tiêm chủng do các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố thực hiện; tại Vùng 2, đơn vị hỗ trợ thực hiện là các tỉnh: Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên; tại Vùng 3, đơn vị hỗ trợ thực hiện là các tỉnh: Hưng Yên, Hà Nam, Hòa Bình, Phú Thọ, Quảng Ninh, Hải Dương, Hải Phòng. Thời gian triển khai xét nghiệm diện rộng, tiêm chủng vắc-xin phòng, chống dịch COVID-19 là đến ngày 15/9.
Các địa phương được giao chỉ đạo rà soát, lập danh sách người lấy mẫu xét nghiệm, danh sách người tiêm chủng và huy động đầy đủ số lượng thực hiện theo kế hoạch; phân công lực lượng đảm bảo an ninh trật tự, hướng dẫn người dân thực hiện quy định về an toàn phòng, chống dịch tại khu vực lấy mẫu xét nghiệm và các điểm tiêm; chỉ đạo việc chuyển mẫu xét nghiệm tới các cơ sở thực hiện xét nghiệm theo phân luồng tiếp nhận mẫu xét nghiệm.
UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo, phân công nhân lực để nhập 100% dữ liệu lấy mẫu xét nghiệm ngay từ khi lấy mẫu và cập nhật vào hệ thống để báo cáo theo thời gian thực; chỉ đạo thành lập các tổ lấy mẫu, xét nghiệm COVID-19 tự nguyện tại cộng đồng dưới sự hướng dẫn của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội và trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã (Tiền phong, trang 4).
Xem lại việc xét nghiệm tài xế đã tiêm 2 mũi vaccine
Ngày 8-9, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, đã có văn bản yêu cầu Bộ Y tế nghiên cứu, xem xét, có hướng dẫn cụ thể đối với kiến nghị của Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM về việc thực hiện xét nghiệm đối với tài xế đã tiêm đủ 2 mũi vaccine Covid-19, vừa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, vừa tạo thuận lợi cho việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa phục vụ sản xuất kinh doanh.
Trước đó, Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM kiến nghị Bộ GTVT và Bộ Y tế về việc miễn xét nghiệm đối với tài xế đã tiêm 2 mũi vaccine, hoặc tăng thời gian xét nghiệm đối với tài xế lên 1 lần/tháng. Bởi hiện nay, quy định tài xế phải có xét nghiệm PCR hoặc xét nghiệm nhanh âm tính trong vòng 72 giờ, tức khoảng 10 lần/tháng, gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp và người lái xe vì tốn kém chi phí, mất thời gian đi xét nghiệm liên tục.
Liên quan đến việc cấp giấy đi đường đang gây bức xúc cho người dân thủ đô, Thủ tướng yêu cầu UBND TP Hà Nội có hướng dẫn cụ thể, kịp thời điều chỉnh nội dung còn bất cập trong việc cấp giấy đi đường cho các nhóm đối tượng theo quy định đã ban hành, không để xảy ra tình trạng người dân và doanh nghiệp chờ đợi kéo dài; không để tập trung đông người và ùn tắc giao thông, nguy cơ lây lan dịch bệnh tại các chốt kiểm soát dịch.
Ngày 8-9, tại cuộc họp giao ban trực tuyến giữa Bộ GTVT với các bộ, ngành, địa phương về công tác vận tải hàng hóa, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT cho biết, giá vật tư, giống, chi phí vận chuyển tăng cao trong khi giá nông sản giảm, khiến sản xuất nông nghiệp càng khó khăn. Do đó, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo các sở GTVT phối hợp chặt chẽ với sở NN-PTNT địa phương tháo gỡ nhanh những khó khăn, vướng mắc cho công tác vận chuyển và phân phối hàng hóa.
Ghi nhận những tồn tại trong công tác vận tải, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể yêu cầu các cơ quan, đơn vị giải quyết dứt điểm tình trạng ùn tắc trong vận chuyển hàng hóa, ưu tiên đặc biệt cho hàng nông sản. Các địa phương có vận tải thủy, đường biển, cảng biển nếu có tình trạng ùn ứ thì phải khắc phục ngay, báo cáo Bộ GTVT để chỉ đạo, xử lý (Sài Gòn giải phóng, trang 11; Tiền phong, trang 2).
TP.HCM kiến nghị Thủ tướng cho bệnh viện tư điều trị COVID-19 có thu phí
Ngày 8-9, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã ký công văn gửi Thủ tướng về việc chi trả chi phí cho các cơ sở y tế tư nhân tham gia điều trị bệnh nhân mắc COVID-19.
Theo nội dung công văn, trước đó Bộ Y tế đã đề nghị UBND TP.HCM huy động các cơ sở y tế tư nhân tham gia vào công tác phòng chống dịch COVID-19, đặc biệt công tác điều trị để giảm bớt áp lực cho các cơ sở y tế công lập.
Tính đến nay có khoảng 10 bệnh viện tư nhân tại TP.HCM tham gia điều trị cho cả ngàn bệnh nhân mắc COVID-19. UBND TP cho biết qua khảo sát, việc mua sắm thuốc, vật tư y tế, cũng như định mức sử dụng, chi phí điều trị bệnh nhân COVID-19 giữa hệ thống y tế công lập và tư nhân rất khác biệt.
Do đó, việc ngân sách nhà nước chi trả theo chi phí thực tế phát sinh điều trị tại các cơ sở y tế tư nhân gặp vướng mắc.
Cụ thể, nếu chi trả theo mức chi phí phát sinh như tại cơ sở y tế công lập thì cơ sở y tế tư nhân không thể duy trì được.
Chi trả theo mức chi phí thực tế phát sinh tại cơ sở y tế tư nhân sẽ dẫn đến nhiều tác động tiêu cực và cũng không có cơ sở để thực hiện. Bởi cùng sử dụng ngân sách nhà nước để chi trả cho công tác điều trị nhưng chi phí khác nhau giữa cơ sở y tế công lập và cơ sở y tế tư nhân.
Báo cáo của các cơ sở y tế tư nhân cho thấy hiện có rất nhiều bệnh nhân có điều kiện chi trả và sẵn sàng chi trả chi phí điều trị để được điều trị theo yêu cầu. Các cơ sở y tế đề nghị cho phép cơ sở y tế tư nhân được thu giá dịch vụ khám và điều trị bệnh nhân COVID-19.
Từ thực tế này, UBND TP.HCM đã có công văn gửi Bộ Y tế, Bộ Tài chính đề nghị hướng dẫn chi trả chi phí cho các cơ sở y tế tư nhân tham gia điều trị bệnh nhân COVID-19.
Ngày 1-9, Bộ Tài chính có công văn gửi Bộ Y tế đề nghị khẩn trương chủ trì nghiên cứu, xây dựng và trình cấp có thẩm quyền hoặc ban hành theo thẩm quyền quy định các điều kiện, tổ chức điều trị bệnh và chi trả chi phí khám chữa bệnh COVID-19 tại các cơ sở ngoài công lập.
Để giải quyết kinh phí điều trị bệnh nhân COVID-19, đảm bảo nguồn lực để các cơ sở y tế tư nhân tiếp tục công tác điều trị, giảm áp lực cho hệ thống y tế công lập, UBND TP kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Y tế khẩn trương thực hiện ý kiến của Bộ Tài chính; sớm tổng hợp trình Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định (Tuổi trẻ, trang 4).
Tăng tốc xét nghiệm COVID-19 tại 23 tỉnh, thành
Chiều 8/9, Bộ trưởng Bộ Y tế đã có công điện gửi UBND TPHCM , TP Hà Nội, Phú Yên và 20 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam gồm: Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tiền Giang, An Giang, Bà Rịa Vũng Tàu, Cần Thơ, Đà Nẵng, Đồng Tháp, Kiên Giang, Khánh Hòa, Tây Ninh, Trà Vinh, Vĩnh Long, Bạc Liêu, Bình Phước, Bến Tre, Cà Mau, Hậu Giang và Sóc Trăng về việc thần tốc xét nghiệm phòng chống dịch COVID-19.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1102/CĐ-TTg ngày 23/8/2021 về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên toàn quốc, trong đó xác định thần tốc xét nghiệm trên diện rộng là then chốt, trong thời gian qua, các địa phương, nhất là các nơi đang thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội đã đẩy mạnh việc triển khai xét nghiệm trên diện rộng, tuy nhiên tiến độ xét nghiệm tại một số địa phương chưa đáp ứng được các yêu cầu phòng, chống dịch.
Nhằm nhanh chóng kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh, không để tình trạng giãn cách kéo dài trên diện rộng, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trên khẩn trương chỉ đạo thực hiện các nội dung (Tiền phong, trang 4; Lao động, trang 3; Hà Nội mới, trang 7).
Tiêm mũi 1 vaccine do Moderna sản xuất thì có thể tiêm mũi 2 bằng vaccine do Pfizer sản xuất và ngược lại
Ngày 8-9, Bộ Y tế có thông cáo báo chí về cuộc họp của Hội đồng tư vấn chuyên môn đối việc tiêm chủng 2 loại vaccine Covid-19 khác nhau.
Theo đó Bộ Y tế cho biết, để thực hiện Chiến lược vaccine Covid-19, đến nay Việt Nam đã tiếp nhận nhiều loại vaccine được sản xuất theo các công nghệ khác nhau như công nghệ vector (do Astra Zeneca sản xuất, hoặc Sputnik V), công nghệ mRNA (do Pfizer, Moderna sản xuất), công nghệ bất hoạt (vaccine do Sinopharm sản xuất). Đồng thời hiện nay các nhà sản xuất cũng đang nghiên cứu phát triển một số loại vaccine bằng những công nghệ khác nhau. Thời gian vừa qua, do tình hình khan hiếm vaccine nói chung nên nhiều quốc gia đã nghiên cứu và sử dụng các liệu trình tiêm kết hợp 2 loại vaccine cùng công nghệ hoặc khác công nghệ sản xuất, căn cứ theo loại vaccine sẵn có tại từng thời điểm, như tiêm vaccine véctơ virus với vaccine mRNA, hoặc tiêm 2 loại vaccine mRNA của các nhà sản xuất khác nhau..
Xuất phát từ tình hình thực tế, nhu cầu sử dụng vaccine nhằm mục đích tăng độ bao phủ, tiêm sớm và đúng lịch để phòng, chống dịch, Hội đồng tư vấn chuyên môn về sử dụng vaccine Covid-19, Bộ Y tế khuyến cáo: Trong trường hợp bất khả kháng khi nguồn cung vaccine Covid-19 mũi 1 đã tiêm không đủ để tiêm mũi 2 thì có thể sử dụng vaccine khác để tiêm mũi 2 như sau:
Nếu tiêm mũi 1 vaccine do AstraZeneca sản xuất thì có thể tiêm mũi 2 bằng vaccine do Pfizer hoặc Moderna sản xuất; Nếu tiêm mũi 1 vaccine do Moderna sản xuất thì có thể tiêm mũi 2 bằng vaccine do Pfizer sản xuất và ngược lại (Sài Gòn giải phóng, trang 1).
TP.HCM chuẩn bị chiến lược trở lại bình thường mới
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho hay như vậy khi thăm và làm việc với Bệnh viện hồi sức COVID-19 đặt ở Bệnh viện Ung bướu TP cơ sở 2 (TP Thủ Đức) vào ngày 8-9. Theo ông, TP.HCM đang chuẩn bị các chiến lược để trở lại "bình thường mới", trong đó các yếu tố quan trọng là vắc xin, thuốc điều trị và ý thức phòng chống dịch.
Ông Nên cho rằng khi mở cửa, người ra đường và người tham gia các hoạt động phải được quản lý bằng dữ liệu. "Một trong những chiến lược khi mở cửa là an toàn, muốn an toàn phải kiểm soát, muốn kiểm soát phải có dữ liệu, cả dữ liệu vắc xin và dữ liệu về F0. Tiếp tục rà soát, không được chủ quan, để kiểm soát được nguồn lây, hạn chế tối đa ca tử vong", ông Nên nhấn mạnh (Tuổi trẻ, trang 2).
Khánh Hòa: tiêm đủ 2 mũi vắc xin, sau 14 ngày được đi lại trong "vùng vàng"
UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành chỉ thị mới về áp dụng các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 tương ứng với mức độ nguy cơ ở thôn, tổ dân phố của tỉnh này từ 0h ngày 8-9. Khánh Hòa dỡ bỏ các chốt kiểm soát nội huyện, các chốt kiểm soát liên tỉnh và liên huyện vẫn tiếp tục duy trì hoạt động.
Người dân di chuyển qua chốt/trạm kiểm soát liên huyện phải có giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19 trong vòng 72 giờ hoặc chứng minh đã được tiêm mũi 2 vắc xin sau 14 ngày, hoặc người đã điều trị khỏi bệnh COVID-19 và hoàn thành thời gian cách ly theo quy định.
Người dân "vùng xanh" và "vùng vàng" được đi mua đồ ăn uống mang về tại các cửa hàng kinh doanh ăn uống, đi chợ trong địa giới hành chính cấp xã theo phạm vi, tần suất do chủ tịch UBND cấp huyện quy định. Tất cả các trường hợp ra/vào "vùng vàng" phải có kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ hoặc đã tiêm vắc xin mũi thứ hai sau 14 ngày hoặc người đã điều trị khỏi bệnh COVID-19 và hoàn thành thời gian cách ly theo quy định.
Tuy nhiên, tại "vùng đỏ" và "vùng cam", người dân, kể cả trường hợp đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin, cũng phải ở trong nhà, không đi ra ngoài trừ những trường hợp cấp cứu, thiên tai, hỏa hoạn (Tuổi trẻ, trang 2).