Glôcôm là một căn bệnh nguy hiểm, gây mất thị lực, có thể gây mù vĩnh viễn
Chia sẻ tại Lễ mít tinh hưởng ứng “Tuần lễ Glôcôm năm 2016” được tổ chức tại Bệnh viện Mắt Trung ương, ngày 7/3/2016, GS. Tôn Thị Kim Thanh, Chủ tịch Hội Nhãn khoa Việt Nam cho biết, trong các nguyên nhân gây mù, bệnh glôcôm là nguyên nhân gây mù lòa đứng thứ 3 trên các bệnh lý gây mù ở mắt sau đục thể thủy tinh và các bệnh đáy mắt. Tuy nhiên người bị mù do thủy tinh thể “sung sướng” hơn nhiều so với bệnh nhân bị glôcôm vì phẫu thuật thủy tinh thể hiện nay được thực hiện với kỹ thuật cao, chỉ mất khoảng hơn 10 phút, hôm sau bệnh nhân đã có thể tìm được ánh sáng. Còn phẫu thuật glôcôm khó khăn hơn và phải theo dõi lâu dài nên không phải dễ dàng điều trị bệnh. Glôcôm là một căn bệnh nguy hiểm, gây mất thị lực, có thể gây mù vĩnh viễn; bệnh theo suốt cuộc đời, tổn thương không hồi phục; điều trị không khỏi chỉ có thể bảo tồn chức năng thị giác còn lại.
PGS.TS. Cung Hồng Sơn, Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết, trong những năm qua, được sự quan tâm, chỉ đạo của Bộ Y tế; sự ủng hộ của các đoàn thể, tổ chức xã hội cũng như sự giúp đỡ về chuyên môn, kỹ thuật của Tổ chức Y tế Thế giới, công tác phòng, chống mù lòa tại Việt Nam đã đạt được nhiều thành quả to lớn. Tuy nhiên tại nước ta, theo kết quả điều trị của RAAB (Rapid Assessment of Avoidable Blindnes) năm 2015, trên 14 tỉnh, thành phố tỷ lệ mù lòa ở người trên 50 tuổi chiếm 18%, trong đó tỷ lệ bị mù 2 mắt do bệnh glôcôm ở người có độ tuổi trên hoặc bằng 50 tuổi ước tính chiếm 4% (khoảng 13.160 người bị bệnh), chưa kể số người mù lòa một mắt do bệnh lý glôcôm. Bệnh glôcôm nếu không được phát hiện và điều trị sẽ tiến triển qua các giai đoạn tiềm tàng, sơ phát, tiến triển, trầm trọng, gần mù và mù.
Khám để phát hiện sớm, điều trị bệnh kịp thời
Hiện nay, tại Khoa Glôcôm (Bệnh viện Mắt Trung ương) quản lý trên 1.500 bệnh nhân mắc bệnh; hồ sơ ngoại trú 800 người (đây là bệnh nhân phát hiện trong giai đoạn muộn chỉ còn 1 mắt). Một số bệnh nhân glôcôm do phát hiện muộn nên tiến hành phẫu thuật đến 10 lần nhưng vẫn không tìm lại được ánh sáng. Nhưng có những trường hợp do phát hiện sớm, điều trị kịp thời bằng thuốc hoặc can thiệp phẫu thuật và bệnh nhân tuân thủ theo đúng sự hướng dẫn của bác sỹ nên may mắn đã đến với họ. Điển hình như trường hợp của bệnh nhân Nguyễn Hoàng Nam (Đan Phượng, Hà Nội), anh cho biết: Năm 2010, anh bị đau mắt đỏ bên trái và nhìn lờ mờ như màn sương. Sau khi đi khám tại bệnh viện tuyến huyện, anh lại lên Bệnh viện Mắt Trung ương khám lại và được các bác sỹ chẩn đoán bị glôcôm. “Sau 6 năm điều trị ngoại trú với sự tư vấn, hướng dẫn tận tình của các thầy thuốc Bệnh viện Mắt Trung ương cùng với việc tuân thủ điều trị nên hiện giờ mắt tôi đã nhìn được như bình thường”, bệnh nhân Nguyễn Hoàng Nam chia sẻ.
Không may mắn như bệnh nhân Nguyễn Hoàng Nam, cháu Nguyễn Thảo Vân 15 tuổi (Nghệ An), bị mắc bệnh glôcôm vì di truyền từ mẹ sang, nhưng do phát hiện muộn nên khả năng tìm lại ánh sáng là rất khó. Hiện cháu đang điều trị bệnh tại Khoa glôcôm Bệnh viện Mắt Trung ương. Cháu ngậm ngùi chia sẻ: “Mẹ cháu cũng bị bệnh glôcôm nhưng do phát hiện bệnh muộn nên hiện giờ đã bị mù cả 2 mắt. Đối với trường hợp của cháu không biết có giống như mẹ cháu không?”
Theo TS.BS. Đào Tấn, Trưởng Khoa Glôcôm, bệnh glôcôm là nhóm bệnh tương đối phức tạp có yếu tố di truyền, yếu tố về cơ địa chính vì vậy không thể dùng khái niệm phòng, tránh được như bệnh thông thường. Khi có các yếu tố đó một ngày nào đó bệnh sẽ bộc lộ ra. Khái niệm phòng, tránh ở đây được hiểu chỉ phòng, tránh được những tổn hại ở chức năng thị giác do căn bệnh này gây ra. Bệnh glôcôm có một số triệu chứng lâm sàng như: bệnh thường khởi phát đột ngột buổi chiều tối, hoặc khi bệnh nhân đang cúi xuống đọc sách, hoặc sau những sang chấn tinh thần mạnh. Ngoài ra, biểu hiện mắt đột ngột đau nhức dữ dội từng cơn, lan lên nửa đầu cùng bên, bệnh nhân nhìn đèn thấy có quầng xanh đỏ như cầu vồng, thường buồn nôn hoặc nôn, đau bụng, vã mồ hôi, mắt đỏ lên và nhìn mờ ở nhiều mức độ… khi có những triệu chứng như trên người bệnh nên đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám mắt, đo nhãn áp và xử trí kịp thời. TS.BS. Đào Tấn khuyến cáo người dân không nên lạm dụng và tự ý sử dụng thuốc nhỏ mắt khi không có chỉ định của thầy thuốc. Nếu tra steroid kéo dài cũng khiến cho mắt có thể bị glôcôm.
Năm 2016, Hiệp hội Glôcôm thế giới (WGA) và cộng đồng quốc tế tiếp tục tổ chức các hoạt động hưởng ứng “Tuần lễ Glôcôm thế giới” diễn ra từ 6/3 đến 12/3/2016 trên toàn thế giới với chủ đề “Phát hiện và kiểm soát bệnh glôcôm”. Tại Hà Nội, ngày 7/3/2016, Bệnh viện Mắt Trung ương tổ chức Lễ mít tinh hưởng ứng hoạt động này cùng các hoạt động khám, tư vấn miễn phí cho bệnh nhân ngoại trú tại Khoa Glôcôm từ ngày 7/3-11/3/2016. Trước đó, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống mù lòa Bộ Y tế và Bệnh viện Mắt Trung ương đã có công văn gửi tới Sở Y tế, các đơn vị nhãn khoa các tỉnh, thành phố trên toàn quốc kêu gọi tổ chức các hoạt động hưởng ứng “Tuần lễ Glôcôm năm 2016” bằng các hoạt động như mít tinh, tuyên truyền, tư vấn và khám bệnh miễn phí…
|
Bài, ảnh: Hoàng Hiền