Những hạn chế gây ảnh hưởng đến tính bền vững của chương trình DS-KHHGĐ
Tổng Cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) cho biết, mức độ phổ cập biện pháp tránh thai (BPTT) vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra do cơ hội tiếp cận dịch vụ KHHGĐ/SKSS còn hạn chế. Nhu cầu tránh thai chưa được đáp ứng còn khá cao, chiếm khoảng: 11,2% trong nhóm phụ nữ có chồng; 22,7% trong nhóm phụ nữ chưa chồng; 35% trong nhóm thanh niên, vị thành niên. Đặc biệt, nhu cầu về số lượng, chất lượng BPTT sẽ tiếp tục gia tăng trong giai đoạn 2016-2020 (nhằm đảm bảo mục tiêu duy trì mức sinh thay thế) bao gồm số thay thế BPTT đã hết tác dụng tránh thai và số BPTT phải tăng thêm cho số phụ nữ trong tuổi sinh đẻ đang có xu hương tăng lên từ 25,1 triệu người (năm 2015) lên 25,4 triệu người (năm 2020).
Hiện nay, các cơ sở cung cấp dịch vụ KHHGĐ/SKSS còn nhiều hạn chế trong việc bảo đảm sự thuận tiện, khả năng lựa chọn dịch vụ và đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng về chất lượng, hình thức của các nhóm khách hàng. Trạm y tế xã là nơi gần dân nhất và đã bao phủ rộng khắp các khu dân cư trong cả nước, nhưng mức độ cung cấp dịch vụ KHHGĐ còn thấp, nguyên nhân là trạm y tế xã chỉ cung cấp dịch vụ đặt, tháo dụng cụ tử cung, tiêm thuốc tránh thai và một số dịch vụ chăm sóc SKSS đơn giản. Mặc dù, bệnh viện các cấp, phòng khám đa khoa khu vực, trung tâm chăm sóc SKSS cấp tỉnh, khoa SKSS thuộc Trung tâm y tế cấp huyện có cung cấp các dịch vụ KHHGĐ/SKSS miễn phí và một phần nhỏ các dịch vụ theo yêu cầu có thu phí dịch vụ của khách hàng. Tuy nhiên, các cơ sở này vẫn chưa thể đáp ứng hết nhu cầu đa dạng từ phía khách hàng. Trong khi đó, cơ sở y tế tư nhân tham gia cung cấp các dịch vụ SKSS còn chậm phát triển, mở rộng. Tâm lý được “bao cấp” từ phía nhà nước trong việc cung cấp miễn phí dịch vụ KHHGĐ/SKSS còn khá phổ biến trong nhiều cộng đồng dân cư. Nhiều người chưa sẵn sàng tự trả chi phí dịch vụ KHHGĐ/SKSS hoặc chưa chấp nhận làm dịch vụ KHHGĐ/SKSS tại cơ sở y tế ngoài công lập. Thực tế mấy năm gần đây cho thấy, tỷ lệ sử dụng BPTT đã giảm bình quân 1,5 % năm. Trước năm 2010, chi phí dịch vụ KHHGĐ/SKSS chủ yếu được viện trợ không hoàn lại và ngân sách nhà nước chi trả. Từ sau năm 2010, nước ta trở thành nước có thu nhập trung bình thì các nguồn viện trợ và ngân sách phục vụ cho việc cung cấp miễn phí dịch vụ KHHGĐ/SKSS cũng đang có chiều hướng giảm mạnh.
Những thực tế trên đòi hỏi phải có biện pháp can thiệp, hỗ trợ của cơ quan quản lý về dịch vụ KHHGĐ/SKSS nhằm xóa dần tâm lý cung cấp miễn phí, tạo thuận lợi cho các cơ sở cung cấp dịch vụ KHHGĐ/SKSS trong và ngoài công lập vượt qua các rào cản, tăng cường phát triển, mở rộng thị trường, cung cấp các dịch vụ KHHGĐ/SKSS đa dạng, chất lượng cao.
Xã hội hóa cung cấp dịch vụ KHHGĐ/SKSS tại các cơ sở y tế đủ điều kiện
Để giải quyết những hạn chế, giúp duy trì thành công của Chương trình DS-KHHGĐ, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 2531/QĐ-BYT, ngày 7/6/2016 phê duyệt Dự án “Xây dựng và thử nghiệm mô hình xã hội hóa cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình/sức khỏe sinh sản tại các cơ sở y tế đủ điều kiện giai đoạn2016-2020” nhằm huy động được các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập và ngoài công lập, các cơ sở y tế và các tổ chức phi chính phủ tham gia cung cấp dịch vụ KHHGĐ/SKSS có chất lượng thông qua các hỗ trợ mở rộng thị trường; tạo cơ hội thuận lợi cho người dân được tiếp cận, sử dụng dịch vụ KHHGĐ/SKSS có chất lượng, góp phần thực hiện thành công Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản giai đoạn 2011-2020, bảo đảm cho sự phát triển bền vững của chương trình DS-KHHGĐ.
Giai đoạn 2016-2017 sẽ triển khai thử nghiệm mô hình xã hội hóa cung cấp dịch vụ KHHGĐ/SKSS có chất lượng tại 100 cơ sở y tế có đủ điều kiện của 4 tỉnh (bình quân 25 cơ sở/tỉnh); xây dựng và hoàn thiện cơ chế hoạt động, cơ chế quản lý cơ sở cung cấp dịch vụ KHHGĐ/SKSS có chất lượng; giai đoạn 2018-2020, sẽ đánh giá và triển khai mở rộng mô hình xã hội hóa cung cấp dịch vụ KHHGĐ/SKSS có chất lượng tại các cơ sở y tế đủ điều kiện của các tỉnh; bảo đảm mỗi cơ sở cung cấp được ít nhất 5 dịch vụ KHHGĐ/SKSS có chất lượng, đáp ứng nhu cầu đa dạng hóa, sự công bằng và sự phát triển bền vững của chương trình DS-KHHGĐ; từ sau năm 2020, các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập tham gia cung cấp dịch vụ KHHGĐ/SKSS có chất lượng theo cơ chế thị trường, các chuẩn hóa của hệ thống y tế và sự quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật.
Từ năm 2016 đến 2020, các địa phương huy động thêm cơ sở y tế đủ điều kiện tham gia cung cấp dịch vụ KHHGĐ/SKSS có chất lượng bằng nguồn lực của địa phương; phấn đấu huy động được số lượng cơ sở y tế tham gia cung cấp dịch vụ bằng ngân sách địa phương tương đương với số lượng cơ sở y tế tham gia cung cấp dịch vụ do ngân sách trung ương thực hiện nhằm nhanh chóng mở rộng thị trường cung cấp dịch vụ KHHGĐ/SKSS trong thời gian sớm nhất.
Bài: Như Hiển