Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo điện tử ngày 17/9/2015

  • |
T5g.org.vn - Giám đốc bệnh viện không nhất thiết phải là giáo sư đầu ngành; Không bắt buộc thu gộp bảo hiểm y tế cả năm với học sinh, sinh viên

Giám đốc bệnh viện không nhất thiết phải là giáo sư đầu ngành

Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tại hội nghị “Đẩy mạnh xã hội hóa (XHH) và kết hợp công tư trong hoạt động khám, chữa bệnh theo Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 15-12-2014 của Chính phủ” diễn ra ngày 16-9.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, từ năm 2008 đến nay, cả nước đã có 610/760 bệnh viện (BV) từ tuyến trung ương, tuyến tỉnh, tuyến huyện được đầu tư từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, từng bước hoàn thành, đưa vào phục vụ bệnh nhân. Cùng với đó, nhiều BV đã mạnh dạn vay vốn để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trong BV công bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực, giúp hoàn thành, đưa vào sử dụng sớm nhiều cơ sở y tế như: Viện Huyết học-Truyền máu trung ương, BV Răng Hàm Mặt trung ương TP Hồ Chí Minh, BV Trung ương Huế, BV Tai Mũi Họng trung ương, BV Hữu nghị Việt-Đức… từ đó đã góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách và giảm quá tải BV.

Ngoài ra, việc liên doanh, liên kết đã đạt được một số kết quả tích cực như phát triển nhiều kỹ thuật mới, trang bị được nhiều loại thiết bị hiện đại, tiên tiến như hệ thống PET.CT, CT-Scanner các loại (có cả loại 256, 128 và 64 lớp cắt), hệ thống cộng hưởng từ (MRI), máy gia tốc tuyến tính, các thiết bị tán sỏi ngoài cơ thể, mổ Phaco, siêu âm màu, máy xét nghiệm các loại... giúp nâng cao hiệu quả chẩn đoán và điều trị, phát hiện sớm, chính xác bệnh tật, giảm tỷ lệ tử vong. Nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật cao đã được thực hiện, làm cho trình độ kỹ thuật về y tế của Việt Nam đang dần tiến bộ ngang với các nước tiên tiến trong khu vực. Người dân, trong đó có người nghèo, cận nghèo, trẻ em, đối tượng chính sách, cũng được hưởng lợi vì được sử dụng các dịch vụ này, kể cả các dịch vụ kỹ thuật cao, chi phí lớn và được BHYT thanh toán.

Ông Trần Ngọc Lương, Giám đốc BV Nội tiết trung ương cho biết, trước đây BV chỉ có một cơ sở ở Thái Thịnh rất chật chội, cơ sở vật chất, trang thiết bị nghèo nàn. Nhờ dự án đầu tư cơ sở 2 với việc huy động nguồn vốn khoảng 25% do Nhà nước cấp, 63% nguồn vốn vay Ngân hàng Phát triển Việt Nam và 12% các nguồn vốn khác, hằng ngày BV đã tiếp nhận khoảng 750-800 bệnh nhân đến khám ngoại trú và lượng bệnh nhân điều trị nội trú từ 550-600 bệnh nhân. Cơ sở 2 của BV có trang thiết bị hiện đại, khang trang, khám chữa bệnh và điều trị chất lượng cao, giảm bớt cảnh quá tải, nằm ghép cho người bệnh.

Mặc dù đã có sự quan tâm của Nhà nước, nỗ lực cố gắng của ngành y tế và toàn xã hội nhưng cơ sở hạ tầng của ngành y tế hiện nay vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn, hiện còn nhiều BV chưa được đầu tư. Bên cạnh đó, quan tâm đầu tư cho y tế dự phòng, hệ thống y tế cơ sở chưa đồng bộ, thiếu các cơ sở chăm sóc khám, chữa bệnh chuyên khoa và khám chữa bệnh cho người cao tuổi. Một số đơn vị chưa sử dụng hợp lý các trang thiết bị y tế được đầu tư từ nguồn XHH, dẫn đến tình trạng cung ứng dịch vụ quá mức cần thiết. Còn có đơn vị chưa thực hiện đúng quy trình XHH theo các văn bản hướng dẫn, chưa quan tâm đầy đủ đến công tác kiểm tra, giám sát, thực hiện quy chế dân chủ...

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, trong điều kiện nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước hạn chế, giải pháp huy động các nguồn lực từ xã hội để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, hợp tác về quản lý, nâng cao chất lượng của hệ thống y tế đang được kỳ vọng sẽ mang lại hiệu quả khả quan. Sắp tới, Bộ Y tế sẽ ký kết hợp tác với Ngân hàng Viettin Bank để tháo gỡ khó khăn về vốn cho các BV công, tư và đổi mới hệ thống đào tạo, lựa chọn giám đốc các BV sao cho đủ năng lực về quản lý BV, điều hành kinh tế chứ không chỉ đặt ra yêu cầu giám đốc BV phải là bác sĩ, tiến sĩ, giáo sư đầu ngành như hiện nay.

Để tiếp tục XHH và kết hợp công tư trong khám, chữa bệnh hiệu quả, Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế) đề xuất, thời gian tới ngành y tế cần sớm thực hiện tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế vì hiện nay giá dịch vụ mới chỉ tính 3/7 yếu tố chi phí; chỉ có tính đủ chi phí thì mới thúc đẩy và khuyến khích vay vốn để đầu tư, bình đẳng giữa trong và ngoài công lập, khuyến khích tham gia BHYT. Các BV phải từng bước thu hẹp các giường bệnh theo yêu cầu nằm rải rác ở các khoa hiện nay. Các hoạt động khám, chữa bệnh theo yêu cầu phải sử dụng vốn vay, vốn huy động, tổ chức thực hiện theo Nghị quyết 93 của Chính phủ, độc lập với khu vực khám chữa bệnh thông thường. Bên cạnh đó, các BV phải tính toán cụ thể các trang thiết bị nào cần sử dụng các nguồn vốn của BV (như: quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp, ngân sách), trang thiết bị nào cần vay vốn, liên kết... để đạt hiệu quả cao nhất. Báo Hà Nội mới, ngày 16/9/2015, 16h18:

http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Xa-hoi/807335/giam-doc-benh-vien-khong-nhat-thiet-phai-la-giao-su-dau-nganh

Không bắt buộc thu gộp bảo hiểm y tế cả năm với học sinh, sinh viên

 “Thông tư 41/2014/TTLĐ-BTC-BY không quy định thu gộp 15 tháng. Có thể các tỉnh thành này tính đến sự tiện lợi nên thu gộp, dẫn đến mức đóng hơn 400.000 đồng đúng là hơi nặng nề”, Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam Nguyễn Thị Minh bày tỏ quan điểm tại cuộc họp báo chiều nay 16.9, thông tin về BHYT cho học sinh, sinh viên năm học 2015 - 2016.

Ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban Thực hiện Chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) cho biết, theo luật BHXH sửa đổi năm 2014, năm học 2015 - 2016, thay vì thu BHYT theo năm học, thời gian được thực hiện theo năm tài chính, tức là từ 1.1 - 31.12 hàng năm. Mức thu sẽ tăng từ 3 % lên 4,5 % lương cơ sở.

Cụ thể, mức đóng BHXH đối với học sinh và sinh viên là 612.000 đồng/năm (51.000 đồng x 12 tháng). Trong đó, học sinh, sinh viên phải đóng 70%, tương đương hơn 430.000 đồng, 30% còn lại Nhà nước sẽ hỗ trợ.

Do thời hạn sử dụng thẻ BHYT của học sinh, sinh viên năm học 2014 - 2015 sẽ kết thúc vào tháng 9.2014, trong khi năm học 2015 - 2016 còn 3 tháng năm 2015. Chính vì vậy, một số tỉnh, thành đã thực hiện việc thu gộp 3 tháng còn lại của năm 2015 (từ tháng 10 - 12) vào năm 2016.

Theo BHXH Việt Nam, việc thu gộp 15 tháng không phổ biến, chỉ diễn ra ở 8 tỉnh, thành là: TP.HCM, Bến Tre, Bình Định, Bình Phước, Hải Phòng, Quảng Trị, Khánh Hòa, Quảng Ngãi. Riêng TP.HCM đã dừng ngay việc thu 15 tháng và chuyển sang hướng dẫn thu 6 tháng hoặc 12 tháng. Các tỉnh, thành còn lại có hướng dẫn thu theo 6 tháng hoặc 12 tháng, 5 tỉnh hướng dẫn thu theo năm học (từ tháng 9 năm nay tới tháng 9 năm sau).

Lãnh đạo BHXH Việt Nam thừa nhận có một phần trách nhiệm trong việc tuyên truyền khiến một số nơi hiểu chưa đúng. “Thông tư 41/2014/TTLĐ-BTC-BY không quy định thu gộp 15 tháng. Có thể các tỉnh thành này tính đến sự tiện lợi nên thu gộp, dẫn đến mức đóng hơn 400.000 đồng đúng là hơi nặng nề”, bà Minh nhìn nhận.

Để linh hoạt trong việc đóng BHYT của học sinh, sinh viên, BHXH Việt Nam đề nghị liên bộ Y tế - Tài chính bổ sung Thông tư 41 phù hợp với luật BHYT và Nghị định 105/2014/NĐ-CP ngày 15.11.2014 của Chính phủ. Theo đó, có quy định thời gian đóng là 3 tháng, 6 tháng hoặc 12 tháng. Báo Thanh niên, ngày 16/9/2015, 19h15:

http://www.thanhnien.com.vn/giao-duc/khong-bat-buoc-thu-gop-bao-hiem-y-te-ca-nam-voi-hoc-sinh-sinh-vien-609045.html

Giẫm lên người chữa... bá bệnh ?! - Kỳ 2: Chỉ cấp phép tẩm quất

Sáng 15.9, trả lời Thanh Niên, ông Đặng Mộng Điệp, Phó chủ tịch UBND TP.Sông Công (Thái Nguyên), cho biết cơ sở của bà Phạm Thị Phú không có chức năng, nhiệm vụ thăm, khám chữa bệnh.

Trước đó, cơ quan ban ngành của TP.Sông Công đã cấp phép để cơ sở này hoạt động với hình thức tẩm quất và kinh doanh dịch vụ ăn uống với tên gọi là Ban Mai. “Hiện tôi đã chỉ đạo các phòng, ban chức năng tiến hành kiểm tra, rồi làm báo cáo gửi lãnh đạo. Nếu quả đúng sự thật như vậy thì phải có biện pháp xử lý nghiêm”, ông Điệp cho hay.

Cũng theo ông Điệp, sau khi nhận được thông tin phản ảnh, ông đã cho kiểm tra nhanh, qua đó, bà Phạm Thị Phú không hề được đào tạo qua trường lớp liên quan tới chuyên môn khám chữa bệnh. Một lãnh đạo xã Vinh Sơn (nơi “cô Phú” đặt cơ sở khám chữa bệnh) cũng bức xúc tại sao chỉ với tên cơ sở Ban Mai có thể ngang nhiên tổ chức khám chữa bệnh trong từng ấy năm, trong khi ban ngành chức năng, cả Sở Y tế, Công an TP.Sông Công cũng xuống kiểm tra cơ sở này một số lần và tiến hành xử phạt, nhưng không đóng cửa cơ sở của “cô Phú”. Cùng ngày, PV đã nhiều lần liên hệ với Công an TP.Sông Công, nhưng đều không được.

Trong khi đó, trao đổi với PV Thanh Niên, ông Phạm Vũ Khánh, Cục trưởng Cục Y dược cổ truyền (Bộ Y tế), thừa nhận việc chữa bệnh theo kiểu giẫm lên người như ở Sông Công đã tồn tại khoảng 5 - 6 năm qua.

Theo đó, Bộ Y tế, Sở Y tế Thái Nguyên đã có cuộc họp về hoạt động này, trong đó trách nhiệm trước hết thuộc về chính quyền địa phương trong quản lý hoạt động về khám chữa bệnh trên địa bàn. Nếu xác định đó là phương pháp chữa bệnh thì cần chứng minh hiệu quả, an toàn; cần lập hồ sơ, xây dựng đề cương nghiên cứu. Tuy nhiên, hiện nay Bộ Y tế vẫn chưa nhận được các thông tin chính thức từ địa phương về sự việc này.

Trong khi đó, vào sáng 15.9, có mặt tại cơ sở của "cô Phú", PV Thanh Niên ghi nhận vẫn có hàng trăm bệnh nhân ở khắp các tỉnh, thành kéo đến để thăm khám bệnh.

Theo Cục Y dược cổ truyền, Bộ Y tế, trong ngày 15.9, Sở Y tế Thái Nguyên và Phòng Y tế TP.Sông Công đã có các cuộc họp để tiếp tục đưa ra biện pháp xử lý đối với việc hành nghề không phép của bà Phú.

Cùng ngày, Cục Y dược cổ truyền đã có văn bản gửi Sở Y tế Thái Nguyên yêu cầu báo cáo sự việc và đề nghị địa phương cần có biện pháp giải quyết, không để tồn tại khám chữa bệnh không phép trên địa bàn. Báo Thanh niên, ngày 16/9/2015, 06h30:

http://www.thanhnien.com.vn/chinh-tri-xa-hoi/giam-len-nguoi-chua-ba-benh-ky-2-chi-cap-phep-tam-quat-608735.html

Phẫu thuật lấy khối u tuyến yên ở nền sọ

Chiều 15.9, tin từ Bệnh viện (BV) đa khoa Xuyên Á, TP.HCM cho biết ê kíp bác sĩ của BV được sự hỗ trợ của bác sĩ BV Chợ Rẫy đã thực hiện thành công ca phẫu thuật cắt u tuyến yên cho bệnh nhân Đ.T.T.T (19 tuổi, ngụ H.Trảng Bàng, Tây Ninh).

Chị T. bị đau đầu kéo dài hơn 3 năm nay, gần đây cơn đau tăng dần kèm suy giảm thị lực. Qua chụp chiếu, kiểm tra, bác sĩ phát hiện chị T. có một khối u ở tuyến yên (nằm ở nền sọ) chèn ép các bộ phận lân cận gây ra những triệu chứng trên.

Bệnh nhân được phẫu thuật lấy trọn khối u kích thước 2 x 6 cm. Theo bác sĩ, đây là ca phẫu thuật thần kinh chuyên sâu rất phức tạp vì u nằm ở vị trí khó tiếp cận; nếu để lâu u chèn ép não gây xuất huyết, nguy hiểm đến tính mạng.

http://www.thanhnien.com.vn/chinh-tri-xa-hoi/phau-thuat-lay-khoi-u-tuyen-yen-o-nen-so-608726.html Báo Thanh niên, ngày 16/9/2015, 07h56:

Hợp tác hỗ trợ kỹ thuật mổ tim

Tổ chức từ thiện phi lợi nhuận Impact Health Vietnam (IHVN) đến từ Hoa Kỳ vừa công bố chương trình hợp tác y tế với Bệnh viện đa khoa (BVĐK) Trung ương Cần Thơ và BVĐK Kiên Giang. Theo đó, IHVN sẽ hỗ trợ những kiến thức chuyên môn về tim mạch người lớn, cung cấp trang thiết bị, các loại thuốc cần thiết cho khoa tim, van tim phục vụ bệnh nhân nghèo...

Chương trình hợp tác với BVĐK Trung ương Cần Thơ diễn ra từ nay đến ngày 19.9 ở 2 khoa Phẫu thuật tim hở và Tim mạch can thiệp. Đoàn sẽ phối hợp với Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) tiến hành phẫu thuật tim hở; hỗ trợ van tim, stent và một phần chi phí cho các bệnh nhân nghèo được chỉ định mổ đợt này. Từ ngày 21.9 - 2.10.2015, IHVN sẽ hỗ trợ chuyên môn cấp cứu, hồi sức tim cho BVĐK Kiên Giang và các bệnh viện tuyến huyện gồm Giồng Riềng, Hà Tiên, Phú Quốc. Báo Thanh niên, ngày 16/9/2015, 09h31:

http://www.thanhnien.com.vn/doi-song/nhip-song-dia-phuong/hop-tac-ho-tro-ky-thuat-mo-tim-608653.html

Số ca sốt xuất huyết tại Hà Nội tăng vọt

Theo Trung tâm Y tế dự phòng thành phố Hà Nội cho biết, tính đến ngày 10/9, toàn thành phố ghi nhận 1.804 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng khoảng 3 lần so với cùng kỳ năm 2014.

Sở Y tế Hà Nội đã có văn bản yêu cầu Trung tâm Y tế dự phòng Thành phố và Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã tiếp tục triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường thu gom phế thải, phế liệu; áp dụng các biện pháp diệt bọ gậy; triển khai phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành tại các ổ dịch và phun hóa chất diện rộng tại các xã, phường có nguy cơ cao; tổ chức chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy trước khi phun hóa chất.

Các Trung tâm Y tế phối hợp với Phòng Y tế tham ưu cho UBND các quận, huyện, thị xã xây dựng kế hoạch và triển khai các biện pháp phòng chống dịch sốt xuất huyết trên địa bàn; giám sát chặt chẽ tình hình dịch, phát hiện sớm ca bệnh tại cộng đồng và các cơ sở y tế nhằm xử lý sớm, triệt để ổ dịch.

Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe tăng cường công tác thông tin, giáo dục, truyền thông với các hình thức đa dạng, phong phú, nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng trong công tác phòng, chống sốt xuất huyết.

Các cơ sở khám, chữa bệnh tổ chức khám sàng lọc, phát hiện kịp thời, điều trị tích cực cho người bệnh sốt xuất huyết, hạn chế thấp nhất tử vong; tập huấn cập nhật kiến thức cho cán bộ y tế về công tác chẩn đoán, điều trị sốt xuất huyết, đảm bảo đầy đủ nhân lực, trang thiết bị, thuốc cho công tác cấp cứu điều trị. Báo Công an nhân dân, ngày 16/9/2015, 16h13:

http://cand.com.vn/y-te/da-co-1-804-truong-hop-sot-xuat-huyet-tai-Ha-Noi-365741/

Bảo hiểm: “Phải đóng một đồng dân cũng kêu!”

Chiều 16/9, lãnh đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam có buổi họp báo thông tin về việc thu bảo hiểm y tế học sinh sinh viên năm học 2015-2016.

Tại buổi họp, ông Phạm Lương Sơn – Trưởng ban thực hiện chính sách BHYT cho rằng năm học 2015-2016 là năm bản lề - năm đầu tiên triển khai luật bổ sung BHYT.

Vấn đề trở lên nóng bỏng khi mức phí tăng từ 3% lên 4,5%. Đối với HSSV, căn cứ tính mức đóng cụ thể là lương cơ sở áp dụng theo quy định hiện hành. Thứ hai, thay vì thu theo năm học, khóa học thì thu theo năm tài chính

Trước ý kiến cho rằng “giáo viên chủ nhiệm phải làm hộ ngành BHYT”, ông Sơn khẳng định: “Luật sửa đổi quy định Bộ GD-ĐT có trách nhiệm chỉ đạo hướng dẫn thực hiện với học sinh sinh viên (HSSV), hướng dẫn lập danh sách HSSV tham gia tại nhà trường theo mẫu biểu do bảo hiểm xã hội ban hành, quy định rõ việc thu đóng theo năm tài chính. Luật quy định trách nhiệm thực hiện là của toàn bộ hệ thống chính trị, coi đó là việc của chính mình.”

“Luật BHYT, Nghị định 105, thông tư 41 nêu rõ trách nhiệm các đoàn thể, trong đó có nhà trường đứng ra hỗ trợ thu. Tuy nhiên một số hướng dẫn chưa được sâu rộng nên có nhiều vấn đề chưa đủ thông tin như việc giáo viên phải thu hộ bảo hiểm” – ông Trần Đình Liệu – Trưởng ban thu BHYT bổ sung.

“Nhưng chúng tôi cũng nhận lỗi một phần, đáng lẽ phải là từng GV, hiệu trưởng phải hiểu sâu hơn về tính chất của quỹ BHYT cho HSSV,nhưng chưa có điều kiện để họ hiểu thấu đáo để đến nỗi trả lời báo chí như thế!” - bà Nguyễn Thị Minh – Thứ trưởng Bộ Tài chính, Tổng giám đốc BHXHVN tiếp lời.

Trường đưa tỉ lệ đóng BHYT vào chỉ tiêu thi đua là “có trách nhiệm”

“Một số trường coi tỉ lệ mua BHYT của HSSV là mục tiêu thi đua. Tôi cho rằng đây là giao ước rất có trách nhiệm. Chính phủ đã chấp nhận chỉ tiêu tham gia BHYT ðýợc xem là một trong các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội địa phương, là một trong các chỉ tiêu tính vào thi đua các ngành, địa phương” – ông Sơn cho hay.

Về việc triển khai, BHXHVN đã triển khai ký hợp đồng đến 25.425 trường học cả nước. Chỉ còn 5 tỉnh thành tổ chức thu theo năm học như các năm học trước. Còn lại 58 tỉnh thành triển khai phối hợp thu theo năm tài chính. Tuy nhiên vẫn có 8 tỉnh thành triển khai thu 15 tháng. BHXHVN đã kịp thời trao đổi qua điện thoại với TPHCM triển khai thu theo năm tài chính nhưng có phân kỳ. Ngành GD-ĐT cũng đã ban hành công văn chỉ đạo sở GD-ĐT phân kỳ thu 6 tháng, tránh dồn thu tập trung vào đầu năm học tránh áp lực đầu năm cho phụ huynh

Về công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho HSSV ở nhiều địa phương theo ông Sơn còn chưa đạt theo yêu cầu như quy định, gây khó khăn cản trở để đảm bảo quyền lợi HSSV.

“Phải đóng một đồng dân cũng kêu!”

Bà Nguyễn Thị Minh – Thứ trưởng Bộ Tài chính, Tổng giám đốc BHXHVN phần trần: “Giá như thông tin về việc này được sớm thì sẽ được xã hội chia sẻ, đồng hành hơn. Tuy nhiên chính sách mới thì phải có thời gian “thấm” vào người dân, có quá trình nhận thức và kiểm nghiệm thực tế”.

Theo bà Minh BHYT là nhu cầu an sinh thiết yếu, sau chuyện cơm ăn nước uống, thì chuyện đi lại học hành và sức khỏe là vấn đề quan trọng nhất của một con người được Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm.

Bà Minh dẫn dụ ra nhiều nước như Úc mức đóng BHYT bắt buộc là 2000 USD/năm. Thái Lan thu BHYT từ 6% – 8%, Singapore là 11%, Trung Quốc 11,5%; Đài Loan 13,5% và tính theo thu nhập thực tế, cao hơn mức lương cơ sở tối thiểu như mức VN đang áp.

Từ 3% lên 4,5% có thể xem là cao, nhưng số tuyệt đối thì thấy rằng chỉ hơn những năm trước hơn 100.000 đồng, điều quan trọng hơn là nhóm khó khăn, yếu thế đều được hỗ trợ. “Nếu so với Úc ta không so được nhưng phải hiểu tại sao người ta làm như thế. Úc được khen là chăm sóc y tế tốt nhưng nước ta bỏ ra một đồng dân cũng kêu. Chúng tôi rất hiểu tâm lý đó, nhưng Nhà nước đã hỗ trợ những người nghèo thì những người bình thường cũng phải tham gia đóng góp” – lời bà Minh.

Đưa ra nhiều ví dụ về chuyện bệnh viện quá tải, trang thiết bị còn thiếu thốn,..theo bà Minh “muốn nâng cao chất lượng y tế thì đương nhiên phải nâng mức đóng lên”. Mức thu mới này theo bà Minh chỉ mới bằng 1/3 của các nước xung quanh VN. Việc điều chỉnh này đã được tính toán rất kỹ.

“Các bạn đi bệnh viện có thấy nhếch nhác không, bác sĩ của ta rất giỏi nhưng cứ phải bó tay thế, rồi chuyện người dân phải ra nước ngoài chữa bệnh,.. Nếu không ủng hộ thì bao giờ có nền y tế tốt được?” –Thứ trưởng Bộ Tài chính thẳng thắn. Báo điện tử Vietnamnet, ngày 16/9/2015, 18h01:

http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/262355/bao-hiem---phai-dong-mot-dong-dan-cung-keu--.html

Xuất hiện thêm ổ dịch sốt xuất huyết Dengue tại Kỳ Lợi

Tính đến ngày 15/9, tại Kỳ Lợi (thị xã Kỳ Anh) đã có 16 bệnh nhân có các triệu chứng sốt cao 39 o C, đau đầu, đau cơ, khớp...; trong đó có 11 bệnh nhân dương tính với Dengue.

Hiện có 3 bệnh nhân đã khỏi bệnh, 12 bệnh nhân đang được quản lý, chăm sóc và điều trị tại Trạm Y tế xã, 1 bệnh nhân đang điều trị tại BVĐK tỉnh Hà Tĩnh.

Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Nguyễn Lương Tâm cho biết: Sau khi nhận được báo cáo, đơn vị đã phối hợp với Trung tâm YTDP thị xã Kỳ Anh thành lập đoàn chống dịch khẩn cấp, đến ngay điểm nghi ngờ ổ dịch SXH để trực tiếp điều tra giám sát ca bệnh và điều tra véc tơ truyền bệnh. Trong 11 mẫu xét nghiệm, có 10 mẫu cho kết quả Ns1 (+).

Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cũng hướng dẫn Trạm Y tế xã khám, phân loại bệnh nhân tại cơ sở, phân loại chuyển tuyến điều trị những trường hợp có dấu hiệu nặng theo hướng dẫn của Bộ Y tế và tiếp tục điều tra bệnh nhân tại khu dân cư nhằm phát hiện sớm ca bệnh. Hiện, đơn vị đã tổ chức phun hóa chất diệt muỗi cho 80/158 hộ tại Đông Yên (Kỳ Lợi) và đang tiếp tục triển khai phun ở các hộ còn lại.

Thôn Đông Yên, Xã Kỳ Lợi có 158 hộ dân/600 nhân khẩu. Mật độ dân cư tập trung đông đúc; vệ sinh môi trường không đảm bảo trong khi người từ nơi khác đến và qua lại thường xuyên. Qua điều tra cho thấy, mật độ muỗi tại đây khá cao, chỉ số mật độ muỗi = 0,8>0,5. Tại các nhà có bệnh nhân mắc sốt xuất huyết đều có muỗi cư trú, chỉ số Breteau (BI) = 40 (vượt ngưỡng cho phép 2 lần). Báo điện tử Hà Tĩnh, ngày 16/9/2015, 17h44:

http://baohatinh.vn/song-khoe/xuat-hien-them-o-dich-sot-xuat-huyet-dengue-tai-ky-loi/101631.htm

Đề phòng dịch tay chân miệng bùng phát trong tháng 9

Bắt đầu vào tháng 9 là tháng nguy cơ cao đối với dịch tay chân miệng, tuy nhiên theo thống kê của Bộ Y tế, số ca mắc tay chân miệng trong 8 tháng đầu năm 2015 được ghi nhận đã giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) số liệu thống kê trong 8 tháng đầu năm 2015 cho thấy, tỷ lệ mắc bệnh tay chân miệng đã giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. Tổng số ca mắc tay chân miệng trên cả nước trong cả 8 tháng đầu năm nay chỉ xấp xỉ bằng tổng số ca trong 1 tháng cao điểm của năm 2012, và giảm rõ rệt so với năm 2014.

Tuy vậy, các chuyên gia cũng cảnh báo, tháng 9 là tháng cao điểm dễ mắc tay chân miệng. Do đó, để chủ động phòng chống bệnh, người dân nên biết rõ hơn về căn bệnh này và các đường lây truyền của bệnh.

Cũng theo Cục Y tế dự phòng, tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút đường ruột nhóm Enterovirus gây ra, dễ lây truyền từ người sang người theo đường tiêu hóa, đường hô hấp và tiếp xúc trực tiếp với nước bọt, dịch tiết mũi họng, dịch nốt phỏng vỡ (do vi rút ở trong phân, dịch hắt hơi, dịch sổ mũi, nước hoặc thực phẩm bị nhiễm bệnh, đồ chơi, môi trường tiếp xúc,...). Bệnh có nguy cơ lây nhiễm mạnh nhất trong tuần đầu tiên sau khi một bệnh nhân nhiễm bệnh và có thể kéo dài vài tuần do vi rút khu trú trong phân.

Dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da, chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông. Hầu hết các ca bệnh đều diễn biến nhẹ, tuy nhiên có thể diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm (viêm não – màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp) dẫn đến tử vong. Các trường hợp có biến chứng nặng thường do EV71. Tỷ lệ người lành mang trùng cao 71%. Bệnh thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi. Trẻ càng nhỏ thì các triệu chứng càng nghiêm trọng hơn. Bệnh hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh. Các biện pháp phòng bệnh là vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường để hạn chế lây lan.

Bệnh tay chân miệng xuất hiện khắp nơi trên thế giới. Tại Việt Nam, số ca nhiễm bệnh tay chân miệng thường có xu hướng tăng trong khoảng từ tháng 3 đến tháng 5 và từ tháng 9 đến tháng 12. Đây là thời gian trẻ tập trung học tại trường, nguy cơ lây lan bệnh tay chân miệng rất cao nếu các trường học và đặc biệt các cơ sở mầm non, nhóm trẻ gia đình không thực hiện triệt để các khuyến cáo phòng bệnh của Bộ Y tế.

Nhằm tích cực phòng chống dịch bệnh, giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh tay chân miệng đến trẻ nhỏ trong môi trường học đường, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế khuyến cáo:

1. Nhà trường cần đẩy mạnh tuyên truyền nội dung phòng bệnh cho giáo viên, cán bộ, sinh viên, học sinh.

2. Vận động phụ huynh, học sinh thường xuyên thực hiện các biện pháp vệ sinh phòng bệnh, rửa tay bằng xà phòng tại hộ gia đình.

3. Bố trí đủ bồn rửa tay có vòi nước và xà phòng ở những vị trí thuận lợi cho học sinh rửa tay. Hướng dẫn học sinh rửa tay đúng cách, thường xuyên với nước và xà phòng trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh.

4. Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh; phân, chất thải của trẻ phải được thu gom, xử lý và đổ vào nhà tiêu.

5. Đối với các trường mẫu giáo, cơ sở trông giữ trẻ:

Thường xuyên rửa sạch bàn tay trẻ, rửa sạch bàn tay người giữ trẻ xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.

Thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

Đối với trường có tổ chức bữa ăn tại trường: Đảm bảo ăn chín, uống chín, đủ chất dinh dưỡng; vật dụng ăn uống phải được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); sử dụng nước sạch trong sinh hoạt; không cho trẻ ăn bốc, không dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.

Theo dõi sức khỏe của trẻ em, học sinh để kịp thời phát hiện và đưa ngay đến các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời. Cho các trường hợp mắc bệnh nghỉ học, không đến nhà trẻ, trường học trong vòng 10 ngày kể từ ngày khởi bệnh. Báo Sức khỏe Đời sống, ngày 16/9/2015, 16h31.

http://suckhoedoisong.vn/thoi-su/de-phong-dich-tay-chan-mieng-bung-phat-trong-thang-9-20150916162034521.htm

Tạm dừng hơn 3.500 liều văcxin Quinvaxem

Thông tin từ Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia vừa cho hay Cục Quản lý dược đã có quyết định tạm ngưng sử dụng lô văcxin Quinvaxem còn hơn 3.500 liều, hạn sử dụng đến tháng 2-2017.

Đây là lô văcxin được cấp phát và sử dụng tại tỉnh Đắk Nông, hôm 3-9 có một trường hợp tai biến nghiêm trọng sau tiêm là bé N.Đ.H. (3 tháng tuổi ở huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) tử vong sau tiêm văcxin thuộc lô này.

Theo Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, các lô văcxin có liên quan đến tai biến tử vong sau tiêm đều phải tạm dừng sử dụng, gửi mẫu kiểm định tại Viện Kiểm định quốc gia về văcxin và sinh phẩm y tế, trường hợp mẫu đạt tiêu chuẩn và tử vong không liên quan đến văcxin thì lô văcxin sẽ được đưa sử dụng trở lại.

Liên quan đến trường hợp tử vong của bé H., ông Trần Đắc Phu - cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế - cho biết đang chờ kết quả giám định pháp y để xác định nguyên nhân. (Báo Tuổi trẻ, ngày 16/9/2015, 08h27).

http://tuoitre.vn/tin/song-khoe/20150916/tam-dung-hon-3500-lieu-vacxin-quinvaxem/969717.html

Lo ngại y tế công-tư biến tài sản nhà nước thành tư nhân

Sáng 16-9, tại Hà Nội, Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị “Đẩy mạnh công tác xã hội hóa và kết hợp công-tư trong hoạt động khám, chữa bệnh”.

Theo thống kê của Hiệp hội Hành nghề y dược tư nhân, hiện cả nước có 178 BV và 30.000 phòng khám tư nhân, giải quyết tới 50% nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân, song việc phát triển hệ thống y tế tư nhân còn rất nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Văn Đệ, Giám đốc BV Đa khoa Hợp lực Thanh Hóa, cho biết hiện nay khối BV tư nhân đang khó khăn về nguồn nhân lực chất lượng cao để thực hiện các ca kỹ thuật cao, do đó rất cần sự hỗ trợ của các BV tuyến trung ương, tuyến tỉnh. Nhiều đại biểu cũng lo lắng việc kết hợp công-tư như thế nào để hiệu quả, tránh tình trạng kết hợp công-tư để phục vụ cho một bộ phận vì lợi ích nhóm, biến tài sản của Nhà nước thành tư nhân.

Tại hội nghị, lãnh đạo một số BV tư nhân cũng kiến nghị Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam nghiên cứu sửa đổi chính sách về phân thẻ bảo hiểm y tế, chuyển tuyến để tạo điều kiện cho khối y tế tư nhân phát triển.

http://phapluattp.vn/suc-khoe/lo-ngai-y-te-congtu-bien-tai-san-nha-nuoc-thanh-tu-nhan-579495.html

Đường dây nóng không được nguội!

Bộ Y tế đang xây dựng quy chế thi đua khen thưởng, xử phạt để đường dây nóng hiệu quả, thiết thực hơn.

TS-BS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết theo quy định của Bộ Y tế, tất cả bệnh viện (BV) trên địa bàn TP đều phải công bố đường dây nóng. “Tất cả số đường dây nóng chuyển sang đầu số của Viettel (096). Công khai đường dây nóng của BV với ba số đường dây nóng: Đường dây nóng của BV, đường dây nóng của giám đốc BV (trực lãnh đạo BV), đường dây nóng của Bộ Y tế” - ông Thượng cho biết.

Ông Thượng cũng cho biết đường dây nóng phải đảm bảo hoạt động 24/24 giờ, đồng thời đường dây nóng phải niêm yết ở tất cả khoa, phòng trong BV để người bệnh dễ dàng thấy.

Một số đường dây nóng hoạt động chưa tốt

Về việc xử lý các phản ánh của bệnh nhân hay người nhà của bệnh nhân qua đường dây nóng, ông Thượng cho biết: “Hằng ngày bộ phận trực đường dây nóng của BV có trách nhiệm báo cáo cho ban giám đốc BV biết những bức xúc qua đường dây nóng và kết quả giải quyết. Tùy nội dung mà giám đốc BV yêu cầu bộ phận liên quan thực hiện và giám sát tránh lặp lại”.

Cũng theo ông Thượng, theo nhận định của bộ phận trực đường dây nóng của Sở Y tế thì số lượng cuộc gọi vào đường dây nóng của Sở Y tế có giảm rõ trong thời gian gần đây. “Tuy nhiên, vẫn còn có một số BV chưa triển khai tốt vì người bệnh gọi không được đường dây nóng của BV nên phải gọi lên Sở. Ngoài ra, Sở Y tế khuyến cáo các BV nên mở thêm đường dây nóng tư vấn sức khỏe, hiện nay đã có một vài BV triển khai trong giờ hành chính” - ông Thượng cho biết.

Trước phản ánh của người dân về một số đường dây nóng không gọi được, ông Thượng cho biết Sở Y tế tiếp tục cho kiểm tra hoạt động đường dây nóng của các BV. Lãnh đạo Sở sẽ công khai kết quả những BV thực hiện tốt cũng như những BV chưa nghiêm túc, ngoài ra trong giao ban giám đốc Sở sẽ yêu cầu các BV giải trình và cho biết cách củng cố đường dây nóng của BV.

Cần xem là “bảo bối”, cấp thiết mới gọi

Về vấn đề một số BV phàn nàn việc cung cấp số điện thoại giám đốc sẽ ảnh hưởng nhiều đến công việc quản lý vì họ rất bận rộn, mặt khác có thể ảnh hưởng đến sinh hoạt riêng tư gia đình, ông Nguyễn Xuân Trường, Chánh Văn phòng Bộ Y tế đồng thời phụ trách đường dây nóng của ngành y tế, cho rằng việc yêu cầu cung cấp số điện thoại của giám đốc BV vào đường dây nóng là một trong những việc phải làm, đó là theo chỉ đạo của bộ trưởng Bộ Y tế. Tất nhiên số điện thoại này phải đảm bảo khi giám đốc vắng thì có trực lãnh đạo BV thay thế. Như vậy có thể hiểu số đường dây nóng giám đốc là khi người bệnh gọi tới luôn có lãnh đạo BV trả lời. Chỉ đạo của bộ trưởng là làm sao cho đường dây nóng đừng “nguội”.

Bộ Y tế cũng mong muốn người dân cần có ý thức và khi thực sự cần thiết mới gọi vào đường dây nóng. Thực tế đã có không ít trường hợp người dân gọi vào để trêu đùa, hỏi thủ tục xin… cấp phép hành nghề. Qua tổng kết sáu tháng đầu năm 2015 chỉ có 1/3 câu hỏi là đúng phạm vi cần giải quyết, 2/3 cuộc gọi đến chẳng lẽ không nghe nên tốn rất nhiều thời gian của các y, bác sĩ trực.

“Người dân cần xem đường dây nóng như là bảo bối cấp thiết, thí dụ như đang khám, chữa bệnh cấp cứu nhưng chưa được thăm khám kịp thời, nếu gọi vào thì sẽ được giải quyết ngay” - ông Trường chia sẻ.

Về vấn đề xử lý vi phạm cá nhân trực đường dây nóng và y, bác sĩ bị người bệnh phản ánh, ông Trường cho biết thẩm quyền của Bộ là xử lý cấp sở và các đơn vị trực thuộc. Còn ở một số đơn vị do cấp sở quản lý thì đã có xử lý cắt thưởng, thi đua, cách chức tùy theo mức độ vi phạm. Bộ Y tế cũng đang xây dựng quy chế thi đua khen thưởng cũng như xử phạt về lĩnh vực này để hoạt động đường dây nóng đi vào hiệu quả, thiết thực hơn.

Lãnh đạo bệnh viện phải trả lời ngay

Tại TP.HCM, hầu hết các BV công lập và BV quận, huyện được Sở Y tế TP cấp điện thoại đường dây nóng có bốn số đuôi là 1010. Số đường dây nóng này thường được các BV sử dụng để công bố là điện thoại của giám đốc.

Ví dụ tại BV Ung bướu TP.HCM, Sở Y tế TP.HCM cấp số đường dây nóng là 0967981010 và BV đã công bố số này là điện thoại của giám đốc (BV công bố thêm hai số đường dây nóng là 08.38412637 và 0919172490). Giải thích lý do trên, BS Lê Hoàng Minh, Giám đốc BV Ung bướu, cho biết cá nhân ông mỗi ngày phải giải quyết nhiều việc, lại còn họp hành. Nếu công bố số điện thoại cá nhân sẽ ảnh hưởng đến công việc cơ quan, kể cả chuyện gia đình. “BV công bố số đường dây nóng là điện thoại của giám đốc và tôi thường mang điện thoại này bên mình. Khi bận việc tôi ủy quyền cho các phó giám đốc giữ máy và trả lời thắc mắc bệnh nhân” - BS Minh nói.

Tương tự, tại BV Tai Mũi Họng, số máy giám đốc công bố trên đường dây nóng là số đường đây nóng Sở Y tế cấp 0967941010 (ngoài ra còn hai số đường dây nóng khác là 08.35260027 và 08.35260028). PGS-TS-BS Trần Phan Chung Thủy, Giám đốc BV, chia sẻ: “Số điện thoại này ngoài tôi sử dụng còn có thể ủy quyền cho các phó giám đốc những lúc tôi bận. Việc này vừa thuận lợi cho bệnh nhân, lại không ảnh hưởng đến hoạt động điều hành trong BV của cá nhân tôi”.

Tất nhiên giám đốc các BV bận là đương nhiên, nên cần phân công người có trách nhiệm trực đường dây nóng, khi nhận phản ánh phải xử lý ngay chứ đừng để bệnh nhân hoặc người nhà gọi mãi không nghe. Báo Pháp luật Tp Hồ Chí Minh, ngày 17/9/2015, 05h10:

http://phapluattp.vn/suc-khoe/duong-day-nong-khong-duoc-nguoi-579470.html

Phát hiện ba ổ dịch cúm A (H5N1) trên gia cầm

Ngày 16-9, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết đến nay, cả nước đã phát hiện ba ổ dịch cúm A (H5N1) trên gia cầm tại các tỉnh Vĩnh Long, Ninh Thuận và Sóc Trăng.

Ổ dịch mới nhất được phát hiện tại xã Mỹ Thuận, huyện Bình Tân, Vĩnh Long.

Cục đề nghị giám đốc Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long tăng cường tuyên truyền các biện pháp phòng, chống lây nhiễm cúm gia cầm sang người tại khu vực có gia cầm ốm, chết và những vùng có nguy cơ cao. Đồng thời, địa phương cần phối hợp với cơ quan thú y và chính quyền địa phương giám sát dịch cúm trên gia cầm, xử lý kịp thời, triệt để ổ dịch.

Cục cũng khuyến cáo để phòng, chống bệnh cúm A (H5N1), người dân phải thường xuyên rửa tay với xà phòng, hạn chế tiếp xúc với người bệnh... Báo Pháp luật Tp Hồ Chí Minh, ngày 17/9/2015, 05h05:

http://phapluattp.vn/suc-khoe/phat-hien-ba-o-dich-cum-a-h5n1-tren-gia-cam-579494.html

Phát huy vai trò trụ cột trong đào tạo nhân lực y tế

Đứng trước yêu cầu cần phải có những bộ môn lớn, làm trụ cột cho sự phát triển nền y học nước nhà, năm 1955, Trường đại học Y Dược (nay là Trường đại học Y Hà Nội) đã quyết định thành lập bộ môn Nội do GS Đặng Văn Chung làm Chủ nhiệm. Trải qua 60 năm xây dựng và trưởng thành, bộ môn Nội đã có bước phát triển mọi mặt, khẳng định vai trò quan trọng trong đào tạo đội ngũ cán bộ y tế cho đất nước.

Ngay từ khi mới thành lập mặc dù với số cán bộ ít ỏi, bộ môn đã có những đóng góp tích cực vào công cuộc giảng dạy và đào tạo cán bộ y tế. Chiến tranh ác liệt, Trường đại học Y Dược phải dời khỏi Thủ đô Hà Nội đi sơ tán, bộ môn Nội di chuyển linh hoạt cùng các bệnh viện để bảo đảm tiếp tục nhiệm vụ giảng dạy, đồng thời phục vụ và trực tiếp tham gia chiến đấu. Chính trong giai đoạn này, bộ môn đào tạo được nhiều thế hệ các thầy thuốc thuộc các khóa dân y và quân y ở phía bắc cũng như phía nam, cung cấp kịp thời cho tiền tuyến một số lượng lớn các thầy thuốc để cứu chữa thương binh nơi chiến trường.

Trong điều kiện khó khăn như vậy, nhiều hình thức biên soạn tài liệu độc đáo được các thầy, cô áp dụng. Đồng thời chú trọng phát triển và mở rộng theo nhu cầu và điều kiện thực tế trong quá trình chiến đấu, xây dựng và phát triển đất nước. Tiêu biểu như chương trình đào tạo đặc biệt gọi là chương trình đào tạo theo nhu cầu chiến trường, dành cho một nhóm các sinh viên y khoa để trở thành các thầy thuốc phục vụ cho chiến tuyến.

Nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng, từ rất sớm bộ môn Nội đã mở rộng các hình thức đào tạo sau đại học: đào tạo bác sĩ chuyên khoa cấp I, chuyên khoa cấp II hệ chính quy; mở các lớp bổ túc ngắn hạn ở các địa phương cho các cán bộ y tế không có điều kiện đi học tập trung. Các hình thức đào tạo này tiếp tục được phát triển, duy trì và trở thành các loại hình đào tạo chính quy truyền thống của nhà trường trong các giai đoạn phát triển sau này. Bên cạnh đó, bộ môn Nội đã tiên phong mở chương trình đào tạo bác sĩ nội trú, một loại hình đào tạo đặc biệt, nhằm xây dựng đội ngũ thầy thuốc chuyên khoa sâu, chất lượng cao, là nòng cốt xây dựng và phát triển nền y học nước nhà cũng như chăm sóc sức khỏe nhân dân. Ngoài ra, bộ môn cũng tổ chức đào tạo các cán bộ giảng dạy theo mô hình viện trường; sinh hoạt khoa học hằng tháng, các hoạt động về chuyên môn như trình bày ca lâm sàng đặc biệt, các trường hợp bệnh hay hoặc các vấn đề cần rút kinh nghiệm trong thực hành lâm sàng hằng ngày… Đây là các hình thức giảng dạy mang nhiều đặc điểm của phương pháp giảng dạy tích cực mà các trường đang xây dựng và áp dụng trong giai đoạn hiện nay.

Kinh tế phát triển, đời sống của nhân dân được nâng cao, tuổi thọ kéo dài cùng những chuyển biến của xã hội hiện đại, mô hình bệnh tật có sự thay đổi. Bên cạnh các bệnh lây nhiễm thì nhiều bệnh không lây nhiễm đã nổi lên như là những thách thức mới với ngành y tế và nền y học nước nhà. Các bệnh có tần suất ngày càng tăng xuất hiện ở hầu hết các lĩnh vực thuộc các chuyên khoa trong hệ nội như các bệnh lý về tim mạch, đái tháo đường, COPD, bệnh lý cơ xương khớp… Các cán bộ của bộ môn Nội cũng đã chủ động cập nhật các kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn, bắt kịp với nền y học hiện đại đang phát triển mạnh mẽ trong khu vực và trên thế giới với những thành công đáng ghi nhận. Thầy trò bộ môn Nội tổng hợp cùng các thầy thuốc của nhiều bệnh viện triển khai và áp dụng thành công nhiều kỹ thuật cao và hiện đại trong chẩn đoán và điều trị bệnh, ngang tầm với các quốc gia trong khu vực cũng như trên thế giới. Những thành công này đã đem lại lợi ích thiết thực cho người bệnh trong nước, cũng như góp phần mang lại vị thế mới cho nền y học Việt Nam trên trường quốc tế.

Do sự phát triển của các chuyên ngành trong hệ nội ngày càng mạnh với phạm vi hoạt động và mức độ chuyên sâu cao, các phân môn thuộc hệ Nội dần được hình thành và tách ra thành các bộ môn Nội chuyên ngành độc lập như: Phục hồi chức năng; Nội tổng hợp; Huyết học và Truyền máu; tim mạch; hồi sức cấp cứu. Song song với đó là việc Khoa Nội Bệnh viện Bạch Mai được tách thành các chuyên khoa riêng, đánh dấu sự ra đời của các chuyên khoa sâu trong chuyên ngành Nội khoa. Các chuyên khoa sâu mới được thành lập bao gồm khoa Nội chung, Nội tiết, Tiêu hóa, Hô hấp, Thận - Tiết niệu, Cơ xương khớp, Bệnh máu và cơ quan tạo máu. Đó cũng là cơ sở để hình thành nên các phân môn: Hô hấp, Tiêu hóa, Thận tiết niệu, Nội tiết, Cơ xương khớp; Lão khoa.

Trong thời gian tới, bộ môn Nội sẽ tiếp tục xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ giảng dạy có trình độ chuyên môn cao, phẩm chất đạo đức tốt, kỹ năng sư phạm giỏi, có tinh thần trách nhiệm và lòng yêu nghề sâu sắc để hoàn thành tốt các nhiệm vụ nhà trường giao, giữ vững vị thế là bộ môn trụ cột của một trường đại học trọng điểm quốc gia. Tiến hành giảng dạy theo phương pháp tích cực, hiện đại, với các hình thức giảng dạy đa dạng, phong phú; chú trọng các loại hình đào tạo liên tục, đào tạo sau đại học, nhất là hệ bác sĩ nội trú bệnh viện cả về số lượng và chất lượng, với mục tiêu đạt chất lượng chuyên môn cao, có tư cách đạo đức tốt và tấm lòng yêu thương, tận tâm với người bệnh. Đồng thời là các thầy thuốc sáng y đức, giỏi y thuật, hết lòng tận tâm với người bệnh, phối hợp, xây dựng các bệnh viện ngày càng phát triển, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, đóng góp vào sự nghiệp chăm sóc bảo vệ sức khỏe nhân dân. Báo Nhân dân, ngày 17/9/2015, 01h58:

http://www.nhandan.org.vn/xahoi/tin-tuc/item/27454602-phat-huy-vai-tro-tru-cot-trong-dao-tao-nhan-luc-y-te.html

Có thể thu BHYT học sinh, sinh viên theo nhiều phương án

Chiều 16-9, tại Hà Nội, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam tổ chức hội nghị cung cấp thông tin về bảo hiểm y tế (BHYT) học sinh, sinh viên (HSSV).

Theo Luật BHYT sửa đổi, bổ sung có hiệu lực từ ngày 1-1-2015, năm học 2015-2016, mức đóng BHYT HSSV từ 3% mức lương cơ sở tăng lên 4,5%, HSSV được ngân sách nhà nước hỗ trợ tối thiểu 30% mức đóng, còn lại 70% phải tự đóng. Đối với các trường hợp đóng trước năm 2015 cho năm học 2015 theo mức 3% sẽ không phải điều chỉnh lên mức 4,5%.

Việc triển khai BHYT HSSV năm học 2015-2016 được BHXH Việt Nam chỉ đạo BHXH các địa phương phối hợp sở giáo dục và đào tạo, các cơ sở giáo dục tăng cường thực hiện BHYT cho HSSV và tổ chức thực hiện phù hợp tình hình thực tế địa phương. Theo đó, có thể thu và phát hành thẻ BHYT thành nhiều đợt, theo các phương án: ba tháng và 12 tháng; sáu tháng và chín tháng hoặc 15 tháng… để bảo đảm từ năm 2016 trở đi việc thu BHYT HSSV được thực hiện theo năm tài chính (từ ngày 1-1 đến 31-12 của năm) như quy định tại Thông tư 41.

Đại diện lãnh đạo BHXH Việt Nam cho biết, việc tăng mức đóng và việc chuyển đổi từ thu và phát hành thẻ BHYT HSSV theo năm học sang thu và phát hành thẻ theo năm tài chính gặp một số khó khăn trong quá trình triển khai. Tuy nhiên, thực tế chỉ có tám địa phương tổ chức thu một lần 15 tháng; 50 địa phương kết hợp nhiều phương thức thu và năm địa phương tổ chức thu theo năm học như trước.

Để phù hợp với tình hình của từng địa phương và bảo đảm quyền lựa chọn phương thức đóng của HSSV, BHXH Việt Nam đề nghị liên bộ Y tế, Tài chính sửa đổi Thông tư 41 theo hướng năm tài chính hoặc năm học, khóa học. Đồng thời, tăng mức hỗ trợ của nhà nước bảo đảm không có sự chênh lệch giữa các nhóm đối tượng và cho phép gia đình có hai HSSV tham gia BHYT được giảm mức đóng như đối tượng tham gia theo hộ gia đình. (Báo Nhân dân, ngày 16/9/2015, 21h09).

http://www.nhandan.org.vn/xahoi/tin-tuc/item/27452502-co-the-thu-bhyt-hoc-sinh-sinh-vien-theo-nhieu-phuong-an.html

Người nghiện thuốc lá có thể cai nghiện tại bệnh viện

Lâu nay, người nghiện thuốc lá muốn cai nghiện thường tự một mình “vật lộn, quyết tâm” với sự hỗ trợ của gia đình. Tuy nhiên, từ nay, người cai nghiện thuốc lá có thể được tư vấn, hỗ trợ tại BV để việc cai nghiện đạt được hiệu quả, thành công hơn.

Sáng 16/9, lần đầu tiên Chương trình phòng chống tác hại của thuốc lá của Bộ Y tế tổ chức ra mắt Phòng tư vấn và Tổng đài tư vấn, hỗ trợ cai nghiện thuốc lá đặt tại BV Bạch Mai, Hà Nội.

Theo PGS.TS Ngô Quý Châu, Phó Giám đốc BV Bạch Mai, Giám đốc Trung tâm hô hấp (BV Bạch Mai), rất nhiều người nghiện thuốc lá mong muốn cai nghiện tuy nhiên rất nhiều người thất bại, bởi trong thuốc lá có chất gây nghiện nicotin, làm con người ta phụ thuộc vào việc hút thuốc. Vì thế, để cai nghiện được, người hút thuốc lá cần có sự tư vấn chuyên sâu, hỗ trợ mới có thể cai được thuốc lá, giúp tỉ lệ cai thành công lớn hơn là họ tự cai.

Phòng tư vấn và hỗ trợ cai nghiện thuốc lá được đặt tại phòng 204, khoa Khám bệnh và tại tầng 6 -Trung tâm hô hấp của Bệnh viện Bạch Mai. Người muốn cai nghiện thuốc lá có thể gọi điện đến tổng đài 18006606 (thời gian làm việc từ 8 - 22 giờ các ngày trong tuần cả thứ 7, chủ nhật, trừ các ngày nghỉ lễ) để được tư vấn hoàn toàn miễn phí. Hoặc người nghiện thuốc có thể đến đến phòng khám chuyên khoa hô hấp tầng 6 Trung tâm hô hấp hoặc phòng 204 khoa Khám bệnh để khám và tư vấn.

PGS Châu cho biết, tác hại của thuốc lá đã được thế giới chỉ ra. Trong khói thuốc lá chứa hơn 7.000 chất hóa học, trong đó có 69 chất gây ung thư, gây ra nhiều căn bệnh nguy hiểm khác nhau như ung thư phổi, bệnh tim mạch, phổi tắc nghẽn, vô sinh....và gây nên cái chết của 40.000 người Việt mỗi năm. Thế nhưng, đa phần những người hút thuốc lá vẫn mơ hồ về tác hại thực của nó.

“Nói nôm na, hút thuốc lá chủ động động (người hút) và hút thuốc lá thụ động (người không hút nhưng phải ngửi khói thuốc) có thể gây nhiều bệnh trên cơ thể, từ đầu đến chân như bệnh lý tắc mạch máu não, tim, phổi, tắc mạch hoại tử chi… Riêng trong bệnh lý hô hấp có 3 bệnh thường gặp nhiều nhất liên quan đến thuốc là là ung thư phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản. Trong đó bệnh ung thư phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính thì tới 80 – 90% là do thuốc lá gây ra”, PGS Châu nói.

Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh, Giám đốc Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá, việc được hỗ trợ, tư vấn cai nghiện sẽ giúp người cai nghiện có thêm động lực, quyết tâm để bỏ thuốc lá.  Các nghiên cứu mới nhất trên thế giới cho thấy, nhân viên y tế cũng như hệ thống y tế có cơ hội tiếp xúc thường xuyên với người hút thuốc lá vì ít nhất 70% số người hút thuốc lá có khám sức khỏe hàng năm. Nhiều nghiên cứu cho thấy, lời khuyên cai thuốc lá từ nhân viên y tế được xem là động lực quan trọng giúp người nghiện thuốc lá cai nghiện.

“Việc được bác sĩ tư vấn, chỉ ra, bác đang bị hen phế quản, hút hoặc ngửi phải thuốc lá làm tăng nguy cơ tái phát cơn hen. Hay đang nhiễm trùng phổi, hút thuốc vào thì sẽ lâu lành tổn thương… sẽ  giúp người bệnh “thức tỉnh” hơn so với lời khuyên của các thành viên trong gia đình. Đã có những ông bố có con bị lên cơn hen thường xuyên dù bé vẫn được dùng thuốc dự phòng, khi hỏi ra biết bố hút thuốc, chúng tôi nói những điều này với bố, ông bố kiểm chứng bằng cách không hút thuốc trong nhà, bé giảm tần suất xuất hiện cơn hen nên giúp người bố nhận ra sự nguy hại thực sự của khói thuốc lá”, một bác sĩ BV Bạch Mai cho biết.

Hiện trên thế giới có khoảng 1,3 tỷ người hút thuốc lá, trong đó 25% số người trưởng thành nghiện thuốc lá và 84% số người hút thuốc lá sống tại các nước phát triển. Việt Nam nằm trong nhóm 15 quốc gia có số lượng người sử dụng thuốc lá hàng đầu thế giới. Ước tính 47,4% nam giới và 1,4% nữ giới ở tuổi trưởng thành ở nước ta hút thuốc lá. Trong đó, tỷ lệ thanh thiếu niên sử dụng thuốc lá ngày càng có xu hướng trẻ hóa với 21,6% nam 16-24 tuổi hút thuốc; 17% học sinh nam thử hút thuốc lá trước 10 tuổi (Báo Dân trí, ngày 16/9/2015, 16h31).

http://dantri.com.vn/suc-khoe/nguoi-nghien-thuoc-la-co-the-cai-nghien-tai-benh-vien-20150916163005782.htm

Bộ Y tế ra "tiêu chuẩn dinh dưỡng" cho muối ăn, bột mì

Theo dự thảo nghị định do Bộ Y tế xây dựng, tới đây muối ăn sẽ buộc phải tăng cường i-ốt, bột mì phải tăng cường sắt và kẽm; dầu thực vật có chứa một trong các thành phần dầu đậu nành, dầu cọ, dầu mè và dầu lạc phải tăng cường vitamin A; xì dầu (nước tương) phải tăng cường sắt.

Đó là những nội dung chính trong dự thảo Nghị định quy định về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm do Bộ Y tế chủ trì xây dựng đang được Bộ Tư pháp nghiên cứu, thẩm định.

Theo dự thảo này, vi chất dinh dưỡng là các vitamin, chất khoáng hoặc chất vi lượng khác cần thiết cho sự tăng trưởng, phát triển và duy trì sự sống cho cơ thể con người. Việc tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm là việc chủ động đưa thêm một hay nhiều vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm với hàm lượng nhất định mà cơ thể cần để phòng ngừa, khắc phục tình trạng thiếu hụt vi chất dinh dưỡng đối với sức khỏe cộng đồng.

Các thực phẩm sau đây bắt buộc tăng cường vi chất dinh dưỡng tương ứng: Muối dùng để ăn trực tiếp, dùng trong chế biến thực phẩm phải tăng cường i-ốt; Bột mỳ dùng trong chế biến thực phẩm phải tăng cường sắt và kẽm; Dầu thực vật có chứa một trong các thành phần dầu đậu nành, dầu cọ, dầu mè và dầu lạc phải tăng cường vitamin A, trừ dầu thực vật dùng trong chế biến thực phẩm theo phương pháp công nghiệp; Xì dầu (nước tương) phải tăng cường sắt.

Dự thảo nghị định yêu cầu thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng phải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng hoặc phù hợp quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm.

Góp ý kiến với dự thảo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị bổ sung “nước mắm” vào danh mục thực phẩm bắt buộc tăng cường vi chất dinh dưỡng. Tuy nhiên, Bộ Y tế cho biết nước mắm do rất nhiều doanh nghiệp và hộ gia đình nhỏ sản xuất, không sản xuất tập trung toàn bộ ở các nhà máy lớn nên rất khó kiểm soát quy trình và chất lượng khi triển khai bắt buộc. Ngoài ra khi tăng cường sắt vào nước mắm làm thay đổi cảm quan của nước mắm, cụ thể là màu nước mắm sẫm hơn so với màu tự nhiên của sản phẩm. Do vậy Bộ Y tế xin phép không tiếp thu nội dung này.

Theo báo cáo thuyết minh dự thảo nghị định, hậu quả của thiếu các vi chất dinh dưỡng đã được biết rõ. Các hậu quả dễ nhận thấy như: thiếu i-ốt gây bướu cổ; thiếu vitamin A gây bệnh khô mắt, mù dinh d¬ưỡng; thiếu sắt gây bệnh thiếu máu dinh dưỡng; thiếu kẽm làm tăng biến chứng trong thời kỳ thai nghén, cản trở sự phát triển trí lực và thể lực ở trẻ em, làm giảm khả năng đáp ứng miễn dịch, tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng.

Thiếu vi chất dinh dưỡng còn gây nhiều hậu quả tiềm ẩn trầm trọng khác. I-ốt rất cần để tổng hợp ra nội tiết tố (hoóc-môn) giáp trạng, là hoóc-môn đóng vai trò quan trọng trong cơ thể. Thiếu i-ốt dẫn đến thiếu hoóc-môn giáp gây ra nhiều rối loạn khác nhau gọi chung là “các rối loạn do thiếu i-ốt”: bướu cổ, chậm phát triển trí tuệ, chiều cao, chậm phát triển sinh dục, đần độn, điếc, lác mắt, liệt cứng chi, sẩy thai tự nhiên, đẻ non, thai chết lưu... Hậu quả nghiêm trọng nhất của thiếu iốt là ảnh hưởng tới phát triển của bào thai. Thiếu i-ốt ở phụ nữ trong thời gian mang thai có thể gây sảy thai, thai chết lưu, đẻ non, mẹ thiếu i-ốt nặng, trẻ sinh ra có thể bị đần độn do tổn thương não vĩnh viễn. Theo Bộ Y tế, thiếu i-ốt liên tục ở trẻ em và thanh thiếu niên, sẽ gây giảm khả năng trí tuệ, giảm chỉ số thông minh, kể cả chậm phát triển thể chất, suy dinh dưỡng, lùn, kém hoạt động…

Trong khi đó, thiếu vitamin A tiền lâm sàng được xác nhận là nguyên nhân làm tăng cao tỷ lệ mắc bệnh, tử vong và làm chậm phát triển ở trẻ em. Thiếu máu thiếu sắt làm tăng nguy cơ tai biến sản khoa và tử vong đối với bà mẹ mang thai, giảm khả năng lao động và giảm phát triển trí tuệ ở trẻ em. Theo tính toán, trong số 1.600 tr¬ường hợp tử vong mẹ hàng năm có 192 (12%) tr¬ường hợp liên quan đến thiếu máu do thiếu sắt. Ngoài ra, thiếu máu còn ảnh hưởng tới phát triển kinh tế của đất nước do làm giảm năng suất lao động và tăng chi phí do bệnh tật gây ra do thiếu máu thiếu sắt.

Thiếu kẽm làm chậm phát triển thế chất đặc biệt là ảnh hưởng đến phát triển chiều cao ở trẻ em. Nặng hơn, trẻ sẽ có biểu hiện suy dinh dưỡng, lùn, chậm dậy thì, thiểu năng sinh dục và chậm phát triển tâm thần vận động. Nam giới có thể mất khả năng sinh sản. Phụ nữ có thai bị thiếu kẽm sẽ tăng nguy cơ các biến chứng trong thai kỳ như bào thai chậm phát triển, chuyển dạ kéo dài, trẻ sinh ra sẽ nhẹ cân và dễ sinh non và bị giảm đáng kể chức năng miễn dịch.

Không những vậy, Bộ Y tế cho rằng thiếu vi chất dinh dưỡng tạo gánh nặng quốc gia về sức khỏe và kinh tế. Trên thế giới 2 tỷ người bị thiếu vi chất dinh dưỡng; 136.000 phụ nữ và trẻ em tử vong hàng năm do thiếu máu, thiếu sắt; 190 triệu trẻ em trước tuổi học đường bị thiếu vitamin A; 1,1 triệu người tử vong hàng năm do thiếu vitamin A và kẽm. Thiếu dinh dưỡng ở châu Á và châu Phi làm giảm 11% tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

“Các vấn đề thiếu vi chất dinh dưỡng có ý nghĩa sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là thiếu i-ốt, vitamin A, sắt và kẽm như đề cập ở trên gây tổn thất nhiều chi phí cho xã hội”- Bộ Y tế khẳng định.

Nghị định này dự kiến áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu vi chất  dinh dưỡng và thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng dùng trong nước và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Báo Dân trí, ngày 16/9/2015, 15h55:

http://dantri.com.vn/suc-khoe/bo-y-te-ra-tieu-chuan-dinh-duong-cho-muoi-an-bot-mi-20150916155339711.htm

Người bệnh sẽ tin tuyệt đối nếu mình làm tất cả vì họ

Chia sẻ tại buổi giao lưu “Vì sức khỏe người dân” mới đây, những nhân tố điển hình của ngành y đều cho rằng, chỉ cần người thầy thuốc làm hết cái tâm của một thầy thuốc với bệnh nhân, người bệnh sẽ tin tưởng tuyệt đối bác sĩ.

Tham gia buổi giao lưu có GS.TS Nguyễn Tiến Quyết – Nguyên Giám đốc BV Việt Đức (đạt danh hiệu Anh hùng lao động); PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc BV Phổi Trung ương (Đại diện đơn vị đạt danh hiệu Anh hùng lao động); Y sỹ Phan Thị Thanh Cần, Trưởng trạm y tế xã Ninh Thọ, Thị xã Ninh Hòa, Khánh (đạt danh hiệu thầy thuốc ưu tú)

Phải tận tâm vì người bệnh!

Nói đến GS.TS Nguyễn Tiến Quyết, đồng nghiệp, học trò, phóng viên tại các cơ quan truyền thông, thậm chí là người bệnh không ít người đặt cho ông nick name trìu mến, vị bác sĩ “đanh đá”.

Cái “đanh đá” của ông trong công việc không chỉ khiến đồng nghiệp, học trò, nhân viên kính nể mà đến người nhà bệnh nhân cũng “chết khiếp”. Nhưng trên tất cả, sự quyết liệt của ông vì an toàn của người bệnh, vì muốn mang lại hiệu quả điều trị cho người bệnh.

Nhiều người chăm sóc bệnh nhân trong bệnh viện không ít lần giật mình khi nghe tiếng quát của một vị bác sĩ mặc áo blu trắng, dáng người nhỏ nhắn nhưng nhanh nhẹn, vừa quát vừa đi đến phía họ để yêu cầu bỏ điếu thuốc lá xuống.

“Tôi sợ nhất khi ông ấy nói, anh không thấy biển cấm thuốc lá à? Đang cười xuề xòa định xin lỗi lập tức ông hỏi người nhà nằm khoa nào, ở đâu. Nếu còn hút thuốc thì mời bệnh nhân đi nơi khác điều trị. Thề, lần sau không dám hút thuốc trong khuôn viên bệnh viện lần 2”, một người nhà bệnh nhân chia sẻ.

Cũng chính vì sự quyết liệt, không nề hà cả công việc của người bảo vệ giám sát, nhắc nhở mà BV Việt Đức là một trong những BV thực hiện nghiêm túc nhất, trong khuôn viên bệnh viện cấm hút thuốc.

“Tôi đã giao nhiệm vụ, cán bộ y tế không thực thi đúng, ảnh hưởng đến người bệnh thì tôi sẽ xử lý tới cùng, xử lý nghiêm khắc để người khác nhìn vào không được phép làm sai nữa. Mọi quy trình chăm sóc bệnh nhân đều được chuẩn hóa, nếu không theo quy trình, chỉ một người chệch đi là đã có thể có sai sót, vì thế không thể không nghiêm khắc, không quyết liệt”, TS Quyết nói.

Chia sẻ làm sao để xây dựng lòng tin của người thầy thuốc, TS Quyết khẳng định: “Để nhân dân tin tưởng, người thầy thuốc phải có thái độ làm việc  nghiêm túc, hết lòng về người bệnh”.

Là một y sĩ chuyên ngành sản nhi, đến nay chị Phạm Thị Thanh Cần đã có thâm niêm 36 năm trong ngành. Nói đến con số trẻ em được chị đỡ đẻ, chị không nhớ nổi, chỉ ước tính… cỡ nghìn. Nhưng cái chị Cần nhớ nhất, đấy là đỡ đẻ cho rất nhiều gia đình qua hai thế hệ trong làng xã.

Trạm y tế của chị Cần có đến 100 – 110 lượt khám mỗi ngày. Đây là con số đáng mơ ước của bất cứ trạm y tế nào ở các địa phương. Khi được hỏi, làm thế nào để người dân tin tưởng chất lượng khám chữa bệnh tại trạm y tế, chị Cần cho biết: “Muốn có lòng tin từ người bệnh, đầu tiên phải là về con người. Chưa nói cán bộ anh giỏi, trình độ đến đâu, khi làm việc, đầu tiên là phải thể hiện trách nhiệm, sự nhiệt tình, tận tâm thì mới tạo cho dân tin, để dân yên tâm cho chúng ta chữa trị. Và đã là cán bộ y tế đương nhiên chúng ta phải trau rồi chuyên môn để có kiến thức cập nhật, chữa trị cho người bệnh”, y sĩ Cần nói.

Tự hào là một chiến sĩ áo trắng

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện phổi Trung ương cho biết, ông luôn chia sẻ với nhân viên y tế, rằng chúng ta phải tự hào về nghề nghiệp của mình. Xã hội tôn vinh những người vì người nghèo. Mỗi năm cả nước phát hiện 100 ngàn bệnh nhân lao, 70% là bệnh nhân nghèo do chúng tôi trực tiếp chăm sóc, điều trị. Nếu tôn vinh những người vì người nghèo, chúng tôi tự hào, động viên lẫn nhau. Trong các bệnh lý khác, người bệnh cũng đa phần là người nghèo. Vì thế, khi bị đau ốm, họ cần sự giúp đỡ lớn nhất.

“Khách hàng của chúng ta cũng đặc biệt hơn khách hàng của những ngành dịch vụ khác, đó là những người bị ốm. Tôi chắc rằng ai trong số chúng ta cũng dã lần bị ốm, rất khó tính, khó chịu, dễ suy ra hướng tiêu cực… là thách thức rất lớn. Vì thế, ngành y là một ngành đặc biệt, chăm sóc những khách hàng đặc biệt đó, chúng ta càng cần cố gắng hơn để mang lại sự hài lòng cho người bệnh”, TS Nhung nói.

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, nền y học hiện đại của Việt Nam, trình độ y bác sĩ của Việt Nam có thể nói trong nhiều lĩnh vực không thua kém gì trong khu vực trên thế giới. “Tại BV Việt Đức không ngày nào chúng tôi không gặp những bệnh nhân đi khám tại rất nhiều nơi, từ Pháp, Mỹ, Singapore, Thái Lan… nhưng rồi lại quay về Việt Nam để điều trị”, TS Quyết nói.

Một điều BS Quyết chắc chắn, chính vì được va vấp, tôi luyện trong thực tế nên người BS Việt Nam hiểu đặc điểm bệnh lý của người Việt Nam nhất.  Nhiều loại bệnh nước ngoài không có mà tại Việt Nam là có nên chỉ chúng ta mới chữa tốt cho người bệnh.

“Tôi không phủ nhận họ hơn chúng ta về trang thiết bị, phòng ốc, dịch vụ… nhưng hiểu biết về bệnh lý, điều trị tốt cho người bệnh, Việt Nam không thua kém. Vì thế, tôi mong muốn tất cả người dân Việt luôn đồng hành với BS Việt Nam, luôn tin tưởng BS Việt  Nam để vừa khám chữa bệnh thật tốt cho mình, vừa tiết kiệm tiền của gia đình, tiết kiệm cho đất nước. Ngành y tế chúng tôi vẫn đang nỗ lực, phấn đấu hết mình để cải thiện cơ sở vật chất trong điều kiện còn khó khăn, nâng cao thái độ, phục vụ chăm sóc bệnh nhân, mục tiêu để hướng tới sự hiệu quả nhất trong điều trị, sự hài lòng nhất của người bệnh”, TS Quyết nói.

“Mỗi khi đi vào thôn xã để tuyên truyền phóng chống dịch, bà con mời vào nhà uống chén nước, rồi chỉ vào con nhỏ (thằng nhỏ) đang chạy lon ton trước sân, khoe, ngày xưa cô đỡ đẻ cho mẹ thằng nhỏ này, thực sự, mình có một tâm trạng rất vui, rất tự hào mình đã giúp đỡ, chia sẻ với những người dân những điều rất nhỏ bé ấy”, chị Cần nói. Báo Dân trí, ngày 16/9/2015, 22h28:

http://dantri.com.vn/suc-khoe/nguoi-benh-se-tin-tuyet-doi-neu-minh-lam-tat-ca-vi-ho-20150916224403038.htm

Thủ tướng Chính phủ giao chỉ tiêu phát triển BHYT cho các địa phương

Ngày 14/9/2015, Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định 1584/QĐ-TTg về việc giao chỉ tiêu thực hiện bao phủ BHYT giai đoạn 2015 – 2020 cho Ủy ban nhân dân 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Theo đó, đến năm 2020, có 84,3% dân số tham gia BHYT.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Y tế và các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện để đạt chỉ tiêu được giao, phù hợp với tình hình thực tế, đặc biệt đẩy mạnh tuyên truyền, tạo điều kiện thuận lợi để người dân tham gia và được hưởng đầy đủ quyền lợi BHYT;  huy động mọi nguồn lực để hỗ trợ cho người dân tham gia BHYT, trước mắt tập trung hỗ trợ 30% mức đóng BHYT còn lại cho người thuộc hộ gia đình cận nghèo; vận động và hỗ trợ để học sinh, sinh viên, hộ gia đình có mức sống trung bình mua BHYT, góp phần tăng tỷ lệ người tham gia BHYT; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BHYT.

UBND các tỉnh, thành phố căn cứ vào chỉ tiêu được giao trình Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua chỉ tiêu thực hiện BHYT toàn dân của địa phương trong chỉ tiêu phát triển kinh tế hàng năm, 5 năm .

BHXH Việt Nam chỉ đạo BHXH địa phương chủ động tổ chức thực hiện phát triển đối tượng và tăng cường phối hợp với các sở, ban, ngành địa phương trong tổ chức tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về BHYT để đạt được chỉ tiêu tham gia BHYT tại địa phương.

Theo chỉ tiêu được Thủ tướng Chính phủ giao, đến cuối năm 2015 có 75,4% dân số tham gia BHYT. Tỷ lệ này sẽ tăng dần qua các năm, đến năm 2016 là 78%, 2017 là 79,8%, 2018 là 81,4%, 2019 là 82,5% và đến 2020 là 84,3%.

Một số địa phương được giao tỷ lệ bao phủ BHYT cao là Điện Biên 99%; Hòa Bình 99%; Tuyên Quang 98,6%;  Lào Cai 98,6%; Hà Giang 98,2%; Thái Nguyên 98,2%; Sơn La 98%. Trang tin Bảo hiểm xã hội Việt Nam, ngày 16/9/2015, 05h51:

http://www.baohiemxahoi.gov.vn/?u=nws&su=d&cid=384&id=11997

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang