Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, dinh dưỡng rất quan trọng trong việc nâng cao sức khỏe. Khi người dân có đủ dinh dưỡng thì năng suất lao động sẽ tốt hơn, trong khi trẻ em nếu thiếu dinh dưỡng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, trí tuệ sau này. Trong 30 năm qua, Việt Nam đã có tiến bộ lớn trong công tác nâng cao sức khỏe cho người dân, trong đó có dinh dưỡng; dinh dưỡng Việt Nam hiện nay đã tiến triển về mọi mặt. Tuy nhiên, tình trạng suy dinh dưỡng (tỷ lệ thiếu cân, thấp còi) của người dân Việt Nam nói chung và trẻ em nói riêng vẫn còn cao so với khu vực và thế giới; Việt Nam là một trong những nước cải thiện chiều cao kém nhất trên thế giới. Tỷ lệ đó là do người dân Việt Nam có chế độ ăn uống chưa hợp lý. Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị trong tgian tới, Bộ Y tế cần phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành, các tổ chức quốc tế vận động các bà mẹ cho con bú sữa đầy đủ; bên cạnh đó cần thúc đẩy hỗ trợ, can thiệp, thay đổi hành vi của người dân tại các khu vực có tỷ lệ suy dinh dưỡng cao như khu miền núi khó khăn, đồng bào dân tộc. Bộ Y tế cũng cần phối hợp với Bộ Giáo dục và đào tạo để có biện pháp tác động ngay tại trường học nhằm giúp trẻ em Việt Nam có chế độ dinh dưỡng phù hợp, hạn chế suy dinh dưỡng giúp nâng cao sức khỏe trẻ em nói riêng và người dân Việt Nam nói chung.
Theo Báo cáo tình hình trẻ em thế giới năm 2019, cứ 3 trẻ dưới 5 tuổi thì có 1 trẻ thiếu dinh dưỡng hoặc thừa cân (tương đương với khoảng trên 200 triệu trẻ em); cứ 3 trẻ từ 6 tháng đến 2 tuổi thì có 2 trẻ không được cho ăn những thực phẩm giúp trẻ phát triển tốt thể chất và trí não, khiến trẻ có nguy cơ chậm phất triển nhận thức, khả năng học tập kém, miễn dịch thấp, dễ nhiễm bệnh, thậm chí trong nhiều trường hợp, có thể dẫn đến tử vong. Tại Việt Nam, theo số liệu điều tra dinh dưỡng năm 2017, 24% trẻ em dưới 5 tuổi thấp còi, 6% trẻ em dưới 5 tuổi gầy còm, 6% trẻ em dưới 5 tuổi thừa cân, hơn 50% trẻ em dưới 5 tuổi bị đói tiềm ẩn. Báo cáo cũng cảnh báo rằng thói quen ăn uống và việc cho trẻ ăn thực phẩm kém dinh dưỡng đã bắt đầu ngay từ những ngày đầu tiên khi trẻ mới ra đời. Như vậy, ngay từ giai đoạn đầu đời, trẻ em Việt Nam đã không nhận được dinh dưỡng tối ưu. Theo số liệu điều tra dinh dưỡng quốc gia năm 2015, 18% trẻ em không được cho ăn đủ đa dạng thực phẩm, 36% trẻ em không được cho ăn đủ số bữa cần thiết.
Để giải quyết xu hướng khủng hoảng suy dinh dưỡng ở tất cả các dạng thức đang ngày càng phổ biến, UNICEF kêu gọi khẩn thiết các chính phủ, khu vực tư nhân, các nhà tài trợ, các tổ chức xã hội dân sự, các bậc phụ huynh, gia đình và doanh nghiệp cần phải giúp trẻ em phát triển khỏe mạnh bằng cách: Tăng quyền năng cho gia đình, trẻ em và thanh thiếu niên để họ có nhu cầu và đòi hỏi thực phẩm dinh dưỡng; gây ảnh hưởng đến nhà cung cấp cung ứng thực phẩm để họ phải có các thực hành đúng đắn đối với trẻ em; xây dựng môi trường thực phẩm lành mạnh cho trẻ em và thanh thiếu niên; huy động các hệ thống hỗ trợ như y tế, nước sạch và vệ sinh, giáo dục và an sinh xã hội; thu thập, phân tích và sử dụng số liệu, bằng chứng có chất lượng tốt một cách thường xuyên nhằm định hướng hành động và đánh giá các kết quản đạt được.
Nam Nguyên