ThS. BS. Trịnh Ngọc Quang, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe Trung ương trình bày Kết quả thực hiện công tác truyền thông GDSK 6 tháng đầu năm 2015. Về tuyến trung ương, trong 6 tháng đầu năm 2015, Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe Trung ương đã phối hợp với Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng xây dựng Thông tư thay thế cho Quyết định số 911/QĐ- BYT; tham mưu Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng, lãnh đạo Bộ thành lập Đơn vị sản xuất chương trình phát thanh truyền hình y tế, tiến tới trở thành một đơn vị độc lập, chủ động trong hoạt động phát thanh truyền hình. Trung tâm đã sản xuất các tài liệu truyền thông về chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em, sốt xuất huyết, MERS- CoV và nhiều tài liệu khác. Trung tâm đã sản xuất các phóng sự về tiêm phòng vắc xin sởi- rubella, kỷ niệm 10 năm ngày thành lập Cục HIV/AIDS, kỷ niệm 100 năm Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh và nhiều tin, bài tuyên truyền hoạt động và sự kiện quan trọng của ngành Y tế…
Về kết quả hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe các tỉnh, thành phố, 6 tháng đầu năm 2015, hoạt động truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng đều tăng, đặc biệt là trên trang tin điện tử, hệ thống loa phát thanh xã. Trên 90% các tỉnh đã tổ chức các hoạt động truyền thông trực tiếp bằng hình thức thăm hộ gia đình, thảo luận nhóm, nói chuyện sức khỏe. Số lượt người được truyền thông trực tiếp tăng hơn 200% so với cùng kỳ năm 2014. Trong phát triển tài liệu truyền thông, theo báo cáo tổng hợp từ 57 tỉnh, thành phố có 72% tỉnh sản xuất, in sao băng tiếng, 69% tỉnh sản xuất tờ rơi, 60% tỉnh in khẩu hiệu và 51% tỉnh in áp phích. Còn lại các loại tài liệu truyền thông khác như cẩm nang, sách mỏng, tranh lật, pano, băng hình chỉ có dưới 50% tỉnh thực hiện.
Nhiệm vụ trọng tâm của Hệ truyền thông GDSK 6 tháng cuối năm là: thực hiện các hoạt động truyền thông theo Hướng dẫn số 2001/BYT- TT- KT ngày 30.3.2015 của Bộ Y tế; phổ biến kịp thời đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của Bộ Y tế đến người dân, cơ quan thông tin đại chúng; tăng cường truyền thông nguy cơ, truyền thông các dịch bệnh nguy hiểm mới nổi, truyền thông thay đổi hành vi trong cộng đồng dân cư trên địa bàn…
Tại Hội nghị, các đại biểu đã cùng thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm để công tác truyền thông GDSK tiếp tục phát triển, đáp ứng tốt yêu cầu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Tin, ảnh: Quang Nguyễn