Phát biểu khai mạc Hội thảo TS.Đặng Quang Tấn, Phó Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng Bộ Y tế cho biết, Zika gây ra hội chứng đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh khi người mẹ mang thai bị nhiễm bệnh. Bệnh do vi rút Zika được phát hiện lưu hành tại 86 quốc gia trong đó có Việt Nam. Năm 2016, Việt Nam ghi nhận trường hợp nhiễm vi rút Zika đầu tiên. Trong giai đoạn năm 2016-2017, dịch bệnh có chiều hướng bùng phát cao. Tuy nhiên, với sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, nỗ lực của ngành Y tế, dịch bệnh do vi rút Zika đã được ngăn chặn. Theo thống kê từ hệ thống giám sát, năm 2018-2019, phát hiện rất ít sự xuất hiện của vi rút Zika trên người và côn trùng truyền bệnh là muỗi. TS.Đặng Quang Tấn nhấn mạnh: kết qua của công tác phòng, chống Zika có sự đóng góp tích cực của hệ thống giám sát bệnh tật. năm 2016, khi bệnh do vi rút Zika được phát hiện và bùng phát tại Việt Nam, chưa có số liệu đáng kể phục vụ công tác phòng dịch, thì đến nay, hệ thống giám sát lưu hành vi rút Zika đã được xây dựng tương đối hoàn chính như: văn bản pháp luật, nhân lực, phương pháp xét nghiệm, hệ thống và phần mềm giám sát bệnh...
Hiện nay, ngành Y tế đang triển khai 3 hình thức giám sát là giám sát thường quy, giám sát trọng điểm và giám sát CDZ. Bệnh Zika thuộc nhóm giám sát bệnh truyền nhiễm nhóm B theo quy định của Bộ Y tế.
Tại Hội thảo, các đại biểu tập chung thảo luận kết quả giám sát bệnh do vi rút Zika tại các khu vực miền Bắc, Trung, Nam, Tây Nguyên, qua đó, chia sẻ các kinh nghiệm thực tế trong công tác giám sát và đề ra cách giải quyết những khó khăn, vướng mắc; cập nhật phương pháp xét nghiệm vi rút Zika, sốt xuất huyết, Chikunguya; cách giám sát chứng đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh; cách chăm sóc, xử trí phụ nữ mang thai, trẻ sơ sinh, trẻ dưới 24 tháng tuổi nghi nhiễm vi rút Zika.
Hội thảo diễn ra trong 2 ngày 11-12/9/2019.
Như Hiển