Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Trần Viết Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế cho biết, Hiện nay, Việt Nam có khoảng 2 triệu người mù và kém thị lực. Các bệnh chính gây mù lòa và suy giảm thị lực ở Việt Nam bao gồm: đục thủy tinh thể, glocom, tật khúc xạ không chỉnh kính. Trên 80% tỷ lệ người mù ở nước ta có thể phòng, chữa được nếu được can thiệp y tế kịp thời. Hiện nay, các bác sĩ chuyên khoa mắt là nguồn nhân lực chính để giải quyết vấn đề mù lòa. Tuy nhiên, do số lượng và sự phân bổ nguồn nhân lực không đồng đều giữa các vùng, miền dẫn đến việc không đáp ứng được nhu cầu chăm sóc tật khúc xạ, chăm sóc mắt toàn diện của người dân. Trong bối cảnh đó, sự tham gia của đội ngũ cử nhân Khúc xạ nhãn khoa sẽ giúp giảm gánh nặng công việc cho bác sĩ nhãn khoa, đáp ứng cung cấp các dịch vụ chăm sóc tật khúc xạ và hệ thống thị giác trong các cơ sở y tế công lập.
TS. Trần Viết Hùng cho biết thêm, để có cơ sở tuyền dụng, sử dụng nhân viên khúc xạ nhãn khoa, ngày 03/03/2020, Bộ Y tế đã có công văn đề nghị Bộ Nội vụ công nhận chức danh Khúc xạ nhãn khoa hạng III, hạng IV trong danh mục vị chí việc làm của viên chức ngành Y tế. Đồng thời, Bộ Y tế cũng đang tiến hành xây dựng văn bản quy định về chức danh nghề nghiệp, vị chí việc làm cho nhân viên Khúc xạ nhãn khoa.
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đến năm 2020, nước ta cần tối thiểu 01 cử nhân Khúc xạ nhãn khoa chăm sóc cho 50.000 dân. Nghĩa là Việt Nam cần có khoảng 1.800 cử nhân Khúc xạ nhãn khoa vào năm 2020.
Hiện, Trường Đại học Y Hà Nội; Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch đã tiến hành đào tạo cử nhân Khúc xạ nhãn khoa. Hiện tại, có khoảng 400 sinh viên khúc xạ nhãn khoa đang theo học tại hai trường này. Đây là nguồn nhân lực để tăng cường, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc mắt ở nước ta.
Nguyễn Hiển