Đại dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp. Tính đến ngày 28/9/2020 toàn thế giới đã có hơn 33 triệu người nhiễm COVID-19, gần 1 triệu người tử vong. Để đối phó với đại dịch, các quốc gia đều nỗ lực phát triển vắc xin theo quy mô chưa từng có, theo công nghệ đa dạng nhằm mục đích đẩy nhanh tốc độ đáp ứng nhu cầu khổng lồ của hơn 7 tỷ người dân cần vắc xin trên toàn cầu. Tính đến ngày 28/9 đã có 191 ứng viên vắc xin COVID-19 trong đó 40 ứng viên đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng, 9 ứng viên vắc xin trong giai đoạn 3. Vắc xin COVID-19 dự kiến sẽ có vào quý 1 năm 2021. Công tác chuẩn bị, kế hoạch tiêm phòng cần triển khai bắt đầu từ bây giờ.
Phát biểu tại Hội thảo, Quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, công cuộc phòng chống dịch COVID-19 đã và đang được thực hiện thành công tại Việt Nam với số ca mắc và tử vong ở mức thấp. Là một trong các quốc gia có thể sản xuất vắc xin trên thế giới, Việt Nam đang thúc đẩy quá trình nghiên cứu vắc xin. Bộ Y tế chỉ đạo sát sao các công ty trong nước tăng cường hoạt động nghiên cứu sản xuất vắc xin. Bên cạnh đó, Việt Nam đang song song xây dựng các chính sách và quy định hỗ trợ việc tiếp nhận, vận chuyển, bảo quản, phân phối và sử dụng ngay khi có vắc xin COVID-19.
Tại Hội thảo, ngài Dominic Raab đánh giá cao việc hợp tác giữa các nhà khoa học của Anh và Việt Nam trong công tác bảo vệ sức khoẻ người dân hai nước, trong hoạt động ngăn chặn tác động của đại dịch COVID-19. Vương quốc Anh đã cam kết hỗ trợ 50 triệu bảng cho các nước Đông Nam Á ứng phó với COVID-19. Khoản đóng góp này bao gồm cả 6,3 triệu bảng mới được cam kết để củng cố hệ thống y tế và phục hồi kinh tế trong các quốc gia Đông Nam Á.
Việt Nam là một trong 92 quốc gia tham gia Cơ chế Tiếp cận Toàn cầu Vắc xin COVID-19 (Cơ chế COVAX) do Liên minh Toàn cầu về Vắc xin và Tiêm chủng (GAVI) lãnh đạo. Những quốc gia này sẽ nhận được cơ chế hỗ trợ trong việc mua vắc xin thông qua Cam kết GAVI COVAX AMC cũng như kho dự trữ vắc xin dự phòng trong các trường hợp nhân đạo khẩn cấp.
Quang Nguyễn