
BSCKII. La Đức Cương, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 cho biết, sức khỏe tâm thần đóng vai trò rất quan trọng trong sức khỏe con người. Năm 2001, năm đầu tiên của thiên niên kỷ thứ XXI, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lấy chủ đề ngày Y tế Thế giới 07/4 là “Sức khỏe Tâm thần”. Hiện nay, WHO nhận định sức khỏe tâm thần có tầm quan trọng thứ tư sau các bệnh tim mạch, ung thư và đái tháo đường. Tầm nhìn đến năm 2020, sức khỏe Tâm thần có tầm quan trọng thứ 2, chỉ sau các bệnh tim mạch.
Rối loạn trầm cảm chiếm tỷ lệ cao trong nhân dân. Theo công bố năm 2011, tỷ lệ dân số bị rối loạn tâm trầm cảm của Mỹ: 9,6%, Ukraina: 9,1%, Newzealand: 8,0%, Colombia: 6,8%, Australia và Lebanon: 6,6%, Canada: 5,2%, Iran: 4,3%, 6 nước Châu Âu: 4,2%.
Ở Việt Nam, theo một nghiên cứu quốc gia năm 2002, rối loạn trầm cảm chiếm tỷ lệ đến 3,94% dân số. Đây là những con số rất đáng quan tâm.
Từ năm 2009-2011, dưới sự hỗ trợ kỹ thuật của Trường Đại học Vanderbilt, mô hình thử nghiệm điều trị trầm cảm bằng liệu pháp kích hoạt hành vi tại cộng đồng đã được thử nghiệm tại 2 tỉnh: Đà Nẵng và Khánh Hòa. Bước đầu đã cho những kết quả hết sức khả quan.
BSCKII La Đức Cương mong muốn, Hội thảo sẽ là bước khởi đầu để tiếp tục nhận được sự tài trợ trong việc mở rộng liệu pháp tâm lý điều trị cho người bệnh trầm cảm; đồng thời, mỗi người và toàn xã hội có hành động và thái độ đúng đắn trong hỗ trợ điều trị và quản lý người bệnh trầm cảm, góp phần quan trọng trong bảo vệ sức khỏe tâm thần cộng đồng theo đúng hướng phát triển tâm thần học cộng đồng của thế giới.
Tin, ảnh: Hoài Nam