Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Phạm Thanh Bình cho biết: Thời gian qua, thực hiện tự chủ tại các trường đại học y, dược đã giúp lãnh đạo các đơn vị chủ động quyết định được các giải pháp để thực hiện được nhiệm vụ chuyên môn, nên nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật cao, tiên tiến được áp dụng. Về bộ máy biên chế các đơn vị đã sắp xếp khoa học, phát huy tính sáng tạo, chủ động nâng cao chất lượng giảng dạy, tạo thương hiệu, uy tín đơn vị, đổi mới tư duy quản lý. Tùy mức độ tự chủ, các trường đại học y dược trong cả nước đã có bước phát triển vượt bậc, nâng cao chất lượng dạy và học, đảm bảo đời sống việc làm thu nhập của cán bộ nhân viên y tế; phát triển được nhiều nghiên cứu khoa học, nhiều bài báo quốc tế có chất lượng cao, kỹ thuật cao phát triển; hợp tác quốc tế đa phương, xây dựng được sự nghiệp trồng người các thế hệ thầy thuốc vừa hồng, vừa chuyên, năng động, sáng tạo.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, cơ hội thì việc thực hiện cơ chế tự chủ cũng khiến trường đại học đứng trước những thách thức rất lớn khi phải thực hiện công cuộc chuyển đổi có tính bước ngoặc nhất định…
Đổi mới hoạt động công đoàn và nâng cao vai trò, vị thế của tổ chức công đoàn tại các trường đại học y dược tự chủ là nhiệm vụ quan trọng đặt ra trong bối cảnh hiện nay. Trong quá trình các trường đại học chuyển đổi cơ chế quản lý, điều hành và vận động theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, các cấp công đoàn sẽ có tác động và ảnh hưởng rất lớn tới đội ngũ CBCCVCLĐ trên nhiều phương diện. Vai trò của tổ chức công đoàn khi tham gia các khâu quan trọng như: thành lập, kiện toàn hội đồng trường, nâng cao năng lực quản trị và tổ chức truyền thông cần phát huy mạnh mẽ…
Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nhấn mạnh: Việc giao quyền tự chủ đã đạt được những thành công lớn về nhiều mặt, huy động tốt mọi nguồn lực xã hội cho phát triển hệ thống y tế. Các cơ sở y tế chủ động mở rộng, phát triển các loại hình dịch vụ khám chữa bệnh, tổ chức và sắp xếp lại bộ máy, nhân lực để phục vụ nhiệm vụ chuyên môn, đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng tăng của nhân dân, tăng cường đầu tư trang thiết bị và cơ sở hạ tầng góp phần tăng nguồn thu cho bệnh viện và cái thiện thu nhập cho người lao động.
Cơ chế tự chủ cho phép các đơn vị tự chủ hơn, linh hoạt hơn trong đầu tư, giao dịch tài chính và chi tiêu thường xuyên. Đặc biệt đối với viên chức, người lao động tại các bệnh viện sẽ được hưởng lợi nhiều hơn từ cơ chế này. Theo đó, đơn vị được chủ động trong việc chỉ trả tiền lương, phụ cấp và tiền lương tăng thêm cho người lao động, được chủ động sử dụng quỹ bổ sung thu nhập để thực hiện việc phân chia trên cơ sở quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị, theo nguyên tắc gắn với số lượng, chất lượng và hiệu quả công việc. Việc trích lập quỹ phúc lợi, khen thưởng của các đơn vị cũng vì thế mà trở nên thuận lợi.
Tuy nhiên, trên thực tế, việc thay đổi cơ chế đòi hỏi phải có quá trình, bước đi cụ thể và bước đầu chắc chắn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về thay đổi cơ chế quản lý, quản trị, sắp xếp bộ máy tổ chức, xây dựng hệ thống văn bản, cơ chế trả lương, thưởng, phụ cấp, thu nhập tăng thêm… Thay mặt Lãnh đạo Bộ Y tế, Thứ trưởng hoan nghênh sự chủ động và sáng kiến của Công đoàn Y tế Việt Nam đã phối hợp với Công đoàn Giáo dục Việt Nam và toàn bộ các đơn vị khối các trường y dược trong cả nước về dự hội nghị chia sẻ quan trọng này.
Hội thảo này sẽ là cơ hội rất tốt để các đơn vị khối trường chia sẻ thông tin, kinh nghiệm về công tác quản lý, tự chủ ở các mức độ khác nhau. Các công đoàn trường nhân dịp này cùng trao đổi, thảo luận cách làm, nội dung hoạt động phù hợp bối cảnh mới để làm tốt vai trò đại diện đoàn viên, thực tốt chức năng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho cán bộ, nhân viên, người lao động ngành Y tế.
Tại Hội thảo, công đoàn nhiều đơn vị như: Đại học Dược Hà Nội, Đại học Điều dưỡng Nam Định, Học Viện Y dược cổ truyền Việt Nam, Đại học Phenikaa... đã có những tham luận cũng như chia sẻ những thuận lợi, khó khăn khi thực hiện nội dung này.
Hoàng Hiền