Theo số liệu của Sở Y tế, năm 2015, toàn tỉnh có 10 trạm y tế có biên chế bác sỹ và 50% trạm y tế có bác sỹ làm việc tại trạm tối thiểu 2 buổi/tuần theo tiêu chí quốc gia về y tế xã, con số này rất khiêm tốn so với các tỉnh khác.
Để giải bài toán thiếu hụt bác sỹ ở trạm y tế xã, thời gian qua, Sở Y tế đã chỉ đạo các Bệnh viện, Trung tâm chuyên khoa tuyến tỉnh, trung tâm y tế huyện chủ động bố trí, sắp xếp cử bác sỹ luân phiên tăng cường cho các trạm y tế xã. Y sỹ Tô Văn Hiếu, Trưởng trạm y tế xã Tà Mung (Than Uyên) cho biết: “Trung bình, mỗi tháng Trạm Y tế xã khám, điều trị cho trên 500 lượt bệnh nhân. Thời gian qua, Trạm có bác sỹ về tăng cường 2 buổi/tuần hỗ trợ trạm thực hiện ghi chép bệnh án, khám, điều trị những ca bệnh khó. Có bác sỹ chúng tôi được cầm tay chỉ việc nên đã nâng cao được chất lượng khám, chữa bệnh tại Trạm”. Tuy nhiên, bên cạnh đó giải pháp tình thế này vẫn chưa thực sự phát huy hiệu quả. Một số các bác sỹ được cử về tăng cường, hỗ trợ cho trạm đều rất khó thực hiện giờ giấc đúng quy định là làm việc 2 buổi/tuần, do ở tuyến huyện còn thiếu bác sỹ nên họ tranh thủ xuống để thăm khám bệnh, kê đơn thuốc, hướng dẫn ghi chép sổ sách theo quy định, vì không có thời gian. Bất cập nữa là bác sỹ làm việc tại trạm chỉ đúng giờ hành chính, không phải trực nên có những ca bệnh khó ngoài giờ thì lại không có bác sỹ để thực hiện thăm khám. Người dân trong xã số ít biết được thời gian có bác sỹ tăng cường tại Trạm để đi khám bệnh, vì vậy mục tiêu bác sỹ tăng cường giúp trạm xử trí những ca bệnh khó đạt hiệu quả chưa cao.
Các bác sỹ biên chế tại Trạm, cùng ăn, ở, sinh hoạt tại trạm nên có điều kiện để chăm sóc bệnh nhân được tốt hơn. Bác sỹ Nguyễn Bá Nhân, Trạm trưởng trạm y tế xã Noong Hẻo (Sìn Hồ) cho biết: “Mình công tác tại Trạm đã lâu, tháng 7/2013 mình tốt nghiệp bác sỹ về tiếp tục làm việc tại đây. Bác sỹ công tác tại Trạm có cơ hội để điều trị ở tất cả các khoa bệnh. Người dân ở đây họ cũng biết trạm có bác sỹ nên đã yên tâm ở đây khám chữa, bệnh, chỉ trường hợp trạm đồng ý chuyển tuyến thì người bệnh mới chuyển, giúp người bệnh giảm kinh phí đi lại cũng như giảm tải cho bệnh viện tuyến trên.
Bác sỹ Đào Anh Đoàn, Phòng khám đa khoa khu vực Ka Lăng (Mường Tè) cho biết: “Công tác tại Trung tâm y tế huyện đã lâu rồi, mình thấu hiểu được sự khó khăn, vất vả của người dân khi phải đi khám chữa bệnh, một số bản đến xã đã xa, nếu phải về huyện thì lại càng vất vả hơn. Từ năm 2014, mình học xong bác sỹ, mình xin đi xã Can Hồ để giúp trạm các hoạt động về chuyên môn, đặc biệt là trong khám chữa bệnh. Sau khi Trạm Can Hồ đi vào ổn định, mình lại xin đi đến phòng khám đa khoa khu vực Ka Lăng, là xã biên giới cách Trung tâm huyện gần 100km, giao thông đi lại không thuận lợi, đời sống của bà con còn nhiều khó khăn... Cùng với sự cố gắng của các cán bộ trong phòng khám, thời gian qua, Phòng khám đã thu hút đông hơn số bệnh nhân điều trị nội trú, bà con đã yên tâm tin tưởng ở lại đây điều trị, không chuyển tuyến. Để đáp lại sự tin tưởng đó, bản thân mình tiếp tục cố gắng hơn nữa để chăm sóc sức khỏe cho bà con ngày một tốt hơn”
Bác sỹ tại trạm cũng gặp một số khó khăn như: trang thiết bị chưa đồng bộ nên nhiều ca bệnh họ có đủ khả năng thực hiện tại trạm nhưng lại thiếu máy móc hỗ trợ, hơn nữa một số ca bệnh cần có sự hội chẩn, trao đổi chuyên môn thì lại không có bác sỹ khác nên có phần hạn chế…
Ông Lê Phú Hiếu, Phó Giám đốc sở Y tế Lai Châu cho biết: “Những năm qua, Sở đã tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích cán bộ y sỹ, dược sỹ ở các trạm y tế đi học nâng cao trình độ chuyên môn. Hiện nay, toàn tỉnh có 65 y sỹ ở các trạm y tế xã đi học bác sỹ đa khoa (hệ chuyên tu 4 năm) tại một số trường đại học y dược. Trong đó, có nhiều y sỹ trong năm nay và năm tới sẽ hoàn thành khóa học, góp phần bổ sung kịp thời đội ngũ bác sỹ cho các trạm y tế xã, thị trấn đang thiếu hụt. Ngành Y tế tỉnh đặt ra lộ trình, đến năm 2020, 70% số trạm y tế của tỉnh ta có bác sỹ làm việc. Để đạt mục tiêu đó, Sở Y tế đang chỉ đạo các phòng chuyên môn rà soát tổng thể số lượng cán bộ từ tuyến tỉnh tới tuyến xã, trong đó, yêu cầu xác định rõ nơi nào đang thừa, thiếu bác sỹ. Trên cơ sở đó, Sở Y tế sẽ phối hợp với các huyện, thành phố chủ động bố trí, điều động bác sỹ giữa các huyện, thành phố hoặc giữa các trạm y tế cùng địa phương với quan điểm ưu tiên bao phủ bác sỹ cho các trạm y tế xã ở vùng khó khăn. Còn những trạm y tế nằm ở trung tâm huyện, có bệnh viện đa khoa khu vực, phòng khám đa khoa khu vực thì không nhất thiết phải có bác sỹ, phù hợp với chủ trương chung của Bộ Y tế”.
Tăng cường bác sỹ cho các trạm y tế giúp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại tuyến y tế cơ sở là việc làm rất ý nghĩa, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân. Để thực hiện tốt công tác này, Ngành Y tế phải có các chính sách thu hút và giữ chân các bác sĩ công tác tại trạm y tế lâu dài, cần đầu tư xây mới, nâng cấp các trạm y tế, bổ sung trang thiết bị chuyên môn; các xã, thị trấn cũng quan tâm nhiều đến đời sống vật chất, tinh thần cho các bác sĩ khi làm việc tại địa phương… Bên cạnh đó, ngành Y tế tỉnh cần tăng cường đào tạo ngắn hạn cho đội ngũ y, bác sỹ tại các trạm y tế xã theo phương châm “cầm tay chỉ việc”, cử y, bác sỹ xã về học tập, làm việc tại các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện để triển khai có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, xử trí những ca bệnh khó tại Trạm, để KCB tuyến xã thực sự là địa chỉ tin cậy của người dân.
Bài, ảnh: Mai Hoa (T4G Lai Châu)