Theo bác sĩ Trương Hồng Lĩnh, Giám đốc Bệnh viện Phổi tỉnh Hà Tĩnh: nguyên nhân chính khiến lao kháng thuốc là do bệnh nhân lao không tuân thủ quy trình điều trị, tự ý giảm liều hoặc ngừng thuốc khi chưa đủ thời gian. Một số trường hợp do hít phải vi trùng lao kháng thuốc. Những trường hợp lao kháng thuốc điều trị rất khó khăn và là nguồn lây lan rất nguy hiểm cho cộng đồng. Chi phí điều trị cho người bệnh lao kháng thuốc đắt gấp hàng trăm lần so với điều trị người bệnh lao không kháng thuốc, nhưng tỷ lệ điều trị khỏi không quá 70%. Vấn đề quản lý điều trị lao kháng thuốc đang là khó khăn thách thức đối với chương trình chống lao bởi bệnh nhân lao đa phần bệnh nhân nghèo, ở vùng sâu vùng xa. Bên cạnh đó, do bệnh lao kháng thuốc phải điều trị thời gian kéo dài liên tục từ 18 đến 20 tháng và uống thuốc theo một thời gian nhất định trong ngày nên nhiều bệnh nhân bỏ trị, không tuân thủ thời gian dẫn đến lao đa kháng thuốc, siêu kháng thuốc, khi đó thì không thể cứu chữa.
Bệnh nhân Nguyễn Xuân Huy, 40 tuổi, ở thành phố Hà Nội vào Bệnh viện Phổi tỉnh Hà Tĩnh điều trị trong tình trạng sốt, ho, khó thở, toàn thân mệt mỏi, sút cân, anh cho biết: "tôi bị bệnh lao hơn một năm nay, nhưng do không tuân thủ điều trị theo đúng phác đồ nên bị đi bị lại nhiều lần và lần này vào đây thì đã bị lao kháng thuốc, nhưng do được chăm sóc tận tình nên sau 10 ngày điều trị sức khỏe ổn định hơn".
Trước đây, khi bệnh nhân nghi lao kháng thuốc thì Hà Tĩnh phải chuyển bệnh nhân lên tuyến trên làm xét nghiệm và điều trị. Nhưng từ tháng 12 năm 2015 Bệnh viện Phổi Hà Tĩnh đã triển khai thành công kỹ thuật GeneXpert nhằm xét nghiệm chẩn đoán lao nhanh, lao kháng thuốc Rifampicin. Đến nay đã xét nghiệm miễn phí 61 mẫu, trong đó phát hiện 19 mẫu có vi khuẩn lao dương tính và 02 mẫu lao kháng thuốc. Đồng thời, bệnh viện cũng đã thực hiện điều trị cho bệnh nhân lao kháng thuốc nên đã đem lại nhiều lợi ích cho người bệnh. Tuy nhiên, việc điều trị cho bệnh nhân lao kháng thuốc tại Hà Tĩnh vẫn gặp một số khó khăn. Theo bác sĩ Nguyễn Đức Quảng, Trưởng khoa Nội I, Bệnh viện Phổi: lao kháng thuốc rất dễ lây lan, mà khi người lành hít phải vi khuẩn lao kháng thuốc thì cũng bị lao kháng thuốc, nhưng hiện nay tại Bệnh viện Phổi chưa có khu điều trị dành riêng cho bệnh nhân lao kháng thuốc nên bệnh nhân Lao kháng thuốc phải nằm điều trị chung trong Khoa Nội I nên nguy cơ lây nhiễm lao kháng thuốc cho người khác là rất cao. Bên cạnh đó, bác sĩ làm công tác chống lao đã thiếu nay phải kiêm nghiệm, nhưng chưa có chế độ giành riêng cho cán bộ điều trị lao kháng thuốc.
Để hạn chế lao kháng thuốc cần đi khám định kỳ để sớm phát hiện và chữa bệnh kịp thời. Tốt nhất là đi làm xét nghiệm đờm khi có các triệu chứng ho, khạc đờm kéo dài, mệt mỏi, sốt về chiều. Khi đã bị lao phải hợp tác tốt với cán bộ y tế, tuyệt đối tuân thủ tốt nguyên tắc điều trị bệnh lao, uống thuốc đúng thời gian đúng liều đã được bác sĩ chuyên khoa hướng dẫn. Đồng thời, cần có chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý, thường xuyên luyện tập thể dục để tăng cường sức khỏe, phòng tránh bệnh tật. Cộng đồng cần có quan niệm đúng về bệnh lao, không nên mặc cảm hoặc kỳ thị người mắc bệnh lao. Bên cạnh đó, công tác phòng chống lao tỉnh nhà cần sự quan tâm chỉ đạo, đầu tư đúng tầm của tỉnh và sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, của các ngành, các cấp, các tổ chức chính trị xã hội trong đó y tế giữ vai trò nòng cốt. Có như vậy chúng ta mới hy vọng thực hiện thành công thanh toán bệnh lao trong tương lai gần.
Hưởng ứng ngày Thế giới phòng, chống bệnh lao 24-3-2016 với chủ đề "hướng tới mục tiêu để người dân Việt Nam được sống trong môi trường không còn bệnh lao". Ngày Thế giới phòng, chống lao kêu gọi sự nỗ lực của toàn cầu để tìm kiếm, điều trị và chữa khỏi bệnh cho tất cả những người mắc bệnh lao, đẩy nhanh tiến trình đạt mục tiêu vì một thế giới không còn người bệnh lao vào năm 2035.
Bài, ảnh: Thanh Loan
T4G Hà Tĩnh