Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương ra đời vào ngày 31/12/1984 với tên gọi ban đầu là Viện Huyết học và Truyền máu, thuộc Bệnh viện Bạch Mai, do GS. Bạch Quốc Tuyên là Viện trưởng. Đây là một bước tiến vô cùng quan trọng, là tiền đề để phát triển hoạt động của Viện nói riêng và chuyên khoa Huyết học - Truyền máu nói chung.
Đến ngày 08/3/2004, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương chính thức tách ra hoạt động độc lập, trực thuộc Bộ Y tế. Vượt qua vô vàn khó khăn về nhân lực, tài chính, cơ sở vật chất, áp lực chuyên môn… Viện đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, trở thành đơn vị Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới và luôn giữ vững chất lượng chuyên môn của Viện đầu ngành về chuyên khoa Huyết học - Truyền máu trên toàn quốc.
Về lĩnh vực Huyết học: Viện đã xây dựng được hệ thống phòng xét nghiệm hàng đầu ở Việt Nam trong lĩnh vực Huyết học với đội ngũ chuyên gia, cán bộ, nhân viên tâm huyết, giàu kinh nghiệm, thường xuyên cập nhật những kỹ thuật tiên tiến trên thế giới. Nhờ đó, nhiều kỹ thuật cao về đông máu, miễn dịch, di truyền, sinh học phân tử… đã được triển khai như: Áp dụng xét nghiệm sinh học phân tử vào chẩn đoán trước sinh các bệnh máu di truyền trên cả mẫu tế bào ối và tế bào phôi, chẩn đoán các ca bệnh khó, theo dõi các ca bệnh điều trị bằng phương pháp nhắm đích, ghép tế bào gốc.
Với chất lượng chuyên môn cao và thực hiện tốt các hoạt động vì người bệnh, Viện đã trở thành cơ sở điều trị bệnh máu và cơ quan tạo máu lớn nhất cả nước, được người bệnh và nhân dân tin tưởng. Từ chỗ chỉ có một đơn nguyên lâm sàng là Phòng Bệnh máu (C5) với 35 giường bệnh, sau 35 năm, Viện đã có 8 đơn vị lâm sàng, số lượng người bệnh điều trị nội trú luôn duy trì từ 1.200 - 1.300 người mỗi ngày. Năm 2019, bệnh nhân đến khám là 154.829 lượt (gấp trên 41 lần so với năm 2004), bệnh nhân điều trị nội trú là 41.480 lượt (gấp trên 12 lần so với năm 2004).
Từ năm 2006, Viện bắt đầu triển khai kỹ thuật ghép tế bào gốc và đến nay đã thực hiện được 400 ca ghép, trở thành đơn vị ghép tế bào gốc nhiều nhất và có chất lượng tại Việt Nam. Năm 2014, Viện đã thành lập Ngân hàng tế bào gốc máu dây rốn cộng đồng và thực hiện thành công ghép tế bào gốc từ máu dây rốn không cùng huyết thống vào đầu năm 2015, mở ra hy vọng cho rất nhiều bệnh nhân mắc bệnh máu mà không có người hiến tế bào gốc phù hợp. Hiện nay, Ngân hàng tế bào gốc máu dây rốn cộng đồng đang lưu trữ trên 4.000 mẫu phục vụ cho ghép tế bào gốc điều trị các bệnh máu và các bệnh lý liên quan khác.
Đối với nhóm bệnh máu di truyền như hemophilia, thalassemia, Viện đã nỗ lực, tìm mọi cách nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị ngang tầm với các nước trong khu vực; Tổ chức các hoạt động Hội, kết nối, hỗ trợ cả về vật chất lẫn tinh thần nhằm đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người bệnh. Trong điều kiện nguồn lực còn hạn chế, các hoạt động vận động chính sách, hợp tác quốc tế, truyền thông về các bệnh máu di truyền và bước đầu tầm soát gen bệnh thalassemia cũng được đẩy mạnh, hướng tới mục tiêu giảm dần số trẻ sinh ra bị bệnh và nâng cao chất lượng dân số Việt Nam.
Về lĩnh vực Truyền máu: Viện đã xây dựng được Trung tâm Máu Quốc gia đồng bộ, hoàn chỉnh từ tuyên truyền, vận động hiến máu, tổ chức tiếp nhận máu, sàng lọc, điều chế, lưu trữ, phân phối máu và các chế phẩm máu với công suất lớn, kỹ thuật hiện đại.
Viện đã khởi xướng và tổ chức thành công nhiều chương trình, sự kiện vận động hiến máu có quy mô lớn, đa dạng về mặt hình thức và nội dung, mang tính nhân văn, góp phần thúc đẩy phong trào hiến máu tình nguyện phát triển. Đặc biệt, Viện đã tổ chức thành công Lễ hội Xuân Hồng và chương trình Hành trình Đỏ - chương trình vận động hiến máu có quy mô lớn nhất cả nước nhằm khắc phục tình trạng thiếu máu vào dịp Tết và dịp hè ở nước ta, hướng tới mục tiêu chất lượng, hiệu quả, bền vững.
Trong những năm qua, lượng máu tiếp nhận được hàng năm đã tăng lên nhanh chóng. Từ chỗ mới đạt gần 3.500 đơn vị máu vào năm 1994 và chỉ có khoảng 10% lượng máu tiếp nhận từ người hiến máu tình nguyện, đến năm 2019, lượng máu tiếp nhận đã đạt hơn 355.000 đơn vị, trong đó tỷ lệ hiến máu tình nguyện chiếm trên 98%. Trung tâm Máu Quốc gia đã điều chế được trên 640.000 đơn vị chế phẩm máu có chất lượng, đảm bảo an toàn truyền máu, cung cấp cho 170 bệnh viện phục vụ nhu cầu cấp cứu, điều trị của 25 tỉnh, thành khu vực phía Bắc.
Các hoạt động nghiên cứu khoa học, đào tạo, chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới, các chương trình, dự án được thực hiện thường xuyên, hiệu quả góp phần thúc đẩy hệ thống Huyết học - Truyền máu trên toàn quốc. Viện cũng đã xây dựng và duy trì mối quan hệ hợp tác quốc tế gắn bó nhằm trao đổi, tiếp cận với những tiến bộ của y học thế giới; đồng thời nhận được nhiều nguồn lực hỗ trợ của bạn bè quốc tế, đem lại lợi ích to lớn cho người bệnh.
TS. Bạch Quốc Khánh - Viện trưởng cho biết: “Ba mươi lăm năm đối với một Viện chuyên khoa là khoảng thời gian chưa dài, nhất là khi so sánh với sự ra đời của các Bệnh viện đa khoa hay chuyên khoa khác trong ngành Y tế. Nhưng, nhìn lại khối lượng công việc rất lớn và thành quả của Viện, tôi thực sự hạnh phúc trước những bước phát triển của Viện và những bước tiến nhanh chóng của chuyên khoa Huyết học - Truyền máu trong 35 năm qua. Các thế hệ lãnh đạo và cán bộ, nhân viên đi trước đã dành biết bao tâm huyết, trí tuệ và sự nỗ lực để đưa Viện từng bước đi lên. Tiếp nối truyền thống đó, Viện sẽ tiếp tục đoàn kết, quyết tâm xây dựng tập thể Viện Huyết học - Truyền máu TW phát triển bền vững với sứ mệnh Vì sức khỏe dòng máu Việt”.
Những thành công mà Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương có được chính là nhờ sự quan tâm của Lãnh đạo Đảng - Nhà nước, sự chỉ đạo sát sao của Bộ Y tế, sự ủng hộ, hợp tác của các ban, ngành, đoàn thể, của người bệnh, người hiến máu và đặc biệt là sự đồng lòng, chung sức của Ban lãnh đạo Viện và tập thể cán bộ, nhân viên qua các thời kỳ.
Hoàng Hiền