Dược liệu trong nước mới đáp ứng ở mức thấp khoảng 20 đến 25% nhu cầu sử dụng
Phát biểu tại buổi Tọa đàm “Phát triển dược liệu bền vững” do Bộ Y tế phối hợp với Báo Nhân dân tổ chức sáng ngày 8/6 tại Hà Nội, đồng chí Thuận Hữu Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết: Việt Nam được đánh giá là một quốc gia có tiềm năng lớn về cây dược liệu và là quốc gia may mắn sở hữu nhiều dược liệu quý, hiếm, đặc dụng có tiềm năng và cơ hội phát triển rất lớn. Tuy nhiên, chúng ta cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thức thức không nhỏ. Đó là việc dược liệu nuôi trồng, thu hái trong nước mới đáp ứng ở mức thấp khoảng 20 đến 25% nhu cầu sử dụng; số còn lại phải nhập khẩu từ nước ngoài nhưng chất lượng một số loại dược liệu nhập khẩu, nhất là nguồn gốc, xuất xứ của dược liệu nhập khẩu theo các con đường tiểu ngạch đang bị thả nổi.
Theo GS.TS. Phạm Vũ Khánh, Cục trưởng Cục Quản lý Y, Dược học cổ truyền (Bộ Y tế), hằng năm, ngành Dược sử dụng khoảng 60.000 tấn dược liệu các loại, trong đó có khoảng 80-85% dược liệu có nguồn gốc nhập khẩu (chủ yếu nhập từ Trung Quốc). Mỗi tuần khoảng 300-400 tấn dược liệu thông quan qua cửa khẩu Chi Ma, Lạng Sơn. Dược liệu ở Trung Quốc có 2 dạng cung cấp: nông sản và dược liệu trồng, thu hái tự nhiên theo tiêu chuẩn. Những dược liệu ở dạng nông sản không đảm bảo chất lượng để làm thuốc thì có giá rất rẻ so với các loại dược liệu trồng và thu hái tự nhiên theo tiêu chuẩn. Trong khi đó, phần lớn các dược liệu nhập khẩu vào Việt Nam là những dược liệu ở dạng nông sản nên ảnh hưởng lớn đến vấn đề an ninh dược liệu và ảnh hưởng xấu đến việc trồng, thu hái dược liệu tại Việt Nam. Ngoài ra, dược liệu thông quan qua cửa khẩu còn rất nhiều tồn tại như: không có bao bì, nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ…
Quản lý dược liệu nhập khẩu còn gặp nhiều khó khăn
Quản lý dược liệu nhập khẩu vào nước ta còn gặp nhiều khó khăn khách quan. Công tác kiểm soát dược liệu tại các cửa khẩu còn nhiều bất cập như: dược liệu không có bao bì, nhãn mác theo đúng qui định, phần lớn được đóng gói ở trong bao dứa, thùng giấy, không kiểm tra được cụ thể các mặt hàng; dược liệu không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, lưu hành trôi nổi trên thị trường giống nông sản, không đảm bảo chất lượng để làm thuốc. Tại các cửa khẩu, cán bộ kiểm tra chỉ kiểm tra được về số lượng, trọng lượng các bao hàng, không kiểm tra được chất lượng của các dược liệu... Ngoài ra, nhiều dược liệu nhập lậu về Việt Nam theo những con đường khác nhau như: vận chuyển dược liệu trái phép của các đường biên giới; vận chuyển dược liệu cùng với các xe nhập khẩu hoa quả, nông sản qua các cửa khẩu… Bên cạnh đó, hệ thống Trung tâm kiểm nghiệm chất lượng dược liệu về nhân lực, trang thiết bị chưa được đầu tư thích đáng nên không đáp ứng được việc kiểm nghiệm chất lượng dược liệu hiện nay… Vấn đề đặt ra đối với ngành Dược liệu hiện nay là công tác quản lý khai thác dược liệu hiện còn lỏng lẻo, dược liệu quý hiếm đang bị khai thác bừa bãi; kiểm soát chất lượng dược liệu gặp khó khăn do chủ yếu dựa vào cảm quan, kinh nghiệm và hiện dược liệu đang chủ yếu được thu mua thông qua thương lái trung gian và chưa có biện pháp ngăn chặn hữu hiệu... Hiện tại, Việt Nam chưa có qui định về kê khai giá đối với mặt hàng dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền vì vậy, cả nhà cung cấp và cơ sở y tế đều bị động về nguồn cung do mặt hàng phụ thuộc nhiều vào thời vụ và phụ thuộc phần lớn vào nguồn nhập khẩu. Mặt khác, giá dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền biến động rất nhiều theo thời vụ và thị trường dẫn tới tình trạng giá trúng thầu dược liệu, vị thuốc tại các tỉnh, thành phố chênh lệch nhau nhiều.
Giải pháp củng cố hệ thống cung ứng dược liệu trong thời gian tới
Tại buổi tọa đàm, GS.TS. Phạm Vũ Khánh đã nêu lên những giải pháp nhằm củng cố hệ thống cung ứng dược liệu trong thời gian tới. Theo đó, để củng cố hệ thống cung ứng dược liệu, ngành Dược cần xây dựng cơ chế chính sách kinh tế hỗ trợ cho dược liệu sản xuất trong nước bao gồm: dược liệu trồng trong nước, dược liệu khai thác hợp pháp, dược liệu khai tác kết hợp bảo tồn bền vững; dược liệu được chế biến tại các cơ sở sản xuất thuốc từ dược liệu đạt tiêu chuẩn GMP hoặc các cơ sở sản xuất đạt điều kiện theo Thông tư 16/2011/TT-BYT…; đồng thời, ngành Y tế tăng cường kiểm tra các dược liệu được nhập vào Việt Nam, trong đó qui định dược liệu nhập khẩu về Việt Nam phải chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ, có giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa của từng đợt nhập dược liệu; kiểm tra, rà soát ngăn chặn việc vận chuyển các dược liệu không rõ nguồn gốc vào Việt Nam; tập trung kiểm tra các cơ sở kinh doanh dược liệu lớn tại quận 5 (TP. Hồ Chí Minh), Ninh Hiệp (Hà Nội).
Song song đó, ngành Dược cần tổ chức đào tạo nâng cao kiến thức theo nhiều loại hình như: chính quy, đào tạo liên tục, đào tạo liên thông, đào tạo cử tuyển với các vùng đặc biệt khó khăn nhằm đáp ứng đủ số lượng và chất lượng cán bộ y học cổ truyền. Thành lập, phát triển Khoa hoặc Bộ môn Y học cổ truyền và Dược học cổ truyền tại các trường đại học, cao đẳng, trung học y, dược thuộc trung ương và địa phương; xây dựng và ban hành chương trình đạo tạo, mã ngành đào tạo đối với đội ngũ lương y; bổ sung nguồn nhân lực cán bộ chuyên ngành dược cổ truyền. Bộ Y tế thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn về nâng cao năng lực kiểm soát chất lượng, sử dụng thuốc hợp lý an toàn; tăng cường xây dựng, ban hành tiêu chuẩn dược liệu sau chế biến; đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ sinh học trong việc tạo giống dược liệu chất lượng cao; hiện đại hóa hệ thống kiểm nghiệm dược liệu, thuốc từ dược liệu từ trung ương đến địa phương. Ngành y tế tiếp tục nâng cấp cơ sở hạ tầng tại các viện, bệnh viện y học cổ truyền trong cả nước nhằm đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh dược liệu cần đầu tư nâng cấp hệ thống máy móc đảm bảo điều kiện sản xuất thuốc từ dược liệu theo lộ trình thực hiện Thông tư 16/2011/TT-BYT, xây dựng kho chứa dược liệu đạt điều kiện bảo quản, vệ sinh; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho hệ thống các Trung tâm Kiểm nghiệm tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; định hướng xây dựng một số Trung tâm kiểm nghiệm vùng. Đặc biệt là Trung tâm kiểm nghiệm vùng tại Lạng Sơn.
Đồng chí Thuận Hữu chia sẻ, muốn phát triển tốt ngành Dược còn cần giải quyết nhiều vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách; quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu; quy hoạch phát triển công nghiệp dược; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, bác sĩ y học cổ truyền; quản lý xuất nhập khẩu dược liệu...
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tổ chức hội nghị gồm các Bộ cùng các nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà nông và nơi sử dụng là các bệnh viện để đưa ra những kiến nghị về quy hoạch phát triển dược liệu. Bộ Y tế tiếp tục phối hợp Báo Nhân Dân khởi xướng những hội thảo tìm ra mô hình phát triển dược liệu gắn với Luật Dược mới ban hành.
Bài, ảnh: Tuấn Minh