Tại Việt Nam, mặc dù tỷ lệ lao mới mắc giảm khoảng 2,6% hàng năm và tỷ lệ tử vong giảm khoảng 4,4% hàng năm, nhưng Việt Nam hiện vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao đứng thứ 15/30 nước có bệnh nhân lao. Bệnh lao đang là nỗi lo và gánh nặng của toàn xã hội bởi nó tác động tới 70% đối tượng lao động chính, nguồn sản sinh ra của cải vật chất cho xã hội, làm cho lực lượng sản xuất bị giảm sút, năng suất lao động giảm. Hàng năm ước tính có khoảng gần 130.000 người mắc mới bệnh lao, trong đó có hơn 5.000 bệnh nhân mắc lao kháng đa thuốc; đáng lo ngại là có gần 6% là lao siêu kháng thuốc và con số tử vong vào khoảng 16.000 người, gần gấp đôi số tử vong do tai nạn giao thông.
Với sứ mệnh làm giảm gánh nặng bệnh lao tại Việt Nam, năm 1986, Chương trình chống lao Quốc gia đã hình thành và triển khai các hoạt động phòng chống lao theo khuyến cáo của WHO.
Thời gian qua, Việt Nam được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hỗ trợ làm mô hình điểm trong triển khai nghiên cứu kết thúc bệnh lao trong giai đoạn mới. Bệnh viện Phổi Trung ương, Chương trình chống lao Quốc gia đã thành lập một trung tâm nhằm xây dựng một mạng lưới nghiên cứu lao và bệnh phổi. Từ đó, góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh trong chuyên ngành tại các tuyến y tế trên cả nước. Chiến lược phòng chống lao cũng vẫn tiếp tục được duy trì tại 100% số quận, huyện và phường, xã. Tuy nhiên, các đối tượng nghi lao kháng đa thuốc vẫn chưa được tầm soát hết, tỉ lệ người được xét nghiệm trong số nghi kháng đa thuốc còn hạn chế tại địa phương. Mục tiêu của Chương trình Chống lao quốc gia đặt ra từ năm 2015 đến 2020, Việt Nam giảm 30% số người mắc lao và giảm 40% số người chết do lao mỗi năm.
H.H