Thực trạng gia tăng và trẻ hóa bệnh lí tim mạch tại Việt Nam
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hiện nay, bệnh tim mạch là nguyên nhân gây bệnh tật và tử vong hàng đầu trên phạm vi toàn cầu. Bệnh tim mạch đang có xu hướng gia tăng nhanh chóng tại các nước đang phát triển. Thông kê cho thấy, số người mắc bệnh tim mạch tại các nước đang phát triển còn cao hơn tại các nước phát triển. Bệnh tim mạch đang có chiều hướng tăng ở người trẻ tuổi. GS.TS. Đỗ Doãn Lợi, Viện trưởng Viện Tim mạch Quốc gia Việt Nam nhấn mạnh: trước đây, thường người 50 tuổi trở lên mới mắc tăng huyết áp, bệnh mạch vành, tai biến mạch não… thì bây giờ bệnh tim mạch đã xuất hiện nhiều ở những người 30 đến 40 tuổi.
Tại Việt Nam, theo điều tra mới nhất của Chương trình quốc gia về tăng huyết áp năm 2015 do Viện Tim mạch Việt Nam thực hiện cho thấy, tỉ lệ mắc tăng huyết áp ở người trên 25 tuổi tại Việt Nam là 47,3%. Trung bình mỗi năm, bệnh tim mạch cướp đi sinh mạng của 200 nghìn người, chiếm khoảng một phần tư tổng số trường hợp tử vong ở nước ta. GS.TS. Đỗ Doãn Lợi cho biết, trẻ hóa bệnh lí tim mạch ngày càng phổ biến là do lối sống công nghiệp hóa, đô thị hóa khiến con người lười vận động thể lực, uống nhiều rượu bia, hút thuốc lá, Bên cạnh đó, tình trạng thường xuyên căng thẳng, bị áp lực trong cuộc sống cũng dẫn đến nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Chỉ tiếng riêng tại Viện Tim mạch Quốc gia Việt Nam, số lượng bệnh nhân trẻ từ 25 đến 40 tuổi đến khám và điều trị ngày càng tăng trong những năm gần đây và có khá nhiều bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp trước độ tuổi 40 đã được ghi nhận.
Kết quả nghiên cứu đề tài cấp nhà nước của Viện Dinh dưỡng Quốc gia khảo sát nhóm đối tượng có độ tuổi từ 25 đến 74 tuổi về chỉ số khối cơ thể và mối nguy cơ về sức khỏe tim mạch dựa trên chỉ số BMI (cân nặng chuẩn: BMI từ 18,5 - 25; thừa cân: BMI từ 25-30; béo - nên giảm cân: BMI 30 - 40; rất béo - cần giảm cân ngay: BMI trên 40) cho thấy, BMI ≥ 25 lên đến 25,9%, trong đó có đến 40,4% người được khảo sát tại khu vực thành thị có chỉ số BMI rơi vào mức nguy cơ về sức khỏe. Đáng chú ý là tỉ lệ rối loạn chuyển hóa lipid và glucose máu ở khu vực thành thị cao hơn nhiều so với các khu vực khác. Đặc biệt, có đến 44,3% người 25 đến 74 tuổi ở khu vực thành phố bị cholesterol máu cao và có xu hướng tăng dần theo lứa tuổi. Cholesterol máu cao không chỉ là hậu quả của chế độ dinh dưỡng không hợp lý, của thừa cân béo phì mà còn dẫn đến hình thành các mảng vữa xơ động mạch, tăng huyết áp nguyên nhân hàng đầu dẫn đến gia tăng bệnh lí tim mạch, thậm chí để lại hậu quả nặng nề về sức khỏe.
Hoàn toàn có thể phòng chống bệnh tim mạch bằng cách làm đơn giản
GS.TS. Đỗ Doãn Lợi cho biết, như nhiều bệnh không lây nhiễm khác, bệnh lý tim mạch hoàn toàn có thể chủ động phòng ngừa bằng chế độ dinh dưỡng, luyện tập và nghỉ ngơi hợp lý. Tại Việt Nam, các chuyên gia dinh dưỡng khuyến nghị người dân để phòng chống bệnh tim mạch nên có lối sống lành mạnh và chế độ dinh dưỡng hợp lí như giảm ăn mặn (<5g muối/ngày), hạn chế sử dụng thức ăn nhanh chứa nhiều chất béo bão hòa, thực phẩm quá nhiều cholesterol, tăng tiêu thụ thực phẩm giàu chất xơ và rau quả (400g/ngày) nhằm giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch và có một sức khỏe tốt. “Việc tiêu thụ các thức ăn giàu đạm nên đảm bảo tính cân đối giữa chất đạm nguồn động vật và chất đạm nguồn thực vật trong đó cần chú ý các loại đậu đỗ đặc biệt là đậu nành. Đậu nành ngoài chất đạm có giá trị sinh học cao còn có lượng axít béo không no omega 3 cao (1,33g/100g đậu nành) tốt cho sức khỏe tim mạch, từ đó giúp phòng chống tăng huyết áp, giảm nguy cơ mắc bệnh mạch vành và một số bệnh tim mạch khác” - PGS.TS Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết. Các chuyên gia dinh dưỡng từ Hoa Kỳ và Nhật Bản cũng khuyến nghị người Việt Nam nên bổ sung các chế phẩm từ đậu nành vào bữa ăn hằng ngày nhằm giảm các nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
GS.TS. Đỗ Doãn Lợi khuyến nghị, song song với chế độ dinh dưỡng hợp lý, cần duy trì thói quen sinh hoạt điều độ, ăn, ngủ, nghỉ, luyện tập sức khỏe khoa học. Theo đó, dù bận đến đâu cũng nên dành ra ít nhất 30 phút mỗi ngày để tập thể thao hoặc đơn giản là đi bộ.Việc làm này cần thường xuyên, liên tục, điều độ mới thực chất mang lại có hiệu quả; tăng cường thư giãn nhằm giảm mệt mỏi, căng thẳng cho trí óc và tim mạch. GS.TS. Đỗ Doãn Lợi nhấn mạnh: một vài lần hít thở sâu hay vươn vai, tranh thủ đứng - đi lại bất cứ lúc nào trong ngày là cách thư giãn giữa giờ làm việc, tận dụng mọi cơ hội có thể để trò chuyện, gặp gỡ người thân, bạn bè để giải tỏa stress… cũng có ích nhiều cho tim mạch. Đây là cách phòng chống bệnh tim mạch không tốn kém nhưng mang lại hiệu quả rất cao.
Bài, ảnh: Nguyễn Hiển