Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Phòng chống bệnh viêm gan vi rút: nhận biết sớm để hành động kịp thời

  • |
T5g.org.vn - Bệnh viêm gan vi rút là bệnh truyền nhiễm phổ biến gây hâu quả nghiêm trọng về sức khỏe, có thể dẫn đến tử vong do các biến chứng nguy hiểm như suy gan cấp, xơ gan, ung thư gan. Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, Việt Nam có tỷ lệ người viêm gan B cao thứ 2 thế giới và viêm gan C đứng thứ 3 thế giới sau Trung Quốc và Nhật Bản. Vi rút này là nguyên nhân dẫn đến 78% số lượng bệnh nhân ung thư gan.
PGS.TS. Nguyễn Văn Kính phát biểu tại Hội thảo Phòng chống bệnh viêm gan vi rút

Gánh nặng bệnh tật do viêm gan vi rút

ThS.BS. Đặng Quang Tấn, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, có 05 loại viêm gan do vi rút, trong đó phổ biến là viêm gan vi rút B và C có đường lây truyền tương tự như vi rút HIV, bao gồm đường máu, quan hệ tình dục và từ mẹ sang con; viêm gan vi rút D chỉ lây truyền khi bệnh nhân có nhiễm vi rút viêm gan B và cũng có đường lây truyền tương tự. Vi rút viêm gan A, E lây qua đường thực phẩm, nước uống, chất thải nhiễm nguồn bệnh, thực hành vệ sinh không đầy đủ. Trong 05 loại vi rút viêm gan, vi rút viêm gan B, C gây ảnh hướng đến sức khỏe con người nhiều nhất.

Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trên thế giới có khoảng 240 triệu người nhiễm vi rút viêm gan B mạn tính; 130-150 triệu người nhiễm vi rút viêm gan C mạn tính, làm tử vong 1,4 triệu người mỗi năm. Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ nhiễm vi rút viêm gan B và viêm gan C cao trong khu vực. Theo các kết quả nghiên cứu tại Việt Nam ở một số nhóm quần thể, tỷ lệ nhiễm vi rút viêm gan B là khoảng 6-20% và tỷ lệ nhiễm vi rút viêm gan C là khoảng 0,2-4%. Tại Việt Nam, vi rút viêm gan B lây truyền chủ yếu từ mẹ sang con và vi rút viêm gan C lây truyền chủ yếu qua đường máu. Theo kết quả mô hình ước tính gánh nặng bệnh tật do vi rút viêm gan B và C do Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế phối hợp với WHO thực hiện, ước tính hiện nay có khoảng 7,8 triệu người nhiễm vi rút viêm gan B và khoảng 1 triệu người nhiễm vi rút viêm gan C. Số trường hợp tử vong ước tính tại thời điểm năm 2015 do vi rút viêm gan B là khoảng hơn 23 nghìn người và do vi rút viêm gan C là khoảng hơn 6 nghìn người.

Phòng chống bệnh viêm gan vi rút còn nhiều khó khăn

Theo kết quả điều tra gánh nặng bệnh tật toàn cầu năm 2013, viêm gan vi rút là nguyên nhân đứng hàng thứ 7 trong số nguyên nhân gây tử vong cao nhất. Mặc dù, gánh nặng bệnh tật do viêm gan vi rút rất lớn  nhưng chỉ có 5% bệnh nhân viêm gan mạn tính biết mình bị nhiễm và chỉ chưa đến 1% được tiếp cận điều trị. PGS.TS. Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cho biết, Bệnh viện thường xuyên tiếp nhận và điều trị cho các bệnh nhân bị xơ gan giai đoạn muộn mà thủ phạm gây ra chủ yếu là do vi rút viêm gan B và C. Bệnh này thường có diễn biến âm thầm trong một khoảng thời gian dài. Như bệnh viêm gan C mạn tính, có thời gian tiến triển từ 10 - 30 năm, vì thế người bệnh thường không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Điều đáng lo ngại là khi bị viêm gan C mạn tính lâu dài có thể bị biến chứng xơ gan (khoảng 10 - 20%) hoặc nguy hiểm hơn là ung thư gan (khoảng 5%). Điều đáng lo ngại đó là viêm gan B và C đều rất dễ lây nhiễm. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh có thể trở thành mạn tính. PGS.TS. Nguyễn Văn Kính nhấn mạnh: “dù nguy hại hơn HIV rất nhiều nhưng người dân thờ ơ với vi rút này. Chỉ khi nào họ cảm thấy mệt mỏi, bệnh đến giai đoạn cuối mới vào viện. Lúc đó, điều trị bệnh xơ gan và ung thư gan do viêm gan vi rút đã vô cùng khó khăn, tốn kém mà hiệu quả không cao”. Khó khăn khác trong dự phòng bệnh viêm gan vi rút là hạn chế của công tác xét nghiệm, như việc xét nghiệm tải lượng vi rút thì chỉ khoảng 15 tỉnh/thành phố có thể thực hiện. PGS.TS. Nguyễn Văn Kính đề xuất, bên cạnh việc nâng cấp trang thiết bị, đào tạo nhân lực, cần xây dựng hệ thống mạng lưới xét nghiệm toàn quốc nhằm hỗ trợ các địa phương chưa có điều kiện thực hiện những xét nghiệm chuyên sâu.

Hiện nay, bệnh viêm gan vi rút B và C hoàn toàn có thể dự phòng và điều trị được. Theo khuyến cáo của WHO, các biện pháp dự phòng lây nhiễm viêm gan vi rút B và C bao gồm tiêm vắc xin viêm gan B đầy đủ, trong đó, có liều trong vòng 24h đầu sau sinh, kiểm soát nhiễm khuẩn trong quá trình chăm sóc sức khỏe bao gồm cả trong và ngoài cơ sở y tế, và thực hiện các biện pháp can thiệp giảm tác hại cho những người tiêm chích ma túy. Tại Việt Nam, năm 2015, độ bao phủ vắc xin viêm gan B là trên 95%. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm mũi sau sinh 24h (VGB ss) chỉ đạt 65%. TS. Dương Thị Hồng, Phó Giám đốc Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia cho biết, tỷ lệ tiêm VGB ss thấp là do hiện nay, việc tiêm chủng thực hiện chủ yếu ở bệnh viện. Trẻ sinh tại nhà ở các vùng miền núi, vùng khó khăn ít có cơ hội tiếp cận VGB ss; nhiều trạm y tế chưa triển khai do thiếu trang thiết bị, thiếu thuốc; lo sợ phản ứng sau tiêm chủng đã làm nhiều gia đình từ chối quyền lợi này cho trẻ. Đối với viêm gan C, dù chưa có vắc xin dự phòng nhưng viêm gan C có thế điều trị khỏi nhờ các thuốc mới có tác động trực tiếp lên vi rút viêm gan C. Tỷ lệ khỏi bệnh có thế lên đến 95%. Tuy nhiên việc tiếp cận với các thuốc này vẫn còn hạn chế do chi phí cao; liệu trình điều trị lâu, trung bình mỗi bệnh nhân có thể tốn hàng trăm triệu đồng. Đây là số tiền lớn, dù BHYT có chi trả 1 phần nhưng nhiều bệnh nhân vẫn không thể theo điều trị được dẫn đến bỏ mặc điều trị, mua thuốc trôi nổi. PGS.TS. Nguyễn Văn Kính cho biết, đã có thuốc điều trị viêm gan C giả. Thuốc giả có thể được làm từ bột mì.

TS. Dương Thị Hồng cho biết, thực hiện Kế hoạch phòng chống bệnh viêm gan do vi rút, Việt Nam đặt mục tiêu giảm tỷ lệ nhiễm vi rút viêm gan B ở trẻ 5 tuổi dưới 1% vào năm 2017. Muốn thực hiện điều này, Việt Nam phải đạt được tỷ lệ tiêm chủng viêm gan B đủ 3 mũi trên 95% và tiêm VGB ss trên 90%. Thực hiện được mục tiêu này cần có được sự ủng hộ mạnh mẽ từ phía người dân cho công tác tiêm chủng; sự phối hợp hiệu quả giữa chuyên ngành truyền nhiễm, sản nhi...; sự ủng hộ của chính quyền địa phương. Đối với người bị viêm gan C mạn tính hoặc người lành mang virut viêm gan C cần được khám bệnh định kỳ theo lời dặn của bác sĩ. Đối với người bị viêm gan C mạn tính, nên kiểm tra anpha FP trong máu (anpha feto protein) nhằm phát hiện ung thư gan sớm. “Mỗi người nên cần tự kiểm tra bệnh, làm các xét nghiệm máu và chỉ trong 1 ngày sẽ có kết quả có mắc viêm gan C hay B không” – PGS.TS. Nguyễn Văn Kính nói.

Bài, ảnh: Nguyễn Hiển

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang