Chủ trì cuộc họp có TS.BS. Nguyễn Doãn Phương, Viện Trưởng Viện Sức khỏe tâm thần, BV Bạch Mai; PGS.TS. Nguyễn Văn Tuấn, Phó Viện trưởng; đại diện một số các bác sỹ chuyên khoa sức khỏe tâm thần Viện Sức khỏe tâm thần và đông đảo phóng viên, báo đài Trung ương, Hà Nội.
Theo TS.BS. Trần Thị Hà An, Trưởng phòng Điều trị tâm thần người già, Viện Sức khỏe tâm thần, BV Bạch Mai, năm 2015, trên thế giới có gần 50 triệu người mắc sa sút trí tuệ chiếm khoảng 5% tổng số người trên 60 tuổi. Ước tính cứ mỗi 3 giây sẽ có thêm 1 người mắc sa sút trí tuệ và số người mắc sa sút trí tuệ tăng lên gấp đôi sau mỗi 20 năm.
Tại Việt Nam, theo nghiên cứu của Viện Sức khỏe tâm thần năm 1999, nghiên cứu sa sút trí tuệ tại 2 tỉnh Thái Nguyên và Ba Vì cho thấy: Tại Thái Nguyên, có 0,64% người mắc sa sút trí tuệ, trong đó có 7,9% người trên 60 tuổi. Nghiên cứu của Bệnh viện Lão khoa Quốc gia năm 2005, tại Ba Vì có 4,6% người trên 60 tuổi sa sút trí tuệ. Còn theo Bộ Y tế năm 2015 của Dự án bảo vệ sức khỏe tâm thần cộng đồng nghiên cứu trên 78.242 người ở 9 cụm dân cư có đặc điểm kinh tế - xã hội - địa lý khác nhau có tới 0,78% dân số sa sút trí tuệ.
Tại Viện Sức khỏe tâm thần, tuy chưa có thống kê cụ thể song bệnh nhân vào viện do sa sút trí tuệ đang có xu hướng gia tăng, nhưng rất ít người đến khám do triệu chứng hay quên mà thường đi khám một bệnh lý khác hoặc có các bệnh lý kèm theo. “Có những bệnh nhân sa sút trí tuệ đến mức không tự mặc được quần áo, thụ động, thậm chí có những hành vi bất thường, hoang tưởng, ảo giác, đặc biệt là mất ngủ. Rất nhiều bệnh nhân khác vào viện trong tình trạng không ăn được, nói rất ít, khó giao tiếp, đi đâu cũng phải có người thân đi theo giám sát... Tại Việt Nam, tỷ lệ người cao tuổi bị sa sút trí tuệ ngày càng tăng, đặc biệt là người trên 65 tuổi ”, TS.BS. Trần Thị Hà An nhấn mạnh.
Sa sút trí tuệ là hội chứng lâm sàng được gây ra bởi tổn thương não, với đặc trưng bởi các biểu hiện suy giảm các lĩnh vực nhận thức như: trí thức, định hướng, chú ý, ngôn ngữ, tri giác, suy luận, phán đoán, điều hành, khả năng thực hiện các nhiệm vụ liên tục... Sa sút trí tuệ có thể gặp trong nhiều bệnh khác nhau trong đó phổ biến nhất là bệnh Alzheimer, chiếm 60-80% tổng số các bệnh nhân sa sút trí tuệ.
Ngoài rối loạn các lĩnh vực nhận thức, người sa sút trí tuệ có nhiều triệu chứng rối loạn tâm lý - hành vi và suy giảm chức năng nặng nề tùy từng thể và từng giai đoạn của bệnh. Tuy nhiên, người bệnh cần được tới gặp bác sỹ khi có các dấu hiệu sớm dưới đây:
Giảm trí nhớ làm rối loạn cuộc sống hằng ngày; khó khăn trong việc lên kế hoạch hoặc giải quyết vấn đề; Khó khăn trong việc hoàn thành các nhiệm vụ quen thuộc; nhầm lẫn về thời gian và không gian; Khó nhận biết về hình ảnh trực quan và mối quan hệ trong không gian; Phát sinh vấn đề mới với từ ngữ khi viết, đọc; Đặt nhầm chỗ các đồ vật và mất khả năng nhớ lại các bước để tìm lại đồ; Giảm khả năng phán đoán hoặc ra quyết định; Thu mình khỏi công việc hoặc hoạt động xã hội và Thay đổi cảm xúc và nhân cách.
Sa sút trí tuệ gây ra gánh nặng lớn cho bản thân người bệnh, đặc biệt cho người chăm sóc và toàn xã hội. Chính vì thế việc quản lý, chăm sóc và điều trị người bệnh cần được tiến hành càng sớm càng tốt tại các cơ sở y tế có chất lượng. Các phương pháp điều trị không dùng thuốc, dùng thuốc và chăm sóc toàn diện có thể làm giảm các triệu chứ không những có thể làm chậm quá trình tiến trình tiến triển của bệnh.