PGS.TS. Trần Đắc Phu phát biểu tại Hội thảo
“Việt Nam là một trong số nước trên thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề bởi gánh nặng bệnh tật do bệnh viêm gan vi rút. Bệnh viêm gan do nhiễm vi rút, đặc biệt là những chủng vi rút viêm gan B, C đang diễn biến một cách âm thầm nhưng là vấn đề lớn đối với sức khỏe cộng đồng, gây nên các bệnh nguy hiểm như viêm gan, sơ gan, ung thư gan. Mặc dù vậy, hiện nay, chúng ta chưa có chiến lược tổng thể, hữu hiệu để khống chế căn bệnh này. Vì vậy, việc cần có kế hoạch, giải pháp đồng bộ, hiệu quả đề phòng chống bệnh viêm gan do vi rút là điều cấp thiết” - phát biểu của PGS.TS. Trần Đắc Phu tại Hội thảo triển khai Kế hoạch phòng chống bệnh viêm gan vi rút giai đoạn 2015 - 2019, tổ chức ngày 29/5/2015, tại Hà Nội.
Bệnh viêm gan vi rút là bệnh truyền nhiễm phổ biến gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe con người, có thể dẫn đến tử vong do các biến chứng gây nên. Nhiễm vi rút viêm gan cấp tính thường không có triệu chứng, biểu hiện rõ ràng. Những trường hợp bệnh nặng có thể gây suy gan cấp, diễn biến kéo dài sẽ dẫn đến viêm gan mãn, xơ gan, ung thư gan. Hiện nay, tại Việt Nam đang lưu hành 5 chủng vi rút gây viêm gan là A, B, C, D, E, trong đó, vi rút viêm gan B, C, D được lây truyền qua đường truyền máu, dịch thể giống như cơ chế lây truyền vi rút HIV. Vi rút viêm gan A, E lây qua đường tiêu hóa. Trong 5 loại vi rút gây bệnh viêm gan, vi rút viêm gan B, C gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người nhiều nhất. Theo Báo cáo của Tổ chức Thế giới (WHO) năm 2014, trên thế giới có trên 2 tỷ người đã từng nhiễm vi rút viêm gan B, khoảng 130 đến 150 triệu trường hợp nhiễm vi rút viêm gan C mạn tính. Hàng năm, có khoảng 1 triệu trường hợp tử vong có liên quan đến bệnh viêm gan vi rút, chiếm khoảng 2,7% tổng số trường hợp tử vong. Theo kết quả điều tra gánh nặng bệnh tật toàn cầu năm 2010, tử vong có liên quan đến vi rút viêm gan đứng thứ 3 trong các nguyên nhân tử vong do bệnh truyền nhiễm. Vi rút viêm gan B, C là nguyên nhân gây ung thư hàng đầu. Ước tính có khoảng 57% các trường hợp xơ gan và 78% các trường hợp ung thư gan tiền pháp là do vi rút viêm gan B và C.
Với hai chủng vi rút viêm gan nguy hiểm nhất là B và C, vi rút viêm gan B có thể phòng ngừa được nếu sử dụng vắc-xin. WHO khuyến cáo, tiêm vắc xin viêm gan B cho tất cả trẻ em, đối với khu vực có tỷ lệ nhiễm vi rút viêm gan B cao, nên tiêm vắc-xin trong vòng 24 giờ sau khi sinh và các liều sau đó theo đúng lịch. Mặc dù, bệnh viêm gan B có thể dự phòng được nhưng tỷ lệ bao phủ vắc-xin viêm gan B trên toàn cầu mới đạt 75%. Tại Việt Nam, tỷ lệ tiêm vắc-xin viêm gan B trong 24 giờ sau sinh đang giảm mạnh trong những năm gần đây. Năm 2011, tỷ lệ tiêm vắc-xin viêm gan B mũi sơ sinh trên cả nước đạt 55%. Năm 2012, tỷ lệ này tăng mạnh lên 75% nhưng đến năm 2013 lại giảm xuống còn 56%. Năm 2014 chỉ đạt 55,4%. Lý giải nguyên nhân này, PGS.TS. Trần Đắc Phu cho biết: “người dân thiếu lòng tin từ sau sự cố trẻ sơ sinh tử vong sau tiêm vắc-xin viêm gan B, dù các chuyên gia y tế đã xác định nguyên nhân của những sự cố đó không phải do vắc-xin. Tuy nhiên, nhiều gia đình vẫn không cho trẻ tiêm vắc-xin viêm gan B do e ngại tai biến. Ngay cả khi WHO khẳng định vắc-xin viêm gan B tại Việt Nam rất an toàn. Nếu tỷ lệ tiêm chủng thấp như vậy khó có thể giúp khống chế được tình trạng nhiễm vi rút viêm gan B ở trẻ em, kéo theo đó tỷ lệ xơ gan, ung thư gan chắc chắn sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới”. WHO ước tính, khoảng 240 triệu người trên toàn cầu đã nhiễm vi rút viêm gan B mạn tính, do đó, gánh nặng bệnh tật do vi rút viêm gan B gây ra đối với hệ thống y tế và sức khỏe người dân là vô cùng lớn.
Hiện nay, chưa có vắc-xin phòng chống vi rút viêm gan C nhưng đã có phác đồ điều trị hiệu quả, với các thuốc kháng vi rút thế hệ mới có thể điều trị thành công khoảng 70 - 90%. Tuy nhiên, tại Việt Nam, việc người bệnh tiếp cận các thuốc này gặp phải nhiều khó khăn do chi phí điều trị cao và cơ chế pháp lý. TS. Nguyễn Thị Lan, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết, một số nghiên cứu của Viện đã cho thấy, tại Việt Nam, tỷ lệ nhiễm vi rút viêm gan B của một số nhóm dân cư khoảng từ 8 - 25%, viêm gan C khoảng từ 2,5 - 4,1 %. Có ghi nhận một số trường hợp nhiễm vi rút viêm gan A, D, E trong nhóm bệnh nhân viêm gan nhập viện.
Đánh giá những khó khăn trong công tác phòng chống viêm gan do vi rút tại Việt Nam, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế Trần Đắc Phu nhận định: “việc chưa có một chiến lược quốc gia phòng chống bệnh viêm gan do vi rút từ trung ương đến địa phương đã gây khó khăn trong việc khống chế căn bệnh này. Chúng ta cũng chưa có tiêu chuẩn, quy định, hướng dẫn hoạt động xét nghiệm viêm gan trên toàn quốc. Trình độ, năng lực xét nghiệm vi rút viêm gan khá chênh lệch giữa các tuyến. Bên cạnh đó, công tác phòng chống bệnh viêm gan do vi rút còn gặp nhiều khó khăn do: các cấp chính quyền và người dân nhận thức chưa đầy đủ về bệnh viêm gan do vi rút; thiếu nguồn kinh phí; cơ chế pháp lý chưa phù hợp thực tế”.
Bài,ảnh: Như Hiển