Số ca mắc sởi tiếp tục tăng
Báo cáo về công tác phòng chống dịch tại TP. Hồ Chí Minh, TS.BS. Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, hiện số ca mắc sởi tại thành phố đang gia tăng hàng này. Tính đến nay, địa phương này ghi nhận 432 ca, trong đó đã có 3 ca tử vong liên quan đến sởi (gồm 2 ca của thành phố và 1 ca của tỉnh) là những trẻ có bệnh bẩm sinh. Tới nay, toàn thành phố đã có 22 quận, huyện ghi nhận ca sởi. Trong đó, 4 quận, huyện có số ca mắc cao nhất là: huyện Bình Chánh, quận Bình Tân, huyện Hóc Môn và Quận 12. Số ca sởi ở thành phố đang tăng nhanh ở nhóm trẻ dưới 5 tuổi (chiếm 73,2%) và có xu hướng dịch chuyển lên nhóm tuổi lớn hơn. Bệnh nhân từ tỉnh chiếm 55,8% số bệnh nhân điều trị tại các bệnh viện của thành phố. Đại diện Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh cho biết, hiện tỉ lệ bao phủ vaccine phòng bệnh chưa đạt 95%, nguyên nhân do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Lãnh đạo Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, số ca mắc sởi nặng phải điều trị ở khoa hồi sức và cấp cứu chiếm 28,2%, đa số bệnh nhân dưới 12 tháng tuổi. Qua phân tích của bệnh viện, trẻ nhập viện trong độ tuổi dưới 9 tháng chiếm 31,2%; trẻ từ 9 - 12 tháng tuổi chiếm 23,3%; trẻ từ 12 - 60 tháng tuổi chiếm 35,5%. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là trong số bệnh nhân ở khoa Hồi sức nhiễm không có bệnh nhi nào tiêm đủ hai mũi vaccine sởi, trong đó tiêm mũi nào lên đến 85%.
TS.BS. Nguyễn Vũ Thượng, Phó Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM dự báo, thời gian tới, thời tiết mát cùng với mùa tựu trường là điều kiện thuận lợi để dịch bệnh lây lan. Ngoài ra, số ca mắc tại TP. Hồ Chí Minh tập trung chủ yếu là những quận huyện vùng ven, đây cũng là nơi có khu nhà trọ và công nhân nhiều. Vì vậy, để phòng chống dịch sởi đang tiếp tục bùng mạnh, ngành y tế và chính quyền cần phối hợp với các khu công nghiệp, khu chế xuất ở các quận huyện vùng ven, tạo điều kiện thuận lợi cho công nhân đưa con đi tiêm vaccine sởi. Bên cạnh chiến dịch tiêm vaccine, cần giảm áp các bệnh nhi từ tuyến dưới lên TP. Hồ Chí Minh để tránh quá tải. Cần kiểm soát phòng chống dịch ngay trong bệnh viện để chống lây lan.
TP. Hồ Chí Minh đảm bảo đủ thuốc điều trị sởi, 100% trẻ trong diện tiêm chủng sẽ được tiêm vaccine phòng bệnh
Theo báo cáo, bệnh nhân sởi tại TP. Hồ Chí Minh vẫn được điều trị kịp thời, an toàn, hiệu quả. Liên quan tới thuốc điều trị, PGS.TS. Nguyễn Thanh Hùng - Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết: "Hiện bệnh viện vẫn đảm bảo đủ thuốc để điều trị cho bệnh nhân sởi. Lô thuốc Dopamine (thuốc cấp cứu bệnh sởi, sốt xuất huyết…) vừa hết hạn ngày 15/8. Đầu tháng 9, bệnh viện sẽ nhập lô thuốc mới. Trong thời gian chờ đợi, bệnh viện sẽ dùng thuốc khác để điều trị thay thế. Theo đó, bệnh nhân mắc sởi vẫn sẽ được điều trị kịp thời, hiệu quả và an toàn". Bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm - Giám đốc HCDC - thông tin: sau khi TP. Hồ Chí Minh công bố dịch sởi, Sở Y tế đã ban hành kế hoạch về việc mua sắm vaccine phòng bệnh sởi – rubella và phân công HCDC khẩn trương làm thủ tục mua sắm 300.000 liều vaccine mở rộng. Vaccine đang được vận chuyển từ Hà Nội vào TP. Hồ Chí Minh. Dự kiến cuối ngày 30/8/2024, vaccine sẽ về kho của HCDC, sau đó sẽ được phân bổ cho các quận, huyện để triển khai chiến dịch tiêm chủng từ ngày 31/8 và tiêm xuyên dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9.
TP. Hồ Chí Minh khẩn trương phòng chống dịch
Tại buổi làm việc, trao đổi với Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, bà Trần Thị Diệu Thúy - Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh - cho biết, ngay khi số ca mắc sởi tăng, thành phố đã chỉ đạo ngành y tế triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch. Theo đó, tăng cường thực hiện 2 biện pháp chính là tiêm bù, tiêm vét vaccine cho trẻ 1-5 tuổi, nhân viên y tế có nguy cơ mắc; chủ động rà soát nhóm trẻ có nguy cơ để có biện pháp bảo vệ. Đồng thời, TP. Hồ Chí Minh cũng quan tâm, đẩy mạnh các hoạt động dự phòng.
"Theo số liệu từ các bệnh viện trên địa bàn báo cáo về, do các bệnh viện tại TP. Hồ Chí Minh là bệnh viện tuyến cuối, nên có hơn 50% trẻ điều trị sởi tại TP. Hồ Chí Minh tới từ các tỉnh lân cận. Vậy nên, để dập dịch được vòng trong thì cần phải tiêm vaccine bảo vệ vòng ngoài. Đây cũng là một trong những biện pháp giúp giảm áp lực cho các bệnh viện tại TP. Hồ Chí Minh" - Phó chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh nêu ý kiến. Bà Trần Thị Diệu Thuý cũng kiến nghị Bộ Y tế tổ chức tiêm vaccine sởi cho các tỉnh, thành lân cận để giảm áp lực cho thành phố, từ đó kiểm soát dịch tốt hơn.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đánh giá cao thành phố đã chủ động sẵn sàng kế hoạch, phương án ứng phó với dịch sởi. Trước khi công bố dịch sởi, TP. Hồ Chí Minh đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế, Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh và các bệnh viện khác trên địa bàn bám sát tình hình dịch, đánh giá nguy cơ để chuẩn bị kỹ lưỡng. Đồng thời, triển khai đồng bộ và cơ bản các giải pháp về công tác phòng, chống dịch, phân luồng, cách ly để giảm khả năng lây nhiễm của bệnh.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương nhấn mạnh, tiêm vaccine là biện pháp hữu hiệu nhất nhằm phòng, chống dịch sởi, tạo miễn dịch cộng đồng. Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị, thời gian tới, thành phố tập trung thực hiện biện pháp phòng chống dịch sởi, tiếp tục nghiên cứu triển khai Luật Phòng thủ dân sự; chỉ đạo chính quyền các địa phương về công tác phòng, chống dịch để kiểm soát dịch trong thời gian ngắn nhất. Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh: “Dịch sởi chỉ có thể cắt được sự lây lan khi có miễn dịch cộng đồng, do đó tiêm vaccine là quan trọng nhất. Thành phố cần tiếp tục giám sát và phát hiện sớm ca bệnh tại cộng đồng và khẩn trương triển khai tiêm vaccine một cách an toàn và hiệu quả nhất, có kế hoạch xử trí phản ứng sau tiêm. Chủ động tiêm cho đối tượng có nguy cơ và đặc biệt lưu ý các đối tượng ở khu nhà trọ, khu công nghiệp có nguy cơ cao hơn các nơi khác”.
Thứ trưởng Bộ Y tế cũng đề nghị, trong xử lý ca bệnh, với các trường hợp nhẹ được hướng dẫn điều trị tại nhà, cần có sự kết nối với địa phương, CDC và bệnh nhân… để đảm bảo không xảy ra lây nhiễm, bỏ sót bệnh nhân. Ngành y tế cần tiến hành tập huấn lại toàn bộ nhân lực, bố trí đầy đủ nhân lực trực dịp nghỉ lễ tết để đảm bảo phòng chống dịch. Các cơ sở y tế sẵn sàng về trang thiết bị, nhân lực, thuốc, đặc biệt chú trọng công tác phòng, chống lây nhiễm trong bệnh viện. Thực hiện nghiêm công tác báo cáo để đánh giá tình hình dịch bệnh. Bên cạnh đó là tăng cường công tác truyền thông tại các nơi công cộng; truyền thông để phòng, chống dịch nhưng không gây hoang mang cho người dân vì đây là bệnh truyền nhiễm nhóm B.
Sáng cùng ngày, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương và đoàn công tác đã thăm, kiểm tra, làm việc tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TP. Hồ Chí Minh. Tại đây, sau khi nghe báo cáo về công tác phòng, chống dịch sởi tại bệnh viện, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương ghi nhận nỗ lực của đội ngũ y, bác sĩ trong công tác sàng lọc, phân luồng, thu dung điều trị bệnh sởi không chỉ cho TP. Hồ Chí Minh, mà cả khu vực phía Nam. Thứ trưởng Bộ Y tế yêu cầu Bệnh viện Nhi đồng 1 tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch, thu dung điều trị giảm ca nặng và tử vong, kiểm soát lây nhiễm chéo, có phương án phối hợp với các bệnh viện khác để hỗ trợ, kể cả với các bệnh viện Trung ương trên địa bàn thành phố; không để xảy ra tình trạng dịch chồng dịch với tay chân miệng, sốt xuất huyết. Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương cũng đề nghị các Cục, Vụ ghi nhận những ý kiến đề xuất của Bệnh viện Nhi đồng 1, kịp thời phối hợp giải quyết.
Tại buổi làm việc với UBND TP Hồ Chí Minh, Thứ trưởng cũng đã chỉ đạo, giao các bệnh viện trung ương, bệnh viện lớn đóng trên địa bàn thành phố (Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện Đại học Y Dược Hồ Chí Minh, Viện Pastuer HCM...) sẽ hỗ trợ các bệnh viện thành phố để giảm tải cho tuyến cơ sở khi cần thiết. Các Bệnh viện này cũng sẵn sàng nhận nhiệm vụ.
Bài, ảnh: Minh Phú