Ung thư đang trở thành “thảm họa sức khỏe thầm lặng”
Ung thư đang trở thành một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên toàn cầu cũng như tại châu Á và Việt Nam. Trên thế giới, có khoảng 14,1 triệu ca ung thư mới mắc hàng năm và có khoảng 8,2 triệu người tử vong mỗi năm vì căn bệnh này, trong đó có tới 70% là ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Tổ chức Y tế Thế giới dự báo, ước tính đến năm 2030 sẽ có khoảng 22 triệu ca mắc mới và 13,2 triệu ca tử vong. Theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm, nước ta có khoảng 150.000 người mới mắc bệnh ung thư và trên 75.000 trường hợp tử vong do ung thư. Số liệu từ điều tra toàn quốc về gánh nặng bệnh tật ở Việt Nam cho thấy, 74,3% gánh nặng bệnh tật là do các bệnh không lây nhiễm, trong đó ung thư là một trong 10 nguyên nhân gây gánh nặng bệnh tật hàng đầu. Hiện nay, tại Việt Nam, 10 bệnh ung thư phổ biến ở nam giới là phổi, dạ dày, gan, đại trực tràng, thực quản, vòm, hạch, máu, tuyến tiền liệt và ung thư bàng quang; 10 bệnh ung thư phổ biến ở nữ giới là ung thư vú, đại trực tràng, phổi, cổ tử cung, dạ dày, tuyến giáp, gan, buồng trứng, hạch và ung thư máu. Tổng gánh nặng trực tiếp của 6 bệnh ung thư (ung thư vú, cổ tử cung, gan, đại trực tràng, dạ dày, khoang miệng) ước tính chiếm 0,22% tổng GDP của Việt Nam trong năm 2012...
Một trong những khó khăn trong công tác điều trị bệnh ung thư là đa phần bệnh nhân ung thư tại Việt Nam được phát hiện ở giai đoạn muộn. Vì vậy, chi phí điều trị bị tăng cao. Kết quả nghiên cứu ACTION: “Chi phí điều trị ung thư tại Việt Nam” của GS.TS. Mai Trọng Khoa, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai cho thấy, theo đánh giá ảnh hưởng của bệnh ung thư lên tình hình kinh tế và tài chính trong 12 tháng của hộ gia đình bệnh nhân ung thư tại Việt Nam, có 24% bệnh nhân tử vong, 31% bệnh nhân còn sống nhưng gặp khó khăn về kinh tế, tài chính; 45% bệnh nhân còn sống không có khó khăn về tài chính, kinh tế. Nghiên cứu cũng ghi nhận không ít các trường hợp chi phí chữa bệnh đẩy lên tới nhiều tỷ đồng trong quá trình điều trị ung thư của bệnh nhân.
TS.BS. Phạm Xuân Dũng, Phó Giám đốc Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM nhận định, gánh nặng bệnh ung thư cho xã hội sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới, do 60% các bệnh nhân ung thư được phát hiện là trên 60 tuổi, trong khi đó, tình trạng già hòa dân số của nước ta được dự đoán sẽ tiến triển nhanh chóng. Việt Nam cần có những chính sách thích hợp để ứng phó với gánh nặng của bệnh ung thư trong tương lai.
Tăng cường các biện pháp giảm gánh nặng bệnh ung thư
Hạn chế, giảm thiểu tác hại của ung thư, Chiến lược quốc gia phòng chống ung thư 2011-2015 đã tiến hành sàng lọc, phát hiện sớm bệnh cho 532.000 người đối với các loại ung thư như ung thư vú, cổ tử cung, đại trực tràng, ung thư khoang miệng. Kết quả khám lâm sàng tuyến vú có bất thường là trên 20%, tỷ lệ phát hiện ung thư vú là 63,7/100.000 phụ nữ. Kết quả xét nghiệm tế bào học có tỷ lệ bất thường chiếm 53-75%, tỷ lệ ung thư cổ tử cung phát hiện qua khám sàng lọc là 22,6/100.000 phụ nữ. Tỷ lệ phát hiện ung thư khoang miệng qua khám sàng lọc là 15/100.000 dân... Ngành Y tế cũng chú trọng phát triển mạng lưới chẩn đoán, điều trị điều trị ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam. Tuy nhiên, hoạt động phát triển kỹ thuật cao mới chỉ tập trung tại bệnh viện tuyến trung ương và tuyến tỉnh.
Bà Tống Thị Song Hương cho biết: chi phí điều trị ung thư hiện nay rất tốn kém. Như phương pháp điều trị trúng đích có thuốc rất đắt. Nếu điều trị bằng thuốc Glivec, người bệnh phải trả 500 triệu đồng/năm; thuốc Erlotinib là 40 triệu đồng/tháng, thuốc Sorafenib 118 triệu đồng/tháng… Để giảm thiểu khó khăn cho bệnh nhân ung thư, ngành Y tế cũng đã triển khai nhiều biện pháp như: phối hợp với các công ty dược thực hiện các chương trình hỗ trợ giá thuốc cho người bệnh; xây dựng Quỹ Ngày mai tươi sáng hỗ trợ bệnh nhân ung thư; phối hợp, đề xuất với cơ quan bảo hiểm bổ xung các thuộc điều trị ung thư vào danh mục thanh toán BHYT. Hiện nay, có hơn 50 loại thuốc điều trị ung thư đang được BHYT cùng chi trả. Một số loại thuốc được BHYT chi trả 50%.
TS. Cẩm Phương, Phó giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, đa số bệnh nhân ung thư tử vong là ở các nước có thu nhập thấp và trung bình như Việt Nam. Tuy nhiên, theo bà Phương, bệnh ung thư nếu được phát hiện sớm thì điều trị sẽ đơn giản hơn, hiệu quả cao và chi phí thấp hơn. Vì thế, người dân cần quan tâm tới sức khỏe của mình, tốt nhất là đi khám sức khỏe định kỳ để phát hiện và điều trị bệnh sớm. Đồng thời, ngành Y tế cần nâng cao các giải pháp y tế dự phòng như phối hợp với các chương trình giảm tác hại thuốc lá, tiêm chủng mở rộng, phòng chống bệnh không truyền nhiễm, vệ sinh an toàn thực phẩm, tăng cường quản lý bệnh tại cộng đồng và tăng cường truyền thông, giáo dục sức khỏe nâng cao nhận thức cho người dân về căn bệnh này.
Bài, ảnh: Nguyễn Hiển