Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Để thành tựu y học trở thành nhịp cầu nối dài sự sống

  • |
T5g.org.vn - Hơn 20 năm phát triển, ngành ghép tạng (ghép bộ phận cơ thể người) ở Việt Nam đã có những bước tiến dài về mặt công nghệ, kỹ thuật, đạt trình độ tương đương với các nước trong khu vực và thế giới. Tuy nhiên, việc thiếu hụt nguồn mô tạng cấy ghép đã làm nhiều bệnh nhân chưa được thụ hưởng thành tựu y học này.
Lần lượt từ trái sang: GS.TS. Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương; GS.TS. Bùi Đức Phú, nguyên Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế; GS.TS. Trịnh Hồng Sơn, Giám đốc Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người tại buổi tọa đàm giao lưu nghệ thuật với chủ đề “Khi sự sống được sẻ chia” được tổ chức tại Hà Nội mới đây

Những bước tiến dài

Trước đây, ghép tạng là kỹ thuật công nghệ cao, chỉ thực hiện được ở các nước có nền y học tiên tiến. Ngành ghép tạng Việt Nam đi sau thế giới đến gần nửa thế kỷ và sau các nước trong khu vực khoảng 20 năm. Tuy nhiên, với những nỗ lực phi thường của các bác sĩ,  nhà khoa học của Việt Nam đã dần rút ngắn được thời gian tụt hậu, từng bước vươn đến đỉnh cao y học.

Tính từ ngày 4/6/1992, khi Bệnh viện Quân Y 103 đã thực hiện thành công ca ghép thận đầu tiên cho thiếu tá Vũ Mạnh Đoan, 40 tuổi, bệnh nhân suy thận mạn tính giai đoạn cuối, người cho thận là em trai ruột Vũ Mạnh Toàn, 28 tuổi. Sự kiện này đã đánh dấu sự ra đời của ngành ghép tạng Việt Nam. Đến nay, trải qua hơn 20 năm phát triển, ngành ghép tạng ở Việt Nam đã có những bước tiến dài về mặt công nghệ, kỹ thuật, đạt trình độ tương đương với các nước trong khu vực và thế giới. Mạng lưới cơ sở y tế có đủ năng lực ghép tạng cũng đã phát triển mạnh mẽ. Hiện có 17 cơ sở y tế có đầy đủ về kỹ thuật để thực hiện ghép tạng. Tính đến ngày 15/6/2016, Việt Nam đã thực hiện được 1.281 ca ghép thận, 54 ca ghép gan, 16 ca ghép tim, 08 ca ghép tủy, 01 ca ghép khối Thận - Tụy và 01 ca ghép khối Tim - Phổi. Đáng chú ý, Việt Nam đã thực hiện được các ca ghép đa tạng và vận chuyển tạng đi xa hàng nghìn km để thực hiện cấy ghép. 

Khó khăn do thiếu hụt nguồn mô tạng

Theo Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người - Bộ Y tế, ở nước ta, nhu cầu ghép mô, tạng là rất lớn. Cả nước hiện có hàng chục nghìn người bị suy thận mạn cần được ghép. Về ghép gan, chỉ tính tại một số bệnh viện lớn ở Hà Nội đã có trên 1.500 người có chỉ định ghép gan. Cả nước hiện có hơn 300.000 người mù do các bệnh lý giác mạc cần được ghép và hàng ngàn người chờ được ghép tim, phổi... Tuy nhiên, tính đến ngày 16/11/2016, cả nước có tổng số lượng người đăng ký hiến mô, tạng sau khi chết, chết não là 6.166 trường hợp. Riêng trong năm 2016, số lượng người đăng ký hiến sau khi chết, chết não là 863 trường hợp và có 15 trường hợp đăng ký hiến mô, tạng khi còn sống...

Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quang Cường cho biết, hiện nay, bên cạnh những thành tựu về chuyên môn, cũng như hành lang pháp lý về hiến, ghép tạng đang dần được hoàn thiện với Luật Hiến, ghép mô, bộ phận cơ thể người và các văn bản hướng dẫn dưới luật đã giúp cho ngành ghép tạng phát triển. Tuy nhiên, khó khăn lớn mà các cơ sở ghép tạng và người bệnh gặp phải đó là sự thiếu hụt trầm trọng nguồn mô tạng để cấy ghép. Thứ trưởng Lê Quang Cường nhấn mạnh: nhu cầu ghép mô, tạng ở Việt Nam đang và sẽ là rất lớn. Thực tế có nhiều bệnh nhân đã tử vong trong thời gian chờ ghép. Trong khi nhiều mô tạng từ nguồn các ca chết não, chết vì tai nạn giao thông và các trường hợp tử vong khác đã không được sử dụng để cứu chữa người bệnh. Đây là một sự lãng phí lớn. Nguyên nhân là do kiến thức của nhân dân về hiến, tặng mô, tạng chưa cao; việc tuyên truyền hiến tặng mô, tạng sau khi chết não còn nhiều hạn chế, chưa đến được với nhiều người dân; thiếu hệ thống cung cấp thông tin, tư vấn về đăng ký hiến, tặng mô, tạng; chưa xây dựng được mạng lưới điều phối mô, tạng quốc gia. Bên cạnh đó, chi phí cho việc cấy ghép mô, tạng và chăm sóc sau ghép còn khá cao so với thu nhập của phần lớn người dân. Cùng chung quan điểm này, GS.TS. Bùi Đức Phú, nguyên Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế chia sẻ, hiện nay, dù chi phí ghép tạng ở Việt Nam thấp rất nhiều lần so với chi phí ghép tạng trên thế giới nhưng mỗi một ca ghép so với sức chi trả của người dân còn cao, như một ca ghép thận lên tới khoảng 300 triệu và bảo hiểm y tế chưa chi trả cho các dịch vụ này.

Cần lắm sự sẻ chia

GS.TS. Trịnh Hồng Sơn, Giám đốc Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người cho biết, trong y học, người sống thực vật là người chưa chết não, họ chỉ không cử động hay giao tiếp với mọi người và có thể kéo dài thêm sự sống tùy theo thể trạng mỗi người. Còn chết não nghĩa là tế bào não đã chết, các bộ phận trong cơ thể cũng sẽ hoại tử. Nếu gia đình người chết não đồng ý hiến tạng thì cơ hội được sống và sống khỏe sẽ đến với nhiều bệnh nhân đang trong hoàn cảnh hiểm nghèo.

Ghép mô, ghép tạng  là một trong những thành tựu quan trọng của ngành Y tế trong việc chữa bệnh, đặc biệt đối với các bệnh nhân mắc bệnh mạn tính, hiểm nghèo do các mô, các bộ phận của cơ thể người bị suy giảm chức năng và không hồi phục được (như suy thận mãn, suy gan, suy tim, suy tuỷ, hỏng giác mạc)... Ghép tạng là phương pháp điều trị cuối cùng và hiệu quả cho người bệnh suy tạng giai đoạn cuối bằng cách lấy tạng của người hiến để ghép cho người bệnh.

Giúp cho người khác tái sinh bằng việc hiến tạng khi còn sống hoặc sau khi chết là việc làm vô cùng cao đẹp. Những tấm gương như cô Lê Thị Thảo, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh đã tình nguyện hiến một quả thận của mình cho người không quen biết vào tháng 5/1015. Tiếp đó, con gái cô, bạn Bùi Thị Hòa, sinh viên mới tốt nghiệp Học viện Tài chính noi theo nghĩa cử cao đẹp của mẹ, hiến sống một quả thận cũng cho một người không quen biết vào đầu năm 2016 hay chuyện về anh Trần Nguyễn An Khương đã đạp xe xuyên Việt vận động hiến tạng và có tâm nguyện muốn hiến một phần cơ thể mình khi còn đang sống như những tấm gương, để mỗi người trong chúng ta nhìn nhận, vượt qua nhưng rào cản về tâm lý, tôn giáo hiện đang còn chi phối nặng nề trong suy nghĩ, để bản thân có thể sẵn sàng hiến tặng món quà của sự sống.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thăm bệnh nhân được ghép tim vời nguồn tạng hiến tặng được vận chuyển từ Nam ra Bắc tại Bệnh viện Việt Đức

Bài, ảnh: Nguyễn Hiển

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang