Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo điện tử ngày 18/9/2017

  • |
T5g.org.vn - BV ĐH Y Hà Nội ứng dụng thành công nhiều kỹ thuật y khoa hiện đại; Thứ trưởng Bộ Y tế trực tiếp đến Bệnh viện TX.Kỳ Anh chỉ đạo khắc phục hậu quả sau bão số 10; Ngành y tế gấp rút vào cuộc phòng chống dịch bệnh sau bão; Việt Nam tạm dừng 3 lô thuốc nghi nhiễm bệnh bò điên; Dịch sốt xuất huyết có dấu hiệu giảm tại nhiều tỉnh, thành; Người đàn ông bị đâm thủng bụng được cứu thoát chết; Hà Nội: Phát hiện sai phạm tại một số cơ sở sản xuất bánh trung thu; Quảng Bình: Y tế thiệt hại hơn 10 tỷ đồng trong cơn bão số 10; …

 

BV ĐH Y Hà Nội ứng dụng thành công nhiều kỹ thuật y khoa hiện đại

http://vov.vn/xa-hoi/bv-dh-y-ha-noi-ung-dung-thanh-cong-nhieu-ky-thuat-y-khoa-hien-dai-672041.vov

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến bày tỏ mong muốn, thời gian tới BV Đại học Y Hà Nội sẽ có nhiều thay đổi đột phá hơn nữa

Bệnh viện Đại học Y Hà Nội được thành lập năm 2007. Đến nay, trải qua 10 xây dựng, phát triển, BV đã khẳng định được uy tín, trở thành một bệnh viện đa khoa loại 1 với nhiều trang thiết bị hiện đại, triển khai và ứng dụng thành công nhiều kỹ thuật Y khoa tiên tiến mang tầm cỡ hàng đầu trong nước và từng bước hội nhập khu vực và thế giới.

Ngày mới thành lập, Bệnh viện có rất nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị và tài chính. Lúc đầu bệnh viện chỉ có 150 giường bệnh với 150 CBNV và chỉ thực hiện được trên 300 ca mổ/ năm và khám 50.000 người bệnh ngoại trú/ năm. Đến nay bệnh viện đã có 420 giường bệnh với đầy đủ các khoa lâm sàng, cận lâm sàng và các trung tâm chuyên sâu với trên 750 cán bộ, nhân viên. Năm 2016, Bệnh viện đã thực hiện khám trên 500.000 người bệnh ngoại trú và thực hiện phẫu thuật an toàn cho trên 12.000 trường hợp…

Với những thành tích xuất sắc đã đạt được, ngày 16/9, Bệnh viện đã vinh dự được Nhà nước trao tặng Danh hiệu Huân chương Lao động hạng Ba nhân dịp kỷ niệm 10 năm ngày thành lập.

Theo PGS TS Phạm Đức Huấn, Giám đốc Bệnh viện, có được những thành công như hiện nay là do Bệnh viện ĐHY Hà Nội được thừa hưởng uy tín, thương hiệu của Trường Đại học Y Hà Nội, một trường đại học lâu đời và có uy tín nhất Việt Nam. Bệnh viện có một đội ngũ chuyên môn là các giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ, điều dưỡng có trình độ cao, giàu kinh nghiệm, tâm huyết và có phong cách phục vụ chuyên nghiệp, tận tình.

Tuy vậy, Bệnh viện cũng đang đối mặt với những khó khăn như cơ sở hạ tầng chật hẹp, không đáp ứng với số lượng bệnh nhân đến khám và điều trị ngày càng tăng. Để đáp ứng với yêu cầu mới, Bệnh viện đang có kế hoạch cải tạo, mở rộng để trở thành một Bệnh viện đại học hiện đại, kết hợp khám, chữa bệnh  công nghệ cao, kỹ thuật tiên tiến với nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu, chuyển giao kỹ thuật y khoa hàng đầu, có uy tín trong và ngoài nước, một địa chỉ đáng tin cậy cho người bệnh trong cả nước.

Phát biểu tại buổi lễ, PGS TS. Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế bày tỏ mong muốn: trong thời gian tới, Bệnh viện ĐH Y Hà Nội có sự đổi mới đột phá. Về cơ sở vật chất, đề nghị Bệnh viện tìm cách để hoặc mở rộng cơ sở hạ tầng trong khu vực ĐH Y Hà Nội, hoặc xây dựng cơ sở 2 ở quận Hoàng Mai, với hình thức xã hội hóa hoặc kết hợp công- tư. Bệnh viện cần tăng cường và đẩy mạnh ứng dụng hơn nữa các kỹ thuật cao ngang tầm khu vực và quốc tế, đặc biệt các kỹ thuật mũi nhọn về diều trị ung thư, nội soi, các phẫu thuật công nghệ cao, can thiệp; chuyên tâm đào tạo, phát triển thêm về các kỹ thuật ghép tạng và các kỹ thuật về huyết học- truyền máu. Bệnh viện, gắn bó với trường ĐH Y Hà Nội, nỗ lực thực hiện chủ trương đổi mới toàn diện đào tạo y khoa- vấn đề đang được Đảng, Nhà nước và Bộ Y tế đặc biệt quan tâm.¬¬¬¬¬

Một số kỹ thuật điều trị đang được ứng dụng tại BV Đại học Y Hà Nội

- Về Ngoại khoa: Phẫu thuật nội soi cắt thực quản, dạ dày, đại trực tràng; phẫu thuật nội soi 1 lỗ, cắt thận nội soi, tán sỏi nội soi; cắt ung thư dạ dày, đại tràng GĐ sớm, phẫu thuật u não dưới hướng dẫn định vị, phẫu thuật nội soi u tuyến yên, phẫu thuật nội soi khớp, thay khớp gối, khớp háng, khớp vai…; phẫu thuật thay khớp thái dương hàm; cấy ốc tai điện tử; phẫu thuật vi phẫu nối chi thể đứt rời; nhiều kỹ thuật giảm đau cho tất cả các phẫu thuật.

- Về Nội khoa:Điều trị tắc mạch phổi, mạch não bằng thuốc tiêu sợi huyết; hạ thân nhiệt chỉ huy cho người bệnh ngừng tuần hoàn; nội soi can thiệp: ERCP, siêu âm nội soi, đặt stent mở thông dạ dày.

- Về Can thiệp tim mạch:Thay van động mạch chủ, động mạch phổi qua da, đặt stent động mạch vành, động mạch chủ và nong mạch ngoại biên, lấy huyết khối ĐM phổi, can thiệp các bệnh tim bẩm sinh phức tạp.

- Về Điện quang can thiệp:Điều trị túi phình mạch não bằng can thiệp nội mạch, nút mạch điều trị u phì đại lành tính tiền liệt tuyến, điều trị CAVS ung thư bằng song cao tần (RF), TIPS.

 

Thứ trưởng Bộ Y tế trực tiếp đến Bệnh viện TX.Kỳ Anh chỉ đạo khắc phục hậu quả sau bão số 10

http://toquoc.vn/y-te/thu-truong-bo-y-te-truc-tiep-den-benh-vien-txky-anh-chi-dao-khac-phuc-hau-qua-sau-bao-so-10-254344.html

Ngày 16/9, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cùng đoàn công tác của Bộ đã đến thăm hỏi và chia sẻ với bệnh viện Đa khoa Kỳ Anh.

Thăm hỏi bệnh nhân đang điều trị tại các khoa của bệnh viện TX.Kỳ Anh, Thứ trưởng động viên bệnh nhân yên tâm điều trị, đồng thời nhắc nhở cán bộ y tế nhanh chóng khắc phục hậu quả mưa bão, dọn dẹp các khoa phòng để điều trị cho bệnh nhân.

Thị sát các công trình, hạng mục của bệnh viện bị hư hỏng sau bão số 10, Thứ  trưởng chia sẻ với những thiệt hại của bệnh viện đồng thời động viên cán bộ viên chức cố gắng, nỗ lực vượt qua khó khăn để nhanh chóng  tổ chức tốt công tác chăm sóc, điều trị cho người bệnh. Thứ trưởng cũng sẽ báo cáo lại với Bộ để có phương án hỗ trợ cho bệnh viện trong thời gian tới.

Theo báo cáo của Bệnh viện Đa khoa Kỳ Anh: Hiện tại, toàn bộ các khối nhà của Bệnh viện đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng. 10/12 khối nhà bị tốc mái hoàn toàn, trong đó, có 5 khối nhà điều trị nội trú, 1 khối nhà kỹ thuật còn lại các khối nhà chức năng. Tổng thiệt hại trên 6,7 tỷ đồng.

Trong bão có 196 giường bệnh tại các khoa bị ảnh hưởng do nước tạt không nằm được. Bệnh viện đã sơ tán bệnh nhân vào nơi khô ráo bằng cách kê giường nằm ghép. Trong bão và sau bão tiếp nhận gần 30 bệnh nhân đến điều trị, có 13 bệnh nhân bị thương do bão, mổ đẻ cấp cứu 3 ca. Không có ca nào tử vong do bão.

Bs. Phan Thị Xuân Liễu – Giám đốc Bệnh viện cho biết: Hiện tại bệnh viện đang tập trung khắc phục hậu quả do mưa bão, lau dọn buồng bệnh để tiếp tục điều trị cho bệnh nhân. Tuy nhiên nếu chưa lợp được mái nhà kịp thời với thời tiết hiện nay rất dễ rấm dột, ảnh hưởng đến giường bệnh điều trị của bệnh nhân. Sau bão hầu hết nhà cửa của cán bộ công nhân viên trong đơn vị đều bị hư hỏng hoặc ngập lụt nên rất khó khăn.

Ngay trong sáng 16/9, Sở Y tế đã điều động lực lượng gần 50 cán bộ từ các đơn vị trong ngành như: Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS, Bệnh viện Phục hồi chức năng, Bệnh viện Đông y… vào hỗ trợ bệnh viện Đa khoa Kỳ Anh vệ sinh các phòng bệnh, thu gom rác thải, trồng lại cây xanh…. với mục tiêu tập trung giúp đỡ, hỗ trợ bệnh viện Đa khoa Kỳ Anh nhanh chóng khắc phục hậu quả bão số 10 như tinh thần chỉ đạo của đồng chí Giám đốc Sở Y tế.

 

Ngành y tế gấp rút vào cuộc phòng chống dịch bệnh sau bão

http://baotintuc.vn/van-de-quan-tam/nganh-y-te-gap-rut-vao-cuoc-phong-chong-dich-benh-sau-bao-20170917182132866.htm

Ngày 17/9, Đoàn công tác do Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn dẫn đầu đã về thị sát và chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả thiệt hại sau bão số 10 tại huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa.

Tại Khu du lịch sinh thái biển Hải Tiến, bão số 10 đã khiến nhiều công trình, cơ sở hạ tầng du lịch bị ảnh hưởng nặng nề. Nước biển dâng và sóng lớn trong hai ngày 15-16/9 đã cuốn trôi hoàn toàn tuyến đường và bờ kè chắn sóng ven biển tại Khu du lịch này, với chiều dài 4,5 km cùng các công trình phụ trợ khác, như hệ thống thoát nước, điện chiếu sáng, hệ thống cây xanh...

Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn yêu cầu ngành Y tế Thanh Hóa nói chung và huyện Hoằng Hóa nói riêng tích cực khắc phục những thiệt hại của các công trình dân sinh, công trình y tế, bảo đảm điều kiện về cơ sở vật chất cũng như phương tiện, trang thiết bị, thuốc, vật tư y tế đáp ứng đủ yêu cầu khám chữa bệnh và cấp cứu cho nhân dân. Đồng thời chủ động trong công tác phòng chống dịch bệnh, sẵn sàng đáp ứng phòng chống dịch có thể phát sinh sau ngập lụt.

Đặc biệt, cần chú trọng phòng chống dịch sốt xuất huyết; thường xuyên phối hợp với chính quyền, chỉ đạo các địa phương thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, thu gom rác thải, tiêu độc, khử trùng và công tác vệ sinh cá nhân phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là khẩn trương làm thủy vực để phòng tránh không để dịch sốt xuất huyết bùng phát.

Trước tình hình mưa bão còn diễn biến phức tạp từ nay đến hết năm 2017, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn đề nghị ngành Y tế Thanh Hóa luôn có phương án sẵn sàng chủ động ứng phó, khắc phục nhanh hậu quả mưa bão.

Nhất là tình trạng ô nhiễm nguồn nước, môi trường sau bão, tránh để các dịch bệnh xảy ra. Ngành Y tế Thanh Hóa phải chủ động chuẩn bị tốt phương tiện, trang thiết bị, thuốc, vật tư y tế đáp ứng đủ yêu cầu khám chữa bệnh và cấp cứu, bảo đảm công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.

 

Việt Nam tạm dừng 3 lô thuốc nghi nhiễm bệnh bò điên

http://vietnamnet.vn/vn/suc-khoe/suc-khoe-24h/viet-nam-tam-dung-3-lo-thuoc-nghi-nhiem-benh-bo-dien-399145.html

http://kinhtedothi.vn/dung-mua-ban-su-dung-lo-sinh-pham-y-te-nghi-nhiem-benh-bo-dien-298304.html

http://vietq.vn/viet-nam-tam-dung-3-lo-sinh-pham-y-te-nghi-nhiem-benh-bo-dien-d129598.html

https://suckhoe.vnexpress.net/tin-tuc/suc-khoe/viet-nam-dung-su-dung-lo-sinh-pham-y-te-nghi-nhiem-benh-bo-dien-3642558.html

Bộ Y tế yêu cầu tất cả các sở y tế và các công ty dược trên cả nước tạm dừng mua bán, sử dụng 3 lô sinh phẩm Human Albumin 20% vì nghi nhiễm bệnh bò điên.

Theo báo cáo, 3 lô sinh phẩm Human Albumin 20% (200g/l), lần lượt là: 29610616, 29700916, 29590616 đã được công ty CP dược phẩm TƯ CP1 phân phối tại Việt Nam, quy cách lọ 50ml.

Trước đó Ban Kinh tế thương mại của Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam đã có thông báo và cảnh báo nhanh với Cục Quản lý dược Italy, Viện Dinh dưỡng và Dược phẩm quốc gia Hungary đối với lô sinh phẩm y tế có nguồn gốc máu và huyết tương do công ty Kedrion SpA và công ty Human BioPlazma Kft. sản xuất do nghi ngờ về khả năng nhiễm bệnh Creutzfeld-Jakob (bệnh bò điên).

Để đảm bảo an toàn cho người sử dụng, trong khi chờ Cục Quản lý dược phối hợp với Viện Dinh dưỡng và Dược phẩm quốc gia Hungary kiểm tra, đánh giá tính an toàn của sản phẩm, Bộ Y tế yêu cầu tất cả Sở Y tế, bệnh viện và các công ty nhập khẩu, phân phối thuốc trên toàn quốc, tạm dừng mua bán và sử dụng 3 lô sinh phẩm nói trên.

Các cơ sở khám chữa bệnh trên cả nước tăng cường theo dõi, xử trí trường hợp phản ứng có hại của các thuốc trên (nếu có), báo cáo TT quốc gia về thông tin thuốc và theo dõi phản ứng có hại của thuốc hoặc TT khu vực tại TP.HCM.

Với các công ty nhập khẩu, phân phối, ngoài việc tạm dừng mua bán tiếp các lô thuốc nói trên, cần tiếp tục bảo quản các thuốc đã có trong kho theo đúng điều kiện ghi trên nhãn, thông báo cho các đơn vị đã phân phối biết, đồng thời phải tổng hợp số lượng sản phẩm còn tồn kho, báo cáo về Cục Quản lý dược trước ngày 20/9.

Human Albumin 20% là dịch truyền để điều chỉnh và duy trì thể tích máu tuần hoàn sau khi đã xét nghiệm bị thiếu thể tích, trong trường hợp cần sử dụng dạng keo.

 

Dịch sốt xuất huyết có dấu hiệu giảm tại nhiều tỉnh, thành

http://phununews.vn/tin-tuc/dich-sot-xuat-huyet-co-dau-hieu-giam-tai-nhieu-tinh-thanh-229109/

Từ đầu năm nay đến ngày 13/9, cả nước đã ghi nhận 124.986 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 29 trường hợp tử vong.

Trong tuần từ ngày 4 - 10/9, cả nước đã ghi nhận 5.860 trường hợp mắc sốt xuất huyết, không có ca tử vong, số ca mắc giảm 24% so với tuần trước đó.

Đó là thông tin từ Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế. Các tỉnh, thành phố có số người mắc sốt xuất huyết giảm trong những tuần gần đây là Hà Nội, Hà Nam, Cà Mau, Bến Tre, Bình Phước, Quảng Ngãi, Tây Ninh, Tiền Giang.

Theo Cục Y tế dự phòng, tháng 9 là tháng cao điểm của bệnh sốt xuất huyết. Tại miền Bắc, miền Nam đều có mưa nhiều nên các địa phương không thể chủ quan, lơ là trong việc phòng chống dịch. Các địa phương cần phối hợp, huy động các cơ quan, đơn vị triển khai mọi biện pháp tăng cường diệt loăng quăng, vệ sinh môi trường, phun thuốc diệt muỗi.

 

Người đàn ông bị đâm thủng bụng được cứu thoát chết

http://www.nguoiduatin.vn/nguoi-dan-ong-bi-dam-thung-bung-duoc-cuu-thoat-chet--a339199.html

Ngày 16/9, đại diện bệnh viện Đa khoa Xuyên Á (BVXA) cho biết, bệnh viện đã cứu sống một bệnh nhân bị trọng thương.

Theo hồ sơ bệnh án, ngày 14/9, bệnh viện Đa khoa huyện Hóc Môn, TP.HCM tiếp nhận một bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch. Sau khi nhanh chóng sơ cứu, các bác sĩ bệnh viện này liên lạc BVXA khởi động quy trình báo động đỏ liên viện. Bệnh nhân được khẩn trương chuyển đến BVXA để điều trị.

Nhận được thông tin, các bác sĩ khoa Cấp cứu và khoa Ngoại tổng quát cùng các bác sĩ Phẫu thuật tim mạch – Lồng ngực, BVXA nhanh chóng tiếp nhận bệnh nhân. Ê-kíp bác sĩ khẩn trương hồi sức tích cực phối hợp xét nghiệm, kiểm tra lâm sàng và xác nhận bệnh nhân có vết thương sâu ở bụng.

Khi mổ, các bác sĩ xác định vết thương xuyên qua gan, bờ trên tụy và đặc biệt đâm thủng động mạch chủ bụng khiến máu chảy rất nhiều. Ê-kíp nhanh chóng kẹp cầm máu, khâu vết rách động mạch chủ, khâu gan, khâu vết rách thân tụy.

Bệnh nhân mất máu nhiều nên được truyền 8 đơn vị máu, 4 đơn vị huyết tương. Sau hơn 3 giờ phẫu thuật, ca mổ đã thành công. Hiện tại, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch, tiếp xúc được với người nhà và đang được tiếp tục theo dõi điều trị.

 

Hà Nội: Phát hiện sai phạm tại một số cơ sở sản xuất bánh trung thu

http://thuonghieucongluan.com.vn/ha-noi-phat-hien-sai-pham-tai-mot-so-co-so-san-xuat-banh-trung-thu-a41907.html

Nhiều cơ sở sản xuất bánh trung thu đang gia tăng công suất sản xuất bánh nướng-dẻo để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng trong dịp Tết Trung thu, sẽ diễn ra trong gần 1 tháng nữa. Cùng với đó, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đối với bánh trung thu cũng được nhiều người quan tâm.

Mới đây, đoàn kiểm tra liên ngành ATTP của Hà Nội, do Phó giám đốc Sở Y tế Trần Văn Chung làm Trưởng đoàn đã kiểm tra công tác đảm bảo ATTP dịp Tết Trung thu trên địa bàn quận Ba Đình. Qua kiểm tra, đã phát hiện sai phạm tại một số cơ sở.

Tại thời điểm kiểm tra tiệm bánh Nhọ Nồi, thuộc Công ty TNHH Nhọ Nồi (địa chỉ 144 phố Phó Đức Chính, phường Trúc Bạch, Ba Đình), đơn vị này đã không xuất trình được các giấy tờ pháp lý liên quan, chưa có giấy phép hoạt động do Sở Công thương cấp theo quy định. Đồng thời, khu vực sản xuất mất vệ sinh, nguyên liệu không rõ nguồn gốc để lẫn với thành phẩm, trên sản phẩm không ghi tên cơ sở sản xuất… Với những vi phạm này, đoàn kiểm tra đã lập biên bản tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở này, đồng thời giao cho UBND quận Ba Đình xử lý.

Tiếp đó, đoàn cũng kiểm tra tại cơ sở sản xuất bánh trung thu Tùng Lâm (100 Phó Đức Chính), mặc dù cơ sở xuất trình được đầy đủ hồ sơ pháp lý, tuy nhiên thực tế khu vực sản xuất vẫn còn chưa đảm bảo ATTP như các cửa sổ chưa có lưới chắn côn trùng, nhân viên làm bánh không có đủ đồ bảo hộ...

Ngày 15/9, đoàn kiểm tra liên ngành ATTP của Hà Nội cũng kiểm tra tại Công ty Cổ phần Bánh ngọt Anh Hòa (55 Khuất Duy Tiến, phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân).

Cơ sở sản xuất của công ty này cũng có nhiều vấn đề như nguyên liệu và bao bì để lộn xộn trong khu vực sản xuất; người lao động không đeo khẩu trang khi làm việc, cơ sở không lưu mẫu theo quy định và nền nhà mất vệ sinh; trứng nguyên liệu một số quả hỏng, vỡ...

Tiếp đó, ngày 16/9, Đoàn kiểm tra liên ngành an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) Trung ương, do TS. Nguyễn Hùng Long, Phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) làm Trưởng đoàn, cùng với Đoàn kiểm tra liên ngành ATVSTP Thành phố Hà Nội, do TS. Hoàng Đức Hạnh, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội làm Trưởng đoàn, đã kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh bánh trung thu của cơ sở sản xuất bánh ngọt Bảo Phương (địa chỉ 201 và 223, phố Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội).

Được biết, cơ sở sản xuất bánh trung thu Bảo Phương có khoảng 60 công nhân, quy mô sản xuất tương đối lớn, nhưng không có giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP, không có giấy đăng ký kinh doanh và một số nguyên liệu như mỡ lợn, trứng gà chưa chứng minh được nguồn gốc.

Về điều kiện vệ sinh của cơ sở, chưa đảm bảo do nền nhà, trần bong tróc, cửa sổ mở ra đường khiến cho bụi bẩn và côn trùng gây hại (chuột, ruồi, rán…) có thể xâm nhập vào sản phẩm và nguyên liệu làm bánh. Cùng với đó, dụng cụ sản xuất chưa đảm bảo vệ sinh, cơ sở vẫn dùng bàn gỗ để làm bánh, rổ tre đựng nguyên liệu.

Tại thời điểm kiểm tra, bàn gỗ dùng để nhào bột làm bánh dẻo tại đây cũng không đảm bảo vệ sinh, còn dính nhiều bột từ những lần sản xuất trước, rất dễ gây nấm mốc. Thêm vào đó, cửa nhà vệ sinh mở thẳng ra khu sản xuất, nền nhà ẩm mốc. Cơ sở cũng không có kho để nguyên liệu mà để lẫn ở khu vực sản xuất, một số được để trên giá đỡ, một số nguyên liệu được để sát tường nhà ẩm mốc.

Qua đây cho thấy, một số chủ cơ sở sản xuất vẫn chưa nhận thức đầy đủ về VSATTP, điều kiện vệ sinh của các cơ sở còn rất kém, công nhân thực hiện làm bánh không được trang bị đầy đủ dụng cụ để làm bánh, đồng thời nhiều cơ sở không đưa ra được thông tin nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm.

Nếu những sản phẩm kém chất lượng, cũng như không đảm bảo ATVSTP của các cơ sở này đến tay người tiêu dùng, thì mức độ nguy hại tới sức khỏe của người dân sẽ là không nhỏ. Do đó, người tiêu dùng cần lưu ý khi mua các sản phẩm bánh dẻo – bánh nướng trong dịp này; cần xem xét hạn sử dụng và cơ sở sản xuất rõ ràng, để tránh mua phải các mặt hàng trôi nổi, kém chất lượng và không rõ nguồn gốc.

 

Quảng Bình: Y tế thiệt hại hơn 10 tỷ đồng trong cơn bão số 10

http://suckhoedoisong.vn/quang-binh-y-te-thiet-hai-hon-10-ty-dong-trong-con-bao-so-10-n136331.html

Trước thiệt hại nặng nề do bão số 10 gây ra, chiều ngày 16/9 đoàn công tác của Sở Y tế Quảng Bình đã có chuyến kiểm tra thị sát tình hình khắc phục hậu qua sau bão số 10 tại một số đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh.

Tại buổi làm việc, các đơn vị y tế đóng trên địa bàn đã báo cáo nhanh về tình hình thiệt hại sau cơn bão số 10 gây ra. Trong đó nhiều hệ thống mái nhà bị tốc, sập đổ tường rào, vỡ kính, hệ thống ống khói khu nhà xử lý chất thải rắn gãy đổ, hệ thông cây xanh bị sập và gãy đổ hoàn toàn…

Chia sẻ những khó khăn trước mắt mà các đơn vị đang trải qua. Thay mặt lãnh đạo ngành y tế ông Phan Thanh Hải, Phó giám đốc Sở Y tế yêu cầu lãnh đạo bệnh viên, Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố nhanh chóng huy động nguồn lực triển khai các biện pháp khắc phục những thiệt hại do bão gây ra, sớm đưa công tác khám chữa bệnh trở lại bình thường để phục người dân được tốt hơn. Đặc biệt sau bão chú trọng các vấn đề ô nhiễm nguồn nước, môi trường, tránh để các dịch bệnh xảy ra. Các đơn vị cần báo cáo cụ thể về tình hình thiệt hại về Sở Y tế để có phương án khắc phục kịp thời trong thời gian sớm nhất.

Theo báo cáo nhanh của Sở Y tế ước tính ban đầu toàn ngành y tế Quảng Bình thiệt hại hơn 10 tỷ đồng, trong tâm bão trên địa bàn tỉnh đã có 7 người chết và nhiều người bị thương do bão số 10 gây ra, 3 sản phụ được nhập viện và mổ đẻ thành công tại Bệnh viện đa khoa huyện Tuyên Hóa. Cũng trong chuyến kiểm tra tình hình khắc phục hậu quả bão số 10 lãnh đạo ngành Y tế Quảng Bình cũng trực tiếp đến thăm các bệnh nhân bị tai nạn trong tâm bão và đã trao tặng một cơ số thuốc phòng chống lụt bão của Bộ Y tế cho Trung tâm Y tế huyện Minh Hóa để hỗ trợ cho xã gặp khó khăn sau bão số 10 trên địa bàn.

 

Đấu thầu thuốc tập trung để xóa chênh lệch giá thuốc

http://www.baohaiquan.vn/pages/dau-thau-thuoc-tap-trung-de-xoa-chenh-lech-gia-thuoc.aspx

Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, hiện nay giá thuốc, vật tư y tế giữa các địa phương có sự chênh lệch khá lớn. Cùng một loại thuốc, một loại thiết bị nhưng giá lại chênh lệch nhau.

Bên cạnh đó, tốc độ gia tăng chi phí khám chữa bệnh năm 2017 đã tăng 30% so với năm 2016. Với mục tiêu giảm từ 10-15% giá thuốc thuộc danh mục chi trả của bảo hiểm y tế (BHYT), việc đấu thầu thuốc tập trung sẽ giúp tiết giảm chi phí của người bệnh, sử dụng hiệu quả Quỹ BHYT và góp phần bảo đảm kiểm soát chặt giá khám chữa bệnh.

Cùng loại thuốc nhưng giá khác nhau

Ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam cho biết,  số lượng các Hội đồng đấu thầu thuốc riêng lẻ tăng nhanh do quy định các cơ sở khám chữa bệnh phải đấu thầu riêng lẻ đối với các thuốc không thuộc danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp địa phương và cấp quốc gia. Trong khi các cơ sở khám chữa bệnh hạn chế về nhân lực, dẫn đến thực hiện công tác đấu thầu chưa hiệu quả, giá trúng thầu của nhiều loại thuốc chênh lệch lớn giữa các hội đồng, cao hơn giá thuốc trúng thầu trung bình.

Cùng với đó, giá thuốc do doanh nghiệp đóng trên địa bàn khi trúng thầu tại các cơ sở khám chữa bệnh  của chính địa phương lại cao hơn giá thuốc trúng thầu tại địa phương khác (như tại Bình Định, Phú Yên...). Chỉ tính riêng 40 mặt hàng thuốc BHXH chỉ đạo BHXH tỉnh Bình Định xem xét, xử lý, các doanh nghiệp tại tỉnh này đã điều chỉnh giảm giá với số tiền gần 4 tỷ đồng.

Đối với thuốc y học cổ truyền, mặc dù có chủ trương khuyến khích phát triển y học cổ truyền nhưng các thuốc này chưa đảm bảo chất lượng, độ tin cậy như mong muốn. Giá vị thuốc y học cổ truyền hiện nay chưa được quản lý, chất lượng chưa được kiểm soát.

Bên cạnh đó, giá trúng thầu vật tư y tế cũng còn nhiều bất cập. Cụ thể, thuốc cùng chủng loại, nhà sản xuất nhưng có giá khác nhau. Ví dụ giá đỡ (stent) động mạch vành phủ thuốc Biomin, do hãng Meril Ấn Độ (trúng thầu ở Bệnh viện Quân y 103 là 37 triệu đồng/cái, nhưng ở Phú Thọ lại 58,6 triệu đồng/cái).

Đưa thuốc về đúng giá

Để kiểm soát chi phí khám chữa bệnh BHYT và chi phí thuốc một trong những giải pháp quan trọng là khẩn trương thực hiện đấu thầu tập trung thuốc. Với việc Bộ Y tế ban hành danh mục thuốc đấu thầu tập trung do BHXH Việt Nam thực hiện (6 thuốc, tương ứng với khoảng 147 thuốc thương mại thuộc các nhóm, có giá trị sử dụng năm 2016 là gần 1.000 tỷ đồng), chắc chắn sẽ góp phần tiết giảm chi phí khám chữa bệnh cho người dân.

Đồng thời, việc đấu thầu tập trung thuốc cấp quốc gia với số lượng lớn sẽ có giá tốt hơn, giá giảm hơn, hợp lý hơn và đưa về đúng giá mà người dùng đáng được hưởng. Hiện, BHXH các tỉnh đang tổng hợp nhu cầu từ các bệnh viện, chuẩn bị đấu thầu tập trung trên 20 mặt hàng thuốc có số lượng sử dụng lớn. Mục tiêu của đợt đấu thầu tập trung này là sẽ giảm giá ít nhất 10% so với giá mua thuốc cùng loại năm 2016.

Đáng chú ý, hiện trong nước có 1.200 mặt hàng thuốc biệt dược gốc, bằng 5% tổng số mặt hàng thuốc trên thị trường, chi phí thanh toán là 8.162 tỷ đồng, bằng gần 25% tổng chi cho tiền thuốc. Nguyên nhân cơ bản là các loại thuốc biệt dược gốc được đấu thầu ở một nhóm riêng, tạo sự độc quyền. Đồng thời, không có cơ chế để kiểm soát giá đối với các loại thuốc này. Theo công bố của Bộ Y tế, đã có 101 thuốc biệt dược gốc hết hạn bản quyền đã có thuốc Generic nhóm 1 có tác dụng điều trị tương tự có thể thay thế. Tổng chi phí của 101 thuốc này là 2.024 tỷ đồng, nếu giảm giá về giá trúng thầu trung bình của thuốc Generic nhóm 1 tương ứng, sẽ tiết kiệm được trên 500 tỷ đồng (khoảng 25%).

BHXH Việt Nam cũng đã thống kê, có 39 loại thuốc biệt dược gốc hết hạn bản quyền đã có 1 số đăng ký thuốc Generic nhóm 1 có thể thay thế; 37 loại thuốc biệt dược gốc hết hạn bản quyền đã có 2 số đăng ký thuốc generic nhóm 1 có thể thay thế. Tổng chi phí của 76 loại thuốc biệt dược gốc đã có 1 đến 2 số đăng ký thuốc Generic nhóm 1 có thể thay thế nêu trên là 811 tỷ đồng, nếu giảm giá về giá trúng thầu trung bình của nhóm 1 tương ứng, sẽ tiết kiệm được 199 tỷ đồng.

“Trong năm nay, Trung tâm đấu thầu thuốc tập trung cấp quốc gia sẽ thực hiện đấu thầu các nhóm thuốc với 5 hoạt chất. BHXH cũng sẽ thực hiện đấu thầu tập trung thuốc với 5 hoạt chất khác, không trùng với 5 hoạt chất mà Bộ Y tế đã đấu thầu để tránh chồng chéo. Đấu thầu thuốc tập trung lựa chọn các thuốc có số lượng và giá trị sử dụng lớn hoặc các loại thuốc có nhiều số đăng ký (tối thiểu từ 3 số đăng ký trở lên để đảm bảo tính cạnh tranh) hoặc biệt dược có 2 số đăng ký nhưng không thuộc danh mục đàm phán giá”, ông Phạm Lương Sơn cho biết.

 

Thuốc H-Capita 500mg Caplet giả hay kém chất lượng đều nguy hại

https://laodong.vn/lao-dong-doi-song/thuoc-h-capita-500mg-caplet-gia-hay-kem-chat-luong-deu-nguy-hai-564443.ldo

Thuốc ung thư H-Capita do Công ty VN Pharma nhập về Việt Nam là thuốc giả hay thuốc kém chất lượng vẫn chưa có câu trả lời. Những ngày qua, xảy ra tranh luận trái chiều về thực chất thuốc ung thư H-Capita 500mg Caplet là thuốc gì? Dù số lượng thuốc ung thư H-Capita do Công ty VN Pharma nhập về Việt Nam đã bị niêm phong, chưa đưa ra thị trường, song dư luận đang chờ một kết luận cuối cùng để thỏa mãn những hoài nghi đang tồn tại. Dù là thuốc giả hay thuốc kém chất lượng cũng là tội ác với người bệnh.

Tranh luận thuốc H-Capita 500mg Caplet giả hay kém chất lượng?

Tại buổi họp báo Chính phủ tháng 8.2017, trả lời câu hỏi của báo chí về việc thuốc ung thư giả sẽ gây ra hậu quả như thế nào đối với người sử dụng, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến khẳng định thuốc ung thư H-Capita 500mg Caplet do Công ty VN Pharma nhập về không phải thuốc giả chỉ là thuốc kém chất lượng.

Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến khẳng định: “Thuốc ung thư H-Capita 500mg Caplet do Công ty VN Pharma nhập về không phải thuốc giả, chỉ là thuốc kém chất lượng. Xét về góc độ chuyên ngành, tôi có thể khẳng định đây không phải là thuốc giả. Bởi theo quy định thuốc giả là sản phẩm thuộc dạng thuốc sản xuất với ý đồ lừa đảo và không có dược chất. Thuốc H- Capita lại có dược chất. Thuốc H- Capita 500mg Caplet cũng không mạo tên hay kiểu dáng của thuốc nào thuộc cơ sở khác. Màu sắc thuốc là màu hồng, không phải màu đỏ, không đạt chất lượng đăng ký. Kết luận của giám định cũng cho thấy, thuốc H- Capita 500mg Caplet là thuốc kém chất lượng là hoàn toàn phù hợp”.

PGS.TS.DS Phạm Khánh Phong Lan, nguyên Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM, đại biểu Quốc hội khóa XIV bày tỏ quan điểm của mình: “Thuốc H- Capita 500mg Caplet là thuốc giả”. Sở dĩ bà Lan đưa ra khẳng định trên bởi theo bà, Cty sản xuất không có thật thì sao nói thuốc thuốc H- Capita 500mg Caplet là thuốc kém chất lượng. Đó chỉ là thuốc giả.

Thuốc phải được sản xuất phải tuân thủ theo quy định, phải có Cty, có nhà máy đạt chuẩn thực hành tốt sản xuất thuốc (GMP), có hồ sơ đăng ký sản xuất thuốc nộp lên cơ quan có thẩm quyền để chịu trách nhiệm hoàn toàn về thuốc đó. Trong trường hợp hàm lượng hoạt chất capecitabine (một hoạt chất có chức năng điều trị ung thư) có mặt trong thuốc tới 97% cũng chưa biết hoạt chất đó mua từ đâu, chất lượng ra làm sao, có độc chất gì hay không.

Một dược sĩ (xin giấu tên - PV) cho rằng, một hoạt chất dùng làm thuốc, với các nhà sản xuất khác nhau, thì thuốc thành phẩm có thể có nhiều tên khác nhau, do nhà sản xuất đặt. Trong trường hợp này, capecitabine là hoạt chất điều trị ung thư, nhưng Cty dược phẩm đầu tiên nghiên cứu sử dụng hoạt chất này làm thuốc - Roche, đặt cho nó cái tên thương mại là Xeloda - và đây là thuốc gốc.

Sau khi Cty Roche hết hạn bảo hộ độc quyền, các Cty khác có quyền sản xuất những thuốc chứa cùng hoạt chất này nhưng đặt các tên thương mại khác nhau. Đây là các thuốc generic hay tiếng Việt gọi nôm na là thuốc sao chép. Các thuốc sao chép phải có chứa cùng hoạt chất, nồng độ hàm lượng phải tương đương với thuốc phát minh, nhưng thường là giá rẻ hơn do không mất chi phí hàng triệu đến hàng chục, trăm triệu đô nghiên cứu phát triển.

Ví dụ khi tra trên trang web của Cục Quản lý dược Pháp, có đến hàng chục biệt dược khác nhau được cấp phép đều có chứa capecitabine. Để khẳng định tội hay không tội, thuốc giả hay không, cần xem xét dựa vào luật pháp với những đánh giá điều tra cụ thể.

Thuốc thật vẫn có thể bị coi là giả

Bác sĩ Trần Văn Phúc, Bệnh viện Xanh pôn, Hà Nội cho rằng: "Thuốc thật vẫn có thể bị coi là giả". Đó là những sản phẩm thuốc chính hãng, nhưng bị ăn cắp bằng cách tinh vi nào đó bởi chính nhà sản xuất, bởi con buôn thuốc, hoặc các đại lí phân phối thuốc.

Đôi khi, sản phẩm thuốc chính hãng nhưng đã hết hạn sử dụng, được kẻ gian lận đóng gói lại rồi ghi hạn sử dụng mới để tuồn ra ngoài thị trường. Với những thuốc như thế, điều đáng quan tâm là tính ổn định và nồng độ của dược chất có thể bị ảnh hưởng do thời gian. May mắn là, hầu hết loại thuốc giả này ít ảnh hưởng đến người bệnh.

Cũng theo bác sĩ Phúc, lại có loại thuốc giả là thành phần và hàm lượng hoạt chất trong thuốc đảm bảo chính xác, nhưng không phải do chính hãng sản xuất, mà do một phòng thí nghiệm nào đó làm. Các phòng thí nghiệm ấy không phải đầu tư nghiên cứu để phát triển sản phẩm, không phải lo bản quyền sáng chế, nguyên liệu và nhân công giá rẻ, nên sản phẩm thuốc sẽ rẻ hơn so với thuốc chính hãng.

Thuốc không chứa bất cứ thành phần dược chất nào, chỉ có thảo mộc, thêm một số thành phần của động vật. Thuốc giả loại này không có tác dụng chính, cũng chẳng có tác dụng phụ. Thậm chí, có loại thuốc giả có chứa thành phần hoạt chất nhưng không đảm bảo hàm lượng và chất lượng. Một số thuốc hàm lượng hoạt chất cao, rất nguy hiểm cho bệnh nhân, có thể gây ngộ độc.

“Tất cả 5 loại thuốc giả kể trên, bác sĩ hay bất cứ ai đều không thể phân biệt bằng mắt thường, vì bao giờ cũng giống với thuốc chính hãng, cả hình thức, đóng gói và dán nhãn”. Bác sĩ Phúc nói.

Hầu hết thuốc giả được sản xuất ở các quốc gia đang phát triển, đặc biệt là châu Á, nơi luật pháp lỏng lẻo, chi phí sản xuất thấp. Tiếp đến là các quốc gia thuộc châu Phi và Mỹ Latinh. Gần đây, Đông Âu cũng bắt đầu tham gia sản xuất thuốc giả.

Năm 2017, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) khuyến cáo người tiêu dùng tránh 65 sản phẩm thuốc chữa ung thư chào bán trên mạng. FDA coi đó là “trò lừa đảo tàn nhẫn”, có thể gây hại, gây lãng phí tiền bạc cho bệnh nhân đang mắc bệnh ung thư.

Thuốc giả có thể gây chết người

Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thuốc giả là sản phẩm được gắn nhãn hiệu sai một cách gian dối và có chủ đích về đặc tính hoặc nguồn gốc. Thuốc giả có thể bao gồm sản phẩm với đúng hoặc sai hoạt chất, không có hoạt chất hoặc không đủ hàm lượng hoạt chất hoặc với bao bì giả. Tổ chức Y tế thế giới cũng cảnh báo mức độ nguy hiểm của thuốc giả trên phạm vi toàn cầu khi mỗi năm trên thế giới có khoảng 200.000 người tử vong do thuốc giả.

WHO ước tính, mỗi năm có khoảng 100.000 người ở Châu Phi bị chết vì thuốc giả. Những loại thuốc bán ngoài chợ đen ở châu lục này và chợ quê của các nước Đông Nam Á, thành phần có thể chỉ là bột ngũ cốc, bột phấn viết bảng, bột talc, sơn đường, đôi khi có cả kim loại nặng nguy hiểm.

“Hầu hết các nhà sản xuất thuốc giả không phải để nhằm mục đích giết chết bệnh nhân, họ chỉ đơn giản là quan tâm đến nguồn lợi nhuận khổng lồ, hệ quả là bệnh nhân không được điều trị tốt nhất, thậm chí bệnh nhân chết vì không được cung cấp thuốc cần thiết” - Bác sĩ Phúc cho hay.

Bác sĩ Lê Tuấn Thành, Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai cho rằng với bệnh nhân ung thư thuốc giả có tác hại rất lớn bởi thành phần không rõ ràng, có thể chứa độc chất nào đó đối với cơ thể, hoặc hàm lượng không đủ để đảm bảo khả năng tiêu diệt tế bào ung thư. Bởi một trong những đặc tính của mầm bệnh (tế bào ung thư hay vi khuẩn, nấm…) đó là tính nhờn thuốc.

Một trong những đặc tính của mầm bệnh là tính nhờn thuốc. Nếu thuốc không đủ nồng độ có thể kích hoạt cơ chế thích nghi, dẫn đến kháng thuốc và người bệnh có thể chết. Thuốc giả có nhiều dạng khác nhau, nhưng nếu không may dùng phải thuốc giả thì không những thất bại trong điều trị mà còn tăng độc tính, tăng kháng thuốc và bệnh nhân có nguy cơ cao tử vong.

 

Thả muỗi sinh học chống sốt xuất huyết

https://laodong.vn/suc-khoe/tha-muoi-sinh-hoc-chong-sot-xuat-huyet-565059.ldo

Đối phó với bệnh sốt xuất huyết (SXH), Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cần mở rộng việc thả muỗi chứa tác nhân sinh học Wolbachia tại đất liền để hạn chế sự sinh sôi nảy nở của muỗi vằn truyền bệnh SXH.

Thời điểm này, số ca mắc SXH ở Hà Nội đã giảm 18%, nhưng vẫn còn 20% số gia đình vẫn có bọ gậy. Do vậy, các chuyên gia đánh giá dịch bệnh SXH ở Hà Nội giảm, nhưng chưa bền vững. Bộ Y tế đã yêu cầu Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương nghiên cứu nhân rộng mô hình tại các địa phương sau thành công của việc thí điểm thả muỗi mang tác nhân Wolbachia tại đảo Trí Nguyên (TP Nha Trang).

Vào tháng 8.2016, kết quả nghiên cứu thí điểm ứng dụng muỗi mang vi khuẩn Wolbachia trên đảo Trí Nguyên đã được Bộ Y tế nghiệm thu về các mặt tính an toàn, khả năng ức chế virus Dengue của muỗi Wolbachia và sự ủng hộ của cộng đồng. Hiện nay "Dự án Hướng tới loại trừ SXH tại Việt Nam" đang xin phép các cấp có thẩm quyền để triển khai bước tiếp theo là thí điểm thả muỗi Wolbachia trên một khu vực thực địa hẹp ở thành phố Nha Trang đất liền, dự kiến từ cuối năm 2017.

Bộ Y tế cũng yêu cầu, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương nghiên cứu việc sử dụng muỗi Aedes aegypti mang vi khuẩn Wolbachia trong phòng chống SXH  nếu thành công dự kiến sẽ mang lại bước tiến mới cho công cuộc phòng chống SXH. Điều quan trọng nghiên cứu muỗi thả ở các khu vực khác có phù hợp không. Nếu tiếp tục thành công, dự kiến năm 2018 sẽ triển khai thả muỗi vằn phòng bệnh SXH trên toàn thành phố.

Cuối tháng 8.2017, lãnh đạo Bộ Y tế và đại diện một số Viện nghiên cứu đã có buổi làm việc cùng Giáo sư Scott O’Neil (Đại học Monash, Úc), Giám đốc Chương trình Loại trừ SXH toàn cầu  để bàn kế hoạch triển khai mở rộng thí điểm ứng dụng muỗi Wolbachia để phòng SXH ở một số địa phương khu vực phía Nam của Việt Nam trong những năm tới.

Wolbachia là loại vi khuẩn tự nhiên, có trong tế bào của khoảng 60% loài côn trùng sống gần gũi xung quanh con người như ruồi giấm, châu chấu, bướm, chuồn chuồn,… và cả một số loài muỗi thường đốt người (nhưng muỗi vằn truyền bệnh SXH thì lại không có vi khuẩn này). Qua nhiều năm nghiên cứu, các nhà khoa học trên thế giới đã thành công trong việc cấy vi khuẩn Wolbachia vào muỗi vằn và chứng minh được rằng trong cơ thể muỗi chúng có khả năng ức chế sự phát triển của virus Dengue (gây bệnh SXH), từ đó làm giảm nguy cơ lây truyền vi rút gây bệnh sang người.

 

Đảm bảo an toàn thực phẩm Tết Trung thu

http://thanhtra.com.vn/xa-hoi/doi-song/dam-bao-an-toan-thuc-pham-tet-trung-thu_t114c1159n124419

Dịp này, thị trường bánh kẹo, nước giải khát, các loại thực phẩm phục vụ Tết Trung thu trên địa cả nước đang rất sôi động. Để các mặt hàng bảo đảm chất lượng, an toàn cho người tiêu dùng, các cơ quan chức năng cả nước đang tăng cường công tác thanh, kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm quy định về an toàn thực phẩm...

Để bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, bảo vệ quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng, Cục An toàn thực phẩm đã có Công văn số 4120/ATTP-NĐ đề nghị Giám đốc Sở Y tế các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương và Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp Tết Trung thu, cụ thể như sau:

Chủ động xây dựng thông điệp và phối hợp với các cơ quan truyền thông tăng cường tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức và thực hành cho người sản xuất, người kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm trong dịp Tết Trung thu. Nội dung tuyên truyền cho các đối tượng như: Phổ biến, tuyên truyền các quy định về điều kiện vệ sinh cơ sở, trang thiết bị dụng cụ, yêu cầu về kiến thức, thực hành của người trực tiếp tham gia sản xuất, chế biến thực phẩm theo các quy định hiện hành.

Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm cần phổ biến, tuyên truyền các quy định về điều kiện vệ sinh cơ sở, trang thiết bị dụng cụ, yêu cầu về kiến thức, thực hành của người trực tiếp tham gia sản xuất, chế biến thực phẩm theo các quy định hiện hành; tuyên truyền các quy định về nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm, quy định về sử dụng phẩm màu, hương liệu, phụ gia, bao bì thực phẩm, ghi nhãn sản phẩm, công bố sản phẩm, bảo quản sản phẩm thực phẩm; tuyên truyền các quy định về điều kiện vệ sinh nơi bán sản phẩm, quy định về nhập khẩu sản phẩm thực phẩm, quy định công bố sản phẩm phù hợp quy định an toàn sản phẩm thực phẩm, quy định về vệ sinh cá nhân người kinh doanh thực phẩm.

Đặc biệt với các cơ sở kinh doanh bánh trung thu cần kinh doanh và bảo quản sản phẩm ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh để bánh trực tiếp dưới ánh nắng, không để gần hàng hóa có mùi lạ. Tuyệt đối không được bán bánh quá hạn sử dụng, bánh bị mốc hỏng.

Tăng cường phổ biến, tuyên truyền về quyền lợi và nghĩa vụ của người tiêu dùng trong sử dụng thực phẩm, phổ biến kiến thức, thực hành hướng dẫn lựa chọn, bảo quản và sử dụng thực phẩm an toàn. Trong dịp Tết Trung thu, người tiêu dùng nên mua bánh trung thu ở các cơ sở có địa chỉ rõ ràng, nơi bày bán bánh đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm tra kỹ nhãn mác, ngày sản xuất và hạn sử dụng, không sử dụng bánh đã mốc, hỏng, triển khai kế hoạch thanh kiểm tra liên ngành đối với các cơ sở kinh doanh sản xuất kinh doanh, nhập khẩu các loại bánh kẹo trong dịp Tết Trung thu.

Đối với các cơ sở sản xuất: Tập trung thanh tra, kiểm tra nguồn gốc nguyên liệu, phụ gia thực phẩm, kiểm nghiệm sản phẩm, ghi nhãn, bao bì sử dụng, công bố tiêu chuẩn sản phẩm, nhập khẩu sản phẩm hoặc bán thành phẩm, quy định vệ sinh cá nhân người trực tiếp sản xuất.

Đối với các cơ sở kinh doanh: Thanh tra, kiểm tra điều kiện vệ sinh cơ sở nơi bảo quản, bày bán bánh, nguồn gốc xuất xứ bánh, hồ sơ công bố phù hợp quy định an toàn sản phẩm thực phẩm, quy định ghi nhãn sản phẩm, quy định vệ sinh cá nhân người trực tiếp kinh doanh thực phẩm.

Trong quá trình thanh tra, kiểm tra kết hợp truyên truyền trực tiếp đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm kết hợp lấy mẫu kiểm nghiệm sản phẩm theo quy định, xử lý nghiêm các vi phạm, công bố công khai tên cơ sở, địa chỉ, loại sản phẩm vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định của pháp luật.

Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 9/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước, trách nhiệm của người đứng đầu về an toàn thực phẩm.

Kết thúc chiến dịch, đề nghị đơn vị tổng hợp kết quả triển khai, gửi báo cáo về Cục An toàn thực phẩm để tổng hợp báo cáo lãnh đạo Bộ Y tế.

 

Bộ Y tế có ý kiến, Bệnh viện Mắt TW tạm dừng chuyên môn nữ bác sĩ gác chân lên ghế

http://www.nguoitieudung.com.vn/bo-y-te-co-y-kien-benh-vien-mat-tw-tam-dung-chuyen-mon-nu-bac-si-gac-chan-len-ghe-d61582.html

Bệnh viện Mắt Trung ương đã tạm dừng công tác chuyên môn bác sĩ Nguyễn Thị Minh tại khoa Mắt trẻ em để giải trình về việc gác chân lên ghế khi nói chuyện với người nhà bệnh nhân.

Trước đó, dư luận chia sẻ clip của một ông bố quê Quảng Ninh đưa con trai là Đỗ Ngọc V.A. đi khám tại khoa Mắt trẻ em, Bệnh viện Mắt Trung ương. Ông bố bức xúc trước việc nữ bác sĩ chỉ vạch mắt cháu kiểm tra mà không khám lại bằng máy móc rồi kết luận cận thị nặng.

Sau đó ông bố quay ra đối chất với nữ bác sĩ và đề nghị khám lại. Bác sĩ ngồi gác chân lên ghế giải thích cho người nhà rằng tùy từng bệnh, nếu bác sĩ đã thấy đủ thì không cần máy, bác sĩ sẽ chịu trách nhiệm về điều này. Trước yêu cầu của người nhà bệnh nhi V.A, nữ bác sĩ đã ký giấy để hội chẩn ở cấp cao hơn.

Ngày 11/9, Cục trưởng Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế PGS.TS Lương Ngọc Khuê đã gọi đến bệnh viện Mắt Trung ương, yêu cầu đội ngũ cán bộ bệnh viện giải trình về đoạn clip trên.

Ngay sau đó, Giám đốc bệnh viện Mắt Trung ương Nguyễn Xuân Hiệp đã có giải trình bước đầu. Theo ông, bệnh viện đã thành lập tổ công tác để xác minh và xác nhận người bị phản ánh trong clip là nữ TS.BS Nguyễn Thị Minh. Nhận thấy bác sĩ Minh đã không có thái độ đúng mực, phản cảm trong giao tiếp, bệnh viện đã yêu cầu bác sĩ tạm dừng làm chuyên môn, viết tường trình tiếp tục làm rõ sự việc.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Tiêu Dùng, PGS.TS Lương Ngọc Khuê cho biết, nữ bác sĩ Nguyễn Thị Minh tại bệnh viện Mắt Trung ương đã có thái độ làm việc không tôn trọng bệnh nhân, lời lẽ giao tiếp chưa đúng mực.

Giám đốc bệnh viện Mắt Trung ương Nguyễn Xuân Hiệp cho biết thêm, sau khi có kết quả giải trình từ bác sĩ Minh và báo cáo từ tổ công tác, bệnh viện sẽ xử lý nghiêm túc bác sĩ tùy theo mức độ vi phạm.

 

Hà Nội nhiều bất cập trong khống chế dịch sốt xuất huyết – Bài 2: Chưa ‘trúng đích’, diệt bọ gậy kém hiệu quả

http://baotintuc.vn/xa-hoi/ha-noi-nhieu-bat-cap-trong-khong-che-dich-sot-xuat-huyet-bai-2-chua-trung-dich-diet-bo-gay-kem-hieu-qua-20170917065237404.htm

Hà Nội đã thành lập hơn 26.000 Đội xung kích diệt bọ gậy với sự tham gia của 63.119 người. Tuy nhiên, thực tế, tỷ lệ đội viên tìm và diệt được bọ gậy thấp hơn rất nhiều so với mong đợi.

Dịch “nóng”, Đội xung kích "vừa học, vừa làm"

Lo ngại về hoạt động của các Đội Xung kích chuyên tìm, diệt bọ gậy, trong một cuộc họp cuối tháng 8/2017, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã "truy" đại diện ngành y tế Hà Nội về hiệu quả thực tế của lực lượng được coi là mũi nhọn trong phòng chống dịch bệnh.

Trả lời vấn đề này, TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội cho hay: Khoảng 60% Đội xung kích hoạt động hiệu quả; Khi chưa triển khai biện pháp diệt bọ gậy thì tỷ lệ này ở hộ gia đình là 30%, sau khi triển khai vẫn còn ở mức cao là 20%.

Lý giải về khả năng hạn chế của Đội xung kích, ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cho biết, quyết định thành lập Đội xung kích diệt bọ gậy và Tổ giám sát phòng chống dịch sốt xuất huyết mới ban hành ngày 1/8/2017. Do vậy, các tổ viên trong Đội xung kích (2 - 3 người, là thành viên các đoàn thể thanh niên, hội phụ nữ, hội cựu chiến binh... ) mới được tập huấn rất nhanh để đi làm.

Giải pháp mà ngành Y tế nhằm nâng cao khả năng tìm diệt bọ gậy cho các Đội xung kích chính là "cầm tay chỉ việc". Cụ thể, các Tổ giám sát, Đội xung kích phải tiến hành giao ban hàng ngày, báo cáo kết quả về trạm Y tế, Ban chỉ đạo phòng chống dịch và trực tiếp đồng chí Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn. Thông qua đó, các Trạm trưởng Y tế sẽ kịp thời giải đáp những vướng mắc và "bổ túc" thêm chuyên môn từng ngày cho các đội viên...

Vẫn có câu "chống dịch như cứu hỏa", ấy thế nhưng Hà Nội đã triển khai chống dịch với tốc độ khá “chậm rãi”. Trung tâm y tế dự phòng phát hiện mầm bệnh từ đầu năm 2017, tháng 5 đã có ca tử vong đầu tiên với bệnh cảnh rất nghiêm trọng nhưng sau khi dịch bùng phát thì đến tháng 8, Hà Nội mới thành lập được các Đội xung kích với những lực lượng thiếu kinh nghiệm trong việc tìm diệt bọ gậy. Trong khi đây được coi là giải pháp quan trọng số 1, quyết định việc khống chế dịch sốt xuất huyết.

Kết quả giám sát của ngành Y tế cũng đã chỉ ra rằng, nhiều đội viên Đội xung kích chưa thực sự tích cực, hiệu quả; chỉ làm nhiệm vụ dẫn đường, thiếu sức khỏe để có thể leo hết các tầng của nhiều khu nhà để kiểm tra... Bởi vậy, mới có tình huống Đội xung kích vừa đến, cán bộ dịch tễ vẫn phát hiện 4 - 5 ổ bọ gậy sốt xuất huyết trong nhà dân.

Vấn đề cốt yếu hơn cả là qua phân tích tỷ lệ ổ bọ gậy nguồn muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết Ae.aegypti và bọ gậy nguồn Ae.albopictus tại Hà Nội cho thấy, nơi chứa bọ gậy nhiều nhất là bể chứa trên 500 lít, tỷ lệ lần lượt ứng với từng loại muỗi là 46,3% và 38%; sau đó mới là các cây cảnh (hòn non bộ, lọ phát lộc, chậu trồng cây xanh, si...) là 21,9 % và 19 %; Xô, thùng, chậu là 17,6 và 23%...

Kết quả điều tra trên đã phản ánh thực tế: Hoạt động diệt bọ gậy muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết ở Hà Nội chưa thực sự "trúng đích". Bởi lẽ, đích cần phải nhắm tới phải là kiểm tra, giám sát, xử lý các ổ bọ gậy ở các bể chứa trên 500 lít thì hoạt động tìm, diệt bọ gậy của các Đội xung kích thường chỉ giới hạn ở vị trí tỷ lệ bọ gậy tập trung không cao như: Các chậu cây cảnh, lọ hoa, phế thải, chum vại trên dưới 100 lít...

"Trên" lơ là, "dưới" tắc trách

Trao đổi với phóng viên Tin Tức, một thành viên đoàn Giám sát về công tác phòng chống sốt xuất huyết tại Hà Nội, cho biết, lãnh đạo UBND, Sở Y tế, Trung tâm Y tế Hà Nội rất quyết liệt, tuy nhiên vấn đề là cấp xã/phường còn tắc trách, thậm chí làm sai chuyên môn. Đặc biệt, "lỗ hổng" chính vẫn là ngành y tế Thủ đô thiếu giám sát, chưa kịp thời phát hiện sai phạm của tuyến cơ sở để sớm chấn chỉnh.

Thực tế, do nhân lực hạn chế, thiếu năng lực tuyên truyền thuyết phục người dân, khó khăn về kinh phí, thậm chí thiếu trách nhiệm, ưu tiên vấn đề khác hơn... nên chính quyền ở một số địa bàn nóng về dịch sốt xuất huyết tuy tỏ ra quyết liệt nhưng công tác phòng chống dịch bệnh chưa hiệu quả, triệt để.

Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ y tế cơ sở vừa thiếu, vừa yếu, còn có hiện tượng thiếu trách nhiệm, kỹ năng làm việc tại cộng đồng hạn chế; thiếu khả năng hoặc không quyết liệt tham mưu chống dịch cho chính quyền.

Hậu quả là hoạt động điều tra xử lý ổ dịch có nơi không triệt để, còn để sót ổ bọ gậy, chiến dịch diệt bọ gậy ở một số điểm nóng còn hình thức, không hiệu quả do lực lượng tham gia chiến dịch mỏng và vẫn còn ổ bọ gậy là nguồn muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết.

Đơn cử như xã Tiền Phong, huyện Thường Tín, mặc dù ổ dịch ở đội 6 phát hiện ngày 1/9 nhưng đến 15/9, thời điểm Phó Giám đốc Sở Y tế Hoàng Đức Hạnh đi kiểm tra vẫn chưa được xử lý phun hóa chất... Giám sát của Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố vào ngày 12/9 tại 20 hộ gia đình của xã Tiền Phong cho thấy vẫn còn 5 hộ gia đình để sót các ổ bọ gậy (chiếm 25%); giám sát 70 dụng cụ chứa nước thì 12 dụng cụ chứa nước có bọ gậy (chiếm 17%)...

Đáng nói, do truyền thông phòng chống sốt xuất huyết còn chung chung nên nhiều người dân chưa hiểu cụ thể về cách phòng chống, tình hình và mức độ nguy hiểm... dẫn đến tình trạng thờ ơ, chủ quan với dịch bệnh. Nhiều người không khai báo khi mắc bệnh, không thực hiện diệt bọ gậy thường xuyên, không hợp tác khi y tế xử lý ổ dịch vì sợ bẩn, nghĩ không có tác dụng...

Từ thực trạng được chỉ ra là nguyên nhân khiến dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội bùng phát như nêu trên cho thấy, có nguyên nhân thuộc về ngành y tế nhưng nguyên nhân cơ bản vẫn thuộc về trách nhiệm triển khai phòng chống dịch thiếu triệt để ở cấp chính quyền cơ sở. Mà với vai trò là đơn vị chuyên môn tham mưu về dịch bệnh, ngành Y tế Thủ đô không thể "với tay" vào việc điều hành, tổ chức thực hiện phòng chống dịch tại các xã/phường.

Do đó, để khống chế dịch sốt xuất huyết, nhất là từ nay đến tháng 11 (giai đoạn thường là đỉnh dịch), lãnh đạo UBND Thành phố Hà Nội cần phải quyết liệt hơn trong chỉ đạo, nhất là xử lý vi phạm trong phòng, chống dịch. Có như vậy mới chấn chỉnh được tình trạng dập dịch kiểu "trên nóng, dưới lạnh" vẫn diễn ra.

 

Viêm loét dạ dày khó điều trị vì tỉ lệ kháng thuốc 80-90%

http://tuoitre.vn/kho-dieu-tri-benh-nhan-nhiem-vi-khuan-hp-do-ty-le-khang-thuoc-cao-20170917190633912.htm

Chừng 70% người Việt bị nhiễm vi khuẩn HP gây ra bệnh viêm loét dạ dày nhưng tỉ lệ kháng thuốc lên tới 90% khiến cho bệnh rất khó điều trị.

Trao đổi với báo giới bên lề hội thảo khoa học về tiêu hóa vừa tổ chức tại Hà Nội, Trưởng khoa Tiêu hóa Bệnh viện Bạch Mai Vũ Trường Khanh cho hay có đến 60-70% người Việt Nam mang vi khuẩn HP, một tỷ lệ đáng kể trong số này biểu hiện thành các chứng bệnh như loét dạ dày, thậm chí chuyển nặng sang ung thư dạ dày.

Tuy nhiên theo bác sỹ Khanh, do vi khuẩn HP có thể lây qua hô hấp nên nhiều trường hợp cả gia đình mắc bệnh, điều trị đỡ bệnh lại có thể lây lại từ người thân.

Mặt khác có nhiều thuốc kháng sinh đầu tay trong điều trị vi khuẩn HP đã bị kháng thuốc tới 80-90%.

Theo ông Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, do nhu cầu gia tăng của bệnh nhân mắc các chứng bệnh về tiêu hóa, các nhà tài trợ Nhật Bản đã chấp thuận tài trợ 2 triệu USD để xây dựng một Trung tâm tiêu hóa chất lượng cao, đồng thời giữ vai trò Trung tâm đào tạo cho các bác sỹ tiêu hóa tại Bệnh viện Bạch Mai.

 

 

Không mua BHYT cả hộ, mà mua riêng lẻ có được không?

http://baotintuc.vn/xa-hoi/khong-mua-bhyt-ca-ho-ma-mua-rieng-le-co-duoc-khong-20170917163710383.htm

Bạn đọc hỏi: Tôi mua bảo hiểm y tế (BHYT) hộ gia đình, đến ngày 31/10/2016 thì thẻ hết hạn sử dụng, nhưng đến ngày 1/3/2017 mới nộp tiền tham gia BHYT thì thẻ BHYT có giá trị từ ngày nộp tiền hay sau 30 ngày? Thời gian tham gia BHYT có được tính là liên tục hay không? Hiện chỉ có tôi có nhu cầu, vậy tôi có thể mua BHYT cho riêng mình tôi hay bắt buộc phải tham gia hết hộ?

Về vấn đề này, theo Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, quy định tại Điểm d, Khoản 1, Điều 5 Thông tư liên tịch41/2014/TTLT-BYT-BTC ngày 24/11/2014 của liên Bộ Y tế, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện BHYT:  “Thời gian tham gia BHYT liên tục là thời gian sử dụng ghi trên thẻ BHYT lần sau nối tiếp với ngày hết hạn sử dụng của thẻ lần trước; trường hợp gián đoạn tối đa không quá 3 tháng”.

Còn tại Điểm 2, Điều 47 Quyết định số 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam ban hành Quy trình thu BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT thì“Đối tượng quy định tại Khoản 4 và 5 Điều 17 có thời gian tham gia BHYT liên tục, thẻ BHYT có giá trị kể từ ngày đóng.

Trường hợp tham gia BHYT lần đầu hoặc tham gia không liên tục từ 3 tháng trở lên trong năm tài chính thì thẻ BHYT có giá trị sử dụng sau 30 ngày kể từ ngày người tham gia nộp tiền đóng BHYT” và Công văn số 1018/TTg-KGVX ngày 10/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường phát triển, mở rộng đối tượng tham gia BHYT và tin học hóa công tác giám định, thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT.

Trường hợp của bạn có quá trình tham gia BHYT gián đoạn trên 3 tháng trở lên (tính từ ngày 31/10/2016 đến ngày 01/03/2017). Vì vậy, thời gian này không được tính là thời gian tham gia BHYT liên tục và thẻ BHYT mới có giá trị sử dụng sau 30 ngày kể từ ngày nộp tiền. Bạn có thể tham gia cho riêng mình mà không phải bắt buộc tham gia hết những người có cùng sổ hộ khẩu.

Tuy nhiên, việc tham gia BHYT theo hộ sẽ có nhiều tiện lợi về mức đóng với các thành viên khác như vức đóng được giảm dần từ thành viên thứ hai trở đi, 70%, 60%, 50% và 40%.

Cụ thể, hiện nay, mức đóng BHYT của người thứ nhất trong hộ gia đình là 702.000 đồng/năm. Người thứ hai đóng 491.400 đồng. Người thứ ba đóng 421.200 đồng, người thứ tư đóng 351.000 đồng. Từ người thứ năm trở đi đóng 280.800 đồng.

Do đó, nếu gia đình có điều kiện nên tham gia BHYT hộ để mọi người đều có thẻ BHYT phòng lúc ốm đau, bệnh tật.

Tags:

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang