Mỗi cá nhân sẽ có mã số riêng để theo dõi lịch tiêm chủng
Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, sẽ ra mắt phần mềm “Hệ thống quản lý thông tin Tiêm chủng quốc gia” vào cuối năm 2015. Trên cơ sở đó, mỗi cá nhân sẽ có mã số để theo dõi lịch và quá trình tiêm chủng.
Đây là phần mềm do Cục Y tế dự phòng phối hợp với Cục Công nghệ thông tin và Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) thực hiện. Phần mềm này sẽ thống kê, kiểm tra thông tin và rà soát đối tượng tiêm chủng, để bảo đảm quyền tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch của trẻ.
Mỗi cá nhân khi tiêm sẽ có mã số riêng (số ID) để theo dõi lịch sử tiêm chủng suốt đời với những nội dung về quá trình tiêm chủng, địa điểm, thời gian và tên cán bộ phụ trách tiêm. Điều này giúp cán bộ tiêm các mũi tiếp theo nắm rõ đối tượng đã được tiêm vắcxin gì, thời gian và ở địa bàn nào trước đó nếu người này di chuyển nơi ở.
Phần mềm cũng giúp phụ huynh theo dõi và nắm thông tin tiêm chủng của trẻ qua hệ thống viễn thông đồng thời nhắc phụ huynh nhắc nhở lịch tiêm của con. Hệ thống cũng là công cụ thống kê số liệu tiêm chủng dành cho các nhà quản lý.
Hiện phần mềm đang được triển khai thí điểm tại tỉnh Bắc Ninh. Tại đây, các cán bộ y tế phụ trách tiêm chủng của tỉnh được tập huấn và sử dụng. Giai đoạn thí điểm ban đầu đã thu được kết quả khả quan và khả năng ứng dụng cao, phù hợp với yêu cầu thực tiễn trong quản lý công tác tiêm chủng tại cộng đồng.
Cục Y tế dự phòng nhấn mạnh, để xây dựng phần mềm quản lý cho tất cả đối tượng rất khó vì cả nước mỗi năm có khoảng 1,6 triệu trẻ em ra đời với trên 11.000 xã, phường, thị trấn và khoảng trên 30.000 điểm tiêm chủng. Nhưng Bộ Y tế vẫn quyết tâm xây dựng phần mềm và sau khi làm thí điểm tại Bắc Ninh sẽ hoàn thiện, triển khai tại các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và một số tỉnh, thành phố khác rồi sẽ nhân rộng ra cả nước.
GS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế đánh giá cao ý tưởng đưa công nghệ thông tin vào quản lý công tác tiêm chủng mở rộng quốc gia. Điều này sẽ giúp người dân có thể tự tra cứu thông tin và nắm rõ lịch tiêm chủng của bản thân và con em mình, từ đó chủ động đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch. Bên cạnh đó, phần mềm giúp cán bộ y tế phụ trách tiêm chủng quản lý được nhóm đối tượng cần tiêm thông qua lịch hẹn tiêm, lịch sử tiêm của đối tượng trong danh sách quản lý.
Phần mềm “Hệ thống quản lý thông tin Tiêm chủng quốc gia” đang tiếp tục được hoàn thiện để dễ tiếp cận, xử lý thông tin hiệu quả hơn. Sau đó, Bộ Y tế sẽ triển khai ứng dụng phần mềm trên tại tất cả các điểm tiêm chủng trong cả nước. Thời báo Petrotimes, ngày 21/9/2015, 19h02
http://petrotimes.vn/moi-ca-nhan-se-co-ma-so-rieng-de-theo-doi-lich-tiem-chung-326391.html
http://www.doisongphapluat.com/tin-tuc/tin-trong-nuoc/chuan-bi-ra-mat-phan-mem-quan-ly-thong-tin-tiem-chung-qg-a111542.html
Tăng cường kiểm tra các loại thực phẩm bánh kẹo Trung Thu
Ngày 21.9, Đoàn Thanh tra Bộ Y tế phối hợp với Sở Y tế TP Đà Nẵng đã kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, bánh kẹo phục vụ Tết Trung thu tại địa bàn.
Ông Nguyễn Minh Tiến - Chi cục trưởng Chi cục VSATTP TP Đà Nẵng - cho biết, kết luận kiểm tra, kiểm định chất lượng sẽ có trong vài ngày tới.
Cùng ngày, UBND TP Đà Nẵng cho biết, đã yêu cầu Sở Y tế tăng cường kiểm tra, thanh tra về vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất chế biến, cửa hàng kinh doanh thực phẩm, đặc biệt là các loại thực phẩm bánh kẹo phục vụ Tết Trung thu, nếu phát hiện vi phạm phải có biện pháp ngăn chặn và xử lý kịp thời.
UBND TP cũng đề nghị các Sở VHTT-DL, Công thương tăng cường kiểm tra, ngăn chặn và xử lý kịp thời việc sản xuất, kinh doanh các loại văn hóa phẩm, đồ chơi có tính chất độc hại, bạo lực, kích động, phản giáo dục, không phù hợp với lứa tuổi trẻ em.
Trong mùa Tết Trung thu năm nay, Đà Nẵng yêu cầu các quận, huyện; xã, phường khi tổ chức Trung thu cần quan tâm đến trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em nghèo, trẻ em đồng bào dân tộc thiểu số, trẻ em là con cán bộ chiến sĩ đang làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Theo ông Nguyễn Minh Tiến - Chi cục trưởng Chi cục VSATTP TP Đà Nẵng, trong thời gian qua, Chi cục phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan đã tiến hành kiểm tra nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm bánh kẹo phục vụ Trung thu nhưng chưa phát hiện cơ sở nào vi phạm về an toàn thực phẩm. (Báo Lao động, ngày 21/9/2015, 18h19: Đà Nẵng).
http://laodong.com.vn/xa-hoi/da-nang-tang-cuong-kiem-tra-cac-loai-thuc-pham-banh-keo-trung-thu-378865.bld
Quảng Trị: Khánh thành bệnh viện hạng I có vốn đầu tư hơn 500 tỉ đồng
UBND tỉnh Quảng Trị và Sở Y tế tỉnh đã tổ chức lễ khánh thành Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị (phường Đông Lương, TP. Đông Hà) vào ngày 21.9.
Được khởi công từ năm 2010, công trình Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị có diện tích 20ha, tổng mức đầu tư 535 tỉ đồng, nguồn vốn trái phiếu chính phủ đến nay đã hoàn thành và được bàn giao, chuẩn bị đưa vào sử dụng.
Theo Sở Y tế tỉnh Quảng Trị, bệnh viện này hiện quy mô có 500 giường bệnh, hạng I, đầy đủ các khoa phòng và các hạng mục phụ trợ. Bệnh viện được thiết kế, xây dựng theo hướng hiện đại đáp ứng nhu cầu làm việc của đội ngũ y, bác sĩ trong công tác khám và điều trị bệnh cho người dân, góp phần đưa các dịch vụ y tế hiện đại, kĩ thuật cao phục vụ người dân, khắc phục tình trạng quá tải trong khám và điều trị.
Vào năm 1997, tỉnh này cũng đã xây dựng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị, phường 5, TP. Đông Hà với quy mô bệnh viện hạng II gồm 300 giường bệnh. Do nhu cầu dịch vụ y tế của người dân ngày càng tăng cao, cơ sở hạ tầng và trang thiết bị xuống cấp nên chưa đáp ứng nhu cầu của bệnh nhân. (Báo Lao động, ngày 21/9/2015, ngày 21/9/2015, 14h39).
http://laodong.com.vn/suc-khoe/quang-tri-khanh-thanh-benh-vien-hang-i-co-von-dau-tu-hon-500-ti-dong-378761.bld
Chống tiêu cực đấu thầu dược phẩm: Bộ Y tế vào cuộc
Nếu hình thức đấu thầu tập trung của Bộ Y tế kết hợp được với hệ thống mạng đấu thầu quốc gia để đảm bảo tính công khai minh bạch, phù hợp với xu thế hội nhập và mở cửa, thì rất có thể sẽ đẩy lùi được hiện tượng tiêu cực, tham nhũng trong đấu thầu dược phẩm.
Sau 3 năm thí điểm, hình thức đấu thầu qua mạng hiện đang được liên Bộ Y tế nghiên cứu đưa vào dự thảo Luật Đấu thầu sửa đổi.
Ưu điểm của đấu thầu qua mạng là các nhà thầu, nhà đầu tư không biết mặt nhau nên loại trừ được yếu tố quen biết, phòng chống được tham nhũng. Khi thực hiện đấu thầu qua mạng, nhà đầu tư có thể đăng ký đấu thầu ở mọi lúc, mọi nơi. Sau các thủ tục đăng ký, buổi mở thầu cũng chỉ diễn ra 5 phút, máy ghi lại tất cả số liệu của nhà thầu, các giao dịch trên mạng…
Dự thảo Luật Đấu thầu sửa đổi, trong đó có quy định cụ thể việc đấu thầu qua mạng đang được Bộ KH&ĐT hoàn thiện. Còn về ngành Y, Bộ Y tế đang phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính chuẩn bị thành lập Hội đồng đấu thầu tập trung.
“Khi đấu thầu tập trung, chúng ta sẽ khắc phục được tình trạng mỗi nơi một giá và sự chênh lệch giá giữa các đơn vị đấu thầu”, ông Trương Quốc Cường, Cục trưởng Quản lý Dược, Bộ Y tế khẳng định.
Theo Luật đấu thầu và Nghị định 63, Bộ Y tế sẽ ban hành danh mục thuốc đấu thầu, thuốc mua tập trung và các thuốc áp dụng hình thức đàm phán giá; đồng thời xây dựng lộ trình và hướng dẫn mua thuốc tập trung ở cấp quốc gia, cấp địa phương, bảo đảm từ năm 2016 thực hiện trên phạm vi toàn quốc.
Lãnh đạo Bộ Y tế cho biết : Sắp tới, những loại thuốc có tỷ trọng sử dụng cao trong các bệnh viện sẽ được chọn để đấu thầu tập trung ở cấp trung ương. Những loại chỉ có 1-2 nhà sản xuất sẽ áp dụng hình thức đàm phán giá.
Mới đây, ngày 8/9/2015 liên Bộ KH&ĐT và Tài chính đã ban hành TTLT số 07 quy định chi tiết việc cung cấp, đăng tải thông tin về đấu thầu và lựa chọn nhà thầu qua mạng, có hiệu lực từ tháng 11/2015.
Nếu hình thức đấu thầu tập trung của Bộ Y tế kết hợp được với hệ thống mạng đấu thầu quốc gia để đảm bảo tính công khai minh bạch, phù hợp với xu thế hội nhập và mở cửa, thì rất có thể sẽ đẩy lùi được hiện tượng tiêu cực, tham nhũng trong đấu thầu dược phẩm. Báo Tiền phong, ngày 21/9/2015, 17h00:
http://www.tienphong.vn/xa-hoi/chong-tieu-cuc-dau-thau-duoc-pham-bo-y-te-vao-cuoc-911590.tpo
Mục tiêu về an toàn thực phẩm khó đạt vì… thiếu vốn
Hiện đã là năm cuối cùng thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) giai đoạn 2012-2015, song các mục tiêu mà chương trình đặt ra đang đạt thấp, rất khó để hoàn thành được vì bài toán... thiếu vốn.
Chương trình mục tiêu quốc gia vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) giai đoạn 2012 – 2015 đặt mục tiêu đến hết năm 2015 phải giảm 25% số vụ ngộ độc thực phẩm lớn (30 người ngộ độc trở lên) so với năm 2010; số người mắc ngộ độc thực phẩm cấp tính/100.000 dân trong các vụ ngộ độc thực phẩm nhỏ hơn hoặc bằng 8; 100% các tỉnh, thành phố có mô hình chợ bảo đảm VSATTP…
Tuy nhiên, hiện đã là năm cuối cùng của giai đoạn 2012-2015 song những mục tiêu nói trên vẫn đang gặp khó trong việc hoàn thành. Cục An toàn thực phẩm (ATTP) – Bộ Y tế cho biết, nguyên nhân quan trọng dẫn đến thực trạng trên là do nguồn kinh phí phân bổ đầu tư cho chương trình mục tiêu quốc gia về VSATTP rất hạn chế, chỉ đáp ứng được 1/3 nhu cầu.
Cụ thể, theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Chương trình mục tiêu quốc gia về ATTP giai đoạn 2012 – 2015 sẽ được thực hiện trên cả nước, gồm 6 dự án với tổng nguồn vốn thực hiện là 4.139 tỷ đồng. Trong đó ngân sách trung ương 1.949 tỷ đồng, chiếm 47%; Ngân sách địa phương 1.320 tỷ đồng, chiếm 32%; Viện trợ quốc tế 430 tỷ đồng, chiếm 10%; Các nguồn vốn hợp pháp khác 440 tỷ đồng, chiếm 11%.
Cục ATTP cho biết, hiện tại dù bước sang năm cuối cùng của chương trình nhưng tính cả năm 2011 đến 2015, tổng nguồn vốn đầu tư mới là 1.224,8 tỷ đồng, chỉ bằng 29,6% so với tổng mức vốn được phê duyệt, trong đó vốn đầu tư là 94 tỷ đồng, vốn sự nghiệp là 1.130,8 tỷ đồng. Rõ ràng con số huy động thực tế với con số dự định huy động để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về ATTP giai đoạn 2012 – 2015 quá chênh lệch.
Khó khăn về nguồn vốn khiến cơ quan quản lý ở đây là Bộ Y tế và Cục ATTP gặp khó trong việc thực hiện mục tiêu quốc gia về ATTP trong giai đoạn 2012 – 2015. Trong 6 dự án thuộc Chương trình, riêng dự án 1 đặt ra mục tiêu 80% các Chi cục ATVSTP được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và cung cấp các trang thiết bị thiết yếu; trên 85% lượt cán bộ làm công tác quản lý, thanh tra VSATTP từ Trung ương đến địa phương được bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn và năng lực quản lý; trên 80% cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm được kiểm tra đạt yêu cầu về vệ sinh ATTP…
Nguồn vốn thực hiện dự án 1 là 1.025 tỷ đồng (xấp xỉ bằng tổng số vốn huy động được đến thời điểm này). Trong khi đó, số vốn huy động được phải dàn trải trong 6 dự án với rất nhiều mục tiêu khác nhau.
Riêng vấn đề quản lý ATTP cấp xã, phường cho thấy những bất cập. Theo đó, cán bộ quản lý về VSATTP tại các xã phường hầu như 100% là kiêm nhiệm; đa số không có trình độ chuyên môn nghiệp vụ sâu, thiếu dụng cụ phân tích, kiểm nghiệm… Cục ATTP nhấn mạnh, để khắc phục thì vấn đề trang bị thiết bị, dụng cụ nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ là rất quan trọng. Tuy nhiên muốn làm được việc này cũng phải có nguồn vốn. (Báo An ninh thủ đô, ngày 21/9/2015, 16h40).
http://anninhthudo.vn/thoi-su/muc-tieu-ve-an-toan-thuc-pham-kho-dat-vi-thieu-von/634457.antd
Rút số đăng ký 19 loại thuốc vi phạm chất lượng
Theo tin từ Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), trong tháng 9, Cục Quản lý dược đã ra quyết định rút số đăng ký (SĐK) đối với 19 loại thuốc do vi phạm chất lượng theo quy định của Bộ Y tế và do công ty dược không tuân thủ các quy định pháp lý.
Được biết, thời gian qua, Cục Quản lý dược đã chỉ đạo hệ thống kiểm nghiệm lấy hàng trăm mẫu thuốc để kiểm tra chất lượng. Các đợt kiểm tra, kiểm nghiệm trong thời gian qua đã phát hiện thuốc vi phạm các tiêu chuẩn về chất lượng, nhiều lô thuốc bị đình chỉ lưu hành, thu hồi, rút SĐK khỏi thị trường Việt Nam.
Thuốc bị cơ quan chức năng ra quyết định đình chỉ lưu hành và thu hồi có đủ loại từ kháng sinh, kháng viêm; trị tiểu đường, lao, dạ dày, viêm khớp… Nguyên nhân do thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu độ hòa tan, độ ẩm hay chỉ tiêu định lượng, hàm lượng nước và thuốc sản xuất không đúng với hồ sơ đăng ký… Ngoài ra, các kết quả kiểm nghiệm của Viện Kiểm nghiệm thuốc trung ương cũng cho thấy, tình trạng thuốc kém chất lượng được phát hiện ngày càng nhiều.
Riêng từ đầu tháng 9 cho đến nay, Cục Quản lý dược đã ra quyết định rút SĐK 19 loại thuốc vi phạm chất lượng, trong đó, có 6 loại thuốc của công ty Sanofi - Aventis VN và 2 loại thuốc Emlocin 5 (SĐK VN - 14836-12) do công ty Aegen Biotek Pharma Private Limited India sản xuất và thuốc viên nén Asmin, SĐK VD -17028 -12 do công ty cổ phần dược phẩm trung ương 25 đứng tên đăng ký, sản xuất. Còn lại 11 thuốc (của công ty Wuhan Grand Pharmaceutical Group Co., Ltd đứng tên đăng ký) cũng bị rút SĐK do công ty không thực hiện thay đổi công ty đứng tên đăng ký thuốc khi hết hạn giấy phép hoạt động của doanh nghiệp nước ngoài về thuốc và nguyên liệu làm thuốc tại Việt Nam theo quy định hiện hành.
Ông Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cho biết, thời gian qua, Cục đưa ra nhiều biện pháp đồng bộ nhằm bảo đảm thuốc có chất lượng, hiệu quả khi đến tay bệnh nhân. Đặc biệt, trong hai năm gần đây, cơ quan này đã ban hành chính sách tiền kiểm chặt chẽ đối với các thuốc nhập khẩu và thuốc sản xuất trong nước. Cùng với đó là việc tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra các cơ sở đăng ký, sản xuất, phân phối thuốc. “Với các công ty có thuốc vi phạm, chúng tôi đều xử lý nghiêm, đủ sức răn đe và tạo chuyển biến tích cực về chất lượng thuốc nói chung. Kết quả của những biện pháp quyết liệt đó không chỉ được nhân dân đồng tình, ủng hộ mà còn là sự khích lệ đối với các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh dược phẩm chân chính”, ông Trương Quốc Cường nhấn mạnh. (Báo Hà nội mới, ngày 21/9/2015, 17h11).
http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Suc-khoe/808039/-rut-so-dang-ky-19-loai-thuoc-vi-pham-chat-luong
Phát triển kỹ thuật phẫu thuật nội soi robot điều trị cho bệnh nhi
Trong 2 năm trở lại đây, khi nhắc đến những thành tựu của y tế Việt Nam, các nhà chuyên môn và quản lý y tế không thể không nhắc đến phương pháp phẫu thuật nội soi bằng robot, một phương pháp phẫu thuật hiện đại bậc nhất của thế giới đã được ứng dụng thành công tại Việt Nam.
Người may mắn được tiếp cận và đào tạo chuyên sâu về phẫu thuật nội soi robot là tiến sỹ-bác sỹ Phạm Duy Hiền, Phó Trưởng khoa Ngoại Bệnh viện Nhi Trung ương.
Hiện, anh và các đồng nghiệp tiếp tục phát triển kỹ thuật này nhằm đem lại nhiều hơn cơ hội được điều trị bằng kỹ thuật hiện đại bậc nhất cho các bệnh nhi mắc bệnh lý phức tạp của trẻ em.
Đưa ứng dụng phẫu thuật nội soi robot về Việt Nam
Ngay sau khi được đào tạo bác sỹ nội trú ở Bệnh viện Việt-Đức và đào tạo ở Pháp, năm 2003, tiến sỹ Phạm Duy Hiền trở về Việt Nam và gắn bó với khoa Ngoại Bệnh viện Nhi Trung ương. Tại đây, anh và các đồng nghiệp tập trung vào phát triển kỹ thuật nội soi nhi khoa.
Mỗi năm, khoa Ngoại của anh thực hiện từ 7.000-8.000 ca phẫu thuật nội soi trên tổng số 10.000 ca phẫu thuật của cả bệnh viện.
Với ấp ủ đưa kỹ thuật cao của thế giới ứng dụng vào chuyên ngành nhi khoa, năm 2011, tiến sỹ Phạm Duy Hiền được Bệnh viện cử sang Hàn Quốc học về phẫu thuật nội soi robot.
Là người đầu tiên được chuyển giao về phẫu thuật nội soi robot, anh không khỏi lo lắng khi đa số các nước đã phát triển phẫu thuật nội soi robot như Mỹ, Hàn Quốc, Singapore đều ứng dụng trên người lớn chứ không phải trên bệnh nhi.
Trước thực tế này, tiến sỹ Phạm Duy Hiền và các đồng nghiệp đã tìm hiểu đặc điểm, điều chỉnh “tính nết” của con robot để thực hiện được ở các bệnh nhân nhi.
“Với trẻ nhỏ dưới 10kg, việc đặt các dụng cụ phẫu thuật trên thành bụng rất khó khăn do thành bụng trẻ hẹp, khi dụng cụ liền nhau sẽ gây va đập trong quá trình phẫu tích (tách các thành phần cấu tạo của một bộ phận, một vùng). Để robot chấp nhận phẫu tích ở khoảng cách hẹp mà vẫn an toàn, các bác sỹ đã sáng tạo cách kê bệnh nhân cao hơn và điều chỉnh phù hợp với tầm nhìn của robot,” bác sỹ Hiền giải thích.
Ngoài ra, để tiết kiệm chi phí trong quá trình phẫu thuật, những chi tiết nào không cần dùng robot thì kíp mổ sẽ dùng các dụng cụ nội soi thông thường, miễn là bảo đảm hiệu quả điều trị. Với phẫu thuật nội soi robot, tình trạng đau sau mổ gần như không có hoặc rất ít.
Dĩ nhiên, hạn chế của robot là không có cảm nhận tay nên trong quá trình khâu vết mổ, phẫu thuật viên điều khiển robot phải cảm nhận bằng mắt để “đo” chính xác đường khâu đã bảo đảm đủ sâu và chắc chắn hay chưa.
Nhớ lại ca đầu tiên thực hiện phẫu thuật cùng chuyên gia Hàn Quốc, tiến sỹ Phạm Duy Hiền chia sẻ: “Vẫn còn nguyên cảm giác hồi hộp và căng thẳng đến toát mồ hôi giữa thời tiết giá rét của mùa đông Hà Nội.”
Sau ca phẫu thuật căng thẳng và đầy cảm xúc đó, anh đã trở thành phẫu thuật viên chính của những ca phẫu thuật nội soi robot với những bệnh lý về u nang ống mật chủ, phình đại tràng bẩm sinh, hội chứng khúc nối niệu quản - bể thận và các bệnh lý lồng ngực.
Khẳng định bước phát triển của ngành Nhi khoa
Hiện nay, tiến sỹ-bác sỹ Phạm Duy Hiền cùng các đồng nghiệp đã hoàn thiện cuốn sách Hướng dẫn quy trình kỹ thuật nội soi nhi khoa bằng robot và đã được Bộ Y tế phê duyệt. Đây là cẩm nang để các bác sỹ phẫu thuật nội soi robot thực hiện.
Bên cạnh đó, Trung tâm Nội soi Nhi khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương do anh làm Giám đốc đã có thêm 6 bác sỹ có thể đảm nhiệm việc phẫu thuật nội soi bằng robot.
Sau gần 2 năm đưa vào hoạt động, đến nay đã có gần 80 bệnh nhân được phẫu thuật bằng phương pháp nội soi robot, trong đó tiến sỹ-bác sỹ Hiền là phẫu thuật viên chính cho gần 40 trường hợp.
Thành công của gần 80 ca phẫu thuật nội soi bằng robot đã đánh dấu bước phát triển quan trọng của ngành Nhi khoa Việt Nam, khẳng định năng lực, vị thế của bác sỹ Việt Nam trong ngành Ngoại nhi thế giới.
Với những ưu thế vượt trội so với các phương pháp phẫu thuật trước đây như an toàn, đỡ đau, nhanh hồi phục, thẩm mỹ, thời gian nằm viện ngắn,… nhưng mỗi ca mổ này đều có chi phí rất cao, khoảng 50-80 triệu đồng/ca.
“Để thực hiện được 80 ca phẫu thuật nội soi bằng robot, Bệnh viện đã phải tự bù thêm một phần kinh phí không nhỏ để người bệnh được hưởng dịch vụ kỹ thuật y khoa hàng đầu thế giới mà chỉ thanh toán bằng giá của phẫu thuật nội soi thông thường”, tiến sỹ-bác sỹ Hiền cho biết.
Tiến sỹ-bác sỹ Phạm Duy Hiền mong muốn Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam sớm thông qua giá viện phí đối với phương pháp phẫu thuật nội soi robot để có thêm nhiều cơ hội cho trẻ được phẫu thuật nội soi robot, một kỹ thuật tiên tiến hàng đầu của thế giới mà các bác sỹ Bệnh viện Nhi Trung ương đã làm chủ được kỹ thuật.
Phẫu thuật nội soi robot là phương pháp thuật nội soi được thực hiện bởi người máy điều khiển từ xa (robot). Thay vì các thao tác phân tích, cắt, khâu nối… bởi phẫu thuật viên trực tiếp thực hiện, robot thực hiện dưới sự điều khiển bởi phẫu thuật viên từ buồng điều khiển.
Ưu điểm của phương pháp phẫu thuật nội soi robot so với phương pháp nội soi thông thường là tính chính xác cao, do góc phẫu thuật rộng 580 độ, robot có thể di chuyển tự do ở 6 góc độ.
Bên cạnh đó, phương pháp này đặc biệt an toàn và đem lại hiệu quả cao đối với những bệnh lý phức tạp như nang ống mật chủ, phình đại tràng bẩm sinh, thận ứ nước, teo đường mật… do vùng phẫu thuật thu hẹp, ít xâm lấn, ít gây chảy máu và bệnh nhân khỏi bệnh nhanh, rút ngắn thời gian sau mổ./. (Báo Vietnamplus, ngày 22/9/2015, 05h04).
http://www.vietnamplus.vn/phat-trien-ky-thuat-phau-thuat-noi-soi-robot-dieu-tri-cho-benh-nhi/344820.vnp
Khám sức khỏe để học lái xe sẽ khó hơn!
Tới đây phí khám sức khỏe có thể lên tới cả triệu đồng, chỉ riêng khâu xét nghiệm máu đã là 400.000-500.000 đồng/lần.
Ngoài việc đưa ra các tiêu chuẩn về sức khỏe của người lái xe nghiêm ngặt hơn (Pháp Luật TP.HCM ngày 21-9), Thông tư liên tịch 24/2015 của Bộ Y tế và Bộ GTVT vừa ban hành cũng quy định về việc khám sức khỏe và cơ sở y tế được phép khám cũng chặt chẽ hơn.
Phải tự khai bệnh trước khi được khám
Theo quy định hiện hành, người muốn học hoặc lái xe các hạng (khi đi khám sức khỏe định kỳ) sau khi nhận mẫu giấy chứng nhận sức khỏe chỉ phải tự ghi tên họ, ngày, tháng, năm sinh, cơ quan, quê quán… Còn việc khám theo tám chuyên khoa, một khâu lâm sàng và kết luận đủ sức khỏe học, lái xe hay không là do đoàn y tế và bác sĩ trưởng đoàn thực hiện.
Nay theo Thông tư liên tịch 24/2015 (có hiệu lực từ ngày 10-10) thì trước khi được khám, người đi khám phải khai rõ tiền sử bệnh của gia đình, tên bệnh cụ thể (như trong gia đình có ai bị mắc các bệnh truyền nhiễm, tim mạch, đái tháo đường, lao, hen, động kinh, rối loạn tâm thần… hay không). Theo bác sĩ NVL, cộng tác ở một phòng khám sức khỏe lái xe, việc buộc khai tiền sử bệnh của người nhà như trên là quá kỹ nhưng cần thiết. Dựa vào sự “khai báo thành thật” trên, bác sĩ có thể phán đoán và khám kỹ hơn những người có người thân mắc các bệnh có khả năng di truyền cao như tim mạch, động kinh, tâm thần. “Vì chặt chẽ như trên nên rất có thể sẽ có nhiều người khai không thật, gạch chéo vào ô “không” cho xong chuyện” - bác sĩ NVL dự báo.
Sau phần tự khai bệnh của người nhà, người đi khám sức khỏe để học, lái xe phải khai khi được bác sĩ hỏi (sau đó đánh dấu trên giấy) về tiền sử, bệnh sử của chính mình như có bệnh thần kinh hay bị thương ở đầu không? Có bị đái tháo đường hoặc tăng huyết áp không? Có bị bệnh tâm thần không…? Riêng phụ nữ đang mang thai cũng phải khai báo rõ với bác sĩ. Theo bác sĩ NVL, ở phần tự khai với bác sĩ này, nếu bác sĩ là người có trách nhiệm, cẩn trọng hỏi tới hỏi lui thì người đi khám khó mà giấu bệnh được. “Nếu bác sĩ hỏi qua quýt, đánh dấu đại thì đến phần khám lâm sàng, cận lâm sàng các bác sĩ chuyên khoa cũng sẽ phát hiện ra người đi khám có bệnh gì ngay!” - bác sĩ NVL nói.
Bác sĩ non tay thì đừng hỏi sức khỏe bác tài
Thông tư liên tịch 24/2015 quy định người học hoặc lái xe khi đi khám sức khỏe phải qua đủ tám chuyên khoa lâm sàng (phụ nữ có thêm khoa thai sản) là: tâm thần, thần kinh, mắt, tai mũi họng, tim mạch, hô hấp, cơ xương khớp và chuyên khoa nội tiết. Ở khâu khám cận lâm sàng có các xét nghiệm bắt buộc về ma túy, nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở và các xét nghiệm theo chỉ định của bác sĩ (huyết học, sinh hóa, X-quang hoặc các xét nghiệm khác…).
Thông tư liên tịch 24/2015 và các quy định khác của Bộ Y tế quy định người thực hiện khám lâm sàng và người kết luận phải là bác sĩ chuyên khoa cấp I hoặc thạc sĩ y khoa trở lên. Như vậy, cũng theo bác sĩ NVL, chỉ riêng phần khám lâm sàng ở tám chuyên khoa nêu trên thì phải có ý kiến kết luận và chữ ký của tám bác sĩ chuyên khoa từ cấp I trở lên. “Theo quy định mới, các bác sĩ không có chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh và có thời gian khám, chữa bệnh chưa đủ 54 tháng sẽ không được khám sức khỏe cho người học hoặc người lái xe. Nói chung, bác sĩ non tay nghề thì đừng có hỏi thăm sức khỏe mấy bác tài, người chuẩn bị làm tài xế!” - bác sĩ NVL kết luận.
Phí khám sức khỏe sẽ cao hơn học phí
Theo một bác sĩ ở Sở Y tế TP.HCM, do các quy định chặt chẽ, nghiêm ngặt về khám và bác sĩ được quyền khám sức khỏe nêu trên nên tới đây người đi khám sức khỏe để học hoặc lái xe phải đến khám ở 95 cơ sở y tế công lập, tư nhân, phòng khám đa khoa hoặc phòng khám của các bộ, ngành được Sở công nhận, công bố. Các tổ, đoàn y tế (thường chỉ 3-5 người, trong đó có 1-2 bác sĩ nhưng khám “bằng mắt” tất cả 8-10 chuyên khoa) của các cơ sở y tế đến “cắm” ở các trung tâm, trường dạy lái xe như lâu nay sẽ không còn vì không đủ điều kiện về con người và trang thiết bị để khám sức khỏe.
“Quy định khám sức khỏe ở các cơ sở y tế sẽ tránh được việc khám qua loa hoặc nhân nhượng nhau giữa tổ, đoàn y tế với trường dạy lái xe!” - ông Nguyễn Hoàng Long, Giám đốc Trung tâm Dạy, sát hạch lái xe Hoàng Gia, nói.
Tuy nhiên, theo ông Võ Trọng Nhân, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe, Sở GTVT, do phải đi khám ở các cơ sở y tế và khám ở nhiều chuyên khoa, khâu nên chi phí khám sức khỏe có thể cao hơn cả học phí học lái xe. “Hiện người học lấy bằng A1 chỉ phải đóng học phí 390.000 đồng, phí khám sức khỏe 40.000-50.000 đồng. Nhưng tới đây phí khám sức khỏe có thể lên tới cả triệu đồng, chỉ riêng khâu xét nghiệm máu đã là 400.000-500.000 đồng/lần. Nếu xét nghiệm lần hai để có kết quả chính xác có bị nghiện ma túy, nghiện rượu hay không thì phải mất cả triệu đồng” - ông Nhân nói.
Chống giấy khám sức khỏe giả
Theo ông Võ Trọng Nhân, khi Thông tư liên tịch 24/2015 có hiệu lực thì sẽ có người ngại đi khám ở các cơ sở y tế (vì tốn tiền, mất thời gian hoặc muốn giấu bệnh) nên sẽ nhờ các cò mồi làm giả giấy khám sức khỏe. Để chống lại việc này, Phòng Quản lý đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe sẽ có chương trình làm việc với 95 cơ sở y tế được Sở Y tế công bố để nắm rõ chữ viết, chữ ký của từng bác sĩ chuyên khoa cấp I. Cạnh đó, cán bộ các trường dạy lái xe, trung tâm sát hạch sẽ được tập huấn kỹ về quy trình khám sức khỏe mới, kỹ năng phát hiện những loại giấy giả… Báo Pháp luật Tp Hồ Chí Minh, ngày 22/9/2015, 03h00:
http://phapluattp.vn/xe/kham-suc-khoe-de-hoc-lai-xe-se-kho-hon-580232.html
Một bệnh nhân bị ‘ăn mặt’ điều trị thành công
Cần ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, vệ sinh răng miệng sạch sẽ để phòng bệnh cam tẩu mã.
Bệnh nhân Huỳnh Văn Đạt (51 tuổi, ngụ xã Hậu Thành, huyện Cái Bè, Tiền Giang) được các bác sĩ (BS) chẩn đoán nghi mắc bệnh cam tẩu mã. Bệnh này do đâu, tiến triển thế nào, có điều trị hết không?
Trước đó, tháng 2-2015, một nam bệnh nhân 27 tuổi ở Bình Phước đến BV Tai Mũi Họng (TP.HCM) khám bệnh vì sưng mặt, mắt, miệng có mùi hôi thối… Qua khám lâm sàng, các BS xác định bệnh nhân bị viêm xoang hoại tử xoang hàm sàng hốc mắt, nghi ngờ mắc bệnh cam tẩu mã. Do bệnh nhân đến trong giai đoạn sớm, các BS đã tiến hành cắt lọc, rửa mô hoại tử và điều trị khỏi cho bệnh nhân trong vòng ba tuần vì chưa có tình trạng hoại tử các mô xung quanh. Kết quả kháng sinh đồ sau đó khẳng định bệnh nhân nhiễm vi trùng Steptococcus SPP không tán huyết (một trong bốn vi trùng gây bệnh cam tẩu mã).
Các BS cảnh báo những người có cơ địa thuận lợi cho bệnh cam tẩu mã phát triển là trẻ suy dinh dưỡng (đặc biệt là thiếu vitamin nhóm B, vitamin A), vệ sinh răng miệng kém, người bệnh sống gần vùng ô nhiễm nặng như bãi rác, chuồng gia súc mất vệ sinh và người bệnh suy giảm miễn dịch bao gồm AIDS.
BS Nguyễn Minh Hảo Hớn, khoa Mũi Xoang BV Tai Mũi Họng, cho biết bệnh cam tẩu mã là bệnh viêm họng miệng hoại tử lan rộng. Bệnh thường xuất hiện đầu tiên ở lợi hay niêm mạc má. Sau đó bệnh lan nhanh ra các vùng xung quanh, làm thủng khẩu cái cứng (thành trên miệng), thông vào hốc mũi ở sàn mũi. Theo diễn tiến, bệnh từ đây hoại tử lan rộng dần, nếu bệnh nhân không được điều trị sớm (như bệnh nhân Đạt ở Tiền Giang) thì vi trùng sẽ ăn sứt mũi ngoài, lan ra xương gò má, mắt, ăn dần lên não và tử vong.
Trước đây bệnh thường gặp ở các nước kém phát triển như châu Phi và trên trẻ nhỏ từ sáu đến 10 tuổi có tình trạng suy dinh dưỡng, suy kiệt thường theo sau một đợt bệnh sởi, thương hàn hay một số bệnh nhiễm trùng khác.
BS Hớn cho biết bệnh cam tẩu mã bắt đầu bằng vết loét hoại tử to bằng hạt đậu xanh, ngày càng lan rộng. Tùy theo cơ địa mỗi người mà bệnh diễn tiến nhanh hay chậm.
BS Hớn lưu ý là cần phân biệt bệnh cam tẩu mã với bệnh viêm họng Aphtose (vết loét ở miệng nông). Bệnh này thường tự khỏi trong vòng 7-10 ngày và tái phát vào mùa trăng hay còn gọi là đẹn trăng.
Về điều trị, theo BS Hớn, đầu tiên là phết mủ vết mổ làm kháng sinh đồ (xem vi trùng nhạy với loại kháng sinh nào) và lấy mẫu thử giải phẫu bệnh. Kháng sinh được sử dụng cho bệnh nhân theo kết quả kháng sinh đồ. Thứ hai, cắt lọc mô hoại tử. Thứ ba, trong trường hợp hoại tử lan rộng làm mất cấu trúc vùng họng miệng, cánh mũi, sống mũi ngoài thì sau khi điều trị sạch vi trùng (4-8 tuần) có thể tái tạo lại chức năng và chỉnh hình thẩm mỹ cho bệnh nhân. (Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh, ngày 22/9/2015, 01h10)
http://phapluattp.vn/suc-khoe/mot-benh-nhan-bi-an-mat-dieu-tri-thanh-cong-580214.html
Khẩn trương, tích cực phòng, chống bệnh sốt xuất huyết
Từ đầu tháng 9 đến nay, số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) ở TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố phía nam tăng lên rất nhanh. Nhiều địa phương, số ca mắc SXH tăng đến cả mười lần, nhiều trường hợp bị biến chứng nặng, là vấn đề rất đáng báo động.
Theo Bộ Y tế, tính đến giữa tháng 9-2015, cả nước ghi nhận hơn 30.000 trường hợp mắc SXH tại 50 tỉnh, thành phố, tập trung chủ yếu ở các tỉnh, thành phố khu vực phía nam như: Bình Dương, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu. Số trường hợp tử vong do mắc SXH từ đầu năm đến nay cũng đã lên đến 18 ca.
Tại TP Hồ Chí Minh, liên tục trong nhiều ngày qua, số bệnh nhi mắc SXH tiếp tục tăng cao. Tại các bệnh viện nhi đồng, số ca mắc SXH tăng gấp ba lần, có nhiều trường hợp bị biến chứng nặng. Theo Trưởng khoa SXH (Bệnh viện Nhi đồng 1) Nguyễn Minh Tuấn, ở thời điểm những tháng đầu năm 2015, số trẻ mắc SXH điều trị tại khoa chỉ khoảng 30 trẻ thì hiện nay có 102 trẻ đang điều trị. "Trong số 102 trường hợp mắc SXH đang điều trị, có 13 trường hợp rất nặng, chủ yếu là sốc SXH và sốc SXH nặng. Đây là tình trạng SXH ở mức độ nặng nhất của bệnh này”, bác sĩ Tuấn cho biết thêm.
Theo Trung tâm Y tế dự phòng TP Hồ Chí Minh, từ đầu năm đến nay, thành phố có 8.739 ca SXH nhập viện, tăng 66% so với cùng kỳ năm 2014. Riêng trong tuần qua, số ca mắc SXH lên đến 571 trường hợp, tăng 32% so với trung bình bốn tuần trước. Thành phố cũng ghi nhận có 82 phường, xã có ca bệnh trong bốn tuần liên tục gần nhất, tập trung ở các quận, huyện như: Bình Tân, Thủ Đức, Hóc Môn, quận 12…
Trong khi đó, tình trạng mắc SXH tại một số địa phương khác ở khu vực phía nam cũng diễn biến hết sức phức tạp. Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, tính từ đầu năm đến nay đã có 4.533 ca mắc SXH, tăng 1,63 lần so với cùng kỳ năm trước; phát hiện 528 ổ dịch, tăng gấp 3,2 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là địa phương có số ca mắc SXH nhiều nhất nước tính trên số hộ dân.
Tại địa bàn phường Trảng Dài, TP Biên Hòa (Đồng Nai), số ca mắc SXH từ đầu năm đến nay đã lên đến 760 trường hợp; đặc biệt, chỉ tính riêng trong tuần vừa qua đã có đến 86 ca mắc. Bác sĩ Lại Đức Hạnh, Trưởng trạm Y tế phường Trảng Dài, cho biết, thời điểm này năm ngoái chỉ có khoảng 70 ca mắc SXH, trung bình mỗi tuần chỉ có hai, ba trường hợp. Như vậy, số ca mắc SXH hiện nay của phường đã tăng lên đến hơn mười lần so với cùng kỳ. “Chúng tôi đã thực hiện nhiều biện pháp như: tuyên truyền người dân diệt lăng quăng, phun hóa chất diệt muỗi… để kéo giảm số người dân mắc SXH nhưng vẫn chưa giải quyết được tình trạng này”, bác sĩ Hạnh cho biết.
Trước diễn biến phức tạp của bệnh SXH ở các tỉnh phía nam, mới đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cùng đoàn công tác của Bộ Y tế đã kiểm tra và làm việc với UBND tỉnh Đồng Nai về các biện pháp phòng, chống SXH ở địa phương này. Bộ Y tế đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo các Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch, bệnh các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân phòng, chống SXH; tổ chức các giải pháp đồng bộ, nhất là diệt loăng quăng, trong đó tập trung vào những vật phế thải chứa nước; hướng dẫn các hộ dân diệt loăng quăng và giám sát dịch bệnh…
Đối với TP Hồ Chí Minh, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng thành phố Nguyễn Trí Dũng cho biết, qua điều tra dịch tễ đều phát hiện có ổ loăng quăng của muỗi truyền bệnh SXH trong những vật chứa nước thông thường như lu, phuy chứa nước sinh hoạt, bình bông, chén nước cúng, vật phế thải, máng nước uống của vật nuôi… Bên cạnh đó, có những điểm nguy cơ cao thường tập trung tại những cơ sở tái chế vỏ xe, vựa phế liệu, vựa cây cảnh, những bãi đất trống bị người dân chung quanh bỏ các vật phế thải... "Ngành y tế đã triển khai hoạt động giám sát điểm nguy cơ đến từng phường, xã với hai nội dung chính là truyền thông nâng cao ý thức người dân và kiểm tra định kỳ đối với những địa chỉ nguy cơ", bác sĩ Dũng cho biết thêm.
Cũng theo bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, để kiểm soát hiệu quả những yếu tố nguy cơ này không chỉ có sự nỗ lực của riêng ngành y tế, mà cần có sự tham gia của toàn thể cộng đồng, từ chính quyền đến các ban, ngành, đoàn thể và từng người dân… Báo Nhân dân, ngày 21/9/2015, 21h47:
http://www.nhandan.org.vn/tphcm/tin-chung/item/27496002-khan-truong-tich-cuc-phong-chong-benh-sot-xuat-huyet.html
Xử phạt 14 cơ sở vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm
Sáng 21-9, Đoàn kiểm tra liên ngành an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) TP Hà Nội, tiến hành kiểm tra cơ sở sản xuất bánh Trung thu Long Đình của Công ty TNHH nhà hàng Gia Viên (số 228 Bà Triệu, phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội); Công ty TNHH Dịch vụ và Thương mại Mesa (số 142 phố Huế, phường Ngô Thì Nhậm, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội). Tại thời điểm kiểm tra, hai cơ sở sản xuất nêu trên đều xuất trình đầy đủ các hồ sơ pháp lý liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị mình. Tuy nhiên, tại Công ty TNHH Dịch vụ và Thương mại Mesa, khi kiểm tra công ty này vẫn chưa lắp đặt thiết bị chống côn trùng gây hại, mặc dù trước đó đã bị các cơ quan chức năng quận Hai Bà Trưng xử phạt vi phạm và yêu cầu khắc phục. Đoàn kiểm tra đã giao cho Phòng Y tế quận giám sát việc khắc phục này và tiếp tục xử phạt nếu cơ sở không thực hiện như cam kết.
Ban chỉ đạo ATVSTP quận Hai Bà Trưng cho biết: Từ ngày 1 đến 21-9, các đoàn kiểm tra đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 23 lượt cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm bánh Trung thu trên địa bàn. Kết quả, phát hiện và xử phạt 14 cơ sở vi phạm về ATVSTP, với tổng số tiền là 76 triệu đồng; đình chỉ một cơ sở; tiêu hủy 260 kg nguyên liệu sản xuất bánh nướng, bánh dẻo và 90 chiếc bánh nướng, bánh dẻo không rõ nguồn gốc xuất xứ… Báo Nhân dân, ngày 21/9/2015, 21h10).
http://www.nhandan.org.vn/suckhoe/tin-tuc/item/27494002-xu-phat-14-co-so-vi-pham-ve-an-toan-ve-sinh-thuc-pham.html
Hà Nội: Nhiều loại bánh trung thu, bánh dẻo “mù” xuất xứ
Sáng 21-9, tại buổi làm việc với đoàn kiểm tra liên ngành an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) TP Hà Nội, bà Cao Thị Hoa, Trưởng Phòng Y tế quận Hai Bà Trưng, cho biết qua kiểm tra các cơ sở kinh doanh, sản xuất bánh trung thu trên địa bàn quận, đoàn đã xử phạt 14 cơ sở vi phạm.
Tại cơ sở sản xuất bánh ngọt (địa chỉ 64-66 Lê Thanh Nghị, phường Bách Khoa), đoàn phát hiện nhiều loại bánh nướng, bánh dẻo không có thông tin về xuất xứ, ngày sản xuất và 160 kg nguyên liệu không rõ nguồn gốc. Tại cơ sở sản xuất và kinh doanh bánh trung thu (địa chỉ 38 Đê Tô Hoàng, phường Ô Cầu Dền), đoàn cũng phát hiện nhiều mẫu bánh nướng, bánh dẻo không rõ nguồn gốc xuất xứ. Cơ sở sản xuất và kinh doanh bánh trung thu ở 164 Kim Ngưu (phường Thanh Nhàn) không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATVSTP...
Sáng cùng ngày, đoàn kiểm tra đột xuất 2 cơ sở sản xuất bánh trung thu Mesa và Long Đình (quận Hai Bà Trưng), lấy nhiều mẫu bánh để xét nghiệm các chỉ tiêu ATVSTP. Theo ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, các đoàn kiểm tra liên ngành sẽ tiếp tục kiểm tra để bảo đảm các loại bánh trung thu hết hạn sử dụng phải bị tiêu hủy. (Báo Người lao động, ngày 21/9/2015, 23h30).
http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/ha-noi-nhieu-loai-banh-trung-thu-banh-deo-mu-xuat-xu-20150921231751757.htm
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk quá tải bệnh nhi vì sốt xuất huyết,viêm phổi
Khoảng 1 tháng nay, số lượng bệnh nhi tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk tăng cao khiến 3 - 4 bệnh nhi phải nằm 1 giường.
Khoa Nhi tổng hợp của Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Đắk Lắk luôn là khoa có lượng bệnh nhân đông nhất trong tất cả các khoa, thường xuyên quá tải.
Khoa có tổng cộng 120 giường bệnh nhưng công suất sử dụng giường bệnh lên tới 150 - 170%. Từ đầu tháng 9 tới nay, tình trạng quá tải tăng 250% khiến công tác khám chữa bệnh và việc điều trị của các bệnh nhân gặp không ít khó khăn.
Chị Đậu Thị Hương (29 tuổi, ngụ huyện Krông Nô, Đắk Nông) đã ở viện cùng con trai 14 tháng tuổi mắc bệnh viêm phổi tại BVĐK tỉnh Đắk Lắk khoảng 1 tuần nay cho biết: “Bệnh viện quá đông bệnh nhân. Bé nhà tôi chung giường với 2 bé khác nữa. Giường bệnh nhỏ nên cũng rất khó để mẹ chăm sóc bé chu đáo. Mùa này nắng nóng nên thấy con nằm chật chội cũng rất thương nhưng không còn cách nào khác”.
Tương tự, chị Võ Thị Xuân Mai (30 tuổi, ngụ huyện Krông Búk, Đắk Lắk) cũng khá lo lắng khi con nằm chung giường bệnh với các bệnh nhân nhi khác. “Tôi cũng đã đăng ký cho con tôi được chuyển qua phòng yêu cầu để bé thoải mái hơn nhưng đã hết chỗ nên buộc phải nằm chung giường. Buổi tối là vất vả nhất vì bé rất hay quấy khóc do không được ngủ cùng mẹ”, chị Mai tâm sự.
May mắn hơn là trường hợp chị Nguyễn Thị Hợp (27 tuổi, ngụ huyện Cư Kuin) vì đăng ký được phòng yêu cầu. Để đăng ký vào phòng yêu cầu này, gia đình chị phải làm thủ tục xin rất sớm mới có chỗ. “Nằm ở phòng yêu cầu, bé và mẹ được nằm chung 1 giường thuận lợi, thoải mái hơn rất nhiều. Nhưng tôi cũng đang nghe thông tin bệnh viện sắp lấy phòng yêu cầu để làm phòng khám chữa bệnh và kê thêm giường cho bệnh nhân nên tôi cũng đang rất lo”, chị Hợp cho hay.
Theo quan sát của PV, tại khoa Nhi tổng hợp, hầu hết các giường bệnh đều kín bệnh nhi, do quá tải nên khoa phải bố trí bác sĩ khám và tiêm thuốc tại hành lang của bệnh viện. Riêng tại các phòng, các bệnh nhân chen chúc nhau để đến lượt thăm khám nên khá lộn xộn.
Nhiều người nhà và người đến thăm nom bệnh nhân cũng được yêu cầu ra khỏi khu vực khám chữa bệnh do quá đông người, gây khó khăn trong công tác khám, chữa bệnh cho các bệnh nhi.
Trao đổi với PV Dân trí, bác sĩ Trần Thị Thúy Minh, Trưởng khoa Nhi Tổng hợp, BVĐK tỉnh Đắk Lắk, cho biết: Tình trạng quá tải do bệnh nhi mắc bệnh viêm phổi và sốt xuất huyết tăng đột biến, số lượng bệnh nhi nội trú tăng cao và gia tăng theo từng ngày.
“Hiện tại khoa có 16 bác sĩ chuyên ngành và 48 điều dưỡng nhưng vì số lượng bệnh nhi rất nhiều nên chúng tôi bị quá tải nhân lực, trang thiết bị… Các y, bác sĩ của khoa phải tăng cường độ làm việc lên 12 tiếng/ngày và không nghỉ phép để đáp ứng được nhu cầu cấp thiết của khoa.
Lãnh đạo của bệnh viện cũng vừa có yêu cầu sẽ lấy toàn bộ các phòng yêu cầu để đặt giường bệnh, giảm bớt một phần nào tình trạng quá tải như hiện nay”, bác sĩ Minh thông tin. (Báo Dân trí, ngày 21/9/2015, 17h02).
http://dantri.com.vn/suc-khoe/benh-vien-da-khoa-tinh-dak-lak-qua-tai-benh-nhi-vi-sot-xuat-huyet-viem-phoi-20150921165046684.htm