Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo điện tử ngày 24/9/2015

  • |
T5g.org.vn - Khai mạc Triển lãm Y tế Quốc tế Việt Nam lần thứ 10; Nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết tại xã Kỳ Lợi…

Khai mạc Triển lãm Y tế Quốc tế Việt Nam lần thứ 10

Ngày 23/9, Triển lãm Y tế Quốc tế Việt Nam lần thứ 10 và Triển lãm chuyên ngành Y Dược Việt Nam 2015 (Pharmed & Healthcare Việt Nam) đã chính thức khai mạc tại Trung tâm Hội chợ Triển lãm Sài gòn, quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh do Hiệp hội Doanh nghiệp Dược Việt Nam, Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe Trung ương - Bộ Y tế, Công ty cổ phần ADPEX và Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Y tế Việt Nam phối hợp tổ chức.

Với hơn 350 đơn vị của trên 500 gian hàng đến từ hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ như: Việt Nam, Cộng hòa Séc, Hungary, Đức, Nga, Liechtenstein, Australia, Ấn Độ, Pakistan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan, Singapore, Malaysia, Indonesia, Hong Kong, Đài Loan... trong đó có sự góp mặt của hầu hết các đơn vị sản xuất, kinh doanh dược và trang thiết bị y tế tại Việt Nam, chiếm 68% quy mô triển lãm nhờ có sự hỗ trợ của chương trình Xúc tiến Thương mại Quốc gia năm 2015 do Bộ Công Thương chủ trì, giao cho Hiệp hội doanh nghiệp dược Việt Nam thực hiện.

Ban tổ chức cho biết, triển lãm này là nơi hội tụ của kỹ thuật và công nghệ tiên tiến trên thế giới, là điểm đến của tất cả các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong lĩnh vực liên quan đến sức khỏe con người.

Với nhiều dòng sản phẩm Dược (thuốc điều trị, thuốc bổ, dược liệu... ); máy móc sản xuất, đóng gói dược phẩm; thiết bị chẩn đoán (X-quang, CT Scaner,...), thiết bị điều trị, phẫu thuật, chấn thương chỉnh hình, phục hồi chức năng; thiết bị nha khoa, nhãn khoa, thẩm mỹ, thiết bị xử lý môi trường y tế,...  được trưng bày với những khu gian hàng chuyên biệt giúp cho tất cả những nhà chuyên môn dễ dàng tiếp cận.

Như thường lệ, khu trưng bày của Bộ Y tế là điểm đến đầu tiên của Triển lãm, giới thiệu những hoạt động và thành tựu mới nhất của ngành y tế. Tiếp theo, khu trưng bày của Hiệp hội Doanh nghiệp Dược Việt Nam là điểm thường xuyên thu hút đông đảo khách tham quan với các hình ảnh và sản phẩm thuốc đạt Danh hiệu “Ngôi sao thuốc Việt” - giải thưởng của chương trình “Con đường thuốc Việt” do Bộ Y tế chủ trì trao tặng cho các doanh nghiệp uy tín nhất của ngành dược Việt Nam hiện nay như: Pymepharco, Imexpharm, Hậu Giang, Savipharm, Stada ....

Bên cạnh đó, tại triển lãm có sự hiện diện của nhiều đơn vị Việt Nam sản xuất và kinh doanh trang thiết bị y tế có uy tín như Việt Tân, Tân Mai Thành, Sagomed, Honkon..., cùng với các khu gian hàng lớn của các quốc gia và vùng lãnh thổ như: Cộng hòa Séc, Hungary, Liechtenstein, Hàn Quốc, Trung Quốc, Pakistan, Đài Loan.

Bên cạnh đó, Triển lãm còn có chuỗi các hội thảo, hội nghị, giới thiệu sản phẩm như: "Những vấn đề cần quan tâm trong lĩnh vực nhập khẩu và lưu hành trang thiết bị y tế" do Vụ Trang thiết bị và Công trình Y tế - Bộ Y tế cùng với Cục Giám sát Quản lý về Hải quan, Cục Thuế Xuất nhập khẩu - Tổng Cục Hải quan chủ trì; hội thảo "Nội dung trách nhiệm về quản lý chất thải, bảo vệ môi trường trong các cơ sở y tế" do Cục Quản lý Môi trường Y tế - Bộ Y tế chủ trì; các chương trình "Giới thiệu về Trang thiết bị Y tế Hàn Quốc" do Hội Thiết bị Y tế Hàn Quốc tổ chức; "Giới thiệu về Trang thiết bị Y tế Đài Loan" do Hội Thiết bị Y tế Đài Loan phối hợp với Taitra tổ chức. (Báo điện tử VietnamPlus, ngày 23/9/2015 15:44).

Triển lãm Pharmed & Healthcare Việt Nam 2015 kéo dài đến ngày 26/9/2015./.

http://www.vietnamplus.vn/khai-mac-trien-lam-y-te-quoc-te-viet-nam-lan-thu-10/345215.vnp

Nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết tại xã Kỳ Lợi

SKĐS - Theo BS. Phạm Vũ Long – Trưởng Trạm y tế xã Kỳ Lợi, tình hình dịch sốt xuất huyết đang diễn biến hết sức phức tạp và có chiều hướng tăng lên.

Từ ngày 06/9 đến ngày 22/9, tại thôn Đông Yên - Kỳ Lợi (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) đã có 28 bệnh nhân có các triệu chứng sốt cao 39oC, đau đầu, đau cơ, khớp...; trong đó có 11 bệnh nhân dương tính với Dengue.

Hiện tại có 17 bệnh nhân đã khỏi bệnh, 04 bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện đa khoa huyện Kỳ Anh, 01 bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh và 06 bệnh nhân đang được quản lý, chăm sóc và điều trị tại Trạm Y tế xã. Ngay sau nhận được thông tin Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã phối hợp với Trung tâm YTDP Thị xã Kỳ Anh đến ngay điểm nghi ngờ ổ dịch sốt xuất huyết (SXH) để trực tiếp điều tra giám sát ca bệnh và điều tra véc tơ truyền bệnh, đồng thời tiến hành phun hóa chất chất diệt muỗi cho 158 hộ tại thôn Đông Yên và khu vực lân cận. Qua điều tra cho thấy, mật độ muỗi tại đây khá cao, chỉ số mật độ muỗi = 0,8>0,5. Tại các nhà có bệnh nhân mắc sốt xuất huyết đều có muỗi cư trú, chỉ số Breteau (BI) = 40 (vượt ngưỡng cho phép 2 lần). Bên cạnh đó, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cũng hướng dẫn Trạm Y tế xã khám, phân loại bệnh nhân tại cơ sở, phân loại chuyển tuyến điều trị những trường hợp có dấu hiệu nặng theo hướng dẫn của Bộ Y tế và tiếp tục điều tra bệnh nhân tại khu dân cư nhằm phát hiện sớm ca bệnh.

Tuy nhiên, theo bác sỹ Phạm Vũ Long – Trưởng Trạm y tế xã Kỳ Lợi thì tình hình dịch sốt xuất huyết đang diễn biến hết sức phức tạp và có chiều hướng tăng lên vì hiện nay công tác giải phóng mặt bằng ở tại thôn Đồng Yên chưa giải quyết dứt điểm được vì trong số 1650 hộ trước đây sinh sống tại đây thì hiện tại vẫn còn 158 hộ chưa chịu di dời mà các hộ di dời thì nhà cửa bỏ trống không ai ở, không thu dọn nên gây ô nhiễm môi trường và tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi sốt xuất huyết sinh sản và phát triển; một số người dân sinh sống tại đây còn mang tính tạm bợ chờ giải quyết đền bù thỏa đáng để di dời nên không chú trọng công tác vệ sinh... Do vậy, trong thời gian tới Trung tâm YTDP tỉnh đề nghị Trạm Y tế xã Kỳ Lợi cần phối chặt chẽ với các cấp chính quyền địa phương tiến hành vệ sinh môi trường, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về cách phòng, chống bệnh sốt xuất huyết với thông điệp “không có bọ gậy, không có sốt xuất huyết”.

Trước đó Trung tâm YTDP Thị xã Kỳ Anh đã cấp 14 lít hóa chất cho Trạm y tế Kỳ Lợi phun diệt muỗi đợt 1 và hiện nay đang cấp bổ sung thêm 20 lít hóa chất để tiến hành phun tồn lưu cho toàn thôn. Báo điện tử Sức khỏe và Đời sống, ngày 23/9/2015, 07:52:

http://suckhoedoisong.vn/thoi-su/nguy-co-bung-phat-dich-sot-xuat-huyet-tai-xa-ky-loi-20150922222029689.htm

Sốt xuất huyết “bủa vây” lao động nghèo

Số ca sốt xuất huyết (SXH) đang tăng mạnh dù thời tiết mới vào đầu mùa mưa. Hệ lụy của SXH gồm cả số ca nhiễm và ca tử vong đều đang tăng. Đáng lo ngại hơn, công nhân lao động (CNLĐ) nghèo ở các KCN phía Nam lại đang có nguy cơ trở thành bệnh nhân của dịch bệnh này, bởi họ sống trong khu nhà trọ tạm bợ, xập xệ, nơi có môi trường ô nhiễm nặng…

Sáng chăm con, chiều chăm chồng bệnh

Bị sốt cả tuần nhưng anh Hồ Sỹ Huân (32 tuổi, CN Nhà máy thép tiền chế Zamil - KCN Amata, TP. Biên Hòa) vẫn cố gắng gượng đi làm. Chỉ đến khi quá mệt mỏi, sốt ly bì vào ngày 21.9, anh Huân được đưa vào BV Đa khoa Đồng Nai và mới biết bị SXH. Chị H-Nưm-Bkrông (dân tộc Ê Đê, làm CN tại Cty ChangShinVN, ngụ tại xã Thạnh Phú, H.Vĩnh Cửu) mới nhập viện ngày 22.9, được chẩn đoán bị SXH. Chị cho biết, ban đầu thấy sốt nghĩ thường, nhưng sau mỗi ngày sốt càng nặng, vào viện mới biết bị SXH... Đó chỉ là hai trong số hàng trăm CNLĐ đang bị SXH phải vào điều trị tại bệnh viện ở Đồng Nai. Theo ông Phạm Hùng - Phó Chủ tịch UBND P.Trảng Dài, đến nay trên địa bàn có 647 ca bệnh (cao nhất trong toàn tỉnh), với 7 ổ dịch lớn và 3 ổ dịch nhỏ. Số người mắc đa số là CNLĐ.

Không chỉ bản thân CN mắc bệnh, hiện nay, con của CN cũng mắc bệnh SXH ngày càng nhiều. Chị Đỗ Thị Hải Yến (37 tuổi, CN Cty Teakwang Vina, KCN Biên Hòa 2) đang chăm con trai 7 tuổi bị SXH nằm điều trị tại BV Nhi Đồng Nai, cho biết: “Nhà tôi ở khu phố 4, P.Tân Hiệp, khu vực vướng quy hoạch nên nhà cửa rất lụp xụp. Thời gian gần đây mưa nhiều, ẩm thấp, xung quanh gần sân banh nên muỗi phát triển rất nhanh, nhưng lâu không thấy cơ quan y tế phun trừ muỗi”. Chị Nguyễn Thị Huệ (36 tuổi, làm CN Cty Saitex, KCN Amata, TP. Biên Hòa) cho biết: Cháu Trần Nguyễn Anh Thư là con chị, 10 tuổi, đang bị SXH mà nguyên nhân có thể do muỗi từ các ruộng rau muống chích.

Theo bác sĩ khoa nhiễm, BV Nhi Đồng Nai, tỉ lệ con CN nhiễm SXH rất cao. Có trường hợp hai bố con gia đình CN cùng bị, mẹ sáng chăm con ở Bệnh viện Nhi, chiều qua Bệnh viện Đồng Nai chăm chồng. Theo BVĐK Đồng Nai, trung bình mỗi ngày tiếp nhận khoảng 150 ca SXH, tập trung chủ yếu ở 2 P.Trảng Dài và Long Bình của TP.Biên Hòa. Đây cũng chính là hai phường mà cư dân chủ yếu là LĐ nhập cư làm trong các KCN. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có nhiều khu nhà trọ, do vậy nếu không đề phòng tốt, nguy cơ lây lan bệnh trong CN rất cao.

Thờ ơ phòng dịch

Bác sĩ Huỳnh Minh Hoàn - GĐ Sở Y tế Đồng Nai - cho biết, SXH ở Đồng Nai tập trung chủ yếu ở những khu vực có đông LĐ nhập cư và tập trung nhiều ở các KCN. Tính từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có hơn 4.500 ca mắc SXH, tăng gần 1.730 ca so với cùng kỳ năm ngoái, 2 ca tử vong. Hiện có 9/11 huyện, thị xã, TP trên địa bàn có các ổ dịch. Đồng Nai hiện trở thành điểm nóng của cả nước về SXH, với tỉ lệ mắc 120/10.000 người.

Dù dịch bệnh bùng phát như vậy, nhưng khảo sát thực tế tại một số khu vực trên địa bàn P.Trảng Dài, Long Bình (TP. Biên Hòa), xã Thạnh Phú (huyện Vĩnh Cửu) cho thấy, người dân cũng như CN rất thờ ơ và chủ quan với SXH. Tại các khu nhà trọ tạm bợ, xập xệ ở P.Trảng Dài tồn tại nhiều dụng cụ chứa nước ngoài trời (chậu hoa, cây cảnh, lọ hoa, chum…) ngoài sân, vườn có rất nhiều lăng quăng. Trong khi nhiều CN được hỏi đều cho biết lâu không thấy cơ quan y tế phun thuốc diệt muỗi. Ngược lại, lãnh đạo địa phương lại khẳng định: “Các hộ dân là CNLĐ đều đi làm sớm, đến tối mới về nên phường không thể vào nhà để phun hóa chất diệt muỗi”.

Liên quan đến “điểm nóng dịch” gần KCN, ông Cao Trọng Ngưỡng - GĐ Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đồng Nai - cho biết, do đây là khu dân cư mới tập trung đông LĐ nhập cư từ các tỉnh miền Bắc, miền Trung chưa nắm được dịch bệnh nên nguy cơ nhiễm bệnh cao. Hơn nữa, do điều kiện môi sinh chưa tốt và kinh tế chưa đầy đủ, đa phần là CN đi sớm về khuya nên việc tuyên truyền, xử lý xịt phòng cũng khó khăn.

Dịch tăng từng ngày

Theo báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, chỉ tính trong một tuần, từ 11- 17.9, toàn TP có thêm 592 ca mắc mới. Như vậy, cho đến thời điểm này, toàn TP có tới 9.357 ca SXH, tăng 72% so với cùng kỳ năm 2014 và đã có 3 người tử vong. “Điểm đen” về dịch tập trung ở các quận huyện như Bình Tân, Thủ Đức, Hóc Môn, quận 12. Hầu hết các ca bệnh tập trung trong những ổ dịch với nhiều lăng quăng và muỗi truyền bệnh. Ông Tăng Chí Thượng - Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM - cho rằng, SXH là bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vaccine dự phòng nên việc phòng chống dịch SXH gặp ít nhiều khó khăn.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long - người vừa mới đi kiểm tra công tác phòng dịch tại Đồng Nai - cho biết: Dịch bệnh SXH đang diễn biến phức tạp, tuy nhiên chiến dịch diệt lăng quăng và phun hóa chất ở tỉnh có đông CNLĐ này chưa đạt hiệu quả, gặp nhiều khó khăn. Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long, nhiều địa phương đưa ra lý do CNLĐ thường xuyên vắng nhà, đi sớm về tối khiến việc thông báo, tuyên truyền và vào nhà phun hóa chất chưa được thực hiện sát sao, liên tục. Vệ sinh môi trường sạch sẽ, không để các khu nước tồn đọng - môi trường cho muỗi sản sinh, phun hóa chật diệt muỗi là những giải pháp hữu hiệu để phòng dịch. Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị các tỉnh và sở, ban, ngành cần phối hợp mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa trong việc dập các ổ dịch và tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân, đặc biệt là tại các khu đông CNLĐ, đời sống khó khăn, môi trường sống ẩm thấp ô nhiễm.

Ths Đặng Quang Tấn - Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - cho biết: “Tại các khu công nghiệp, các công trường thường xuyên có vũng nước đọng, còn ở khu sinh sống của người lao động có khu rác thải, có chai lọ, chậu, bể chứa nước… Bất cứ cái gì ứ đọng nước đều có thể là môi trường thuận lợi cho muỗi sinh sôi phát triển. Vì thế chúng tôi khuyến cáo công nhân, người lao động phải thật chú ý tới điểm này. Giữ gìn vệ sinh là vô cùng quan trọng trong việc phòng tránh bệnh sốt xuất huyết. Khi bị sốt phải đến ngay cơ sở y tế để kiểm tra, xét nghiệm máu nhằm sớm tìm ra bệnh để có phác đồ điều trị thích hợp. Tuyệt đối không được chủ quan, tự điều trị”. THÙY LINH (ghi) (Báo điện tử Lao động online, ngày 23/9/2015 6:42:

http://laodong.com.vn/suc-khoe/sot-xuat-huyet-bua-vay-lao-dong-ngheo-379395.bld

Nhiều người Việt Nam đang nhiễm chất amiang gây ung thư

Đó là ý kiến của các nhà khoa học khi nói về tác hại của amiang đối với sức khỏe con người tại một hội thảo mới đây do Cục Quản lý môi trường (Bộ Y tế) phối hợp với Liên hiệp các hội KHKT Việt Nam tổ chức.

Theo đó, tại Hội thảo về:  “Sự tham gia của các tổ chức xã hội đóng góp cho kế hoạch hành động Quốc gia loại trừ các bệnh liên quan đến Amiang”, các nhà khoa học cho biết: “Có nhiều ý kiến cho rằng, bột amiang vỡ ra từ các tấm lớn, tán nhỏ rồi đưa ra đồng ruộng sẽ rất tốt cho cây trồng. Tuy nhiên, họ không thể biết rằng khi đó chính những người nông dân lại bị ảnh hưởng như những người công nhân trong nhà máy, họ hít phải chất độc này từ năm này sang năm khác và dần dần sẽ mắc phải những căn bệnh ung thư nguy hiểm”.

Cũng tại buổi Hội thảo này, các nhà khoa học lên tiếng về việc loại bỏ amiang ra khỏi cuộc sống người dân. Đặc biệt là việc sử dụng tấm lợp pro xi măng tại các gia đình. Đặc biệt là những vùng nông thôn.

“Hiện nay, ngay cả những chương trình như 135 của Chính phủ hay các chương trình hỗ trợ của các tổ chức Phi chính phủ đang tài chợ miễn phí tấm lợp pro xi măng cho người dân ở những vùng nghèo khó, việc làm này cần phải dừng lại ngay vì “nó” đang “tiếp tay” cho sự bùng phát các căn bệnh nguy hiểm như ung thư đối với những người dân nghèo.

Chúng ta không thể nói vì người nghèo mà duy trì tấm lớp pro ximăng bởi WHO đã có các nghiên cứu chỉ ra rằng amiang là “sát thủ” của sức khỏe con người, đặc biệt là gây ra bệnh ung thư”, TS Trần Tuấn -  Trưởng Ban thường trực hành động Liên minh vận động chính sách y tế nhấn mạnh .

Theo TS Tuấn, những người bị phơi nhiễm amiang nhiều nhất là công nhân làm ở các nhà máy tấm lợp, người sử dụng tấm lợp pro xi măng, amiang từ tấm lớp pro xi măng thải ra môi trường…

 “WHO đã chỉ ra rằng amiăng gây ung thư cho phổi, thanh quản và buồng trứng, ung thư trung biểu mô (một loại ung thư màng phổi và màng bụng) và bụi phổi amiang (xơ hóa phổi). Các bệnh liên quan đến amiang có thể phòng ngừa được, và cách hiệu quả nhất để phòng ngừa các bệnh này là ngừng sử dụng tất cả các dạng của amiang để phòng ngừa phơi nhiễm”, TS Tuấn khuyến cáo.

Trước những ý kiến về tác hại của amiang, nhất là với những vùng nông thôn được hỗ trợ tấm lợp pro xi măng theo các chương trình của nhà nước và tổ chức phi chính phủ, ông Hoàng Xuân Lương, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc của Chính phủ cho rằng, chúng ta cần phải tin tưởng vào những khuyến cáo của WHO về tác tại của amiang đến sức khoẻ con người. Bởi WHO là tổ chức có tiềm lực nhất về đội ngũ chuyên gia cũng như cơ sở vật chất trong lĩnh vực y tế.

Đồng thời, ông Lương cũng khẳng định sẽ có những khuyến cáo đối với việc sử dụng ngân sách nhà nước để mua các sản phẩm (mà chủ yếu là tấm lợp) có amiang để hỗ trợ cho người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào khó khăn; chỉ đạo các cơ quan báo chí của Uỷ ban Dân tộc truyền thông về tác hại của amiang đến đồng bào dân tộc.

Ngoài ra ông Lương cũng kiến nghị: “Những tác hại của amiang đã được WHO là không thể phủ nhận, nguy hiểm hơn là nhiều nơi đồng bào còn hứng nước mưa từ những mái pro xi măng này để dùng trong sinh hoạt. Bởi vậy, việc nghiên cứu những tác hại của amiang cả về đường tiêu hóa, nội tiết là điều cần phải triển khai ngay”. (Trang điện tử Khám phá.vn, ngày 24/9/2015, 00:010:

125 người bị phơi nhiễm amiang

Theo thống kê, năm 2008, có 7,6 triệu tử vong do ung thư cùng với 12,7 triệu ca nhiễm mới. Có khoảng 19% tất cả các ca ung thư được ước tính là có liên quan đến môi trường, kể cả nơi làm việc.

Theo đó, khoảng 125 triệu người trên thế giới bị phơi nhiễm với amiăng tại nơi làm việc. Theo ước tính của WHO, ít nhất 107 000 người chết hàng năm do ung thư phổi liên quan đến việc sử dụng hoặc đã được sử dụng là hỗn hợp sợi, kết dính với các nguyên vật liệu khác như: xi măng, chất dẻo và nhựa hoặc dệt thành vải may mặc.

Hiện nay, cả thế giới đã vào cuộc với amiang. Tại Mỹ dù amiăng chưa được cấm nhưng tiêu thụ đã giảm từ 668 000 tấn năm 1970 xuống 359 000 tấn năm 1980, 32 tấn năm 1990, 1.1 tấn năm 2000 và 1.0 tấn năm 2010.

Liên minh châu Âu đã cấm sử dụng amiang. Ở Nhật, tiêu thụ amiăng là khoảng 320 000 tấn năm 1988 và giảm liên tục theo năm xuống dưới 5000 tấn năm 2005; sử dụng amiăng bị cấm năm 2012. Ở Singapore, việc nhập khẩu amiăng thô đã giảm từ 243 tấn năm 1997 xuống 0 tấn năm 2001. Tại Philippines, việc nhập khẩu amiăng thô là khoảng 570 tấn năm 1996 và 450 tấn năm 2000.

http://khampha.vn/suc-khoe/nhieu-nguoi-viet-nam-dang-nhiem-chat-amiang-gay-ung-thu-c11a358810.html

TP.HCM: Phạt nặng nếu thờ ơ phòng chống dịch sốt xuất huyết

Một số hộ dân đã bị phạt vì không hợp tác, thờ ơ với việc phòng dịch. Trong đó, có một người đàn ông bị phạt số tiền lên đến 1,5 triệu đồng.

Nhiều hộ dân không hợp tác

Sốt xuất huyết trở thành đề tài “nóng” tại TP HCM. Bởi, số lượng người nhập viện vì bệnh này tăng theo từng ngày. Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trí Dũng (Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng TP HCM) cho biết, sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm lưu hành tại thành phố, hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin dự phòng.

Để bảo vệ bản thân và gia đình trước căn bệnh trên, Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố khuyến cáo mỗi gia đình cần chủ động, dành 10 phút mỗi tuần để truy tìm và loại bỏ tất cả những vật có thể ứ đọng nước, không tạo điều kiện cho muỗi phát triển; khuyến khích các gia đình sử dụng những biện pháp xua muỗi diệt muỗi trong nhà như bình xịt muỗi, nhang xua muỗi… để phòng tránh muỗi đốt.

Trong khi đó, có nhiều hộ dân thờ ơ với việc phòng chống dịch SXH. Đặc biệt, khi cơ quan chức năng phun thuốc phòng chống sốt xuất huyết, nhiều gia đình không đồng ý. Ghi nhận tại quận 10, có khoảng 40% đến 50% gia đình không hợp tác đối với việc phun thuốc, gây khó khăn trong việc phòng chống dịch.

Trước tình trạng này, bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng (Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM) cho hay, đối với những gia đình đã được vận động, nhắc nhở, cam kết tham gia phòng chống dịch sốt xuất huyết nhưng không thực hiện thì chính quyền địa phương cương quyết xử phạt và thông báo rộng rãi đến các hộ dân.

Ông Hưng chia sẻ, thời gian qua, một số quận huyện đã thực hiện điều này. Tại quận Bình Thạnh, một người dân ở phường 25 bị phạt 750 nghìn đồng do thải vật dụng có khả năng làm lây lan bệnh truyền nhiễm. Cùng phường, một người đàn ông khác bị phạt 1,5 triệu đồng. Ngoài ra, các phường lân cận cũng phổ biến và phạt một số hộ dân.

Khuyến khích các gia đình

Bác sĩ Dũng cho biết, toàn thành phố đã ghi nhận hơn 9.357 ca sốt xuất huyết nhập viện, tăng 72% so với cùng kỳ năm 2014. Riêng tuần vừa qua, toàn thành phố đã có 592 trường hợp sốt xuất huyết nhập viện, tăng 21% so với trung bình 4 tuần trước. Trung tâm ghi nhận có 95 phường xã có ca bệnh trong 4 tuần liên tục gần nhất… Hầu hết các ca bệnh tập trung trong những ổ dịch vừa và nhỏ.

Điều tra dịch tễ tại các ổ dịch đều phát hiện ổ lăng quăng của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết trong những vật chứa nước thông thường  như lu, phuy chứa nước sinh hoạt, bình bông, chén nước cúng, vật phế thải, máng nước uống của vật nuôi… Bên cạnh đó, những điểm nguy cơ tập trung như cơ sở tái chế vỏ xe, vựa phế liệu, vựa cây cảnh, những bãi đất trống bị người dân xung quanh bỏ các vật phế thải…

Xác định đây là những yếu tố nguy cơ gây dịch sốt xuất huyết, từ nhiều năm nay, ngành y tế đã triển khai hoạt động giám sát điểm nguy cơ đến từng phường xã với 2 nội dung chính là truyền thông nâng cao ý thức người dân và kiểm tra định kỳ đối với những địa chỉ nguy cơ. Tuy nhiên, để kiểm soát hiệu quả những yếu tố nguy cơ này không chỉ là sự nỗ lực của riêng ngành y tế mà cần có sự tham gia của toàn thể cộng đồng từ chính quyền đến các ban ngành đoàn thể, đến từng người dân.

Tuần qua, các đoàn kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh và thực hiện chỉ thị UBND cũng tiếp tục tiến hành giám sát thực địa tại các ổ dịch và làm việc với Uỷ ban nhân dân các quận huyện trên toàn thành phố về công tác phòng chống dịch bệnh của quận huyện.

Trong buổi họp giao ban định kỳ với các Trung tâm Y tế Dự phòng quận huyện về tình hình dịch bệnh và triển khai các biện pháp kiểm soát dịch đã thống nhất sẽ triển khai đồng loạt trên toàn thành phố  chiến dịch diệt lăng quăng hàng tuần liên tục trong 8 tuần kể từ 20/9 và phun hoá chất diệt muỗi diện rộng tại các ổ dịch kéo dài. Bên cạnh đó là các hoạt động kiểm soát điểm nguy cơ được đẩy mạnh, nâng cao chất lượng điều tra dịch tễ góp phần kiểm soát bệnh hiệu quả. (Báo điện tử Khám phá.vn, ngày 23/9/2015 09:32).

http://khampha.vn/suc-khoe/tphcm-phat-nang-neu-tho-o-phong-chong-dich-sot-xuat-huyet-c11a358640.html

Vũng Tàu: Số ca mắc bệnh tay chân miệng tăng đột biến

Chỉ trong 3 tuần đầu tháng 9, số ca bệnh nhi nhập viện do mắc bệnh tay chân miệng tại TP. Vũng Tàu 135 bệnh nhân, tăng 270% so với các tháng trước đó.

Từ đầu năm đến nay, bệnh viện Lê Lợi, TP.Vũng Tàu đã tiếp nhận gần 1.000 bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng. Các bác sĩ khuyến cáo các bậc phụ huynh nên giữ vệ sinh sạch sẽ và rửa tay thường xuyên cho trẻ để phòng bệnh. (Báo điện tử VTV, ngày 23/9/2015 20:05)

http://vtv.vn/chuyen-dong-24h/vung-tau-so-ca-mac-benh-tay-chan-mieng-tang-dot-bien-20150923181701904.htm

Rút đăng ký lưu hành hàng chục loại thuốc chữa bệnh

Từ đầu tháng 9/2015, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã ban hành 4 quyết định rút số đăng ký lưu hành của 60 thuốc chữa bệnh.

Trước hết, có 51 thuốc do các đơn vị đăng ký, sản xuất tự nguyện đề nghị rút số đăng ký lưu hành. Các thuốc này không vi phạm về chất lượng mà các công ty tự nguyện rút số đăng ký lưu hành do không còn nhu cầu sản xuất, kinh doanh nữa, theo quy định hiện hành, các cơ sở có quyền đề nghị rút số đăng ký lưu hành thuốc.

Bên cạnh đó, có 6 thuốc vi phạm về công bố thuốc biệt dược gốc thuộc công ty Sanofi-Aventis Việt Nam; 1 loại thuốc vi phạm do sản xuất không đúng với hồ sơ đăng ký lưu hành; 2 loại thuốc vi phạm về chất lượng thuốc do không đạt tiêu chuẩn chất lượng thuốc về chỉ tiêu hàm lượng nước cao hơn so với hồ sơ đã được cấp số đăng ký.

Cũng theo Cục Quản lý Dược, tỷ lệ thuốc kém chất lượng trên thị trường hiện nay giao động ở mức 3% và có xu hướng giảm, từ 3,09% năm 2012 xuống còn 2,38% năm 2014. Trong đó, tỷ lệ thuốc sản xuất trong nước kém chất lượng cũng có xu hướng giảm, từ 3,5% năm 2006 xuống còn 2,3% năm 2014. Các thuốc vi phạm chất lượng thường theo từng lô cụ thể, không phải tất cả các lô đã sản xuất.

Các thuốc vi phạm chất lượng thường theo từng lô sản xuất cụ thể, không phải tất cả các lô của thuốc đó trên thị trường vi phạm chất lượng. Có những thuốc lưu hành trên thị trường nhiều năm không có vấn đề về chất lượng, tuy nhiên có thể năm nay phát hiện 1 lô thuốc mới sản xuất của họ có vấn đề về chất lượng thì Cục Quản lý Dược sẽ yêu cầu các cơ sở sản xuất, kinh doanh phải đình chỉ lưu hành, thu hồi thuốc, báo cáo theo quy định.

Với trách nhiệm của cơ quan Quản lý Nhà nước về dược, Cục Quản lý Dược sẽ phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền để xem xét, giải quyết các khiếu nại của người tiêu dùng khi nhận được các kiến nghị, khiếu nại của người tiêu dùng theo đúng thẩm quyền. Đồng thời giám sát việc thực hiện của các sơ sở sản xuất, kinh doanh sau khi có kết luận xử lý của các cơ quan chức năng.

Tình trạng thuốc kém chất lượng bị xử lý triệt để cũng là cơ hội để các doanh nghiệp hoạt động chân chính nâng cao uy tín, hình ảnh của các sản phẩm của đơn vị mình đối với bệnh nhân và toàn xã hội. Bên cạnh đó, đối với các đơn vị có thuốc vi phạm chất lượng bị xử lý, đây cũng là dịp để doanh nghiệp chỉnh đốn và hoàn thiện lại hệ thống cơ sở sản xuất, nguyên liệu đầu vào và các điều kiện khác để nâng cao chất lượng thuốc, tìm lại thị trường trong tương lai. (Báo điện tử Đời sống và Pháp luật, ngày 23/09/2015 23:33).

http://phapluatxahoi.vn/kinh-doanh/rut-dang-ky-luu-hanh-hang-chuc-loai-thuoc-chua-benh-98580

http://vov.vn/xa-hoi/rut-dang-ky-luu-hanh-loai-60-thuoc-chua-benh-434114.vov

http://vietq.vn/dinh-chi-va-thu-hoi-my-pham-do-cong-ty-ovan-dua-ra-thi-truong-d71384.html

Giám sát nơi hơn 20 học sinh mắc thủy đậu

 Sau khi phát hiện học sinh của hai trường mắc bệnh thủy đậu, cơ quan y tế xử lý và vệ sinh môi trường, chưa phát hiện thêm ca mắc mới.

 “Sau khi xử lý và vệ sinh môi trường tại hai trường có học sinh (HS) mắc thuỷ đậu trên địa bàn TP.HCM, đến giờ chưa phát hiện thêm ca mắc mới. Trung tâm y tế dự phòng địa phương tiếp tục giám sát tình hình bệnh thủy đậu trong vài ngày tới”. Chiều 23-9, BS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, cho biết như trên.

Theo tìm hiểu của Pháp Luật TP.HCM, Trường THCS Lê Văn Tám (quận Bình Thạnh) có bốn HS mắc thủy đậu. Trường Tiểu học Nguyễn Thái Bình (quận 12) có 19 HS cũng mắc căn bệnh nói trên, chủ yếu HS lớp 1 và lớp 2. Trong đó, một số HS trường này do học bán trú buổi sáng nên buổi chiều được cha mẹ gửi đến điểm giữ trẻ tư nhân. Cách đây khoảng 15 ngày, một HS tại điểm giữ trẻ tư nhân mắc thủy đậu nên có khả năng lây sang các HS khác trong trường. (Báo điện tử Pháp luật TP.Hồ Chí Minh, ngày 23/9/2015, 20:32: TP.HCM).

http://phapluattp.vn/suc-khoe/tphcm-giam-sat-noi-hon-20-hoc-sinh-mac-thuy-dau-580629.html

Hà Tĩnh: Tiêu hủy gần 1.400 con gia cầm bị nhiễm cúm H5N1

Ngày 23/9, thông tin từ Chi cục Thú y tỉnh Hà Tĩnh cho biết, Chi cục vừa chỉ đạo các đơn vị tiến hành tiêu hủy gần 1.400 con gia cầm dương tính với vi rút cúm H5N1 tại hai huyện Can Lộc và Thạch Hà.

Trước đó, vào ngày 17/9, đàn gia cầm gần 400 con (chủ yếu là vịt và gà), tại gia đình ông Phan Nhật Thành (xóm Đông Thịnh, Phú Lộc, Can Lộc ) có triệu chứng lạ, gục đầu, xoay tròn rồi lăn ra chết.

Sau khi nhận được tin báo, Chi cục Thú y huyện Can Lộc cùng với các cơ quan chức năng đã xuống tận nhà lấy mẫu đem đi xét nghiệm. Kết quả, cả ba mẫu đưa đi xét nghiệm đều dương tính với vi rút cúm H5N1.

Tiếp đó đến ngày 20/9, Chi cục Thú y huyện Thạch Hà lại phát hiện ổ dịch cúm gia cầm H5N1 tại đàn gia cẩm hơn 1.000 con của ông Võ Văn Nguyên thôn Bắc Trị, xã Thạch Trị, huyện Thạch Hà.

Theo kết luận của Chi cục Thú y Hà Tĩnh, nguyên nhân ban đầu là do số gia cầm bị dịch bệnh ốm, chết trên đều chưa được tiêm phòng vắc xin H5N1; môi trường chăn nuôi không đảm bảo vệ sinh; thời tiết thay đổi làm giảm sức đề kháng của vật nuôi nên dịch phát sinh và lây lan.

Ngay sau khi phát hiện các ổ dịch, Chi cục Thú ý tỉnh đã chỉ đạo Trạm Thú y huyện Can Lộc và Thạch Hà phối hợp với các hộ dân tiến hành tiêu hủy toàn bộ số gia cầm bị nhiễm bệnh trên. Đồng thời triển khai công tác phòng dịch, khoanh vùng phạm vi ảnh hưởng, tiến hành phun hóa chất, rải vôi khử trùng, tuyên truyền cho người dân khi có dịch phải báo cáo ngay với cơ quan chức năng. (Báo điện tử Dân trí, ngày 23/9/2015 22:02).

http://dantri.com.vn/suc-khoe/ha-tinh-tieu-huy-gan-1-400-con-gia-cam-bi-nhiem-cum-h5n1-20150924040425975.htm

Cứu sống bệnh nhân tự đâm thủng tim

Ngày 22-9, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi, TPHCM cho biết, sau cuộc phẫu thuật, sức khỏe bệnh nhân T.V.T. đã ổn định. Trước đó, lúc 15 giờ ngày 18-9, bệnh viện tiếp nhận ca cấp cứu bệnh nhân T.V.T., 23 tuổi (công nhân, ngụ ở thị trấn Củ Chi) trong tình trạng mạch và huyết áp không đo được, vết thương nơi ngực trái máu ra nhiều do dùng dao tự sát.

Sau 15 phút nhập viện, các bác sĩ tiến hành phẫu thuật mở ngực, khoang ngực trái chứa khoảng 2.000ml máu, màng tim căng phồng có vết rách 2cm xuyên thấu tâm thất trái đang phun máu dữ dội. Các bác sĩ đã khâu tim cầm máu nhưng ngay sau đó bệnh nhân có biểu hiện nhịp tim rời rạc, nguy cơ ngưng tim. Tiến hành xoa bóp tim trong lồng ngực kết hợp bơm máu nhanh. Sau 5 phút, nhịp tim bệnh nhân dần ổn định trở lại, đồng tử hai bên có phản xạ ánh sáng. (Báo điện tử Sài Gòn giải phóng, ngày 23/9/2015 09:45).

http://www.sggp.org.vn/ytesuckhoe/2015/9/397072/

Bé trai 5,7kg chào đời suôn sẻ

Sản phụ Lê Hồng Ngọc, 37 tuổi, ngụ huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai đã sinh mổ một bé trai nặng đến 5,7kg.

Chiều 23-9, đại diện ban giám đốc bệnh viện Gaya Việt Hàn (Q.Tân Bình, TP.HCM) cho biết thông tin trên.

Có mặt tại bệnh viện vào chiều 23-9, anh Hoàng Quốc Đạt (43 tuổi, chồng chị Ngọc) không giấu khỏi niềm vui khi vợ và con trai đều khỏe mạnh.

Anh Đạt cho biết vợ chồng anh làm rẫy và đã có hai bé gái, một bé sinh thường nặng hơn 3kg, một bé sinh mổ nặng hơn 4kg.

“Sáng nay tôi đưa vợ đến bệnh viện để sinh mổ, không ngờ là con trai tôi nặng đến 5,7kg vì khi đi siêu âm thì biết được bé khoảng hơn 4kg. Tôi rất vui mừng vì vợ và con tôi đều bình yên” anh Đạt nói.

Đại diện ban giám đốc bệnh viện Gaya Việt Hàn cho biết 10 năm qua bệnh viện có hơn 12.000 bé ra đời, số cân của các bé sơ sinh trung bình từ 3-3,5kg. Bé trai con vợ chồng anh Đạt là trường hợp bé sơ sinh có số cân nặng nhất từ trước đến nay ở bệnh viện.(Báo điện tử Tuổi trẻ online, ngày 23/9/2015, 21:30).

http://tuoitre.vn/tin/song-khoe/20150923/be-trai-57kg-chao-doi-suon-se/974056.html

Kỹ thuật mới phát hiện ung thư dạ dày giai đoạn rất sớm

Kỹ thuật nhuộm màu phóng đại đã được BV Bạch Mai áp dụng thành công trên 30 ca ung thư dạ dày và 3 ca ung thư đại tràng ở giai đoạn rất sớm, khi khối ung thư phát triển tại chỗ chưa xâm lấn giúp người bệnh không phải cắt bỏ dạ dày.

Thông tin trên được PGS.TS Đào Văn Long, trưởng khoa Tiêu hóa (BV Bạch Mai) cho biết tại Hội thảo Những tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị bệnh lý tiêu hóa diễn ra ngày 23/9 tại BV Bạch Mai.

  TS Long cho biết, kỹ thuật nhuộm màu phóng đại cho phép phát hiện những khối u tại chỗ còn rất nhỏ ở đường tiêu hóa. Nhờ đó, bác sĩ chỉ can thiệp bóc lớp niêm mạc dạ dày do khối u chưa xâm lấn sâu và xâm lấn sang các bộ phận khác. Như vậy, người bệnh chỉ phải nằm viện vài ngày thay vì nằm viện vài tuần, tháng sau phẫu thuật cắt dạ dày, xạ trị... như bệnh nhân ung thư phát hiện muộn trước đó.

Điều đáng mừng là với phương pháp phát hiện sớm ung thư dạ dày này, dù chi phí đắt hơn một phần so với các phương pháp khác nhưng cũng đã được BHYT chi trả, giúp người bệnh có cơ hội được phát hiện bệnh sớm hơn.

PGS Long cũng nhấn mạnh việc tái khám để phát hiện sớm bệnh ung thư dạ dày ở các đối tượng nguy cơ là rất quan trọng khi tâm lý đến khi đau không chịu nổi, sút cân mới đi khám của người bệnh vẫn còn khá phổ biến. "Tôi khuyến cáo mọi người bệnh có nguy cơ cao như có tiền sử viêm dạ dày, viêm dạ dày HP cần tái khám định kỳ để kịp thời phát hiện ung thư dạ dày (nếu có) ở giai đoạn rất sớm, sẽ mang lại cơ hội điều trị cho người bệnh", PGS Long nói.

Cũng tại hội nghị, TS. Vũ Trường Khanh, Phó trưởng khoa Tiêu hóa, BV Bạch Mai, cho biết, các chuyên gia Nhật Bản sẽ hỗ trợ BV Bạch Mai trong việc áp dụng nhiều kỹ thuật tiên tiến trong điều trị bệnh đường tiêu hóa. Cụ thể, từ một năm nay, kỹ thuật chẩn đoán và cắt dưới niêm mạc điều trị ung thư đường tiêu hóa sớm đã được thực hiện, giúp cứu sống nhiều bệnh nhân bị ung thư đường tiêu hóa sớm với những lợi ích như giảm đau đớn, thời gian điều trị nhanh và ít gặp biến chứng…

GS.TS Ngô Quý Châu, PGĐ BV Bạch Mai cho biết, với sự ra đời của Trung tâm Nội soi tiêu hóa Việt Nam – Nhật Bản (tháng 7/2014) đã giúp việc chẩn đoán và điều trị của bệnh nhân được cải thiện rõ rệt như: cắt tách dưới niêm mạc qua nội soi điều trị tổn thương tiền ung thư, ung thư sớm mà không phải cắt bỏ thực quản, dạ dày và đại tràng, thăm dò được toàn bộ ruột non và điều trị các bệnh ở ruột non… Báo điện tử Dân trí, ngày 24/9/2015, 4:26:

http://dantri.com.vn/suc-khoe/ky-thuat-moi-phat-hien-ung-thu-da-day-giai-doan-rat-som-20150924041214104.htm

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang