Thủ tướng chỉ đạo tập trung phòng chống cúm gia cầm
http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Doi-song/865318/thu-tuong-chi-dao-tap-trung-phong-chong-cum-gia-cam
http://www.sggp.org.vn/ytesuckhoe/2017/3/453480/
Thủ tướng Chính phủ vừa có Công điện 427/QĐ-TTg về việc tập trung phòng chống virus cúm A/H7N9 và các chủng virus cúm gia cầm có khả năng lây sang người xâm nhiễm vào Việt Nam.
Nguy cơ virus cúm A/H7N9 và các chủng virus khác (A/H5N2, A/H5N8) từ nước ngoài xâm nhiễm vào nước ta qua biên giới thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, nhất là đối với các tỉnh biên giới phía Bắc và các tỉnh, thành phố khác có tiêu thụ loại gia cầm, sản phẩm gia cầm trên là rất cao.
Để chủ động ngăn chặn virus cúm A/H7N9 và các chủng virus cúm gia cầm khác xâm nhiễm vào nước ta, hạn chế thấp nhất virus cúm lây nhiễm và gây tử vong cho người, ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng, giảm thiểu thiệt hại kinh tế cho ngành chăn nuôi, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục thực hiện công tác phòng chống dịch theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 18/TTg-KGVX ngày 27-2-2017, đồng thời tập trung chỉ đạo quyết liệt một số biện pháp sau:
Nghiêm cấm mọi hình thức vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu, kể cả hình thức cho, tặng gia cầm và sản phẩm gia cầm qua biên giới của các tổ chức, cá nhân và cư dân khu vực biên giới;
Tổ chức giám sát chặt chẽ tại cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới đối với người từ vùng có dịch cúm A/H7N9 nhập cảnh vào Việt Nam và xây dựng phương án xử lý triệt để ca bệnh khi phát hiện có bệnh nhân nhiễm virus cúm A/H7N9 tại Việt Nam;
Tổ chức lấy mẫu giám sát chủ động đối với gia cầm và môi trường nhằm phát hiện virus cúm A/H7N9 và các chủng virus cúm gia cầm chưa có ở Việt Nam xâm nhiễm vào nước ta;
Quy định cụ thể, giám sát chặt chẽ khu vực buôn bán, giết mổ gia cầm tại các chợ có bán gia cầm sống và tổ chức thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc sau mỗi buổi chợ; xây dựng phương án đóng cửa chợ gia cầm và có các biện pháp xử lý khi phát hiện có virus cúm A/H7N9 tại chợ;
Tổ chức diễn tập tình huống theo kế hoạch ứng phó cúm A/H7N9 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế để chủ động triển khai có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch khi phát hiện virus cúm A/H7N9 xâm nhiễm vào trong nước.
Các bộ, ngành có liên quan, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động chỉ đạo các cơ quan chức năng chuyên ngành phối hợp để triển khai thực hiện các biện pháp quyết liệt góp phần ngăn chặn sự xâm nhập và lây lan của virus cúm A/H7N9 và các chủng virus cúm gia cầm khác xâm nhiễm vào Việt Nam.
Cấm nhập gia cầm cho tặng từ Trung Quốc
Đây là yêu cầu trong công điện vừa được Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng gửi các tỉnh thành.
Theo Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, 3 tháng đầu năm 2017 Trung Quốc đã ghi nhận trên 530 người nhiễm cúm gia cầm H7N9, 2 tỉnh giáp giới với Việt Nam là Quảng Tây có 17 người nhiễm bệnh do tiếp xúc với gia cầm sống bán tại chợ, Vân Nam có 2 bệnh nhân.
Trung Quốc cũng đã phát hiện 2.000 mẫu dương tính với virus H7N9 trên gà vịt, vẹt, bồ câu ở trang trại và chợ.
Do nguy cơ cúm H7N9 xâm nhập vào Việt Nam rất cao, Phó thủ tướng yêu cầu các tỉnh thành, bộ ngành tập trung chống dịch.
Cụ thể Việt Nam cấm nhập khẩu vận chuyển buôn bán gia cầm lậu, kể cả gia cầm, sản phẩm gia cầm cho tặng giữa cư dân biên giới.
Tại các chợ có bán gia cầm sống, cần quy hoạch riêng khu vực buôn bán và giết mổ gia cầm, tổ chức khử trùng sau mỗi buổi chợ. Đồng thời tăng cường giám sát, phát hiện sớm mầm bệnh H7N9 bằng cách chủ động lấy mẫu tại các chợ, trang trại...
Người dân cần cảnh giác trước sự trở lại của cúm gia cầm
http://news.zing.vn/nguoi-dan-can-canh-giac-truoc-su-tro-lai-cua-cum-gia-cam-post731332.html
Trong bối cảnh cúm gia cầm A (H5N1) đang ghi nhận các ổ dịch rải rác và cúm A (H7N9) có nguy cơ xâm nhập vào nước ta, Bộ Y tế khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác với dịch bệnh.
TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, bệnh do cúm A (H5N1) và A (H7N9) ở người thường có triệu chứng nặng, tỷ lệ tử vong có thể lên tới 50%. Diễn biến trên bệnh nhân nhiễm cúm A (H7N9) tương tự bệnh nhân nhiễm cúm A (H5N1) với các tổn thương phổi.
Viêm phổi diễn tiến nhanh và dễ tử vong với tỷ lệ cao nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Hầu hết bệnh nhân bị nhiễm A (H7N9) đều bị viêm phổi nặng.
“Tỷ lệ tử vong cao ở ca bệnh nhiễm cúm gia cầm đang là mối quan ngại lớn đối với cộng đồng, đòi hỏi cả hệ thống chính trị vào cuộc để ngăn chặn dịch cúm lây lan. Không có dịch cúm trên gia cầm sẽ không có các dịch bệnh này trên người”, TS. Trần Đắc Phu nhấn mạnh.
Riêng với cúm A (H7N9) đang diễn biến phức tạp tại Trung Quốc. Từ tháng 10/2016 tới nay, dịch cúm A(H7N9) tại đây có chiều hướng gia tăng mạnh cả về quy mô, số lượng mắc và tốc độ lây lan tạo thành đợt dịch thứ 5 với hơn 511 trường hợp mắc trong đó có 153 trường hợp tử vong tại 14 tỉnh, thành phố.
Đặc biệt, trong 2 tuần đầu tháng 3, tại tỉnh Quảng Tây (tiếp giáp với 3 tỉnh: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng) đã phát hiện 14 trường hợp mắc cúm A(H7N9) trên người trải rộng tại 7 thành phố thuộc tỉnh này. Trong khi năm 2013-2016 chỉ ghi nhận 3 trường hợp.
Theo ông Phu, H7N9 là loại virus rất nguy hiểm được phát hiện từ năm 2013. Virus H7N9 thường xuất hiện ở gà và không gây ra các biểu hiện ở vật chủ, do đó không làm chết vật chủ. Chính đặc tính này đã khiến virus H7N9 khó phát hiện hơn so với chủng virus H5N1. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo virus H7N9 dễ lây truyền từ gia cầm sang người hơn virus H5N1.
Cục trưởng Trần Đắc Phu cho hay, mặc dù dịch bệnh có nhiều diễn biến phức tạp, song đến nay, Việt Nam đã và đang ngăn chặn được sự xâm nhập của cúm A (H7N9), cũng như khống chế thành công cúm A (H5N1) lây truyền sang người. Đó là kết quả tích cực của công tác phòng, chống dịch.
Thời gian vừa qua, Việt Nam đã tập trung triển khai tích cực các hoạt động phòng chống, đặc biệt về công tác chuyên môn như: củng cố hệ thống phòng xét nghiệm trên toàn quốc, đặc biệt là tại các trung tâm cúm quốc gia.
Đến nay, nước ta đã chủ động được việc xét nghiệm chẩn đoán xác định các chủng virus cúm gia cầm bao gồm cả cúm A (H7N9), A (H5N1), A (H5N6). Đồng thời có thể giải trình tự gen để phát hiện sự biến chủng của virus. Tại 29 cửa khẩu quốc tế lớn của Việt Nam, trong hơn 3 tháng đầu năm 2017 đã giám sát khoảng 1.000.000 lượt hành khách nhập cảnh từ Trung Quốc, Campuchia, không ghi nhận trường hợp nghi ngờ mắc cúm gia cầm ở người.
Việc kiểm tra tất cả trường hợp mắc bệnh viêm phổi nặng nghi do virus tại các trọng điểm giám sát quốc gia và cơ sở y tế cũng đã được triển khai để kịp thời lấy mẫu xét nghiệm, tìm tác nhân gây bệnh và xác định sớm trường hợp mắc bệnh đầu tiên.
Trong thời gian tới, Việt Nam vẫn phải tích cực, chủ động để ngăn chặn sự xâm nhập virus cúm gia cầm vào nước ta, cũng như triển khai các biện pháp phòng chống chủ động lây truyền sang người, hạn chế thấp nhất sự lây nhiễm và tử vong cho người.
Mới đây, Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã phối hợp tổ chức diễn tập phòng, chống dịch cúm A (H7N9) tại hai điểm là Hà Nội và Lạng Sơn.
Ông Phu nhấn mạnh, dịch bệnh cúm A (H7N9) đang diễn biến phức tạp tại Trung Quốc nên việc kiểm soát, không để dịch bệnh xâm nhập qua biên giới là rất quan trọng, nhất là hiện nay virus cúm A (H7N9) lưu hành trên đàn gia cầm nhưng không gây biểu hiện gì. Mục đích của buổi diễn tập là giúp chủ động chống dịch.
Nếu có dịch xảy ra thì lực lượng chức năng có thể thuần thục các biện pháp phòng chống vì cúm A (H7N9) lây truyền mạnh, nhanh, tỷ lệ tử vong cao. Nếu không thực hiện các thao tác thuần thục thì dịch bệnh sẽ lây sang chính những người đi dập dịch, rồi lây ra cộng đồng.
Ngày 29/3, Bộ Y tế phối hợp với Báo điện tử Zing.vn và trang Zalo page Bộ Y tế tổ chức buổi giao lưu trực tuyến về chủ đề “Phòng chống dịch cúm gia cầm”. Độc giả có thể đặt câu hỏi ngay tại đây.
Bộ Y tế là một trong những Bộ đầu tiên sử dụng Zalo để tương tác với người dân. Zalo Page của Bộ Y tế nhận được phản hồi tích cực từ cộng đồng và hiện là kênh tra cứu thông tin hữu ích của người dân.
Chó, mèo và nguy cơ mắc bệnh dại
http://giaoducthoidai.vn/suc-khoe/cho-meo-va-nguy-co-mac-benh-dai-3090848-b.html
Đầu tháng 3 vừa qua, tại bản Cang, xã Mường Chanh, huyện Mường Lát (Thanh Hóa) xảy ra vụ một bé trai 11 tuổi bị chó nuôi của gia đình mắc bệnh dại cắn, dẫn tới tử vong.
Đây thực sự là một sự cố đáng tiếc của người lớn, khi biết chó cắn con của mình nhưng cha mẹ của bé đã không đưa con tới trung tâm y tế để tiêm phòng bệnh dại.
Việc lơ là khi để con trẻ vô tư chơi với vật nuôi trong nhà đã là điều đáng trách, đáng trách hơn nữa khi trẻ bị vật nuôi cắn, gia đình cũng không nghĩ tới việc đưa con đến trung tâm y tế khám và tiêm chủng.
Đây là sự việc không mới, thậm chí khá phổ biến ở nước ta, với những hậu quả vô vùng đáng tiếc. Đáng nói, ngay với người lớn cũng gặp phải tình trạng này. Cách đây chưa lâu, cũng tại Thanh Hóa, chị Nguyễn Thị Hà, trú tại thị trấn Lang Chánh (huyện Lang Chánh) bị chó nuôi trong gia đình cắn.
Con chó này còn cắn 6 người khác, nhưng những nạn nhân này đã đến ngay trung tâm y tế huyện tiêm phòng, nhờ đó đều không có vấn đề gì về sức khỏe.
Riêng chị Hà, lại chủ quan vì nghĩ con chó mới đẻ, dữ, nên không đi tiêm phòng dại. Một thời gian sau, chị Hà có biểu hiện co giật, mất kiểm soát, được người thân đưa đi cấp cứu nhưng đã tử vong. Đáng buồn hơn, lúc gặp nạn, chị Hà đang mang thai. Con chó dại sau đó đã bị người dân đập chết rồi tiêu hủy.
Việc tiêm phòng dại cho chó nuôi tại các gia đình ở hầu hết các địa phương bấy lâu nay còn lơ là, lỏng lẻo. Không chỉ người dân nuôi chó chủ quan, ít coi trọng việc tiêm phòng dại cho vật nuôi là cần thiết, mà chính quyền, nhà chức trách của các địa phương cũng chưa kiên quyết, “siết chặt” việc các hộ nuôi chó phải mang chó tới tiêm phòng bệnh dại theo định kỳ là bắt buộc.
Thông thường, để hạn chế bệnh dại phát sinh ở chó nuôi thì sau khoảng thời gian 3 tháng và 6 tháng, tính từ lúc con chó sinh ra là phải tiêm phòng cho nó.
Sau 2 lần tiêm lúc còn nhỏ ấy thì khi chó trưởng thành nên duy trì 1 năm/lần tiêm phòng thì sẽ đảm bảo an toàn trong việc triệt tiêu bệnh dại trong con chó ấy.
Mặt khác, với các gia đình có trẻ nhỏ thì tốt hơn hết không nên nuôi chó, mèo, bởi trong lúc các em chơi, đùa nghịch với vật nuôi, rất có thể chúng bị vật nuôi cắn, làm trầy xước da mà người lớn không để ý nên không hay biết để đưa các em đi tiêm phòng bệnh dại.
Nếu gia đình nào có nuôi chó, mèo thì cũng hết sức thận trọng, khi ngoài việc tiêm phòng bệnh dại định kỳ cho vật nuôi để ngăn ngừa, diệt trừ mầm mống bệnh dại, thì khi con trẻ bị chó, mèo cắn, cào làm trầy xước, chảy máu... thì bắt buộc phải xử lý vết thương đồng thời ngay tức khắc đưa trẻ tới trạm xá, trung tâm y tế, bệnh viện để tiêm phòng nhằm ngăn ngừa hậu họa đáng tiếc xảy ra...
98% trẻ em dưới một tuổi được tiêm đủ vắc-xin phòng bệnh
Đó là số liệu được Chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) quốc gia công bố tại hội nghị tổng kết năm 2016 và triển khai kế hoạch năm 2017 được tổ chức ngày 27-3 tại Thừa Thiên - Huế. Tỷ lệ này đạt và vượt chỉ tiêu đề ra là trên 95%. Chương trình TCMR Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế. Các kết quả nổi bật là: tiếp tục bảo vệ thành quả thanh toán bệnh bại liệt, loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh; bệnh sởi và rubella được khống chế với tỷ lệ mắc thấp nhất trong vòng 10 năm qua… Ngoài ra, tiêm bổ sung vắc-xin sởi - rubella cho đối tượng 16 và 17 tuổi trên toàn quốc đạt tỷ lệ 94,9% và bảo đảm an toàn; tổ chức uống bổ sung vắc-xin bại liệt tại 120 huyện, vùng nguy cơ cao đạt 95,3%; chuyển đổi thành công vắc-xin bại liệt 3 týp (tOPV) sang sử dụng vắc-xin bại liệt 2 týp (bOPV) từ tháng 6-2016.
Hệ thống giám sát phản ứng sau tiêm chủng đã được tăng cường, các trường hợp phản ứng sau tiêm được điều tra sớm và được Hội đồng chuyên môn tuyến tỉnh đánh giá nguyên nhân. Công tác giám sát bệnh trong tiêm chủng được tăng cường, nhất là giám sát liệt mềm cấp, bại liệt, uốn ván sơ sinh, sởi.
Có tất cả 69 trường hợp tai biến sau tiêm chủng tại 24 tỉnh, thành phố được báo cáo, tập trung vào các loại vắc-xin: DPT- VGB-Hib (7 ca); DPT- VGB-Hib + OPV (43 ca); VGB (4 ca)… Các trường hợp được điều tra theo đúng quy định, trong đó 64 trường hợp đã được Hội đồng tư vấn chuyên môn tuyến tỉnh đánh giá, kết luận (40 trường hợp liên quan đến phản ứng của vắc-xin, gồm: sốc phản vệ, phản ứng quá mẫn, sốt cao, tím tái, co giật; 18 trường hợp do trùng hợp ngẫu nhiên; sáu trường hợp không rõ nguyên nhân).
Tuy nhiên, khó khăn nhất của công tác tiêm chủng mở rộng hiện nay là tỷ lệ TCMR tại các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn tiếp tục là thách thức lớn. Và tại một số thành phố lớn, tỷ lệ tiêm cũng đạt thấp; thí dụ tại 12 quận, huyện của TP Hồ Chí Minh, tỷ lệ trẻ em được tiêm đạt dưới 80%.
Ngoài ra, tỷ lệ tiêm vắc-xin viêm gan B liều sơ sinh trong vòng 24 giờ, vắc-xin sởi-rubella và DPT mũi 4 cho trẻ 18 tháng… chưa cao tại một số tỉnh, thành phố… Trong khi đó, kinh phí ngân sách nhà nước cho TCMR trong năm 2016 mới được tạm ứng cho một số hoạt động ưu tiên. Thiếu kinh phí cho hoạt động chuyên môn tuyến trung ương, khu vực, địa phương và cần được cấp bổ sung, thiếu kinh phí truyền thông.
Một số bệnh truyền nhiễm như bạch hầu, ho gà vẫn có nguy cơ gia tăng (ca mắc ho gà chủ yếu ở trẻ nhỏ trước độ tuổi tiêm chủng) xem xét việc sử dụng vắc-xin Td cho trẻ 7 tuổi và tiêm vắc-xin phòng bệnh ho gà cho phụ nữ có thai.
GS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Vệ sinh dịch tễ T. Ư, Trưởng Ban Quản lý dự án TCMR quốc gia cho biết, năm 2017, chương trình TCMR tập trung bảo vệ thành quả thanh toán bại liệt, duy trì thành quả loại trừ uốn ván sơ sinh; phấn đấu tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ 8 loại vắc-xin cho trẻ dưới 1 tuổi đạt hơn 95%; tiêm đủ mũi vắc-xin uốn ván cho phụ nữ có thai đạt hơn 85% và nữ tuổi sinh đẻ vùng nguy cơ cao đạt trên 90%; triển khai tiêm vắc-xin sởi - rubella cho trẻ 18 tháng tuổi đạt 90%...
Bảo đảm đáp ứng đủ, kịp thời các loại vắc-xin, cho đối tượng trẻ em và phụ nữ tại 63 tỉnh, thành phố trong tiêm chủng thường xuyên và tiêm chủng bổ sung bao gồm: các vắc-xin sản xuất trong nước và vắc- in DPT-VGB-Hib đối ứng viện trợ GAVI; cung ứng vật tư tiêm chủng trong tiêm chủng thường xuyên và tiêm chủng bổ sung.
Đặc biệt, tăng cường công tác tiêm chủng thường xuyên tại các vùng khó khăn bao gồm các hoạt động: hướng dẫn xây dựng kế hoạch tiêm chủng tại vùng khó khăn; tập huấn cho y tế thôn bản về truyền thông, vận động đối tượng đi tiêm đầy đủ; tổ chức tiêm chủng ngoài trạm; tiêm bổ sung vắc xin viêm não Nhật Bản cho trẻ 6-15 tuổi tại 28 huyện của 16 tỉnh, thành phố. Tập trung triển khai hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia từ 1-6-2017 trên quy mô toàn quốc, để đến ngày 1-6-2018 triển khai tiêm chủng không giấy.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đề nghị ngành y tế các tỉnh, thành phố tập trung nguồn lực để duy trì, bảo vệ thành quả tiêm chủng đã xây dựng trong gần 30 năm, từ tiêm chủng thường xuyên, đến các chiến dịch tiêm bổ sung, tiêm vét... Giải quyết thành công những điểm yếu đã được nêu ra, đó là giải quyết các “vùng lõm” tiêm chủng; nâng tỷ lệ tiêm chủng quy mô xã, phường; tai biến sau tiêm chủng… Đồng thời, tăng cường huy động nguồn lực xã hội để bảo đảm quyền lợi trẻ em cũng như hỗ trợ vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn…
Tiêm đủ 3 mũi vẫn mắc ho gà
http://dantri.com.vn/suc-khoe/tiem-du-3-mui-van-mac-ho-ga-20170327200116313.htm
http://tuoitre.vn/tin/song-khoe/20170327/tiem-du-ba-mui-vac-xin-van-mac-ho-ga/1287422.html
Mặc dù số ca mắc ho gà so với năm 2015 đã giảm, tỉ lệ mắc ho gà chủ yếu do chưa đến tuổi tiêm chủng, tiêm chủng chưa đủ mũi nhưng vẫn có trường hợp tiêm đủ 3 mũi vắc xin và nhiều ca ở Hà Nội.
Tại Hội nghị Tổng kết năm 2016, Triển khai kế hoạch 2017 của Dự án Tiêm chủng mở rộng (TCMR) tại TP Huế, GS.TS. Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Trưởng Ban Quản lý dự án TCMR, cho biết:Ngày 27/3, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương của Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị Tổng kết năm 2016, Triển khai kế hoạch 2017 của Dự án Tiêm chủng mở rộng (TCMR) tại TP Huế.Ngày 27/3, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương của Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị Tổng kết năm 2016, Triển khai kế hoạch 2017 của Dự án Tiêm chủng mở rộng (TCMR) tại TP Huế. trong năm 2016, có 2 tỉnh/TP ghi nhận trường hợp bạch hầu với 13 trường hợp, số ca giám sát thấp hơn so với năm 2015, trong đó 12 ca ghi nhận tại Bình Phước, 1 ca tại Kon Tum. Ghi nhận 3 ca tử vong do bạch hầu tại huyện Đồng Phú tỉnh Bình Phước, các trường hợp này trên 12 tuổi và không được tiêm vắc xin phòng bệnh. Nước ta vẫn khống chế được bệnh bạch hầu.
Riêng số trường hợp mắc bệnh ho gà năm 2016 là 267 ca, giảm so với năm 2015 là 309 ca, tỷ lệ là 0,3/100.000 dân. Đây cũng là duy nhất 1 trong 12 chỉ tiêu của Dự án TCMR chưa đạt là tỷ lệ mắc bệnh ho gà dưới 0,2/100.000 dân. Số trường hợp mắc chủ yếu ở nhóm tuổi nhỏ dưới 2 tháng là lứa tuổi chưa đến lịch tiêm hoặc trẻ trong độ tuổi tiêm chủng chưa được tiêm đầy đủ các mũi vắc xin phòng bệnh ho gà.
Ghi nhận số mắc ho gà tại 38 tỉnh/TP trong đó chủ yếu tập trung ở TP Hà Nội là 71 ca, Cao Bằng 53 ca, Lạng Sơn 18 ca, Sơn La 10 ca. Có 2 trường hợp tử vong do ho gà tại Hà Nội và Sơn La. Phân tích trong số 257/267 ca mắc ho gà có thông tin điều tra cho thấy nhóm có tỷ lệ mắc cao nhất là nhóm dưới 1 tuổi chiếm 81,3% và nhóm từ 1-4 tuổi chiếm 12,8%. Phân tích theo tình trạng tiêm chủng cho thấy có 54,1% số trường hợp mắc là không được tiêm chủng và 23% số trường hợp mắc ho gà là không được tiêm chủng đủ mũi. Tuy nhiên, ghi nhận có 4,3% số ca đã tiêm chủng 3 mũi vắc xin nhưng vẫn mắc bệnh.
Kết quả giám sát bệnh ho gà năm 2016 cho thấy số mắc ho gà có giảm so với năm 2015 tuy nhiên vẫn ở mức cao. Để khống chế bệnh ho gà, các tỉnh cần chủ động giám sát bệnh, tiếp tục tăng cường việc tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch vắc xin ho gà để phòng bệnh hiệu quả.
Năm 2016, Dự án TCMR cũng tiếp tục duy trì triển khai giám sát điểm bệnh Viêm não Nhật Bản tại 5 tỉnh Thái Bình, Quảng Ngãi, Bình Dương, Bến Tre, Gia Lai và triển khai thêm tại tỉnh Sơn La với sự hỗ trợ của Tổ chức Y tế thế giới. Trong 482 ca nghi Viêm não Nhật Bản cho thấy 46 ca dương tính, chiếm tỷ lệ 10% tại 6/6 tỉnh.
Về kế hoạch năm 2017, Dự án TCMR sẽ triển khai đồng bộ hệ thống thông tin tiêm chủng quốc gia nhằm quản lý lịch sử tiêm chủng của từng trẻ trên toàn quốc. Dự án sẽ tiếp tục các hoạt động duy trì tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ dưới 1 tuổi ở mức trên 95% như tăng cường bảo quản vắc xin để đảm bảo vắc xin luôn có chất lượng tốt, giảm hao phí vắc xin và đảm bảo an toàn tiêm chủng; Đầu tư nguồn lực để nâng cao chất lượng và tỷ lệ tiêm chủng tại những vùng khó khăn, vùng sâu vùng xa.
Bên cạnh đó Dự án TCMR sẽ đẩy mạnh triển khai tiêm vắc xin viêm gan B trong 24 giờ đầu sau sinh; Triển khai tiêm bổ sung vắc xin viêm não Nhật Bản cho trẻ 6-15 tuổi tại 28 huyện của 16 tỉnh/TP nguy cơ cao trong năm 2017-2018; Triển khai tiêm vắc xin Sởi – Rubella cho trẻ 18 tháng tuổi đạt tỷ lệ >90%; Tăng cường hệ thống dây chuyền lạnh bảo quản vận chuyển vắc xin an toàn… Kế hoạch kinh phí TCMR 2017 sẽ ưu tiên đến khoảng 97% kinh phí ưu tiên mua vắc xin và dụng cụ tiêm chủng.
Dự án TCMR kế hoạch 2016 đề ra 12 mục tiêu/chỉ tiêu thực hiện là: Không để bại liệt quay trở lại; Tỷ lệ phụ nữ có thai được tiêm đủ mũi vắc-xin uốn ván; Tỷ lệ trẻ được tiêm vắc-xin sởi – rubella; Tỷ lệ trẻ được tiêm vắc-xin viêm não Nhật Bản; Triển khai tiêm vắc-xin sởi-rubella cho đối tượng 16-17 tuổi trên toàn quốc; Tỷ lệ mắc sởi; Tỷ lệ mắc Bạch hầu; Tỷ lệ mắc Ho gà…
Hiện Dự án TCMR đã thực hiện rất nhiều vấn đề thiết thực và đáng ghi nhận trên toàn quốc như: Tổ chức tập huấn và cấp chứng chỉ cho 100% nhân viên phụ trách kho bảo quản vắc-xin tuyến quốc gia, khu vực và Trung tâm Y tế Dự phòng của 63 tỉnh/TP; Phối hợp với các tổ chức Quốc tế như UNICEF, PATH đánh giá nhiệt độ bảo quản vắc-xin tại 35 điểm giám sát; Cấp bổ sung 100 tủ lạnh VLS200 cho các huyện mới tách và 1 số bệnh viện có đông đối tượng tiêm vắc xin viêm gan B sơ sinh; Kiểm định 100% các lô vắc xin do các đơn vị sản xuất trong nước từ khâu sản xuất đến khâu xuất xưởng, 100% các lô vắc xin Quinvaxem nhập khẩu vào Việt Nam được giám sát quá trình bảo quản, lấy mẫu, kiểm định trước khi cấp giấy chứng nhận xuất xưởng đưa vào sử dụng; Phối hợp với Viện Kiểm định Quốc gia Vắc xin và Sinh phẩm y tế tổ chức kiểm tra, giám sát công tác bảo quản và lấy mẫu vắc xin tại nhiều đơn vị; Tăng cường giám sát phản ứng sau tiêm chủng; Tổ chức nhiều sự kiện truyền thông…
World Bank: 76% heo giết mổ ở cơ sở nhỏ lẻ kém vệ sinh
http://plo.vn/xa-hoi/khoe-360/world-bank-76-heo-giet-mo-o-co-so-nho-le-kem-ve-sinh-691391.html
Thông tin này được đại diện Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam đưa ra tại lễ công bố báo cáo quản lý nguy cơ an toàn thực phẩm ở Việt Nam, những thách thức và cơ hội, tổ chức sáng 27-3 tại Hà Nội.
Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới tập trung vào chuỗi giá trị của thịt heo và rau ăn lá để tìm các nguy cơ an toàn thực phẩm (ATTP) tại Việt Nam, thời gian thực hiện nghiên cứu là từ tháng 8-2016 đến tháng 2-2017.
Theo báo cáo, hiện Việt Nam có khoảng 80% thịt heo và 85% rau được bày bán tại các chợ bán lẻ truyền thống và những người sản xuất nhỏ chiếm ưu thế trong chuỗi giá trị, trong đó 76% heo được giết mổ trong các cơ sở nhỏ lẻ với điều kiện vệ sinh kém.
Báo cáo của Ngân hàng Thế giới cũng chỉ rõ hiện có bằng chứng khoa học cho thấy ô nhiễm thực phẩm ở Việt Nam tương đối phổ biến. Nhiều nghiên cứu cho thấy mức độ nhiễm mối nguy sinh vật như salmonella trong thực phẩm nói chung và thịt heo nói riêng vẫn còn tương đối cao (tương ứng 30%-40%).
Tại báo cáo, Ngân hàng Thế giới cũng cho rằng trong sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và các loại kháng sinh tràn lan trên diện rộng cũng tăng nguy cơ để lại tồn dư trong thực phẩm với nồng độ gây hại ảnh hưởng tới sức khỏe con người.
Ngoài ra, theo Ngân hàng Thế giới, một số chất kích thích tăng trưởng, chất cấm trong chăn nuôi cũng được sử dụng làm chất tạo nạc vẫn tương đối phổ biến, chưa kể nhiễm bẩn kim loại nặng và các chất hữu cơ bền vững trong môi trường, trong đó có dioxin cũng được ghi nhận tại một số địa phương.
Cũng tại lễ công bố, ông Nguyễn Việt Hùng, Trưởng đại diện Đông và Đông Nam Á, thuộc Viện Chăn nuôi Quốc tế, cho biết: Có một thực trạng là người tiêu dùng Việt Nam chấp nhận trả đắt hơn 5%-10% để mua được thực phẩm an toàn. Tuy nhiên thực tế là hiện thực phẩm sạch và thực phẩm không an toàn tại Việt Nam rất khó phân biệt.
Về quản lý ATTP, theo Ngân hàng Thế giới, dù có rất nhiều nguồn lực và hoạt động đảm bảo ATTP đã được phân cấp xuống tỉnh, huyện, xã, phường, tuy nhiên tương tự tình trạng chung của nhiều quốc gia đang phát triển khác, hiện vẫn còn một khoảng cách lớn giữa việc ban hành và thực thi pháp luật.
Với những tồn tại nêu trên, Ngân hàng Thế giới khuyến cáo nhà quản lý Việt Nam nên áp dụng hình thức tự kiểm tra, kiểm soát các mối nguy sinh học phổ biến ngay tại trang trại, nơi sản xuất thay vì áp dụng hình thức thanh tra - xử phạt đối với ATTP mà các quốc gia khác trên thế giới đã bỏ từ lâu…
Tại lễ công bố báo cáo, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam biểu dương và ghi nhận nỗ lực của Ngân hàng Thế giới và cho rằng những khuyến nghị của Ngân hàng Thế giới đưa ra khá phù hợp.
Phó Thủ tướng cho biết hiện để quản lý ATTP, có ba bộ là Y tế, NN&PTNT và Công Thương, chỉ cần mỗi bộ làm tốt chức năng của mình thì việc quản lý ATTP đã được thực hiện cơ bản.
“Ngoài việc nâng cao công tác quản lý, chúng ta phải tuyên truyền người dân tuân thủ sản xuất, chế biến, cung cấp thực phẩm đúng luật. Hiện chúng ta chưa có thói quen dựa vào bằng chứng, do vậy việc cần làm ngay lúc này là tại mỗi chợ, các cơ sở kinh doanh… phải có phương tiện lưu động kiểm tra nhanh các chỉ tiêu về ATTP để có khuyến cáo tới cộng đồng…” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Các cấp chính quyền phải cùng vào cuộc trong vấn đề an toàn thực phẩm
Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo “Quản lý nguy cơ an toàn thực phẩm ở Việt Nam: Những thách thức và cơ hội", Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định, các cấp quản lý từ Trung ương đến địa phương phải cùng vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa trước thực trạng nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm tại Việt Nam.
Sáng 27-3, Ngân hàng Thế giới đã tổ chức hội thảo báo cáo “Quản lý nguy cơ an toàn thực phẩm ở Việt Nam: Những thách thức và cơ hội”. Đến dự và phát biểu chỉ đạo có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Thứ trưởng Y tế Trương Quốc Cường cùng các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới và các chuyên gia y tế trong và ngoài nước.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, Việt Nam là nước xuất khẩu lương thực cho nhiều thị trường khó tính như Nhật Bản, EU và Mỹ. Do đó, vấn đề lớn nhất trong an toàn thực phẩm chính là thị trường tiêu thụ trong nước. Việt Nam có hàng triệu hộ kinh doanh gia đình nhỏ lẻ để cung ứng thực phẩm cho toàn xã hội nên quản lý vấn đề an toàn thực phẩm rất khó. Dù Việt Nam có hệ thống pháp luật tương tốt và đúng hướng về vấn đề an toàn thực phẩm, nhưng cần phải có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của tất cả các cấp chính quyền, trong đó quan trọng nhất là cơ quan quản lý cấp xã, phường vì lãnh đạo cấp cơ sở này nắm chắc nhất địa bàn hoạt động nuôi trồng, chế biến và cung ứng thực phẩm của người dân.
Phó Thủ tướng đánh giá cao báo cáo của Ngân hàng Thế giới với những tổng kết nghiên cứu về chuỗi giá trị của thịt lợn và rau ăn lá để tìm các nguy cơ an toàn thực phẩm tại Việt Nam. Theo đó, kết quả nghiên cứu thị trường thịt lợn và rau tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cho thấy, sản xuất quy mô và phân phối qua thị trường truyền thống chiếm ưu thế với 80% thịt lợn và 85% rau chủ yếu được bày bán tại các chợ truyền thống; 76% lợn được giết mổ trong các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ với điều kiện vệ sinh kém. Các bằng chứng khoa học cho thấy nguy cơ ô nhiễm thực phẩm ở Việt Nam còn tương đối phổ biến: mức độ nhiễm mối nguy vi sinh vật như Salmonella trong thực phẩm nói chung và thịt lợn nói riêng vẫn còn tương đối cao (tương ứng 30% hay 15-69%). Thực trạng của tồn dư kháng sinh và các báo cáo kháng kháng sinh đang cảnh báo có xu hướng ngày càng tăng theo thời gian.
Ông Nguyễn Việt Hùng (Trưởng đại diện Khu vực Đông và Đông Nam Á của Viện Nghiên cứu Chăn nuôi quốc tế), đại diện cho nhóm tác giả cho biết, trong năm 2014-2015 (thống kê chưa đầy đủ) cho thấy có 370 vụ ngộ độc thực phẩm ở Việt Nam với hơn 10.000 ca mắc, 66 ca tử vong. Hầu hết những vụ ngộ độc gây ra bởi các vi sinh vật (41%), các độc tố sinh học (28%), hóa học (4%) và 26% không xác định được nguyên nhân. Phần lớn các vụ ngộ độc theo báo cáo xảy ra ở hộ gia đình (khoảng 60% số vụ trong các năm 2010-2014 và khoảng 40% trong giai đoạn 2013-2015). Trong tổng số các vụ được báo cáo, ngộ độc tại hộ gia đình chiếm 50-65%; các bếp ăn tập thể là 10-20%; thức ăn đường phố là dưới 10%. Trong đó, các tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam chiếm tỷ lệ ngộ độc lớn nhất, khoảng 30%.
Theo các chuyên gia Ngân hàng Thế giới, hiện nay người tiêu dùng Việt Nam đang có xu hướng lo ngại vấn đề thực phẩm không an toàn do nhiễm bẩn hóa học và các chất độc trên thực phẩm hơn là nhiễm bẩn vi sinh vật. Nhưng thực tế, nguy cơ ô nhiễm thực phẩm bẩn tại Việt Nam chủ yếu từ các mối nguy vi sinh vật do liên quan đến sự lây nhiễm chéo và tiêu thụ các sản phẩm tươi sống và chưa nấu chín.
Điều đó được thể hiện bằng những số liệu nghiên cứu cụ thể tại Việt Nam như: 40,6% các vụ ngộ độc thực phẩm được báo cáo trong giai đoạn từ 2012 đến 2015 là do vi sinh vật. Hơn 50% số ca tử vong do ngộ độc thực phẩm là do các độc tố có trong hải sản và nấm độc. Phần lớn các ca là tiêu chảy (85%) và ngộ độc (15%). Nguyên nhân chính của các ca ngộ độc là do các mối nguy sinh học (vi khuẩn, vi rút, ký sinh trùng chiếm khoảng 70%); các mối nguy hóa học (10-50%) và các độc tố tự nhiên.
Ông Nguyễn Việt Hùng khẳng định, thách thức vấn đề an toàn thực phẩm tại Việt Nam là do lạm dụng các hóa chất đầu vào trong nông nghiệp (thuốc kháng sinh, thuốc trừ sâu và phân bón hóa học nhập khẩu trái phép), hoặc không được quản lý nghiêm ngặt, thiếu khả năng truy xuất nguồn gốc và ô nhiễm chéo... Việt Nam hiện đã xây dựng khung pháp lý an toàn thực phẩm hiện đại với các nền tảng giúp nâng cao hiệu quả triển khai an toàn thực phẩm và chất lượng kết quả đạt được. Nhưng để triển khai hiệu quả khung pháp lý lý thuyết thì cần tập trung nhiều hơn vào yếu tố nguy cơ và kết quả trên thực tế.
Qua bản báo cáo, các chuyên gia Ngân hàng Thế giới khuyến nghị Việt Nam cần tăng cường hệ thống theo dõi và giám sát an toàn thực phẩm quốc gia chung và toàn diện; Xây dựng một hệ thống quản lý thực thi nhằm thiết lập, triển khai và giám sát kết quả triển khai công tác an toàn thực phẩm của ba Bộ; Đề xuất phương án tiếp cận theo mô hình “từ trang trại tới bàn ăn” để kiểm soát từ nguồn nguyên liệu đầu vào, hoạt động nuôi trồng, xử lý chế biến và bán lẻ...
Phát biểu tổng kết hội thảo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đồng ý với các khuyến nghị của Ngân hàng Thế giới và bày tỏ, sau khi báo cáo được công bố, Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Thế giới có những hoạt động cụ thể hơn, trước hết là để những khuyến nghị của báo cáo được lan tỏa đến mọi người dân, xã hội. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam cần tiếp tục nâng cao năng lực quản lý của Nhà nước đồng thời tuyên truyền, vận động người dân tuân thủ luật phát về chế biến, cung cấp thực phẩm an toàn. Phó Thủ tướng đề nghị các cơ quan chức năng cần tăng cường đo lường kiểm tra đầu vào của thực phẩm; tăng cường phương tiện lưu động để kiểm tra nhanh thực phẩm tại các chợ; củng cố hệ thống sản xuất nhằm giảm sự phụ thuộc của chuỗi cung cấp vào các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ.
Hậu Giang: Tiêu hủy hơn 900 con gà nhiễm H5N1
http://plo.vn/xa-hoi/khoe-360/hau-giang-tieu-huy-hon-900-con-ga-nhiem-h5n1-691259.html
Ngày 26-3, ông Trương Ngọc Trưng, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Hậu Giang, cho biết ngành chức năng đã xử lý xong ổ dịch cúm H5N1 tại huyện Vị Thủy bằng cách tiêu hủy toàn bộ hơn 900 con gà của ông Nguyễn Việt Bắc ở xã Vị Bình, huyện Vị Thủy.
Địa phương đã khoanh vùng dịch bằng cách thực hiện phun xịt, khử trùng, tiêu diệt mầm bệnh trong vòng bán kính 500 m xung quanh ổ dịch trong một tuần lễ, đồng thời kiểm tra lại các hộ chưa tiêm phòng đàn gà vịt để tiêm phòng đầy đủ cũng như kiểm soát, quản lý chặt chẽ số lượng vịt chạy đồng trên địa bàn và từ nơi khác đến. Đến nay, các cơ quan chức năng cơ bản đã xử lý xong ổ dịch cúm H5N1 mới phát hiện này.
Đây là lần thứ hai trong năm 2017 xuất hiện ổ dịch cúm H5N1 tại Hậu Giang. Trước đó, tỉnh đã phát hiện hơn 800 con gà nhiễm cúm H5N1 của ông Nguyễn Văn Thành ở ấp 6, xã Long Trị A, thị xã Long Mỹ.
Chi cục Thú y tỉnh Hậu Giang đã cấp hơn 2.000 lít hóa chất Benkocid cho trạm thú y các huyện, thị xã, TP ra quân phun thuốc tiêu độc, khử trùng tại các hộ nuôi, đồng thời ra quân phun liên tục trong 30 ngày tại các quầy, kệ bày bán gia cầm ở các chợ trong tỉnh.
Trung tâm y tế dự phòng huyện Tuyên Hóa dùng xe công chở gỗ lậu?
Đội tự nguyện bảo vệ đàn voọc gáy trắng xã Thạch Hóa và Đồng Hóa đã phát hiện và ghi hình người của Trung tâm y tế dự phòng huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) dùng xe biển số xanh chở gỗ hương giáng trong vùng bảo tồn loài voọc quý hiếm mà đội đang bảo vệ…
Ngày 27.3, Đội tình nguyện bảo vệ đàn voọc gáy trắng (xã Thạch Hóa và Đồng Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình) cho biết, vào lúc 9h ngày 27.3, tại thôn Đồng Giang, xã Đồng Hóa (Tuyên Hóa) các thành viên đội bảo vệ đàn Voọc gáy trắng đã bắt gặp và ghi lại hình ảnh chiếc ôtô mang BKS 73M -000.45 (màu xanh) của Trung tâm y tế dự phòng huyện Tuyên Hóa chở theo Giám đốc trung tâm ông Cao Sĩ Phượng, cùng Phó Giám đốc Phạm Công Thành đang bốc gỗ hương giáng lậu lên xe (đây là xe dùng cho mục đích phòng chống dịch bệnh).
Theo các thành viên đội bảo vệ, đã có tổng số có 4 gốc gỗ hương giáng bị khai thác lậu tại xã Đồng Hóa được đưa lên xe và ông Cao Sỹ Phượng – Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng huyện Tuyên Hóa đã trực tiếp trả tiền cho những người bốc gỗ lên chiếc xe biển số xanh đó.
Chiều 27.3, trao đổi với PV Dân Việt qua điện thoại, ông Cao Sỹ Phượng thừa nhận chiếc xe mang BKS màu xanh 73M -000.45 là xe của đơn vị ông. Tuy nhiên, ông Phượng cho rằng số gỗ trên là do anh em ở Trạm Y tế nhờ chở, còn việc ông rút tiền trả là trả cho việc khác.
Được biết, Voọc gáy trắng là loài quý hiếm, nằm trong danh mục sách đỏ thế giới, trên toàn cầu chỉ còn tồn tại ở Quảng Bình. Tại vùng núi đá vôi thuộc 2 xã Đồng Hóa và Thạch Hóa, chúng được ông Nguyễn Thanh Tú, một người lính biên phòng về hưu cùng một số người dân tự nguyện đứng ra bảo vệ.
Báo NTNN/Dân Việt đã có nhiều bài viết biểu dương ông Nguyễn Thanh Tú). Hiện quần thể voọc quý hiếm này đang phục hồi với hàng trăm cá thể.
Tuy nhiên từ khi gỗ hương giáng bị đồn thổi trừ tà, nhiều người dân đã vào vùng núi đá vôi, nơi đã được khoanh vùng bảo tồn loài voọc gáy trắng để khai thác gỗ hương giáng trái phép, khiến đời sống của quần thể loài động vật quý hiếm này bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Kiểm toán Nhà nước làm rõ những vấn đề sai phạm tại Sở Y tế tỉnh Gia Lai
Thực hiện Quyết định số 1580/QĐ-KTNN ngày 14-9-2016 của Tổng Kiểm toán Nhà nước, Đoàn công tác thuộc Kiểm toán Nhà nước khu vực XII tiến hành kiểm toán chuyên đề “Công tác mua sắm, quản lý, sử dụng thuốc, vật tư y tế và hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản giai đoạn 2013-2015 tại Sở Y tế và các bệnh viện tuyến tỉnh các tỉnh Đác Nông, Gia Lai, Kon Tum”.
Riêng tại Gia Lai, Đoàn công tác tiến hành kiểm toán với nội dung trên từ ngày 19-9-2016 đến 17-11-2016. Ngày 28-2-2017, Kiểm toán Nhà nước khu vực XII đã có thông báo số 07/TB-KV XII kiến nghị về tài chính nêu rõ Sở Y tế tỉnh Gia Lai sai phạm tài chính hơn một tỷ đồng chi phí đầu tư xây dựng cơ bản và phạt chậm tiến độ thực hiện hợp đồng mua sắm trạng thiết bị.
Theo kết luận này, Kiểm toán Nhà nước khu vực XII đề nghị Sở Y tế tỉnh Gia Lai thu hồi nộp ngân sách Nhà nước các khoản đã phát hiện qua kiểm toán số tiền là 1 tỷ 091 triệu 769 nghìn đồng, cụ thể thu hồi số tiền 480 triệu 708 nghìn đồng (tính thừa khối lượng, thừa đơn giá, thừa giá trị thanh toán hợp đồng... thuộc các dự án đầu tư xây dựng cơ bản do Sở Y tế tỉnh làm chủ đầu tư; thu hồi số tiền 608 triệu 061 nghìn đồng tiền phạt chậm tiến độ thực hiện hợp đồng mua sắm trang thiết bị y tế cho Bệnh viện Lao và Bệnh Phổi. Đồng thời, kiến nghị cơ quan chủ quản Sở Y tế Gia Lai chấn chỉnh công tác đầu tư, mua sắm, quản lý và sử dụng thuốc, vật tư y tế, trang thiết bị y tế, hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản và xem xét xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân có sai phạm báo cáo trước ngày 31-3-2017.
Trước đó, ngày 20-3, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Gia Lai phối hợp Sở Thông tin - Truyền thông và Sở Y tế chủ trì cuộc họp báo thông tin chính thức về vụ việc. Tại cuộc họp báo, nhiều ý kiến cũng đề nghị làm rõ một số thông tin liên quan vụ việc, nhất là các khoản chênh lệch với số tiền 37 tỷ 950 triệu đồng giữa giá trúng thầu và giá dự toán tạm tính của Đoàn kiểm toán.
Ngày 24-3, Sở Y tế Gia Lai đã có báo cáo số 74/BC-SYT đề nghị giải thích rõ về khoản chênh lệch nêu trên vì theo nội dung của văn bản này, “cách tính của Đoàn kiểm toán về khoản chênh lệch về giá thị trường và giá dự toán đã có nhiều báo chí thông tin gây ra sự hiểu lầm là sự thất thoát tài sản của Nhà nước và khiến dư luận hoang mang, bức xúc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của đơn vị”.
Ngày 27-3, Kiểm toán Nhà nước khu vực XII có Công văn số 65/KV XII-TH trả lời cụ thể như sau: “Giữa giá trúng thầu và giá dự toán tạm tính có số tiền chênh lệch 37 tỷ 950 triệu đồng là dự toán hợp lý do Đoàn kiểm toán tạm tính có một số yếu tố chi phí ước tính và trong nhiều trường hợp chưa lượng hóa được các yếu tố thực tiễn như: Yếu tố độc quyền nhập khẩu theo chính sách của nhà sản xuất tác động đến giá bán của thiết bị”.
Như vậy, giá trị dự toán của Đoàn kiểm toán nêu trong báo cáo kiểm toán số 11/BC-KV XII và thông báo số 07/TB-KV XII là tạm tính và chưa lượng hóa được các yếu tố thực tiễn khác do đó, giá trị dự toán tạm tính này Đoàn kiểm toán không khẳng định là giá thị trường. Hơn nữa, việc mua bán thiết bị được tiến hành thông qua đấu thầu rộng rãi.
Vì vậy, trong báo cáo kiểm toán và các thông báo kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước, khoản chênh lệch 37 tỷ 950 triệu đồng, luôn được ghi nhận là chệnh lệch giữa giá trúng thầu và giá dự toán tạm tính của Đoàn kiểm toán. Số liệu này không phải là chênh lệch giữa giá trúng thầu và giá thị trường; do đó Kiểm toán Nhà nước không kiến nghị xử lý tài chính mà chỉ kiến nghị UBND tỉnh Gia Lai chỉ đạo các cơ quan chuyên môn kiểm tra làm rõ, xử lý theo quy định của pháp luật và báo cáo kết quả thực hiện kiến nghị về kiểm toán Nhà nước.
Thực hiện ý kiến này, ngày 17-3, UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành Quyết định số 223/QĐ-UBND thực hiện những kiến nghị của cơ quan Kiểm toán Nhà nước đối với những vấn đề có liên quan giao các cơ quan như: Sở Tài chính, Kho bạc, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Bệnh viện Đa Khoa Gia Lai và một số đơn vị có liên quan do đoàn kiểm toán nhà nước kiểm tra, thực hiện nghiêm tinh thần của Kết luận 07/TB-KV XII; kiểm tra, làm rõ, xử lý theo quy định của pháp luật đối với trách nhiệm của những cá nhân, tập thể để xảy ra sai phạm, báo cáo trước ngày 30-3-2017.
TP Hồ Chí Minh: Xử phạt 5 phòng khám sai phạm
http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Doi-song/865286/tp-ho-chi-minh-xu-phat-5-phong-kham-sai-pham
Hàng loạt các phòng khám tư nhân có yếu tố người nước ngoài bị xử phạt hành chính với các vi phạm chủ yếu là bán thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ, thuốc không phép lưu hành, người hành nghề không có chứng chỉ...
Ngày 27-3, Thanh tra Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, từ đầu năm 2017 đến nay, Sở Y tế đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 5 phòng khám có yếu tố nước ngoài và một người nước ngoài với tổng số tiền phạt 316,8 triệu đồng. Điển hình là Công ty TNHH Đầu tư Y tế Quốc tế Đông Á bị phạt 120 triệu đồng do đơn vị này cung cấp dịch vụ khám bệnh - chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động; Công ty TNHH MTV Dịch vụ Y tế Thái Bình Dương bị phạt 145,7 triệu đồng vì cung cấp dịch vụ khám bệnh - chữa bệnh vượt quá phạm vi chuyên môn được ghi trong giấy phép hoạt động, chữa bệnh và lập sổ khám bệnh - chữa bệnh nhưng không ghi chép đầy đủ theo quy định của pháp luật. Đặc biệt, ông Ning He -phòng khám đa khoa Thái Bình Dương bị phạt 35 triệu đồng vì hành nghề vượt quá phạm vi chuyên môn được phép.
Năm 2016, Sở Y tế cũng đã phạt 15 phòng khám nước ngoài và một người nước ngoài với tổng số tiền hơn 1,163 tỷ đồng.
Sau rượu là… bệnh tâm thần!
http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Suc-khoe/865270/sau-ruou-la%E2%80%A6-benh-tam-than
Những vụ ngộ độc rượu xảy ra trong thời gian qua một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc người dân sử dụng mặt hàng này tràn lan. Không chỉ gây nhiễm độc cấp tính, lạm dụng rượu, bia còn gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tâm thần, thường gặp và gây hậu quả nặng nhất là chứng rối loạn tâm thần, ảo giác, hoang tưởng…
Anh Đỗ Văn T (ở Nghĩa Hưng, Nam Định), dù mới 34 tuổi nhưng đã có "thâm niên uống rượu" gần 20 năm, mang trong mình đủ thứ bệnh. Lần gần đây, anh T được đưa vào viện trong tình trạng lơ mơ, nôn ra máu, chân tay run rẩy, nói nhảm… Vợ anh T kể: Anh bị khô gan, bệnh đường ruột, theo bác sĩ, chỉ cần kiêng rượu và uống thuốc theo đơn là bệnh thuyên giảm. Nhưng chứng nào tật đó, anh T uống thuốc được hai tháng thì dừng, còn rượu thì không bỏ ngày nào. Đêm đầu tiên ở Khoa Tiêu hóa (Bệnh viện - BV- Bạch Mai), vì không được uống rượu anh T đã la hét, mê sảng khiến nhiều người phải lao vào giữ tay, chân...
Tương tự là trường hợp ông Đàm Văn T (57 tuổi, ở Yên Thường, Gia Lâm, Hà Nội), bị xơ gan giai đoạn cuối. Người nhà bệnh nhân cho biết, mỗi lần sức khỏe ổn định và được xuất viện, bác sĩ đều dặn phải bỏ rượu và hẹn tái khám. Dù vậy nhưng ông T vẫn quyết không bỏ "chất cay". "Đến hẹn lại lên", mỗi lần nhập viện không được uống rượu là ông lại lên cơn sảng.
Tại Khoa Tiêu hóa (BV Bạch Mai), trước đây, thi thoảng các bác sĩ mới phải tiếp nhận ca rối loạn tâm thần do sảng rượu nhập viện. Tuy nhiên thời gian gần đây, số ca sảng rượu như ông Đàm Văn T và anh Đỗ Văn T ngày một tăng. Thậm chí có ngày khoa này nhận tới 4-5 ca sảng rượu. Đáng nói là người mắc hội chứng mê sảng ngày càng trẻ hóa, chủ yếu ở độ tuổi 30-40.
Theo TS Vũ Trường Khanh, Phó Trưởng khoa Tiêu hóa (BV Bạch Mai), sau vài ngày điều trị bệnh, không được uống rượu, người bệnh bắt đầu có biểu hiện hội chứng cai (còn gọi là rối loạn tâm thần do rượu), trong đó, mức độ nặng nhất là sảng rượu. Triệu chứng "lên cơn" thường xuất hiện vào ngày thứ 3-4 là mất ngủ, chân tay run lẩy bẩy, vã mồ hôi toàn thân, hoang tưởng, la hét, vật vã.
Tại BV Tâm thần Hà Nội, trung bình mỗi năm tiếp nhận khoảng 500 ca bệnh loạn thần do rượu. Bác sĩ Lý Trần Tình, nguyên Giám đốc BV cho biết, nghiện rượu gây ra ảo giác nhưng hầu hết bệnh nhân không nghĩ mình đang mắc bệnh nên thường không hợp tác với y, bác sĩ.
Việt Nam là một trong 12 quốc gia trên thế giới cho phép người dân tự nấu rượu. Nhiều cơ sở sản xuất rượu, bia bằng phương pháp thủ công quy mô nhỏ, không thực hiện đầy đủ các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm. Mặt khác, việc kiểm soát hàm lượng methanol (cồn công nghiệp) trong rượu chưa tốt; chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với rượu sản xuất thủ công nên đã gây tác hại khôn lường đến sức khỏe người dùng.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, ở nước ta không có bất cứ sự hạn chế nào về thời gian bán rượu và quy định số lượng rượu được phép bán uống tại chỗ..., vì thế, tỷ lệ sử dụng rượu, bia tăng quá nhanh. "Nếu không có biện pháp mạnh nhằm hạn chế tình trạng sử dụng rượu, bia thì trong tương lai, Việt Nam sẽ là quốc gia đứng đầu về mức độ sử dụng rượu, bia chứ không phải thứ 29 thế giới như hiện nay" - ông Long cảnh báo.
Hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia là đột phá của cả ngành Y tế”
Ông Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng, hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia là bước đột phá bởi nó chuyển từ việc quản lý tiêm chủng, vắc xin trên giấy sang quản lý bằng phần mền tiện lợi và tiết kiệm hơn rất nhiều.
- Hôm nay, Bộ Y tế đã chính thức khai trương hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia. Qua quá trình thử nghiệm trước khi khai trương thì ông có nhận định gì về hiệu quả của hệ thống này đem lại?
Với cơ quan quản lý như Bộ Y tế thì đương nhiên hệ thống này rất phù hợp vì phần mềm cho biết toàn bộ quá trình, kế hoạch và triển khai kế hoạch cho các chương trình tiêm chủng. Tuy nhiên, một đánh giá rất quan trọng từ người sử dụng trực tiếp sử dụng hệ thống này là các cán bộ y tế cơ sở khi triển khai ở 5 tỉnh thành phố, 100% xã phường đã đánh giá là rất tiện sử dụng và hỗ trợ tốt cho công việc của họ.
Tuy nhiên một điều nữa chúng tôi đang đợi đánh giá là đánh giá của người dân đối với hệ thống này vì yếu tố quan trọng cấu thành trong hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia chính là người dân. Người dân có thể giúp cho Bộ Y tế rất nhiều trong việc quản lý đối tượng tiêm, tức là chính con em mình trong vấn đề về tiêm chủng, dinh dưỡng, sức khỏe.
Tuy nhiên, cần phải có thời gian để đánh giá về vấn đề này, nhưng chúng tôi đang tiến tới phải làm sao tiện ích nhất cho một người dân có con em nhỏ khi ứng dụng hệ thống này trong ngành Y tế.
Tôi cho rằng đây là bước đột phá khá lớn, bởi trước đây chúng ta vẫn có vấn đề về lập kế hoạch, rồi quản lý tiêm chủng vắc xin, rồi vấn đề về quản lý sau tiêm chủng trên sổ sách truyền thống nhưng bây giờ chúng ta sẽ triển khai hoàn toàn bằng hệ thống điện tử. Hệ thống này sẽ quản lý vắc xin bằng hệ thống điện tử, cho đến thực hiện buổi tiêm cũng bằng hệ thống điện tử. Tới đây, sẽ có hình ảnh buổi tiêm không có giấy tờ nào trên bàn nữa mà chỉ thực hiện qua hệ thống thiết bị điện tử, qua máy tính và quản lý sau tiêm chủng cũng thực hiện như vậy.
- Để vận hành hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia trong bối cảnh trình độ công nghệ thông tin của các cán bộ y tế cơ sở không đồng đều và không phải người dân nào cũng biết sử dụng. Vậy các ông và phía Viettel đã giải bài toán này như thế nào?
Khi tiến hành thiết kế cho phần mềm này thì chúng tôi tính đến cả những người có trình độ tin học rất thấp, người ta có thể sử dụng điện thoại thông minh thì có thể sử dụng phần mềm này. Phần mềm này rất tiện ích, trên máy tính để bàn, máy tính bảng, điện thoại thông minh đều dùng được. Và các động tác sử dụng rất là dễ. Bên chúng tôi xác định là những nhân viên y tế ở cơ sở, nhất là ở vùng sâu vùng xa, thì người ta không thể có kiến thức nền tảng tin học như những nơi khác nên chúng tôi đã xây dựng phần mềm trên cơ sở như vậy.
Qua quá trình làm việc với Viettel, chúng tôi thấy rằng điều quan trọng nhất của những người làm kỹ thuật của Viettel để xây dựng hệ thống này là họ luôn biết lắng nghe. Ở đây lắng nghe không phải lắng nghe chúng tôi mà họ luôn lắng nghe cán bộ y tế cơ sở, lắng nghe ý kiến của những người trực tiếp sử dụng phần mềm này, từ đó họ sẽ có ý kiến phản hồi tốt nhất để xây dựng hệ thống. Thông thường cán bộ công nghệ thông tin nghĩ rằng người khác có trình độ tin học cao như mình, nhưng thực ra không phải vậy. Trong khi đó cán bộ y tế thì lại nghĩ rằng những người khác phải có kiến thức y khoa như mình. Nhưng ở đây hệ thống này là sự phối hợp hài hòa giữa 2 bên đã tạo ra sự thành công của sản phẩm. Nếu không có thì Viettel chúng tôi vẫn sẽ phát triển phần mềm rất hoàn hảo, nhưng người ta không sử dụng được vì đòi hỏi quá cao về mặt kỹ thuật. Qua quá trình phối hợp chúng tôi cùng với Viettel đã phát triển phần mềm này vừa dễ sử dụng, vừa tiện ích, đó là điều quan trọng.
- Hiện có nhiều đơn vị công nghệ thông tin đang phát triển sản phẩm, giải pháp cho y tế, vậy Bộ Y tế sẽ chọn đơn vị có điều kiện như thế nào để sử dụng sản phẩm, giải pháp của họ?
Quan điểm của chúng tôi là lựa chọn theo cơ chế thị trường. Nếu một sản phẩm tốt của đơn vị nào làm thì người ta đều có thể sử dụng. VNPT hay là Viettel hay bất cứ đơn vị nào khác có sản phẩm tốt phục vụ cho hệ thống y tế, thì đều có thể được lựa chọn. Ví dụ như hệ thống thông tin kết nối dữ liệu bảo hiểm y tế thì không phải một đơn vị nào mà có nhiều các đơn vị tham gia.
Ở đây xin lưu ý chúng tôi chỉ thuê dịch vụ công nghệ thông tin chứ không phải thuê thiết kế phần mềm, hai vấn đề này khác nhau rất nhiều. Hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia sẽ do Viettel vận hành và phải đảm bảo cho hệ thống này chạy dễ dàng, đồng bộ và chúng tôi trả tiền thuê. Về chi phí thuê hệ thống này như thế nào thì thời gian tới 2 bên sẽ ngồi tính và các cơ quan thẩm định nhất là Bộ Tài chính sẽ có thẩm định theo giá thuê dich vụ công nghệ thông tin chung.
- Trong bài phát biểu của mình tạo sự kiện này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kỳ vọng đây chỉ là khởi đầu để Bộ Y tế đẩy mạnh ứng dụng CNTT. Vậy Bộ Y tế sẽ triển khai chỉ đạo này như thế nào?
Tôi cho rằng có rất nhiều việc phải làm để thực hiện theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Việc làm đầu tiên là phầm mềm này phải được triển khai trên phạm vi toàn quốc, kết thúc việc sử dụng giấy truyền thống. Hiện nay, việc quản lý tiêm chủng ở tuyến cơ sở đang có 12 quyển sổ theo dõi, nhưng một năm tới chúng tôi đưa ra lộ trình là phải không còn quyển sổ nào nữa mà phải dùng phần mềm hết. Để thực hiện được điều này rất khó khăn, nhưng đó là Phó Thủ tướng yêu cầu, và đó là thời gian chậm nhất mà chúng tôi phải thực hiện.
Thứ hai là trên cơ sở phần mềm này sẽ có những phần mềm tích hợp, ví dụ như ngay trong phần mềm này đã có đó là theo dõi dinh dưỡng của trẻ, theo dõi dinh dưỡng trong suốt cả cuộc đời thời thơ ấu. Hiện chúng ta có tới 22 triệu học sinh và chúng tôi sẽ phải quản lý sức khỏe học sinh này bằng ứng dụng công nghệ thông tin. Sắp tới hệ thống này sẽ tích hợp cả quản lý sức khỏe cá nhân, khi mà chúng ta có những phần mềm dịch vụ y tế cơ bản thì phần mềm này liên kết phần mềm kia tạo ra cơ sở dữ liệu như vậy.
Mục tiêu quan trọng nhất của ngành Y tế là mỗi người dân tự biết được tình trạng sức khỏe của mình, tự quản lý được sức khỏe của mình, và tự nâng cao được sức khỏe của mình. Mỗi một người dân khỏe là cả nước khỏe theo, đúng lời Chủ tịch Hồ Chí Minh, và cũng là mong muốn của ngành Y chúng tôi. Đây cũng là cải cách hành chính, tạo điều kiện tiếp cận thuận lợi nhất, mang ngành Y tế tới người dân gần hơn nữa, đó là mục tiêu chúng tôi đang hướng tới.
Xin cảm ơn ông!
Phẫu thuật thành công một ca bệnh tim bẩm sinh nặng
Dưới sự hướng dẫn của các bác sĩ chuyên khoa phẫu thuật tim Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.Hồ Chí Minh), các bác sĩ Khoa Hồi sức - phẫu thuật tim Bệnh viện đa khoa Thống Nhất vừa phẫu thuật thành công một ca bệnh tim bẩm sinh nặng.
Bệnh nhân là bà Đỗ Thị Mỹ Hạnh (37 tuổi, ngụ TX.Long Khánh), bị bệnh tim bẩm sinh thông liên nhĩ, hở van 3 lá nặng, tăng áp lực động mạch phổi, thường xuyên có các triệu chứng khó thở, nhói ở ngực, mệt mỏi. 3 ngày sau khi được phẫu thuật tim hở, đến ngày 26-3 bệnh nhân đã tỉnh táo, tự thở được, không còn nhói ngực, ăn uống bình thường, đang tập đi lại.
Bác sĩ Đỗ Trung Dũng, Khoa Hồi sức - phẫu thuật tim Bệnh viện đa khoa Thống Nhất, cho biết đây là ca thứ 2 được phẫu thuật tim hở tại bệnh viện.
Nghệ An: Gắp thành công dị vật trong đường thở bé trai 26 tháng tuổi
Ngậm đồ chơi là cái còi kèn nhựa và vô tình nuốt vào miệng, bé trai 26 tháng tuổi rơi vào trạng thái tím tái, khó thở và nguy kịch.
Vào tối 26/3, Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An tiếp nhận bệnh nhi Hồ Nghĩa Anh Bình ở xã Quỳnh Bảng (Quỳnh Lưu, Nghệ An) nhập viện với tình trạng mệt, tím tái, khó thở, khi thở có tiếng còi kêu và được bác sỹ Khoa Tai - Mũi - Họng chẩn đoán bị hóc dị vật đường thở.
Kíp phẫu thuật là bác sỹ Đinh Xuân Hương, Trưởng khoa Tai - Mũi - Họng và bác sỹ Trịnh Thanh Hưng - bác sỹ điều trị cho biết: “Sau khi hội chẩn, kíp mổ đã quyết định dùng phương pháp gây mê tĩnh mạch nội soi phế quản để gắp dị vật ra. Sau khi gắp dị vật trong đường thở, bé Anh Bình dần phục hồi sức khỏe và đang được theo dõi tích cực”.
Sau khi lấy được dị vật, chức năng hô hấp của bé được phục hồi nhanh, bé Anh Bình đã tỉnh táo, đã ăn được cháo và uống sữa.
Trước tình trạng hóc dị vật ở trẻ có tình trạng gia tăng và gây nguy hiểm đến tính mạng, bác sỹ Đinh Xuân Hương khuyến cáo: Dị vật đường thở và đường ăn rất hay gặp ở trẻ nhỏ, chiếm tỷ lệ 90% trẻ dưới 4 tuổi. Lỗi không phải do trẻ mà chính là ở những phụ huynh bất cẩn. Phụ huynh nên cảnh giác với đồ chơi kích thước nhỏ như đồng xu, bi, pin đồng hồ dạng tròn, bút hoặc nắp bút, bánh xe của đồ chơi cao su có kích thước nhỏ, hạt xâu chuỗi, cúc áo, nắp chai nhựa… là những thứ vừa miệng, nên trẻ hay ngậm và dễ gây ra hóc, mắc.