Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 09/11/2020

  • |
T5g.org.vn - Tỷ lệ điều trị khỏi COVID-19 ở nước ta trên 96%; 67 ngày liên tiếp, Việt Nam không ghi nhận ca mắc Covid-19 tại cộng đồng; Giảm gánh nặng của bệnh ung thư; Nhiều người dân vẫn chủ quan, lơ là trước dịch COVID-19…

 

Tỷ lệ điều trị khỏi COVID-19 ở nước ta trên 96%

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn: Sự tham gia tích cực và chủ động của Tiểu ban điều trị, sự nỗ lực không ngừng nghỉ của các y bác sĩ trong thời gian qua đã giúp tạo nên thành công trong điều trị ca bệnh COVID-19 tại các cơ sở khám chữa bệnh, thể hiện bằng tỷ lệ điều trị khỏi cao - tới 96,4%

Ngày 6/11 tại Thanh Hóa, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị sơ kết và triển khai thực hiện công tác điều trị COVID-19 trong giai đoạn mới.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn- Phó trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, Trưởng Tiểu ban Điều trị; Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên- Phó trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch dự hội nghị.

Dự Hội nghị còn có đại diện lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, các Vụ, Cục của Bộ Y tế, các thành viên Tiểu ban Điều trị, Hội đồng chuyên môn các bệnh truyền nhiễm; Hội đồng xây dựng tài liệu kiểm soát nhiễm khuẩn; đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam, các nhà quản lý, các cán bộ y tế trực tiếp chăm sóc và điều trị bệnh nhân COVID-19 tại hơn 30 cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19 và các bệnh viện trên cả nước.

Nhiều sáng kiến, giải pháp hay, tiếp cận kinh nghiệm tiên tiến trên thế giới

Phát biểu tại Hội nghị, PGS.TS Nguyễn Trường Sơn cho biết, đến thời điểm này, Việt Nam đã bước sang ngày thứ 65 không phát hiện ca bệnh COVID-19 tại cộng đồng...

“Đây là một điều rất hạnh phúc trong bối cảnh thế giới dịch COVID-19 đang rất căng thẳng với trên 47 triệu người mắc và trên 1,2 triệu người tử vong. Trong những ngày này, một số nước tiên tiến hàng đầu thế giới đã phải tái áp dụng biện pháp phong tỏa (lock down), biện pháp cuối cùng không ai mong muốn. Hiện Việt Nam đã ghi nhận 1.210 ca bệnh, 1.069 ca được chữa khỏi ra viện, 35 ca tử vong vì COVID-19 và không có ca bệnh COVID -19 nặng”- Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, để đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong công tác điều trị cho người bệnh như vậy, điều quan trọng đầu tiên đó là sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, luôn quán triệt tinh thần "chống dịch như chống giặc," “không được chủ quan, không để dịch lây lan” và “chấp nhận một số thiệt hại về kinh tế để bảo vệ tính mạng, sức khỏe người dân"; sự vào cuộc của các bộ, ngành và nỗ lực của các thầy thuốc, sự hợp tác của người bệnh, đồng lòng của người dân từ việc cách ly điều trị ban đầu cho đến triển khai đồng bộ các giải pháp.

“Ngày hôm nay, chúng ta có thể thoải mái đi lại giữa các tỉnh nội địa, các hội nghị được tổ chức, học sinh được đến trường…, cả nước nói chung và ngành y tế nói riêng đã nỗ lực không ngừng, áp dụng, triển khai nhiều giải pháp tích cực phòng, chống dịch”.- Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn chia sẻ.

Đó là Tiểu ban Điều trị đã có nhiều sáng kiến, giải pháp hay, khoa học, hiện đại, tiếp cận với các kinh nghiệm tiên tiến trên thế giới với những nỗ lực cao nhất để cứu chữa người bệnh. Rất nhiều sáng kiến đã được áp dụng, tiêu biểu như thành lập Trung tâm hỗ trợ chẩn đoán chuyên môn điều trị COVID-19, thành lập các đội cơ động phản ứng nhanh, phân tuyến điều trị ca bệnh dương tính, xây dựng và ban hành Bộ tiêu chí bệnh viện an toàn phòng chống dịch bệnh COVID-19 và bệnh viêm đường hô hấp cấp...

“Sự tham gia tích cực và chủ động của Tiểu ban điều trị trong thời gian qua, sự nỗ lực không ngừng của các y bác sĩ đã giúp tạo nên thành công của công tác điều trị ca bệnh COVID-19 tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thể hiện bằng tỷ lệ điều trị khỏi cao (tới 96,4%), tỷ lệ các ca bệnh nặng, bệnh nền được chữa khỏi cao; khống chế tối đa tỷ lệ tử vong và hạn chế được tỷ lệ lây nhiễm chéo trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh”, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết.

Các yếu tố đặc biệt quan trọng làm nên thành công trong điều trị

Tại Hội nghị, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh, Phó trưởng Tiểu Ban Điều trị, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ chẩn đoán chuyên môn điều trị COVID-19 cho biết, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, toàn ngành Y tế đã chủ động, cảnh giác cao độ để thực hiện phòng, chống dịch bệnh lây nhiễm trên diện rộng và điều trị cho bệnh nhân COVID-19.

Theo Cục trưởng Lương Ngọc Khuê, những yếu tố quan trọng, góp phần dẫn đến thành công trong điều trị COVID-19, đó là phân tuyến điều trị hợp lý với 4 tuyến điều trị theo mức độ diễn biến của người bệnh gồm tuyến xã, huyện, tỉnh và tuyến Trung ương.

Bên cạnh đó cập nhật thường xuyên hướng dẫn chẩn đoán và điều trị theo khuyến cáo của Tổ chức Tế thế giới và kinh nghiệm điều trị của các nước trên thế giới; cập nhật Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị 4 lần; xem xét các phương pháp điều trị như sử dụng thuốc kháng virus, thuốc chống sốt rét; sử dụng huyết tương thay thế;

Xây dựng các tài liệu hướng dẫn chăm sóc sức khỏe cho các đối tượng khác nhau từ người mắc các bệnh mãn tính, đến hướng dẫn chăm sóc sức khỏe cho người khuyết tật và xây dựng 37 tiêu chí bệnh viện an toàn trong phòng chống COVID-19.

Cùng với đó là thành lập Trung tâm hỗ trợ chẩn đoán chuyên môn điều trị COVID-19 tập hợp và thống nhất đội ngũ chuyên gia giỏi trong hội chẩn bệnh nhân COVID-19 nặng và điều hành khi các bệnh viện bị đóng cửa; thành lập các đội cơ động phản ứng nhanh xuống hỗ trợ trực tiếp cho các bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19.

Đến nay cả nước có hàng trăm đội cơ động phản ứng nhanh, tinh nhuệ, giỏi về chuyên môn sẵn sàng hỗ trợ cho các bện viện.

Yếu tố tiếp theo được PGS.TS Lương Ngọc Khuê nhắc đến là ngành Y tế đã chú trong mở rộng công tác xét nghiệm, từ chỗ chỉ có 3 đơn vị được xét nghiệm SARS-CoV-2, Tiểu ban Điều trị đã tham mưu mở rộng công tác xét nghiệm tại các cơ sở khám, chữa bệnh.

Hiện đã có trên 50 bệnh viện đủ năng lực xét nghiệm SARS-CoV-2, góp phần giúp các bệnh viện chủ động trong công tác xét nghiệm, giảm thời gian chờ đợi của người bệnh, giảm quá tải cho hệ thống y tế dự phòng trong xét nghiệm các đối tượng nguy cơ...

Ngoài các yếu tố trên, theo Cục trưởng Lương Ngọc Khuê, công tác khám chữa bệnh đã thực hiện tốt và phối hợp với toàn hệ thống cơ sở y tế trên cả nước để thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp phòng chống dịch.

“Đặc biệt phải kể tới là sự chủ động tích cực và sẵn sàng lao vào tâm dịch để hỗ trợ, chăm sóc, điều trị ca bệnh COVID-19 của các cán bộ y tế, sự hỗ trợ của đội ngũ chuyên gia hồi sức cấp cứu, truyền nhiễm, xét nghiệm… tại các bệnh viện tuyến trên đã thường xuyên liên tục theo dõi sát sao từng ca bệnh tại tất cả các cơ sở khám chữa bệnh trên cả nước để cùng hội chẩn và đưa ra hướng điều trị tối ưu cho người bệnh, thông qua hình thức giao ban trực tuyến với các cơ sở có điều trị”- PGS.TS Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh.

Toàn hệ thông khám chữa bệnh không được chủ quan, xem nhẹ phòng chống dịch

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, có thể nói rằng, chúng ta đã đạt những thành công rất quan trọng trong phòng chống và điều trị COVID-19. Tuy nhiên hiện nay trên thế giới, dịch bệnh đang diễn biến vô cùng phức tạp. Các chuyến bay thương mại đã được mở lại. Nguy cơ dịch bệnh tại Việt Nam rất cao.

Sau 65 ngày không phát hiện dịch trong cộng đồng, chúng ta đang bước vào trạng thái bình thường mới. Hiện nay các bệnh viện đang triển khai Bộ tiêu chí Bệnh viện an toàn phòng chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp theo Quyết định 3088/QĐ-BYT ngày 16/7/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế. Bộ tiêu chí đã được các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nghiêm túc thực hiện.

Cùng với đó là thành lập Trung tâm hỗ trợ chẩn đoán chuyên môn điều trị COVID-19 tập hợp và thống nhất đội ngũ chuyên gia giỏi trong hội chẩn bệnh nhân COVID-19 nặng và điều hành khi các bệnh viện bị đóng cửa; thành lập các đội cơ động phản ứng nhanh xuống hỗ trợ trực tiếp cho các bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19.

Đến nay cả nước có hàng trăm đội cơ động phản ứng nhanh, tinh nhuệ, giỏi về chuyên môn sẵn sàng hỗ trợ cho các bện viện.

Yếu tố tiếp theo được PGS.TS Lương Ngọc Khuê nhắc đến là ngành Y tế đã chú trong mở rộng công tác xét nghiệm, từ chỗ chỉ có 3 đơn vị được xét nghiệm SARS-CoV-2, Tiểu ban Điều trị đã tham mưu mở rộng công tác xét nghiệm tại các cơ sở khám, chữa bệnh.

Hiện đã có trên 50 bệnh viện đủ năng lực xét nghiệm SARS-CoV-2, góp phần giúp các bệnh viện chủ động trong công tác xét nghiệm, giảm thời gian chờ đợi của người bệnh, giảm quá tải cho hệ thống y tế dự phòng trong xét nghiệm các đối tượng nguy cơ...

Ngoài các yếu tố trên, theo Cục trưởng Lương Ngọc Khuê, công tác khám chữa bệnh đã thực hiện tốt và phối hợp với toàn hệ thống cơ sở y tế trên cả nước để thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp phòng chống dịch.

“Đặc biệt phải kể tới là sự chủ động tích cực và sẵn sàng lao vào tâm dịch để hỗ trợ, chăm sóc, điều trị ca bệnh COVID-19 của các cán bộ y tế, sự hỗ trợ của đội ngũ chuyên gia hồi sức cấp cứu, truyền nhiễm, xét nghiệm… tại các bệnh viện tuyến trên đã thường xuyên liên tục theo dõi sát sao từng ca bệnh tại tất cả các cơ sở khám chữa bệnh trên cả nước để cùng hội chẩn và đưa ra hướng điều trị tối ưu cho người bệnh, thông qua hình thức giao ban trực tuyến với các cơ sở có điều trị”- PGS.TS Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh.

Toàn hệ thông khám chữa bệnh không được chủ quan, xem nhẹ phòng chống dịch

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, có thể nói rằng, chúng ta đã đạt những thành công rất quan trọng trong phòng chống và điều trị COVID-19. Tuy nhiên hiện nay trên thế giới, dịch bệnh đang diễn biến vô cùng phức tạp. Các chuyến bay thương mại đã được mở lại. Nguy cơ dịch bệnh tại Việt Nam rất cao.

"Để tiếp tục duy trì những thành công trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, trong thời gian tới các Sở Y tế và bệnh viện cần tiếp tục quán triệt sâu sắc để áp dụng và cải tiến các hoạt động phòng, chống dịch, rà soát các nguy cơ để sớm khắc phục ngay. Đồng thời cần xác định rõ các nguy cơ, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, xem nhẹ dịch bệnh"- Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn yêu cầu.

Các cơ sở y tế tranh thủ thời gian dịch ổn định, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ y tế, đăc biệt tuyến cơ sở về kiểm soát nhiễm khuẩn, phát hiện sớm báo cáo ca bênh, truy vết trong bệnh viện…
Các cơ sở y tế nâng cao năng lực sử dụng trang thiết bị y tế, máy thờ, điều trị ca nặng trong ICU cho các bệnh viện tỉnh, khu vực. Đồng thời chú trong công tác kiểm tra, giám sát; đúc rút kinh nghiệm, bài học quí, chia sẻ với các đơn vị... Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe các bài tham luận chia sẻ  kinh nghiệm điều trị bệnh nhân COVID-19, cách ly, chăm sóc, phục hồi và xét nghiệm COVID-19 của BV Bệnh Nhiệt đới TW, BV Chợ Rẫy, BV Bệnh Nhiệt đới TPHồ Chí Minh, BVNhi Trung ương... (Sức khỏe & Đời sống (trang 3).

 

67 ngày liên tiếp, Việt Nam không ghi nhận ca mắc Covid-19 tại cộng đồng

Theo tin từ Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, tính từ 6h đến 18h ngày 8-11, nước ta không ghi nhận ca mắc mới Covid-19.

Như vậy, đã 67 ngày liên tiếp (tính từ ngày 3-9 đến nay), nước ta không ghi nhận ca mắc Covid-19 tại cộng đồng. Tính đến thời điểm hiện tại, tổng số ca mắc Covid-19 tại Việt Nam là 1.213 ca, trong đó có 691 ca lây nhiễm trong nước.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 14.064 người, trong đó có 209 người cách ly tập trung tại bệnh viện, 12.926 người cách ly tập trung tại cơ sở khác và số còn lại cách ly tại nhà, nơi lưu trú.

Về tình hình điều trị, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị - Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, tính đến thời điểm hiện tại, nước ta đã điều trị khỏi cho 1.070 ca mắc Covid-19, ghi nhận 35 ca tử vong. Ngoài ra, trong số các ca bệnh còn lại đang điều trị tại các cơ sở y tế, 28 ca đã có kết quả xét nghiệm từ 1 đến 3 lần âm tính với vi rút SARS-CoV-2.

Hiện, Việt Nam đứng thứ 165 quốc gia, vùng lãnh thổ có ca mắc Covid-19 trên thế giới; 7/11 quốc gia có ca mắc trong khu vực Đông Nam Á. Trước tình hình dịch Covid-19 trên thế giới vẫn diễn ra vô cùng căng thẳng, số ca mắc tăng nhanh chóng, các quốc gia đang nỗ lực chống dịch và đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, sản xuất vắc xin Covid-19, các nhà nghiên cứu sản xuất vắc xin của Việt Nam cũng đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ. Trong 4 đơn vị nghiên cứu vắc xin của Việt Nam, có 2 đơn vị dự kiến cuối năm 2020 sẽ bắt đầu thử nghiệm vòng 1 trên người...

Trong khi chờ có vắc xin phòng bệnh, Bộ Y tế vẫn khuyến cáo người dân tuyệt đối nghiêm túc thực hiện thông điệp "5K": Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế trong phòng, chống dịch Covid-19. Còn tại các cơ sở y tế, cần tiếp tục quán triệt sâu sắc để áp dụng và cải tiến các hoạt động phòng, chống dịch, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, xem nhẹ dịch bệnh

Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người. Để cài đặt ứng dụng này trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc. (Hà Nội mới, trang 1).

 

Giảm gánh nặng của bệnh ung thư

Nhìn tổng quan trên bản đồ ung thư thế giới, tỷ lệ người mắc bệnh của nước ta không cao, nhưng tỷ lệ tử vong tương đối lớn, do phần lớn người bệnh đến khám ở giai đoạn cuối nên rất khó điều trị. Trong khi đó, ung thư không phải án tử cũng không phải là dấu chấm hết, nếu được phát hiện sớm. Do vậy, để giảm gánh nặng của bệnh ung thư, cần nâng cao nhận thức về dự phòng, phát hiện sớm, tăng cường khám sàng lọc. Tỷ lệ mắc không cao, nhưng tỷ lệ tử vong tương đối lớn

Đầu năm 2019, khi kiểm tra sức khỏe để đi làm việc ở nước ngoài, chị N.H.L. (22 tuổi, ở huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) phát hiện có khối u vùng trung thất. Sau đó, bệnh nhân đến khám chuyên khoa tại Bệnh viện Ung bướu Hà Nội và được chẩn đoán, mắc u lympho ác tính. Đây là bệnh đứng thứ 11 về tỷ lệ mắc và đứng thứ 11 về tỷ lệ tử vong trong số các loại bệnh ung thư. Sau 6 chu kỳ truyền hóa chất và thuốc điều trị đích, sức khỏe của chị L. tiến triển, khối u giảm kích thước rõ rệt, không còn tính chất ác tính. Từ tháng 10-2019, bệnh nhân dừng điều trị hóa chất, rồi 3 tháng sau mang thai con đầu lòng và mới đây đã sinh một bé trai khỏe mạnh nặng 3,5kg.

Tiến sĩ, bác sĩ Bùi Vinh Quang, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Hà Nội cho biết, mỗi năm, bệnh viện thực hiện khoảng 8.000 ca phẫu thuật, điều trị nội trú cho hơn 55.000 lượt bệnh nhân. Với các phương pháp điều trị tiên tiến hiện nay, ung thư không phải là án tử, không phải là dấu chấm hết. Chỉ cần người bệnh có niềm tin, tuân thủ phác đồ điều trị và kiên cường chiến đấu với bệnh tật, thì hạnh phúc vẫn sẽ luôn mỉm cười.

Đề cập đến vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K cho rằng, tỷ lệ chữa khỏi ung thư cao hay thấp tùy thuộc vào việc bệnh được phát hiện ở giai đoạn sớm hay muộn. Ở Việt Nam có ba loại ung thư thường gặp là phổi, gan, dạ dày. Những bệnh lý này thường tiên lượng rất xấu, tỷ lệ tử vong cao. Đặc biệt, người bệnh đến khám ở giai đoạn muộn, các bác sĩ không thể can thiệp, chỉ có thể điều trị giảm nhẹ. Đây chính là lý do khiến tỷ lệ tử vong do ung thư ở Việt Nam cao.

Theo Bộ Y tế, ở Việt Nam, mỗi năm ghi nhận khoảng 165.000 ca mắc mới và có 300.000 bệnh nhân đang sống chung với ung thư. Nhìn tổng quan trên bản đồ ung thư thế giới, tỷ lệ mắc ung thư của Việt Nam không cao, nhưng tỷ lệ tử vong tương đối lớn, xếp vị trí 56/185 quốc gia và vùng lãnh thổ với tỷ lệ 104,4/100.000 dân. Theo Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chấn Hùng, Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, nguyên nhân phần lớn là từ những nhận thức không đúng, thậm chí sai lầm của người dân Việt Nam về loại bệnh này. Đó là, suy nghĩ mắc ung thư là do số phận, có tâm lý buông xuôi, không thể chịu đựng mới tìm đến bệnh viện.

Cần thực hiện đồng bộ 4 nội dung cơ bản

Các phương tiện chẩn đoán, trang thiết bị, thuốc điều trị ung thư ở nước ta đã ngang bằng với nhiều nước trên thế giới. Để giám gánh nặng của bệnh ung thư, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Quảng, cần thực hiện đồng bộ, toàn diện và hiệu quả 4 nội dung cơ bản của chiến lược phòng, chống ung thư, gồm: Phòng bệnh, sàng lọc chẩn đoán sớm, điều trị và chăm sóc giảm nhẹ. Tuy nhiên, có một bất cập là bảo hiểm y tế vẫn chưa chi trả cho hoạt động sàng lọc, phát hiện sớm ung thư. “Về lâu dài, nếu Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả được một phần cho hoạt động sàng lọc ung thư, nhất là với nhóm đối tượng có nguy cơ cao sẽ giúp người dân được phát hiện sớm, điều trị hiệu quả”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Quảng nói.

Còn theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, lợi ích của việc tầm soát ung thư sớm là rất rõ ràng. Thời gian qua, ngành Ung bướu cũng có nhiều nỗ lực giảm nhẹ gánh nặng trên phạm vi cộng đồng, như: Tập trung đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức về dự phòng, phát hiện sớm, tăng cường khám sàng lọc ung thư ở quy mô rộng... Hiện, Bộ Y tế đang xây dựng Luật Khám chữa bệnh sửa đổi, trong đó dự kiến bổ sung quy định bảo hiểm y tế chi trả sàng lọc cho một số loại ung thư nhiều người mắc, như: Phổi, gan, vú, dạ dày…

Để phòng, tránh ung thư, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chấn Hùng khuyến cáo, phụ nữ trên 40 tuổi cần tầm soát ung thư vú và cổ tử cung. Nam giới trên 40 tuổi nghiện thuốc lá nặng (kể cả đã bỏ) cần tầm soát ung thư phổi, trên 50 tuổi cần tầm soát ung thư tuyến tiền liệt. Đối với những người có nguy cơ cao (viêm gan B, C) nếu trên 40 tuổi nên kiểm tra, rà tìm ung thư gan. Người có bệnh sử viêm loét dạ dày có thể xét nghiệm tìm vi khuẩn HP để có hướng xử lý thích hợp…

“Mỗi loại ung thư đều có triệu chứng riêng, nhưng giữa chúng vẫn có những dấu hiệu báo động chung, như: Rối loạn tiêu hóa, táo bón, tiêu chảy, vết sùi loét không lành, chảy máu bất thường, ăn không tiêu, khó nuốt, suy nhược, sụt cân… Do đó, người bệnh cần phải đi khám sớm và kỹ”, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chấn Hùng khuyến cáo. (Hà Nội mới, trang 1).

 

Cần xử lý nghiêm người không đeo khẩu trang tại phố đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm

Ngày 8-11, đoàn kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 số 2 của thành phố Hà Nội do bà Trần Thị Nhị Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội làm trưởng đoàn đã tiến hành kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn quận Hoàn Kiếm. Báo cáo với đoàn kiểm tra về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn quận Hoàn Kiếm thời gian qua, ông Đinh Hồng Phong, Phó Chủ tịch Thường trực UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, tính từ ngày 17-8 đến nay, thành phố đã có 83 ngày không phát hiện ca mắc Covid-19 tại cộng đồng. Chính vì vậy, nhiều cơ quan, đơn vị và người dân có tư tưởng chủ quan, lơ là trong việc chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.

Trước thực tế đó, UBND quận và 18 phường đã tích cực tuyên truyền nhân dân nghiêm túc thực hiện thông điệp "5K": Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế trong phòng, chống dịch Covid-19, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, xử phạt các trường hợp cố tình vi phạm các quy định về phòng, chống dịch trên địa bàn.

Tính đến ngày 7-11, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của quận Hoàn Kiếm và các phường tăng cường kiểm tra và xử phạt 502 trường hợp không đeo khẩu trang nơi công cộng với số tiền hơn 100 triệu đồng. Ngoài ra, UBND quận giao cho các đơn vị chức năng của quận và các phường tổ chức kiểm tra 355 lượt tại 21 cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, 53 nhà hàng ăn uống sử dụng nhạc, các quán nước chè vỉa hè, trong đó đã lập hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính 18 cơ sở không tuân thủ các quy định phòng dịch Covid-19 với tổng số tiền là 128,5 triệu đồng.

Đoàn công tác đã kiểm tra công tác phòng dịch tại phố đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận. Tại đây đã thiết lập chốt trực các lối vào tuyến phố đi bộ và tuyên truyền cho nhân dân, du khách thực hiện thông điệp "5K", yêu cầu mọi người bắt buộc phải đeo khẩu trang khi vào tuyến phố đi bộ. Tuy nhiên, đoàn kiểm tra cũng đã nhắc nhở nhiều người không thực hiện đeo khẩu trang.

Thay mặt đoàn kiểm tra, bà Trần Thị Nhị Hà cho rằng, trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 thời gian qua, quận Hoàn Kiếm đã có nhiều nỗ lực, cố gắng. Dù vậy, việc kiểm tra, xử lý vi phạm vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Do đó, cùng với công tác tuyên truyền, cơ quan chức năng của quận cần tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm những trường hợp không tuân thủ quy định phòng, chống dịch.

"Chúng ta càng làm chặt chẽ, nhất là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thì việc phòng dịch càng đạt hiệu quả cao", bà Trần Thị Nhị Hà nhấn mạnh.

Trước đó, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 4966/QĐ-UBND ngày 4-11-2020 về thành lập 5 đoàn kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố. Theo quyết định, từ ngày 5-11 đến khi kết thúc dịch, các đoàn sẽ thường xuyên tiến hành kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại các địa phương.

Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người. Để cài đặt ứng dụng này trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc. (Hà Nội mới, trang 7).

 

Nhiều người dân vẫn chủ quan, lơ là trước dịch COVID-19

Theo Nghị định 117/2020/NĐ-CP, sẽ tăng mạnh mức xử phạt đối với hành vi không đeo khẩu trang nơi công cộng để phòng dịch COVID-19 từ ngày 15.11.2020. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, vẫn còn người dân chưa có ý thức về việc đeo khẩu trang ở nơi công cộng. Chủ tịch phường trực tiếp đi kiểm tra phòng dịch COVID-19

Ghi nhận của Lao Động sáng ngày 8.11 tại không gian phố đi bộ Hồ Gươm, Công an quận Hoàn Kiếm cùng cán bộ, nhân viên y tế các phường Hàng Trống, Tràng Tiền, Lý Thái Tổ, Hàng Đào tiếp tục hoạt động tuyên truyền, nhắc nhở và xử phạt người dân không tuân thủ, quy định đeo khẩu trang phòng chống dịch COVID-19.

Theo ghi nhận, đa số người dân đều chấp hành việc đeo khẩu trang khi dạo chơi, tham quan tại hồ Hoàn Kiếm. Tuy nhiên, một số người dân vẫn chủ quan, thờ ơ với những chiếc khẩu trang. Khi được lực lượng chức năng nhắc nhở, nhiều người dân đã biện minh ra nhiều lý do về việc không đeo khẩu trang của mình.

Bà Lê Phương Hoàng Yến - Chủ tịch UBND phường Tràng Tiền, Hoàn Kiếm đã trực tiếp xuống các chốt tại phố đi bộ Hồ Gươm để chỉ đạo việc tuyên truyền, nhắc nhở người dân về việc phòng chống dịch.

Thông tin với Lao Động, bà Yến cho biết: “Chúng tôi đã chỉ đạo lực lượng công an phường, dân phòng, cán bộ y tế… tham gia trực tiếp tuyên truyền, nhắc nhở, xử phạt người dân không tuân thủ quy định đeo khẩu trang khi tham gia không gian đi bộ. Tất cả người dân không có khẩu trang tuyệt đối không được vào bên trong phố đi bộ”.

Tại các điểm chốt như đầu phố Tràng Tiền, ngã tư Hàng Khay - Bà Triệu, ngã tư Lương Văn Can - Hàng Gai đều có biển nhắc nhở người dân đeo khẩu trang khi vào phố đi bộ.

Không đeo khẩu trang phòng dịch trong bệnh viện

Cũng trong ngày 8.11, tại Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Phụ sản Trung ương là những nơi tập trung rất đông bệnh nhân và người nhà. Theo ghi nhận của phóng viên, đa số người dân chấp hành nghiêm chỉnh quy định phòng, chống dịch COVID-19. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều trường hợp bệnh nhân, người nhà bệnh nhân chủ quan không đeo khẩu trang, đeo không đúng quy định và không giữ khoảng cách trong khuôn viên bệnh viện.

Tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, tình trạng hàng quán, quán nước cũng bao vây xung quanh không gian bệnh viện. Ở khu vực lối vào của bệnh viện, luôn có nhân viên túc trực, yêu cầu người dân đeo khẩu trang khi vào bệnh viện bằng một lối đi riêng. Còn ở không gian bên trong, mặc dù có thông báo của bệnh viện yêu cầu người nhà và bệnh nhân ngồi giữ khoảng cách 1m nhưng người dân vẫn chưa tuân thủ nghiêm quy định này. Vẫn còn nhiều người đến không giữ khoảng cách, cũng chủ quan lơ là không đeo khẩu trang hoặc đeo khẩu trang không đúng cách nơi đông người.

Nhiều người thản nhiên không đeo khẩu trang, ngồi sát nhau nói chuyện mà không giữ khoảng cách như quy định của bệnh viện. Tại cổng bệnh viện Việt Đức, một số người dân và bệnh nhân cũng lơ là, không đeo khẩu trang. Trong đó có rất đông các tài xế xe ôm cũng không chấp hành quy định phòng dịch COVID-19. Đặc biệt, những quán hàng nước xung quanh bệnh viện trên phố Phủ Doãn, tình trạng người dân ngồi uống nước lấn chiếm lối đi, vỉa hè của người đi bộ. Người dân thản nhiên ngồi uống nước, không giữ khoảng cách cũng “quên” mất việc cần phải đeo khẩu trang để phòng dịch COVID-19.

Hiện nay, hành vi không đeo khẩu trang nơi công cộng trong tình hình dịch COVID-19 bị áp dụng mức xử phạt về hành vi không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế.

Khẩu trang dạo đắt hàng trên phố đi bộ Hồ gươm

Lực lượng chức năng chốt chặn trước mỗi điểm vào khu vực phố đi bộ (quanh Hồ Hoàn Kiếm), TP.Hà Nội yêu cầu người dân phải thực hiện việc đeo khẩu trang nơi công cộng. Nhiều người không mang theo, chấp nhận mua lại khẩu trang từ đội quân bán dạo.

Không có khẩu trang sẽ không được lực lượng chức năng cho vào khu vực phố đi bộ, nhiều người chấp nhận mua lại từ đội quân bán dạo. Do giá không quá đắt, giao động từ 3-5.000 đồng/chiếc tùy loại nên nhiều người chấp nhận mua.

Công an quận Hoàn Kiếm, CAHN cho biết, lực lượng công an tham gia cùng các tổ công tác sẵn sàng phối hợp cùng cán bộ y tế, cương quyết mời những người không đeo khẩu trang không được vào khu vực phố đi bộ Hồ Gươm. Tại những điểm chốt đều bố trí xe chuyên dụng và hệ thống loa tuyên truyền ở vị trí thuận tiện để thông tin tới người dân. Một số trường hợp không hợp tác đã bị xử phạt.  (Lao động, trang 3).

 

TP.Hồ Chí Minh: Lấy mẫu ngẫu nhiên để xét nghiệm COVID-19

Để tăng cường công tác phòng chống COVID-19, hiện các địa phương ở TPHCM cho biết, trước mắt sẽ tuyên truyền nhắc nhở người dân nâng cao ý thức về đeo khẩu trang nơi công cộng để phòng ngừa dịch bệnh. Đồng thời, thành phố cũng lấy mẫu ngẫu nhiên để xét nghiệm COVID-19 đối với những đối tượng, khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao.

Đeo khẩu trang nơi công cộng: Nơi tuân thủ, nơi lơ là

Theo dõi địa bàn đông công nhân và người lao động, bà Trang Thị Hòa Hợp - Phó Chủ tịch UBND phường An Lạc A - cho biết, phường hiện đã chuyển các văn bản chỉ đạo đến từng khu phố để tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở người dân đeo khẩu trang ở nơi công cộng, không lơ là trước dịch bệnh. Còn ông Châu Văn An - Phó Chủ tịch UBND Phường 4, quận 10 - thì thông tin: “Trong thời gian tới phường sẽ tiến hành ra quân, nếu người dân nào không chấp hành sẽ tiến hành xử phạt theo quy định”.

Theo ghi nhận của PV, sau chỉ đạo của UBND TPHCM về các biện pháp phòng chống COVID-19 trong tình hình mới, việc chấp hành việc đeo khẩu trang tại khu vực công cộng như: Siêu thị, trung tâm thương mại diễn ra khá tốt. Hệ thống các siêu thị và trung tâm thương mại tiếp tục duy trì việc nhắc nhở người dân đeo khẩu trang khi đến tham quan mua sắm.

Tại bến bãi và trên phương tiện giao thông công cộng, người dân cơ bản cũng tuân thủ đeo khẩu trang. Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng TPHCM cho biết, đơn vị vẫn đang tiếp tục yêu cầu lái xe, nhân viên phục vụ tuyên truyền, nhắc nhở hành khách đi xe buýt đeo khẩu trang để đảm bảo công tác phòng bệnh COVID-19. Trường hợp hành khách không hợp tác trong công tác phòng, chống dịch bệnh (không đeo khẩu trang, không tuân thủ các khuyến cáo) thì từ chối phục vụ.

Tuy nhiên, ở một số điểm sinh hoạt thể chất công cộng như tại công viên Tao Đàn, công viên Lê Văn Tám (quận 1) vẫn có nhiều trường hợp người dân chạy bộ, hoạt động thể chất nên không đeo khẩu trang, hoặc có đeo nhưng kéo tuột xuống cằm.

Tại Chợ đầu mối Bình Điền (quận 8), hằng đêm có từ 10.000-20.000 người từ nhiều tỉnh thành ra vào mua bán nên TPHCM xác định nơi đây có nguy cơ cao lây nhiễm dịch bệnh. Do đó, công tác phòng ngừa được Công ty Quản lý và Kinh doanh chợ Bình Điền hết sức quan tâm nhưng vẫn còn gặp khó khăn vì người lao động chân tay, thường hay kéo tuột khẩu trang trong lúc làm việc.

Ông Nguyễn Hoàng Tuấn - Trưởng ban điều hành Nhà lồng D, Chợ đầu mối Bình Điền - cho biết, hiện tại Ban điều hành các nhà lồng ở chợ Bình Điền thường xuyên đi kiểm tra, nếu phát hiện trường hợp không đeo khẩu trang sẽ tiến hành nhắc nhở. Đồng thời, các ban điều hành liên tục phát loa để tuyên truyền việc đeo khẩu trang đến thương nhân và người lao động. Nếu phát hiện trường hợp vi phạm nhiều lần, sẽ có biên bản để thương nhân ký cam kết. Nếu vẫn tái phạm sẽ được mời ra khỏi khu vực chợ.

Lấy mẫu ngẫu nhiên xét nghiệm COVID-19

Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM, việc chủ động giám sát, phòng ngừa tại các chợ đầu mối sẽ dễ dàng truy vết, phát hiện ca bệnh nếu không may có lây nhiễm. Do đó, theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, việc lấy mẫu ngẫu nhiên để giám sát COVID-19 ở các chợ đầu mối là cần thiết. Vừa qua, Trung tâm y tế quận 8 phối hợp cùng Công ty Quản lý và Kinh doanh chợ Bình Điền lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho 1.000 tiểu thương, thương nhân, tài xế... có hoạt động buôn bán, kinh doanh tại chợ.

Đối với người nước ngoài vào Việt Nam làm việc ngắn ngày, thành phố sẽ thực hiện cách ly nhưng được phép di chuyển theo lịch trình đã khai báo. Cơ quan y tế sẽ xét nghiệm COVID-19 lần 1 ngay khi về nơi cách ly, lấy mẫu 2 ngày 1 lần trong thời gian lưu trú tại Việt Nam và lấy mẫu ngay khi có triệu chứng nghi ngờ.

Người nhập cảnh làm việc trên 14 ngày được cách ly tập trung 6 ngày tại khách sạn hoặc địa điểm được UBND TPHCM cho phép. Nếu kết quả xét nghiệm âm tính, tiếp tục tự cách ly tại nhà cho đủ 14 ngày. Xét nghiệm lần 1 ngay khi về nơi cách ly tập trung; lần 2 vào ngày thứ 6 tại nơi cách ly tập trung, lần 3 vào ngày thứ 14 kể từ ngày nhập cảnh. (Lao động, trang 3).

 

Không để lơ là phòng dịch Covid-19: Có đến 50% người dân không đeo khẩu trang

Tại Hà Nội, có chuyện trong báo cáo quận, huyện đều cho biết việc kiểm tra công tác phòng, chống dịch rất bài bản, quyết liệt, nhưng qua kiểm tra thực tế thì ngược lại.

Theo Sở Y tế Hà Nội, từ 17.8 đến nay, Hà Nội không ghi nhận thêm ca mắc mới ngoài cộng đồng . Do “yên bình” đã lâu nên nhiều người dân khá lơ là trong việc phòng dịch, đến nỗi liên tiếp 5, 6 phiên họp gần đây của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP, lãnh đạo TP và lãnh đạo Sở Y tế đều cảnh báo về việc này. Các quận, huyện được yêu cầu giám sát chặt chẽ, đôn đốc, nhắc nhở người dân, tăng cường xử phạt… nhưng cũng không xuể. Đặc biệt, trong tuần vừa qua, Hà Nội có diễn biến mới là phát hiện 1 bệnh nhân dương tính trong khu cách ly là bệnh nhân 1203 (người Israel), khiến Phó chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của TP.Hà Nội, phải nhắc nhở rút kinh nghiệm. Sau sự việc này, Q.Hoàn Kiếm yêu cầu những người phục vụ trong khu cách ly khi tiếp xúc người nước ngoài nhập cảnh (dù không bị nhiễm Covid-19) vẫn phải bảo đảm các biện pháp phòng, chống dịch, nhất là phải mặc đồ bảo hộ khi cần tiếp xúc; đồng thời yêu cầu các khách sạn khác rút ra bài học kinh nghiệm.

Theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền, dù trong báo cáo, các quận, huyện đều cho biết việc kiểm tra công tác phòng chống dịch  rất bài bản, quyết liệt; nhưng qua kiểm tra thực tế thì ngược lại. Tại nhiều điểm công cộng, các chung cư… có đến hơn 50% người dân không đeo khẩu trang. Ông Ngô Văn Quý cũng thừa nhận thực tế còn nhiều trường hợp người dân tham quan tại phố đi bộ vào cuối tuần không đeo khẩu trang, và đề nghị Q.Hoàn Kiếm có biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp này.

Trước việc nhắc nhở, đôn đốc nhiều vẫn không có tác dụng, tuần qua TP.Hà Nội đã ban hành Văn bản số 5151/UBND-KGVX ngày 28.10 yêu cầu quyết liệt hơn trong phòng, chống dịch. Theo ông Ngô Văn Quý, TP.Hà Nội cũng lập 5 đoàn kiểm tra phòng, chống dịch và triển khai kiểm tra tại 30 quận, huyện, thị xã từ ngày 5.11; và tiếp tục yêu cầu các quận, huyện tăng cường tuyên truyền về biện pháp phòng, chống dịch, nhất là việc đeo khẩu trang nơi công cộng; công khai những đơn vị làm tốt và chưa tốt trên các phương tiện thông tin đại chúng…

Trao đổi với PV Thanh Niên, đại diện Công an Q.Hoàn Kiếm cho biết từ khi phố đi bộ được mở cửa trở lại, mỗi tối công an các phường mà tuyến phố đi bộ chạy qua phối hợp với lực lượng y tế, UBND đi nhắc nhở, tuyên truyền, xử phạt người không đeo khẩu trang khi tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí trên tuyến phố đi bộ. Lý giải về việc tập trung tuần tra, xử lý vào buổi tối, đại diện Công an Q.Hoàn Kiếm cho rằng đây là thời điểm nhiều sự kiện diễn ra nên tập trung rất đông người, còn ban ngày vẫn duy trì các tổ công tác để tuyên truyền tới người dân.

Trực tiếp đi kiểm tra, tuyên truyền người dân đeo khẩu trang, chống dịch Covid-19, ông Tạ Ngọc Thành, Phó chủ tịch UBND P.Tràng Tiền (Q.Hoàn Kiếm), cho biết UBND phường đã chỉ đạo lực lượng công an, y tế, dân phòng... tuyên truyền, nhắc nhở và xử phạt. “Tất cả người dân không đeo khẩu trang tuyệt đối không được vào phố đi bộ, nếu nhắc nhở mà vẫn không hợp tác, tổ công tác sẽ lập biên bản xử lý”, ông Thành nói và thông tin từ đầu tháng 10 đến nay, P.Tràng Tiền đã xử phạt hơn 30 trường hợp không đeo khẩu trang. (Thanh niên, trang 1).

Tags:

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang