Nỗi kinh hoàng rượu độc chết người
Khi nỗi kinh hoàng về ngộ độc rượu làm chết nhiều người ở Lai Châu khiến dư luận bàng hoàng chưa lắng xuống, thì ngay giữa Thủ đô Hà Nội, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cũng tiếp nhận, cấp cứu hơn 20 người ngộ độc do uống rượu chứa methanol, trong đó có 2 trường hợp tử vong.
Hầu hết bệnh nhân là người ở địa phương khác về Hà Nội làm việc, cư trú tại các quận, huyện gồm Ba Đình, Cầu Giấy, Đống Đa, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Phúc Thọ.
Câu chuyện ngộ độc rượu được “đốt nóng” thêm khi cơ quan chức năng kiểm tra và phát hiện mẫu rượu có hàm lượng methanol vượt ngưỡng cho phép hơn 2.000 lần. Đây là mẫu rượu trắng pha cẩm được bán tại một quán cơm bình dân trên địa bàn quận Hà Đông. Đoàn kiểm tra liên ngành đã kiểm tra hơn 800 cơ sở, lấy mẫu xét nghiệm, đồng thời niêm phong gần 6.500 lít rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Số lượng các cơ sở được kiểm tra nêu trên là con số rất nhỏ so với số lượng các cơ sở đang hoạt động trên thực tế. Các chuyên gia cho biết, methanol bản chất là cồn công nghiệp, chỉ được sử dụng vào công nghệ làm sơn, đun nấu... không được uống do độc tính rất mạnh.
Bằng cảm quan thông thường sẽ không thể phân biệt đâu là rượu ethanol và đâu là rượu methanol. Điều này đồng nghĩa với việc rượu chứa methanol vẫn có nguy cơ len lỏi và gây ra những sự việc đau lòng. Các chuyên gia cảnh báo, người dân cần cảnh giác với những loại rượu không nhãn mác, giá rẻ vài nghìn đồng mỗi lít.
Liên quan tới các vụ ngộ độc rượu trên địa bàn Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, hàng năm, các lực lượng chức năng đều kiểm tra, thanh tra để hạn chế tình trạng ngộ độc rượu có methanol. Tuy nhiên đầu năm 2017, tại Hà Nội, liên tiếp nhiều trường hợp phải nhập viện vì ngộ độc rượu có methanol, để xảy ra tình trạng trên có phần lơi lỏng trách nhiệm của lực lượng quản lý thị trường khi để rượu gia công có cồn công nghiệp xuất hiện trên thị trường.
Để không tái diễn tình trạng ngộ độc do uống rượu chứa methanol, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung yêu cầu lực lượng quản lý thị trường phối hợp chặt chẽ với CATP Hà Nội, các đơn vị chức năng, quận huyện tăng cường kiểm tra, phát hiện xử lý nghiêm các trường hợp chế biến, buôn bán rượu có chứa cồn công nghiệp hoặc rượu có nồng độ methanol vượt ngưỡng cho phép.
Sự vào cuộc mạnh mẽ từ phía cơ quan chức năng là rất cần thiết. Tuy nhiên, sẽ khó có thể đảm bảo an toàn cho tất cả mọi người khi những chén rượu vẫn được rót ra và dốc cạn trong các cuộc nhậu. Giám đốc Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ, cứ 10 người đàn ông bị ung thư điều trị tại khoa thì cả 10 người đều nghiện rượu.
Chuyên gia về ung thư cũng cảnh báo rượu có thể dẫn đến các loại ung thư vòm họng, thực quản, dạ dày, gan...; đặc biệt là đối với bệnh nhân vừa nghiện rượu vừa nghiện thuốc lá thì gần như 100% là ung thư vòm họng. Như vậy, điều quan trọng hơn cả là mỗi người cần phải nhận thức một cách rõ ràng về nguy cơ trở thành nạn nhân của rượu nói chung và rượu chứa methanol nói riêng. Đừng thờ ơ với tính mạng của chính bản thân mình! (An ninh Thủ đô, trang 2).
Công an đã truy ra nguồn cung rượu methanol khiến 9 sinh viên nhập viện
Sáng 11-3, UBND quận Cầu Giấy cho biết, bước đầu lực lượng chức năng của quận đã truy ra được nơi bán rượu chứa chất độc methanol khiến 9 sinh viên phải nhập viện cấp cứu sau khi ăn uống, liên hoan nhân ngày 8-3.
Như ANTĐ đã đưa tin, ngày 10-3 có 7 bệnh nhân (cả nam và nữ) đều quê ở Gia Lai và là sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm tiểu học Hải Dương, chi nhánh tại Trường Cao đẳng Cộng đồng ở Cầu Giấy Hà Nội được đưa vào Trung tâm Chống độc – Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu trong tình trạng ngộ độc methanol nặng, sau khi mua rượu không nhãn mác về uống liên hoan ngày 8-3 tại nhà trọ ở Yên Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội).
Sáng nay 11-3, Sở Y tế Hà Nội đã làm việc với UBND quận Cầu Giấy về vụ việc này. Theo thông tin mới nhất UBND Quận cung cấp, tổng số sinh viên ăn uống trong bữa liên hoan này phải nhập viện tính đến sáng 11-3 là 12 người, trong đó có 9 người vẫn đang phải ở lại viện để điều trị, gồm 5 nam, 4 nữ.
Đại diện Phòng Y tế quận Cầu Giấy cho biết, ngay sau khi xảy ra vụ việc, cơ quan chức năng của quận đã xuống hiện trường xác minh. Theo lời kể của các bệnh nhân thì rượu mà những sinh viên này đã uống được mua tại ngõ 259, phố Yên Hòa. Qua xác minh, tại ngõ 259 Yên Hòa có 2 cửa hàng tạp hóa bán rượu là số nhà 5B và số nhà 17.
Tại số nhà 5B ngõ 259 Yên Hòa, qua kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện khoảng 2 lít rượu không nhãn mác, không rõ nguồn gốc. Rượu ở đây được nhập từ rượu "Bắc Hùng" (tại cụm 8 làng Thủy Hội, xã Tân Hội, Đan Phượng).
Tại cửa hàng số 17, cơ quan chức năng đã xác minh đầu mối cung cấp rượu tại đây là bà Nguyễn Thị Hảo (Cự Đà, Cự Khê, Thanh Oai, Hà Nội) với loại rượu mang nhãn mác “Duy Hảo”. Đây cũng là đầu mối cung cấp rượu tại một cửa hàng tại chợ Hợp Nhất (phường Trung Kính, quận Cầu Giấy) và cho nhiều cửa hàng ăn, tạp hóa trên địa bàn Hà Nội với mức giá chỉ 7.000-8.000/chai 500ml. Hiện bà Nguyễn Thị Hảo đang được mời lên làm việc tại Công an quận Đống Đa do cũng liên quan đến rượu không rõ nguồn gốc trên địa bàn.
Cơ quan chức năng đã tiến hành lấy 3 mẫu rượu tại 2 cửa hàng rượu nêu trên và khoảng 200ml rượu đựng trong chai nhựa nhỏ tại phòng trọ của các sinh viên bị ngộ độc gửi xét nghiệm.
Trước vụ việc này, UBND quận Cầu Giấy đã huy động các lực lượng tổng kiểm tra các cơ sở kinh doanh rượu và các quán ăn, nhà hàng, tập trung trọng điểm tại các phường Yên Hòa, Trung Kính, Dịch Vọng Hậu. Chỉ riêng tại phường Yên Hòa, đến sáng 11-3, cơ quan chức năng của quận đã thu giữ 70 lít rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Như vậy, từ ngày 26-2 đến sáng 11-3, trên địa bàn Hà Nội đã ghi nhận 24 trường hợp ngộ độc rượu methanol, trong đó có 2 trường hợp tử vong. Hiện tại, trong 9 sinh viên đang được điều trị tại Trung tâm Chống độc có 6 bệnh nhân vẫn đang hôn mê, thở máy và phải lọc máu, trong đó có 2 trường hợp đang trong tình trạng nguy kịch là sinh viên Nay Thin (nam, 21 tuổi) và Nay Ro (nam, 23 tuổi). (An ninh Thủ đô, trang 2).
Khởi tố vụ án rượu độc tại Hà Nội
Cơ quan CSĐT Công an TP.Hà Nội thông báo, yêu cầu người dân tuyệt đối không sử dụng rượu mang nhãn mác Duy Hảo. Người dân đã mua loại rượu này, hãy tiêu hủy hoặc mang đến cơ quan công an để giao nộp.
Chiều 11.3, thượng tá Nguyễn Xuân Trường, Phó thủ trưởng Cơ quan CSĐT - Công an TP.Hà Nội, ký Quyết định số 68, khởi tố vụ án hình sự vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, xảy ra trên địa bàn TP.Hà Nội.
Ngày 10.3, Trung tâm chống độc - Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) tiếp nhận 9 bệnh nhân (gồm 4 nữ và 5 nam) nhập viện vì ngộ độc methanol. Những người này đều quê ở Gia Lai, là sinh viên Trường cao đẳng Sư phạm Hải Dương (có cơ sở ở Hà Nội), cùng tham gia buổi liên hoan ở phòng trọ trên địa bàn Q.Cầu Giấy. Trong số những người vào cấp cứu chỉ có 3 người tỉnh táo, 6 người đang trong tình trạng hôn mê, phải thở máy. Theo báo cáo của cơ quan chức năng, từ ngày 8.3, các sinh viên này đã mua rượu không rõ nguồn gốc tại cửa hàng tạp hóa rồi sử dụng, đến ngày 9.3 thì có triệu chứng đau đầu, nôn mửa nhiều lần phải đi cấp cứu. Ngoài ra, trước đó ở Hà Nội đã có ít nhất 2 trường hợp sử dụng rượu bị ngộ độc, dù đã được đưa đi cấp cứu nhưng đã tử vong.
Sau khi tiếp nhận các thông tin trên, Ban Giám đốc Công an TP.Hà Nội đã chỉ đạo Phòng cảnh sát hình sự phối hợp với các đơn vị chức năng điều tra vụ ngộ độc thực phẩm do sử dụng rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo an toàn thực phẩm, dẫn đến chết người trên địa bàn Hà Nội. Bước đầu, cơ quan công an xác định Nguyễn Thị Hảo (37 tuổi, ở thôn Cự Đà, xã Cự Khê, H.Thanh Oai, Hà Nội) cung cấp nhiều loại rượu với nhãn mác rượu gia truyền - rượu Duy Hảo (rượu nếp ngâm hạ thổ, rượu táo mèo) đóng trong các chai thủy tinh 300 ml, 330 ml, hoặc không có tem nhãn đóng trong chai nhựa 500 ml, can nhựa đối với rượu trắng. Quá trình giao bán rượu, Hảo sử dụng xe máy để giao hàng có kèm theo số điện thoại: 01678741240 để giao dịch với tên gọi là Thảo, Hảo hay Hậu.
Cơ quan CSĐT Công an TP.Hà Nội thông báo, yêu cầu người dân tuyệt đối không sử dụng rượu mang nhãn mác Duy Hảo có đặc điểm như trên. Người dân đã mua loại rượu này, hãy tiêu hủy hoặc mang đến cơ quan công an để giao nộp. Ai có thông tin về việc mua bán, tàng trữ, sản xuất loại rượu Duy Hảo, đề nghị báo cơ quan công an gần nhất; hoặc Đội 3 - Phòng Cảnh sát hình sự, số 7 Thiền Quang, Hà Nội. (Thanh niênm trang 5), Tuổi trẻ, trang 5).
Kỳ I: Mối liên hệ “ma thuật” giữa “cò” và người bán thận
Nhắm vào những người có hoàn cảnh khó khăn về tài chính và bế tắc trong cuộc sống. Sáu và Nghĩa đã tiếp cận, dụ dỗ họ bán đi một phần cơ thể người. Các đối tượng hứa hẹn, sau khi bán một quả thận, họ sẽ nhận được từ 150-200 triệu đồng. Tuy nhiên, khi “khổ chủ” rơi vào bẫy, các đối tượng đã ép họ sống trong cảnh cơ cực và nhận được số tiền rất ít so với lời hứa ban đầu. Nhiều nạn nhân sau khi bán thận đã rơi vào cảnh nợ nần chồng chất, bệnh tật, người thân bỏ mặc… (chi tiết xem báo) (Đời sống & Pháp luật (trang 10).