Đình chỉ lưu hành toàn quốc 2 loại sữa tắm trẻ em
Ông Nguyễn Tất Đạt, Phó cục trưởng Cục Quản lý dược, cho biết đã ký Quyết định số 379/QĐ-QLD đình chỉ lưu hành 2 sản phẩm sữa tắm gội dành cho trẻ em nhãn hiệu Care Milk Bath và BabyCare Baby Wash Head To Toe, do Công ty AFManufacturing Services SND.BHD., 553187-K Malaysia sản xuất, Công ty CP thương mại và dịch vụ quốc tế Việt - Úc (Q.3, TP.HCM) phân phối ra thị trường.
Theo Quyết định 379, 2 sản phẩm bị đình chỉ lưu hành trên toàn quốc vì có công thức không đúng hồ sơ đã công bố.
Đồng thời, Cục Quản lý dược ban hành quyết định thu hồi Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm trước đó đã cấp đối với sản phẩm này. Cục Quản lý dược cũng đã yêu cầu Công ty cổ phần thương mại và dịch vụ quốc tế Việt - Úc thu hồi và báo cáo kết quả về Cục Quản lý dược trước ngày 1.8.
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên trên thị trường TP.HCM, 2 sản phẩm nói trên có bán rộng rãi kể cả trong hệ thống siêu thị lớn (Thanh niên trang 2).
Mang thai trong ổ bụng hiếm gặp
PGS-TS Vũ Bá Quyết, Giám đốc Bệnh viện (BV) Phụ sản trung ương, ngày 11-7 cho biết BV vừa điều trị thành công một trường hợp có thai hy hữu.
Chị Đ.T.T (35 tuổi, ngụ Thái Nguyên) từng bị cắt 2 vòi trứng và được thụ tinh nhân tạo bơm thẳng phôi thai vào tử cung. Sau khi được thụ tinh, chị T. có các dấu hiệu lâm sàng của mang thai. Chỉ số xét nghiệm trong máu cho thấy bệnh nhân có thai nhưng siêu âm không thấy thai ở trong buồng tử cung. Kết quả chụp cộng hưởng từ phát hiện thai khoảng 8 tuần tuổi, kích thước 2 cm, nằm trong ổ bụng sau phúc mạc, sát tĩnh mạch chủ dưới, đoạn ngang thận. Bệnh nhân được phẫu thuật nội soi lấy khối thai lạc chỗ. Hiện sức khỏe của bệnh nhân đã hồi phục (Người lao động online, An ninh thủ đô trang 6, Sức khỏe & Đời sống trang 2).
Bệnh viện Tim Hà Nội trở thành bệnh viện hạt nhân của cả nước
Bệnh viện (BV) Tim Hà Nội đã chính thức nhận quyết định của Bộ Y tế để trở thành một trong 19 BV hạt nhân của cả nước. Quyết định này được đưa ra trên cơ sở xem xét năng lực của BV Tim Hà Nội, phù hợp với chiến lược phát triển chung của ngành y tế. Các BV hạt nhân sẽ góp phần phát triển mạng lưới y tế tuyến dưới và các BV vệ tinh nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân. Ngay sau lễ trao quyết định, BV Tim Hà Nội đã sơ kết hoạt động mạng lưới tim mạch của đơn vị và tổ chức hội nghị khoa học về các căn bệnh suy tim, bệnh động mạch vành. Thời gian gần đây, BV Tim Hà Nội đã tiến hành đào tạo, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật và giúp đỡ trên nhiều phương diện cho các BV trên 32 tỉnh trong cả nước. Thời gian tới, BV Tim Hà Nội sẽ tiếp tục chuyển giao công nghệ cho 5 BV trên cả nước, trong đó có BV Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội) (Hà Nội mới trang 5).
Chăm sóc sức khỏe sinh sản phụ nữ chịu tác động thiên tai: Vì một xã hội tốt đẹp hơn
Tuần qua, lễ mít tinh kỷ niệm ngày Dân số Thế giới 11-7 đã chọn một chủ đề mới, khác biệt so với mọi năm, đó là "Hỗ trợ chăm sóc sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình (SKSS/KHHGĐ) cho người dân dễ bị tổn thương trong thiên tai".
Theo các chuyên gia dân số, đây là chủ đề có tính nhân văn cao, đồng thời đề cập đến vấn đề "nóng" đang được cộng đồng toàn cầu, trong đó có Việt Nam quan tâm, đó là chăm sóc SKSS cho những đối tượng chịu nhiều tác động của thiên tai, bão lũ.
Phụ nữ dễ gặp rủi ro
Khi đối mặt với những tác động của thiên tai, ngay lập tức mọi người thường nghĩ đến những nhu cầu mang tính sống còn như: Chỗ ở, thuốc men, quần áo, nước sạch… Nhưng, còn một vấn đề cấp thiết khác không thể bỏ qua, đó chính là nhu cầu được chăm sóc SKSS/KHHGĐ, giúp phụ nữ và trẻ em gái bảo vệ sức khỏe bản thân.
Kinh nghiệm từ trận động đất kinh hoàng xảy ra gần thủ đô Kathmandu (Nepal) ngày 25-4 vừa qua đã cướp đi sinh mạng của hơn 8.000 người cho thấy, việc Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) thiết kế bộ đồ dùng cứu trợ khẩn cấp đặc biệt (bao gồm: Băng vệ sinh làm bằng chất liệu có thể tái sử dụng, quần áo, khăn tắm, xà phòng, bàn chải đánh răng và kem đánh răng) đã giúp phụ nữ và trẻ em gái nơi đây bảo vệ bản thân và đáp ứng các nhu cầu vệ sinh cá nhân căn bản trong thiên tai.
Bà Ritsu Nacken, Quyền Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam cho rằng, Liên hợp quốc gần đây đã cảnh báo rằng, số người buộc phải di dời khỏi nơi cư trú do khủng hoảng và thiên tai đã lên tới con số kỷ lục, gần 60 triệu người (tính đến hết năm 2014), trong đó phụ nữ và trẻ em gái vị thành niên là những người phải đối mặt với nhiều mối đe dọa và rủi ro nhất. Họ không được chăm sóc sức khỏe và không được cung cấp những dịch vụ được coi là thiết yếu, đặc biệt là trong những tình huống thiên tai. "Ngay cả trong điều kiện bình thường, các biến chứng về SKSS được coi là nguyên nhân hàng đầu gây ra tử vong và thương tật cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Khi xảy ra xung đột và thiên tai, phụ nữ và trẻ em gái vị thành niên càng đối mặt với nhiều nguy cơ khác như: Bị lạm dụng, bóc lột tình dục, bạo lực và cưỡng hôn... Chính vì vậy, ngày Dân số 11-7 năm nay, UNFPA chọn chủ đề "Hỗ trợ các nhóm dân số dễ bị tổn thương trong thiên tai", đặc biệt tập trung vào đối tượng dễ bị tổn thương là phụ nữ và trẻ em gái", bà Ritsu Nacken nói.
Khẳng định trách nhiệm của ngành dân số
Theo UNFPA, Việt Nam đã và đang đạt mức sinh thay thế, nâng cao tuổi thọ và mức sống người dân một cách đáng kể. Tuy nhiên, Việt Nam là một trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu. 70% dân số nước ta sống ở ven biển và ở những khu vực tương đối thấp so với mực nước biển. Sống trong vùng "rốn" bão, nhiệt đới gió mùa nên hằng năm, nước ta phải hứng chịu hàng chục cơn bão, lũ quét… Những trận bão lụt, siêu dông xảy ra gần đây đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sự an toàn và sức khỏe của người dân cả vùng thành thị lẫn nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Chính vì vậy, bà Ritsu Nacken cho rằng, Việt Nam cần phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để có thể ứng phó hiệu quả khi thiên tai xảy ra, đồng thời bảo đảm các nhu cầu quan trọng của phụ nữ và trẻ em gái vị thành niên.
Đề cập đến những khó khăn mà người dân trong vùng thiên tai gặp phải, đại diện tỉnh Bình Thuận - địa phương gần đây đã gánh chịu rất nhiều hậu quả do bão lũ, hạn hán gây ra - cho biết, đối với người dân sống trong vùng thiên tai, ngoài những thiệt hại về kinh tế, các đối tượng phụ nữ, trẻ em gái thường bị bế tắc trong cuộc sống, từ đó dễ bị các tổ chức, thế lực xấu lôi kéo, dụ dỗ dẫn đến việc mua bán phụ nữ qua biên giới. Hơn nữa, tại những vùng này, việc cung cấp các dịch vụ SKSS/KHHGĐ thường không kịp thời, gián đoạn nên nguy cơ tình trạng phụ nữ mang thai ngoài ý muốn dẫn đến khó khăn càng chồng chất.
Trước những vấn đề lớn đặt ra, ông Nguyễn Văn Tân, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Dân số - KHHGĐ khẳng định, việc hỗ trợ, chăm sóc SKSS/KHHGĐ cho người dân dễ bị tổn thương trong thiên tai là trách nhiệm của đất nước, của cộng đồng, đặc biệt là của ngành dân số. Trong hoàn cảnh có thiên tai xảy ra, ngành dân số sẽ cố gắng bảo đảm cho những người dễ bị tổn thương vẫn được cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ một cách tốt nhất. Để làm được điều đó, ngoài việc củng cố, tăng cường năng lực hệ thống tổ chức, quản lý, thì việc bổ sung kiến thức cho các cộng tác viên để sẵn sàng ứng phó với thiên tai là vô cùng quan trọng (Hà Nội mới trang 5).
Chuyển tuyến giảm mạnh nhờ bệnh viện vệ tinh
Nhờ được chuyển giao kỹ thuật từ các bệnh viện hạt nhân, nhiều bệnh viện vệ tinh đã thực hiện được những kỹ thuật khó. Nhờ vậy việc chuyển tuyến đã giảm rõ sau 2 năm thực hiện Đề án giảm quá tải bệnh viện giai đoạn 2013 – 2015. Tại hội nghị tăng cường đề án bệnh viện vệ tinh giảm quá tải bệnh viện, PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến – Bộ trưởng Bộ Y tế đã đề nghị 100% các bệnh viện tuyến tỉnh cần tham gia hệ thống bệnh viện vệ tinh.
Bệnh viện vệ tinh thực hiện được nhiều kỹ thuật khó
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, đến nay, ngành y tế đã triển khai được 46 bệnh viện vệ tinh thuộc 5 chuyên khoa, tim mạch, chấn thương chỉnh hình, sản, nhi, ung bướu ở 38 tỉnh thành. Các kỹ thuật chuyên môn sâu được chuyển giao gồm: ung bướu 38; tim mạch 28, nhi 34 sản 28 và nhiều kỹ thuật chuyên môn sâu về chuyên ngành Chấn thương Chỉnh hình. Đáng chú ý, nhờ được chuyển giao kỹ thuật từ các bệnh viện hạt nhân, nhiều bệnh viện vệ tinh đã thực hiện tốt các kỹ thuật khó, bệnh viện tỉnh Khánh Hòa đã thành thạo trong kỹ thuật mổ tim, bệnh viện Lâm Đồng thực hiện thành công can thiệp tim mạch, bệnh viện Ninh Thuận đã thuần thục trong phẫu thuật chấn thương sọ não…
Bệnh viện Chợ Rẫy (BVCR) là một trong những bệnh viện thực hiện rất tốt đề án bệnh viện vệ tinh ở khu vực phía Nam. Theo PGS.TS Trần Quyết Tiến – phó giám đốc BVCR, BVCR là BV hạt nhân gồm 4 BV vệ tinh: BV Khánh Hòa, BV Thống Nhất Đồng Nai, BV Đồng Nai và BV Tiền Giang. Cụ thể, BVCR chuyển giao thành công gói kỹ thuật tim mạch can thiệp cho BVĐK Thống Nhất Đồng Nai. Ngày 05/02/2015 thực hiện thành công 4 trường hợp can thiệp tim mạch đầu tiên tại BVĐK Thống Nhất Đồng Nai. Đến nay bệnh viện đã thực hiện thành công cho 120 bệnh nhân và có kết quả tốt. Thành quả là tình hình chuyển tuyến đã giảm rõ từ 47,4% xuống còn 4,35%. Bệnh viện Chợ Rẫy cũng đã chuyển giao thành công gói kỹ thuật phẫu thuật tim cho BVĐK Khánh Hòa. BS.CKII Nguyễn Văn Xáng – giám đốc BVĐK tỉnh Khánh Hòa cho biết, ngày 23 - 24/04/2014, đoàn chuyên gia BVCR đến BVKH cùng các cán bộ y tế BVKH đã phẫu thuật thành công 01 ca phẫu thuật tim đầu tiên tại BVKH. Từ đầu năm 2015 đến nay, BVCR đã chuyển giao cho BVKH 02 đợt, mổ được 11 ca. Đáng chú ý ngày 03/06/2015, với sự hỗ trợ của các bác sĩ BVCR, BVKH đã mổ cấp cứu thành công cho bệnh nhân Đỗ Sạt (Chẩn đoán U nhầy nhĩ trái), đây là trường hợp bị bệnh tim mắc phải, đe dọa tử vong. Và tính từ ca đầu tiên đến nay, BVKH đã mổ thành công 34 ca (mức độ khó tăng dần). Những kỹ thuật chuyển giao đã được triển khai tại địa phương, không còn chuyển BN lên tuyến trên. Ngoài ra, BVCR cũng đã chuyển giao 2 gói kỹ thuật phẫu thuật thần kinh – sọ não và phẫu thuật ngoại tiêu hóa cho BVĐK Đồng Nai. BVĐK tỉnh Tiền Giang cũng đã được chuyển giao 2 gói kỹ thuật chấn thương chỉnh hình và nội tim mạch từ BVCR. Tại BVĐK Đồng Nai và BVĐK Tiền Giang, những kỹ thuật chuyển giao đã được triển khai giúp giảm chuyển bệnh nhân lên tuyến trên. Cùng với BVCR, BV Nhân dân Gia Định đã thực hiện tốt đề án này khi chuyển giao thành công kỹ thuật can thiệp mạch vành, hồi sức cấp cứu và điều trị các bệnh lý nội khoa tim mạch cho BVĐK tỉnh Lâm Đồng và Trung tâm Y tế Liên doanh Việt – Nga (VietSovpetro). Bệnh viện phụ sản Tiền Giang và khoa Sản Bệnh viện ĐK tỉnh Ninh Thuận đã triển khai được nhiều kỹ thuật khó trong sản nhi nhờ được chuyển giao từ bệnh viện hạt nhân là BV Phụ sản Từ Dũ.
Trong khi đó, Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã góp phần rất lớn khi hạn chế tối đa việc chuyển tuyến từ tuyến y tế cơ sở. BV Nhi Đồng 1 chuyển giao kỹ thuật chuyên ngành Nhi khoa cho 3 BV vệ tinh là BVĐK Long An, BV Nhi Đồng Cần Thơ và BV Sản Nhi Cà Mau. Hiện BVĐK Long An đã áp dụng kỹ thuật mới trong điều trị bệnh nhân như phương pháp đo CVP bằng Seldinger, cứu sống được một số ca sốt xuất huyết Dengue nặng, hạn chế chuyển viện tuyến trên, thành thạo trong việc giúp thở máy cho sơ sinh và trẻ lớn giúp cứu sống 20 bệnh nhi sơ sinh suy hô hấp nặng.
Nhân rộng mô hình bệnh viện vệ tinh ra tất cả các tỉnh, thành
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, những nỗ lực tăng cường cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị, chuyên môn của cả hệ thống bệnh viện hạt nhân – vệ tinh đã góp phần đặc biệt quan trọng vào chiến lược giảm tải, tỷ lệ bệnh nhân chuyển lên tuyến trên ngày càng giảm. Tại cuộc họp về thực hiện Đề án giảm quá tải bệnh viện giai đoạn 2013 - 2015 do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chủ trì, sau khi nghe báo cáo kết quả hai năm thực hiện Đề án, Thủ tướng đã đánh giá cao nỗ lực của Bộ Y tế và Ủy ban nhân các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương trong hai năm qua đã tích cực triển khai nhiều biện pháp, giải pháp để thực hiện Đề án giảm quá tải bệnh viện.
Thủ tướng chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế nhân rộng mô hình bệnh viện vệ tinh ra tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, đến năm 2016 tất cả các tỉnh, thành phố phải thực hiện bệnh viện vệ tinh. Bộ trưởng chỉ đạo giám đốc Sở Y tế phải đề xuất bệnh viện vệ tinh của địa phương về chuyên khoa vệ tinh, về bảo đảm nhân lực để tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật, về kinh phí đối ứng, về đề nghị được hợp tác với bệnh viện hạt nhân.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, trên thực tế tình trạng quá tải tại bệnh viện tuyến cuối còn khá căng thẳng, chất lượng chuyên môn của bệnh viện tuyến dưới chưa đáp ứng được kỳ vọng của người bệnh, chưa mang lại sự hài lòng cho nhân dân. Sự phát triển của bệnh viện vệ tinh ở phía Nam còn yếu hơn so với phía Bắc, hiện còn 13 (trong tổng số 32) tỉnh thành tại phía Nam chưa tham gia hệ thống bệnh viện vệ tinh. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến yêu cầu, trong thời gian tới, các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế tại TP.HCM, Sở Y tế thành phố cần quyết liệt triển khai xây dựng bệnh viện vệ tinh tuyến cơ sở, tăng cường bệnh viện hạt nhân. Trong đó, tập trung trước hết vào các bệnh viện như: Nhân Dân 115, Hùng Vương, Huyết học, bệnh viện Mắt.
Bộ trưởng chỉ đạo, các bệnh viện hạt nhân và các bệnh viện vệ tinh phải thống nhất kế hoạch đào tạo, chuyển giao kỹ thuật để từng bước nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh ở tuyến dưới, cung cấp dịch y tế có chất lượng, kỹ thuật cao cho người dân ngay tại các bệnh viện địa phương. Các bệnh viện phải quan tâm, đầu tư đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng hệ thống y tế từ xa (Telemedicine) trong việc hội chẩn, hội thảo, đào tạo, hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật từ bệnh viện hạt nhân đến bệnh viện vệ tinh (Sức khỏe & Đời sống trang 3, Công an nhân dân trang 2).