Đồng hành vì một Việt Nam khoẻ mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, vì một tương lai tươi sáng
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 15/11/2018

  • |
T5g.org.vn - Dịch sốt xuất huyết tại TPHCM bước vào giai đoạn đỉnh; Ăn phải thịt lợn bệnh nhiễm nang sán dây có thể gây động kinh, mù mắt; Đình chỉ lưu hành thuốc Hipolten chữa viêm đại tràng; Mổ lấy ra khối u xơ tử cung to bằng thai nhi 9 tháng tuổi; Ngành Y tế Thủ đô: Nỗ lực vì sự hài lòng của người bệnh

 

Dịch sốt xuất huyết tại TPHCM bước vào giai đoạn đỉnh

Theo thống kê từ Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, từ đầu năm 2018 đến nay có 19.020 trường hợp nhập viện điều trị sốt xuất huyết (SXH), bằng con số của cùng kỳ năm 2017. Tháng 11 được xem là đỉnh của dịch SXH, cá biệt trong tháng 10 có những thời điểm mỗi tuần có tới hơn 1.100 bệnh nhân nhập viện do SXH.

Tại Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới, từ đầu tháng 8 đến tháng 10-2018, BV tiếp nhận hơn 11.000 ca bệnh SXH đến khám và điều trị. Trong đó có gần 4.000 bệnh nhân nhập viện điều trị nội trú. Đặc biệt đã có 4 trường hợp mắc SXH quá nặng, gia đình xin về (2 người lớn và 2 trẻ em). Từ đầu tháng 10 đến nay, trung bình mỗi ngày, Khoa Nhiễm D của BV điều trị cho 80 ca bệnh nhập viện do SXH.

Theo bác sĩ Nguyễn Thanh Phong, Trưởng khoa Nhiễm D,  số lượng bệnh nhân bị SXH nhập viện tại đây đang tăng gấp đôi so với năm 2017 và chưa có dấu hiệu ngừng lại. Tương tự, tại Khoa Nhi A của BV này đang điều trị cho 40 trẻ mắc SXH (Sài Gòn giải phóng, trang 11).

 

Ăn phải thịt lợn bệnh nhiễm nang sán dây có thể gây động kinh, mù mắt

Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế cho biết, đến nay có ít nhất 55 tỉnh, thành trên cả nước có ca bệnh sán dây/ấu trùng sán lợn. Ấu trùng sán dây từ thịt lợn khi vào cơ thể người sẽ sinh trưởng mạnh, lúc trưởng thành có thể dài đến 12 mét. Theo thông tin từ Cục Y tế dự phòng, tại nước ta, bệnh sán dây/ ấu trùng sán dây lợn hay còn gọi là bệnh sán dải, sán dải heo phân bố ở tất cả vùng miền, ít nhất có khoảng 55 tỉnh/ thành đã có ca bệnh được báo cáo. Nguyên nhân mắc bệnh liên quan chủ yếu đến tập quán ăn uống, ăn thịt lợn chưa nấu chín.

Đối với người, tùy thuộc ăn hay nuốt phải trứng, hay nang ấu trùng có thể mắc các thể bệnh từ nặng đến nhẹ. Mặt khác, tùy thuộc vào vị trí ký sinh của nang sán mà người nhiễm bệnh sẽ có những biểu hiện khác nhau.

Cụ thể, nếu nang sán nằm trong cơ sẽ thấy có những u nhỏ, chắc, kích thước khoảng 1-2cm hoặc bằng hạt đỗ; nếu nang sán nằm trong não, người bệnh có thể bị động kinh, liệt tay, chân hay liệt nửa người, nói ngọng, rối loạn trí nhớ hoặc đau đầu dữ dội; nếu nang sán nằm trong mắt có thể gây tăng nhãn áp, giảm thị lực hoặc mù.

Đặc biệt, người bệnh ăn phải thịt lợn sống hay chưa chín có chứa các nang sán (lợn gạo), khi đến dạ dày ấu trùng sán sẽ thoát nang và bám dính vào ruột non rồi phát triển thành sán dây trưởng thành. Sán dây trưởng thành phát triển dần bằng cách nẩy chồi, sinh đốt mới từ cổ, tạo ra hàng ngàn đốt sán mới, mỗi đốt có khoảng 50.000 trứng, kéo dài chiều dài của sán trưởng thành lên tới 2 đến 12 mét, chúng ký sinh trong ruột non nhiều năm.

Đáng chú ý, bệnh sán dây trưởng thành thường không biểu hiện triệu chứng rõ rệt như gây triệu chứng đau bụng, rối loạn tiêu hóa nhẹ. Do đó, việc phát hiện sớm bệnh để điều trị kịp thời không hề dễ dàng.

Để chủ động phòng bệnh sán dây và ấu trùng sán dây lợn, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân: Không ăn các thực phẩm sống như thịt lợn, nem chua, thịt lợn tái (nguy cơ nhiễm sán dây trưởng thành), rau sống không đảm bảo vệ sinh (nguy cơ mắc bệnh ấu trùng sán lợn); Quản lý phân tươi, sử dụng hố xí hợp vệ sinh, không nuôi lợn thả rông; Người có sán trưởng thành trong ruột phải được điều trị, không phóng uế bừa bãi; Quản lý chặt chẽ tiêu chuẩn vệ sinh các lò mổ lợn (An ninh thủ đô, trang 7).

 

Đình chỉ lưu hành thuốc Hipolten chữa viêm đại tràng

Sở Y tế Hà Nội vừa có văn bản gửi các đơn vị y tế trong ngành, đơn vị sản xuất, đơn vị kinh doanh thuốc viên bao đường Hipolten (Mộc hoa trắng 500mg) thông báo đình chỉ lưu hành và thu hồi loại thuốc này do thuốc không đảm bảo chất lượng.

Trước đó, ngày 6-11, Cục Quản lý Dược – Bộ Y tế đã có văn bản xử lý thuốc không đạt chất lượng đối với thuốc viên bao đường Hipolten (Mộc hoa trắng 500mg), SĐK: VD-19547-13, lô SX: 010318, NSX: 29/3/2018, HD: 29/3/2021, do Công ty Cổ phần Dược, Vật tư Y tế Hải Dương sản xuất.

Lý do bị xử lý vì mẫu thuốc này lấy tại Công ty TNHH Dược phẩm Á Châu (Trung tâm Hapu Medicenter, số 1 Nguyễn Huy Tưởng, Thanh Xuân, Hà Nội) không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu định lượng.

Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Y tế, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu Giám đốc Chi nhánh Công ty Cổ phần Dược, Vật tư Y tế Hải Dương tại Hà Nội, Công ty TNHH Dược phẩm Á Châu thực hiện thu hồi triệt để lô thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng nêu trên đã phân phối trên địa bàn thành phố.

Sở Y tế cũng yêu cầu các cơ sở y tế, kinh doanh thuốc trên địa bàn khẩn trương rà soát, thu hồi lô thuốc viên bao đường Hipolten (Mộc hoa trắng 500mg) bị đình chỉ lưu hành; giao Phòng Y tế các quận, huyện, thị xã thông báo đến cơ sở hành nghề, tiến hành kiểm tra, giám sát việc thu hồi của các cơ sở.

Được biết, thuốc viên bao đường Hipolten có thành phần hoạt chất cao Mộc hoa trắng là thuốc tiêu hóa có tác dụng chữa trị chứng viêm đại tràng cấp và mãn tính, các chứng lỵ amip như đau bụng, đi ngoài liên tục, đầy hơi, phân dính máu.

Thông tin từ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, giữa tháng 10 vừa qua, khoa Phụ A5 của bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Ngọc B. (53 tuổi, ở Hà Nội) nhập viện trong tình trạng rối loạn kinh nguyệt, bụng to, đau vùng hạ vị, tăng huyết áp, đi tiểu khó (An ninh thủ đô, trang 7).  

 

Mổ lấy ra khối u xơ tử cung to bằng thai nhi 9 tháng tuổi

Bệnh nhân cho biết đã đi khám và phát hiện bị u xơ tử cung 5 năm trước đây nhưng chần chừ chưa điều trị vì nghĩ không nghiêm trọng lắm. Thế nhưng, gần đây, bụng chị càng ngày càng to, người rất mệt, đến khám lại thì phát hiện khối u kích thước rất lớn.

Bác sĩ Trương Minh Phương, Phó Trưởng khoa A4 - Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội cho biết, khối u xơ tử cung của bệnh nhân Nguyễn Ngọc B. có kích thước to bất thường, gây chèn ép các cơ quan niệu quản, trực tràng và bàng quang. Hơn nữa, bệnh nhân đã lớn tuổi, nếu không can thiệp kịp thời thì dễ dẫn đến biến chứng xuất huyết, gây thiếu máu nặng, thận ứ nước, nhiễm trùng đường tiết niệu, suy thận, táo bón nặng kéo dài, trĩ… về lâu dài hơn có thể gây ung thư hóa. Xác định đây là ca mổ khó, chỉ xảy ra một sai sót nhỏ có thể ảnh hưởng đến tính mạng của người bệnh nên các y, bác sĩ của bệnh viện đã hội chẩn rất kỹ lưỡng. Ca phẫu thuật diễn ra trong gần 2 giờ đồng hồ. Trong quá trình phẫu thuật, thăm dò ổ bụng thấy khối tử cung to tương đương với thai nhi 9 tháng tuổi, 2 phần phụ teo nhỏ.

Các bác sĩ đã tiến hành cắt tử cung hoàn toàn và 2 phần phụ bằng dao siêu âm, khối u nặng 4,125 kg. Sau phẫu thuật, tình trạng bệnh nhân tốt, các chỉ số sinh tồn đều ổn định. “Đây là khối u to nhất từ trước đến nay. Chúng tôi rất vui mừng khi kíp phẫu thuật đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình” – bác sĩ Trương Minh Phương chia sẻ (An ninh thủ đô, trang 6).

 

Ngành Y tế Thủ đô: Nỗ lực vì sự hài lòng của người bệnh

Năm 2018 là năm bản lề của kế hoạch 5 năm 2016-2020 của thành phố. Chính vì vậy, các đơn vị trong toàn ngành Y tế Thủ đô đã nỗ lực phấn đấu và đạt được nhiều kết quả quan trọng trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Nhờ đó, trong 10 tháng năm 2018, ngành Y tế Thủ đô đã cơ bản hoàn thành 5/5 chỉ tiêu mà UBND thành phố giao.

Làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh

Nếu như năm 2017, người dân Hà Nội phải thường trực cảnh giác với “sốt xuất huyết”, thì năm nay, số người mắc bệnh giảm nhiều lần so với cùng kỳ năm trước. Tính từ đầu năm đến ngày 31-10, toàn thành phố ghi nhận hơn 2.300 trường hợp mắc sốt xuất huyết (giảm hơn 93% so với cùng kỳ năm 2017). Bệnh nhân phân bố rải rác tại 348 xã, phường, thị trấn của 30 quận, huyện, thị xã và không có người tử vong. Có được kết quả này là nhờ sự nỗ lực triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh ngay từ đầu năm 2018 trên địa bàn thành phố.

PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, sốt xuất huyết là bệnh lưu hành thường xuyên trên địa bàn thành phố. Mặt khác, các yếu tố nguy cơ như: Ô nhiễm môi trường, mật độ dân cư cao, nhiều khu vực nhà trọ, công trường xây dựng với điều kiện ăn, ở tạm bợ… là điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển, nên nguy cơ dịch bệnh gia tăng luôn tiềm ẩn. 

Vì vậy, ngay từ đầu năm 2018, Sở Y tế đã phối hợp với các sở, ban, ngành cùng các quận, huyện, thị xã theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh, tuyệt đối không chủ quan, lơ là, chủ động, tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống dịch. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội đã phối hợp với trung tâm y tế 30 quận, huyện, thị xã duy trì hoạt động giám sát dịch bệnh tại 63 bệnh viện từ tuyến trung ương, bộ, ngành đến các bệnh viện tuyến cơ sở và một số bệnh viện tư nhân, với tần suất giám sát 3-4 lần/tuần để phát hiện sớm ca bệnh. Không chỉ dịch bệnh sốt xuất huyết, mà một số dịch bệnh khác như: Sởi, tay chân miệng, ho gà, cúm… đều được kiểm soát tốt, không có ổ dịch bệnh lớn xảy ra. Ngoài ra, các dịch bệnh đặc biệt nguy hiểm như: Cúm A/H7N9, cúm A/H5N1… chưa ghi nhận ca mắc trên địa bàn. 

Theo PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, từ nay đến cuối năm, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các đơn vị liên quan cần quyết liệt hơn nữa cho công tác phòng, chống dịch bệnh nói chung và các dịch bệnh: Sốt xuất huyết, sởi, tay chân miệng nói riêng, trong đó tổ chức tốt chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin sởi cho trẻ từ 1 đến 5 tuổi; tăng cường công tác vệ sinh môi trường, khử khuẩn, nhất là tại các cơ sở giáo dục.

Không còn tình trạng quá tải, nằm ghép

Tiến sĩ Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, các đơn vị y tế trong toàn ngành đã hết sức nỗ lực để hoàn thành các chỉ tiêu y tế được giao trong năm 2018, thực hiện hiệu quả công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho nhân dân. Dù vậy, các đơn vị trong toàn ngành cần tập trung khắc phục ngay những khó khăn, tồn tại, rà soát lại các chỉ tiêu, bám sát kế hoạch đề ra ngay từ đầu năm để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Các cơ sở khám, chữa bệnh cần đẩy mạnh công tác tự chủ, tiếp tục nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; tiếp nhận và chuyển giao các kỹ thuật mới, kỹ thuật chuyên sâu, nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của nhân dân. Các đơn vị y tế tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh từ khi vào viện cho đến khi ra viện, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh đối với vấn đề cơ sở y tế xanh - sạch - đẹp. Tiếp tục triển khai thực hiện xây dựng 4 trạm y tế điểm theo yêu cầu của Bộ Y tế để đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu chăm sóc và quản lý sức khỏe cho người dân ngay tại tuyến y tế cơ sở (Hà Nội mới, trang 5).

 

Trạm y tế xã sẽ hoạt động theo nguyên lý y học gia đình

Ngày 14-11, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến “Nhân rộng mô hình trạm y tế xã, phường hoạt động theo nguyên lý y học gia đình, tăng cường năng lực y tế cơ sở”. Đây là lần đầu tiên Bộ Y tế triển khai trực tuyến tới hơn 700 đầu cầu trên cả nước, bao gồm tất cả các trạm y tế (TYT) xã để thông tin về những thành quả bước đầu triển khai mô hình TYT xã điểm tại 26 trạm.

Bộ trưởng cho biết, để hiện thực hóa Nghị quyết 20, 21 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về chăm sóc nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, công tác dân số trong tình hình mới, ngành y tế đã triển khai nhiều chương trình hành động thiết thực để bảo đảm các chỉ tiêu đã giao.

Năm 2017, Bộ Y tế triển khai thí điểm tại 26 TYT thuộc tám tỉnh, thành. Bộ trưởng cho biết, với chính sách BHYT, cơ sở vật chất hiện đại, trang thiết bị khá đồng bộ, chuyển giao được nhiều kỹ thuật, gắn bảo hiểm thụ hưởng tốt, bước đầu TYT xã/phường cũng đã thu hút được người bệnh đến khám và điều trị. Một số TYT xã tại Ba Vì, Bạc Liêu, Đồng Tháp họ làm xã hội hóa rất tốt, thu hút 100 người khám/ngày.

Theo Bộ trưởng, kinh nghiệm các nước và thực tiễn cho thấy, có khoảng 80-90% người dân bị bệnh nhẹ đều có thể được khám và điều trị tại tuyến y tế cơ sở. Đây là tuyến chăm sóc hiệu quả cho người mắc các bệnh mãn tính, những bệnh nhẹ, tránh tốn kém tiền bạc, tránh bị bệnh nặng mới đi chữa bệnh (Nhân dân, trang 5).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang