Cứu nhân viên bảo vệ bị đâm thủng tim
Các bác sĩ (BS) Bệnh viện đa khoa tỉnh Đồng Nai tiến hành ca phẫu thuật kéo dài hơn 4 giờ để cứu sống một bệnh nhân bị đâm thủng tim do ẩu đả trong lúc nhậu.
Ngày 16.12, Bệnh viện đa khoa tỉnh Đồng Nai cho biết bệnh nhân Trần Bá Tú (28 tuổi, ngụ H.Thống Nhất, Đồng Nai) hiện đã qua cơn nguy kịch, sức khỏe dần hồi phục.
Sáng 2.7, bác sĩ (BS) Phạm Văn Huyên, Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa, thị xã Long Khánh, tỉnh Đồng Nai cho biết đã cứu sống một phụ nữ bị đâm thủng tim.
Trước đó, vào ngày 11.12, bệnh nhân Trần Bá Tú nhập viện trong tình trạng bị một vết thương ở tim rộng 2cm, người lơ mơ, sốc nặng, huyết áp không đo được, dịch màng ngoài tim nhiều nên được tiến hành mổ gấp.
Để có thể khâu được vết thương ở tim, các BS đã phải cưa xương ức của bệnh nhân. Sau 4 giờ phẫu thuật, truyền 8 đơn vị máu, ca mổ đã thành công.
Hiện tại bệnh nhân Tú vẫn đang nằm ở bệnh viện để theo dõi, nếu tình trạng sức khỏe tiến triển tốt, bệnh nhân sẽ được xuất viện trong khoảng 10 ngày tới.
Theo hồ sơ bệnh án, Tú làm bảo vệ cho một công ty tại H.Nhơn Trạch (Đồng Nai), do mâu thuẫn trong lúc nhậu nên bị bạn nhậu dùng dao đâm thủng tim (Thanh niên, trang 2).
Đưa vào sử dụng phòng mổ hiện đại nhất Việt Nam
Ngày 16-12, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ chính thức khai trương Đơn vị Phẫu thuật tim mạch - lồng ngực. Đây là bệnh viện đầu tiên ở khu vực miền núi phía bắc thành lập được Trung tâm Tim mạch với hai đơn vị Phẫu thuật tim mạch - lồng ngực và Nội tim mạch can thiệp. Riêng Đơn vị Phẫu thuật tim mạch - lồng ngực được đầu tư nhiều trang thiết bị, hạ tầng hiện đại với hai phòng mổ, trong đó có một phòng mổ đạt tiêu chuẩn quốc tế (HIBRID), hiện đại nhất nước ta hiện nay. Bên cạnh đó, toàn bộ 26 cán bộ của đơn vị đều được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp tại các cơ sở đầu ngành như: Viện Tim mạch Việt Nam (Bệnh viện Bạch Mai), các bệnh viện: Hữu nghị Việt Đức, E, Tim Hà Nội…
Hiện, các khâu cuối cùng của công tác chuẩn bị để thực hiện tiến hành ca phẫu thuật đầu tiên đã cơ bản hoàn tất, như rà soát lại hệ thống trang thiết bị, hạ tầng phòng mổ, phòng hồi sức… nhất là bảo đảm công tác chống nhiễm khuẩn (Nhân dân, trang 5).
Sớm thực hiện liên thông kết quả xét nghiệm giữa các cơ sở y tế
Ngày 16-12, tại Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp Tổng hội Y học Việt Nam tổ chức Hội nghị Khoa học thường niên lần thứ 5 Kiểm soát chất lượng xét nghiệm (XN). Theo báo cáo của Bộ Y tế, trung bình mỗi năm các bệnh viện trên toàn quốc tiến hành hơn 448 triệu XN, trong đó các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế thực hiện hơn 90 triệu XN, bệnh viện tuyến tỉnh, thành phố thực hiện hơn 242 triệu XN… Đáng chú ý, hiện nay cả nước có 48 phòng XN (thuộc các sở y tế, bệnh viện) đạt chuẩn ISO 15189: 2012 về chất lượng và năng lực của phòng XN y tế. Nhờ đó, đã tăng được việc sử dụng các dịch vụ tại các bệnh viện, góp phần giảm số ca chuyển, gửi người bệnh lên tuyến trên.
Để nâng cao việc kiểm soát chất lượng XN tại các cơ sở y tế trên cả nước, các đại biểu đề nghị, Bộ Y tế cần tổ chức đánh giá, chứng nhận và công khai mức chất lượng của các phòng XN; hoàn thành hệ thống phòng xét nghiệm tham chiếu. Tăng cường đào tạo, tập huấn, cập nhật kiến thức cho đội ngũ làm công tác XN. Sớm thực hiện việc liên thông XN, công nhận kết quả XN giữa các cơ sở y tế, để góp phần giảm phiền hà, giảm chi phí cho người bệnh (Nhân dân, trang 5).
Chưa phát hiện nhiễm virus ở miền Bắc
Nhằm mục đích chia sẻ thông tin phòng chống dịch bệnh giúp nâng cao sức khỏe người dân, ngày 16/12, Bộ Y tế phối hợp với báo Tiền Phong tổ chức buổi giao lưu trực tuyến về phòng chống dịch Zika.
Hiện nay Bộ Y tế vẫn đặt việc phòng ngừa bệnh Zika cho phụ nữ mang thai lên hàng đầu. Liên quan vấn đề này được nhiều bạn đọc gửi câu hỏi về nhất. Bác sĩ, TS Trần Văn Giang, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư cho biết, sau khi khỏi bệnh, phụ nữ từng nhiễm Zika cần ít nhất sau 2 tháng kể từ thời điểm có biểu hiện bệnh hoặc phơi nhiễm virus Zika mới nên mang thai. Khi cơ thể hết virus, có thể tính đến việc mang thai, nhưng cần có sự tư vấn của chuyên gia y tế. Phụ nữ mang thai không nên quá lo lắng, quan trọng là việc theo dõi và siêu âm thai định kỳ, khám sàng lọc trước sinh để sớm phát hiện dị tật bẩm sinh ở thai nhi để có hướng xử trí phù hợp.
Bác sĩ Giang cho hay, hiện tại chưa có bằng chứng về việc bị nhiễm virus Zika trong quá khứ thì sau này ảnh hưởng đến thai nhi. Tuy nhiên, cũng phải chú ý đến việc là có thể bị nhiễm lại virus Zika trong lần mang thai hiện tại và đến 80% các trường hợp nhiễm virus này đều không có biểu hiện triệu chứng lâm sàng. Bệnh thường tự hết sau một tuần điều trị triệu chứng thông thường và không để lại di chứng gì, trừ trường hợp phụ nữ mang thai nhiễm virus Zika trong 3 tháng đầu thai kỳ có thể sinh con mắc chứng đầu nhỏ với tỷ lệ 1-10%. Phụ nữ mang thai nên chủ động đăng ký theo dõi thai sản sớm để được theo dõi sức khỏe định kỳ. Nếu có biểu hiện nghi ngờ, cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và tư vấn điều trị, xét nghiệm khi cần thiết.
Hiện Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư đang tích cực tầm soát virus Zika từ các ca bệnh có sốt cấp tính hoặc có các triệu chứng tương tự bệnh Zika đến khám và điều trị tại 2 cơ sở của bệnh viện là cơ sở 78 Giải Phóng và cơ sở Kim Chung (huyện Đông Anh). Tuy nhiên cho đến nay bệnh viện này chưa phát hiện ca bệnh nào dương tính với virus Zika. Toàn miền Bắc cũng chưa phát hiện trường hợp nào dương tính với virus này.
Tác nhân truyền sốt xuất huyết và bệnh virus Zika đều là loài muỗi Aedes. Biểu hiện lâm sàng của hai bệnh gần giống nhau: sốt, phát ban, viêm kết mạc, đau cơ… Vì thế để phân biệt 2 bệnh này TS.Trần Văn Giang cho biết, bệnh cảnh lâm sàng thì khó có thể phân biệt chính xác được hai bệnh này, thậm chí xét nghiệm về huyết thanh học cũng có thể nhầm lẫn do có sự phản ứng chéo của kháng thể kháng virus gây bệnh sốt xuất huyết và kháng virus Zika. Để khẳng định chính xác virus Zika thì cần thực hiện phương pháp RT-PCR.
Bác sĩ Bùi Huy Hoàng, chuyên viên Phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm - Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho hay, người bệnh sau khi nhiễm virus Zika vẫn có thể quan hệ tình dục nhưng phải sử dụng bao cao su để tránh lây nhiễm virus cho bạn tình. Đã có nghiên cứu cho thấy, virus Zika có thể tồn tại trong tinh dịch người đàn ông đến 62 ngày. Do vậy ngoài biện pháp sử dụng bao cao su thì còn biện pháp khác là kiêng quan hệ tình dục trong vòng 62 ngày sau khi đã khỏi bệnh (Tiền phong, trang 10).
Sản xuất vaccine hướng đến quy mô công nghiệp hóa
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có buổi làm việc với các bộ, ngành về việc tự chủ sản xuất vaccine trong nước. Đây cũng là một trong những nội dung quan trọng nằm trong chiến lược phát triển ngành dược Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030.
Tự chủ vaccine tiêm chủng mở rộng
Năm 2015 đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong lĩnh vực sản xuất vaccine trong nước khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công nhận hệ thống quản lý quốc gia về vaccine (NRA) đạt tiêu chuẩn quốc tế, ngang bằng các quốc gia có nền công nghiệp sản xuất vaccine phát triển nhất như: Canada, Mỹ, Pháp, Bỉ… Với kết quả này, vaccine sản xuất tại Việt Nam có thể mở rộng xuất khẩu sang các nước khác trên thế giới. Thực tế từ nhiều năm qua, Việt Nam đã sản xuất thành công nhiều loại vaccine có chất lượng cao. Theo GS-TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế, hiện nước ta tự sản xuất được 11/13 loại vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng, gồm: lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, sởi, viêm gan B, viêm gan A, viêm não Nhật Bản B, tả, thương hàn, tiêu chảy.
GS-TS Nguyễn Thanh Long cho biết, nếu trước đây chúng ta phải phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn vaccine nhập ngoại, thì nay đã có 4 nhà máy sản xuất vaccine trong nước là Công ty TNHH Một thành viên vaccine và sinh phẩm số 1 (VABIOTECH), Công ty TNHH Một thành viên vaccine Pasteur Đà Lạt (DAVAC), Trung tâm nghiên cứu sản xuất vaccine và sinh phẩm y tế (POLYVAC), Viện vaccine và sinh phẩm y tế (IVAC). Những năm qua, Công ty VABIOTECH đã xuất khẩu được hơn 3 triệu liều vaccine viêm não Nhật Bản B vào bang Hydrabad (Ấn Độ) và bắt đầu xuất khẩu vào thị trường Đông Timo. Hơn 32.000 liều vaccine viêm gan A cũng đã được xuất khẩu sang Hàn Quốc và 115.000 liều vaccine tả uống đã được xuất khẩu đến Srilanka, Philippine, Ấn Độ.
Về cơ hội sản xuất và xuất khẩu vaccine của Việt Nam, theo TS Trương Quốc Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế, trong bản báo cáo của đoàn đánh giá WHO đã nhận định, Việt Nam có tiềm năng sản xuất vaccine rất lớn, nằm trong số 25 quốc gia sản xuất vaccine đang chiếm 90% doanh số của toàn cầu, có đội ngũ cán bộ nghiên cứu, sản xuất vaccine đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Ưu tiên sản xuất vaccine đa giá
Bộ Y tế đưa ra mục tiêu đến năm 2020, sản xuất trong nước sẽ đáp ứng 100% nhu cầu vaccine của người dân. Nghĩa là thời gian chỉ còn khoảng 3 năm nữa! Tuy nhiên, các chuyên gia y tế đánh giá, Việt Nam dù có tiềm năng của một nền công nghiệp sản xuất vaccine nhưng thách thức lớn vẫn là thiếu chính sách, chiến lược cụ thể để chuyển hóa các giá trị khoa học trong lĩnh vực vaccine thành hàng hóa có giá trị thương mại cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường và xuất khẩu.
Hiện nay, các loại vaccine mà Việt Nam đang sản xuất được chủ yếu là vaccine đơn lẻ, một số loại vaccine là thành phần cho việc phối trộn vaccine đa giá 4, 5 hoặc 6 trong 1. Ngược lại, xu hướng thế giới đã phát triển các loại vaccine tổ hợp có hiệu quả cao, tỷ lệ phản ứng ngoài ý muốn thấp. Mặt khác, đến năm 2019, Việt Nam sẽ không còn được nhận viện trợ của GAVI (Liên minh toàn cầu về vaccine và tiêm chủng) về vaccine phối hợp 5 trong 1 trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng nên nhiều khả năng thiếu vaccine. Để bảo đảm cung ứng vaccine phối hợp cho Chương trình Tiêm chủng mở rộng thay thế cho vaccine Quinvaxem (theo cam kết với GAVI), cũng như giải quyết tình trạng khan hiếm vaccine phối hợp hiện nay trên thị trường tiêm chủng dịch vụ, vấn đề sản xuất vaccine trong nước để chủ động nguồn cung được đặt ra, nhất là việc bảo đảm sản xuất và cung ứng đủ vaccine phối hợp 5 trong 1 với công nghệ vô bào. Với năng lực nghiên cứu, sản xuất trong nước còn hạn chế, sự hỗ trợ của nhà nước về cơ chế, chính sách, nguồn vốn là rất cần thiết.
Làm việc với Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng các bộ, ngành liên quan mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá việc tự chủ sản xuất vaccine trong nước có ý nghĩa quan trọng, liên quan trực tiếp đến đời sống, sức khỏe của người dân; đồng thời chỉ đạo phải tập trung nghiên cứu, làm chủ về công nghệ sản xuất vaccine quy mô công nghiệp, tiến tới có nhà máy hiện đại, sản xuất vaccine với chất lượng tốt, có hiệu quả cả về mặt xã hội và kinh tế với tinh thần theo cơ chế thị trường, không bao cấp.
Với mục tiêu chương trình Sản phẩm quốc gia vaccine phòng bệnh cho người, Bộ Y tế đặt định hướng từ nay đến năm 2020, Việt Nam có ít nhất 7 loại vaccine đáp ứng yêu cầu của Chương trình Tiêm chủng Quốc gia, thay thế vaccine nhập khẩu và tiến tới xuất khẩu. Trong đó, dạng vaccine đa giá (vaccine 5 trong 1 và 6 trong 1) phối hợp nhiều loại kháng nguyên là một trong những ưu tiên hàng đầu trong nghiên cứu và phát triển vaccine mới tại Việt Nam hiện nay (Sài Gòn giải phóng, trang 3).
Hơn 300 bệnh nhân hết câm, điếc nhờ cấy điện ốc tai
Ngày 16-12, Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM đã tổ chức kỷ niệm 30 năm ngày thành lập bệnh viện và Hội nghị khoa học kỹ thuật năm 2016.
Một trong những kỹ thuật đạt hiệu quả và đánh giá cao tại hội nghị là cấy điện ốc tai. Bệnh viện đã thực hiện và kết quả cho thấy đã hồi phục khả năng giao tiếp của 300 bệnh nhân được cấy ốc tai điện tử trong các năm 2000-2015.
Sau khi cấy, sức nghe của tất cả các bệnh nhân đạt được ngưỡng nghe trong vùng ngôn ngữ sau khoảng 3 tháng đến 1 năm. Về ngôn ngữ, nhóm người lớn và trẻ em điếc sau ngôn ngữ đã giao tiếp tốt sau 1-2 năm, nhóm điếc trước ngôn ngữ (trẻ điếc bẩm sinh) sau phẫu thuật kết hợp điều trị ngôn ngữ, có thể giao tiếp tốt sau 2-3 năm và có thể hòa nhập tốt, đi học tại các trường bình thường.
Các chuyên gia đánh giá việc cấy ốc tai điện tử có ý nghĩa rất lớn cuộc sống của các trẻ này: hầu hết trẻ điếc bẩm sinh bị câm là do không nghe được. Việc nghe, nói được trước tuổi tiểu học sẽ giúp trẻ có cuộc sống bình thường, hòa nhập cộng đồng và theo học các trường bình thường như mọi trẻ khác (Sài Gòn giải phóng, trang 3).
Cùng chủ đề Báo Tuổi trẻ trang 14: “Hàng trăm trẻ điếc nặng đã được nghe”
Bệnh viện Chợ Rẫy và Vạn Khang SOS hợp tác cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe
Sáng 16-12, Bệnh viện Chợ Rẫy và Công ty TNHH Vạn Khang SOS đã tổ chức lễ ký kết hợp tác toàn diện cung cấp cho người dân TPHCM, hệ thống dịch vụ “ Cấp cứu tại chỗ, chữa bệnh tại nhà”.
Tại buổi lễ ký kết, PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, mặc dù giải pháp chăm sóc người bệnh tại nhà của bệnh viện đã có cách đây 15 năm (2001), nhưng vẫn không đáp ứng được áp lực quá tải của việc khám chữa bệnh, khó đáp ứng mong chờ của người bệnh trong nội viện. Việc kết hợp với Vạn Khang SOS là một mô hình mới, kết hợp với công nghệ thông tin sẽ thêm một giải pháp ngoại viện của bệnh viện; giúp người bệnh được cấp cứu tại chỗ, chữa bệnh tại nhà; giảm bớt áp lực nội viện.
Theo TS Lê Trường Giang, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vạn Khang SOS, công ty có hệ thống công nghệ cao, có khả năng tự động kết nối với khách hàng toàn thành phố khi có nhu cầu sử dụng dịch vụ cấp cứu và chữa bệnh tại nhà. Các dịch vụ cung ứng cho người dân thành phố hiện nay bao gồm: Cấp cứu tại chỗ: Người có yêu cầu cấp cứu chỉ cần bấm nút SOS trên thiết bị chuyên dùng hoặc trên điện thoại di động đã cài đặt ứng dụng VK-SOS. Tổng đài tự động sẽ định vị khách hàng và điều động xe cấp cứu gần nhất thực hiện nhiệm vụ. Chữa bệnh tại nhà: Khám bệnh, tư vấn, kê đơn điều trị, chăm sóc bệnh nhân nặng…Bên cạnh đó, còn có các dịch vụ như lấy bệnh phẩm xét nghiệm, vận chuyển bệnh nhân (Sài Gòn giải phóng, trang 3).
Nhiều loại bệnh truyền nhiễm gia tăng, 23 quận, huyện đã có ca bệnh Zika
Tại buổi họp giao ban y tế quận huyện chiều 15-12, bác sĩ Lê Hồng Nga –Trưởng khoa Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm Trung tâm y tế dự phòng (TTYTDP) TP.HCM cho biết về tình hình các loại bệnh truyền nhiễm có dấu hiệu phức tạp như: Tay chân miệng (TCM), sốt xuất huyết (SXH); và Zika.
9 tháng đầu năm ghi nhận có tới 3.917 trường hợp nhập viện vì bệnh TCM, không có trường hợp tử vong nhưng bệnh có diễn tiến tương tự như những năm trước, với số ca bệnh trong tháng 9/2016 tăng 13% so với tháng 8/2016.
Cũng theo BS Nga, tính tới 30-11 thành phố ghi nhận 5.334 ca mắc bệnh TCM, tháng 11 cũng không ghi nhận thêm ổ dịch TCM nào. Tuy nhiên, lo nhất là dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) đang vào mùa.
Chỉ riêng đầu tháng 12 đã có những biểu hiện cho thấy SXH đã vào đỉnh dịch hàng năm. Tính cho tới thời điểm hiện tại, thành phố đã có 19.021 ca mắc SXH, tăng 6%. Trong tháng 10 có 2.499 ca, tháng 11 có 3.405 ca mắc SXH phải nhập viện.
Đáng chú ý, 14 ngày đầu tháng 12 đã có 1.418 ca mắc SXH nhập viện. Điển hình hình là tại địa bàn quận 4 và quận 5 chỉ trong nửa tháng 12 đã có số ca mắc SXH bằng cả tháng 11.
Tính cho tới thời điểm chiều ngày 15-12, toàn thành phố Hồ Chí Minh cũng ghi nhận có 133 trường hợp nhiễm vi rút Zika được xác định, trong đó có 17 thai phụ đang được theo dõi theo quy định. Trong số 133 trường hợp nhiễm vi rút Zika có 81 trường hợp đã qua 28 ngày theo dõi. Số người mắc Zika đã xuất hiện tại 23/24 quận huyện, tại 75 phường, xã.
Theo BS Hồng Nga, nhiều nơi, vẫn còn hiện tượng người dân thiếu ý thức diệt lăng quăng, phòng chống dịch bệnh. Vào cuối tháng 11 vừa qua, thành phố cũng phát hiện ổ dịch Quai bị tại trường Tiểu học Tân Xuân, Phường Tân Thới Đông, huyện Hóc Môn với 30 ca trong 10 lớp.
Trước tình hình dịch bệnh như trên, BS Hồng Nga đề xuất, lực lượng YTDP các địa phương cần tập trung nhiều giải pháp đồng bộ phòng chống dịch, đặc biệt là giám sát chống dịch SXH và Zika.
Việc xử lý ổ dịch không chỉ phun thuốc, khoanh vùng diệt ổ nguy cơ SXH, Zika mà quan trọng là điều tra giám sát dịch tễ, ca bệnh, phun hoá chất có sự đồng thuận, ủng hộ của người dân.
Tất cả mọi trường hợp được báo ngay cho trạm y tế để tiếp cận, điều tra, xử lý ổ dịch, điều trị kịp thời cho người bệnh.Cán bộ y tế thuộc các Trạm y tế địa phương sắp tới đây sẽ được hướng dẫn, cập nhật thông tin dịch bệnh theo danh giới tới cấp tổ dân phố trong việc quản lý, giám sát ổ dịch nguy cơ( cả SXH và Zika), nhằm khoanh vùng sát hơn, có biện pháp khẩn trương ứng đối và phù hợp với công tác y tế dự phòng địa phương (Công an Nhân dân, trang 7).
33 xã, phường có dịch sốt xuất huyết và Zika cùng hoành hành
Tại buổi giao ban y tế dự phòng 24 quận/huyện tổ chức chiều 15-12, BS Lê Hồng Nga, Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, yêu cầu các quận/huyện đẩy mạnh hoạt động phòng, chống sốt xuất huyết (SXH) và bệnh do virus Zika.
“Khi phát hiện ca bệnh mới, không chỉ thực hiện khoanh vùng phun hóa chất, xử lý khu vực có ca bệnh mà phải điều tra dịch tễ nghiêm túc để đánh giá sự liên hệ với các ca bệnh trước nhằm phát hiện các chùm ca bệnh nếu có” - BS Nga đề nghị.
Theo thống kê, toàn TP hiện có 33 phường, xã vừa có số ca SXH tăng vừa có nhiều ca bệnh do virus Zika. Các phường 24, 25, 26 của quận Bình Thạnh đang có số ca mắc SXH đồng thời có ca bệnh do virus Zika tăng liên tục trong những ngày qua. Tương tự là các phường Bình Trưng Tây và Thạnh Mỹ Lợi của quận 2; phường Hiệp Bình Chánh, Hiệp Bình Phước, Linh Chiểu, Linh Trung của quận Thủ Đức; các phường Phú Thọ Hòa, Tân Quý, Tân Sơn Nhì của quận Tân Phú…
Đến cuối ngày 15-12, toàn TP đã ghi nhận 130 ca nhiễm virus Zika. 75 phường, xã của 23/24 quận, huyện đã có sự xuất hiện của virus Zika. Quận Bình Thạnh dẫn đầu với 24 ca bệnh và tiếp tục ghi nhận ca bệnh phát sinh mới trong những tuần vừa qua.
Về SXH, TP đã có 19.021 trường hợp nhập viện điều trị SXH, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2015. Một số địa phương như quận 4, quận 5 có số ca mắc SXH trong nửa đầu tháng 12 bằng tổng số ca mắc trong tháng 11. BS Nga cảnh báo các phường, xã có SXH và virus Zika cùng gia tăng cần có các biện pháp mạnh mẽ hơn trong công tác phòng, chống dịch, khống chế và không để kéo dài (Pháp luật TP.HCM, trang 16).