NHÂN NGÀY BẢO HIỂM Y TẾ VIỆT NAM 1-7: Thực hiện các giải pháp đẩy nhanh tiến độ phát triển bảo hiểm y tế, tiến tới thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân
Mục tiêu BHYT toàn dân và những kết quả bước đầu
Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, nhằm huy động nguồn lực tài chính của xã hội, cùng với Nhà nước chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, chính sách Bảo hiểm y tế (BHYT) ở nước ta đã ra đời từ năm 1992, đến nay đã hơn 20 năm.
Qua thực tiễn hoạt động, chính sách, pháp luật BHYT ngày càng hoàn thiện, con đường tiến tới thực hiện BHYT toàn dân được chỉ rõ tại các văn kiện của Đảng, quy định trong Luật BHYT và đang dần trở thành hiện thực. Ngày 29-11-2013, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 68/QH13 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật BHYT, tiến tới BHYT toàn dân, trong đó xác định rõ mục tiêu "Bảo đảm đến năm 2015 có ít nhất 75% dân số tham gia BHYT và năm 2020 đạt ít nhất 80% dân số tham gia BHYT". Có thể nói, chủ trương, chính sách, pháp luật BHYT đến nay đã được hoàn thiện, vấn đề còn lại là việc tổ chức thực hiện sao cho hiệu quả nhất, để mọi người dân sớm được hưởng quyền an sinh về BHYT.
Thực tế cho thấy, sau năm năm thực hiện Luật BHYT, tỷ lệ bao phủ BHYT đã có sự tăng trưởng khá nhanh, từ 60% (tương ứng với 52,4 triệu người) vào năm 2010 đã tăng lên 71,6% (tương ứng với 64,7 triệu người) năm 2014. Bình quân mỗi năm tỷ lệ bao phủ BHYT tăng lên khoảng 2,2% (tương ứng với 2,46 triệu người). Đáng chú ý là có sự dịch chuyển ở các nhóm. Đối tượng được ngân sách nhà nước đóng có xu hướng giảm trong khi đối tượng cá nhân tự đóng tăng. Điều này thể hiện nhận thức của người dân về sự cần thiết của BHYT đang có sự chuyển biến rõ rệt. Tuy nhiên, tỷ lệ bao phủ BHYT giữa các vùng, miền còn có sự chênh lệch. Các tỉnh có tỷ lệ tham gia BHYT cao có số đối tượng được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước là chủ yếu. Trong số những địa phương đạt tỷ lệ hơn 90% dân số tham gia BHYT, có duy nhất TP Đà Nẵng là địa phương có số đối tượng tự đóng chiếm phần lớn.
Ngày 1-1-2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 01/CĐ-TTg về việc triển khai thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT.Tiếp đó, ngày 2-4-2015, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Chỉ thị số 05/CT-TTg về việc tăng cường thực hiện chính sách BHXH, BHYT.
Là cơ quan được Chính phủ giao tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật BHYT, BHXH Việt Nam đã chủ động, tích cực tham gia với các bộ, ngành xây dựng và hoàn thiện các nghị định, thông tư hướng dẫn thực hiện Luật; phối hợp chặt chẽ với Tỉnh ủy, UBND các tỉnh, thành phố tích cực triển khai đưa Luật BHYT đi vào cuộc sống; chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố kịp thời xử lý những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện Luật. Công tác tổ chức thực hiện Luật đã nhận được sự vào cuộc khá tích cực từ chính quyền địa phương, với sự tham mưu của BHXH các tỉnh, thành phố và Sở Y tế các địa phương. Một số địa phương đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Luật BHYT sửa đổi. Để bảo đảm quyền lợi cho người tham gia BHYT, BHXH các tỉnh, thành phố đã thành lập các Tổ thường trực, thông báo đường dây nóng, bố trí giám định viên thường trực 100% tại các bệnh viện từ tuyến huyện trở lên để hướng dẫn, giải thích và giải quyết những vướng mắc phát sinh cho người bệnh BHYT, cơ sở khám, chữa bệnh và các tổ chức, cá nhân giao dịch về BHYT.
Chỉ trong quý I năm 2015, cả nước đã có 30,2 triệu lượt người khám, chữa bệnh theo chế độ BHYT (trong đó có 27,4 triệu lượt ngoại trú và 2,8 triệu lượt nội trú), tương đương với cùng kỳ năm 2014. Do quyền lợi được mở rộng nên chi phí khám, chữa bệnh BHYT quý I-2015 tăng 15% so cùng kỳ năm 2014 (9.915 tỷ đồng), chiếm 97,7% nguồn Quỹ được sử dụng. Quyền lợi của người tham gia BHYT ngày càng được bảo đảm.
Những khó khăn, hạn chế và vấn đề đặt ra
Kinh nghiệm thực hiện BHYT toàn dân tại nhiều nước trên thế giới cho thấy, có hai điều kiện tiên quyết là phải tuân thủ nguyên tắc bắt buộc và tham gia theo hộ gia đình. Cả hai quy định này tuy đã được đưa vào Luật BHYT sửa đổi, bổ sung, nhưng hiện tại chưa có chế tài thực hiện. Do đó, mặc dù Luật đã quy định, nhưng việc phát triển đối tượng tham gia BHYT còn chậm và chưa thật sự bền vững. Trong năm năm thực hiện Luật BHYT (từ 2010 đến 2014), trung bình mỗi năm chỉ tăng độ bao phủ khoảng 2,2%, và tỷ lệ tăng chủ yếu ở các nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước đóng và hỗ trợ đóng, nhóm đối tượng tự đóng chủ yếu là những người có nhu cầu khám, chữa bệnh cao (mắc các bệnh mãn tính, nan y).
Trong năm tháng đầu năm 2015, số người tham gia BHYT giảm so với thời điểm cuối năm 2014, tập trung chủ yếu ở nhóm do ngân sách nhà nước đóng và hỗ trợ đóng. Cụ thể, ở nhóm do ngân sách nhà nước hỗ trợ, tính đến hết quý I năm 2015, tỷ lệ tham gia đạt 76%, nhưng riêng nhóm đối tượng cận nghèo chỉ có khoảng 2,6 triệu/6,5 triệu người (bằng 40,6%) tham gia; nhóm do người sử dụng lao động và người lao động đóng cũng đạt tỷ lệ thấp (64,53%). Nhóm học sinh, sinh viên dù đã thực hiện BHYT bắt buộc từ năm 2010 nhưng đến nay cũng vẫn còn 25% chưa tham gia. Đặc biệt, nhóm tham gia BHYT theo hộ gia đình dù số lượng đã tăng 2,8% so với cuối năm 2014, đạt hơn 7,7 triệu người, nhưng vẫn là nhóm có tỷ lệ tham gia thấp so với tiềm năng (31,45%). Mặt khác, nếu căn cứ vào tần suất khám, chữa bệnh BHYT của nhóm này (4,34 lần/người/năm, gấp hơn hai lần so với tần suất khám, chữa bệnh trung bình của các nhóm đối tượng khác), có thể khẳng định rằng dù đã có quy định bắt buộc tham gia BHYT nhưng hầu hết đối tượng hộ gia đình tham gia BHYT đều đang "lựa chọn ngược": chỉ những người khi mắc bệnh nặng, bệnh mãn tính, chi phí điều trị lớn mới tham gia BHYT. Do đó, yêu cầu đặt ra cho công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về tính nhân văn, sự chia sẻ rủi ro, tương thân, tương ái của BHYT phải được tăng cường hơn. Cùng với đó là giá viện phí chưa tính đúng, tính đủ chi phí thực tế; ngân sách nhà nước vẫn còn cấp kinh phí cho các cơ sở khám, chữa bệnh theo chỉ tiêu giường bệnh, chưa chuyển đổi sang hình thức hỗ trợ trực tiếp cho người dân để mua BHYT, những yếu tố đó ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý, tư tưởng chưa nhất thiết phải tham gia BHYT đối với một bộ phận nhân dân...
Để bảo đảm không sót và tránh tình trạng trùng lặp đối tượng, theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, trách nhiệm lập danh sách tham gia BHYT theo hộ gia đình được giao cho UBND cấp xã với 18 loại đối tượng nằm trong diện quản lý. Tuy nhiên, các nghị định, thông tư hướng dẫn thực hiện Luật chưa chỉ rõ trách nhiệm thu thập thông tin, lập danh sách, xác minh thông tin kê khai, người dân cần phải nộp bản kê khai tham gia BHYT cho bộ phận nào... Chính vì vậy, các địa phương vẫn lúng túng trong công tác triển khai lập danh sách và thực hiện BHYT theo hộ gia đình những tháng đầu năm 2015.
Mặt khác, trong kế hoạch thực hiện BHYT toàn dân của các địa phương, hầu hết chưa xây dựng chỉ tiêu phát triển BHYT theo từng nhóm đối tượng tiềm năng để có lộ trình và giải pháp phù hợp, hiệu quả. Việc thực hiện BHYT đối với người thuộc hộ gia đình nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình theo Quyết định số 32/2014/QĐ-TTg ngày 27-5-2014 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 22/2014/TT-BLĐTB và XH ngày 29-8-2014 đến nay các địa phương vẫn chưa triển khai... Tất cả những yếu tố này cho thấy việc mở rộng 4% (tương ứng với gần năm triệu người) tham gia BHYT vào cuối năm 2015 theo Nghị quyết của Quốc hội thật sự là một thách thức rất lớn.
Cần thực hiện các giải pháp đồng bộ, tổng thể, quyết liệt
Đứng trước yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng cao, cùng những vấn đề đang đặt ra, bên cạnh các biện pháp tháo gỡ từ cơ chế, chính sách, chế tài..., trong thời gian tới, việc tổ chức triển khai cần thực hiện tốt các giải pháp đồng bộ, tổng thể và quyết liệt, đó là:
Thứ nhất, trên cơ sở Đề án "Thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân giai đoạn 2012-2015 và 2020" theo Quyết định 538/2013/QĐ-TTg ngày 29-3-2013 của Thủ tướng Chính phủ, BHXH Việt Nam phối hợp Bộ Y tế tham mưu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ giao chỉ tiêu phát triển BHYT cho từng tỉnh, thành phố. Căn cứ vào các chỉ tiêu này, BHXH các tỉnh, thành phố chỉ đạo BHXH cấp huyện phối hợp với chính quyền cơ sở rà soát và khoanh vùng đối với những nhóm đối tượng tiềm năng (cận nghèo, học sinh, sinh viên, người thuộc hộ gia đình nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình, người lao động làm việc tại các doanh nghiệp chưa được tham gia BHYT...) để tham mưu với chính quyền địa phương đưa chỉ tiêu bao phủ BHYT là một trong các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đưa vào nghị quyết của từng cấp ủy địa phương, cơ sở, đồng thời có giải pháp khả thi đối với từng nhóm đối tượng.
Thứ hai, BHXH Việt Nam phối hợp Bộ Y tế và các bộ, ngành chức năng khẩn trương xây dựng, hoàn thiện và ban hành Thông tư liên tịch của các bộ, ngành liên quan hướng dẫn rõ ràng, cụ thể về trách nhiệm của UBND cấp xã trong việc thực hiện khoản 5 Điều 7c Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT về trách nhiệm của UBND cấp xã trong thực hiện Luật; quy định về quy trình tập hợp thông tin, liên kết dữ liệu để tránh cấp thẻ BHYT trùng hoặc sót người tham gia BHYT. Đề xuất cơ chế tài chính hợp lý bảo đảm cho việc tổ chức thực hiện hiệu quả.
Thứ ba, phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế giải quyết dứt điểm những vướng mắc trong thực hiện BHYT hộ gia đình theo hướng cải cách tối đa các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân tham gia BHYT.Trước mắt, việc tham gia BHYT theo hộ gia đình năm 2015 sẽ được thực hiện theo nguyên tắc hộ gia đình tự kê khai danh sách tham gia theo mẫu do BHXH Việt Nam ban hành và chịu trách nhiệm về những nội dung kê khai để gửi đại lý thu. Năm 2016, cơ quan BHXH sẽ rà soát, đối chiếu danh sách gia đình tham gia BHYT, danh sách người chưa tham gia BHYT. Trường hợp còn người trong hộ gia đình chưa tham gia thì yêu cầu tiếp tục tham gia BHYT theo quy định. Khẩn trương hoàn thiện và mở rộng mạng lưới đại lý thu BHYT, tạo điều kiện để người dân có thể tiếp cận chính sách qua nhiều "kênh" thay vì chỉ qua một nguồn là đại lý tại UBND xã như hiện nay.
Thứ tư, cùng với việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thu BHYT, phát huy hiệu quả hoạt động của Cổng Thông tin điện tử BHXH Việt Nam; khẩn trương hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung làm cơ sở rà soát, xác minh thông tin người tham gia BHYT.Để làm được việc này, rất cần sự phối hợp chặt chẽ, cung cấp thông tin từ các đơn vị đầu mối quản lý các nhóm đối tượng như Bộ Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Công an, Quốc phòng cần tích cực ban hành văn bản hướng dẫn các đơn vị chuyển dữ liệu đối tượng tham gia BHYT cho cơ quan BHXH để sớm hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý người tham gia BHYT.
Thứ năm, đề nghị Bộ Y tế chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh tiếp tục triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, tinh thần, thái độ phục vụ người tham gia BHYT; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải tiến quy trình thanh toán khám, chữa bệnh BHYT, quản lý và sử dụng Quỹ khám, chữa bệnh BHYT hiệu quả, bảo đảm quyền lợi cho người tham gia BHYT, tạo niềm tin, thu hút, hấp dẫn người tham gia BHYT.
Thứ sáu, trong sáu tháng cuối năm, cần đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức và chuyển biến thành hành động cụ thể trong thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân. Triển khai các hình thức tuyên truyền trực tiếp tới mọi đối tượng cán bộ, nhân dân. Nội dung tuyên truyền cần tập trung làm rõ sự cần thiết phải thực hiện BHYT theo hộ gia đình, là hoạt động chia sẻ rủi ro, mình vì mọi người, mọi người vì mình, tương thân tương ái đùm bọc lẫn nhau, vì sức khỏe của bản thân, gia đình và xã hội. Năm học mới 2015 -2016, lường trước những khó khăn do thay đổi mức đóng BHYT học sinh, sinh viên tăng từ 3% lên 4,5% mức lương cơ sở..., toàn ngành cần tập trung đẩy mạnh hơn công tác tuyên truyền, phấn đấu hoàn thành bao phủ BHYT tới 100% số học sinh, sinh viên. Mặt khác, tích cực kêu gọi các Hội đoàn thể, các doanh nghiệp, nhà tài trợ chung tay hỗ trợ kinh phí mua thẻ BHYT tặng các đối tượng gặp khó khăn, hộ cận nghèo. (Nhân dân trang 4)
Đã rõ nguyên nhân "bệnh lạ" ở Phú Thọ
Đoàn công tác của Bộ Y tế và hơn mười bác sĩ, kỹ thuật viên của các bệnh viện: Da liễu T.Ư, Nhi T.Ư, Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư đã về xã Thượng Cửu, Thanh Sơn, Phú Thọ khám, chẩn đoán, làm rõ "bệnh lạ" mà một số trẻ em mắc phải. Các bác sĩ kết luận, đó là bệnh khô da sắc tố, đã được nêu trong y văn thế giới.
Đoàn công tác đã đến gia đình hai cháu Hà Thị Nương, chín tuổi và Hà Thị Cúc hơn ba tuổi. Do bố, mẹ đã mất, hiện hai cháu ở với bà nội là Hà Thị Bén 71 tuổi ở xóm Mặc, xã Thượng Cửu. Theo gia đình kể lại, lúc sinh ra hai cháu đều khỏe mạnh bình thường, sau một tháng tuổi, xuất hiện các nốt thâm đen ở da, nhiều nhất là vùng da tiếp xúc với ánh sáng (vùng mặt, cổ, gáy, mặt ngoài chân, tay...). Cả hai cháu đều chậm phát triển về thể chất, tinh thần chậm chạp, sợ ánh sáng. Theo điều tra và báo cáo của y tế địa phương, từ năm 1992 đến nay, xã Thượng Cửu có một số trường hợp mắc bệnh có triệu chứng giống hai cháu bé nêu trên, bốn trường hợp đã tử vong. Hai cháu Nương và Cúc được các bác sĩ khám, lấy mẫu máu, sinh thiết da để làm các xét nghiệm và nghiên cứu cần thiết. Các cán bộ trong đoàn cũng khai thác các yếu tố dịch tễ học và yếu tố di truyền gia đình.
Sau khi nghe các bác sĩ thuộc các chuyên ngành về da liễu, nhi thăm khám, GS, TS Nguyễn Trần Hiển, nguyên Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư khẳng định: Bệnh về da này không phải "bệnh lạ", hay bệnh truyền nhiễm, hoặc do yếu tố môi trường. Tên bệnh đã có trong y văn thế giới, là bệnh khô da sắc tố. Bệnh không lây và mang tính chất di truyền. Cụ thể là xuất hiện ở thế hệ thứ tư và thứ năm của gia đình người bệnh. TS Lê Hữu Doanh, Phó Giám đốc Bệnh viện Da liễu T.Ư cho biết: Từ năm 2009, tại Bệnh viện Da liễu T.Ư đã xuất hiện đơn lẻ những trường hợp bị khô da sắc tố như hai cháu Hà Thị Nương và Hà Thị Cúc. Trung bình, mỗi năm có khoảng ba đến năm trường hợp đến khám và điều trị tại bệnh viện. Bệnh này hoàn toàn có thể hạn chế được những tổn thương về da, nếu người bệnh tuân thủ những yêu cầu về điều trị và dự phòng bệnh. Đó là hạn chế tối đa tiếp xúc ánh nắng; khi đi ra ngoài nhà phải sử dụng kem chống nắng, đeo kính, mặc quần áo dày, hạn chế tiếp xúc tia UV, đồng thời dự phòng các yếu tố về ung thư da.
Theo PGS, TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư, cần tiếp tục nghiên cứu thêm đặc điểm dịch tễ về căn bệnh này ở huyện Thanh Sơn. Sau khi thăm khám lâm sàng, các bác sĩ Bệnh viện Nhi T.Ư đã lấy mẫu máu, đồng thời gửi mẫu cho các đối tác nước ngoài để xác định gien của hai bệnh nhi. PGS Trần Minh Điển đề nghị Sở Y tế Phú Thọ, chính quyền địa phương tuyên truyền cho người dân biết, đây không phải bệnh lạ; tuyên truyền về những hậu quả của hôn nhân cận huyết...
Về phía ngành y tế và chính quyền địa phương, đề nghị các chuyên gia tiếp tục hỗ trợ trong nghiên cứu dịch tễ đối với các trường hợp tương tự trên địa bàn. Huyện Thanh Sơn sẽ rà soát những ca đã tử vong về căn bệnh này trong thời gian qua, đồng thời tạo mọi điều kiện chăm sóc cho gia đình hai cháu Hà Thị Nương và Hà Thị Cúc. (Lao động, Nhân dân trang 8)
Cùng chủ đề: Báo Thanh niên trang 3 - Kiểm tra “bệnh lạ” ở Phú Thọ; Báo Tiền phong trang 14- Nhiều trẻ mắc “bệnh lạ” ở Phú Thọ: Bộ Y tế xác định trẻ bị bệnh sắc tố da; Căn bệnh khiến một số trẻ em mắc và tử vong ở xã Thượng Cứu (Phú Thọ): Không phải “bệnh lạ” ; Báo Sức khỏe & Đời sống trang 3- “Bệnh lạ” ở Phú Thọ có gì lạ.
Phát động phong trào "Vệ sinh yêu nước, nâng cao sức khỏe nhân dân" năm 2015
Ngày 30-6, tại TP Lào Cai, Bộ Y tế, Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam và UBND tỉnh Lào Cai phối hợp phát động phong trào "Vệ sinh yêu nước, nâng cao sức khỏe nhân dân" năm 2015.
Ngày 2-7-1958, Bác Hồ có bài viết về "Vệ sinh yêu nước" đăng trên Báo Nhân Dân (số 1572) nhằm kêu gọi toàn thể người dân tích cực tham gia các hoạt động vệ sinh phòng bệnh, với quan điểm "phòng bệnh hơn trị bệnh", nâng cao sức khỏe nhân dân. Tại Quyết định 730/QĐTTg ngày 19-6-2012, Thủ tướng Chính phủ quyết định lấy ngày 2-7 hằng năm là Ngày vệ sinh yêu nước, nâng cao sức khỏe nhân dân.
Lễ phát động tổ chức tại TP Lào Cai với ba mục tiêu chính: Vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường cộng đồng; vệ sinh an toàn thực phẩm và vệ sinh trong lao động. Trong đó, chú trọng bảo đảm cho người dân nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh, chuồng trại chăn nuôi, đủ nước sạch và thu gom, xử lý chất thải đúng quy định.
Để thực hiện các mục tiêu nêu trên, các cấp, các ngành, cơ quan chức năng và người dân cần đẩy mạnh thực hiện phong trào "năm không ba sạch", đó là: sạch ngõ, sạch nhà gắn với vệ sinh thân thể, sạch bếp gắn với vệ sinh an toàn thực phẩm, sạch ngõ gắn với vệ sinh môi trường; "ba không", đó là: không sản xuất rau không an toàn; không giết mổ gia súc, gia cầm không an toàn; không bán phụ gia thực phẩm không có trong danh mục cho phép sử dụng của Bộ Y tế. (Nhân dân trang 8)
Siết chặt công tác quản lý chất thải y tế
Theo số liệu của Sở Y tế Hà Nội, hiện nay trung bình mỗi năm, tổng lượng rác thải y tế thải ra từ 41 bệnh viện công lập, 52 phòng khám đa khoa, 4 nhà hộ sinh, 584 trạm y tế và khối y tế tư nhân trên địa bàn thành phố ước khoảng 592.395kg chất thải y tế nguy hại, 2.971.830kg chất thải thông thường và khoảng1.722.600m3 nước thải.
Các chuyên gia y tế cho rằng, lượng rác thải y tế độc hại trên địa bàn sẽ còn tiếp tục tăng lên khi xã hội phát triển, công nghiệp hóa ngày càng cao. Chính vì vậy, công tác quản lý các chất thải y tế phải được nghiêm túc thực hiện theo đúng quy định mới có thể đảm bảo an toàn.
Thực hiện yêu cầu của Cục Quản lý môi trường y tế về tăng cường công tác quản lý chất thải y tế tại các cơ sở y tế, Sở Y tế Hà Nội đã có văn bản yêu cầu các đơn vị trong toàn ngành cập nhật, phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong lĩnh vực quản lý chất thải y tế và bảo vệ môi trường.
Sở Y tế cũng đồng thời tăng cường đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực của cán bộ quản lý và nhân viên y tế về chuyên môn, nghiệp vụ trong công tác quản lý chất thải y tế và hoàn thiện các thủ tục pháp lý về quản lý chất thải y tế và bảo vệ môi trường.
Sở Y tế yêu cầu các đơn vị tổ chức phân loại, thu gom, vận chuyển, lưu giữ tạm thời và xử lý chất thải y tế đúng quy định, phân công làm rõ người chịu trách nhiệm quản lý trong từng khâu đoạn thu gom, khu vực lưu giữ, vận chuyển, xử lý chất thải y tế tại đơn vị; khi chuyển giao chất thải cho các tổ chức, cá nhân có đủ tư cách pháp nhân về xử lý chất thải nguy hại theo đúng quy định, không để xảy ra tình trạng làm thất thoát chất thải y tế nguy hại ra bên ngoài.
Đặc biệt tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác quản lý chất thải y tế, bảo vệ môi trường nhằm phát hiện kịp thời, ngăn chặn các hành vi vi phạm về quản lý chất thải và bảo vệ môi trường trong cơ sở y tế và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Sở Y tế phối hợp liên ngành thanh tra, kiểm tra tại các đơn vị; trường hợp xảy ra vi phạm, thủ trưởng đơn vị chịu trách nhiệm trước pháp luật và cơ quan có thẩm quyền.
Nội dung thanh, kiểm tra tập trung vào các trang, thiết bị, phương tiện thu gom, vận chuyển, lưu giữ chất thải, thiết bị xử lý chất thải y tế; việc thực hiện công tác tác phân loại, thu gom, vận chuyển, lưu trữ, xử lý chất thải y tế; kiểm tra việc thực hiện công tác an toàn, quản lý vệ sinh lao động, sức khỏe người lao động và bệnh nghề nghiệp...
Ngoài việc xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định, các đoàn thanh, kiểm tra hướng dẫn các cơ sở y tế thực hiện thủ tục pháp lý trong lĩnh vực quản lý chất thải y tế, bảo vệ môi trường và quản lý vệ sinh lao động, sức khỏe người lao động và bệnh nghề nghiệp theo quy định hiện hành.
Từ năm 2012, ngành y tế Thủ đô đã có 5 dự án đầu tư hệ thống xử lý chất thải y tế của các đơn vị với tổng kinh phí gần 213 tỷ đồng. Hiện tại, 41 bệnh viện của ngành y tế Hà Nội đã có hệ thống xử lý chất thải lỏng y tế.
Để “thắt chặt” quản lý rác thải y tế, phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Văn Dung cho biết, Sở yêu cầu các đơn vị y tế công lập và ngoài công lập xây dựng kế hoạch cụ thể và thực hiện nghiêm túc quy định về quản lý rác thải y tế; tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy thực hiện, quy định và phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên; rà soát toàn bộ các trang thiết bị y tế, thiết bị chuyên môn, phương tiện vận tải nhằm đảm bảo an toàn cho cán bộ, người lao động cũng như bệnh nhân, người nhà bệnh nhân trong quá trình sử dụng.
Hệ thống xử lý chất thải tại các đơn vị cần được bảo dưỡng, sửa chữa đảm bảo đúng yêu cầu; các đơn vị phải tổ chức đo kiểm môi trường các tiêu chuẩn về ánh sáng, độ ồn, khí thải.. (An ninh Thủ đô trang 6)
Ứng dụng thành công phương pháp mới điều trị ung thư gan
Hội thảo về phương pháp điều trị ung thư gan bằng hạt vi cầu phóng xạ Yttrium-90 (xạ trị trong chọn lọc) đã được Bệnh viện (BV) Bạch Mai và BV T.Ư Quân đội 108 phối hợp tổ chức ngày 30.6 tại Hà Nội.
GS-TS Mai Trọng Khoa, Phó giám đốc BV Bạch Mai, Giám đốc Trung tâm y học hạt nhân và ung bướu, cho biết xạ trị trong chọn lọc bằng hạt vi cầu phóng xạ là phương pháp đưa trực tiếp hạt vi cầu resin SIR-Spheres Yttrium 90 (Y-90) qua động mạch nuôi vào trong khối u. Với tác dụng kép vừa gây tắc mạch cắt nguồn dinh dưỡng nuôi u và phát ra bức xạ bê ta tiêu diệt tế bào ung thư tại chỗ, ảnh hưởng rất ít đến mô lành xung quanh.
Phương pháp này được chỉ định cho các bệnh nhân ung thư gan, ung thư đường mật trong gan, ung thư gan thứ phát (ung thư nơi khác di căn vào gan) không còn khả năng phẫu thuật với mục đích tiêu diệt khối u hoặc làm giảm kích thước u, hạ giai đoạn bệnh để có thể thực hiện tiếp các liệu pháp điều trị triệt căn như phẫu thuật, phá hủy u tại chỗ. Tại VN, kỹ thuật này đã được triển khai thành công tại các BV Bạch Mai, Quân đội 108 và Chợ Rẫy. Cả nước đã có hơn 50 bệnh nhân ung thư gan được điều trị thành công. (Thanh niên trang 2)
Trẻ tử vong sau tiêm tại Đà Nẵng không liên quan đến tiêm chủng
Ngày 30/6, Bộ Y tế cho biết, ngày 27/6 ghi nhận một trường hợp tử vong sau tiêm vắc-xin Quinvaxem và uống OPV lần 1 ở trẻ nam 3 tháng tuổi tại phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng.
Theo báo cáo của Sở Y tế thành phố Đà Nẵng, trẻ được tiêm vắc-xin Quinvaxem, uống OPV lúc 14h ngày 26/6 tại Trạm Y tế phường Hòa Minh. Cán bộ tiêm chủng tại trạm đã thực hiện đúng các quy định về tổ chức tiêm chủng của Bộ Y tế. Trẻ được tiêm theo đúng quy trình, được theo dõi 30 phút sau tiêm...
Theo thông tin từ gia đình trẻ, sau khi tiêm chủng trở về nhà, trẻ khỏe và bú bình thường. Đến 18h ngày 26/6, trẻ có biểu hiện sốt. Đến 8h cùng ngày, gia đình phát hiện trẻ tái nhợt, xuất huyết ở mũi và miệng, trẻ được tiến hành hô hấp nhân tạo tuy nhiên không có kết quả. Trẻ tử vong tại nhà (18 giờ sau tiêm chủng). Trẻ có tiền sử sinh non (34 tuần tuổi), đẻ mổ, cân nặng 1,4kg.
Ngay sau khi xảy ra trường hợp tai biến nêu trên, Hội đồng tư vấn chuyên môn đánh giá tai biến trong quá trình sử dụng vắc-xin, sinh phẩm y tế thành phố Đà Nẵng đã tiến hành điều tra và Hội đồng đã thống nhất kết luận: Trẻ tử vong không liên quan đến tiêm chủng, nghĩ đến nguyên nhân do trùng hợp ngẫu nhiên ở trẻ sinh non, thiếu cân. (Lao động, Tiền phong trang 2)
Cùng chủ đề: Báo Lao động trang 7- Bệnh nhân tử vong sau tiêm tại Đà Nẵng do sinh non
Khó khăn mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm y tế
BHXH Việt Nam cho biết, để hoàn thành mục tiêu bao phủ 75% dân số có bảo hiểm y tế (BHYT) trong năm 2015 theo Nghị quyết của Quốc hội, cần phải triển khai nhiều giải pháp đồng bộ trong thời gian tới.
Trốn đóng BHYT vẫn phức tạp
Theo ông Phạm Lương Sơn, Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam), tình trạng nợ đóng, trốn đóng BHYT tại các doanh nghiệp (DN) vẫn diễn ra khá phổ biến. Theo thống kê, có trên 40% DN còn nợ đóng, trốn đóng nhưng chưa có biện pháp giải quyết dứt điểm. Bên cạnh đó, do tình hình KT-XH vẫn còn nhiều khó khăn, nhiều DN giải thể hoặc kinh doanh không có lãi, không ít DN cuối năm khi tăng tiến độ sản xuất thì sử dụng lao động nhiều; nhưng đến đầu năm 2015, khi vào mùa tết, lễ hội lại cắt giảm lao động do chưa có nhu cầu sản xuất kinh doanh nên hạn chế trong việc phát triển đối tượng.
Ngoài ra, thực hiện chương trình xoá đói, giảm nghèo, một số xã, huyện được đưa ra khỏi danh sách vùng kinh tế khó khăn, đặc biệt khó khăn theo Quyết định của Chính phủ và Ủy ban Dân tộc nên không được ngân sách nhà nước mua BHYT. Do đó, số lượng người tham gia BHYT thuộc đối tượng này giảm đi.
Cùng với đó, người thuộc hộ gia đình cận nghèo, người thuôc hộ gia đình nông lâm ngư diêm nghiệp có mức sống trung bình có tỷ lệ tham gia BHYT thấp do nhiều địa phương chưa có cơ chế hỗ trợ 30% mức đóng BHYT còn lại cho hộ gia đình cận nghèo. Chưa xác định và lập danh sách hộ gia đình nông lâm ngư diêm nghiệp có mức sống trung bình giai đoạn 2014-2015 theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Cũng theo lãnh đạo BHXH Việt Nam, nhóm đối tượng là học sinh, sinh viên, đặc biệt là sinh viên các trường đại học, cao đẳng và dạy nghề chưa tích cực tham gia BHYT. Theo thống kê, vẫn còn nhiều tỉnh có đến 20% học sinh, sinh viên chưa tham gia BHYT.
Đối với nhóm tham gia theo hộ gia đình, mặc dù có sự gia tăng số đối tượng tham gia BHYT thuộc nhóm này nhưng chưa đạt được mục tiêu đề ra theo kế hoạch phát triển đối tượng năm 2015. Nguyên nhân do: mới triển khai thực hiện BHYT bắt buộc theo hộ gia đình nên nhiều người dân chưa nắm rõ quy định mới. Người dân muốn tham gia BHYT phải chứng minh tình trạng tham gia BHYT của tất cả các thành viên trong gia đình nên ảnh hưởng đến việc tham gia BHYT. Kinh tế của đại bộ phận hộ gia đình còn gặp nhiều khó khăn, không đủ đóng một lúc cho toàn thành viên trong hộ gia đình.
Cách nào hoàn thành mục tiêu bao phủ 75%?
Để hoàn thành mục tiêu bao phủ 75% dân số có BHYT trong năm 2015, theo bà Nguyễn Thị Minh, Thứ trưởng, Tổng giám đốc BHXH Việt Nam, hiện Quốc hội đã có Nghị quyết số 68 năm 2013. Ngoài ra, BHXH Việt Nam cũng đã đề nghị Chính phủ đưa nội dung phát triển đối tượng tham gia BHYT theo quy định của Luật BHYT và Chỉ thị số 05 năm 2015 của Thủ tướng vào Nghị quyết Phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 5/2015.
Đến nay, Bộ Y tế đã có văn bản trình Thủ tướng để giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHYT (số đối tượng và tỷ lệ bao phủ theo dân số cụ thể cho mỗi tỉnh, thành phố) là một trong những chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội quan trọng hàng đầu năm 2015 của địa phương.
Lãnh đạo BHXH Việt Nam cho rằng, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với Bộ Y tế, Bộ LĐ-TB&XH cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra việc chấp hành chính sách, pháp luật về BHYT tại các DN để tăng cường tính tuân thủ pháp luật về BHYT tại các DN.
UBND các tỉnh, thành phố cần huy động mọi nguồn lực và ngân sách địa phương để hỗ trợ 30% mức đọng BHYT còn lại cho người thuộc hộ cận nghèo, 50% mức đọng BHYT cho hộ gia đình nông lâm ngư diêm nghiệp có mức sống trung bình. Ngoài ra, cần trình cấp có thẩm quyền phê duyệt danh sách các xã đảo, huyện đảo để có cơ sở lập danh sách mua thẻ BHYT cho cư dân sinh sống tại các xã đảo, huyện đảo theo quy định của Luật BHYT.
Đồng thời, liên Bộ Y tế-Tài chính cũng cần cho thực hiện thu BHYT học sinh theo năm học, khoá học để dễ quản lý, thu tiền và đảm bảo các đối tượng tham gia BHYT của học sinh và thực hiện phân bổ quỹ khám chữa bệnh và thanh quyết toán theo năm tài chính. (Tiền phong trang 13)
Sẽ hỗ trợ, phẫu thuật 3000 trẻ em nghèo mắc bệnh tim bẩm sinh
Đó là con số được ban tổ chức đưa ra tại Lễ tổng kết giai đoạn 1 và công bố mục tiêu giai đoạn 2 chương trình “Trái tim cho em”.
Theo đó, trong giai đoạn 2 từ 2015 – 2020 chương trình Trái tim cho em dự kiến sẽ hỗ trợ, phẫu thuật được khoảng 3000 trẻ em nghèo mắc bệnh tim bẩm sinh. Khám sàng lọc bệnh tim cho 30.000 trẻ em nghèo.
Chương trình “Trái tim cho em” do Đài Truyền hình Việt Nam và Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel tổ chức. Sau bảy năm triển khai, chương trình quyên góp được 90 tỉ đồng và hỗ trợ phẫu thuật thành công cho 2700 em nhỏ dưới 16 tuổi mắc bệnh tim bẩm sinh có hoàn cảnh khó khăn. Việc làm ý nghĩa này đã giúp thay đổi hoàn toàn cuộc sống của các em và gia đình.
Bên cạnh hoạt động hỗ trợ phẫu thuật, chương trình “Trái tim cho em” còn phối hợp với các bệnh viện Tim mạch tổ chức 16 đợt khám sàng lọc bệnh tim bẩm sinh miễn phí cho 16000 trẻ em nghèo của các tỉnh vùng sâu vùng xa nhằm phát hiện bệnh tim bẩm sinh sớm ở trẻ nhỏ để giúp các em được điều trị bệnh.
Đồng thời Trái tim cho em cũng thực hiện nâng cao năng lực cho 7 bệnh viện với rất nhiều trang thiết bị mới phục vụ các ca mổ tim, qua đó giúp các bệnh nhi tim tiếp cận cơ hội phẫu thuật nhanh chóng hơn.
Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới, ở Việt Nam hiện còn 44.600 trẻ dưới 6 tuổi mắc bệnh tim bẩm sinh, trong đó 60% thuộc hộ nghèo và cận nghèo. Mỗi năm, Việt Nam có từ 8.000-10.000 trẻ vừa sinh ra bị bệnh tim bẩm sinh. Trong đó, 50% số trẻ bị bệnh tim bẩm sinh rất nặng cần được phẫu thuật ngay.
Để đạt được mục tiêu đề ra, BTC kêu gọi các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đóng góp cho quỹ. Địa chỉ tiếp nhận: Quỹ tấm lòng Việt - Đài TH Việt Nam, 43 Nguyễn Chí Thanh, Ba Đình, Hà Nội. Số tài khoản VND: 001 11 001 29 008. Số tài khoản USD: 002 11 004 66 004. Ngân hàng TMCP Quân đội - Sở GD Hà Nội. (Công an Nhân dân trang 8)
Cùng chủ đề: Báo An ninh Thủ đô trang 2 – “Trái tim cho em” sẽ phẫu thuật cho 3.000 bệnh nhi
Ca nghi nhiễm nhiễm MERS-CoV quá cảnh tại VN mắc sốt rét
Chiều 30.9, Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế cho biết, một hành khách người Trung Quốc bay từ Campuchia, quá cảnh sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đi Hồng Kông trên chuyến bay VN 594 ngày 29.6 đã bị cách ly tại Hồng Kông ngay sau khi phát hiện có sốt 38,5 độ và đau đầu.
Trường hợp này trước đó đã có tiền sử đến Dubai ngày 22.6 và đến Hàn Quốc ngày 24.6. Cơ quan đầu mối thực hiện điều lệ y tế quốc tế - Cục Y tế dự phòng đã liên hệ với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và đầu mối thực hiện điều lệ y tế quốc tế của Trung Quốc để cung cấp thông tin về trường hợp này.
Kết quả xét nghiệm tại Bệnh viện Hồng Kông ngày 30.6 đã âm tính (-) với MERS-CoV và có kết quả dương tính (+) với sốt rét. Đến nay, Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nào mắc MERS-CoV. (Lao động trang 7)
Tiếp tục khai quật các hố chôn chất thải y tế trái phép
ính đến chiều 30.6, tại hiện khu đất trống trên địa bàn P.2, thành phố Tây Ninh, Công an tỉnh Tây Ninh và Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Tây Ninh đã đào và xử lý hủy 24/43 hố chôn chất thải y tế nguy hại do Bệnh viện Đa khoa tư nhân Lê Ngọc Tùng (phường 3, TP.Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh) chôn lấp trái phép.
Trước đó, ngày 25.6, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường tỉnh Tây Ninh phối hợp với Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội tỉnh này đã bắt quả tang hai nhân viên bảo vệ của Bệnh viện Đa khoa tư nhân Lê Ngọc Tùng chôn rác thải y tế.
Tại hiện trường, hai bảo vệ của bệnh viện là Trương Hoàng Liêm và Trương Anh Tuấn đang chôn ba bao rác thải y tế (gồm ống tiêm, kiêm tiêm, lọ thuốc, ống đựng xét nghiệm) được chở từ bệnh viện Lê Ngọc Tùng. Hai bảo vệ này khai nhận, trong thời gian qua họ đã đào khoảng 43 hố để chôn lấp rác thải y tế.
Theo Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Tây Ninh, qua hồ sơ làm việc và đào thực tế tại các vị trí do Bệnh viện Lê Ngọc Tùng khai nhận, số lượng rác ước chừng có khoảng 6 tấn. Trên thực tế, tính đến chiều 30.6, các cơ quan chức năng khai quật 24 hố với số lượng ước khoảng gần 20 tấn rác thải các loại, trong đó có rác thải y tế nguy hại. Đại diện Bệnh viện tư nhân Lê Ngọc Tùng giải thích rằng, bệnh viện có hợp đồng với công ty môi trường để xử lý rác thải.
Tuy nhiên, một số loại rác thải nguy hại phát sinh hằng ngày phải xử lý, bệnh viện dự tính tự đốt vì có lò đốt rác. Thế nhưng, do lò đốt rác chưa được nghiệm thu nên có yêu cầu nhân viên đem rác đi đốt ở bên ngoài để tiêu hủy.
Được biết, Bệnh viên Đa khoa tư nhân Lê Ngọc Tùng trước đây đã trình hồ sơ thiết kế của lò đốt rác y tế nhưng không được thông qua vì không đạt quy chuẩn theo quy định. Hiện các cơ quan chức năng tiếp tục khai quật các hố chôn chất thải y tế nguy hại và điều tra làm rõ vụ việc. (Lao động trang 7)
Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện thanh lập đơn vi chăm sóc khách hàng
Bộ Y tế sẽ triển khai kế hoạch “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế, hướng tới sự hài lòng của người bệnh” trong tháng 6 này ở 3 cấp Trung ương; tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các bệnh viện.
Bộ Y tế yêu cầu toàn ngành thực hiện 8 hoạt động cụ thể: tập huấn nâng cao kỹ năng giao tiếp cho cán bộ y tế; thành lập các đơn vị chăm sóc “khách hàng”; quy định trang phục của cán bộ y tế; tiếp tục thực hiện “đường dây nóng”; duy trì, củng cố hòm thư góp ý; triển khai Đề án “Tiếp sức người bệnh trong bệnh viện”; xây dựng phong cách, thái độ, phục vụ văn minh, thân thiện, không có tiêu cực; ký cam kết và thực hiện các nội dung cam kết.
Theo kế hoạch này, toàn bộ đội ngũ cán bộ y tế tại các đơn vị, từ lãnh đạo đến nhân viên các bộ phận…, sẽ được tập huấn kỹ năng giao tiếp, văn hóa ứng xử trong giao tiếp với người bệnh và nhân dân theo các tình huống giả định, các mẫu ứng xử với từng đối tượng người bệnh khác nhau, tại từng địa điểm khác nhau trong bệnh viện mà Bộ Y tế xây dựng.
Bộ cũng sẽ quy định về trang phục y tế nhằm giúp người bệnh và nhân dân biết các chức danh chuyên môn nghề nghiệp của công chức, viên chức, người lao động làm việc tại các cơ sở khám, chữa bệnh.
Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện tuyến Trung ương, sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các đơn vị trong toàn ngành phân công công chức, viên chức trực điện thoại “đường dây nóng” 24/24 giờ. Đồng thời, có hòm thư góp ý nhằm tôn trọng, lắng nghe ý kiến, kiến nghị của cán bộ y tế và của người dân. (Tuổi trẻ trang 7)
Mổ cứu sống một ngư dân Trường Sa
Đồng chí Trung tá Nguyễn Thành Nhân, Phó Chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn 167 Vùng 2 Hải Quân cho biết, bệnh nhân là anh Huỳnh Văn Kiên (24 tuổi), sống tại xã Long Hải, huyện Phú Quý, tỉnh Bình Thuận, đang hoạt động đánh bắt xa bờ trên tàu cá BTH 98181 TS tại khu vực quần đảo Trường Sa. Anh Kiên bị đau bụng dữ dội suốt 4 ngày trước đó và tự uống thuốc nhưng không khỏi. Các bác sĩ trên tàu 561 do Thượng tá - bác sĩ Phạm Văn Quyên, Phó phòng quân y Quân chủng Hải quân làm trưởng đoàn đã tiến hành khám, xác định nguyên nhân anh Kiên bị viêm ruột thừa cấp và chỉ định mổ cấp cứu ngay lập tức. Sau hơn 1 giờ chuẩn bị và thực hiện khẩn trương, kíp mổ của Viện y học Hải Quân và Đội điều trị 486 do Thượng tá Trần Văn An, bác sĩ chuyên khoa 2 làm kíp trưởng đã hoàn thành ca mổ tốt đẹp, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch và đang hồi phục.
Trước đó, đêm 12-6, tại khu vực từ nhà giàn DK1/21 đến đảo An Bang, đoàn công tác cũng đã cấp cứu kịp thời ngư dân Đặng Văn Bình (52 tuổi, quê xã Bình Đông, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) của tàu cá QNG95979 TS. Ông Bình bị chấn thương sọ não nặng vì tai nạn trong lúc làm việc. Sau khi sơ cứu, đoàn đã liên lạc kịp thời chuyển bệnh nhận đến đảo Trường Sa Lớn để đưa vào cấp cứu, điều trị tại Bệnh viện 175 TPHCM. Đến nay, bệnh nhân đã bình phục và xuất viện.
Đây là đợt công tác khám, chữa bệnh thường niên cho quân và dân trên các nhà giàn DK1 và các đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân. Trong chuyến công tác này, đoàn còn khám, điều trị bệnh cho nhiều ngư dân hoạt động đánh bắt hải sản trên vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa. (Sức khỏe & Đời sống trang 2)